Khi tôi đăng bài “Nhận Diện Luật Sư Tiến Sĩ Lê Nết” lên Facebook rồi chia sẻ vào các diễn đàn thì có một người phản ứng rằng “Uy tín của thầy em giảng dạy mấy mươi năm, không dễ hủy hoại do những gì anh nói”. Tôi cũng đã từng đi học, tôi cũng có thầy. Vì thế, tôi hiểu được cú sốc của người học trò khi thầy mình bị chỉ trích, mà lại là bị chỉ trích về chuyên môn. Do vậy, tôi thấy cần phải làm sáng tỏ những sai lầm cơ bản của Luật sư tiến sĩ Lê Nết trong vấn đề chuyên môn và một số thẩm phán trong vụ án này để các sinh viên và những ai quan tâm có thể rút ra bài học kinh nghiệm.
Một là, hợp đồng số 03 và quyền khởi kiện.
Tôi mua máy C1100 của KMV qua đại lý Sao Nam bằng hợp đồng 038. Đây là hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường theo Luật Thương Mại. Nó giống với hợp đồng mua bán tài sản, một loại hợp đồng thông dụng, đã được qui định tại chương XVI của Bộ Luật Dân Sự. Tức là, nó chỉ gồm hai bên rất rạch ròi: Bên bán là Sao Nam, Bên mua là Saigonbook. Sau khi thanh toán đợt 1 thì chúng tôi đột ngột thiếu tiền thanh toán đợt 2. Vì thế, chúng tôi thỏa thuận với Sao Nam tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán máy in C1100 bằng cách thay thế hợp đồng 038 bằng hợp đồng 03. Hợp đồng 03 có ba bên tham gia ký kết: Công ty Cho thuê tài chính ngân hàng ACB (ACBL) đứng vị thế người mua; Saigonbook đứng vị thế người thuê tài chính và là người sử dụng máy; Sao Nam đứng vị thế người bán. Đối tượng của hợp đồng 03 cũng là máy C1100 với giá cả và các điều khoản mang sang từ hợp đồng 038, chỉ bổ sung xuất xứ do hợp đồng 038 còn thiếu sót.
Với một người không học luật thì có thể cho rằng Sao Nam bán máy cho ACBL và vì thế tôi không có quyền khởi kiện hợp đồng. Nhưng một người tiến sĩ luật thì phải nhận ra ngay hợp đồng 03 chính là hợp đồng mua bán đặc thù giữa Sao Nam và Saigonbook được điều chỉnh bởi luật tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 và nghị định 39/2014/NĐ-CP ngày 07/05/2014 của chính phủ. Theo điều 4.4 thì ACBL là tổ chức tín dụng phi ngân hàng. ACBL cho vay và đứng tên người mua là do luật này qui định như thế để bảo đảm khoản nợ vay. Cả Luật sư Bùi Quang Nghiêm và Luật sư Lê Nết, ngay từ đầu, đã không phân biệt được hợp đồng thông dụng với hợp đồng đặc biệt trong trường hợp này, cứ nói nhăng nói cuội, làm khổ các bên.
Trong pháp luật Việt Nam, ngoài hợp đồng thông dụng được qui định tại chương XVI, còn có một số văn bản chuyên ngành có qui định áp dụng riêng cho các hợp đồng đặc biệt, như hợp đồng mua bán, cho thuê nhà ở trong luật nhà ở; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong luật đất đai, hợp đồng vay trong luật tổ chức tín dụng, hợp đồng bảo hiểm trong luật kinh doanh bảo hiểm… Không hiểu hợp đồng đặc biệt, cứ lấy mẫu hợp đồng thông dụng ra phang, rồi áp vào, thì sao gọi là người có chuyên môn pháp luật?
Tệ hơn nữa là, Lê Nết và Bùi Quang Nghiêm rất không hiểu về quyền khởi kiện đối với hợp đồng 03. Saigonbook là một bên ký tên trong hợp đồng, dù là người ở vị thế nào, thì Saigonbook cũng có quyền khởi kiện hợp đồng 03 đối với các bên còn lại theo các nội dung mà Saigonbook đã thỏa thuận với mỗi bên. Theo điều 385 BLDS thì “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh là do sự thỏa thuận chứ không do đứng tên ở vị thế nào.
Hai là, vấn đề khởi kiện đối với hợp đồng 038.
Các bên thỏa thuận dùng hợp đồng 03 để thay thế cho hợp đồng 038 với những điều khoản đã thỏa thuận từ hợp đồng 038. Nghĩa là, các bên đã sửa đổi hợp đồng 038 theo qui định tại điều 421 BLDS, chứ không phải chấm dứt hợp đồng theo điều 422 BLDS. Không có thỏa thuận nào giữa các bên để chấm dứt hợp đồng 038. Vì thế, hợp đồng 038 vẫn còn hiệu lực và đang được các bên thực hiện bằng những điều khoản thay thế tại hợp đồng 03.
Giả sử, hợp đồng 038 bị chấm dứt theo điều 422 thì chúng tôi cũng có quyền khởi kiện yêu cầu tòa tuyên hợp đồng 038 vô hiệu. Tòa án không thể từ chối xem xét hợp đồng 038 với lý do “Hợp đồng 038 đã được các bên thỏa thuận thay thế nên không còn giá trị pháp lý” như bản án sơ thẩm đã xét thấy. Các luật sư và các ông bà thẩm phán này đã không phân biệt được hợp đồng “không có hiệu lực” với hợp đồng “không còn hiệu lực”. Hợp đồng “không có hiệu lực” là hợp đồng không thỏa đủ các điều kiện được qui định tại điều 117 BLDS. Còn hợp đồng “không còn hiệu lực” là hợp đồng đã thỏa đủ các điều kiện được qui định tại điều 117BLDS nhưng không còn hiệu lực do chấm dứt, do hủy bỏ được qui định tại điều 422, 423 BLDS. “Không có” khác với “không còn”. Đây là điều không thể nhầm lẫn về mặt chuyên môn. Tôi yêu cầu tòa xem xét để tuyên “không có” nhưng tòa bảo nó “không còn” nên không xem xét. Hậu quả là, khi đã tuyên hợp đồng 03 vô hiệu toàn phần thì hợp đồng 038 không có gì để thay thế. Vì thế, hợp đồng 038 vẫn đang có hiệu lực, đang chơ vơ, chưa biết thực hiện thế nào?
Hợp đồng 038 đã không được xem xét ở cả hai cấp, sơ thẩm và phúc thẩm. Đây là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Nó phản ánh sự kém hiểu biết đến mức tệ hại của các luật sư và thẩm phán đã tham gia giải quyết vụ án này.
Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị để hủy bản án phúc thẩm nhưng vẫn lặp lại cái sai của hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, là không xét hợp đồng 038 do “không còn giá trị pháp lý”. Tôi đã có đơn đề nghị tòa cấp cao xem xét lại chỗ này và phải hủy hết cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Thầy em, thầy tôi, các thẩm phán hoặc người nào thì cũng rất đáng trân trọng. Nhưng sự thật thì vẫn cứ là sự thật. Vẫn phải nói. Họ sai thì vẫn phải nói họ sai. Tôi đã chỉ rõ họ sai chỗ nào về mặt chuyên môn, kèm theo tài liệu chứng cứ, để những ai quan tâm theo dõi có thể kiểm tra phản biện. Hãy xem văn bản của Luât sư Lê Nết gửi Ban Tuyên Giáo Trung Ương và Video ở phần bình luận thì sẽ rõ kiến thức của thầy em và các ông bà thẩm phán này như thế nào. Những cái sai như thế này sẽ ảnh hưởng đến học sinh và nhiều người; thậm chí, có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.
Bình luận