GIAI ĐOẠN XÁC LẬP HỢP ĐỒNG TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM
DẪN NHẬP
Thuật ngữ “hợp đồng” (contractus) vốn phát sinh từ động từ “contrahere” trong tiếng Latinh, có nghĩa là “ràng buộc” và xuất hiện lần đầu tiên ở La Mã vào khoảng thế kỷ V-IV trước công nguyên. Sau khi đế quốc La Mã tan rã, các nước châu Âu chấp nhận sử dụng thuật ngữ “hợp đồng” khởi nguồn từ luật La Mã. Xuất phát từ thuật ngữ “contractus”, “hợp đồng” trong tiếng Anh gọi là “contract”, trong tiếng Pháp có tên là “contrat”, trong tiếng Nga là “контракт”. Ở Việt Nam, thuật ngữ “khế ước” hay “hợp đồng”, theo cách dùng hiện nay, không được biết đến trong các thời kỳ trước khi Pháp xâm lược Việt Nam. Thuật ngữ “khế ước” được biết đến thông qua các Bộ Dân luật Nam Kỳ, Bắc Kỳ và Trung Kỳ được lần lượt ban hành từ hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bắt đầu từ những năm 60, kể từ khi Tòa án nhân dân tối cao ban hành Chỉ thị số 772-TATC, ngày 10 tháng 07, năm 1959, “về vấn đề đình chỉ áp dụng luật pháp cũ của đế quốc và phong kiến”, thuật ngữ “khế ước” được thay bằng thuật ngữ ‘hợp đồng”. Bên cạnh đó, để chỉ hợp đồng trong lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực dân sự, Việt Nam còn sử dụng các thuật ngữ hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, cho đến khi ban hành BLDS 2015 thì thuật ngữ “hợp đồng dân sự”, được qui định tại Điều 388 BLDS 2005, được thay bằng thuật ngữ “hợp đồng”, được qui định tại Điều 385 BLDS 2015: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Định nghĩa này là gần gũi với quan niệm chung về “hợp đồng” của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước theo truyền thống Dân Luật (Civil Law).
Từ định nghĩa về “hợp đồng” tại Điều 385 BLDS 2015 và định nghĩa về “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” tại Điều 116 BLDS 2015, chúng ta có thể rút ra các đặc trưng sau đây về hợp đồng:
- Khái niệm hợp đồng và sự thỏa thuận là không đồng nhất. Hợp đồng, trước hết, là phải có “sự thỏa thuận”, nhưng không phải “sự thỏa thuận” nào cũng tạo ra “hợp đồng”, mà chỉ có sự thỏa thuận nào “làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” mới là hợp đồng.
- Sự thỏa thuận làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự là hợp đồng; sự thỏa thuận làm thay đổi quyền, nghĩa vụ dân sự cũng là hợp đồng; sự thỏa thuận làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự cũng là hợp đồng. Tất nhiên, sự thỏa thuận vừa làm phát sinh, vừa làm thay đổi, vừa làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự cũng là một hợp đồng. Tuy nhiên, đối với sự thỏa thuận làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự thì sau khi thỏa thuận xong, giữa các bên không còn ràng buộc về nghĩa vụ pháp lý nữa, tức là không có đối tượng của nghĩa vụ, cho nên, người ta không xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh loại hợp đồng chấm dứt quyền nghĩa vụ dân sự. Đối với sự thỏa thuận làm thay đổi quyền, nghĩa vụ dân sự thì có thể sự thỏa thuận này là thỏa thuận mới: Quyền và nghĩa vụ được thay đổi là quyền và nghĩa vụ được xác lập từ thời điểm có nội dung mới theo thỏa thuận. Do vậy, nói đến hợp đồng, người ta chỉ liên tưởng đến hợp đồng làm phát sinh quyền, nghãi vụ dân sự và các quy tắc chi phối sự thỏa thuận nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
- Khác với hành vi pháp lý đơn phương, hợp đồng phải là sự thỏa thuận giữa các bên, ít nhất là hai bên.
Từ những đặc trưng trên, chúng ta thấy rằng, hợp đồng là kết quả của sụ thống nhất ý chí giữa các bên. Tuy nhiên, để thống nhất ý chí, các bên phải trải qua một quá trình bày tỏ ý chí với nhau bằng cách trao đổi ý kiến, rồi đi đến thỏa thuận trong việc cùng nhau xác lập các quyền, nghĩa vụ dân sự đối với nhau, xác định từng nội dung cụ thể của hợp đồng. Tùy theo quyền, nghĩa vụ mà các bên xác lập, sự trao đổi giữa các bên có thể dài ngắn khác nhau. “Xác lập làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự”; “xác lập làm thay đổi quyền, nghĩa vụ dân sự”, hoặc là “xác lập làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”, đều là “xác lập hợp đồng”. Căn cứ vào tiêu chí thời gian của một hợp đồng cụ thể, chúng ta phân ra: Giai đoạn xác lập hợp đồng, giai đoạn thực hiện hợp đồng và giai đoạn chấm dứt hợp đồng. Giai đoạn xác lập hợp đồng diễn ra từ khi các bên gặp gỡ, trao đổi ý kiến, đi đến thống nhất ý chí, cho đến khi xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự. Xác lập là thuật ngữ dùng chung cho giao dịch dân sự, gồm hành vi pháp lý đơn phương và hợp đồng. Đối với hợp đồng, có thuật ngữ riêng là giao kết hợp đồng. Gọi xác lập hợp đồng hay giao kết hợp đồng là hoàn toàn cùng một nội hàm. Giai đoạn xác lập hợp đồng chính là giai đoạn giao kết hợp đồng, được qui định từ Điều 386 đến Điều 397 BLDS 2015. Việc nghiên cứu giai đoạn giao kết hợp đồng giúp làm sáng tỏ chế định hợp đồng vô hiệu, đặc biệt là các trường hợp vô hiệu do bị lừa dối, như trong trường hợp vụ án Konica Minolta.
Sau khi bên nhận được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng, được qui định tại Điều 393 BLDS 2015, thì giai đoạn giao kết hợp đồng chấm dứt, các bên đi vào giai đoạn thực hiện hợp đồng và sau đó là giai đoạn chấm dứt hợp đồng. Quyền sách này chỉ bàn về giai đoạn giao kết hợp đồng, không bàn các giai đoạn sau khi đã có giao kết hợp đồng, dù là giao kết bằng lời nói, bằng hành vi hay bằng văn bản.
Bình luận