ĐỊNH NGHĨA PHÁP LUẬT
1._ Trong đời sống xã hội, con người luôn luôn tiếp xúc với nhau. Những giao tế thường xuyên giữa cá nhân hay đoàn thể trong xã hội cần được qui định. Có như vậy mới thiêt lập và duy trì được trật tự xã hội. Có như vậy mới tránh được sự hỗn loạn. Nếu cá nhân hoàn toàn tự do, xã hội sẽ biến thành rừng xanh cảu loài muông thú. Thế nên sự thiết lập trật tự xã hội là điều tối cần thiết. Sở dĩ trật tự xã hội thiết lập và duy trì được là nhờ pháp luật: “Ở đâu có xã hội, ở đó có pháp luật“. Đó chính là câu cách ngôn “Ubi societas ubi jus“. Vì vậy ta có thể định nghĩa pháp luật là tất cả những qui tắc có tính chất cưỡng chế qui định sự tổ chức xã hội và chi phối tương quan giữa những phần tử trong xã hội. Những qui tắc này ấn định những điều cá nhân có thể hay có quyền làm và những điều bị cấm đoán. Nếu con người sống cô đơn, lẻ loi như trong chuyện anh chàng Robinson Crusoe trên hoang đảo thì không cần có pháp luật. Nhưng trong thực tế, con người không thể sống như vậy mà phải sống cùng đồng loại. Lúc sơ khai, đoàn thể mà con người lập ra để chung sống với nhau chưa phải là những xã hội văn minh như ngày nay mà chỉ là những đoàn thể bé nhỏ hơn như gia đình, bộ lạc … Nhưng những qui tắc ấn định các tương quan giữa cá nhân sống chung trong đoàn thể cũng đã có rồi. Những qui tắc đó là những qui tắc gì? Đó là những mệnh lệnh của đoàn thể truyền cho mọi người phải tuân theo. Danh từ pháp luật trong tiếng La Tinh là chữ “jus“, bao hàm ý nghĩa rõ rệt là một mệnh lệnh. Ngoài ra trong tiếng Pháp, chữ “Droit” mà ta dịch là pháp luật cũng phát sinh từ chữ “Directum” trong tiếng La Tinh. Danh từ này có nghĩa là đúng qui tắc. Trong hán tự, danh từ pháp (法) dùng để chỉ pháp luật, có nghĩa là một phép thuật trừ khử những điều gian ác, bất chính. Có hai thuyết giải nghĩa chữ Pháp (法):
– Thuyết 1: Thuyết này cho rằng trong chữ Pháp có chữ khử (去) là trừ nên pháp luật có nghĩa là một phép thuật trừ khử những điều tà, điều bất chính.
– Thuyết 2: Thuyết này căn cứ vào sự hiện diện của chữ thủy (氵) trong chữ Pháp nên giải thích rằng pháp luật có mục đích diệt trừ những điều tà để cho đời sống xã hội được yên vui phẳng lặng như mặt nước.
Nói tóm lại, theo nghĩa đương thời, pháp luật là những qui tắc có tính cưỡng bách do nhà cầm quyền thiết lập để duy trì trật tự xã hội. Pháp luật định rõ những điều ta được phép làm và những điều bị cấm đoán. Tuy nhiên, không phải chỉ có pháp luật bảo ta như vậy. Luân lý cũng bảo ta biết điều nào nên làm và điều nào nên tránh. Muốn minh định phạm vi của pháp luật, ta cần phải phân biệt rõ pháp luật với luân lý. Trước hết, ta phải phân tích những đặc tính của qui tắc pháp luật (mục 1); rồi ta sẽ phân biệt pháp luật với luân lý (mục 2). Sau chót, ta sẽ xét đến hai trạng thái khách quan và chủ quan của pháp luật (mục 3).
MỤC I: NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA QUI TẮC PHÁP LUẬT
Qui tắc pháp luật là một qui tắc có tính cách cưỡng chế do nhà cầm quyền lập ra và chế tài. Vậy hai đặc tính chính yếu của pháp luật là sự cưỡng chế và chế tài của nhà cầm quyền.
ĐOẠN 1:._ Qui tắc pháp luật là một qui tắc cưỡng chế:
2._ Trong việc nghiên cứu đặc tính này, ta thấy có hai câu hỏi liên quan đến vấn đề:
1. Tính cách cưỡng chế của pháp luật bắt nguồn từ đâu?
2. Mức độ của cưỡng chế có đồng nhất đối với tất cả các qui tắc pháp luật không?
A) Nguồn gốc của pháp luật:
Vấn đề nguồn gốc pháp luật sẽ được trình bày đầy đủ ở chương VI. Tuy nhiên, ngay bây giờ một ý niệm sơ lược về nguồn gốc pháp luật cần thiết để định nghĩa pháp luật, vì nguồn gốc sẽ giải thích tính cách cưỡng chế của pháp luật. Pháp luật có hai nguồn gốc chính, trực tiếp là luật và tục lệ.
Luật. Luật có một nghĩa rộng và một nghĩa hẹp. theo nghĩa rộng, luật gồm các đạo luật, sắc lệnh, nghị định. Theo nghĩa hẹp luật là bản văn do cơ quan lập pháp (quốc hội) biểu quyết. Sắc lệnh là quyết định của chính phủ (cơ quan hành chính). Nghị định là quyết định của quyền hành chính. Luật pháp có tính cưỡng chế vì quốc gia hay nhà nước muốn như vậy. Ý muốn của nhà nước được biểu thị bằng một trong những cơ quan có thẩm quyền do cách tổ chức công quyền mỗi nước quy định. Các tổ chức này thường được ghi trong Hiến pháp. Luật là nguồn gốc thứ nhất và cũng là nguồn gốc quan trọng nhất của pháp luật.
Tục lệ. Những qui tắc pháp luật, khi mới bắt đầu được tạo lập, thường dựa vào tục lệ. Tục lệ là những tập quán, những truyền thống, những qui lệ đã và vẫn được mọi người công nhận và thực hành từ lâu. Tục lệ trở nên bắt buộc vì tính cách lâu năm của nó. Mọi người nhìn nhận và ý thức rằng những gì từ trước tới nay vẫn làm thì ta cũng phải tuân theo. Như vậy, tục lệ có thể coi như phát sinh từ dư luận quần chúng. Vai trò của tục lệ trong pháp luật thay đổi tùy theo từng quốc gia. Theo nguyên tắc thông thường, tục lệ kém luật. Tuy nhiên có những quốc gia công nhận cho tục lệ một địa vị không kém gì pháp luật (thí dụ Anh quốc). Ở nước ta, riêng đối với các đồng bào Thượng (Chàm, Thổ, Mán v.v…) tục lệ của họ được coi như pháp luật. Bộ dân luật Trung không áp dụng cho họ.
B) Tính cách cưỡng chế của các qui tắc pháp luật không có một cấp độ đồng nhất:
Các đạo luật mà chính quyền làm ra cho dân theo không có tính cách cưỡng chế như nhau. Luật được chia ra làm hai loại: Luật cưỡng hành và luật không cưỡng hành.
1) Luật cưỡng hành là luật mà mọi người phải triệt để tôn trọng; không ai có thể thoát ra ngoài phạm vi áp dụng của nó. Thí dụ các điều luật ấn định tuổi trưởng thành, hay ấn định các điều kiện lập hôn thú, là những điều luật cưỡng hành.
2) Luật không cưỡng hành: Những điều luật thuộc loại này là những quy tắc mà người công dân muốn thi hành hay không thì tùy ý. Đồi với những điều luật không cưỡng hành, tư nhân có thể không áp dụng, do thỏa thuận riêng. Thí dụ điều 1070 bộ dân luật Trung qui định rằng trong việc mua bán đồ vật, người bán chỉ phải chịu trách nhiệm về những ẩn tỳ của vật bán. Tuy vậy hai bên vẫn có thể thỏa thuận với nhau để không thi hành điều luật này bằng cách ghi rõ sự tương thuận đó trong khế ước mua bán. Những điều luật không cưỡng hành gồm có điều luật giải thích, luật quy định hay luật bổ túc.
– Luật giải thích: Nó được gọi như vậy vì khi làm ra luật này nhà lập pháp chỉ phỏng đoán ý muốn của các người kết ước. Nếu điều luật không đúng ý muốn của họ, họ không bị bắt buộc phải tuân theo.
– Luật bổ túc hay luật qui định: Khi làm ra luật này, nhà lập pháp bổ túc sự im lặng của những người kết ước. Những người này không cần phải nói hết tất cả các chi tiết về những nghĩa vụ của đôi bên, nếu họ thấy các điều khoản của luật bổ túc đúng với ý muốn của họ. Thực ra, những điều luật này cũng có tính cách cưỡng hành nhưng cưỡng hành có điều kiện. Điều kiện đó là nếu cá nhân kết ước không nói gì (nghĩa là mặc nhiên chấp nhận) thì các điều luật đó trở nên cưỡng hành. (hay).
ĐOẠN 2._ Qui tắc pháp luật là một qui tắc do nhà cầm quyền chế tài:
3._ Qui tắc pháp luật có tính cưỡng hành. Nhà nước bắt mọi người phải tôn trọng pháp luật. Nhà nước có những phương tiện để chế tài những vi phạm pháp luật. Những chế tài này có nhiều loại khác nhau với những đặc tính riêng, hoặc yếu hoặc mạnh. Có loại chế tài chỉ có tính cách phòng ngừa, thí dụ như Dân luật có qui định sự phản kháng giá thú để phòng ngừa việc kết lập giá thú bất hợp lệ. Có loại chế tài có tính cách gián tiếp như sai áp tài sản của con nợ không chịu trả nợ. Có loại chế tài có tính cách trực tiếp và mạnh mẽ như Tòa án truyền lệnh trục xuất kẻ chiếm ngụ vô quyền một căn nhà. Có loại chế tài bắt buộc kẻ vi phạm phải bồi thường cho người bị thiệt hại để xóa bỏ những hậu quả của sự vi phạm. Thí dụ: Kẻ nào gây thiệt hại cho người khác vì lỗi của mình phải trả cho nạn nhân một số tiền bồi thường tương xứng với sự thiệt hại. Một khế ước bất hợp lệ sẽ bị chế tài bằng sự vô hiệu (hay sự tiêu hủy) của khế ước. Pháp luật coi nó như không có và vì vậy nó không có hiệu lực gì.
Các loại chế tài trên đây là những chế tài thuộc về dân luật. Bên cạnh những chế tài đó, và trong phạm vi hẹp hơn, còn có những chế tài của hình luật: Đó là những hình phạt. Chỉ khi nào sự vi phạm luật đồng thời cũng là một tội phạm do luật hình quy định thì người ta mới dùng đến hình phạt. Chế tài của hình luật có thể là một hình phạt vạ (phạt bạc), phạt tù hay nhiêm khắc hơn nữa là phạt tử hình. Tất cả những chế tài trên đây của Dân luật, Hình luật hay các luật khác, đều đòi hỏi sự can thiệp của công quyền. Sự can thiệp này thường được biểu lộ một án văn của tòa án có thẩm quyền. Có một nguyên tắc căn bản là chỉ có nhà cầm quyền mới có thể sử dụng những phương tiện cưỡng chế đối với tư nhân để thi hành pháp luật. Giữa tư nhân với nhau, không ai có quyền tự mình dùng những phương tiện cưỡng chế đối với người khác. Nói tóm lại, tính cách cưỡng chế và phương tiện chế tài là hai yếu tinh của pháp luật.
4._ Tuy nhiên, cũng có những qui tắc pháp luật thiếu tính cưỡng chế vì thiếu phương tiện chế tài. Thí dụ: Những qui tắc của Quốc tế công pháp qui định sự bang giao giữa các quốc gia trên thế giới. Môn luật này không hoàn hảo. Nó có tích cách thie61tu sót vì ở trên các quốc gia không có môt quyền hành lớn hơn khả dĩ cưỡng bách tất cả các quốc gia phải tôn trọng những qui tắc của môn luật đó. Trong thời cận đại, các nước trên thế giới đã cố gắng thiêt lập những tổ chức quốc tế như Tòa án Quốc tế La Hage, Hội Quốc liên ở Geneve, thành lập sau đế nhất thế chiến (1919), Liên Hiệp Quốc, thành lập sau đệ nhị thế chiến (1946). Sự thành lập những tổ chức quốc tế này không ngoài mục đích làm cho những qui tắc của Quốc tế công pháp được chế tài. Nhưng thực tế đã cho thấy rằng, những cố gắng trên đây vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn (…). Nói tóm lại, môn quốc tế công pháp vẫn thiếu vắng sự chế tài hữu hiệu. Chính vì khiếm khuyết đó mà môn luật này chỉ được coi như môn luật lý tưởng mà thôi. Nó thiếu hẳn tính cách cưỡng chế của luật pháp áp dụng trong phạm vi quốc gia. Sở dĩ cộng đồng quốc gia được tổ chức hoàn hảo vì luật pháp trong mỗi nước được chế tài thực sự. Cộng đồng quốc tế tổ chức thiếu sự hoàn hảo vì những qui tắc của luật quốc tế không được chế tài thực sự.
5._ Tuy vậy, tính cách cưỡng chế của pháp luật không phải lúc nào cũng cần thiết. Uy quyền của pháp luật có thể ngự trị ngay torng sự tin tưởng của đa số dân chúng. Nếu phần đông dân chúng biết ý thức rằng sự tôn trọng pháp luật là cần thiết để duy trì trật tự xã hội thì khỏi cần đến phương tiện chế tài. Chính vì vậy thời xưa, nhiều xã hội đông phương đã có một nền văn minh rực rỡ mà ít cần đến những chế tài của pháp luật. Trong những xã hội đó, pháp luật chỉ thủ một vai trò kém quan trọng, có thể nói là rất lu mờ. đó là một quan niệm Đông phương về vai trò của pháp luật trong việc duy trì trật tự xã hội. Quan niệm này được mệnh danh là Nhân trị chủ nghĩa. Sở dĩ được như vậy là vì xã hội Đông phương thời xưa đã được xây dựng trên một nền luân lý rất vững chắc. Vậy ta cần biết pháp luật khác luân lý như thế nào.
MỤC II: PHÁP LUẬT VÀ LUÂN LÝ
6._ Tổ chức xã hội không hoàn toàn dựa trên luật pháp, nó còn được xây dựng cả trên luân lý nữa. Sự phân biệt giữa pháp luật và luân lý rất hữu ích cho việc học luật. Ta cần ấn định rõ vị trí của pháp luật đối với luân lý. Từ xưa đến nay, những tương quan giữa pháp luật và luân lý đã là đầu đề cho nhiều cuộc tranh luận giữa các triết gia. Đó là một đề tài cổ điển. Ihering, một triết gia người Đức và đồng thời cũng là một triết gia lỗi lạc người Đức đã coi vấn đề pháp luật và luân lý như một con đường hiểm nghèo của khoa học pháp lý. Thực vậy, ta sẽ thấy sự phân biệt giữa pháp luật và luân lý không thực rõ ràng. Nó phức tạp và tế nhị. Ta khó tìm được những tiêu chuẩn chính xác để phân biệt. Một trong những đặc điểm của nền pháp luật thời cổ chính là sự lẫn lộn pháp luật và luân lý. Ta lần lượt phân tích những khác biệt giữa pháp luật và luân lý: Về lĩnh vực; về tính chất; về mục đích.
ĐOẠN 1._ Lãnh vực khác nhau của pháp luật và luân lý
7._ Học thuyết cổ điển do Bentham, một triết gia kiêm toán học gia người Anh đề xướng, tìm cách phân biệt lĩnh vực của pháp luật và lĩnh vực của luân lý. Theo ông, luân lý qui định những bổn phận của người đối với thượng đế, với chính mình và với đồng loại, còn pháp luật chỉ qui định những bổn phận của người đối với người. Trong các bổn phận sau này, có bổn phận công lý và các bổn phận từ thiện. Pháp luật chỉ quy định bổn phận công lý mà không qui định các bổn phận từ thiện. Như vậy, lãnh vực pháp luật hẹp hơn lãnh vực của luân lý. Bentham đã hình dung hai lãnh vực đó bằng hai hình tròn cùng một trung tâm nhưng chu vi khác nhau, một lớn, một nhỏ. Định nghĩa này của Bentham có thể thích hợp một phần nào với hiện tại nhưng không có giá trị tuyệt đối và bao quát. Trong các pháp chế thời cổ, pháp luật dùng để chế tài những bổn phận tôn giáo và cả một vài bổn phận của con người đối với chính mình. Thí dụ: Tự tử được coi như một tội phạm tại một vài quốc gia. Phỉ báng thần thánh, ngày xưa, là một trọng tội. Hơn nữa ngay trong pháp chế hiện tại, pháp luật không chỉ chế tài các bổn phận công lý. Pháp luật của nhiều nước có khuynh hướng muốn chế tài cả một vài bổn phận từ thiện, như bổn phận cứu giúp người khi lâm nạn. Định nghĩa của Bentham chỉ thích hợp với trào lưu tư tưởng của thế kỷ 18. Nó phản ánh một quan niệm tương đối chật hẹp về pháp luật. Ta không nên coi định nghĩa này như bất biến.
Trên đây ta mới xét đến những điểm pháp luật nằm trong phạm vi luân lý. Pháp luật còn có khi mâu thuẫn với luân lý hay đứng hẳn ngoài phạm vi luân lý. Nói một cách khác, pháp luật còn có một lãnh vực riêng không nằm trong lĩnh vực của luân lý. Trở lại hình ảnh hai hình tròn, ta có thể nói không những hai hình tròn đó không cùng chu vi mà còn không cùng cả tâm nữa. Hai bề mặt có một khoảng chung nhưng cũng có một khoảng riêng. Nhiều điều luật không có tính cách luân lý mà chỉ có mục đích duy trì trật tự xã hội. Thí dụ: Những hình phạt vi phạm luật giao thông trên công lộ hay những quy tắc về hình thức trong dân luật.
8._ Hơn thế nữa, trong pháp luật còn có thể thấy những điều khoản trái ngược với ý niệm công bình, không hợp với luân lý. Tuy vậy, nó xét ra cần thiết để duy trì sự an toàn, sự ổn cố ngõ hầu bảo đảm được trật tự xã hội. Thí dụ trong dân luật có một định chế hơi kỳ lạ, có hai cục diện khác nhau. Đó là định chế thời hiệu (prescription). Định chế này có hai hình thức là thời tiêu và thời đắc.
Thời tiêu có nghĩa là khi ai có một quyền gì để quá một thời gian quá lâu (thường là 30 năm) không sử dụng thì quyền đó bị tiêu diệt. Thí dụ: như chủ nợ có nợ mà không đòi thì sau 30 năm, con nợ không phải trả nữa. Tại sao vậy? Tại vì người ta cho rằng, trong đa số trường hợp, sau một thời gian lâu như vậy, hẳn món nợ đã trả rồi và biên lai có thể thất lạc. Nếu nay cho phép chủ nợ đòi nữa thì sẽ gây tình trạng bất ổn định pháp lý.
Thời đắc là trường hợp một người chiếm cứ một bất động sản. Sau một thời gian dài là 30 năm thì người đó sẽ đương nhiên trở thành sở hữu chủ bất động sản mặc dù lúc ban đầy y có thể chỉ là một kẻ chấp hữu vô quyền. Sau 30 năm, người sở hữu chủ thực sự mất quyền đòi lại bất động sản vì người ta cho rằng trong đa số trường hợp, một người chấp hữu một vật trong 30 năm mà không có người khác đòi thì người đó chính là chủ sở hữu thật sự. Nếu quyền của người này bị phủ nhận thì sẽ gây nên một tình trạng bất ổn định pháp lý.
Tuy nhiên định chế thời tiêu trên đây không phải là không đưa đến những bất công. Trong số những chủ nợ mà quyền bị thời tiêu hẳn cũng có người chưa được trả nợ. Trong số những trạch chủ bị mất quyền vì sự thời đắc hẳn cũng có người là sở hữu chủ thật sự đã bị kẻ khác tiếm đoạt mất tài sản. Như vậy là trong hai định chế này, công lý đã bị hy sinh cho trật tự xã hội hay nói cách khác, trật tự xã hội được coi trọng hơn công lý.
Dù ta chỉ xét riêng về lãnh vực ta cũng không thể so sánh pháp luật và luân lý với hai hình tròn cùng chung một trung tâm. Thực ra hai hình tròn khác nhau, một hình tròn lớn và một hình tròn nhỏ, có chung một khoảng bề mặt và có riêng một khoảng của mỗi hình. Đa số những bổn phận công lý và một vài bổn phận từ thiện được hình dung bằng khoảng bề mặt chung của hai hình tròn (a). Những bổn phận của người đối với Trời, Phật hay thượng đế và đối với chính mình được hình dung bằng khoảng bề mặt riêng (b) của hình tròn luân lý (lớn). Những luật lệ không có màu sắc luân lý, đặt ra chỉ đề duy trì trật tự xã hội, được hình dung bằng bề mặt riêng (c) của hình tròn pháp luật (nhỏ). Tuy nhiên, sự khác biệt giữa pháp luật và luân lý không phải chỉ là một sự khác biệt về phạm vi mà nó còn là sự khác biệt về tính chất và về mục đích nữa.
ĐOẠN 2: Tính chất khác nhau cảu pháp luật và luân lý:
9._ Pháp luật và luân lý được chế tài khác nhau. Chế tài của luân lý là lương tâm. Theo Kant, một triết gia người Đức, luân lý có tính cách tự trị. Mỗi người chúng ta tự nhận xét và phê bình những hành vi của chính mình. Đối với luân lý, hành động của ai do chính người đó xét đoán. Đối với pháp luật thì lại khác: hành động của mỗi người chúng ta do đồng loại phê phán và quyết định cách chế tài. Nói cách khác, luân lý không có chế tài cụ thể còn pháp luật thì có những phương tiện chế tài do công quyền tổ chức. Vì vậy pháp luật có tính chất khác hẳn luân lý. Pháp luật còn khác luân lý về mục đích nữa.
ĐOẠN 3: Mục đích khác nhau của pháp luật và luân lý:
10._ Nếu ta thấy pháp luật và luân lý có bản chất khác nhau, đó chỉ là một nhận xét, chưa phải là một giải thích. Ta có thể tự hỏi tại sao nhiều bổn phận luân lý không có chế tài. Chính sự khác biệt về mục đích sẽ giải đáp câu hỏi này.
Luân lý chỉ có mục đích hoàn thiện con người, mong mỏi con người biết tu thân tích đức. Mục đích của pháp luật là tổ chức nền trật tự xã hội. Muốn duy trì nền trật tự này, chỉ cần bắt mọi người phải tôn trọng một số qui tắc luân lý mà không cần phải bắt mọi người phải thi hành tất cả những điều luân lý đòi hỏ hay mong muốn. Nếu giữa pháp luật hay luân lý có sự khác biệt thì đó không phải là sự mâu thuẫn hay đối lập. Trái lại, luân lý là một yếu tố quan trọng, giữ một vai trò chủ chốt trong việc tạo lập pháp luật. Nhà lập pháp qua nhiều thời đại thường lấy luân lý làm tiêu chuẩn trong việc soạn luật (hay tu luật). Trong cổ luật Việt Nam, rất nhiều điều khoản của hai bộ luật triều Lê (Luật Hồng Đức) và luật triều Nguyễn (Luật Gia Long) chỉ là những bổn phận luân lý về đạo hiếu, đạo lễ được đem phổ luật. Nhà lập pháp thời xưa đã dùng pháp luật để thực thi những giáo điều của luân lý. Vì vậy nhiều học giả đã coi nền pháp luật Việt Nam và Trung Hoa thời cổ như một loại luân lý thực hành.
Nếu luân lý là một yếu tố đáng kể trong sự tạo lập pháp luật thì ngoài luân lý cũng còn những yếu tố khác mà nhà lập pháp không thể bỏ qua. Muốn duy trì trật tự xã hội, đành rằng cần có sự công bình (thuộc phạm vi luân lý) nhưng cũng cần cả sự ổn định của pháp lý. (Lưu ý: Lẽ công bằng ở điều 262 BLTTDS thuộc phạm vi luân lý).
MỤC III: HAI TRẠNG THÁI CỦA PHÁP LUẬT: KHÁCH QUAN PHÁP VÀ CHỦ QUAN PHÁP
11._ Ở phần trên ta đã định nghĩa pháp luật là những qui tắc chi phối tổ chức xã hội và các tương quan giữa cá nhân hay phần tử trong xã hội. Ta biết pháp luật có hai đặc tính là cưỡng chế và chế tài. Pháp luật hiểu như vậy là khách quan pháp (droit objectif: luật khách quan). Đó là trạng thái thứ nhất của pháp luật. Pháp luật còn có một trạng thái thứ hai là trạng thái chủ quan mà ta chưa xét đến. Đó là chủ quan pháp (droit subjectif: quyền chủ quan). Về phương diện chủ quan, pháp luật gồm có các quyền lợi mà chủ thể là cá nhân hay đoàn thể trong xã hội. Theo quan niệm Tây phương, pháp luật có hai mục đích:
_ Bảo vệ sự phát triển hoạt động cảu cá nhân trong xã hội.
_ Thảo mãn những nhu cầu chung của mọi người trong xã hội.
Để đạt được hai mục đích đó, pháp luật phải quy định các quyền lợi cho từng cá nhân hay đoàn thể: Quyền gia đình, quyền sản nghiệp. Những quyền lợi đó gọi là những quyền lợi tư, tạo nên trạng thái thứ hai của pháp luật. Quyền lợi tư là những quyền lợi vật chất hay tinh thần do pháp luật che chở. Pháp luật dành cho người có quyền lợi khả năng làm mọi hành vi cần thiết để thực hiện quyền lợi của mình. thí dụ: Quyền sở hữu về đồ vật, quyền sở hữu về các tác phẩm mỹ thuật hay văn chương đều là những quyền lợi tư do dân luật công nhận và bảo vệ. Sở hữu chủ một tài sản có quyền hưởng thụ những tiện ích của tài sản đó mà không ai có thể ngăn cấm. Nếu có kẻ toan chiếm đoạt thì sở hữu chủ có thể xin tòa án truyền lệnh cho kẻ đó phải chấm dứt những hành vi phi pháp của y. Trái quyền cũng là quyền chủ quan. Đó là quyền của người chủ nợ đối với con nợ. Người trái chủ có món nợ đến hạn có quyền yêu cầu con nợ trả cho mình món nợ đó. Nếu con nợ từ chối, y có thể nhờ pháp luật can thiệp để quyền lợi của y được bảo vệ. Tuy nhiên, quyền lợi tư chỉ được công nhận và bảo vệ khi nó không trái với quyền lợi của cộng đồng xã hội. Nói một cách khác, nó chỉ có được trong khuôn khổ luật pháp, trong khuôn khổ của khách quan pháp. vì vậy có hai giới hạn cho sự công nhận quyền lợi tư. Giới hạn thứ nhất là quyền lợi của các cá nhân khác chung sống trong xã hội. Giới hạn thứ hai là sự công ích. Thí dụ: Quyền tư hữu được pháp luật công nhận và bảo vệ nhưng không thể có tính cách tuyệt đối. Một trái chủ khi trồng cây không được để cây mọc sang đất nhà láng giềng. Một địa chủ có đất tại nơi chính phủ cần mở đường. Khoảng đất cần thiết cho việc mở đường có thể bị truất hữu vì mở đường là một công việc có tính cách công ích hiển nhiên.
Nói tóm lại, cứu cánh của pháp luật là duy trì trật tự xã hội. Muốn đạt được mục đích đó, pháp luật phải minh định và giới hạn quyền lợi của cá nhân trong xã hội ngõ hầu tránh sự tương tranh, hoặc nếu có tương tranh thì cũng dễ giải quyết. Trong việc minh định các quyền lợi tư, người ta có thể có những quan niệm trái ngược nhau như quan niệm coi trọng cá nhân và quan niệm coi trọng xã hội. Khi đề cập đến vấn đề tạo lập pháp luật ở chương IV, ta sẽ thấy hai quan niệm đối lập này là xu hướng cá nhân hay xu hướng xã hội của nhà lập pháp. Nhưng trước khi xét đến sự tạo lập pháp luật, ta cần biết pháp luật ở đâu mà ra và tại sao nó được mọi người vâng phục. Đó là vấn đề căn bản của pháp luật mà ta sẽ xét trong chương thứ hai./.
Bình luận