Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

2. Đối tượng của hình luật

ĐỐI TƯỢNG CỦA HÌNH LUẬT 

Đối tượng của hình luật là xác định tội phạm với những đặc tính của nó và quy định một hệ thống hình phạt, tổ chức các quyền chức và cơ quan tư pháp, ấn định thủ tục tố tụng. Khi nghiên cứu các đối tượng này tức là hoạch định chương trình của môn hình luật mà ở đây chúng ta tam ghi ít nét đại cương chính yếu.

I. TỘI PHẠM
Xã hội không thể trừng phạt ý tưởng, ngay cả ý định thực hiện một động tác mà xã hội cho là phạm pháp. Xã hội chỉ có thể trừng phạt một động tác hay một sự bất động biểu thị ý chí phạm pháp. Đó là phạm vi của hình luật. Chúng ta có thể nói ngay là tội phạm của hình luật thì không giống tội lỗi trong các tôn giáo. Sự bất tuân lệnh của Thượng đế  dầu chỉ là trong ý nghĩ cũng đủ tạo thành tội lỗi về mặt tôn giáo, còn về hình luật, tội phạm chỉ được cấu tạo nếu có hành vi nào phạm tới luật lệ xủa xã hội. Luật lệ này dĩ nhiên chỉ có thể chi phối sự giao thiệp giữa các cá nhân mà không thể chi phối ý chí của họ. Một động tác hay sự bất động chỉ bị trừng phạt nếu có một luật pháp ban hành trước đã cấm đoán bằng một hành vi hình sự. Đó là một nguyên tắc thiết yếu đã được mọi dân tộc văn minh chấp nhận. Đứng về phương diện xã hội, chúng ta tự hỏi tội phạm sẽ được quan niệm ra sao? Các luật gia không thể sáng tạo ra tội phạm mà chỉ gom góp và định danh những hành vi tạo ra sự phạm pháp. Các hành vi ấy được phân ra làm hai loại:
1) Những tội phạm chính thức gồm khinh tội và trọng tội mà trong đó luật pháp sẽ trừng phạt ý chí phạm pháp như ăn trộm, giết người.
2) Những tội vi cảnh và những khinh tội bất cẩn sẽ bị trừng phạt vì lỗi bất cẩn; sở dĩ người ta trừng phạt tội này là vì hậu quả của nói, như đi xe không đèn sẽ có thể đụng người khác bị thương.
Trong mọi trường hợp thì tội phạm là một hành vi phạm tới trật tự xã hội. Số tội phạm và sự quan trọng của tội phạm thay đổi tùy theo thời gian và không gian. Chúng ta thấy có những hành vi bị coi là tội phạm ở nơi này, ở thời đại này, nhưng sẽ không có tính cách tội phạm ở nơi khác, thời đại khác. Thí dụ: Có những quốc gia người ta chấp nhận chế độ đa thê như ở Trung Đông thì trái lại cũng có những quốc gai chấp chế độ đa phu như Nepal. Dĩ nhiên là trong những quốc gia này không có tội phạm ngoại tình về phía đàn ông ở Trung đông và ngược lại về phía đàn bà ở Nepal. Cũng thế, tội bất hiếu đối với cha mẹ thì chỉ là một tội phạm trong cổ luật. Nhưng dù sao chúng ta cũng có thể biết chắc tội phạm là một động tác hay một sự bất động trái với lý tưởng của đa số, làm xáo trộn ít nhiều trật tự xã hội của một quốc gia ở một thời đại nhất định. Vì vậy chúng ta cần xét khái niệm tội phạm về phương diện luật pháp.
Về phương diện luật pháp, trong mọi tội phạm, chúng ta đều nhận thấy có bốn yếu tố, đó là bốn yếu tố chung mà cơ quan phán xét có thẩm quyền phải xác định để đi đến kết luận là can phạm có phạm tội hay không? Đó là:
1) Yếu tố pháp định: Với yếu tố này, cơ quan xét xử phải chứng minh có đạo luật dùng để trừng phạt một hành vi phạm pháp. Cơ quan đó phải coi luật pháp ấy được áp dụng trong các điều kiện nào, trong trường hợp nào, theo đúng các nguyên tắc chính yếu của hình luật, của luật hiến pháp và của luật quốc tế.
2) Yếu tố vật chất: Với yếu tố này, các cơ quan xét xử phải chứng minh rằng can phạm đã có những động tác gì? Động tác ấy phải như thế nào, được thực hiện đến mức độ nào để có thể bị trừng phạt?
3) Yếu tố tinh thần: Với yếu tố này, cơ quan xét xử phải chứng minh là can phạm có tội. Các lý thuyết về tội phạm thì gồm một số vấn đề liên quan tới nguyên nhân và điều kiện của trách nhiệm hình sự.
4) Yếu tố bất công: Một hành vi có thể cấu thành tội phạm hay không tùy thuộc vào trường hợp đặc biệt liên hệ tới sự thực hành những hành vi đó và đã đem lại cho những hành vi đó tính chất bất công hay công bình. Những trường hợp đặc biệt như sự phòng vệ chính đáng biện minh cho những hành vi gây thương tích hay án mạng chẳng hạn, mà ở trong trường hợp thông thường, người ta phải coi là một tội phạm.
Bốn yếu tố trên liên quan đến vật thể tính của tội phạm và đến tội lỗi của các can phạm thì được gộp lại và chia ra làm yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần. Nếu chúng ta khảo cứu yếu tố vật chất tức là chúng ta khảo cứu tội phạm, còn khi khảo cứu yếu tố tinh thần tức là chúng ta khảo cứu can phạm. Hiện nay hình luât của mỗi nước đều phân chia ra hai loại tội phạm khác nhau về bản chất:
– Loại tội phạm thứ nhất: Gồm các tội phạm chính thức. Những tội phạm chính thức là những hành vi trái luân lý thông thường và bị xã hội kết án, như hành động xâm phạm tới sinh mạng, thân thể, tới vật sở hữu, tói thuần phong mỹ tục. Những kẻ tội phạm ở đây thuộc hàng ngũ gian phi.
– Loại tội phạm thứ hai: Gồm những vi phạm không trái với luân lý thông thường và cũng không thương tổn đến ý thức bình thường về công lý. Sở dĩ phải trừng phạt những vi phạm này là vì quốc gia cần phải giữ trật tự, an ninh, vệ sinh. Những kẻ phạm pháp ở đây không phải là những kẻ gian phi vì họ không thiếu ý thức luân lý mà chỉ thiếu ý thức xã hội. Luật hiện đại của Việt Nam xác nhận sự phân loại tội phạm đó dựa theo nguyên tắc nói trên. Tuy nhiên để cho sự phân loại tội phạm được phù hợp với tổ chức tư pháp, luật Việt Nam chia tội phạm ra làm 3 loại tội: Trọng tôi; khinh tội, và vi cảnh.

II. HÌNH PHẠT
Danh từ hình phạt hàm súc sự đau đớn. Khi chúng ta đứng về phương diện pháp lý, chúng ta nhận thấy hình phạt là một sự đau đớn mà quốc gia nhân danh công ích buộc kẻ phạm tội phải chịu sau khi đã có một bản án xác định tội lỗi về sự vi phạm luật lệ. Hình phạt dĩ nhiên khác sự đau đớn và thiệt hại mà kẻ xúc phạm phải chịu vì có sự chống đối của nạn nhân ngay lúc bị tấn công. Hình phạt cũng khác biệt sự bồi tổn mà kẻ xúc phạm phải chịu cho nạn nhân vì sự thiệt hại đã gây ra. Sự đau đớn là yếu tố chính của hình phạt có thể xảy ra khi có sự tước đoạt hay giảm thiểu tài sản mà mọi người đều đồng ý cho là quan trọng. Về tài sản, chúng ta thấy có lý thuyết muốn phân biệt tài sản hoạch đắc như quyền sở hữu, gia quyến và tài sản thiên nhiên như sinh mệnh, sự tự do; và chủ trương chỉ có tài sản hoạch đắc mới có thể bị tước đoạt hay giảm thiểu để làm hình phạt cho sự phạm pháp. Nhưng thật ra không có hình luật hiện thời nào chấp nhận sự phân chia lý thuyết ấy.
Hiện nay chúng ta thấy không nhiều thì ít, mọi quốc gia cũng trừng phạt tới tài sản thiên nhiên như thân thể và tự do của can phạm. Trong cổ luật, hình phạt thông thường là thể hình (hình phạt về thân thể): can phạm phải chịu sự đau đớn về thể xác do cực hình gây nên. Các cực hình được tạo ra rất nhiều và rất phức tạp để hợp với mức độ quan trọng của hình phạt do tội phạm gây ra. Trong các xã hội hiện đại, hình luật đã tiến triển và được cải thiện quan trọng về hai phương diện:
– Người ta đã thay thế các cực hình thân thể bằng hình phạt tiêu cực – bác đoạt tự do;
– Người ta cũng giản dị hóa chế độ hình phạt để thống nhất hình phạt chính.
Đó là mục tiêu tiến tới chế độ hình luật thống nhất của các nước văn minh đã được đem bàn cãi ở hội nghị Stockholm năm 1878. Tuy nhiên, chỉ một số ít quốc gia đã tiến tới chế độ thống nhất ấy. Ngoài ra, nhiều nước trong đó có Việt Nam còn chấp nhận trong hình luật thực tại có 3 loại hình phạt chính gọi là chính hình: Thể hình, hình phạt bác đoạt hay hạn chế tự do và ngân hình.
A) THỂ HÌNH
Thể hình duy nhất trong hình luật Việt Nam là tử hình. (Ở đây nói riêng về cá nhân chúng tôi, lúc nào chúng tôi cũng chống đối hình phạt tử hình). Qua những cuộc hội nghị nhân quyền, hình phạt tử hình chỉ còn giữ một địa vị rất phụ thuộc và chỉ còn được áp dụng trong những tội phạm về thân thể mà thôi. Những thể hình trong cổ luật như lăng trì, vạc dầu, xử giảo, phạt trượng, phạt roi, ngày nay đã bị hủy bỏ. Ở Anh chỉ còn chấp nhận đánh bằng roi. Tử hình là hình phạt bác đoạt sinh mệnh không có cực hình tra tấn. Đó là hình phạt nặng nhất, hình phạt cực đoan, một hình phạt không cải sửa được và không thể phân chia được.
B) HÌNH PHẠT BÁC ĐOẠT HAY HẠN CHẾ TỰ DO:
Chúng ta nhận thấy hình phạt này có điểm lợi là có thể phân độ tùy theo mức độ của tội trách, và hình phạt này có thể thích hợp với điều kiện cá nhân của can phạm cũng như mức độ nguy hiểm mà can phạm gây ra cho xã hội. Hình phạt ấy gồm có hai yếu tố: thời gian và chế độ kết hợp lại thành một tổ chức hình phạt rất mềm dẽo có thể thích ứng với nhiều tội phạm cũng như can phạm.
_ Về phương diện thời gian: Có những hình phạt vĩnh viễn mà giới hạn là sinh mệnh của phạm nhân, như hình phạt khổ sai chung thân, lưu đày chung thân, lưu xứ. Cũng có những hình phạt nhất thồi lâu từ 1 ngày đến 20 năm như khổ sai hữu hạn, cấm cố, tội đồ, những hình phạt cấm chỉ lưu trú, phạt giam khinh binh và pah5t giam vi cản.
_ Về phương diện chế độ hình phạt: các phạm nhân tùy theo hình phạt bác đoạt tự do được hưởng giam giữ khoan hồng hay chặt chẽ, tại đất liền hay lưu đày ra hoang đảo.
C) NGÂN HÌNH:
Ngày nay ngân hình được dự liệu cho gần hết cho các tội phạm khác cũng như hầu hết các hình luật ngoại quốc. Ngân hình là hình phạt bằng tiền mà tòa án buộc phạm nhân phải đóng cho công khố. Hình thức quan trọng nhất của ngân hình là sự tịch thu đặc định. Hình phạt này có hai nhược điểm là không đều và không hiệu nghiệm:
_ Không đều vì khả năng chịu đựng của phạm nhân giàu nghèo không giống nhau;
_ Không hiệu nghiệm vì tiền bạc không thể thu được nếu phạm nhân quá nghèo túng. Vì lý do đó hình luật Việt Nam đã không chấp nhận chế độ tiền phạt nhất định và tòa án Việt Nam có toàn quyền định đoạt số tiền phạt đối với khả năng của phạm nhân. Ngoài ra hình luật còn dự liệu sự câu thúc thân thể đối với các phạm nhân vô tư lực.
Về tịch thu đặc định: Nghĩa là tước bỏ quyền sở hữu của phạm nhân đối với một tài vật để quốc gia làm sở hữu chủ, hoặc để đem hủy bỏ. Tài vật bị tịch thu phải là đối tượng, sản phẩm hay là khí cụ của tội phạm. Hình phạt này nhẹ hơn hình phạt tịch thu toàn sản dành cho những tội phạm quan trọng, nhất là những trường hợp tối đặc biệt.

III. TỔ CHỨC CÁC QUYỀN CHỨC
Trong việc áp dụng hình phạt, luật pháp thực tại có thể dựa vào một trong 3 phương pháp sau:
_ Phương pháp 1: Để cho tòa án có toàn quyền định đoạt theo lương tâm và theo tội phạm các hình phạt mà luật không ấn định trước. Phương pháp 1 dành cho các hình phạt chuyên độc, được áp dụng thời cổ La Mã, cổ Việt Nam. Với phương pháp này không có gì bảo đảm công lý.
_ Phương pháp 2: Dự liệu trong luật những hình phạt cố định mà tòa án chỉ có bổn phận tuyên phạt và không thể sửa đổi. Phương pháp 2 được áp dụng trong thời kỳ thứ nhất lịch sử hình luật ở La Mã, hình luật Pháp năm 1791 và trong luật Gia Long. Phương pháp này có phần cứng rắn, gây ra sự bất công trong việc áp dụng hình phạt không tương xứng với tội trách của can phạm và đượm nhiều màu sắc cá nhân.
_ Phương pháp 3: Dự liệu trong mức tối đa và tối thiểu của hình phạt đối với một tội phạm, và để tòa án có quyền định đoạt các hình phạt trong mức đó, hầu thích ứng với tội trạng. Phương pháp 3 được thực hành trong hầu hết các hình luật mới như hình luật năm 1831 của Pháp và hình luật Việt Nam. Vấn đề áp dụng hình phạt có thể phức tạp hơn nếu liên hệ đến nhiều can phạm và nhiều tội phạm, nhiều can nhân cùng một tội hay một can nhân phạm nhiều tội. Luật pháp cần dự liệu hai trường hợp để xác định:
+ Trường hợp 1: Tội trách của mỗi đồng phạm hay tòng phạm;
+ Trường hợp 2: Hình phạt áp dụng cho một can nhân vi phạm nhiều tội trạng.
Thuyết tòng phạm và thuyết canh hợp tội phạm rất quan trọng và liên nhệ đến nguyên tắc chi phối sự trách cứu và hình chế. Các hình phạt khi đã được thi hành thì được coi như bị tiêu diệt, vì các phạm nhân cũng như người mắc nợ phải được coi là thanh trái khi đã trả nợ xong. Nhưng ngoài lối tiêu diệt kể trên, các hình phạt còn có thể được tiêu diệt trong vài trường hợp khác mà hình luật cần khảo cứu, vì vậy cho nên hình luật sau khi đã ấn định sự thi hành hình phạt thì cũng ấn định sự tiêu diệt hình phạt.

IV. THỦ TỤC TỐ TỤNG
A) VỀ NHỮNG VỤ HÌNH SỰ:
Khi có một sự phạm pháp thì sự cần thiết là phải truy tố các can phạm ra tòa bằng tố quyền hình sự (hay công tố quyền). Vụ kiện hình gồm nhiều giai đoạn đưa đến việc tuyên án và thi hành hình phạt được tuyên, hình phạt này cần được luật pháp ấn định một cách rõ rệt các điều kiện hầu tránh những sự độc đoán của thầm phán. Vì vậy torng các nước tiên tiến hiện tai, đều có những dạo luật tổ chức những cơ quan tài phán, những cơ quan này có quyền xét xử và quy định thủ tục tố tụng chi phối sự diễn biến những vụ kiện hình cho tới khi kết thúc bằng sự thi hành các án văn. Đó là đối tượng của hình sự tố tụng.
Trong các luật pháp cũ của La Mã và Anh quốc, người ta đặc biệt chú trọng tới thủ tục tố tụng với mục đích bảo đảm tự do cá nhân. Vì vậy ta không thấy sự phân biệt rõ rệt giữa luật pháp và thủ tục tố tụng. Ngày nay, hầu hết các nước tân tiến đểu có khuynh hướng phân biệt Hình luật và Hình sự tố tụng ở trong hai luật điển khác nhau:
_ Một luật điển về luật nội dung;
_ Một luật điển về luật hình thức.
Trong xã hội sơ khai, khi xảy ra một tội phạm thì người chủ động bị đưa ra trước dân hội, hay ra trước vị Chúa tể thay quyền Thượng đế (như Vua của Trung Hoa và Việt Nam ngày xưa) để xét xử theo tục lệ và hơn nữa tùy theo ý của người ban phát công lý. Luật thực tại có thể để cho các vị thẩm phán vừa điều tra, vừa xét xử và vừa trông coi việc thi hành án. Luật pháp Việt Nam không theo lối tổ chức này, không cho tập trung các quyền trong tay một cơ quan mà trái lại giao cho hai cơ quan riêng biệt.
1) Quyền công tố tức là quyền truy tố can phạm, thi hành án văn thì được giao cho các vị thầm phán ngành công tố vừa thuộc công pháp và tư pháp.
2) Ngược lại, tố quyền dân sự hay là quyền tư tố có mục đích buộc người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại do sự phạm pháp gây nên. Tư nhân sẽ điều đình quyền ấy với nạn nhân, mà nếu điều đình không được thì tự điều hành lấy, hoặc là phụ thuộc và quyền công tố ở trước các tòa án dân sự.
B) VỀ HÌNH SỰ TỐ TỤNG:
Còn về hình sự tố tụng thì gồm những hành vi sưu tầm mà cơ quan tài phán phải thực hành để xác định tội phạm và áp dụng hình phạt. Xã hội không thể nào giao toàn quyền hành động cho một cơ quan mà không định trước những thể thức và những điều kiện, vì nếu không thì chúng ta sẽ thấy xảy ra những sự chuyên quyền độc đoán. Do đấy, hình luật tân tiến cần phải định rõ trong luật thể thức tố tụng để bảo vệ hai quyền lợi đều chính đáng vì:
_ Một đàng là quyền lợi xã hội đòi hỏi một sự trừng phạt công minh và mau chóng các tội phạm;
_ Một đàng khác là quyền lợi của các can phạm đòi hỏi một sự bảo vệ chặt chẽ quyền bào chữa và tự do cá nhân.
Khi được phân tích như vậy thì Hình sự tố tụng sẽ gồm vào bốn tác dụng chính:
a) Sự truy tố trước cơ quan tài phán có thẩm quyền;
b) Sự thẩm cứu để thâu thập bằng chứng của tội trách;
c) Sự phán xử để xác định tội trách nếu có và để tuyên hình phạt;
d) Sự thi hành án văn tức là thi hành các hình phạt đã tuyên xử.
Luật pháp lại có thể bắt buộc mở một cuộc thẩm cứu đặc biệt trước khi có cuộc thẩm cứu tại phiên xử. Luật pháp của Việt Nam cũng có sự bắt buộc này. Cuộc thẩm cứu dự bị hay dự thẩm có ba đặc tính khác hẳn với cuộc thẩm cứu tại phiên xử. Cuộc dự thầm thì có tính cách mật, lập bằng chứng thư và không đối tịch. Người ta căn cứ vào hồ sơ dự thẩm, cơ quan thẩm cứu xem xét coi có đủ lý lẽ để đình chỉ việc truy tố, hay đưa can phạm ra trước tòa để chịu quyền xét xử. Cơ quan tài phán có thể thụ lý vụ kiện hình do công tố viện hay dân sự nguyên cáo đứng truy tố. Hoặc là do án lịnh dự thẩm truyền đưa bị can ra trước phiên xử. Công cuộc xét xử được thực hiện trong các phiên tòa công khai. Khi tòa xử không chỉ căn cứ vào hồ sơ dự thẩm mà phần chính thuộc vào cuộc thẩm vấn miệng trước phiên tòa: Đó là khẩu biện tranh hùng. Trước năm 1789 thì những Tòa án Pháp quốc khi xét xử chỉ căn cứ vào hồ sơ viết của dự thẩm. Sau đó ở Pháp cũng như ở Việt Nam, hồ sơ dự thẩm đã mất giá trị tuyệt đối. Tòa án cần lập lại cuộc thẩm vấn ở phiên xử, phải nghe các can phạm, phải nghe các nhân chứng buộc tội, nghe những nhân chứng gỡ tội, phải nghe công tố viện và người biện hộ (nên nhớ bao giờ bị can cũng được có lời nói cuối cùng). Sau đó tòa án mới có thể định đoạt về tội trách của can phạm rồi tuyên án tha bổng hay trừng phạt. Về tuyên án tha bổng tòa thường nói vì thiếu yếu tố buộc tội phạm nhận (vì nghi vấn). Về án phạt, sau khi nói đủ lý do tòa sẽ xác định tội trạng của bị can.
Sau khi phân tích những tác vụ về tố tụng, chúng ta thấy danh từ hình sự tố tụng của Việt Nam có một ý nghĩa xác thực hơn danh từ Pháp quốc mà họ gọi là “Code d’intruction criminelle“. Chúng ta nhận thấy tố tụng gồm các tác vụ truy tố, thẩm cứu, xét xử, thi hành án chớ không phải chỉ thu hẹp vào các vụ thẩm cứu mà nghĩa của danh từ Pháp là “Instruction” và sau nữa hình dung từ “Criminel” qua hẹp, nghãi là chỉ gồm có trọng tội mà đáng lý Hình sự phải gồm cả khinh tội và vi cảnh nữa./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar