Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

2. Sự dẫn chứng quyền lợi

SỰ DẪN CHỨNG QUYỀN LỢI 

Muốn đòi mọi người tôn trọng quyền lợi của mình, cũng như muốn thực hiện quyền lợi đó, chủ thể phải chứng minh sự xác thực của quyền lợi mà mình có. Sự dẫn chứng quyền lợi có tầm quan trọng đặc biệt trong thực tế. Muốn dẫn chứng quyền lợi ta phải chứng tỏ có hai điều:
a. Có hành vi pháp lý hoặc có sự kiện pháp lý: Ví dụ như có hợp đồng đã được giao kết hoặc có bằng chứng về sự thiệt hại và người gây thiệt hại có lỗi.
b. Có quy phạm pháp luật: mà quy phạm này quy định rằng, hành vi pháp lý hoặc sự kiện pháp lý nêu trên phát sinh ra quyền lợi.
Theo nguyên tắc, người khởi kiện chỉ phải dẫn chứng sự kiện đã xảy ra, sự kiện này được xem như nguồn gốc của quyền lợi. Người khởi kiện không phải dẫn chứng quy phạm pháp luật. Với tư cách là người hoạt động nghề nghiệp, thẩm phán xét xử được xem như phải biết quy phạm pháp luật đó. Nói một cách khác, đương sự không bắt buộc phải dẫn chứng pháp luật, chỉ phải dẫn chứng sự kiện chứng minh quyền lợi. Trong luật La mã, thẩm phán thường nói với đương sự câu: Da mihi factum, Dabo tibi jus (Người cho ta biết sự kiện, ta sẽ cho ngươi biết điều luật – Hãy đưa cho tôi chứng thư, tôi sẽ cho bạn quyền lợi).
Tuy nhiên, 
nguyên tắc dẫn chứng này có hai biệt lệ:
a. Nếu quyền lợi tranh chấp do tập tục (usages), chứ không phải pháp luật công nhận thì đương sự phải dẫn chứng tập tục đó.
b. Nếu quyền lợi tranh chấp do luật nước ngoài điều chỉnh thì đương sự cũng phải dẫn luật này.
Ngoài hai biệt lệ này, đương sự không phải dẫn chứng quy phạm pháp luật.
Trong các vụ kiện, người ta thường thấy luật sư của đôi bên tranh luận. Sự tranh luận đó, nếu có, thường liên hệ đến ý nghĩa của quy tắc luật pháp áp dụng cho vụ kiện, chứ không liên quan đến sự dẫn chứng quy tắc này. Bên nào cũng cố giải thích quy tắc luật pháp có lợi cho mình, bằng cách viện dẫn học lý hay án lệ. Tuy vậy, thẩm phán vẫn có thể không nghe bên nào cả và xử theo quan điểm của mình về điểm pháp lý nêu lên. Còn về sự kiện thực tế thì trái lại, thẩm phán không thể theo ý riêng mà phải căn cứ vào các bằng chứng.
Ai có trách vụ dẫn chứng trong các vụ kiện dân sự và có mất thể thức dẫn chứng?

BÀI 1: TRÁCH VỤ DẪN CHỨNG 

Trong việc dẫn chứng có một nguyên tắc căn bản là nguyên tắc trung lập của thẩm phán. Thầm phán không can thiệp vào việc tìm kiếm các bằng chứng trong vụ kiện dân sự. Thẩm phán chỉ quyết định căn cứ theo những bằng chứng mà các đương sự viện dẫn trước tòa. Tuy nhiên, khi xét cần, thẩm phán vẫn có thể truyền thi hành một vài biện pháp để thu thập thêm bằng chứng như mở cuộc điều tra dân sự, viếng trường sở (visite des lieux) hay trưng cầu giám định viên.

1. Hai nguyên tắc trong dẫn chứng:
a. Nguyên đơn có trách nhiệm dẫn chứng trước: Trong luật La mã co câu “actori incumbit probatio” (Ai kiện thì người đó có trách vụ dẫn chứng –  bằng chứng thuộc về nguyên đơn). Dân luật minh thị rằng: Người đòi thi hành một nghĩa vụ phải dẫn chứng nghĩa vụ đó. Lẽ tự nhiên phải thế. Bị đơn khi phủ nhận quyền lợi do nguyên đơn nại ra, không phải dẫn chứng là quyền lợi đó không có.
b. Sự kháng biện của bị đơn: Sau khi nguyên đơn đã chứng minh được quyền của họ, bị đơn nếu muốn thắng kiện phải kháng biện. Phương tiện kháng biện gọi là khước biện (exceptio – một ngoại lệ). Trên nguyên tắc, khước biện phải do chính đương sự nêu lên, chứ không thể do tòa án tự ý tuyên phán, nhất là trường hợp khước biện vô hiệu, ngoại trừ khước biện vô thẩm quyền đối vật, về sự thiếu tư cách, thiếu năng lực thiếu lợi ích. Ví dụ: Nguyên đơn đã dẫn chứng là có cho bị đơn vay tiền và đòi bị đơn số nợ đó. Bị đơn, để chống lại, nại ra rằng y đã trả nợ, như xuất trình biên lai. Người ta cho rằng, khi khước biện, bị đơn thủ vai trò của một tiền nguyên đơn, vì vậy mà có trách vụ dẫn chứng. Trong một vụ kiện có sự dằng co như vậy.
Hai nguyên tắc trên có nhiều biệt lệ, vì lẽ sự suy đoán pháp định làm đảo lộn nguyên tắc.
2. Biệt lệ: Sự suy đoán pháp định:
– Các sự suy đoán pháp định có hiệu lực miễn trách vụ dẫn chứng cho người đương tụng, mà người bình thường có trách vụ đó, ví dụ: Một trẻ vị thành niên gây thiệt hại cho một người khác. Bình thường ra, một nạn nhân muốn bồi thường phải dẫn chứng là cha mẹ đứa nhỏ có lỗi. Nhưng luật pháp đã phỏng sẵn lỗi của cha mẹ đứa bé. Vậy nên, nguyên đơn được miễn trách nhiệm dẫn chứng lỗi của cha mẹ đứa nhỏ. Sự miễn trừ này có lợi cho nguyên đơn. Nó là một biệt lệ của nguyên tắc thứ nhất đã được trình bày ở trên.
Có nhiều loại suy đoán pháp định:
a. Suy đoán đơn thuần (Trần Văn Liêm gọi là suy đoán thông thường): Chỉ có hiệu lực cho đến khi có sự phản chứng. Trong ví dụ trẻ thành niên gây thiệt hại, lỗi của cha mẹ chỉ là một sự suy đoán đơn thuần, nghĩa là nó vẫn chấp nhận phản chứng. Cha mẹ có thể dẫn chứng là họ đã không thể ngăn cản được đứa nhỏ, khỏi gây thiệt hại.
b. Suy đoán cũng có thể thuộc loại bất khả cự tuyệt: (presomption irre’fragable) (Trần Văn Liêm gọi là suy đoán tuyệt đối). Suy đoán loại này có giá trị tuyệt đối. Ví dụ: Sụ suy đoán của chủ nhân đối với người thừa sai, có tính cách bất khả cự tuyệt.
c. Sự suy đoán có tính chiết trung: Theo dân luật, người đàn bà có chồng sinh con trong thời kỳ hôn nhân, đứa con được luật pháp suy đoán là con của người chồng. Đó là sự suy đoán phụ hệ pháp định. Người chồng có thể dẫn chứng ngược lại để khước từ đứa con, nhưng không phải trường hợp nào cũng khước từ được. Luật pháp chỉ cho người cha khước từ con trong một số trường hợp mà thôi. Như vậy, không được tự do dẫn chứng trong trường hợp suy đoán pháp định này, cho nên, suy đoán này không có tính cách đơn thuần.
Các suy đoán pháp định rất quan trọng. Nó có thể làm thay đổi tình lý vụ kiện và rất lợi cho đương sự được nó bảo vệ.

BÀI 2: THỂ THỨC DẪN CHỨNG 

Các thể thức của dẫn chứng là những phương tiện khác nhau dùng để thuyết phục thẩm phán. Các thể thức của dẫn chứng được dân luật quy định là: Bút chứng, nhân chứng, bằng chứng do suy đoán, tự thú và thệ chứng. Trước khi xét về mỗi thể thức, cần phải biết một vấn đề quan trọng liên hệ đến tất cả các thể thức dẫn chứng, đó là vấn đề khả năng chấp nhận của các bằng chứng. Về phương diện này ta thấy có hai quan niệm khác nhau:
– Theo quan niệm thứ nhất, tất cả các thể thức dẫn chứng đều có thể chấp nhận. Điều cốt yếu là làm thế nào để thuyết phục được thẩm phán. Phương cách thuyết phục không quan trọng. Đó là chế độ dẫn chứng bằng tâm tín (intime conviction) hay là chế độ dẫn chứng tự do.
– Theo quan niệm thứ hai, chỉ có thể thuyết phục thẩm phán bằng những phương cách do luật định. Không phải chỉ cần thẩm phán tin mà phải đạt đến sự xác tín của thẩm phán, theo những quy tắc đã có sẵn. Đó là chế độ bằng chứng pháp định. Cả hai quan niệm đều không được theo một cách tuyệt đối. Luật pháp đã dung hòa cả hai. Chế độ bằng chứng tự do được áp dụng trong hình luật. Thẩm phán xét xử các vụ án hình sự hoàn toàn dựa theo tâm tín.
– Dân luật áp dụng một chế độ dẫn chứng phức tạp hơn. Có thể thức dẫn chứng tùy thuộc vào nguồn gốc quyền lợi được viện dẫn. Tùy theo nguồn gốc đó là sự kiện pháp lý hay hành vi pháp lý, các dẫn chứng sẽ khác nhau.
a. Dẫn chứng sự kiện pháp lý: Theo nguyên tắc, nếu là sự kiện pháp lý thì dẫn chứng bằng cách nào cũng được. Ví dụ: bằng nhân chứng, bằng dấu vết, tang tích trong vụ đụng xe. Tuy nhiên, nguyên tắc dẫn chứng tự do cũng có nhiều biệt lệ. Biệt lệ quan trọng liên hệ đến các sự kiện thuộc về thân trạng. Ví dụ: Các việc sinh, tử phải được được dẫn chứng bằng chứng thư hộ tịch. Bằng chứng về phụ hệ cũng do dân luật ấn định một cách hạn chế.
b. Dẫn chứng hành vi pháp lý: Chế độ bằng chứng pháp định được áp dụng cho các hành vi pháp lý. Theo nguyên tắc hành vi pháp lý chỉ có thể được minh thị bằng bút chứng. Bút chứng này phải là một tài liệu do chính các đương sự thảo khi tạo lập hành vi. Vì vậy, người ta còn gọi là chế độ bằng chứng tiền lập. Tuy nhiên, nguyên tắc này không tuyệt đối. Thường khi sự tự thú hay lời thề có thể thay thế cho bút chứng. Đặc biệt hơn nữa là trong một vài trường hợp luật định, có thể dùng nhân chứng hay suy đoán để dẫn chứng các hành vi pháp lý. Chúng thư bút chứng quan trọng nhất. Sau mới đến các văn kiện khác, được đặc biệt coi như bút chứng.
1. Chứng thư: Chứng thư là văn kiện viết chứng nhận một sự biểu thị của ý chí. Sự biểu lộ ý chí này là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Có hai loại chứng thư: Công chứng thư và tư chứng thư.
a. Công chứng thư: Công chứng thư (Acte authentique) là những chứng thư do hộ lại hoặc các viên chức được pháp luật công nhận có thẩm quyền lập. Ví dụ: Chứng thư hộ tịch, chứng thư công chứng.
a1. Cách lập chứng thư công chứng:
a2. Tín lực của công chứng thư: Theo nguyên tắc, công chứng thư có hiệu lực rất mạnh. Muốn đánh đổ bằng chứng này phải khởi kiện theo thủ tục rất phức tạp. Chỉ khi nào tòa tuyên vô hiệu, văn bản công chứng mới mất hiệu lực. Tuy nhiên, trong văn bản công chứng thì chỉ có những điều do đích thân công chứng viên hoặc hộ lại nhận xét (như ngày, tháng, việc trả tiền trước công chứng, sự hiện diện của đôi bên mới có tín lực mạnh như đã nói. Trái lại, những điều mà công chứng viên không nhận xét được, thì có tín lực vừa phải, nghĩa là có thể đánh đổ bằng phản chứng. Ví dụ: Trong việc mua bán, công chứng hợp đồng ghi lời khai diện tích thửa đất bán.
Văn tự do chưởng khế tá lả có hiệu lực chấp hành (Điều 76 Dụ ngày 27-11-1954, phỏng theo Điều 79 Luật ngày 25 Ventose năm II của Pháp). Như vậy, có nghĩa là chủ nợ có thể dùng văn tự do chưởng khế lập, cưỡng chế con nợ phải thi hành nghĩa vụ, không cần phải xin án văn của Tòa án mới chấp hành được.
a3. Chứng thư thị thực: Chứng thư thị thực là chứng thư do tư nhân lập nhưng được chức dịch sở tại xác nhận là hai bên đã được nghe đọc lại những điều cam kết và đã ký kết trước mặt chức dịch, sau khi chức dịch đã xem căn cước của họ. Do thể thức ấy, chứng thư thị thực có giá trị một công chứng thư. Trái lại chứng thư được nhận thực chữ ký, không hội đủ điều kiện kể trên, không có giá trị một chứng thư thị thực, nghĩa là chỉ được coi như một tư chứng thư.
b. Tư chứng thư: Tư chứng thư (actes sous seing-prive’ – tài liệu riêng tư) là những chứng thư do chính các đương sự tự lập lấy, hoặc nhờ một người không phải là công lại lập.
b1: Cách soạn thảo tư chứng thư: Về hình thức chỉ có một điều kiện cần thiết cho tư chứng thư là chữ ký của các đương sự. Tuy nhiên, nếu là khế ước tương thuận thì dân luật buộc phải có thêm một điều kiện nữa là phải lập làm nhiều bản (ít nhất là 2 bản), mỗi bên giữa một bản. Số bản phải bằng số người lập ước. Có  một quy tắc riêng áp dụng cho chứng thư công nhận lời hứa đơn phương cho hay cho đồ vật: Chứng thư phải do chính người đã hứa tự tay viết rồi ký, hoặc nếu đánh máy thì trước khi ký phải tự tay chua thêm hai chữ “nhận đích”. Thể thức này được lập ra, mục đích để tránh những sự lạm dụng bạch khế (blanc seing – hợp đồng khống).
b2: Tín lực của tư chứng thư: Tín lực tư chứng thư kém tín lực công chứng thư. Trước hết, chữ ký trên tư chứng thư có thể bị người ký phủ nhận mà không phải dẫn chứng. Trong trường hợp này người có chứng thư phải kiện theo thủ tục kiểm tự, mục đích để biết chữ ký trên chứng thư thực hay giả. Thủ tục kiểm tự phải cần giám định viên nên tốn kém và rất lâu. Nói tóm lại, tư chứng thư chỉ là một bằng chứng mỏng manh, tín lực của nó yếu ớt, nhất là khi gặp phải một người đồng ước gian dối. Những điều ghi trong tư chứng thư chỉ có tín lực đến khi người đối tụng dẫn được một chứng thư khác, đem lại một sự phản chứng. Tuy nhiên, trong tư chứng thư có hai thứ hiệu lực: Thứ nhất là hiệu lực tin tưởng, tức là giá trị bằng chứng của tư chứng thư (Hiệu lực này yếu). Thứ hai là hiệu lực cưỡng bách, tức là sức mạnh bó buộc của chứng thư đối với hai bên đương sự. Về hiệu lực thứ hai này tư chứng thư có giá trị như công chính chứng thư.
c. Bút chứng ngoài chứng thư: Ngoài công chứng thư và tư chứng thư, còn có một số văn kiện khác cũng đôi khi có thể dùng làm bút chứng với một tín lực yếu ớt hơn, như sổ sách nhà buôn, gấy tờ gia đình, thư từ. Sổ sách nhà buôn có tín lực. Giấy tờ hay sổ sách gia đình không thể dùng để dẫn chứng có lợi cho người giữ sổ sách hay viết giấy tờ đó. Ta sẽ thấy giấy tờ gia đình có đôi chút lợi ích khi cần dẫn chứng lei6n lạch tới phụ hệ. Thư từ cũng xuất trình trước tòa, nếu được cả hai bên, người viết thư và người nhận thư, ưng thuận cho xuất trình. Thông thường một tư thư chỉ có thể là một khởi chứng (commencement de preuve). Muốn có tín lực, nó còn phải được bổ sung bắng một bằng chứng nữa.
d. Nhân chứng là những người ra trước cơ quan tư pháp để làm chu71nt về những sự kiện mà họ được đích thân nghe thấy hay trông thấy. Nếu chỉ nghe người khác nói hay nghe lời đồn đại mà thuật lại thì không phải là nhân chứng. Luật pháp cấm đoán cách dẫn chứng bằng lời đồn đại có tính chất quá mơ hồ, thiếu chắc chắn. Lời khai của nhân chứng được lập theo những quy tắc nhất định do bộ luật dân sự tố tụng ấn định. Nó thuộc về thủ tục điều tra dân sự. Nhân chứng chỉ được chấp nhận để minh chứng cho sự kiện pháp lý, mà không được chấp nhận để minh chứng hành vi pháp lý, trừ trường hợp luật định khác. Nguyên tắc này nói rõ sự ưu thế của bút chứng: Bút chứng được xem là bằng chứng chắc chắn nhất. Nguyên tắc này có một hệ luận là không thể dùng nhân chứng để phản lại bút chứng. tuy nhiên, nguyên tắc cấm dùng nhân chứng để dẫn chứng hành vi pháp lý cũng có những biệt lệ:
– Trường hợp không thể nào viện dẫn bút chứng như khi bút chứng bị thất lạc trong một trường hợp bất khả kháng (loạn ly, cháy nhà, lụt lội, đắm tàu v.v…) thì có thể dùng nhân chứng. Cả trong trường hợp có sự bất khả vật chất hay tinh thần hiến không thể có bút chứng, luật pháp cũng cho phép viện dẫn nhân chứng. Ví dụ: Khách thuê phòng ngủ thường hay gửi đồ vật quí cho chủ khách sạn mà thường không lấy biên lai. Sự gửi đồ này là hành vi pháp lý, được dẫn chứng bằng nhân chứng.
– Khi có một khởi chứng cũng có thể dùng nhân chứng để bổ khuyết. Khởi chứng là mọi văn kiện, dù không ký, do người đối tụng lập ra; nội dung văn kiện này phải khiến cho người ta có thể tin rằng sự kiện viện dẫn có thực.
Những biệt lệ trên đây và nhất là cách giải thích rộng rãi các khởi chứng đã khến cho nguyên tắc cấm dùng nhân chứng để dẫn chứng hành vi pháp lý mất tính cách cứng rắn. Ngày nay, nhân chứng đã thành một thể thức dẫn chứng được áp dụng nhiều hơn trước. Cả cách dẫn chứng bằng suy đoan cũng tiến triển theo một chiều hướng tương tự. Tuy vậy, vẫn có sự khác biệt giữa bút chứng và nhân chứng là nhân chứng không bao giờ bó buộc được thẩm phán. Tòa án có toàn quyền xét đoán và có thể không tin vào nhân chứng. Nguyên tắc dẫn chứng trong luật Việt Nam là tự do dẫn chứng, bất luận về vấn đề gì cũng có thể chứng tỏ bằng nhân chứng, trừ những trường hợp riêng biệt mà luật đã định rằng phải có bằng chứng tiền lập bằng giấy tờ.
e.Suy đoán: Những suy đoán ở đây là suy đoán nhân định hay suy đoán thực tế, khác với suy đoán pháp định. Thực ra suy đoán pháp định là những miễn chứng. Suy đoán nhân định hay suy đoán thực tế là một thể thức dẫn chứng. Các suy đoán thực tế là các dấu vết, các tang tích (indices). Nó không thực sự chắc chắn nhưng có thể khiến cho ta tin một sự kiện là đúng. Ví dụ: Trong tai nạn xe hơi, chiều dài của vết bánh xe bị thắng in lằn trên mặt đường cho phép ta căn cứ vào đó mà suy luận ra tố độ của xe. Trong một vụ kiện về nợ, bị đơn chối không vay, nhưng nguyên đơn dẫn chứng rằng bị đơn có đóng tiền trả góp. Từ sự trả góp này, ta có thể suy đoán món nợ là có thực.
g. Tự thú: Tự thú là tự công nhận một sự kiện có thể làm phát sinh những hậu quả pháp lý bất lợi cho mình. Ví dụ: Công nhận là đúng một sự kiện do người đối tụng nại ra để kiện mình.
g1: Hai loại tự thú: Người ta phân biệt hai loại tự thú là tự thú ngoại tụng và tự thú nội tụng. Mỗi loại có tín lực khác nhau.
– Tự thú ngoại tụng xảy ra ngoài vụ kiện ở tòa án. Nếu tự thú ngoại tụng thành văn thì nó có tín lực như một bút chứng. Nếu là tự thú miệng, thì nó phải được dẫn chứng bằng nhân chứng.
– Tự thú nội tụng xảy ra trước Tòa ngay giữa vụ kiện đương đường. Tự thú nội tụng được coi là bằng chứng chắc chắn nhất là “bà chúa” của tất cả các bằng chứng, ít nhất là trong lĩnh vực dân luật, vì nó bó buộc thẩm phán. Trong lĩnh vực hình sự, tự thú không bó buộc thẩm phán. Tự thú nội tụng được chấp nhận trong mọi lĩnh vực, mọi trường hợp. Nó có thể dẫn chứng hành vi pháp lý, cũng như sự kiện pháp lý.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, luật pháp không chấp nhận tự thú vì nó có thể là một mánh khóe để che đậy dụng ý của đương sự. Ví dụ: Tự thú để che giấu một quan hệ pháp luật  khác.
g2: Hai tính chất của tự thú: Hai tính chất ủa tự thú là bất khả truất bãi và bất khả phân. Tính bất khả truất bãi của tự thú có nghĩa là tự thú rồi thì không thể phản cung để chối lời đã thú (riêng trong lĩnh vực dân luật). Tính bất khả phân của tự thú có nghĩa là điều tự thú không thể phân tách ra nhiều sự kiện để chỉ nhìn nhận những sự kiện lợi cho mình mà phủ nhận những sự kiện bất lợi. Trong một vụ kiện trước tòa án dân sự, như vụ kiện nợ, nếu chủ nợ không có giấy tờ mà người mắc nợ (bị đơn) thành thật thú nhận có vay nợ nhưng đã trả được một phần, chỉ vì tin nhau không lấy biên lai thì tòa án có trách nhiệm chấp nhận toàn thể lời thú nhận ấy để xác nhận vừa có vay nợ, vừa đã trả một phần nợ.

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar