Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

2. Phân tích các đặc tính và yếu tố của Công pháp tụng

PHÂN TÍCH CÁC ĐẶC TÍNH VÀ YẾU TỐ CỦA CÔNG PHÁP TỤNG

A. Tính cách biệt lập của Công pháp tụng.
16._ Ngoài các đặc tính tân tạo, đang được xây dụng và đặc tính linh động cấp tiến đã được đề cập tới trong phần nhập môn, công pháp tụng còn là một kỷ luật biệt lập. Lẽ dĩ nhiên kỷ luật của ta hoàn toàn độc lập đối với các kỷ luật tư pháp tương đương về tố tụng, nhưng còn phải nhấn mạnh vào sự biệt lập của nó, ngay cả trong ngành công pháp quốc nội. Trước hết, đối với dân sự và Thương sự tố tụng thì Công pháp tụng có tính cách biệt lập đương nhiên vì thuộc về một ngành luật khác hẳn hệ thống, và hơn nữa, tại Việt Nam, lại còn được áp dụng trong một hệ thống pháp đình công pháp riêng biệt. Tuy nhiên, về lý thuyết, người ta cũng có thể ý niệm Công pháp tụng có thể không biệt lập, như người ta vẫn thường tuyên bố lầm lẫn là trong khối luật Anh – Mỹ không có sự phân biệt công pháp và tư pháp, cũng như không có sự phân chia 2 hệ thống pháp đình riêng biệt, vì lý do các pháp nhân Công pháp cũng ở một vị trí bình đẳng với các thể nhân và pháp nhân tư pháp và đều cùng do luật tư pháp chi phối.
Thực ra, mặc dầu trên lý thuyết hệ thống luật Anh-Mỹ không chấp nhận một cấp bậc tòa án nào dành riêng ưu thế cho các pháp nhân công pháp, (với sự dè dặt là theo sự kiểm điểm của các luật gia tại Anh quốc và Mỹ quốc, cũng có các tổ chức tài phán hành chánh không mang danh xưng Tòa án Hành chánh như tại các quốc gia thuộc chế độ lưỡng hệ tài phán), nhưng có điểm chắc chắn là Luật Hiến pháp chi phối trực tiếp tất cả các pháp nhân công pháp, nhất là các cơ quan quyền lực hiến định như Quốc hội, và hành pháp. Hiến pháp cũng dành một số điều khoản quy định về một số nhân quyền và công dân quyền, thành thử các thể nhân và pháp nhân tư pháp cũng thường có tranh tụng với nhau, hay tranh tụng với các cơ quan quyền lực về sự giải thích và áp dụng các điều khoản đó. Và phải nhận định rằng, ngay cả trong sự tranh tụng giữa các cơ quan với nhau về các trường hợp kể trên, thì sự giải thích và áp dụng các điều khoản của Hiến pháp, theo bản chất vẫn là công pháp, dầu có do pháp đình tư pháp áp dụng đối với các tư nhân và công pháp nhân đi chăng nữa. Vậy thì về nội dung các tranh chấp kể trên thuộc về thẩm quyền công pháp tụng theo bản chất. Thủ tục tố tụng có thể không khác biệt, kể cả công pháp. Và trong trường hợp chỉ có một hệ thống pháp đình duy nhất, bản chất của các giải pháp đòi hỏi sự áp dụng Hiến pháp lẽ dĩ nhiên là phải khác hẳn bản chất luật tư pháp, dù người ta có tuyên bố là trong hệ thống luật Anh – Mỹ không có sự phân biệt chính thức và minh thị 2 ngành luật như tại nước ta.
17._ Còn về thành phần thức nhì của Công pháp tụng là Pháp tụng hành chánh, thì mặc dầu một số luật gia vẫn còn cho rằng, tại  Anh và Mỹ quốc không có luật hành chánh, nhưng trong thực tế kỷ luật pháp lý này là một hiện thực trong khối luật Anh – Mỹ, tuy rằng nó không hoàn toàn biệt lập, không có tính cách phổ thông và chưa đạt tới một trình độ phát triển như tại Pháp quốc hay Việt Nam. Hơn nữa, đa số các luật gia đều nhìn nhận kỷ luật này bắt đầu phát triển tại Mỹ từ sau thế chiến vừa quan, có thể coi như rõ rệt bắt đầu từ năm 1946, với sự ban hành một đạo luật về thủ tục hành chánh và một đạo luật về trách nhiệm hành chánh. Do đó các tranh tụng hành chánh này cũng có các bản chất đặc biệt khác luật tư pháp tại Anh – Mỹ, tuy rằng pháp tụng hành chánh tại các nước đó chưa được biệt lập một cách rõ rệt và hiển nhiên như trong các chế độ lưỡng hệ tài phán.
18._ Theo vậy, sự biệt lập là một trình độ khá cao của sự khác biệt. Nói cách khác, chỉ khi nào một kỷ luật khác biệt các kỷ luật khác một cách rõ rệt mới trở thành biệt lập. Và sự biệt lập có thể coi như đạt đến trình độ cao nhất trong sự độc lập của kỷ luật so chiếu với các kỷ luật khác. Nói khác hơn nữa thì Công pháp tụng trong mọi thành phần của nó đều có tính cách khác biệt tố tụng tư pháp trong bât cứ hệ thống pháp lý nào, chỉ khác nhau trong luật đối chiếu về trình độ khác biệt đó mà thôi. Khi một kỷ luật khác biệt phát triển thì nó trở thành biệt lập, và khi sự biệt lập của kỷ luật lại được tăng cường bằng sự hỗ trợ của một hệ thống pháp đình đặc biệt dành riêng cho nó, thì nó sẽ trở nên độc lập. Đó là tình trạng của môn Công pháp tụng tại Việt Nam và môn pháp tụng hành chánh tại Pháp quốc.
19._ (phần này hay) Nhưng một khi sự biệt lập đã tới được trình độ biệt lập hoàn toàn rồi mà nay, muốn luận lý về giả thiết lý thuyết là ngược lại, sự độc lập của kỷ luật có bắt buộc một cách tất yếu phải có của một thủ tục tố tụng đặc biệt và phải có một hệ thống pháp đình chuyên biệt hay không, thì chúng ta cần phải phân tích về lý thuyết như sau:
Trước hết, phải nhìn nhận rằng, một kỷ luật độc lập chưa hẳn là bắt buộc phải có một thủ tục biệt lập kèm theo. Tuy nhiên, về mặt khác phải nhận định rằng, các tụng phương có quyền lực như các pháp nhân công pháp, có các uy thế tự nhiên và uy thế kỹ thuật, vậy không thể đặt trên bình diện hoàn toàn bình đẳng ngang hàng với các tư nhân trong diễn tiến tố tụng được. Nếu muốn cho công lý được sáng tỏ trong cuộc đấu gươm pháp lý giữa hai tụng phương bất bình đẳng tự nhiên, thì cần phải lập lại sự bình đẳng và thế quân bình trong tố tụng bằng cách giảm tiết bớt uy thế của tụng phương quyền lực. Do đó thủ tục thẩm vấn trong công pháp tụng phải khác biệt thủ tục thẩm vấn trong Tư pháp, bằng cách chấp nhận trong công pháp tụng tính cách truy tầm đối với các pháp nhân công pháp. Do đó tố tụng công pháp chỉ đạt đến mục tiêu công lý bằng các kỹ thuật khác biệt. Theo vậy, chúng ta có thể nói mà không sợ mâu thuẫn, tuy về lý thuyết thuần túy, sự độc lập của Công pháp tụng không bắt buộc đòi hỏi một thủ tục tố tụng biệt lập, nhưng kỹ thuật tố tụng trong công pháp đòi hỏi một vài định chế khác biệt Dân sự tố tụng mới đạt được mục tiêu của nó. Vậy tính cách đặc biệt của thủ tục tố tụng công pháp là do nhu cầu kỹ thuật đòi hỏi chứ  không phải là một sự phức tạp hóa lý thuyết.
20._ Tuy nhiên, cần phải nhận định ngay rằng tính cách đặc biệt của tố tụng tài phán công pháp, về lý thuyết cũng như trong thực tế, không mâu thuẫn hoàn toàn với tố tụng phổ thông mà chỉ là sự biến cải thích dụng hóa của tố tụng phổ thông trong các lãnh vực và về phương diện cần thiết mà thôi. Theo vậy, tố tụng phổ thông vẫn có tính cách bổ túc đối với các loại tố tụng đặc biệt. Hơn nữa, nhà làm luật cũng nhận định thấy chỉ cần ấn định các điểm đặc biệt trong tố tụng công pháp và coi tố tụng tư pháp là tố tụng nền tảng chung cho tất cả các tố tụng. Trong vài trường hợp chi tiết, luật chỉ dẫn luôn điều khoản của luật tố tụng tư pháp được áp dụng trong thủ tục tố tụng công pháp. thí dụ điển hình là điều 12 dự số 2 ngày 5-1-1950 tổ chức Tòa án hành chánh, d đó “Ủy viên thuyết trình có trách nhiệm đốc biện việc thẩm cứu vụ kiện dưới quyền ông Chánh thẩm. Vị ấy sẽ đề nghị các phương cách và các công việc thẩm cứu cần phải làm nhưng bắt buộc phải tuân theo các điều khoản của bộ Hộ sự tố tụng hiện hành tại địa phương đặt trụ sở tòa án hành chánh”. Ngoài ra Tham chính viện Việt Nam cũng đã có nhiều dịp xác nhận nguyên tắc áp dụng dân sự tố tụng để bổ túc các điều khoản thiếu sót về luật lệ tố tụng hành chính. Trước Tối cao Pháp viện, thủ tục bảo hiến cũng đã dung hòa tố tụng công pháp với tố tụng tư pháp. Giai đoạn thẩm cứu đã được phỏng theo thủ tục viết áp dụng trước pháp đình hành chánh cùng các thể thức thông tri và tống đạt hành chánh. Giai đoạn diễn tiến tại Phiên tòa thì được phỏng theo tố tụng tư pháp áp dụng trong các trường hợp cần phải thông báo cho Công tố viện. Dù sao, Tối cao Pháp viện thường áp dụng thêm thủ tục tố tụng áp dụng trước Tham Chính viện và dân sự tố tụng với tính cách bổ túc hay chuyển tiếp.
21._ Còn về sự hiện diện đặc chuyên của một hệ thống pháp đình chuyên biệt thì tại đây chỉ cần nhận định là theo nguyên tắc sự biệt lập của tố tụng cùng các giải pháp tài phán nội dung không tiên niệm bắt buộc phải có một hệ thống pháp đình công pháp riêng biệt. Nhưng cũng phải nhận định thêm rằng, chính trong các chế độ lưỡng hệ tài phán, Luật Hành Chánh cũng như công pháp tụng mới được phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng có thể quan niệm rằng, một khi kỷ luật đã được phát triển và hoàn toàn độc lập rồi thì cũng không cần phải lưu giữ một hệ thống pháp đình chuyên biệt nữa, mà chỉ cần áp dụng nguyên tắc phân công độ xúc tiến sự chuyên môn hóa các thẩm phán trong ngành công pháp tụng. Nhưng đó chỉ là vấn đề phân công nội bộ và một chính sách chuyên môn hóa chứ không nên đặt thành vấn đề nguyên tắc pháp lý cứng rắn như trong chế độ lưỡng hệ tài phán khởi thủy.
22._ Như ta đã nói, sự độc lập của Công pháp tụng đối với tư pháp là hiển nhiên, chỉ có sự biệt lập so chiếu với các kỷ luật Công pháp khác mới đặt vấn đề tế nhị. Người ta có thể ý niệm rằng riêng phần giải pháp tài phán nội dung của Công pháp tụng có thể coi như là lãnh vực nội dung của Luật Hiến pháp và của luật hành chánh vì lý do công pháp tụng áp dụng luật hiến pháp và luật hành chánh để giải quyết các tranh tụng. Và ngược lại, chính các án lệ của Công pháp tụng đã xây dựng luật Hiến pháp và nhất là Luật hành chánh, vì môn này như ta đã nhấn mạnh trên đây, là một môn do án lệ tác tạo một cách chính yếu.
Trước khi phân tích, cần phải nhận định rằng, đối tượng của thủ tục bảo hiến rất rộng rãi, liên hệ tới tất cả các đạo luật, kể cả các đạo luật về tư pháp và hình sự nên lãnh vực thật bao la, chi phối và điều hướng tất cả mọi kỷ luật pháp lý, không phân biệt là công pháp hay tư pháp. Tại đây chỉ có một điểm khó khăn là ngoài các văn kiện thành văn, hay trường hợp lặng thinh kéo dài của cơ quan coi như một quyết định mặc thị bác khước, có thể bị chế tài kiểm hiến và kiểm pháp tính, còn một vấn đề khác có tính cách rất phổ thông trong công pháp, đó là hiệu lực của nguyên tắc tổng toàn của luật pháp (principes généraux du Droit: nguyên tắc chung của pháp luật). Trước kia, Tham Chính viện, với tư cách là một pháp đình tột thượng, thường áp dụng nguyên tắc tổng toàn của luật pháp trong sự kiểm soát hợp pháp tính của các hành vi hành chánh. Các nguyên tắc này khi thì có tính cách hiến ước, khi thì có tính cách lập pháp. Lẽ dĩ nhiên, Tối Cao Pháp Viện cũng có thể áp dụng các nguyên tắc tổng toàn này trong thủ tục bảo hiến. Nhưng vấn đề khó khăn là chính các nguyên tắc này có thể bị chế tài về hợp hiến tính hay không, trong trường hợp một quyết định hành chánh đã áp dụng nguyên tắc đó. Vấn đề này cũng tương đương với vấn đề do một luât gia đã nêu lên trong thủ tục phá án (Xem bài khảo cứu của Giáo sư Vũ Văn Mẫu nhan đề: Sự kiểm soát tục lê và lý trí thành văn trước Tối cao Pháp Viện_ Tư pháp tập san số 3 năm 1969). Theo ý chúng ta thì một khi người ta chấp  nhận giá trị của các nguyên tắc tổng toàn của luật pháp thì phải đồng hóa các nguyên tắc này với các văn kiện pháp lý coi như tương đương, và với danh nghĩa này, nó có thể làm nền tảng hợp pháp cho các hành vi pháp lý khác. Và ngược lại, lẽ dĩ nhiên, chính chúng cũng cần phải được chế tài về hợp hiến tính.
23._ Kỹ thuật pháp lý Việt Nam hiện chưa đồng hóa hoàn toàn các Hiệp định quốc tế với các đạo luật quốc nội, nên các vấn đề kiểm hiến tính các hiệp định quốc tế chửa được giải quyết minh thị. Nhưng thiết tưởng cần phải theo khuynh hướng chung hiện tai, tức là đồng hóa hoàn toàn một hiệp định quốc tế đã được quốc hội chấp thuận và tổng thống ban hành với một đạo luật cùng tất cả các hệ thuyết pháp lý, tức là một mặt hiệp định có thể là nền tảng cho các hành vi pháp l1y khác, và ngược lại, chính nó cũng phải được chế tài về phương diện hợp hiến tính và về phương diện hợp pháp tính (trong trường hợp có một đạo luật mới mâu thuẫn với hiệp định cũ). Sự cần thiết phải do Bộ Ngoại giao giải thích không làm thay đổi bản chất của hiệp định trong khuynh hướng đồng hóa hoàn toàn với một đạo luật. Và ngay cả nguyên tắc hiệu lực tương hỗ cũng như hiệu lực tương đối theo các tình trạng nguyên khởi là các điều kiện tât yếu của sự áp dụng các hiệp ước, cũng không thể làm thay đổi được bản chất lập pháp của một hiệp định trong phạm vi quốc nội (mặc dù sự chấp thuận do quốc hội hay do Thượng viện không hẳn là một thủ tục lập pháp, các hiệp định thường được biểu quyết dưới hình thức một đạo luật chuẩn chấp).
24._ Tuy lãnh vực các hành vi pháp lý được kiểm hiến rất bao quát và gồm rất nhiều vấn đề tạp lục, nhưng tất cả các vấn đề đều có một điểm chung, đó là sự so chiếu trực tiếp với HIến pháp xem có phù hợp với chế độ pháp lý nền tảng này hay không. Theo vậy giải pháp tài phán nội dung vẫn là liên hệ đến Hiến pháp, sự giải thích Hiến pháp, và sự áp dụng Hiến pháp trong tinh thần bảo hiến, tối cao Pháp Viện không xét về nội dung của đạo luật bị kiểm soát, không giải thích và áp dụng các đạo luật này mà chỉ xét xem các phương diện của đạo luật mà người ta cho là bất hợp hiến có thực sự vi phạm văn từ hay tinh thần của Hiến pháp hay không. Dưới khía cạnh này thì đạo luật nào cũng giống nhau và không cần phải phân biệt văn kiện bị kiểm soát thuộc luật Tư pháp hay luật công pháp, vì thẩm phán xét xử chỉ cần biết rõ Luật hiến pháp.
25._ Trong thành phần Pháp tụng hành chánh thì đối tượng của sự kiểm soát chế tài là các hành vi hành chánh, nên có thể cho rằng Luật Hành chánh là sự phóng chiếu của pháp tụng hành chánh, dầu văn kiện được bảo vệ là Hiến pháp, các đạo luật hay chỉ là các hành vi hành chánh có cấp bậc cao hơn. Vậy tuy đứng về phương diện khảo cứu và diễn giảng Công pháp tụng là một kỷ luật biệt lập so chiếu với các môn khác trong ngành công pháp quốc nội, nhưng phải nhận định rằng về lãnh vực của các đối tượng thì Luật hành Chánh và Luật Hiến pháp phải coi như liên hệ mật thiết tới công pháp tụng. Nói cách khác và ngược lại, với vài sự dè dặt về chi tiêt, Công pháp tụng gồm các tranh tụng liên hệ tới Luật Hiến pháp và Luật hành chánh, trong thành phần giải pháp tài phán nội dung. Nói cách khác hơn nữa, công pháp tụng là tranh tụng về Luật Hiến pháp và Luật Hành chánh mà các giải pháp tài phán nội dung vừa là sự áp dụng Luật Hiến pháp và Luật hành chánh, lại cũng vửa là thành phần tác tạo luật Hiến pháp và Luật hành chánh. còn về vị trí của Công pháp tụng trong hệ thống toàn diện các kỷ luật pháp lý khác thì đại cương, và đây là hệ thuyết của nhận định kể trên, lẽ dĩ nhiên nó được sắp xếp vào các vị trí tương đương của luật hiến pháp và luật hành chánh là hai thành phần phóng chiếu của nói như trên vừa trình bày.

B. Yếu tố tranh tụng trong Công pháp tụng.
26._ Tranh tụng là yếu tố, nhưng cũng là điều  kiện và đối tượng cùng giới hạn của Công pháp tụng, phân biệt kỷ luật này với Luật Hiến pháp và Luật Hành chánh. Trước hết tranh tụng là một yếu tố của Công pháp tụng vì Công pháp tụng gồm sự khảo xét và phân tích chính yếu cách tranh tụng công pháp như đã nhấn mạnh trong định nghĩa. Người ta thường cho rằng yếu tố tranh tụng là một điều kiện quan trọng trong mọi tố tụng, vì nếu các đương sự không có ý định tranh chấp hay tranh luận theo thủ tục tố tụng trước các pháp đình thì các pháp đình không thể tự ý và đương nhiên thụ lý để giải quyết một vụ mà các đương sự không yêu cầu. Sự thụ lý của các pháp đình do một hành vi khởi tụng phát động và giữa các đương sự thì có hiệu lực kêt hợp tụng sự. Nếu không có tranh tụng, Tòa không thể thụ lý mà nếu đang thụ lý mà tranh tụng chấm dứt thì tòa cũng không thể tiếp tục xét xử về một vụ đã mất đối tượng. Nhưng tranh tụng cũng chỉ có thể có nếu có tranh chấp, tức là có sự đối nghịch lập trường về nghĩa vụ hay quyền của các đương sự. Hơn nữa, sự tranh chấp phải hiện thực và đã xảy ra, chứ một sự tranh chấp vị tất trong tương lai không thể trở thành một tranh tụng trước các Tòa án ngay được.
27._ Tuy nhiện, Công pháp tụng đã tỏ ra rất rộng rãi về điều kiện tranh chấp trong sự qui định điều kiện lợi ích của tố quyền, tới mức có thể coi như các lợi ích vị tất cũng được tuyển lưu một cách rộng rãi. Dân sự tố tụng đã tỏ ra rất hẹp hòi vì chỉ chấp nhận một vài trường hợp rất hãn hữu có thể khởi tố trước khi có tranh chấp để xin áp dụng các biện pháp bảo vệ mà thôi (tố quyền kiểm dạng văn tự, tố quyền tố giác tân tạo). Người ta có thể cho rằng sụ mở rộng tố quyền trong Công pháp tụng đã được chấp nhận tới mức gần như một tố quyền nhân dân (actio populis: hành động của người dân) của Luật La Mã chấp nhận cho bất cứ ai cũng được khởi tố về bất cứ vấn đề gì. Và nhiều khi sự chế tài chỉ có tính các lý thuyết và tượng trưng nên người ta cũng còn ví Công pháp tụng với các tố tụng tuyên bố. Tại Việt Nam mặc dù tố quyền thực sự đã được mở rộng, người ta còn chấp nhận thêm thủ tục giải thích Hiến pháp theo lề lối tài phán, tức là một loại tố quyền tuyên bố quan trọng. (hay). Do sự mở rộng tố quyền bằng cách quan niệm rất rộng rãi các điều kiện tố quyền tại Việt Nam, người ta có cảm tưởng là Công pháp tụng không đòi hỏi yếu tố tranh chấp. Ngay trong lĩnh vực tư pháp, một số luật gia cũng đề nghị bỏ yếu tố tranh chấp hiện tại vì lý do thủ tục hình sự cũng không đòi hỏi một sự tranh chấp nào cả. Lập trường của chúng ta cần phải dung hòa hai quan niệm cực đoan kể trên vì dầu sự thương tôn luật pháp đòi hỏi sự dân chủ hóa tối đa tố quyền, nhưng thiết tưởng cũng không nên chấp nhận tố quyền nhân dân có thể làm mất sự trang trọng của tố quyền và như vậy giảm tiết sự hữu hiệu của các kỹ thuật chế tài tài phán tương tự như hiện tượng lạm phát tố quyền và tố tụng.
28._ Trước kia theo án lệ của Tham Chính viện Việt Nam, phỏng theo khuynh hướng Pháp quốc, thì một lợi ích mong manh, hay đứng về phương diện hành vi pháp lý, một quyết định khả dĩ làm tổn thương là đủ để làm căn cứ cho tố quyền Tối Cao Pháp Viện cũng chấp nhận lập trường dân chủ này trong sự giải thích rộng rãi điều kiện lợi ích của tố quyền qui định trong điều 63 Luật số 07/68 đòi hỏi điều kiện “nếu sự áp dụng các bản văn này làm thiệt hại đến quyền lợi của mình“. Theo vậy, không cần phải chứng minh sự thiệt hại đã xảy ra mà có thể căn cứ vào sự thiệt hại vị tất có thể gây ra cho mình, trong giả thiết bản văn được áp dụng cho tình trạng của mình. Do đó trong bản án ngày 4-4-1973 (Nguyễn Thị Thu Các kiện Thủ tướng Chính phủ), Tối Cao Pháp Viện đã chấp nhận một Nghị viên Đô, tỉnh, Thị có lợi ích để khởi tố xin phán xử về một điều khoản lập qui liên quan tới chế độ và thủ tục giải nhiệm các Nghị viên vì lý do vắng mặt 3 lần liên tiếp hay vì lý do không thi hành nhiệm vụ giao phó cho mình mà không có lý do chính đáng. Tuy rằng đương sự không ở trong tình trạng áp dụng chế độ này, nhưng được coi như có lợi ích để xin phán xử về tính cách bất hợp hiến của điều khoản qui định về sự giải nhiệm hành chính (đương sự có thể ở trong trường hợp bị áp dụng chế độ giải nhiệm trong tương lai, nên hiện nay có lợi để khởi tố ngay).
29._ Khi các pháp đình công pháp đang thụ lý mà chưa có án văn giải quyết về chính vụ thì nguyên đơn vẫn có quyền chấm dứt sự tranh tụng vô điều kiện, như vậy tức là về tâm lý muốn bỏ qua sự tranh chấp hay về phương diện thực tế không còn sự tranh chấp nữa vì các tụng phương đã dàn xếp xong một cách thỏa đáng (Điều 37 Dụ số 2 ngày 5-1-1950 thiết lập Tòa án Hành chánh đã ấn định thủ tục bãi nại một cách rất giản dị, nguyên đơn chỉ làm một tờ khai thường, có đương sự hay người thụ ủy của họ đứng ký là được chấp nhận …). Và như vậy, tòa không thể tiếp tục thụ lý được nữa. Dụ số 38 ngày 9-11-1955 tổ chức Tham Chính viện không qui định sự bãi nại minh thị vì cho rằng sự bãi nại vô điều kiện phải được tòa chấp nhận trong mọi trường hợp. Do đó điều 27 chỉ qui định một trường hợp bãi nại mặc thị đó là trường hợp nguyên đơn để quá hạn không nộp biện minh trạng mặc dù đã có sự thôi thúc của Tổng thư ký Tham Chính viện bằng thư lạch hạn, nguyên đơn sẽ bị coi như tự ý hưu nại (còn bị đơn, nếu ở trong trường hợp này sẽ được coi như đã nhận rằng các thực trạng trình bày trong đơn khiếu nại là đúng. (Hay).
Văn kiện tổ chức Tối Cao Pháp viện là luật số 7/68 cũng không quy định sự bãi nại, nhưng lẽ dĩ nhiên khi nguyên đơn bãi nại vô điều kiện trước khi hồ sơ đầy đủ có thể đem ra xử được thì Tối Cao Pháp viện cũng bắt buộc phải chấp nhận theo nguyên tắc phổ thông luật pháp. Trước các tòa Tư pháp, người ta thường phân biệt sự bãi nại thủ tục, do đó nguyên đơn vẫn dành quyền khởi tố về sau, với sự bãi nại tố quyền, do đó nguyên đơn mất hẳn tố quyền về vấn đề đó nên không thể khởi tố lại được nữa. Trong công pháp tụng, người ta chưa lưu ý tới sự phân biệt này, nhưng theo ý chúng tôi, có lẽ cũng cần áp dụng nguyên tắc phổ thông của tố tụng này vì quyền lợi của các tụng phương trước các pháp đình công pháp cũng tương tự như trong các sự tranh chấp tư pháp.
30._ Ngoài sự bãi nại, tranh tụng trước các pháp đình công pháp cũng có thể coi là đương nhiên chấm dứt do sự mai một của tranh chấp nguyên khởi, thí dụ đối tượng của sự tranh tụng là hành vi pháp lý bất hợp pháp đã được cơ quan tác giả hay thượng cập thu hồi hay tiêu hủy cả về quá khứ. Trong trường hợp này các pháp đình công pháp thường tuyên bố không có vấn đề gì phải xét xử vì sự tranh tụng đã trở thành vô đối tượng.
31._ Ngoài ra cũng còn vài trường hợp rất đặc biệt mà pháp đình cũng tuyên bố không có vấn đề phải xét xử, chính vì ngay khởi thủy hành vi pháp lý bị chỉ trích, do tính cách bất hợp hiến và bất hợp pháp một cách hiển nhiên, nến phải coi như văn kiện đó không có trong thực tế, đó là quan niệm hành vi hư vô. Sự từ chối không thụ lý về nội dung vì nhận thấy không có vấn đề gì để xet xử, chẳng qua cũng là hệ thuyết của điều kiện tranh chấp là nền tảng và giới hạn của tranh tựng, trong trường hợp này vì hành vi hiển nhiên bất hợp pháp hay bất hợp hiến, nên không thể coi như ai còn phải tranh chấp về các tính cách bất hợp hiến và bất hợp pháp được nữa. Vả lại theo học lý, hành vi hư vô, trong thực tế, người ta không cần biết tới hành vi hư vô này, vì nó không thể tạo được một hậu quả pháp lý biểu kiến nào cả.
32._ Hay! Còn về tính cách công pháp của sự tranh chấp thì vấn đề này chỉ đặt các sự tranh luận lý thuyết về bản chất của Công pháp, nhưng trong thực tế không nêu lên các khó khăn đặc biệt nào cả. Tại đây chỉ cần nhận định là, trong một tranh chấp thường có nhiều phương diện trà trộn thuộc về mọi kỷ luật trong ngành Công pháp và Tư pháp, mỗi phương diện của sự tranh tụng được coi là một sự tranh tụng riêng biệt về phương diện đó, và mỗi hệ thống pháp đình chỉ thụ lý và phán xử riêng về các phương diện thuộc về thẩm quyền mình mà thôi. Do đó một tranh chấp nguyên khởi có thể có tính chất hoàn toàn tư pháp, nhưng Tòa án thụ lý gặp phải một vấn đề tiên quyết thuộc về công pháp thì Tòa án này phải đình chỉ thủ tục trong khi chờ đợi giải quyết vấn đề tiên quyết. Theo vậy, nếu sự tranh chấp có nêu một vấn đề tiên quyết công pháp thì riêng phương diện tranh chấp này có tính cách công pháp và do đó chỉ riêng nó thuộc lãnh vực của Công pháp tụng mà thôi.
33._ Về một phương diện kỹ thuật, tính cách công pháp của tranh chấp chỉ có thể bị phức tạp hóa bởi các tố tụng liên hệ tới một vài văn kiện mà tính cách pháp lý chưa minh xác được rõ. Người ta có thể tự hỏi các nội qui của Thượng Viện và của Hạ Viện, có phải là các đạo luật hay các quy tắc hành chánh, hay các văn kiện đồng hóa với các đạo luật, hay các qui tắc hành chánh hay không. Một mặt khác, người ta cũng có thể thắc mắc không biết nội qui này có tính cách khả đối và khả viện đối với các cơ quan hiến định khác và các công dân đệ tam hay không. Theo ý nghĩa danh từ Nội qui thì các thể lệ này chỉ áp dụng trong nội bộ, nhưng ai cũng nhận định một cách hiển nhiên rằng, trong các bản nội qui có các điều khoản khác không hoàn toàn thuộc về nội bộ. Vả lại ngay cả về các điều khoản hoàn toàn thuộc về nội bộ, cũng còn phải giải quyết vấn đề nó có thể bị khiếu nại do một hội viên của Viện hay không. Hơn nữa, xét cho cùng, một nội quy của một cơ quan công quyền mặc dầu nhằm mục đích chi phối nội bộ, nhưng không thể coi như không liên quan đến cơ quan khác hay các công dân đệ tam được. Và theo vậy, các khoản hoàn toàn nội bộ cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của các công dân và trong phạm vi này nó trở nên có tính cách khả dĩ làm tổn thương do đó có thể bị tranh tụng trước Tòa. Trong thực tế có rất nhiều cơ quan hiến định và các tổ chức pháp định có nội qui, nhưng phải nhận định rằng các nội quy của Quốc hội có bản chất khác nội qui của Tối Cao Pháp Viện, vì nội quy của Quốc hội thì có tính cách chính trị tuy rằng cần phải đồng hóa với các đạo luật căn bản. Còn nội quy của Tối Cao Pháp Viện thì có bản chất hiển nhiên hành chánh tư pháp. Trường hợp nội quy của Giám sát viện lại khác nữa, không thể đồng hóa với với nội quy của các cơ quan hành chánh thường được, nhưng cũng phải nhận định rằng, nó gồm rất nhiều điều khoản chi tiết có thể được kiểm hiến và kiểm pháp nếu có tranh tụng. Tại Pháp quốc, nội quy của các cơ quan hiến định được sự kiểm soát trước tiên của HỘi đồng Kiểm hiến, theo vậy nội quy của các cơ quan hiến định Việt Nam kể trên cũng cần phải được chế tài nếu có tranh tụng (với sự dè dặt về khó khăn kỹ thuật đối với nội qui của Tối Cao Pháp Viện).
34._ Ngoài các nội qui, các cơ quan Hiến định kể trên là quốc hội, Tối Cao Pháp Viện và Giám sát viện, còn có các hoạt động pháp lý hay vật chất cần phải được chế tài trong phạm vi không liên hệ chi tới nguyên tắc vô trách nhiệm của các cơ quan chính trị và tài phán. Một thông cáo của một Ủy ban Thượng Viện có thể được đồng hóa với một quyết định hành chánh, và với tư cách này có thể được chế tài về hợp hiến tính và hợp pháp tính (Thông tư số 1 đề ngày 6-4-1971 của Hội đồng tổ chức bầu cử bổ túc ứng cử viên Thẩm phán Tối cao Pháp viện, đã được đồng hóa với một quyết định hành chính và bị coi là bất hợp hiến và bất hợp pháp – Phán quyết Tối cao pháp viện ngày 10-4-1971). Theo án lệ hành chánh thì một số các hành vi và hoạt động của quốc hội cũng như của nền tư pháp được đồng hóa với các hoạt động hành chánh và theo vậy thuộc lãnh vực công pháp tụng. Thí dụ, trước ngày ban hành Bộ Hình sự tố tụng mới, các công xa của quốc hội hay của Tối Cao Pháp viện gây tai nạn lưu thông đều phát sinh trách nhiệm hành chánh và thuộc thẩm quyền xét xử của pháp đình hành chánh, nay phải coi như phát sinh trách nhiệm tư luật thuộc thẩm quyền tài phán của các pháp đình tư pháp cũng như bất cứ trường hợp của cơ quan hành chánh thuần túy nào khác (Theo điều 3 BLHSTT). Thực ra, tất cả các vấn đề luật công pháp, pháp đình công pháp và tranh chấp công pháp cùng kỹ thuật pháp lý công pháp đều liên hệ mật thiết với nhau.
35._ Trong diễn tiến lịch sử của sự phân chia lãnh vực tài phán giữa hai hệ thống pháp đình tư pháp và pháp đình hành chánh, người ta đã lưu ý tới sự phân phối thẩm quyền một cách chính yếu nên thường gán tính cách tư pháp hay tính cách hành chánh cho một vấn đề tranh chấp không ngoài mục đích ấn định thẩm quyền. Chẳng hạn khi cần phải đặt một tiêu chuẩn mới cho lãnh vực trách nhiệm hành chánh nói riêng và sự biệt lập của Luật hành chánh nói chung thì Tòa phân thẩm sở dĩ nhận định rằng vấn đề trách nhiệm không thể do luật tư pháp chi phối chỉ cốt để cho vấn đề thuộc thẩm quyền của các pháp đình hành chánh (Án văn Blanco T.C 1873). Nhưng khi nhận thấy lãnh vực thẩm quyền hành chánh quá rộng rãi cần phải giới hạn lại thì người ta lại đặt tiêu chuẩn mới về các cơ quan hành chánh có tính cách kỹ nghệ hay thương mại, bằng cách tuyên bố hoạt động của các cơ quan này có tính cách tư pháp (…) và khi nhận thấy cần phải san sẻ bớt một số hoạt động hành chánh thuần túy sang cho thẩm quyền tư pháp để làm nhẹ gánh nặng cho hệ thống pháp đình hành chánh, thì các chuyên viên đã nghĩ ra được một tiêu chuẩn khác nữa (…). Trong trường hợp cho rằng án lệ không thể thay đổi được tiêu chuẩn thì luật pháp can thiệp để phân chia lại hệ thống tài phán giữa hai loại pháp đình (luật 31-12-1957 về trách nhiệm của các cơ quan trong các vụ tai nạn do công xa gây nên). Có thể nhận định một cách khoa học, mặc dầu có thể bị coi là mâu thuẫn, là vấn đề luật nội dung áp dụng để giải quyết các tranh tụng, vì thuộc vào chính sách phân phối thẩm quyền trong chế độ lưỡng hệ tài phán, nên lại do nhu cầu về thẩm quyền quyết định. Nhưng một mặt khác, chúng ta cũng công nhận là đứng về phương diện kỹ thuật thì nhận xét của luật gia Jean Rivero cũng rất xác thực (do đó thì vấn đề về thẩm quyền tùy thuộc vào bản chất của luật nội dung áp dụng để giải quyết sự tranh chấp), vì nó phù hợp với tiêu chuẩn căn bản làm nền tảng tất yếu cho sự phân chia thẩm quyền của các pháp đình theo bản chất của luật áp dụng trước các pháp đình.
36._ Nhưng thực ra hai nhận xét kể trên không hẳn là mâu thuẫn. Chính vì nhận định là về kỹ thuật vấn đề thẩm quyền của pháp đình phải tùy thuộc vào bản chất luật nội dung áp dụng, mà trong chính sách phân phối và sửa đổi ranh giới thẩm quyền giữa các pháp đình, người ta cố tìm thêm các tiêu chuẩn chi tiết, để nhận định một bản chất mới quyết định về luật nội dung áp dụng theo sự phân chia thẩm quyền mới mà người ta muốn thực hiện. Và cũng phải nhận định rằng chính nhu cầu phải sửa đổi thẩm quyền đã thúc đẩy tìm kiếm thêm các tiêu chuẩn chính xác về nội dung và đã thúc đẩy kỷ luật công pháp tụng tới trình độ tiến bộ hiện tại. Nhưng trong một quan niệm kỹ thuật toàn diện và triệt để, thì lại phải quyết định rằng nguyên ủy của tất cả những diễn tiến tranh chấp, luật nội dung và thẩm quyền các pháp đình, yếu tố nguyên khởi vẫn phải là có tính cách hành chánh mà một tranh tụng có tính cách hành chánh; và vì là một tranh tụng hành chánh nên phải áp dụng lau65t hành chánh, và vì phải áp dụng luật hành chánh nên pháp đình hành chánh mới có thẩm quyền. Theo vậy, cần phải minh định tính cách hành chánh, hay trong lĩnh vực rộng lớn hơn là tính cách công pháp của sự tranh chấp. Như ta đã chủ trương trong môn Luật Hiến pháp và nhất là trong môn Luật Hành chánh, vấn đề kỷ thuật rất quan trọng và có tính cách khoa học hơn cả. Do đó cần phải tuyển lưu tiêu chuẩn kỹ thuật pháp lý. Nói cách khác, một tranh chấp sẽ có tính chất công pháp nếu bắt nguồn tại một kỹ thuật công pháp.

C. Các giải phán tài phán nội dung.
37._ Như đã đề cập qua trong đoạn về từ ngữ, phần dành khảo sát các giải pháp tài phán nội dung là đặc điểm quan trọng nhất của Công pháp tụng so chiếu với các tố tụng khác. Cũng chính vì lý do này mà chúng ta dùng công thức Công pháp tụng cho xứng đáng với địa vị của môn học giữa các kỷ luật pháp lý khác. Ngoài ra, chúng ta cũng còn nhận định là sự cấp tiến của các giải pháp tài phán mội dung đã đạt được do tính cách linh động của án lệ là một nguồn gốc cực kỳ quan trọng trong Công pháp tụng. Các giải pháp tài phán nội dung thường được khảo sát về dịp mỗi loại tố tụng.
38._  Trong tố tụng chống thặng quyền thì thường lệ cần phải khảo sát không những vấn đề kỹ thuật là hanh vi nào thuộc phạm vi chế tài, trong các trường hợp nào hành vi có thể bị chế tài, và trong mỗi trường hợp mở tố tụng chống thặng quyền còn cần phải giải thích về kỹ thuật. Thí dụ về hà tì vi luật thì phải phân tích đầy đủ các phương diện vi luật về hình thức và về nội dung ra sao. Ngoài ra còn phải khảo sát chế độ pháp lý của hành vi hành chánh đơn phương, và về dịp đó phải khảo sát luôn về quyền lập qui của Hành pháp trong chế độ phổ thông và trong các trường hợp đặc biệt khác nhau ra sao v.v…
39._ Về tố tụng khế ước thì phải khảo sát tiêu chuẩn của khế ước công pháp, phân tích các quyền và nghĩa vụ giửa các người đối ước, và trong tương quan giữa họ đối với các công dân đệ tam, cùng sự chế tài mọi vi phạm khế ước trong một số các khế ước hành chánh khác biệt như khế ước đặc nhượng công vụ, công tác công chính, lãnh thầu thuế hoa chi, các khế ước cung cấp, công tác và vận tải cùng một số khế ước khác và sử dụng công sản cùng các thể thức hợp tác trong công vụ theo thể thức đề cung hợp tác v.v…
40._ Trong tố tụng về tình trạng hành chánh của các công chức thì cần phân biệt các qui chế chung, qui chế riêng cùng thẩm quyền của các tố tụng tùy theo sự bổ nhiệm các loại công chức, các quyền lợi và bổn phận, chế độ kỷ luật cùng chế độ hư trì, đó là chưa kể sự phân biệt nhân viện chính ngạch với ngoại ngạch tương quan công pháp hay tư pháp v.v…
41._ Trong tố tụng đòi bồi khoản chia ra làm nhiều loại thì cần phải đề cập tói nội dung của mỗi chế độ, riêng về chế độ quan trọng nhất là trách nhiệm hành chánh thì các vấn đề phải khảo sát lại rất nhiều và khá phức tạp.
42._ Còn một số tố tụng khác cũng rât đặc biệt như tố tụng bầu cử, tố tụng về thuế trực thâu, v.v.. thường cũng phải đề cập tới và nhấn mạnh về các khía cạnh đặc hữu của mỗi vấn đề.
43._ Sau hết về thành phần mới được mở rộng của môn học là lãnh vực giải thích hiến pháp và phán xử về hợp hiến tính các đạo luật và các văn kiện hành chánh thì phải nhận định rằng thành phần tân kỳ này thật là bao quát và tế nhị gồm tât cả các phương diện pháp lý của mọi hoạt động chính trị trong quốc gia thuộc chương trình Luật hiến pháp và Chính trị học.
44._ Với một nội dung rộng rãi như vậy, phần giải pháp tài phán nội dung quả thực là quan trọng, nhưng trong niên khóa này, chưa thể soạn kịp được đầy đủ các tài liệu cần thiết nên các sinh viên cần phải đọc các giải pháp lẻ tẻ của công pháp tụng trong cuốn tài liệu Công pháp gồm các phán quyết của Tối Cao Pháp viện, các phán quyết của Tham chính viện và một số phán quyết nền tảng dịch trong án lệ Pháp quốc.

D. Các pháp đình công pháp.
45._ Về yếu tố các pháp đình công pháp, chúng ta đã nhận định là Công pháp tụng không đòi hỏi một cách thiết yếu sự áp dụng chế độ lưỡng hệ tài phán, nhưng cũng nhận định thêm rằng Công pháp tụng đã được phát triển rất mạnh mẽ, do sự hiện diện của một hệ thống pháp đình công pháp đặc chuyên.
Thực ra, khởi thủy việc thiết lập một hệ thống pháp đình hành chánh tại Pháp quốc có các nguyên nhân chính trị và được coi là một hệ thuyết của nguyên tắc phân quyền nền tảng. Sở dĩ cần phải thiết lập một hệ thống pháp đình riêng biệt để chế tài các hành vi hoạt động của các cơ quan hành chánh vì nếu để các cơ quan tư pháp thụ lý về các vụ này thì tức là tư pháp có thể xâm lấn vào hành pháp và như vậy tức là vi phạm nguyên tắc phân quyền.
46. Tuy nhiên, cần phải nhận định thêm rằng tại Anh – Mỹ thì ngược lại, người ta cho rằng theo nguyên tắc phân quyền, mọi cơ quan hành chính cũng phải thuộc quyền tài phán cảu các pháp đình tư pháp như các tư nhân, do đó sự thiết lập một hệ thống pháp đình hành chánh riêng biệt có thể coi như vi phạm vào nguyên tắc phân quyền.
47._ Tuy chúng ta tiếp thu cả hai luồng tư tưởng kèm theo các hệ thống kỹ thuật của hai khối luật pháp đối nghịch, nhưng không thể tự coi như bị ràng buộc bởi các nguyên ủy chính trị riêng biệt, mà trái lại phải biết khai thác ưu điểm của người được hưởng kinh nghiệm của kẻ khác, và quan niệm vấn đề dưới hình thức phân công kỹ thuật trong sự chuyên môn hóa nhân sự và sự phát triển đặc chuyên của mỗi ngành tài phán công pháp và tư pháp.
48._ Tuy nhiên, phải nhận định rằng ngay về kỹ thuật sự phân công tài phán cũng không hẳn là tránh được các khuyết điểm cố hữu của một hệ thống phân công triệt để trong bất cứ lãnh vực nào. Thật vậy, trong chế độ lưỡng hệ tài phán như tại Pháp quốc và Việt Nam trước kia, nhất là sự phân công tài phán giữa hai hệ thống lại căn cứ vào các tiêu chuẩn thực hất, trong nhiều trường hợp, các tụng phương không biết khởi tố trong hệ thống nào. Và có nhiều trường hợp, cả hai hệt thống đều cho là mình có thẩm quyền hay cũng cho là mình vô thẩm quyền cho tới khi sự tranh nghị tích cực hay tiêu cực về thẩm quyền được giải quyết. Hơn nữa án lệ của mỗi hệ thống nhiều khi khác biệt hẳn hay mâu thuẫn hẳn với án lệ của hệ thống kia, làm người công dân có cảm tưởng là công lý bất nhất, hay cảm tưởng là hệ thống pháp đình công pháp chỉ được thiết lập để bảo vệ các quyền lợi của công quyền và công chức. Các luật gia tại Pháp thường viện một số thí dụ về sự chậm trễ của công cuộc thẩm cứu trong lãnh vực công pháp, có các đương sự sau khi khởi tố hơn 10 năm mới bị bác đơn nhất định về hình thức vì Tòa thụ lý vô thẩm quyền. Về kỹ thuật, do sự biệt lập của kỷ luật, và sự độc lập tuyệt đối của mỗi hệ thống pháp đình, và do sự sai biệt về quan niệm lỗi công vụ và lỗi cá nhân giữa hai hệ thống pháp đình, có nhiều trường hợp câu phát lý tưởng hay thực tế về lỗi và trách nhiệm, các án văn của hai hệ thống cùng về một vụ nhất định rõ rệt là mâu thuẫn tới mức đới với người công dân không hiểu rõ sự khó khăn kỹ thuật, tựa như là bất công hay phi lý.
49._ Một số khuyết điểm kể trên được giải quyết do Tòa Phân thẩm tại Pháp quốc. Các vụ bất khẳng thụ lý hay các mâu thuẫn tích cực án văn đã được bổ khuyết và điều chỉnh hợp lý nhưng vẫn mắc phải sự chỉ trích quá lâu dài. Để giản dị hóa thủ tục giải quyết bất khẳng thụ lý, một sắc lệnh Pháp quốc ngày 25-7-1960 đã bắt buộc các Tòa án thụ lý sau khi đã có một Tòa án của hệ thống khác tuyên bố vô thẩm quyền, phải chuyển vấn đề thẩm quyền lên tòa phân thẩm và đình chỉ sự xét xử trong khi chờ đợi phán quyết về thẩm quyền. Mặc dù có các sự cải tiến quan trọng để tránh các khuyết điểm cố hữu trong chế độ lưỡng hệ tài phán, tại Pháp người ta vẫn thường chỉ trích sự kéo dài các thủ tục tố tụng hành chánh nên đã nhận thấy cần phải san sẻ bớt một số các vụ tranh tụng sang lãnh vực tư pháp bằng các giải pháp của án lệ (án lệ …), và bằng các giải pháp lập pháp (đạo luật ngày 31-12-1957) chuyển sang lãnh vực tư pháp các vụ đòi bồi thường về các sự thiệt hại do các công xa gây ra. Một mặt khác vào năm 1953, Pháp quốc đã phải cải tổ toàn diện sự phân phối thẩm quyền nội bộ giữa các tòa án hành chánh và tham chính viện để giải quyết sự ứ đọng và trì trệ một số hồ sơ quan trọng trước kia thuộc thẩm quyền của Tham Chính viện.
50._ Tại Việt Nam, chúng ta đã phỏng theo quan niệm lưỡng hệ tài phán của Pháp quốc, nhưng ở trong trường hợp may mắn chưa gặp các sự ứ đọng hồ sơ trong hệ thống pháp đình công pháp, mặc dù có lúc người ta đã tỏ ra e ngại là sự mở rộng và dân chủ hóa tố quyền có thể gây tình trạng tràn ngập hồ sơ. Ngoài ra tại Việt Nam cũng chưa thấy ta thánh về các tình trạng bất khẳng thụ lý hay mâu thuẫn án văn, mặc dầu trước khi Tối Cao Pháp Viện đệ nhị cộng hòa được thiết lập, không có một pháp đình tột thượng hay một ủy ban hỗn hợp nào đảm trách nhiệm vụ tương đương với công việc của Tòa phân thẩm Pháp quốc. Nay theo luật số 7/68 tồ chức Tối cao Pháp viện, điều 50 đoạn 4, Phòng Hành chánh Ban Phá án của Viện tối cao này, ngoài nhiệm vụ xet xử theo thủ tục phá án hành chánh, còn có nhiệm vụ “phán định thẩm quyền về những vụ tranh thẩm tích cực hay tiêu cực giữa các cơ quan tài phán khác“. Mặc dù bản văn không không minh thị đề cập tới, theo ý chúng ta thì phải coi Phòng hành chánh như đương nhiên có thêm thẩm quyền giải quyết các sự mâu thuẫn án văn giữa hai hệ thống hành chánh và dân sự. Tại Việt Nam không quy định một thủ tục nêu tranh nghị thẩm quyền bằng Nghị định của các cơ quan hành chánh nên các tranh nghị thẩm quyền không đình chỉ thủ tục xét xử về nội dung và như vậy, chúng ta có ưu điểm về sự giản dị thủ tục và tránh được cảm tưởng hay mặc cảm thường lầm tưởng là sự hiện diện của hệ thống pháp đình hành chánh chỉ nhằm bảo vệ các tụng phương công quyền và tránh khỏi lầm tưởng luôn là thủ tục nêu tranh nghị thẩm quyền chỉ nhằm bảo vệ thẩm quyền của hệ thống tài phán hành chánh như tại Pháp quốc.
51._ Dù sao Hiến pháp đệ nhị VNCH cũng đã đặt nền tảng cho một sự thống nhất công lý trong tương lai. Các pháp đình hành chánh vẫn còn được duy trì nhưng không theo quan niệm của một hệ thống tài phán riêng biệt hẳn như trước nữa. Dưới sự điều khiển thuần nhất của Tối cao Pháp viện, Tòa án hành chánh và Tham chính viện, cũng như các pháp đình hành chánh đặc thẩm hay đồng hóa, nay chỉ tiêu biểu cho sự phân công và sự đặc chuye6nt ài phán về hành chánh mà thôi. Với công thức dung hòa được sự phân công kỹ thuật cần thiết với lý tưởng thống nhất hóa nền công lý và đồng thời kết tinh luôn cả kỹ thuật kiểm pháp của khối pháp luật lục địa Âu châu với nghệ thuật kiểm hiến tính cảu luật Mỹ quốc, nền tư pháp lại còn được hoàn toàn độc lập về mọi phương diện nên chúng ta có thể tự hào về kỹ thuật tài phán Việt Nam hiện tại, mặc dù về hci tiết hãy còn nhiều vấn đề chuyên môn còn phải giải quyết trong tương lai.
Tại đây chỉ đặt tạm các vấn đề về đại cương, như trên vừa phân tích, còn tổ chức và thẩm quyền cũng như thủ tục tố tụng áp dụng trước các pháp đình công pháp sẽ được phân tích trong phần tiếp theo./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar