KHÁI NIỆM TỔNG QUÁT
- Hình luật là ngành luật qui định và áp dụng những chế tài mạnh mẽ để phòng ngừa và trừng trị những hành vi làm xáo trộn trật tự xã hội.
- Hình luật cần thiết cho sự duy trì trật tự xã hội: Một xã hội chỉ có thể phát triển trong trật tự. Đời sống công cộng chỉ có thể tổ chức được nếu tự do của mỗi người được hạn chế để khỏi phương hại đến tự do của người khác. Vì thế trong mọi lĩnh vực của sinh hoạt xã hội đều có những quy tắc mà mọi người phải tôn trọng, nếu không thì quyền lợi chung sẽ bị tổn thương. Nhiều chế tài được dự liệu để bắt buộc mọi người phải tuân theo. Mỗi ngành luật có những quy tắc riêng và những chế tài riêng của những ngành ấy. Thí dụ trong dân luật có những quy tắc về kết ước, về chế độ trách nhiệm dân sự. Dân luật tự tổ chức cách chế tài như bắt buộc người có trách nhiệm phải bồi thường bằng tiền bạc hoặc tiêu hủy những khế ước lập không đúng quy tắc đã định. Dân luật còn dự liệu một phương các chế tài mạnh hơn nữa là cho phép chủ nợ sai áp tài sản của con nợ để bảo đảm cho món nợ không được trả. Luật hành chánh, luật lao động cũng vậy, đều có những chế tài riêng, nhằm mục đích bảo tồn sự tôn trọng những quy tắc do ngành luật đó đặt ra. Tuy nhiên, những chế tài nói trên nhiều khi quá yếu ớt hoặc thiếu sót, hoặc vì sự vi phạm quy tắc của đời sống xã hội có tính cách trầm trọng, hoặc vì những chế tài dự liệu không đủ sức làm cho kẻ phạm pháp phải e sợ (Thí dụ: Nếu những hành vi hung bạo như cướp của, giết người mà chỉ bị chế tài bằng sự bồi thường thì không đủ). Cũng có khi sự phạm pháp không có tính cách trầm trọng, nhưng nó làm xáo trộn trật tự công cộng; ví dụ như vi phạm luật giao thông. Trong những trường hợp nêu trên cần phải dùng đến hình luật. Hình luật là ngành luật có tính cách trừng trị hữu hiệu hơn cả vì nó sử dụng những phương tiện cưỡng bách và thị uy rất mạnh.
Mỗi khi có những hành vi quá đáng, cần phải chế tài bằng những phương tiện mạnh của hình luật, người ta gọi những hành vi đó là những tội phạm. Tội phạm được chia ra làm nhiều loại, tùy theo mức độ trầm trọng khác nhau. Những phương tiện chế tài các tội phạm được gọi là hình phạt (và biện pháp an ninh).
Theo lịch sử, những đạo luật đầu tiên của các dân tộc thời cổ, phần lớn đều là hình luật. Trong buổi hoàng hôn của nền văn minh nhân loại, các bộ luật cổ đã biết dùng hình phạt như những phương tiện để cưỡng bách cá nhân phải tôn trọng sinh mạng, tài sản của người khác và tôn trọng uy quyền của Vua, Chúa. Nền văn minh nhân loại càng tiến triển thì người ta cáng ít cần đến những hình phạt ghê gướm để duy trì sự tôn trọng các quy tắc tổ chức đời sống xã hội. Ihering, một Luật gia người Đức, đã nói: “Lịch sử hình luật là một sự bãi bỏ liên tục các hình phạt“. Nhận xét này có một phần đúng là lịch sử đã chứng minh rằng, từ thởi thượng cổ đến nay, càng tiến gần đến thời cận đại, các hình phạt càng mất dần tính dã man. Tuy nhiên, lời tiên đoán của Ihering đã sai khi cho rằng phạm vi của hình luật mỗi ngày một thu hẹp dần. - Sự bành trướng của hình luật: Thật vậy ngày nay phạm vi của hình luật đã mở rộng thêm. Người ta chứng kiến một hiện tượng rõ rệt là khuynh hướng dùng hình luật để chế tài những nghĩa vụ mới của các nhân đối với xã hội, như nghĩa vụ cấp cứu đối với người khác, hoặc những bổn phận gia đình, như bổn phận phải cấp dưỡng vợ con mà sự khiếm khuyết cấu thành tội bỏ phế gia đình do luật ngày 23-7-1942 trừng phạt. Ngày nay hình luật mở rộng phạm vi, lan tràn sang nhiều lãnh vực mới mà trước kia người ta thấy vắng bóng môn luật ấy: Trong tương quan giữa chủ nhà và người thuê nhà, Dụ số 4 ngày 2-4-1953, điều 25 phạt giam 15 ngày đến một năm, chủ nhà nào đã thu nhận tiền nhà ngoài các giới hạn luật định. Trong tương quan giữa chủ nhân và công nhân, những hành vi quá lạm như vi phạm quyền tự do nghiệp đoàn cũng cấu thành tội phạm do hình luật chế tài (điều 19 và 36 sắc luật số 19 ngày 24-10-1964). Nhất là trên lĩnh vực kinh tế, nhiều tội phạm mới đã được nhà lập pháp qui định, nhiều hình phạt nặng đã được dự liệu.
MỤC I: VỊ TRÍ CỦA HÌNH LUẬT
Hình luật có một vị trí không rõ ràng giữa các môn luật: Nó đứng ở biên giới phân biệt hai lãnh vực tư pháp và công pháp. Theo bản chất, hình luật thuộc công pháp vì đối tượng của hình luật là qui định những tương quan giữa công quyền và những cá nhân không tôn trọng các qui tắc của đời sống xã hội. Tuy nhiên, sự áp dụng hình luật lại được giao cho các tòa án tư pháp và môn hình luật được diễn giảng tại đại học như một bộ môn thuộc ban tư pháp. Sở dĩ hình luật ngày nay có một tính cách hỗn hợp, nửa tư nửa công như vậy là vì hai lý do, một lý do lịch sử, một lý do chính trị.
a) Trong lịch sử của hình luật, thoạt kỳ thủy, khi một tội phạm xảy ra, xã hội không can thiệp. Chính nạn nhân hay gia đình của nạn nhân, là người phải tìm cách phục thù và đòi bồi thường. Thời đó tư nhân có quyền tự thực hiện công lý cho mình. Mãi về sau nhà nước mói can thiệp để giành lấy quyền trừng phạt kẻ phạm tội vì nhà nước có trách nhiệm duy trì trậ tự xã hội. Từ đó nạn nhân hay gia đình nạn nhân chỉ còn quyền đòi bồi thường. Quyền này là nguồn gốc của Dân sự tố quyền trong hình sự tố tụng ngày nay. Nó song hành với công tố quyền, nghĩa là, quyền của Nhà nước đứng lên truy tố và trừng trị kẻ phạm tội. Thường thường mỗi khi có một tội phạm xảy ra đều có một nạn nhân đòi bồi thường cho nên dân sự tố quyền được gắn liền với công tố quyền trong cùng một vụ tố tụng. Vì lẽ đó, các vụ án hình được để thuộc thẩm quyền Tòa án tư pháp chuyên xét xử những vụ kiện giữa tư nhân, thay vì được giao cho các Tòa án hành chánh.
b) Ngoài lý do lịch sử này, ta còn thấy một lý do chính trị: Một vụ án hình thường quyết định sự mất còn của tự do, của danh dự, của sinh mạng cá nhân. Trong lĩnh vực hình sự, tự do cá nhân bị đe dọa nên kẻ bị truy tố cần được nhiều bảo đảm của công lý. vậy mà về hình sự, chính công quyền lập ra các tội phạm, chính công quyền truy tố, rồi lại chính đại diện công quyền (công tố viện) đứng lên buộc tội nghi phạm. Như vậy, cá nhân nghi phạm bị đặt vào một tình trạng thực nguy hiểm vì công quyền vừa là cơ quan xét xử, vừa là người trong cuộc. Theo truyền thống đã có từ lâu tại Pháp quốc, các Tòa án tư pháp vẫn được cảm tình của nhân dân hơn các Tòa án hành chính và được coi là thành trì bảo vệ tự do cá nhân. Người dân tín nhiệm, tin cậy ở các tòa án tư pháp hơn ở các tòa án hành chính mà họ coi là những Tòa án của chánh phủ. Vừa để tránh tiếng cho mình, vừa để cho dân tin tưởng ở công lý hơn, quốc gia đã đặt các vụ án hình thuộc thẩm quyền của Tòa án tư pháp từ lúc ban đầu.
Đoạn 1: HÌNH LUẬT VÀ LUÂN LÝ
Hình luật và luân lý có một điểm tương đồng là cả hai đều chỉ dẫn cho con người biết những điều gì nên tránh. Người ta thường nói là luân lý cung cấp cho hình luật những nguyên lý căn bản làm nền tảng cho những điều mà hình luật cấm đoán và chế tài. Những điều cấm đoán trong hình luật thường lấy luân lý làm tiêu chuẩn. Mỗi bộ hình luật phản ánh một nền luân lý hay ít nhất cũng biểu lộ những quan niệm đương thời về luân lý. Thí dụ: Bộ hình luật Pháp năm 1810 phản ánh nền luân lý Tây phương với những quan niệm tương đối phóng khoáng về đạo cha con, về nghĩa vợ chồng. Trái lại, Bộ quốc Triều Hình luật Triều Lê (1483) lấy nền luân lý Đông phương thời cổ làm căn bản với những quan niệm khắc khe về đạo hiếu, đạo lễ nên trừng trị thật nghiêm khắc các hành vi được coi là bất hiếu như phạt tử hình kẻ đánh lại cha mẹ, phạt đòn trượng kẻ đương có tang cha mẹ hoặc cha mẹ, ông bà đương bị tù tội mà đàn hát, rượu chè (Điều 2 và 131 Bộ Quốc Triều Hình luật).
Mặc dầu hình luật dựa theo luân lý và lấy luân lý làm tiêu chuẩn, giữa hình luật và luân lý vẫn có những khác biệt quan trọng về mục đích, về chế tài, về phạm vi:
a) Về mục đích: Luận lý mong cải thiện con người, phát huy giá trị tinh thần của cá nhân. Hình luật trái lại chỉ tìm cách duy trì trật tự xã hội, làm sao cho xã hội khoải hỗn loạn.
b) Về cách chế tài những sự vi phạm, hình luật đưa đến việc áp dụng các hình phạt như phạt tiền, phạt giam. Ngược lại, trong lĩnh vực luân lý, ta chỉ thấy có sự trừng phạt của lương tâm hay sự trừng phạt của công luận (miệng thế gian chê cười).
c) Phạm vi của hình luật nhỏ hẹp hơn phạm vi của luân lý. Phạm vi luân lý bao gồm tất cả những bổn phận của con người đối với Thượng đế, Trời, Phật, cùng bổn phận của người đối với bản thân và đối với đồng loại, trong khi phạm vi hình luật chỉ thu hẹp vào các bổn phận của người đối với đồng loại. Trong các bổn phận này, hình luật lại chỉ buộc thi hành một số bổn phận công lý và miễn bổn phận từ thiện. Và ngay các bổn phận công lý, hình luật cũng không chế tài tất cả. Thí dụ: con nợ không trả nợ là không thi hành bổn phận công lý, nhưng hình luật không trừng phạt người thiếu nợ mà để cho dân luật chế tài. Một thí dụ khác: Theo luân lý cá nhân – Luận lý quy định những bổn phận của người đối với bản thân – người ta không ai được bê tha rượu chè hay trụy lạc, nhưng về hình luật lại không trừng trị những kẻ ham mê tửu sắc. Về phương diện luân lý, một ý định cướp của hay giết người cũng là một tội lỗi khiến cho kẻ có ý định ấy có thể bị lương tâm cắn rút. Nhưng đối với hình luật thì một ý định phạm pháp – dù là ý định giết người chăng nữa – không đủ để kết tội kẻ có y định đ1o nếu nó chưa được diễn tả bằng hành động. Người ta thường hình dung hai lĩnh vực của luân lý và hình luật bằng hai vòng tròn lồng vào nhau, một lớn, một nhỏ, không cùng trung tâm. Một phần của hình tròn nhỏ năm trong hình tròn lớn, còn một phần nằm ở bên ngoài. Bề mặt hình tròn lớn, tượng trưng cho phạm vi luân lý. Bề mặt hình tròn nhỏ tượng trưng cho phạm vi của hình luật. Phạm vi này có một phần không thuộc về luân lý. Như vậy là luân lý đòi hỏi con người nhiều bổn phận hơn hình luật. Luân lý khắc nghiệt hơn hình luật về những cấm đoán. Ngoài ra, người ta còn nhận thấy có một phạm vi nhỏ của hình luật (gạch xéo) không liên hệ đến luân lý (như những vi phạm giao thông), nên đứng ngoài luân lý. Tuy nhiên về điểm này, có tác giả không đồng ý và cho rằng những vi phạm luật lưu thông cũng liên hệ đến luân lý xã hội (morale sociale). Luân lý này đặt ra những bổn phận của người đối với đồng loại trong xã hội. Như vậy, hình tròn nhỏ nằm lọt trong hình tròn lớn và cả hai có cùng trung tâm (P.Bouzat. Traité de droit pénal. Dalloz. p.5: P. Bouzat. Luận về luật hình sự. Dalloz. trang 5).
Sự lẫn lộn giữa luân lý và hình luật là một đặc tính của các bộ luật cổ như Bộ luật Gia Long và Bộ luật Hồng Đức nên trong hai bộ luật này, ta thấy rất nhiều điều khoản quá khắc nghiệt. Nhà làm luật thời cổ đã dùng hình phạt để chế tài tất cả những giáo điều của luân lý. Ch1inh sách của nhà cầm quyền thời xưa là chỉ chú trọng đến việc bảo vệ trật tự và bảo vệ luân lý, cốt soa cho luân lý được tôn trọng mà ít lưu tâm đến tự do cá nhân. Chính sách này giải thích tại sao trong cổ luật Việt Nam đã có sự lẫn lộn hai phạm vi của hình luật. Vì không muốn bỏ qua một hành vi trái đạo nào, nên điều 351 Luật Gia Long mới phạt đòn trượng hay đòi roi kẻ nào đã làm một điều gì lẽ ra y không được làm. Điều luật hình này được dùng để chế tại mọi hành vi trái với luân lý chưa được một điều luật hình nào khác trừng trị.
Đoạn 2: HÌNH LUẬT VÀ DÂN LUẬT
Người ta thường hay so sánh hình luật với dân luật vì hai môn luật này có nhiều liên hệ:
Dân luật lập ra những nghĩa vụ dân sự như nghĩa vụ tôn trọng sự kết ước. Hình luật cũng qui định những nghĩa vụ hình sự như nghĩa vụ tôn trọng sinh mạng, tài sản, danh dự của người khác. Tuy nhiên cách chế tài sự vi phạm những nghĩa vụ này rất khác nhau trong hai môn luật. Khi hành vi của một cá nhân gây thiệt hại cho người khác, đồng thời làm xáo trộn trật tự xã hội, như cướp của, giết người, dân luật chỉ bắt thủ phạm bồi thường bằng tiền bạc cho người bị thiệt hại. Trái lại hình luật, chú ý trước hết đến quyền lợi xã hội nên dùng hình phạt để trừng trị thủ phạm ngõ hầu làm gương cho kẻ khác, để mọi người thấy vậy mà e sợ không dám phạm tội. Như vậy hình luật có mục đích bảo vệ xã hội trong khi dân luật chỉ lo bảo vệ quyền lợi tư nhân. Vì thế, về bản chất, hình luật thuộc công pháp, dân luật thuộc tư pháp.
Một khác biệt thứ hai giữa hình luật và dân luật là: mục tiêu vụ kiện dân sự chỉ đặt lên cán cân công lý những quyền lợi của tư nhân về tài sản, tiền bạc. Trong vụ kiện dân sự, tòa án chỉ thẩm xét những lý lẽ hơn thiệt do hai tụng phương viện dẫn mà không cần biết về nhân cách của tụng nhân. Trái lại, một vụ án hình sự vô cùng quan trọng vì nói đe dọa những quyền căn bản của cá nhân, nó quyết định về sự mất còn của danh dự, của tự do của sinh mạng người bị cáo. Vì vậy, thầm phán Tòa hình bao giờ cũng cần tìm hiểu nhân các và dĩ vãng của bị can, khi xét xử.
Đoạn 3: HÌNH LUẬT VÀ QUYỀN TRỪNG PHẠT KỶ LUẬT.
Trong xã hội, ngoài quyền trừng trị của Nhà nước để duy trì trật tự chung, mỗi đoàn thể như nghiệp đoàn, quân đội, chánh đảng …, đều có một quyền trừng trị riêng để giữ kỷ luật nội bộ của đoàn thể. Những chế tài kỷ luật nhiều khi giống hình phạt (thí dụ phạt bạc). Nhiều khi những hành vi đưa đến sự trừng phạt kỷ luật cũng là một tội phạm do hình luật quy định. Tuy nhiên, giữa quyền trừng phạt trong hình luật và quyền trừng trị kỷ luật có những điểm khác biệt.
a) Trước hết sự trừng phạt kỷ luật có phạm vi rất hẹp. Chỉ những hành vi gây tổn thiệt vật chất hay tinh thần cho đoàn thể mới bị coi là vi phạm kỷ luật. Những lỗi kỷ luật thường chỉ là những điều trái luân lý chức nghiệp mà hình luật không trừng trị. Ngược lại có khi một hành vi, tuy đối với hình luật là một tội phạm, nhưng vì nói không gây tổn thiệt vật chất hay tinh thần cho đoàn thể (như tội ngộ sát) nên đoàn thể không thi hành quyền trừng phạt kỷ luật đối với can phạm.
b) Quyền trừng phạt kỷ luật có một căn bản khác căn bản của hình luật: khi một cá nhân tự ý gia nhập một đoàn thể, giữa cá nhân và đoàn thể đã có một sự thỏa thuận trước, theo một sự giao ước giữa hai bên là cá nhân chấp nhận tuân theo những qui tắc của đoàn thể và chịu sự trừng phạt kỷ luật của đoàn thể nếu vi phạm những qui tắc ấy. Như vậy, quyền kỷ luật có thể được coi như đặt căn bản trên sự kết ước, sự tương thuận.
c) Sau hết, sự khác biệt quan trọng nhất giữa hình luật và sự trừng phạt kỷ luật là kỹ thuận áp dụng hai quyền này. Hình luật có những nguyên tắc thiết yếu mà Tòa án hình phải tôn trọng khi xét xử như nguyên tắc pháp căn (Nullum crimen sine lege, nulla poena sine lege: Không có tội phạm nào mà không có pháp luật, không có sự trừng phạt nào mà không có pháp luật). Theo nguyên tắc này, mọi tội danh và hình phạt cần được hình luật tiên liệu thì Tòa án mới có thể truy tố và áp dụng. Trái lại, khi trừng phạt kỷ luật, người ta không cần phải tôn trọng nguyên tắc này. Hội đồng kỷ luật được tự do thẩm lượng việc đương sự có phạm lỗi hay không và cũng tự do ấn định cách chế tài. Cả nguyên tắc bất hồi tố của luật hình, một nguyên tắc căn bản cả hình luật, cũng không được áp dụng trong việc trừng phạt.
Đoạn 4: HÌNH LUẬT VÀ CÁC KHOA HỌC HÌNH SỰ
Hình luật dựa vào tiêu chuẩn (normes) và chỉ nghiên cứu trạng thái pháp lý của hiện tượng phạm pháp. Các khoa học hình sự là những khoa học thực tiễn căn cứ vào quan sát và nghiên cứu hiện tượng phạm pháp như một thực thể xã hội do con người tạo ra. Hình luật có liên hệ mật thiết với các bộ môn khoa học hình sự vì phải dựa vào khoa học này mới tiến bộ được. Khao học hình sự gồm có hai ngành là tội phạm học và các khoa học thực tiễn.
A. HÌNH LUẬT VÀ TỘI PHẠM HỌC
Đối tượng của tội phạm học là tìm hiểu hiện tượng phạm pháp bằng cách nghiên cứu những nguyên nhân phát sinh tội phạm và những loại phạm nhân. Tội phạm học nhằm mục đích tối hậu là phòng ngừa và bài trừ tội phạm trong xã hội. Từ việc nghiên cứu phạm nhân, khoa tội phạm học đi đến việc nghiên cứu hoàn cảnh xã hội trong đó phạm nhân đã sống rồi rút tỉa ra những kết luận khả dĩ giúp cho việc bài trừ tội phạm được hữu hiệu. Như vậy tội phạm học giúp ích rất nhiều cho chánh quyền các quốc gia trong việc hoạch định và thực thi chính sách hình sự bằng những biện pháp phòng ngừa hay cải huấn mới, và bằng những đạo luật hình thích nghi để ứng phó với sự gia tăng của tội phạm. Khoa tội phạm học cũng ích lợi cho các thẩm phán xử án vì những hiểu biết tường tận về nhân cách, về tính tình của phạm nhân giúp cho Tòa án dễ thích ứng hình phạt với cá nhân người phạm tội. Tòa án sẽ áp dụng biện pháp chế tài nào thích hợp cho phạm nhân để y khỏi tái phạm và sớm hoàn lương. Đây là một nhiệm vụ tế nhị của các tòa án hình, nhất là các tòa án thiếu nhi: Nhiệm vụ cá nhân hóa hình phạt và tái hợp phạm nhân với xã hội. Tội phạm học không có phạm vi riêng biệt mà phối hợp ba bộ môn là tội phạm nhân thể học (anthropologie criminelle), tội phạm xã hội học (sociologie criminelle) và y khoa tâm lý học (psychiatrie).
1. Tội phạm nhân thể học là một khoa học do bác sĩ Cesar Lombroso sáng lập tại Ý đại lợi vào năm 1874. Lần đầu tiên, Lombroso đem những phương pháp khoa học quan sát áp dụng vào việc nghiên cứu con người phạm tội. Tác phẩm “Người phạm tội” (L’homme criminel) của ông xuất bản năm 1874 đã tổng hợp những nhận xét tỉ mỉ về các loại phạm nhân mà tác giả đã dày công nghiên cứu trong các nhà tù. Cesar Lombroso cố gắng tìm trong cơ thể, trong trí não của các phạm nhân cái mà ông gọi là “đặc điểm” (Stigmate) của người phạm tội. Những người có nhiều đặc điểm này nhất là những kẻ có sẵn tiềm năng phạm pháp chắc chắn sẽ nhúng tay vào tội ác. Vì vậy Lombroso gọi những người này là những “sát nhân bẩm sinh” (criminels nés: tội phạm bẩm sinh). Ông cũng nghiên cứu nhiều loại phạm nhân khác mà hành vi phạm pháp do những nguyên nhân nội sinh thúc đẩy, như những kẻ phạm tội vì tình. Ông kết luận là những triệu chứng báo hiệu sự phạm pháp thường thể hiện ra ngoài bằng những “đặc điểm” của cơ thể. Căn cứ vào những đặc điểm, dấu hiệu bề ngoài đó, người ta có thể tìm ra và xếp loại các phạm nhân, kể cả kẻ sắp phạm pháp. Khi duyệt qua các học thuyết hình sự Tây phương trong tiết II, ta sẽ nhận thấy rằng chính những cuộc nghiên cứu và những kết luận của Lombroso về người phạm tội đã khiến ông trở thành một sáng lập viên của môn phái thực luận Ý đại lợi (école positiviste italienne: Trường phái thực chứng Ý), một học phái đã phát động một cuộc cách mạng trên đại hạt hình luật bằng những chủ trương táo bạo nhưng thực tế.
2. Ngành thứ hai của tội phạm học là tội phạm xã hội học do Giáo sư Enrico Ferri, một sáng lập viên khác của học phái thực luận Ý đại lợi, khởi xướng. Khoa tội phạm xã hội học nghiên cứu những yếu tố xã hội khả dĩ dẫn dắt con người đến tội ác. Ferri nhận định rằng hoàn cảnh gia đình và xã hội ảnh hưởng nhiều đến tính tình và tư cách con người. Chính ngoại cảnh đã cung cấp những dữ kiện chi phối tinh thần và tâm trạng của cá nhân đưa cá nhân đến phạm pháp trong một trường hợp nhất định. Những yếu tố đó vạch cho ta thấy diễn biến tâm lý của phạm nhân khi phạm tội. Khoa tội phạm xã hội học hiện nay rất phát triển tại Hoa Kỳ. Khuynh hướng nghiên cứu nguyên nhân của tội phạm trong các yếu tố xã hội rất thịnh hành tại Mỹ quốc. Nhiều cuộc nghiên cứu có giá trị về tội phạm học đã được thực hiện theo chiều hướng đó với giáo sư Thorsten Sellin (người Thụy Điển) và Sutherland (người Mỹ).
3. Ngành thứ ba của tội phạm học là y khoa tâm lý: Khoa học này nghiên cứu tội phạm bằng những phương pháp y học và tâm lý học. Nhờ có những khám phá của y học, nhât là của sinh vật học, khoa tâm lý học ngày nay đã được cải tiến nhiều, từ các phương pháp nghiên cứu những qui tắc chi phối thái độ, tác phong của con người nói chung và của phạm nhân nói riêng. ngày nay với những phương pháp quan sát và trắc nghiệm mới, khoa tâm lý học đã trở thành một khoa học chính xác. Một vài hình thức trắc nghiệm đã có thể khiến cá nhân bộc lộ được tât cả nhân cách và phơi bày những gì thầm kín trong tiềm thức mà chính đương sự cũng không hay biết. Tại Pháp, những công trình nghiên cứu của các nhà bác học như Le Senne và Mounier rất có giá trị.
Tội phạm học là một khoa học tương đối mới mẻ, bao trùm cả ba ngành trên. Ngày nay giữa ba ngành, người ta đã biết phối hợp những kết quả nghiên cứu để đi đến những kêt luận chắc chắn và chính xác hơn xưa về con người phạm tội và hiện tượng phạm pháp. Hình luật có những liên hệ mật thiết với tội phạm học:
a) Hình luật giúp tôi phạm học bằng cách định nghĩa các tội phạm, ấn định mức độ trầm trọng của những hành vi phản xã hội, cung cấp “nguyên liệu” cho những công cuộc nghiên cứu của các nhà tội phạm học; nguyên liệu đó chính là các phạm nhân trong các nhà tù.
b) Ngược lại, tội phạm học cũng giúp hình luật tiến bộ thêm. Nó đặc biệt giúp chính quyền các quốc gia hoạch định chính sách hình sự của nước mình khi biết rõ hơn những nguyên nhân và những yếu tố của tội phạm. Tội phạm học giúp cho việc trừng trị được hữu hiệu và khoa học hơn. Nhờ ở những khám phá của tội phạm học, người ta đã qui định thêm nhiều biện pháp chế tài mới (khác hình phạt) và dành quyền cho Tòa án lựa chọn, ngõ hầu thích ứng biện pháp chế tài với cá nhân can phạm.
Tội phạm học cũng ảnh hưởng đến cách thi hành hình phạt. Muốn cho việc thi hành này có kết quả tốt (nghĩa là phạm nhân sớm được hoàn lương), người ta nhận thấy rằng, phương pháp quan sát khoa học áp dụng cho phạm nhân và sự điều tra xã hội về tình trạng của phạm nhân trong các vụ án hình là rất cần thiết và hữu ích. người ta đạt tới kết luận này trong lĩnh vực hình luật chính là nhờ ảnh hưởng tốt của tội phạm học. Tuy nhiên, ta vẫn còn phải thận trọng và dè dặt khi tiếp nhận những ảnh hưởng này vì giữa hình luật và tội phạm học có những điểm khó dung hòa: hình luật có những nguyên tắc căn bản cần được duy trì như sự tôn trọng tự do cá nhân, sự tôn trọng nhân cách. Trong khi đó tội pah5m học đòi hỏi thi hành nhiều biện pháp có thể xúc phạm tới nhân cách hay làm giảm tự do cá nhân. Đó là những cuộc thí nghiệm khoa học thực hiện trên cơ thể của người bị cáo (như trắc nghiệm) để tìm kiếm các khuynh hướng phạm pháp của cá nhân ngõ hầu biết đương sự nguy hiểm nhiều hay ít. Những cuộc thí nghiệm hay trắc nghiệm khoa học lấy con người làm chủ thể thường bị coi là xúc phạm đến tự do cá nhân nên phần lớn hình luật các nước dân chủ chỉ cho phép thi hành khi có sự ưng thuận của bị cáo. Những phương pháp khoa học đó không được coi như những phương pháp điều tra thông thường, cơ quan tư pháp không thể đương nhiên sử dụng ngoài ý muốn của bị cáo.
B. HÌNH LUẬT VÀ CÁC KHOA HỌC HÌNH SỰ THỰC TIỄN
Các khoa học hình sự thực tiễn gồm có y khoa pháp lý, cảnh sát khoa học và tội phạm nhân trắc học và thường được gọi là các khoa học phụ tá hình luật. Các khoa học này có mục đích làm dễ dàng sự khám phá các tội phạm và tìm ra căn cước thủ phạm, nhất là những tội phạm chưa được phanh phui và những thủ phạm còn lẫn trốn.
1._ Ykhoa pháp lý: Đứng trước một sự kiện, như trường hợp một người vừa chết trong trường hợp có khả nghi, khoa học này dùng những phương pháp y học để điều tra và có thể cho ta biết sự thực là người ấy bị tai nạn, hay tự tử hoặc bị giết. Nếu là người bị thương tích, nhờ y khoa pháp lý, ta có thể biết nguyên nhân của các vết thương, mức độ trầm trọng của thương tích, nghĩa là những yếu tố cần thiết để cơ quan tư pháp dùng làm căn bản truy tố hay miễn tố.
2.- Cảnh sát Khoa học: KHoa học này cũng giúp nhân viên điều tra khám phá sự thực trong những vụ án hình sự nhờ các phương pháp giám định, thí dụ như xem xét các vỏ đạn tìm thấy tại hiện trường để biết rõ thứ võ khí giết người mà hung thủ đã dùng, xem xét dấu vết do hung thủ để lại (vết máu, vết giày, vết dấu tay …) để tìm ra manh mối.
3._ Tội phạm nhân trắc học: Khoa học này căn cứ và định luật theo đó hai cá nhân không bao giờ hoàn toàn giống nhau. Vì thế có thể lập cho mỗi cá nhân một phiếu tướng mạo ghi rõ những đặc điểm của thân hình. Nhờ khoa học này cơ quan cảnh sát có thể nhận ra một cách chắc chắn, và chính xác căn cước của một cá nhân. Khoa học này giúp ích rất nhiều cho việc ttruy tìm thủ phạm. Nó do một nhà bác học người Bỉ tên là Quetelet sáng lập vào năm 1870. Ngày nay những cá nhân bị bắt vì bị tình nghi, trước khi được cơ quan tư pháp thẩm vấn đều được đưa qua sở tướng mạo thuộc Nha cảnh sát công an để lập phiếu tướng mại. Phiếu này có dán hình và ghi chép những đặc điểm của nhận dạng và các dấu in tay. Khi thủ phạm lẩn trốn, phải truy tầm, cơ quan tư pháp cảnh sát sẽ cho phổ biến những đặc điểm ghi trên thẻ tướng mạo của đương sự để dễ dàng truy nã. Trong tội phạm nhân trắc học có một phương pháp để tìm biết căn cước thực sự của cá nhân một cách rât tinh vi là phương pháp lấy dấu vân tay. Căn cứ trên định luật: dấu vân tay của mỗi cá nhân có những đặc điểm riêng không ai giống ai. Phương pháp này do ông Bertillon, người Pháp, áp dụng lần đầu tiên trong ngành cảnh sát tư pháp vào cuối thế kỷ trước. Ngày nay nó rất thông dụng.
MỤC II: NỘI DUNG HÌNH LUẬT:
Theo nghĩa rộng, hình luật gồm 4 bộ môn là hình luật tổng quát, hình luật chuyên biệt, hình sự tố tụng và hình chế học hay khoa học lao tù.
1. Hình luật tổng quát: Môn hình luật này nghiên cứu sự qui định những tội phạm và hình phạt. Chữ tổng quát minh định rằng bộ môn không học riêng một tội phạm nào mà chỉ nghiên cứu những đặc tính chung của mọi tội phạm (như các yếu tố luật định, yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần mà bất cứ tội phạm nào cũng phải có đủ) hoặc phân tích những điều kiện pháp lý của trách nhiệm hình sự, ấn định những trường hợp thủ phạm được coi là vô trách nhiệm hay được gia giảm trách nhiệm. Ngoài tội phạm, hình luật tổng quát còn nghiên cứu cả những phản ứng xã hội trước hiện tượng phạm pháp, nghĩa là nghiên cứu chế độ của các hình phạt và biện pháp an ninh. Những quy tắc ấn định hình phạt, những điều kiện hoãn hình hay miễn hình cùng là chế độ của mỗi hình phạt đều được môn hình luật tổng quát lần lượt trình bày.
2. Hình luật chuyên biệt: Môn luật này nghiên cứu một cách tỉ mỉ và riêng biệt mỗi tội phạm (tội trộm, tội cố sát, tộ ngộ sát …). Nội dung hình luật chuyên biệt được coi như một bảng tổng kê các tội phạm. Những thành tố riêng của mỗi tội phạm và những hình phạt dự liệu riêng cho mỗi tội lần lượt được xét đến. Thí dụ: tội trộm có những thành tố gì? (Trộm là lấy một cách có gian ý và lén lút một động sản của người khác). Tội bội tín có những thành tố gì và bị trừng trị bằng hình phạt nào? v.v…
Hình luật chuyên biệt là một môn học đem lại cho ta những hiểu biết về sự áp dụng cụ thể của hình luật trong thực tế. Nó rất cần thiết cho các luật sư và thẩm phán tòa hình. Môn hình luật chuyên biệt còn bổ túc và giúp ta hiểm thêm hình luật tổng quát vì muốn thực am tường những qui tắc của hình luật tổng quát, ta phải dẫn những thí dụ cụ thể lấy torng hình luật chuyên biệt.
3. Hình sự tố tụng: Môn hình luật này qui định tất cả những chi tiết về thủ tục trong một vụ án hình bắt đầu từ khi tìm kiếm tội phạm truy tố thủ phạm đến khi hoàn tất việc xét xử phạm nhân. Việc tìm kiếm tội phạm và điều tra sơ khởi là nhiệm vụ của cảnh sát tư pháp. Việc truy tố kẻ phạm pháp ra trước tòa hình là phận sự của công tố viện. Trước khi được xét xử công khai, người bị cáo về một trọng tội, còn được thẩm vấn trước cơ quan dự thẩm. Ngoài những vấn đề nêu trên, hình sự tố tụng còn trình bày các tổ chức các Tòa án hình và ấn định thẩm quyền của các Tòa án này.
4. Hình chế học: Đối tượng của hình chế học là tổ chức việc thi hành các hình phạt và biện pháp an ninh. Nó nghiên cứu những vấn đề do việc thi hành đó đặt ra như chế độ lao tù, chế độ làm việc của tù nhân, vấn đề sinh hoạt và kỷ luật trong lao thất v.v… Nói tóm lại, tất cả những ì liên quan đến chế độ lao tù, đến phương pháp cải huấn tội nhân, đều được môn học này đề cập đến.
MỤC III: CĂN BẢN QUYỀN TRỊ TRONG HÌNH LUẬT
Trước ngưỡng cửa của hình luật, ta gặp ngay một vấn đề tiên khởi phải giải quyết là quyền trừng trị của xã hội. Vì thế nên trước khi trình bày sự tiến hóa của hình luật qua lịch sử, ta cần giải đáp hai câu hỏi là xã hội có quyền trừng trị không? Và quyền trừng trị đó, nếu có, dựa trên căn bản nào?
Đoạn 1: XÃ HỘI CÓ QUYỀN TRỪNG TRỊ KHÔNG?
Ngày nay mọi người đều đồng ý công nhận cho xã hội, cho nhà nước quyền trừng trị những hành vi của cá nhân phương hại đến sự sinh tồn của xã hội, của cộng đồng. Khi một cá nhân phạm tội ác, không những y có trách nhiệm đối với nạn nhân mà cả đối với xã hội nữa. Bất kỳ ở thời đại nào và bât kỳ ở đâu, khi nhiều cá nhân và gia đình họp lại thành một cộng đồng xã hội chung sống với nhau bao giờ họ cũng quan niệm rằng cần phải có một nền luân lý xã hội tối thiểu theo đó, những hành vi phản xã hội như cướp của, giết người, gây xáo trộn trật tự xã hội v.v… đều bị cấm đoán. Sự tôn trọng nền luân lý căn bản này là điều kiện thiết yếu để duy trì trật tự công cộng. Sở dĩ cần phải đặt ra hình luật (nghĩa là cần công nhận quyền trừng trị của xã hội), chính là để bảo đảm sự đòi hỏi tối thiểu này. Khi đặt ra hình luật, khi khắc các đạo luật hình và đá hay vào đồng để đem trưng bày cho dân chúng xem như người ta đã làm trong thời cổ, hay khi ban hành các bộ luật hình mới ngày nay, người ta đã coi sự trừng trị các tội phạm là cần thiết cho việc bảo vệ xã hội, nếu thiếu nó, trật tự xã hội chắc chắn không thể duy trì được. Khi một tội ác xảy ra trong xã hội (như cướp của, giết người) bao giờ nó cũng gây ra phản ứng tự nhiên trong mỗi cá nhân chúng ta. Phân tích phản ứng tự nhiên này, ta thấy các cảm xúc sau:
a) Trước hết là một sự e sợ. Người ta lo ngại rằng, tội ác đó còn tái diễn nữa, hoặc là hung thủ sẽ tái phạm hoặc là kẻ khác sẽ bắt chước thủ phạm gây ra một tội ác tương tự.
b) Thứ đến là một ý muốn trả thù. Trong thấy tội ác xảy ra trước mắt, ta phẫn uất, muốn trả thù cho nạn nhân;
c) Sau hết là một sự ghê tởm đối cới kẻ phạm tội vì y đã làm một hành vi phản xã hội, vì y đã có một tác phong nghịch với tác phong chung của mọi người khác.
Như vậy khi nhà cầm quyền, thay mặt xã hội, đứng lên trừng trị kẻ phạm pháp; nhà nước đã tìm thấy quyền trừng trị của mình ngay trong phản ứng tự nhiên của mọi người trước tội ác.
Đoạn 2: QUYỀN TRỪNG TRỊ CỦA XÃ HỘI DỰA TRÊN CĂN BẢN NÀO?
Ai cũng đồng ý là xã hội có quyền trừng trị cac tội ác, nhưng khi đề cập đến vấn đề căn bản quyền này thì người ta lại bất đồng ý kiến. Vấn đề căn bản quyền trừng trị quan trọng vì tùy theo quan niệm về căn bản ấy, người ta sẽ ấn định những điều kiện và những giới hạn của quyền. Ta thấy có bốn học thuyết giải thích căn bản của quyền trừng trị theo những chiếu hướng khác nhau là thuyết khế ước, thuyết thực tiễn, thuyết luân lý và thuyết chiết trung.
1. Học thuyết khế ước: Học thuyết này lấy ý niệm khế ước xã hội làm căn bản để giải thích quyền trừng trị của xã hội. Nó do Hobbes, Grotius, J.J.Rousseau và Beccaria chủ trương. Thuyết này được trình bày dưới hai hình thức: Trong hình thức thứ nhất, quyền trừng trị xã hội bắt nguồn từ quyền tự vệ của mỗi cá nhân trước tội ác. Khi gia nhập cộng đồng xã hội, cá nhân nhượng lại quyền này cho xã hội. Theo hình thức thứ hai của thuyết khế ước, mọi người hiểu rằng, không thể chung sống với nhau trong cộng đồng xã hội nếu không lập ra luật pháp (nhất là luật hình) mà có luật pháp thì phải có chế tài. Vì thế nên khi mọi người chấp nhận cái “khế ước xã hội” để cùng nhau tổ chức đời sống cộng đồng thì đồng thời cũng trao cho nhà nước quyền trừng trị những kẻ vi phạm các luật lệ do xã hội lập ra. Các học thuyết lấy ý niệm khế ước xã hội làm căn bản có một nhược điểm lớn là không sát thực tế. Sự thật, đời sống xã hội không phải chỉ do sự thỏa thiệp giữa các cá nhân, không phải chỉ do “khế ước xã hội” mà có. Khế ước này chỉ là một tưởng tượng. Lịch sử các dân tộc chưa bao giờ cho ta thấy rõ một khế ước xã hội.
2. Học thuyết thực tiễn: Học thuyết này lấy ý niệm cần thiết và lợi ích làm căn bản để giải thích quyền trừng trị của xã hội. Quyền trừng trị là quyền dùng hình phạt để chế tài, mà hình phạt là phương tiện để thị uy làm cho kẻ gian phải khiếp sợ. Nó cũng là một phương tiện đền bồi. Quyền sử dụng hình phạt thực là một quyền chính đáng vì một lẽ giản dị là vì nó cần thiết cho việc duy trì trật tự xã hội. Hình phạt phải có, không những vì nó hữu ích mà còn vì nó cần thiết nữa. Người chủ trương thuyết này là Bentham, một triết gia người Anh. Muốn sinh tồn, xã hội cũng như mọi sinh vật trên trái đất phải phấn đấu cho sự sống. Tội ác đe dọa sự sinh tồn của xã hội nên phản ứng tự nhiên của xã hội là trừng trị kẻ gây ra tội ác. Sụ trừng trị này chỉ là một phương tiện tự vệ chống lại mối đe dọa, chống lại nguy cơ do tội ác gây ra. Quyền trừng trị xã hội chỉ diễn tả một định luật tự nhiên, theo đó, muốn sinh tồn, xã hội phải chống trả những kẻ nào làm xáo trộn nền trật tự chung và làm phương hại đến sự sinh tồn ấy. Học thuyết thực tiễn chứng minh được tính cách cần thiết của quyền trừng trị nhưng chưa giải thích được tính cách chính đáng của quyền ấy. Trừng trị là một phương tiện để đạt mục đích. Mục đích này là duy trì trật tự trong xã hội. Nhưng muốn đạt mục đích này không phải chỉ có một cách trừng trị. Trừng trị có phải là phương tiện tốt nhất đâu. Dù mục đích (cứu cánh) có chính đáng thì cũng chưa đủ để biện minh cho phương tiện. Ngoài ra, học thuyết thực tiễn còn coi quyền trừng trị của xã hội như một quyền vô giới hạn. Chùng nào xã hội thấy cần trừng trị là xã hội sử dụng quyền đó. Giới hạn của sự trừng trị, nếu có, chỉ là quyền lợi của xã hội. Như vậy nhà nước, thay mặt cho quyền lợi của xã hội, sẽ có một quyền trừng trị rất rộng lớn. Vì thế nên học thuyết thực tiễn được coi là nguy hiểm cho tự do cá nhân.
3. Học thuyết luân lý: Học thuyết này lấy ý niệm luân lý làm căn bản cho quyền trừng trị của xã hội: sở dĩ kẻ gây ra tội ác phải bị trừng trị vì công lý đòi hỏi kẻ làm nên tội phải đền tội. Ý niệm đền tội là căn bản của học thuyết này. Ý niệm đền tội liên hệ mật thiết với ý niệm trách nhiệm luân lý hay trách nhiệm tinh thần. Tuy nhiên, nhược điểm của học thuyết này là sự trừng phạt của xã hội không thể thích ứng với trách nhiệm luân lý, một thứ trách nhiệm mà không một tòa án nào có thể thẩm lượng được; chỉ riêng một mình cá nhân kẻ phạm tội thấu hiểu. Sự trừng phạt của xã hội chỉ có thể thích ứng với trách nhiệm xã hội của tội nhân, nghĩa là, trách nhiệm của y đối v ới cộng đồng. Chỉ có trách nhiệm này mới có thể cân nhắc và thẩm lượng được. Nó sẽ nặng hay nhẹ là tùy theo hành vi của thủ phạm gây ra thiệt hại nhiều hay ít cho xã hội.
4. Học thuyết chiết trung: Học thuyết chiết trung phân biệt quyền trừng trị và bổn phận trừng trị của xã hội. Quyền trừng trị của xã hội bắt nguồn từ lẽ công bình. Vì công lý mà xã hội trừng phạt kẻ phạm tội ác. Nhưng xã hội chỉ có thể sử dụng quyền trừng trị vì mục đích công ích. Xã hội chỉ có bổn phận phải trừng trị khi nhận thấy rằng nếu không trừng trị thì có hại hơn trừng trị. Ta có thể xét quyền trừng trị về hai phương diện xã hội và cá nhân. Về phương diện xã hội, quyền trừng trị là cần thiết vì, cũng như cá nhân, xã hội có quyền tự vệ. Hình phạt là khí giới cần thiết cho xã hội trong sự phấn đấu để duy trì trật tự chung. Về phương diện cá nhân, sự trừng trị chỉ hợp với công lý khi nào kẻ bị trừng trị là một cá nhân có trách nhiệm. Trách nhiệm vốn là ý niệm căn bản để giải thích hình phạt. Tội phạm và hình phạt do nhà lập pháp quy định. Tòa án áp dụng hình phạt khi tuyên xử. Nhà lập pháp cũng như Tòa án, khi thì hành các nhiệm vụ này, cần cân nhắc trách nhiệm của tội nhân về phương diện luân lý cá nhân. Thường có sự chênh lệch giữa hai phương diện xã hội và cá nhân: có khi trách nhiệm cá nhân nhỏ nhưng sự nguy hiểm đối với xã hội của phạm nhân lại lớn (trường hợp những kẻ phạm tội vì thói quen, vì bản ngã). Ngược lại, những kẻ ngẫu nhiên phạm tội ít nguy hiểm cho xã hội nhưng về phương diện cá nhân, trách nhiệm lại nặng./.
Bình luận