Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

2. “Chuyện Của Chúng Tôi” của cựu Bộ trưởng Võ Hồng Phúc

“CHUYỆN CỦA CHÚNG TÔI” của cựu Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.
“Chuyện Của Chúng Tôi”, theo như lời tác giả, “nó không phải là chuyện của riêng tôi, mà là chuyện của gia đình tôi, dòng họ tôi, làng quê tôi, cơ quan tôi. Của cả những người bạn trong nước và ngoài nước mà tôi từng gặp”, thì ai cũng có, không có gì khiến tôi phải đọc, phải tò mò. Vấn đề làm tôi tò mò ở đây là vì tôi muốn biết ông giải mật thông tin cung đình trong một giai đoạn lịch sử mà tôi đã trải qua ở vị trí khác, có thông tin để kiểm chứng. Có nhiều chi tiết khá thú vị, có thể người đọc không suy nghĩ như ý tác giả.
Chi tiết thú vị nhất đối với tôi là ông Đỗ Mười nói với ông Võ Hồng Phúc (trang 55):
“- Tuần trước, tôi đi công tác về quê anh. Tôi đi thắp hương mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú, gặp các cụ lão thành cách mạng. Quê anh đẹp lắm, đường làng, ngõ xóm, nhà cửa khang trang, đời sống sung túc, dân trí cao, mọi mặt phát triển, làng quê yên ấm, thuận hòa. Khi tôi hỏi các cụ lão thành cách mạng có ý kiến gì đề nghị với Trung ương không, thì chỉ có một cụ đại diện đứng lên nói: “Tùng Ảnh là xã có truyền thống, hiện nay ở ngoải Trung ương có đồng chí Võ Hồng Phúc là Ủy viên Ban Chấp hành Trung Ương Đảng, mong Trung ương bồi dưỡng, đào tạo để đồng chí trưởng thành”. Ở nơi khác, khi có người thành đạt, phát triển, thì nhận được đơn thư tố cáo lẫn nhau, quê anh thì ngược lại. Tôi nghe thật cảm động, về quê anh thật vui. Con người thật tình nghĩa, người dân thật có tâm.
Tôi nói:
– Vâng, người Tùng Ảnh xưa nay là vậy. Tùng Ảnh là làng quê của những con người tình nghĩa, của những con người có TÂM”.
Tôi có suy nghĩ khác tác giả. Trong lúc ông Võ Hồng Phúc đang là Ủy viên Trung ương Đảng thì ý kiến của vị lão thành cách mạng kia có thể chỉ là nói nịnh, có thể là vì cục bộ địa phương, chứ khó có thể đại diện cho “những con người tình nghĩa, của những con người có TÂM” của vùng quê Tùng Ảnh. Qua câu chuyện này cũng cho thấy ông Đỗ Mười có định kiến với đơn thư tố cáo, bất kể là đơn thư tố cáo đúng pháp luât hay trái pháp luật. Làm công tác nhân sự Trung ương theo tình nghĩa như thế này thì vùng quê các anh, có nhiều người được vào Trung ương và Bộ Chính trị là phải. Có đâu như ông Nguyễn Bá Thanh, mới ra Trung Ương, ngồi chưa ấm đít ghế Trưởng ban Nội chính, thì đã có đơn thư khiếu tố bay theo tới tấp. Cái xứ Quảng ăn cục nói hòn, có răng nói rứa, nói cho hùng, không biết nịnh, coi bộ lại dại khờ !
Ông Võ Hồng Phúc đã cũng cố thêm cho nhận định của tôi là không ai khác, không ai thay thế được các ông, trong việc phá bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa theo mô hình Xô Viết mà các ông đã góp phần xây dựng nên. Người càng có nhiều công lao xây dựng nên, người càng có công với cuộc kháng chiến, tầm cỡ như ông Võ Văn Kiệt, càng có điều kiện phá bao cấp, phá ngăn sông cấm chợ. Một người như bà Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi) mới có thể buôn gạo trong bối cảnh ngăn sông cấm chợ. Người khác mà làm như bà Ba Thi thì sẽ không yên với mấy ông ý thức hệ Xô – Viết. Dù đã ra Trung ương nhận những trọng trách lớn lao, với đội ngủ vây quanh, phần nhiều là học từ Liên Xô về, ông Võ Văn Kiệt vẫn có cách hành xử như thời ông còn là Bí thư Thành ủy Sài Gòn, nơi mà ông gần như có toàn quyền, với bộ máy tham mưu có cả tri thức tại chỗ, được đào tạo từ thời chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Cũng như một số người, tác giả ca ngợi sự đóng góp của ông Võ Văn Kiệt, chưa lý giải vì sao chỉ có ông Võ Văn Kiệt mới có thể hành xử như thế. Không hiếm người trong bộ máy này, ở vị thế như ông Võ Văn Kiệt, cũng có lòng với nước với dân và dấn thân như ông Võ Văn Kiệt, nhưng tại sao chỉ có ông Võ Văn Kiệt làm được? Theo tôi, sở dĩ ông Võ Văn Kiệt làm được, phá mạnh chế độ quan liêu bao cấp, là vì ông không bị học về nền kinh tế kế hoạch hóa. Suốt cuộc đời ông, hầu hết gắn bó với chiến trường Nam Bộ – nơi mà nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh từ thời Pháp thuộc. Ông Võ Văn Kiệt cũng không có thời gian để tụng học thuyết Mác-Lê Nin nên ông không bị nô lệ về ý thức hệ. Ông Võ Văn Kiệt cứ như Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, cho làm ngay. Hai chuyện kể “Ông Sáu Dân vì Dân” thật là cảm động. Chuyện giải quyết cho dân phải di dời để làm thủ điện Hòa Bình thì ông Sáu nói: “Các anh cho tạm ứng tiền làm ngay theo đề xuất, thủ tục xây dựng cơ bản sẽ hoàn thiện sau. Chờ xong thủ tục thì còn lâu”. Chuyện kéo đường dây 34KV từ Cổ Phúc lên Mậu A cũng được ông Sáu Dân chỉ đạo: “Cho làm ngay, làm ngay, bổ sung vào kế hoạch 1988. Cứ làm rồi ghi kế hoạch sau”. Chỉ có người không bị nô lệ vào sơ đồ kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân thì mới dám chỉ đạo như ông Võ Văn Kiệt. Và cũng vì ông Võ Văn Kiệt đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, hy sinh cả vợ con, nên thế lực bảo thủ khó có thể chụp mũ ông. Hơn nữa, lúc này Liên Xô cũng không còn để ràng buộc đất nước này vào kế hoạch hóa của khối SEV.
Chương 1- Quê Hương, tác giả kể nhiều chi tiết về cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Đấy là những chi tiết đau buồn ở một giai đoạn lịch sử mà chúng tôi, những người sống ở phía Nam vĩ tuyến 17, không được chứng kiến. Ông Võ Hồng Phúc mô tả về cải cách ruộng đất là mạnh bạo hơn, chi tiết hơn so với tác phẩm “Ba Người Khác” của nhà văn Tô Hoài.
CHUYỆN NHIỆT ĐIỆN CẦU ĐỎ CHỈ LÀ MỘT NỬA SỰ THẬT
“Có một câu chuyện đã làm tôi nhớ mãi về vai trò, vị trí và bản lĩnh của những người làm lãnh đạo của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước khi xưa. Đó là việc xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than ở Cầu Đỏ, ngày đó thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, nay thuộc địa bàn Đà Nẵng. Theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Tiệp Khắc, bạn giúp ta làm một nhà máy nhiệt điện chạy than, công suất 100MW. Công suất như vậy là thuộc vào loại nhỏ. Bộ Năng lượng và địa phương đề nghị đặt ở Cầu Đỏ để giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng của miền Trung lúc đó.
Anh em Vụ Công nghiệp nặng được các cán bộ kỹ thuật và kinh tế của Viện Năng lượng và Đại học Bách khoa cung cấp thông tin, phản đối dự án với lý do: nhà máy chạy than, quy mô công suất nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp. Đặt ở Cầu Đỏ, vận chuyển than ở Quảng Ninh vào bằng sà lan, chạy ven biển hoặc tàu nhỏ, rất khó khăn, hiệu quả thấp. Với công suất đó, tải điện từ Bắc vào thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Nhà máy lại quá gần thành phố, sợ ảnh hưởng bụi than.
Lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ủng hộ ý kiến của Vụ Công nghiệp nặng. Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước báo cáo Chính phủ. Nhiều lãnh đạo bên Chính phủ ủng hộ ý kiến của Bộ Năng lượng và của địa phương. Ý kiến cùng chiều và ngược chiều, tranh luận sôi nổi. Vụ việc được đưa ra thảo luận ở Chính phủ. Mọi người đồng tình với ý kiến của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ đã không được xây dựng. Nếu xây dựng, chắc Đà Nẵng ngập bụi than!”.(Trang 100-101).
Riêng chuyện Nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ thì ông Võ Hồng Phúc mới nói một nửa sự thật. Một nửa kia, đã triển khai, san lấp mặt bằng chỗ khu vực Ngã ba Hòa Cầm, xây dựng một số hạng mục, nuôi bộ máy rất tốn kém thì các ông không nói đến. Tôi có người bạn, tên là Dương, tốt nghiệp Khoa cơ khí Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, được phân công về công tác tại Nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ, trong một lần gặp, đã than với tôi rằng “Nhà nước điều kỹ sư tụi tao về đây đông như chó con. Cứ phân về đây nằm chơi, tới bữa lại cho ăn, chả thấy giao việc gì”. Vì Nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ bố trí ở Ngã ba Hòa Cầm, nằm trên đường mà tôi vẫn thường đi qua, mỗi khi từ Đà Nẵng về Đại Lộc – quê tôi, nên tôi biết. Nếu ngay từ đầu, Ủy ban Kế Hoạch và Chính phủ không đồng ý cho triển khai Nhà máy Nhiệt điện thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho Quảng Nam – Đà Nẵng. Mấy ông lãnh đạo Quảng Nam- Đà Nẵng lúc đó, đa phần xuất thân từ nông dân, trải qua chiến tranh, không có kiến thức kinh tế – kỹ thuật, cứ thấy của người ta cho thì mừng, bỏ thì tiếc, nên nhanh nhảu nhận của nợ này về, để “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội”, là lẽ thường tình. Nhưng các ông có ăn có học bài bản mà không can ngăn ngay từ đầu, để triển khai, tốn kém, rồi mới dừng là đáng trách. Một số bạn của tôi, trong đó có bạn Dương, phải mất một số năm của tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết ở Nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ, rồi mới tìm đường thoát thân, cũng là do siêu phẩm Kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân của các ông ở thời kỳ đó.
Câu chuyện về Nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ được cựu Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thuật lại trong tác phẩm “Chuyện Của Chúng Tôi” chỉ là một nửa sự thật. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. (còn tiếp)
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar