Ký sự pháp đình
TỪ SỰ XẤU HỔ CỦA TÈO …
Luật sư Lương Vĩnh Kim
HOAN HÔ XẤU HỔ! XẤU HỔ MUÔN NĂM !
Ngày 2/6/1999, anh Bùi Minh Hải bị đưa ra xét xử phúc thẩm tại phiên tòa rất lạ: Bị cáo được ngồi, trước mặt không có vành móng ngựa. Anh Hải được hưởng đặc ân vì anh đã đến phiên tòa với 2 tư cách:
𝐓𝐮̛ 𝐜𝐚́𝐜𝐡 𝐛𝐢̣ 𝐜𝐚́𝐨:
Anh Bùi Minh Hải đã bị khởi tố, điều tra, truy tố và bị “thống nhất” kết luận là anh đã “hiếp dâm, cướp của, giết người” đối với nạn nhân Trần Thị Thanh Dung. Nhờ sự “thống nhất” của các cơ quan tiến hành tố tụng, cộng thêm chút nghi ngờ “chưa ổn” của chủ tọa phiên tòa Lê Thị Hương nên anh Bùi Minh Hải được “tòa chiếu cố, tha tội chết”, chỉ cho anh mức án sơ sơ: “chung thân” ! Nếu anh Hải không kháng cáo thì sau mười lăm ngày, bản án sẽ có hiệu lực pháp luật được coi là chân lý, anh trở thành người bị kết án và anh phải chấp hành hình phạt tù để chờ một ngày đẹp trời nào đó, có ai đó bỗng dưng thú tội thì anh có tư cách công dân vô tội, được tự do. Nhưng vì anh kháng cáo bản án sơ thẩm, nên tư cách bị cáo của anh vẫn còn cho đến phiên tòa phúc thẩm.
𝐓𝐮̛ 𝐜𝐚́𝐜𝐡 𝐜𝐨̂𝐧𝐠 𝐝𝐚̂𝐧 𝐯𝐨̂ 𝐭𝐨̣̂𝐢 đ𝐚̃ 𝐜𝐨́ 𝐭𝐮̛̣ 𝐝𝐨:
Trong lúc anh Bùi Minh Hải đang ngồi trong nhà giam với tư cách bị cáo để chờ phiên tòa phúc thẩm thì tên Nguyễn Văn Tèo bị bắt và bỗng dưng xấu hổ khai ra sự thật, rằng chính hắn đã thực hiện hàng loạt hành vi “hiếp dâm, cướp của, giết người”, trong đó có nạn nhân Trần Thị Thanh Dung, chứ không phải anh Bùi Minh Hải kia! Lập tức, các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Đồng Nai lại họp và lần này cũng “thống nhất” anh Bùi Minh Hải không phạm tội “ hiếp dâm, cướp của, giết người”. Anh Hải đã trở thành “công dân vô tội, được tự do” theo quyết định số 471/KSĐT ngày 3/3/1999 của VKSND tỉnh Đồng Nai. Theo “𝐛𝐢𝐞̂𝐧 𝐛𝐚̉𝐧 𝐠𝐢𝐚𝐨 𝐭𝐫𝐚̉ 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐯𝐞̂̀ đ𝐢̣𝐚 𝐩𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠”, lập lúc 13 giờ, ngày 4/3/1999, tại UBND xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, thì năm vị đại diện cho các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Đồng Nai đã trả tự do cho anh Bùi Minh Hải và yêu cầu chính quyền địa phương “tạo điều kiện và phục hồi mọi chế độ, uy tín cho anh Bùi Minh Hải và gia đình anh Bùi Minh Hải”. Đây là tư cách mà anh Bùi Minh Hải đấu tranh để giành trong suốt nhiều ngày bị giam cầm, đánh đập, bức cung nhục hình trong nỗi niềm gần như tuyệt vọng, nhưng chưa giành được, thì sự bỗng dưng xấu hổ của một người mang tên Tèo đã xuất hiện cứu anh, làm thay đổi sự “thống nhất” của các cơ quan tiến hành tố tụng, từ “thống nhất có” thành “thống nhất không”!
Từ đó, anh Hải có đồng thời hai tư cách: Tư cách bị cáo là do anh tạo ra bằng lá đơn kháng cáo, và tư cách công dân vô tội, tự do, được tạo ra bởi sự bỗng dưng xấu hổ của Tèo. Anh mang hai tư cách này đến phiên tòa phúc thẩm hôm nay với niềm hy vọng xóa bớt đi một tư cách, chỉ muốn giữ lại tư cách của Tèo đã cho anh: Tư cách công dân vô tội, tự do. Nhưng anh đã nhầm. Tèo chỉ bỗng dưng xấu hổ nên lúc nhận, lúc không, làm cho cơ quan điều tra tỉnh Đồng Nai lúng túng, chưa kết luận dứt khoát là Tèo thực hiện tội phạm hay là anh Bùi Minh Hải kia? Do vậy, phiên tòa phúc thẩm đã “làm rõ” những “chỗ không thể làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm” nhằm hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai để điều tra lại. Chứng cứ ngoại phạm do các luật sư đưa ra, không có giá trị bằng sự bỗng dưng xấu hổ của thằng Tèo nào đó, nên anh Hải phải ra về với cả hai tư cách: tư cách bị can và tư cách công dân vô tội, tự do. Với tư cách bị can, anh phải có mặt theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng bất cứ lúc nào. Với tư cách công dân vô tội, tự do, anh có quyền “tự do đi lại, tự do…” kiếm sống mà không bị buộc phải có mặt theo bất cứ giấy triệu tập nào. Vậy anh Bùi Minh Hải làm thế nào có thể thực hiện được đồng thời cả hai tư cách này!?…
Qua diễn biến vụ án Bùi Minh Hải “hiếp dâm, cướp của, giết người”, chúng ta thấy các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Đồng Nai đã “thống nhất” lúc có, lúc không, dựa trên sự xấu hổ của Tèo. Một người biết xấu hổ thường xuyên thì sẽ không phạm tội. Nhưng Tèo đã thực hiện nhiều vụ “hiếp dâm, cướp của, giết người”, nên chỉ có thể bỗng dưng xấu hổ. Vì vậy, số phận của anh Bùi Minh Hải phải tùy thuộc vào sự bỗng dưng xấu hổ này.
Tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, anh Bùi Minh Hải khai là bị công an đánh nhiều lần trong quá trình điều tra. Anh Huỳnh Văn Dũng, một nhân chứng của vụ án, cũng bị tạm giam chín ngày, bị đánh “hai cây ba trắc” và ấn tay mạnh vào xương đòn, ép khai theo hướng buộc tội cho anh Hải. Nhưng khi phóng viên Bảo Trâm hỏi về việc khởi tố vụ án bức cung nhục hình thì bà Phan Thị Diệu – Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai trả lời: “phải có quá trình điều tra mới làm rõ có hay không các tội đó”. Có thể, anh Hải và anh Dũng đã “uống mật gấu” nên dám cả gan vu khống cho những người “đối với dân phải kính trọng, lễ phép” về các tội được qui định tại điều 234 và 235 của bộ luật hình sự; có thể, có thể và cũng có thể … Nhưng hỡi ôi ! Phải chi có sự bỗng dưng xấu hổ như Tèo thì đâu cần điều tra chi cho mệt, cụm từ “có thể” tự tiêu vong !
Ôi ! Xấu hổ quan trọng biết bao ! Nhờ biết xấu hổ mà đứa trẻ nên người. Nhờ biết xấu hổ mà con người làm điều tốt, điều thiện ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả những nơi mà pháp luật không thể hiện diện để điều chỉnh. Nhờ bỗng dưng xấu hổ của Tèo mà các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Đồng Nai đã từ “thống nhất có” thành “thống nhất không”! Nếu Tèo bị xử bắn thì cho tôi đốt nén nhang, xin “𝐫𝐢𝐞̂𝐧𝐠 𝐜𝐚́𝐢 𝐝𝐚̂𝐲 𝐭𝐡𝐚̂̀𝐧 𝐤𝐢𝐧𝐡 𝐱𝐚̂́𝐮 𝐡𝐨̂̉ 𝐜𝐮̉𝐚 𝐡𝐚̆́𝐧”, để sung vào kho báu của tổ tiên. Có xấu hổ với tổ tiên thì các em và con tôi mới cố gắng học tập để tổ quốc tôi được “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Có xấu hổ mới có trách nhiệm; có trách nhiệm thì nhất định chúng ta sẽ có tương lai. Hoan hô xấu hổ ! xấu hổ muôn năm !
(Báo Pháp luật TPHCM số 22/99 ra ngày 15/06/1999)
Bình luận