Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

19. Quản lý sự vụ và chi phó bất phụ trái

QUẢN LÝ SỰ VỤ VÀ CHI PHÓ BẤT PHỤ TRÁI

I. QUẢN LÝ SỰ VỤ
Quản lý sự vụ (la gestion d’affaires: quản lý kinh doanh) là hành vi của một người, gọi là người quản lý (le gérant, negotiorum gestor: người quản lý, người đàm phán), tự ý coi sóc công việc của một người khác; người này được gọi là chủ nhân của sự vụ (le maitre de l’affaire, le géré). Quản lý sự vụ khác trường hợp ủy quyền (mandat: thi hành) hoặc quản lý pháp định hay tư pháp các tài sản của người khác, vì hai trường hợp sau này không có tính cách hồn nhiên phát động mà bắt nguồn hoặc ở ý chí của người ủy quyền hoăc ở luật pháp hoặc do án văn. Tuy nhiên, giữa hai định chế quản lý sự vụ và ủy quyền, cũng có nhiều mối liên lạc. Cả ba bộ DLP, DLB, DLT đều quy địn rằng người quản lý sự vụ phải chịu tất cả các nghĩa vụ của người ủy phái. Vì vậy, ngoài quy định rất vắn tắt của nhà làm luật về quản lý sự vụ, tòa án còn phải áp dụng thêm các điều khoản liên quan về khế ước ủy quyền. Lần lượt chúng ta xét về hai điểm: Điều kiện và hiệu lực của quản lý sự vụ.
I.1. Các điều kiện quản lý sự vụ: Các điều kiện quản lý sự vụ liên hệ đến: 1. Người quản lý; 2. Chủ nhân sự vụ; 3. Hành vi quản lý.
I.1.1. Điều kiện về người quản lý: Người quản lý phải có ý chí coi sóc công việc cho một người khác, khi làm hành vi quản lý. Điều 708 DLB và 757 DLT chép nguyên văn 1372 DLP và quy định: “Khi tự ý, người ta quản lý công việc của người khác, hoặc sở hữu chủ biết đến hay không biết đến, thì việc quản lý ấy mình đã bắt đầu làm, cũng coi như là đã mặc nhiên cam đoan phải làm cho trọng, cho đến khi sở hữu chủ có thể tự đương lấy được; mọi việc phụ thuộc với việc mình quản lý đó, cũng phải trông nom hết cả. Người quản lý ấy phải chịu tất cả các nghĩa vụ, không khác gì như sở hữu chủ đã có phân minh ủy thác cho mình vậy”. Do đó, khi nào người ta tưởng rằng hoặc suy nghĩ rằng, họ vẫn coi sóc công việc cho chính họ thì không thể áp dụng các điều khoản về quản lý sự vụ được, vì thiếu yếu tố tinh thần nói trên. Thí dụ: Một người đã bỏ tiền ra sửa chữa một cái nhà vì tưởng lầm rằng, họ là sở hữu chủ. Trong trường hợp này không có sự quản lý sự vụ mà chỉ là sự đắc lợi vô nguyên nhân cho chủ nhân thực sự của cái nhà ấy. Người bỏ tiền ra sửa chữa chỉ có thể xin bồi hoàn trong giới hạn sự lợi đắc của sở hữu chủ. Nếu số tiền sửa chữa lớn hơn hạn ngạch số đắc lợi này, thì người đã ứng tiền ra sửa chữa phải chịu thiệt. Trái lại, trong trường hợp quản lý sự vụ, người quản lý có thể xin bồi hoàn toàn thể phí tổn đã được ứng trước. Tuy vậy, không bắt buộc công việc quản lý chỉ có thể lợi riêng cho chủ nhân. Công việc ấy vừa có thể lợi cho chủ nhân, vừa lợi cho người quản lý, như trong trường hợp là đồng sở hữu bỏ tiền ra sửa chữa một cái nhà mà quyền sở hữu thuộc về nhiều người. người quản lý cũng không bắt buộc là người có năng lực vì các nghĩa vụ của người quản lý do luật pháp quy định, chứ không phải do ý chí của họ mà có. Trong dân luật, sở dĩ có những điều khoản quy định về năng lực của người kết ước, chính là vì mục đích bảo vệ ý chí và quyền lợi của người kết ước, để tránh sự trục lợi của đối phương. Những mối quan tâm này không còn lý do để tồn tại trong trường hợp quản lý sự vụ, vì vậy người quản lý có thể là người vô năng lực. Tuy nhiên, nếu người quản lý là người vô năng lực, phạm vi nghĩa vụ của chủ nhân sự vụ sẽ thay đổi tùy theo thái độ của người quản lý.
a. Nếu các khế ước do người quản lý vô năng lực đứng tên riêng ký kết, các khế ước ấy vô hiệu đối với người quản lý. Vì vậy, chủ nhân sự vụ không pải bồi hoàn gì cho người quản lý; nhưng đối phương kết ước có thể yêu cầu chủ nhân sự vụ bồi thường trên căn bản lý thuyết đắc lợi vô nguyên nhân, nghĩa là trong giới hạn của sự đắc lợi.
b. Người quản lý vô năng có thể xác nhận các khế ước đã được ký kết; sau khi thi hành khế ước, người quản lý có thể yêu cầu chủ nhân sự vụ bồi hoàn như trong trường hợp quản lý thông thường. Nhiều khi, giữa người quản lý và chủ nhân sự vụ, đã có những mối quan hệ pháp lý từ trước: như sự quản lý sự vụ giửa các người đồng hữu chủ, hoặc giữa một người hưởng quyền dụng ích và hư chủ. Hơn nữa, những hành vi quản lý có thể được thực hiện giữa hai người đã kết ước với nhau. Tuy nhiên, nếu hành vi quản lý không được khế ước dự liệu như một cung khoản thì có thể áp dụng sự quy định về quản lý sự vụ. Trái lại, nếu việc quản lý chỉ là cung khoản của khế ước thì sự thực hiện hành vi ấy chỉ nằm trong khuôn khổ thi hành khế ước.
I.1.2: Điều kiện về chủ nhân sự vụ: Trên nguyên tắc, người chủ nhân phải không chấp thuận sự quản lý, vì một khi đã có sự chấp thuận, sự quản lý sẽ có tính chất một sự ủy quyền. Về phương diện này, trong Cổ luật La Mã, điều kiện còn chặt chẽ hơn nữa và bắt buộc rằng, người chủ nhân của sự vụ không hề hay biết sự quản lý. Nếu biết sự quản lý mà không ngăn cản sự can thiệp thì cũng như đã ủy quyền. Tuy nhiên, 1372 DLP, 708 DLB, 757 DLT thì quy định rằng, có thể quản lý sự vụ, bất luận là chủ nhân có hay biết sự quản lý hay  không. Trong thực tế, nếu người chủ nhân biết sự việc quản lý mà không ngăn cản thì cũng có thể kết luận rằng, họ đã mặc thị ưng thuận. Vì vậy án lệ của Pháp đã có một thái độ tế nhị hơn và tùy trường hợp, phán định rằng, sự quản lý là một quản lý sự vụ hay một sự ủy quyền mặc nhiên. Nhưng dù quản lý trong bất cứ trường hợp nào, cũng cần chủ nhân sự vụ không phản đối sự quản lý. Nếu có sự phản đối của chủ nhân mà người ngoài vẫn can thiệp thì tất nhiên, hành vi ấy là một sự quá thất, phát sinh trách nhiệm dân sự phạm. Vì sự quản lý không cần đến ý chí hay sự ưng thuận của chủ nhân, nên năng lực của người này cũng không thành một điều kiện của quản lý sự vụ. Điểm này cũng hợp lý, vì các quy tắc về vô năng lực chỉ được dự liệu để bảo vệ người vô năng về những hành vi do chính họ làm ra mà thôi. Vẫn biết rằng, trong một vài trường hợp, sự bảo vệ ấy cũng bao trùm cả những hành vi của các người đại diện như những hành vi của người giám hộ đã vượt quá quyền hạn của họ. Nhưng nên nhớ rằng, những quyền hạn của người giám hộ cũng chỉ được quy định để bảo vệ bảo nhi mà thôi. Trong trường hợp quản lý sự vụ thì khác hẳn, vì vậy không cần đòi hỏi rằng chủ nhân sự vụ phải có năng lực.
I.1.3. Điều kiện về hành vi quản lý: Khác với sự ủy quyền chỉ liên hệ đến hành vi pháp lý, quản lý sự vụ có thể bao gồm những sự kiện thể chất cũng như những hành vi pháp lý. Quan niệm rộng rãi này bắt nguồn từ cổ luật La Mã.
a. Đối với những hành vi pháp lý: Người quản lý có thể hành động theo hai thể thức: Hoặc người quản lý nhân danh chủ nhân sự vụ ký kết khế ước, hoặc họ đứng tên chính mình ký kết các khế ước ấy, nhưng với ý định để cho chủ nhân sự vụ hưởng lợi.
b. Đối với các sự kiện thể chất (fait matériel: thực tế vật chất): án lệ cũng coi các sự kiện này có thể nằm trong khuôn khổ quản lý sự vụ, và như vậy, phạm vi của định chế này đã được án lệ mở rộng. Cứu một nạn nhân, giúp một người chữa xe hơi bị hỏng, hãm một con ngựa đang lồng lên chạy, nếu các sự kiện ấy gây ra những sự thiệt hại cho người làm các hành vi ấy, thí dụ như họ bị thương chữa thuốc thì họ cũng có thể xin bồi hoàn trên căn bản quản lý sự vụ.
Về phương diện dẫn chứng, các sự kiện thể chất có thể được dẫn chứng bằng đủ mọi phương tiện. Đối với các hành vi pháp lý, cần phải phân biệt: Nếu người quản lý muốn nại những hành vi ấy để đòi chủ nhân sự vụ phải bồi hoàn, lẽ tất nhiên phải tuân theo cách dẫn chứng đã được quy định trong luật về loại hành vi này; nói khác đi, họ phải viện dẫn bút chứng hay một khởi chứng văn thư. Đối phương đã ký kết với người quản lý cũng phải tuân theo giải pháp ấy. Trái lại, đối với chủ nhân sự vụ, vì họ không ký kết các chứng thư ấy, sự dẫn chứng được án lệ chấp nhận bằng đủ mọi phương tiện, không bắt buộc phải nại một bút chứng. Nhưng bất luận có tính cách thể chất hay pháp lý, hành vi quản lý bao giờ cũng phải thỏa mãn hai điều kiện:
1. Việc quản lý bao giờ cũng phải có ích lợi thật sự cho chủ nhân: Điều 711 DLB, 760 DLT, 1375 DLP đều dự liệu rằng công việc của chủ nhân phải được quản lý chu tất. Do đó, giữa quản lý sự vụ và khế ước ủy quyền có một sự sai biệt cần phải được nhấn mạnh. Người thụ ủy có thể được ủy quyền để làm một việc không có ích lợi gì cho chủ nhân, nhưng người quản lý sự vụ thì phải nhất thiết phải có ích lợi cho chủ nhân mới được làm. Muốn biết hành vi của người quản lý có ích lợi cho chủ nhân hay không, cần phải thẩm lượng vào lúc hành vi ấy được thực hiện. Nếu sau lúc ấy, hành vi của người quản lý mất tính cách có ích lợi thì cũng không vì thế mà mất đi tính có ích. Thí dụ: Một người láng giềng của ông Giáp đã tự ý chữa giúp nhà cho ông Giáp trong khi ông này vắng mặt. Nếu sau đó vì một trận bão, cái nhà kia bị sụp đổ thì hành vi của người sửa giúp nhà cho ông Giáp cũng không mất đi tính chất của một quản lý sự vụ. Do đó, cũng cần phân biệt hai trường hợp hành vi quản lý và đắc lợi vô nguyên nhân. Trong quản lý sự vụ, như thí dụ trên đã tỏ rõ, rất có thể chủ nhân sự vụ không thu hoạch được sự đắc lợi nào mà vẫn có nghĩa vụ bồi hoàn cho người quản lý.
2. Hành vi quản lý trên nguyên tắc phải là một hành vi quản trị (acte d’administration: hành chính): Sự quy định trong dân luật về vấn đề quản lý sự vụ có mục đích khuyến khích các tư nhân đứng ra trông nom công việc của một người khác bị sao lãng. Lẽ dĩ nhiên, một sự quản lý chu tất tài sản cần phải được thu hẹp vào trong phạm vi các hành vi quản trị và không thể xâm phạm vào các tài sản ấy bằng các hành vi sử phân (acte de disposition). Nhưng án lệ của Pháp chấp nhận một giải pháp thực tế hơn và trong vài trường hợp đặc biệt đã coi rằng một số hành vi sử phân cũng không làm mất tính cách quản lý sự vụ. Thí dụ: Việc bán các hóa phẩm dễ bị tiêu hao (denrées périssables: hàng dễ hư hỏng), giải hiệu một khế ước thuê nhà.
I.2. Các hiệu lực của sự quản lý sự vụ: Quản lý sự vụ đã tạo ra cho người quản lý cũng như chủ nhân một số nghĩa vụ. Các nghĩa vụ này đã được quy định minh thị dưới đề mục “quản lý sự vụ”; song còn phải tham khảo các điều khoản về “việc ủy quyền nữa” (1991 DLP, 1172 DLB, 1396 DLT).
I.2.1. Nghĩa vụ của người quản lý: Khoản thứ hai cảu các điều 708 DLB, 757 DLT và 1372 DLP qui định rõ rằng: “Người quản lý sự vụ còn phải tuân hành tất cả các nghĩa vụ của một người thụ quyền, cũng như chủ nhân sự vụ đã ủy quyền cho y quản lý tài sản”. Khi một người đã tự ý quản lý cho một người khác, dù sau này chủ nhân có hay biết việc quản lý hay không, người ấy bó buộc phải tiếp tục việc làm mà họ đã tự ý đảm lãnh. Họ có bổn phận phải làm cho xong công việc hoặc tiếp tục làm cho tới khi chủ nhân có thể tự đảm nhận lấy công việc. Ngoài ra, người quản lý còn phải đảm nhận tất cả mọi sự vụ phụ thuộc liên quan tới việc quản lý mà y đã tự đảm nhiệm (khoản 1 708 DLB, 757 DLT, 1372 DLP). Người quản lý cũng phải tiếp tục quản lý nếu sau này chủ nhân mệnh một trước khi sự vụ hoàn thành, cho tới khi nào kẻ kế quyền của chủ nhân có thể tự đảm nhận lầy sự vụ (709 DLB, 758 DLT, 1373 DLP). Theo điều 1374 DLP, người quản lý sự vụ phải thi hành nghĩa vụ như một người lương phụ (un bon père de famille: một người cha tốt). Hai bộ luật DLB và DLT lại quy định khác. Điều 710 DLB dự liệu rằng: “người quản lý phải trông nom công việc cho cẩn thận như một tay quản trị chu đáo vậy”. Còn Điều 759 DLT quy định “Người quản trị phải đảm đương công việc như của mình vậy”. Đây là một ví dụ kỳ thú về cách hành văn của luật pháp. Hai điều 710 DLB, 799 DLT vốn được dịch theo cùng một bản Pháp văn “Il est tenu d’apporter à la gestion de l’affaire tous les soins d’un bon administrateur: Anh ta được yêu cầu phải mang tất cả sự quan tâm của một nhà quản trị giỏi vào việc quản lý doanh nghiệp”. So với bản Pháp văn này, chúng ta nhận thấy bản dịch của DLB theo sát nghĩa hơn bản DLT. Điều cần được vạch rõ là sự dịch sai nghĩa thể hiện tại điều 759 DLT, đã đem lại một hệ quả quan hệ trên phương diện pháp lý. Sự thật nhà làm luật trong bản Pháp văn cũng như trong điều 710 DLB, chỉ chấp nhận một tiêu chuẩn thẩm lượng trừu tượng về thái độ của người quản lý (appréciation în abstracto: đánh giá cao một cách trừu tượng). Nói cách khác, muốn biết người quản lý có làm một quá thất nào trong hành vi quản lý hay không, ta chỉ cần so sánh họ với người quản trị chu đáo, (hay một người lương phụ, nếu muốn dùng danh từ của DLP). Ta phải xét xem một người quản trị chu đáo, nếu được đặt vào vị trí của người quản lý sự vụ, có hành động giống như họ không. Như vậy, ta đã dùng tiêu chuẩn trừu tượng. Trái lại, Điều 759 DLT, bắt buộc người quản lý phải trông coi công việc giống như việc của họ. Điều này đã chấp nhận một quan niệm thẩm lượng cụ thể (appréciation in concreto). Muốn biết người quản lý có làm quá thất trong việc quản trị hay không, ta phải so sánh cách quản trị đã làm với cách quản trị mà người quản lý sẽ thực hiện, nếu chính là công việc của y. Tiêu chuẩn chính ở đây là người quản lý, một trường hợp cụ thể, khác hẳn với tiêu chuẩn trước là một tiêu chuẩn trừu tượng (một người lương phụ hay một người quản trị chu đáo). Tuy người quản trị phải chịu trách nhiệm về các quá thất đã làm trong khi quản trị tài sản cho chủ nhân, song tòa án không bắt buộc phải áp dụng triệt để các nguyên tắc về trách nhiệm dân sự phạm. Theo Điều 710 DLB, 759 DLT, và 1374 DLP, tòa án có thể chiếu theo các tình trạng đã thúc giục người quản lý trông coi công việc cho chủ nhân để giảm bớt ngạch số mà y phải bồi thường cho chủ nhân, vì các quá thất trong việc quản trị. Cũng nên hểu thêm rằng, người quản lý sự vụ còn phải có nghĩa vụ tường trình công cuộc quản lý mà họ đã làm cho chủ nhân biết; nếu người quản lý không làm nghãi vụ này thì chủ nhân có thể buộc y phải tường trình cho mình biết công việc quản lý (708 DLB, 757 DLT, 1372 và 1993 DLP). Nếu đem so sánh những nghĩa vụ của người quản lý sự vụ sẽ thấy pháp luật tỏ rõ ra nghiêm khắc với người quản lý sự vụ hơn là đối với người thụ quyền. Sở dĩ nhà lập pháp tỏ vẻ khắc khe với người quản lý sự vụ hơn vì người quản lý đã tự ý mình đảm nhận lấy các nghĩa vụ này.
I.2.2. Nghĩa vụ của người chủ nhân: Theo Điều 711 DLB, 760 DLT, 1375 DLP, nếu việc quản lý được thi hành một cách chu đáo (affaire bien administrée: kinh doanh được quản lý tốt), chủ nhân sự vụ phải có các nghĩa vụ sau đây đối với người quản lý:
a. Chủ nhân phải đảm nhận thi hành các điều mà người quản lý đã nhân danh y, cam kết với kẻ khác, vì khi cam kết, người quản lý đã không lấy tư cách cá nhân mình mà lấy tư cách người đại quyền cho chủ nhân như một người thụ ủy. Giả thiết, trong khi bạn tôi đi làm ăn xa, căn nhà của bạn tôi bị gió lốc hỏng, tôi đã đứng ra ký kết với một kiến trúc sư cho thợ tới sửa sang lại căn nhà ấy. Nếu sau đó bạn tôi trở về, lẽ cố nhiên bạn tôi phải tuân theo những điều mà tôi đã nhân danh bạn của tôi ký kết. Nếu có vụ tranh tụng xảy ra, kiến trúc sư đã kết ước với tôi, sẽ phải kiện bạn tôi trước tòa.
b. Chủ nhân còn phải bồi hoàn cho người quản lý tất cả các khoản chi tiêu hữu ích hay cần thiết (dépenses utiles ou nécessaires: chi phí hữu ích hoặc cần thiết) cho công việc quản lý sự vụ. Nghãi vụ này của chủ nhân cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, Luật gia
Gabriel Baudry-Lacantinerie (1837-1913) đề nghị bỏ danh từ “cần thiết”, vì lẽ một việc gì đã hữu ích, tất nhiên phải là cần thiết.
c. Ngoài ra, chủ nhân còn phải đảm nhận tất cả mọi điều mà người quản lý với danh nghĩa cá nhân đã cam kết với kẻ khác. Thí dụ: Trong khi quản lý sự vụ, có nhiều lúc người quản lý nhân danh chính mình để cam kết với người đệ tam. Nếu việc cam kết này hữu ích, lẽ tất nhiên chủ nhân cũng phải gánh chịu, nếu không chịu thì chủ nhân sự vụ đã đắc lợi không nguyên nhân.
d. Đối với hành vi có tính cách dân sự phạm do người quản lý đã làm trong khi quản lý sự vụ, khiến một người đệ tam phải chịu một sự tổn thiệt, người chủ nhân sự vụ có phải trách nhiệm bồi tổn thay thế cho người quản lý không? TRong bản án ngày 4-5-1961 (PL.1961.HI.62), Tòa thượng thẩm Saigon đã xử rằng, vì người quản lý đại diện cho người chủ ủy, “mọi hành vi của người quản lý hành động với tư cách quản lý phát sinh hậu quả không phải với người quản lý mà chính với người chủ ủy”. Do đó, nếu người chủ xe đã giao xe xe cho một người khác quản lý và làm xẩy ra tai nạn, người chủ xe không thể nói được rằng không có liên hệ pháp lý gì với nạn nhân. Trái lại, án văn bồi thường chỉ có thể chấp hành trên tài sản của người chủ ủy mà không thể chấp hành trên tài sản của người quản lý.
Nói tóm lại, chủ nhân sự vụ có nghĩa vụ tổng quát phải đảm nhận mọi điều cam kết, mọi khoản chi tiêu mà người quản lý đã làm nếu việc quản lý sự vụ được thi hành một cách đứng đắn. Theo án lệ, sự quản lý có tính cách đứng đắn khi nào người quản lý thi hành những việc có ích lợi cho chủ nhân. Kh thẩm lượng tính cách đứng đắn của sự quản lý, nghãi là, tìm xem việc người quản lý đã làm có đem lại ích lợi gì cho chủ nhân không, chúng ta đã biết rằng, tòa án phải căn cứ vào lúc khởi đầu làm sự vụ ấy. Nếu sự quản lý không được thi hành đứng đắn hoặc giả người quản lý thiếu bổn phận, hay sơ khoáng nghĩa vụ, chủ nhân sự vụ có thể yêu cầu tòa án buộc người quản lý thi hành nghĩa vụ hoặc buộc y phải bồi thường. Tố quyền chủ nhân sự dụng rong trường hợp này được gọi là tố quyền quản lý chính diện (negotiorum gestorum directa). Trái lại, nếu quản lý sự vụ được thi hành một cách đứng đắn mà chủ nhân không chịu thi hành nghĩa vụ của y, người quản l1y có thể đừng xin tòa cho thi hành các nghĩa vụ ấy. Trong trường hợp này, tố quyền quản lý được phép sử dụng là một tố quyền quản lý phản diện (negotiorum gestorum contraria). Như vậy, ngoài những điểm dị biệt, sự quản lý sự vụ đã tạo cho người quản lý và cho chủ nhân sự vụ những nghĩa vụ tương tự như trong một khế ước ủy quyền vậy. Trên phương diện pháp lý, người quản lý và chủ nhân sự vụ có địa vị tương tự như người thụ quyền và người ủy quyền. Và cũng do đó, trên thực tế, các tòa án đã thường áp dụng đa số các quy lệ liên hệ về khế ước ủy quyền cho sự quản lý sự vụ.

II. CHI PHÓ BẤT PHỤ TRÁI
Về phương diện danh từ pháp lý, chi phó (paiement: sự chi trả) không phải chỉ có nghĩa là trả nợ bằng tiền. Danh từ này có một định nghĩa bao quát hơn: Chi phó là thi hành cung khoản mà mình đã cam kết, có thể đó là một số tiền hoắc là một nghĩa vụ nào khác. Trong sự chi phó, người thực hiện cung khoản gọi là người chi phó (le solvens) và người nhận được cung khoản gọi là người thu nhận (l’accipiens: tiếp nhận). Chi phó bất phụ trái (le paiement de l’indu: thanh toán quá hạn) là thi hành một cung khoản mà mình không hề cam kết và cũng không hề có chủ ý trả nợ cho một người khác. Trong trường hợp chi phó bất phụ trái, người chi phó sẽ thành một trái chủ và người thu nhận sẽ thành một người phụ trái, phải hoàn lại cung khoản mà mình đã tiếp nhận. Trường hợp chi phó bất phụ trái đã được phân tích trong cổ luật La Mã. Luật gia Gaius (130-180) đã so sánh trường hợp này với khế ước phóng trái tiêu dụng (le mutuum: khoản vay). Trong khế ước phóng trái tiêu dụng (nghãi là cho vay để tiêu dung, người trái chủ giao cho người phụ trái một đồ vật; vì sự giao nạp đó mà đã phát sinh ra nghĩa vụ cho người phụ trái. Tuy nhiên, hai trường hợp này không hẳn giống nhau. Trong sự chi phó bất phụ trái, khi người chi phó thực hiện cung khoản, người này không có ý chí kết ước; trái lại, họ tưởng rằng họ có nghĩa vụ phải tiêu diệt món nợ. Trong bộ dân luật Pháp, nhà làm luật đã quy định nghĩa vụ của người thâu nhận một khoản bất phụ trái trong hai điều: Theo k1, điều 1235 DLP, mọi sự chi phó phải tương ứng với một món nợ; nếu có sự chi phó mà không có nợ thì có thể đòi lại được; và theo Điều 1376 DLP, người nào bất luận là lầm lẫn hay không, đã tiếp nhận một cung khoản không phải là một món nợ, có nghĩa vụ phải hoàn lại cung khoản ấy cho người nào đã giao nạp cho mình. Các nội dung này đều được chép lại tại các điều 788 DLB, 849 DLT, 702 DLB, 750 DLT. Tố quyền mà người chi phó được hành sử để đòi lại cung khoản của mình là tố quyền thu hoàn bất phụ trái (action en répétition de l’indu: biện pháp thu hồi nợ quá hạn, trong Luật La Mã gọi là condictio indebiti: tình trạng của khoản nợ).
II.1. Các điều kiện của chi phó bất phụ trái. Theo ba bộ dân luật Bắc, Trung và Pháp thì trường hợp chi phó bất phụ trái phải thỏa ba điều kiện: 1. không có một trái vụ; 2. Có sự lầm lẫn của người chi phó; 3. Người thu nhận không phá hủy mất bằng khoán về món nợ của mình.
II.1.1: Không có một trái khoản: Điều kiện thứ nhất là sự chi phó không được biện minh bằng một trái khoản nào, bất luận là một trái khoản dân sự hay thiên nhiên. Nếu có một trái khoản thiên nhiên, trái khoản ấy, trên nguyên tắc, cũng là một nguyên nhân hữu hiệu cho sự chi phó và như vậy, người chi phó không thể yêu sách thâu hoàn lại. Nhưng theo k.2, Điều 1235 DLP, nhà làm luật đã đặt một điều kiện: Sự thâu hoàn không được chấp nhận đối với những nghĩa vụ thiên nhiên đã được tự ý thi hành. Điều khoản này được lặp lại trong điều 840 khoản 3 DLT, nhưng không được đề cập tối trong dân luật Bắc. Như vậy, theo hai điều khoản nói trên, trong trường hợp một nghĩa vụ thiên nhiên, nếu người phụ trái tự ý thi hành,họ sẽ không thể hành sử tố quyền thu hoàn bất phụ trái. Họ chỉ có quyền này khi tưởng lầm rằng họ thi hành một nghĩa vụ dân sự. Khi nào có thể nói rằng không co trái khoản? Điều kiện để không có trái khoản được thể hiện một trong ba trường hợp:
a. Người chi phó không phải là người phụ trái mà người thu nhận cũng không phải là trái chủ. Đây là trường hợp đơn giản nhất. Thí dụ: Người phụ trái đã thi hành một khế ước đã được hủy bỏ.
b. Người chi phó là một người phụ trái, nhưng người thu nhận không phải là trái chủ. Thí dụ: Một người thừa kế đã giao nhầm một vật di tặng cho một người không hề được chỉ định trong di chúc.
c. Người thu nhận là trái chủ nhưng người chi phó không phải là người phụ trái. Thí dụ: Một người đồng thừa kế đã trả cho chủ nợ toàn thể trái khoản, nghĩa là đã trả quá phần nợ mà y phải đảm đương với các người đồng thừa kế khác.
Ta phải đồng hóa trường hợp một nghĩa vụ vô hiệu với trường hợp không có trái khoản. Nói một cách khác, khi người chi phó thi hành một nghĩa vụ vô hiệu, họ cũng được quyền hành sử tố quyền thu hoàn bất phụ trái (condictio indebiti). Sự đồng hóa này chỉ là một hệ  luận tất nhiên của quan niệm pháp lý về sự vô hiệu. Khi có một nghãi vụ vô hiệu, tất cả các hiệu lực của nghĩa vụ này phải được xóa bỏ kể cả trong quá khứ, và nguyên trạng phải được thiết lập lại; vì vậy, người chi phó phải được sử dụng tố quyền nói trên. Tuy vậy, án lệ cũng chấp nhận hai trừ lệ:
– Trừ lệ thứ nhất: Người vô năng lực chỉ bắt buộc bị hoàn lại trong phạm vi đã thu hoạch sự đắc lợi;
– Trừ lệ thứ hai: Liên hệ đến sự áp dụng tục dao La tinh Nemo auditur propriam turpitudinem allegans” (Không ai có thể nại một hành vi phi luân của mình). Theo tục giao này, nếu một người đã ký kết một khế ước vô hiệu vì có tính cách phi luân và đã thi hành khế ước ấy thì không thể xin thâu hoàn lại cung khoản mà mình đã thực hiện. Án lệ của Pháp thường áp dụng tục dao này cho các khế ước phương hại đến thuần phong mỹ tục trong phạm vi tính  giao. Thí dụ: đối với các khế ước liên quan đến nhà điếm, không thể đòi được tiền mua nhà để làm nhà điếm (Civ.15-121873.D.74.I.222), cũng không thể đòi được tiền mua nhà cho vay để mua nhà điếm (Reg. 1-4-1895.D.95.I.263), hoặc đòi tiền bồi thường, nếu chủ nhà điếm bị đuổi không được thuê nhà (Civ. 27-12-1945 Gaz. Pal. số 23.26 tháng Fevrier 46), đòi tiền đã giao để duy trì tình trạng ngoại hôn hay ngoại tình.
Sự áp dụng tục dao “Nemo auditur propriam turpitudinem allegans” cũng bị dị nghị trong học lý, vì một số luật gia cho rằng tục dao này có hậu quả tai hại làm cho một số khế ước bại luân vốn vô hiệu lại có thể phát sinh ra một hiệu lực bất công. Thí dụ một khế ước mua bán cái nhà để làm nhà điếm, nếu người mua có mánh lới xin giao nhà và đến ở trước khi trả tiền, họ có thể xin tiêu hủy khế ước mùa nhà, không chịu trả tiền mua và cũng không chịu hoàn lại nhà, mà người bán đành chịu thúc thủ vì sự áp dụng tục dao kể trên. Để biện minh cho tục dao này, hai luật gia Aubry và Rau cho rằng sở dĩ tòa án áp dụng tục dao ấy là vì không muốn xét xử những vụ kiện liên hệ đến khế ước bại luân, trái với phẩm cách thẩm phán. Nhưng luận cứ này không xác đáng. Nếu thực sự vì lý do phàm cách của các thẩm phán, thì tòa án bắt buộc phải từ chối xét xử tất cả các vụ kiện liên hệ đến những khế ước vô luân, như các vụ kiện xin tiêu hủy khế ước ấy chứ không thể chỉ từ chối không xét các vụ kiện xin hoàn lại một cung khoản đã thi hành rồi trong loại khế ước ấy. Vẫn biết rằng sự áp dụng tục giao “Nemo auditur propriam turpitudinem allegans” có thể đưa tới một kết  quả bất công như một số luật gia đã vạch rõ, nhưng sự áp dụng ấy có một tác dụng về phương diện luân lý: nhờ cóc tục dao ấy, các người kết ước biết rõ rằng sự kết lập một khế ước vô luận là đầy trắc trở. Tục dao Nemo auditur propriam turpitudinem allegans” có tác dụng ngăn ngừa sự kết lập các khế ước bại luân. Trong thực tế, tục dao nào cũng nêu lên nhiều khó khăn về phạm vi áp dụng. Đối với các khế ước bại luân vì liên hệ đến vác vấn đề tính giao, như trên đã nhấn mạnh, án lệ thường áp dụng tục dao này, và không có sự dị nghị nào. Nhưng đối với các bại luân vì lý do khác, án lệ không đồng nhất.(Xem thêm trang 401)
II.1.2. Sự lầm lẫn của người chi phó: Nếu người chi phó biết rằng mình không có ý nghãi vụ mà vẫn thực hiện cung khoản, tất nhiên họ có chủ ý muốn làm một sự ân tặng hoặc muốn trả nợ cho người khác. Vì vậy, trong trường hợp này người chi phó không thể hành sử tố quyền thu hoàn bất phụ trái. Điều kiện về sự lầm lẫn của người chi phó được nhà làm luật dự liệu minh bạch trong điều 703 DLB, 751 DLT, và 1377 DLP. Điều kiện này có từ trong cổ luật La Mã. Lẽ dĩ nhiên, người chi phó muốn hành sử tố quyền thu hoàn bất phụ trái, phải dẫn chứng được sự lầm lẫn của họ. Các tác giả và các tòa án đều đồng ý rằng không nên phân biệt sự lầm lẫn về thực tại (erreur de fait: sự thật là sai lầm) với sự lầm lẫn về pháp luật (erreur de droit: lỗi lầm) đối với người chi phó. Tuy nhiên, có một trường hợp đặc biệt khiến ta phải lưu tâm. Một người đã chi phó vì tin tưởng rằng có một nguyên nhân vị lai (cause future: vì tương lai), nhưng vì sau, nguyên nhân này không xảy ra. Người ấy có thể xin hoàn bất phụ trái được, mặc dù khi chi phó, người này không hề bị lầm lẫn. Thí dụ: Ông Giáp giao cho ông Ất hai căn nhà và trong văn tự viết rõ là cho đứt hai căn nhà đó cho ông Ất vì ông Giáp tin tường rằng ông Ất sẽ cưới con gái mình. Về sau, hôn nhân không thành, ông Giáp có thể đòi trả lại hai căn nhà đó trên căn bản chi phó bất phụ trái (Bourges, 18 Novembre 1890. D.92.11.21). Án lệ của Pháp cũng đồng hóa tình trạng bị cưỡng bách với sự lầm lẫn. Trong bản án Civ. 2.4.1810, một con nợ đã trả nợ nhưng vì đánh mất biên lai nên bị người trái chủ kiện đòi nợ một  lần thứ hai; người phụ trái đã phải trả nợ một lần nữa. Trường hợp cưỡng bách này cho phép đương sự được hành sử tố quyền thu hoàn bất phụ trái (condictio indebiti). Tuy nhiên, có một trường hợp người chi phó không cần phải dẫn chứng sự lầm lẫn của mình. Đó là trường hợp các nghiã vụ vô hiệu. Khi một người thi hành một nghãi vụ vô hiệu, mặc dù họ đã biết rõ sự vô hiệu ấy, án lệ vẫn chấp nhận rằng họ được quyền hành sử tố quyền thâu hoàn bất phụ trái. Trừ lệ này là một hệ luận của quan niệm pháp lý về sự vô hiệu: khi một nghĩa vụ vô hiệu, tất nhiên phải tái lập lại hiện trạng ban đầu. Song cũng cần nhấn mạnh rằng, giải pháp trên đây chỉ áp dụng cho sự vô hiệu tuyệt đối. Đối với sự vô hiệu tương đối, như khế ước do một người vô năng lực ký kết hoặc trường hợp có sự hà tỳ của sự ưng thuận, sự thi hành khế ước được coi là một sự mặc nhiên xác nhận; vì lẽ ấy đương sự không thể hành sử tố quyền nói trên.
II.1.3. Người thu nhận không phá hủy bằng khoán món nợ của mình: Theo khoản 2 Điều 703 DLB, 751 DLT, 1377 DLP, nếu sau khi được chi phó người chủ nợ đã ngay tình phá hủy bằng khoán về món nợ của mình, thì người chi phó không được quyền hành sử tố quyền thâu hoàn bất phụ trái mà chỉ còn có thể kiện con nợ đích thực. Các điều khoản này đã được quy định cho các trường hợp sau đây:
– Người trái chủ được trả nợ, nhưng sự chi phó này không do con nợ chi trả mà lại do một người ngoài thực hiện. Sau khi được trả nợ, người trái chủ đã ngay tình hủy bỏ văn tự nợ của mình. Trong trường hợp này, người chi phó chỉ có thể kiện được người phụ trái đích thực mà không thể kiện người trái chủ. Sở dĩ nhà làm luật quy định như vậy là vì muốn bảo vệ quyền lợi của người trái chủ ngay tình. Nếu cho phép người chi phó được hành sử tố quyền để thâu hoàn bất phụ trái sau khi người trái chủ đã hủy bỏ văn tự nợ, người trái chủ sẽ bị đặt vào một hoàn cảnh thu thiệt vì không còn bằng chứng để kiện con nợ. Căn cứ vào sự giải thích này chúng ta nhận thấy rằng sự áp dụng các điều khoản nói trên đòi hỏi hai điều kiện:
a. Người trái chủ phải ngay tình khi họ phá hủy bằng chứng về món nợ (điều kiện này được ghi rõ trong luật)
b. Người phụ trái đích thực phải từ chối món nợ của mình vì nếu họ không từ chối thì người trái chủ vẫn có thể kiện đòi nợ người phụ trái đích thực mặc dù bằng khoán đã mất (tuy điều kiện này không được ghi trong luật nhưng là một điều kiện tất nhiên phải thế). Án lệ Pháp đã giải thích các điều khoản nói trên một cách rõ rộng rãi và cũng từ chối, không thừa nhận cho người chi phó được hành sử tố quyền thu hoàn bất phụ trái (condictio indebiti), nếu người trái chủ sau khi được người đệ tam trả nợ, đã để món nợ đó bị thời hiệu tiêu diệt hoặc đã bỏ những bảo chứng đảm bảo cho món nợ này.
II.2. Hiệu lực của sự chi phó bất phụ trái: Lần lượt ta sẽ xét hiệu lực đối với người thu nhận và hiệu lực đối với với người chi phó
II.2.1. Hiệu lực đối với người thu nhận: Họ có nghĩa vụ phải hoàn lại khoản bất phụ trái mà họ đã tiếp nhận. Tuy nhiên, phạm vi nghĩa vụ này cũng thay đổi tùy theo họ có tà tâm hay ngay tình.
a. Trong trường hợp tà tâm: Cổ luật La Mã coi người thu nhận như một người ăn cắp. Trong dân luật hiện tại, người thu nhận bị đồng hóa với một người chấp hữu gian ý. Nói cách khác, người chi phó sẽ không bị thua thiệt về bất cứ phương diện nào. Do đó:
a1: Người thu nhận phải hoàn lại đồ vật và tất cả các hoa lợi đồ vật này; nếu là một số tiền thì phải hoàn lại cả gốc và lãi (Điều 704 DLB; 752 DLT; 1378 DLP. Riêng trong hai bộ dân luật Bắc và Trung, nhà làm luật còn dự liệu thêm rằng người thu nhận có thể bị tòa án phạt phải trả tiền bồi thường ngoài các khoản giao hoàn nói trên.
a.2: Nếu người thu nhận đã bán đồ vật, họ phải hoàn lại giá trị đồ vật có vào ngày giao hoàn, bất luận giá bán rẻ hơn hay người thu nhận đã cho không vật ấy (706 DLB, 754 DLT, 1379 DLP). Riêng dân luật Trung còn trù liệu thêm một điều khoản đặc biệt: Theo Điều 755 DLT, nếu một người đệ tam đã có gian ý hoạch đắc đồ vật nói trên, người này phải giao lại đồ vật ấy cho sở hữu chủ, nghĩa là cho người chi phó bất phụ trái; sau đó, người ấy có quyền kiện lại người thu nhận đã chuyển dịch đồ vật ấy cho mình.
a3: Nếu đồ vật đã bị phá hủy, bất luận là do lỗi của người thu nhận hay do một trường hợp bất khả kháng, người thu nhận cũng phải hoàn lại giá trị mà đồ vật ấy với giá vào ngày giao hoàn.
b. Trong trường hợp ngay tình: Trách nhiệm của người thu nhận nhẹ hơn; vì vậy chỉ phải hoàn lại cho người chi phó trong phạm vi sự đắc lợi mà họ đã tiếp nhận được. Do đó:
b1: Người thu nhận chỉ hoàn lại đồ vật nhưng được giữ lại hoa lợi; nếu là một số tiền thì họ sẽ không phải trả lãi, vì một người chấp hữu ngay tình bao giờ cũng được hưởng các hoa lợi.
b2: Nếu một người đã bán hoa lợi cho người khác thì họ chỉ phải hoàn lại giá bán chứ không phải giá trị của đồ vật (706 DLB, 754 DLT, 1380 DLP).
b3: Nếu đồ vật đã bị phá hủy trong trường hợp bất khả kháng, người thu nhận ngay tình sẽ được miễn mọi trách nhiệm.
Vấn đề tế nhị cần phải phải giải quyết trong trường hợp người thu nhận là một người vô năng lực. Theo Điều 793 DLB, 855 DLT, 1241 DLP, sự chi phó sẽ không hữu hiệu nếu người trái chủ vô năng lực, trừ trường hợp người chi phó dẫn chứng được rằng sự chi phó đó đã đem lại một lợi ích cho trái chủ. Như vậy, nếu người trái chủ vô năng lực sau khi nhận được sự chi phó, đã tiêu phí hết cả số tiền ấy, có nghĩa là không thu hoạch được lợi ích gì thì sự chi phó ấy sẽ hoàn toàn vô hiệu và người chi phó cũng không thể đòi lại tiền hay đồ vật đã giao cho trái chủ. Vần đề được nêu lên là cần phải xem xét, phân biệt trong trường hợp ngay tình hoặc gian ý của người thu nhận. Theo văn từ các điều khoản này, nhà làm luật chỉ quy định một cách tổng quát, không đề cập đến ngay tình hay gian ý. Như vậy, các điều khoản nói trên cũng áp dụng cho người vô năng lực gian ý. Giải pháp này cũng dễ hiểu, vì trong thực tế, các điều khoản nói trên chỉ còn một phạm vi áp dụng rất chật hẹp, nếu phải đòi hỏi điểu kiện ngay tình; chẳng hạn người vị thành viên lúc kết ước bao giờ cũng biết rằng họ ký kết không hợp thức, nghĩa là bao giờ cũng có gian ý, tuy nhiên, nhà làm luật muốn bảo vệ họ. Theo Điều 926 DLT, 1310 DLP, các trẻ vị thành niên phải chịu trách nhiệm về các dân sự phạm và chuẩn dân sự phạm như trong trường hợp họ kết ước một cách hợp pháp và tri tình. Nhưng điều 855 DLT và 1241 DLP đã hạn chế tầm hiệu lực cảu Điều 926 DLT, 1310 DLP, và đây là một điểm chứng tỏ rằng các quy tắc liên hệ đến sự chi phó bất phụ trái không giống hẳn các quy tắc liên hệ đến trách nhiệm dân sự.
II.2.2: Hiệu lực đối với người chi phó: Các nghãi vụ đơn giản hơn. Theo Điều 707 DLB, 726 DLT, 1381 DLP, người chi phó có nghĩa vụ phải hoàn lại cho người thu nhận những khoản tiêu phí hữu ích hay cần thiết mà người thâu nhận đã phải ứng ra để bảo tồn đồ vật, bất luận là người thu nhận đã phải ứng ra để bảo tồn đồ vật, bất luận là người thu nhận ngay tình hay gian ý. Điểm này chỉ là một sự áp dụng đặc biệt của lý thuyết và các phí dụng (theoriedes impenses: lý thuyết chi phí). Theo lý thuyết này, khi thu lại một vật gì do người khác trì thủ trong một thời gian, người sở hữu chủ của vật ấy cũng phải hoàn lại cho người trì thủ những phí tổn mà người này đã làm, nếu những phí dụng ấy có tính cách tất yếu (impenses nécessaires: chi phí cần thiết) và hữu ích (impenses utiles: chi phí hữu ích). Trái lại, đối với các phí dụng hư phù (impenses voluptuaires: chi phí tự nguyện), người chủ sở hữu không phải hoàn lại cho người đã trì thủ đồ vật./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar