Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

2. Những hội buôn: Nguyên tắc đại cương (1176-1181)

NHỮNG HỘI BUÔN: NGUYÊN TẮC ĐẠI CƯƠNG 

KHÁI QUÁT
1176. Khi nhiều người hợp lại để cùng góp sức thực hiện một nguyện vọng, một công việc gì, hay thỏa mãn một sở thích gì, sự liên hiệp ấy, trong ngôn ngữ thông thường, được gọi là lập hội. Mục đích của việc lập hội rất phức tạp: ngoài những hội được lập ra với một mục đích thực tiễn, cụ thể, như bảo vệ quyền lợi một nghề nghiệp, hoặc những hội theo đuổi một mục đích luân lý, như bảo vệ phong hóa mà, xứ nào thường cũng có. Ở Âu – Mỹ còn có những hợi bất ngờ đối với người Việt Nam như hội những người sành ăn, hội những người hói đầu, hội những người mập trên 100 kg…
1177. Những sự liên hiệp trên này không có mục đích sinh lời, kiếm lãi và không phải là những hội của Dân luật và Thương luật, đó là những nghiệp đoàn (syndicat), hoặc là những hiệp hội (association), đặt dưới sự chi phối của hành chánh pháp thuộc công pháp. Dân luật và thương luật chỉ chi phối những liên hiệp nào được tổ chức với mục đích sinh lời, kiếm lãi: Ta sẽ gọi những liên hiệp này bằng danh từ hội đoàn (société: Công ty). Tiêu chuẩn để nhận hội đoàn là cái mục đích kiếm lời. Hội đoàn nào cũng hoạt động với mục đích kiếm lời. Tuy nhiên, các hội đoàn này được chia ra làm hai loại: Hội dân sự (hay tổ hợp) và hội thương sự (hay hội buôn). Loại thứ nhất gồm những hội đoàn mà đối tượng có tính cách dân sự: loại thứ hai gồm những hội đoàn mà đối tượng có tính cách thương sự.
1178. Định nghĩa danh từ hội đoàn: Hội đoàn được định nghĩa không do thương luật mà do Dân luật. Theo điều 1425 Dân luật Trung và điều 1832 DLP, hội đoàn là “một khế ước do hai hay nhiều người thỏa thuận cùng xuất tài sản, góp lại, chung nhau, để lấy lợi mà chia nhau” (1264 DLVN 1972). Sự định nghĩa trên đây nêu lên ba nhận xét: Thứ nhất, hội đoàn do hai hay nhiều người thành lập; Thứ hai, các hội viên bỏ ra một số tài sản góp vào hội; Thứ ba, mục đích của việc lập hội là kiếm lời để các hội viên chia nhau. Về nhận xét thứ hai, ta cần nói rõ thêm rằng tài sản đem nhập hội không phải là để thành của chung của các hội viên. Tài sản ấy, không vì được đem góp vào hội, mà thuộc quyền sở hữu cộng đồng của tất cả hội viên, chỉ sự khai thác tài sản ấy là phải hướng về lợi ích chung để kiếm lời cho tất cả.
1179. Như vậy, tài sản của hội không còn thuộc quyền tư hữu của người này, cũng không thuộc quyền sở hữu cộng đồng của các hội viên, lại cũng không phải là vật vô chủ. Vậy ai là chủ? Người chủ chính là người được quyền khai thác các tài vật do các hội viên đem góp vào hội; sự khai thác này nhằm mục đích do các hội viên đã đặt ra trong khế ước được họ thỏa thuận để thành lập hội đoàn. Người chủ ấy là một người vô hình, một pháp nhân được tạo ra do khế ước lập hội. Cho nên danh từ hội đoàn còn được dùng để chỉ pháp nhân này; pháp nhân này là linh hồn của hội đoàn và được quyền hành dụng những tài sản của các hội viên đã đem nhập hội. Vậy pháp nhân là gì?
Pháp nhân có thể quan niệm theo nhiều cách. Có thuyết cho rằng pháp nhân chỉ là một chủ thể giả tạo, vì chỉ có người ta, có hình hài, xương cốt, mới là chủ thể thực sự, còn pháp nhân chỉ là cấu tạo giả tưởng của luật pháp. Luật pháp giả tưởng rằng, một đoàn thể, do nhiều người hợp lại, cũng là một người; phải giả tưởng như vậy, để có cái gì làm quyền lợi cho đoàn thể, mà không là của riêng đoàn viên nào cả. Cái gì ấy chính là pháp nhân, một người vô hình, do các đoàn viên hợp lại cấu thành, và là đại diện cho tất cả. Trái lại, có thuyết cho rằng pháp nhân là một chủ thể thực sự. Theo thuyết này, khi một đoàn thể, bằng cách nào, phát biểu được một ý định, biểu dương được một hoạt động biệt lập với ý định, với hoạt động của các đoàn viên, thì đoàn thể ấy là một chủ thể, có quyền lợi, có nghĩa vụ như một người, tức là có nhân cách, nhân tính. Sau nữa, có thuyết cho rằng pháp nhân được thực hiện do sự chấp hữu, nắm giữ một sản nghiệp để theo đuổi cái mục đích của đoàn thể: do đó, khi nào ta đứng trước đoàn thể được chấp hữu một sản nghiệp, khai thác sản nghiệp ấy để tiến tới mục đích của đoàn thể, là ta đứng trước một pháp nhân.
1180. Sự tranh luận trên đây không phải chỉ là tranh luận suông về lý thuyết. Nó vượt ra ngoài phạm vi việc lập thương hội và là một hình thái của cuộc đấu tranh cho quyền tự do lập hội. Nói rằng pháp nhân chỉ là một chủ thể giả tạo, chỉ xuất phát khi nào được luật pháp công nhận, tức là xác định rằng chỉ có chính quyền tạo ra pháp nhân, mà muốn tạo ra hay không thì tùy ý; do đó, một đoàn thể chỉ có thể hoạt động được hữu hiệu, chỉ có thể có được quyền lợi, nếu được chính quyền công nhận là có pháp nhân; do đó nữa, chính quyền muốn ngăn cản một đàn thể hoạt động, chỉ việc không thừa nhận pháp nhân cho đòn thể ấy. Trái lại, nói rằng pháp nhân là một chủ thể thực sự, tức là không còn cần đến sự thừa nhận của chính quyền: Đoàn thể sẽ đương nhiên là một pháp nhân, đương nhiên được hưởng những quyền lợi và hứng chịu những nghĩa vụ như một người dân, chính quyền sẽ không còn gián tiếp ngăn cản được sự phát triển của đoàn thể ấy bằng cách không công nhận tư cách pháp nhân cho đoàn thể.
1181. Hội đoàn, với tư cách là pháp nhân, là một chủ thể khác biệt với mỗi đoàn viên. Mục đích do khế ước lập hội  đặt ra là mục đích duy nhất của hội đoàn. Tất cả các hoạt động của hội đều hướng đến mục đích ấy. Tất cả các nỗ lự đều nhằm mục đích ấy: Trên đường hoạt động, một cá nhân có thể chùn bước vì những lý do tình cảm, nhưng một hội đoàn thì không, vì hội đoàn không có linh hồn, không biết đến tình cảm, chỉ biết tiền tại. Đó cũng chính là yếu tố thành công của thương hội trong chế độ tư bản. Thương hội đã mạnh vì sức lực của nhiều người họp lại, lại mạnh thêm vì chỉ chú trọng làm ra tiền, không sợ lời phê bình của thế gian, không bị cản trở bởi những lý do tình cảm mà một cá nhân thường vấp phải./. 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar