PHÁP CHẾ VỀ THƯƠNG LUẬT
I. TẠI PHÁP
Luât thương mại tại Pháp dường như phát sinh vào thế kỷ 14 và 15 dưới hình thức các tục lệ áp dụng bởi các thương gia thay vì là luật viết, và những tục lệ này lúc bấy giờ được áp dụng đồng thanh bởi các quốc gia, nên nó mang tính cách tục lệ quốc tế. Thí dụ như luật chợ phiên (droit des foires, jus nundinarum: quyền công bằng, quyền của thị trường) được áp dụng chẳng những tại Pháp (các chợ phiên ở Saint Denis ở Lyon), mà còn được áp dụng tại Đức (Hội chợ Francfort), hoặc tại Bỉ (hội chợ tại Bruges). Mặt khác, tục lệ về việc mua bán bằng đường biển (Jus maris) cũng được áp dụng bởi các quốc gia dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, cũng như tại các quốc gia dọ chtoe bờ biển Đại Tây Dương.
Nhưng các luật lệ về thương mại chỉ được chính thức ra đời tại Pháp khi nhà Vua Charle IX thành lập vào năm 1565 các Tòa án Thương mại; lúc bấy giờ được gọi là Juridictions consulaires (khu vực pháp lý lãnh sự), vì tòa này gồm đại diện các thương gia gọi là Consuls (lãnh sự). Sau đó ông Golbert ban hành các qui tắc thương vụ do 2 Dụ: Dụ tháng 3 năm 1673 qui định các việc mua bán trên đường bộ gọi là Code Savary, vì do một thương gia trứ danh tại Pari thời bấy giờ là Jacques Savary soạn thảo dụ này. Kế đó là dụ tháng 8 năm 1681 ấn định các dịch vụ trên đường biển. Hai dụ nầy qui định những quyền lợi về Thương mại dưới thời quân chủ Pháp. Đến sau cách mạng năm 1789, Napoléon đệ nhất thành lập một ủy ban gồm 7 luật gia để điển chế một bộ luật thương mại cho nước Pháp bên cạnh bộ Dân Luật Pháp năm 1804, vì lúc bấy giờ xảy ra nhiều cuộc vỡ nợ tại Pháp. Bộ Luật Thương mại của Pháp gồm có 5 đạo luật được biểu quyết riêng biệt, nhưng được ban hành vào ngày 15-9-1807, và được áp dụng kể từ ngày 1-1-1808. Bộ luật Thương mại của Pháp gồm có 4 quyền: Quyền 1 nói về thương gia và trách vụ của họ, về các hội buôn, về các hạng người kinh kỷ và trọng mãi, và về thương phiếu. Quyền 2 đề cập đến luật Hàng Hải (droit maritime); quyển 3 quy định về khánh tận; Quyển 4 nói về tòa án Thương mại. Đến cuối thế kỷ 18, dựa theo tình trạng kinh tế và kỹ nghệ thời đó, bộ luật thương mại 1807 bị sửa đổi nhiều cho thích hợp với nền kinh tế tư bản máy móc và kỹ nghệ ở thế kỷ 19. Có thể kể các văn kiện sau đây:
a. Đạo luật ngày 7-3-1925 thiết lập công ty trách nhiệm hữu hạn (SARL);
b. Những công ty hợp cổ (Sociétés par actions: Công ty cổ phần), được quy định bởi luật ngày 24-7-1867, sửa đổi bởi các luật ngày 1-8-1893, 16-11-1903, 23-1-1929, 1-5-1930 và 13-11-1933.
c. Luật ngày 18-3-1919 bó buộc thương gia phải giữ sổ sách kế toán (luật này được sửa đổi bổi sắc lịnh ngày 9-8-1953);
d. Thể chế về thương phiếu và hối phiếu cũng được sửa đổi bởi luật ngày 7-6-1894, 8-2-1922 và Sắc luật ngày 30-10-1935.
e. Về chi phiếu (cheque) Bộ thương luật 1807 không có đề cập đến, nên vào năm 1865 và nhất là sắc luật ngày 30-10-1935 mới ấn định thể lệ phát hành và nhiệm vụ của người phát hành cùng các người bối thự kế tiếp.
f) Về cửa hàng (fonds de commerce) đạo luật ngày 17-3-1909 qui định việc bán và cầm cố cửa hàng. Đạo luật ngày 30-6-1926 qui định sự bảo vệ quyền sở hữu về cửa hàng thương mại.
Một điểm lạ của Bộ Thương Luật 1807 là điều 631 và kế tiếp không bị sửa đổi. Việc này chứng minh rằng pháp chế của Pháp vẫn phân vân trong việc lựa chọn đối tương của thương luật: Có phải chăng đối tượng là các hành vi thương mại hay đối tượng chính là thương gia?
II. LUẬT THƯƠNG MẠI ÁP DỤNG TẠI VIỆT NAM
Tại Việt Nam, trước ngày 20-12-1972, có hai bộ Thương Luật được áp dụng. Đây là các bộ Thương Luật ban hành từ thời kỳ Pháp thuộc, nhưng dụ số 4 ngày 18-10-1949 tại Điều 106 định rằng, trong khi chờ đợi điển chế các bộ luật thuần túy Việt Nam, các pháp chế đương hành ở mỗi phần được tiếp tục áp dụng miễn không trái với tổ chức chính trị, hành chính và tư pháp Việt Nam.
Ơ Trung phần có bộ thương luật Trung gồm 207 điều, đại cương chép ở Bộ Thương Luật của Pháp quốc. Bộ Thương luật Trung ban hành năm 1942 và được dụ số 80 ngày 8-10-1943 cho phép thi hành kể từ ngày 25-1-1944. Ở Nam Phần, Bộ Thương Luật Pháp năm 1807, trừ một số điều khoản, đã được tuyên bố áp dụng do sắc lệnh ngày 27-2-1892 cho việc Thương mại của người Trung Hoa và Á châu đồng hóa (Asiatiques Étrangers), và cho người bản xứ thuộc Pháp (Sujets Français). Về thủ tục tố tụng thì áp dụng bộ luật tố tụng Pháp quốc, được tuyên bố có hiệu lực tại Việt Nam do điều 122 sắc lệnh ngày 16-2-1921. Đó là những điều 414 đến 442 của Bộ luật tố tụng dành cho thủ tục trước tòa án thương mãi. Ngoài bộ Thương luật Pháp 1807, các văn kiện sửa đổi về sau, ban bố tại Pháp, cũng được tuyên bố áp dụng tại Việt Nam, hoặc để y nguyên văn, hoặc sửa đổi cho phù hợp với tình trạng bản xứ. Thí dụ như đạo luật ngày 24-7-1867 về công ty hợp cổ (Stes par actions: Cổ phần), đạo luật ngày 4-3-1889 về sự thanh toán tư pháp (liquidation judiciaire: thanh lý tư pháp); đạo luật ngày 18-3-1919 về việc giữ gìn sổ sách thương mại, và sắc lệnh ngày 29-9-1927, 15-8-1934 về những sổ sách kế toán mà những người ngoại quốc buôn bán ở Đông Dương phải giữ.
Từ khi thu hồi độc lập, chính quyền VN cũng có ban hành một số luật lệ về Thương mại được liệt kê dưới đây:
1. Luật số 13/57 ngày 1-8-1957 về nhãn hiệu và thương hiệu;
2. Luật số 12/57 ngày 1-8-1957 về bằng sáng chế;
3. Nghị định số 92/BKT/CKN ngày 9-4-1968 và Nghị định số 406/BKT/ND ngày 11-10-1968 về danh sách các ngành tiểu công nghệ.
Hai bộ luật trên đây đều viết bằng Pháp văn và có nhiều điểm khác biệt. Để thống nhất luật pháp cho cả ba miền, Bộ Tư pháp, trong nhiều năm qua đã soạn thảo xong một dự thảo bộ luật Thương mại, một bộ dân luật, một bộ luật dân sự và thương sự tố tụng, bên cạnh một bộ Hình luật và một bộ Hình sự tố tụng. Các bộ dự thảo dân luật, hình luật, hình sự tố tụng và thương sự tố tụng, đã được Hành pháp chuyển sang Quốc Hội để biểu quyết do công văn số 873.PTT/TTK/VP ngày 23-9-1969, và đã được Tổng thống ban hành vào ngày 20-12-1972 bằng sắc luật, thi hành luật ủy quyền số 005/72 ngày 28/6/1972. Riêng dự thảo Luật Thương mại đã được soạn thảo trong hai giai đoạn và do hai Ủy ban đảm trách. Giai đoạn thứ nhất kéo dài từ năm 1965 đến 1967 và giai đoạn thứ hai từ năm 1969 đến 1971. Dự thảo này gồm một phần lới các luật lệ và định chế cũ của Pháp để lại, khi xưa có thể rải rác nhiều chỗ, hôm nay được tập trung, sắp xếp lại cho hợp lý và rõ ràng, vì các soạn giả không muốn gây xáo trộn làm hại cho sự an toàn pháp lý. Những ủy ban soạn thảo cũng đã dựa trên chiều hướng án lệ, như trên luật đối chiếu, cũng có thêm nhiều sáng kiến mới để đáp ứng những đòi hỏi của thực tế luôn luôn biến đổi. Bộ Luật Thương Mại này cũng được Tổng Thống ban hành ngày 20-12-1972 do Sắc Luật số 029/TT/SLU như đã biết. Tuy nhiên, sự biến chế này không loại bỏ những thông lệ đã được nhiều quốc gia công nhận để gây tín nhiệm đối với quốc tế, để họ không ngần ngại giao thương với VN và đầu tư tại Việt Nam.
Dựa theo tinh thần trên đây, Bộ Luật thương mại Việt Nam gồm có 5 quyền cộng chung 1.051 điều. Điều 1051 này tuyên bố rằng kể từ ngày ban hành, bộ Thương Luật Trung Việt và Bộ Luật Thương Mại Pháp, áp dụng tại Viêt Nam từ trước đến nay và các bản văn cùng những điều luật trái với Bộ luật này đều bãi bỏ.
Quyển 1: Điều khoản tổng quát: Các nhà buôn. Nhiệm vụ của Nhà buôn, của cửa hàng thương mại, (từ điều 1 đến 142);
Quyển 2: Những thương hội (từ điều 143 đến 339);
Quyển 3: Các hành vi thương mại (từ điều 340-548);
Quyển 4: Thương Mại Hàng Hải (Từ điều 549-863);
Quyển 5: Khánh tận _ phá sản và thanh toán tư pháp (từ điều 864-1.050).
Chúng ta không thấy điều khoản nào qui định đến thương mại Hàng Không, mặc dù nền hàng không Việt Nam hiện đang phát triển mạnh. Chúng ta cũng không thấy điều khoản nào nói về tòa án Thương Mại như quyền thứ 4 của bộ Thương Luật Pháp quốc, vì tại Việt Nam không có Tòa án riêng biệt xử về thương vụ như tại Pháp. Tuy nhiên, Bộ Thương Luật và các văn kiện bổ túc trên đây không phải là căn bản độc nhất của luật Thương Mại, vì các vấn đề dân sự thông thường vẫn do luật hộ chi phối. Do đó, trong trường hợp luật thương mại không gạt bỏ ra ngoài một điều khoản của luật hộ thì điều khoản đó vẫn được áp dụng. Ngoài ra, án lệ cũng giữ vai trò quan trọng trong sự thành lập các qui tắc về thương mại. Hơn nữa, căn bản của luật thương mại cũng xuất phát từ các tập tục (les usages) và quán lệ (coutumes: phong tục), vì luật pháp không thể qui định trước tất cả mọi vấn đề và mọi trường hợp. Nếu trong khế ước thương mại, các đương sự quên hoặc không đá động gì đến một vài qui tắc, thì Tòa án phỏng đoán rằng các đương sự đã ngụ ý tuân theo các tập tục và quán lệ tại địa phương nơi ký kết. Các tập tục và quán lệ đó có giá trị như một thỏa thuận mặc nhiên giữa các đương sự, chớ không phải là một đạo luật hẳn hòi. Thí dụ như tập tục thương mại phỏng đoán có sự liên đới trách nhiệm giữa các người cam kết mua đối với một người bán. Tuy nhiên, các tập quán không thể nào đi ngược lại những điều khoản của luật pháp có tính cách trật tự công cộng.
Tại Pháp, những tập quán được tham khảo rất nhiều trong những vụ tranh tụng về thương vụ. Nếu có sự bất đồng ý kiến về một tập quán, bên nào nại ra tập quán đó thì bên đó phải chứng minh rằng có tập quán đó và tập quán đó đã được áp dụng. Người này sẽ đưa ra một chứng thư xác nhận rằng tập quán đó đã được áp dụng tại địa phương. Chứng thư đó được gọi là parère và được cấp bởi phòng thương mại, các liên đoàn thợ thuyền bên Pháp. Có thể kể các tập quán do Ông Jacques Savary, một thương gia trứ danh bên Pháp viết hồi thế kỷ 17, gọi là “les pareres de Savary”.
Một nhận xét quan trọng về bộ luật thương mại, là tại Việt Nam, bộ luật này được áp dụng cho tất cả mọi người Việt Nam và mọi người ngoại kiều buôn bán ở nước ta, trừ phi có những văn kei56n minh định một pháp chế khác cho ngoại kiều, quốc tế tư pháp sẽ chỉ định luật nào phải được áp dụng cho các đương sự. Sau khi phác họa tiêu chuẩn của thương luật, sự ích lợi và l1y do tồn tại của nó, chúng ta, torng năm thứ Ba ban cử nhân chỉ họ một phần của bộ thương luật gồm các vấn đề dưới đây:
– Phần thứ nhất: Những hành vi thương mại, những thương gia, những cửa hàng, Tòa án thương mại;
– Phần thứ hai: Những hội buôn (các loại hội, sự thành lập, sự giải tán).
Các thương phiếu, và các vấn đề khánh tận sẽ được học vào năm thứ tư ban cử nhân./.
Bình luận