Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

20. Lịch sử và sự biến chuyển của trách nhiệm dân sự

LỊCH SỬ VÀ SỰ BIẾN CHUYỂN CỦA TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ 

Ngày nay, với một đời sống vật chất khó khăn, ai ai cũng nghĩ đến việc bảo vệ quyền lợi của mình và khi bị thiệt hại, hầu hết đều nghĩ đến việc đòi bồi thường. Thậm chí ngay cả trong trường hợp đi xe bằng cách quá giang, tuy không mất tiền, nhưng nếu co xảy ra tai nạn, thường người đi xe hay người thừa kế của họ cũng không quên kiếm chủ xe để đòi bồi thường thiệt hại. Mặt khác, với sự tiến triển của nền kỹ nghệ máy móc, hằng ngày các tai nạn xảy ra ngoài đường phố cũng như trong công xưởng không phải là ít, nên nhà làm luật phải ấn định việc bồi thường cho nạn nhân, một cách mau chóng và dễ dàng, đôi khi không phải do lỗi của người gây ra tai nạn, chẳng hạn như chủ xí nghiệp phải bồi thường các tai nạn lao động cho thợ thuyền.
Nhưng ý niệm trách nhiệm dân sự trước khi được chấp nhận một cách phổ thông như hiện nay, đã trải qua nhiều giai đoạn trong lịch sử và sự phân biệt giữa hình phạt nhằm mục đích trừng trị và tiền bồi thường nhằm mục đích đền bù thiệt hại chỉ được phân biệt rõ rệt trong một thời gian gần đây. Trong những xã hội thô sơ,  người ta chỉ biết có hình phạt để trừng trị những người đã phạm lỗi và đối với vấn đề trách nhiệm, nhân loại đã trải qua bốn giai đoạn:
a) Trong giai đoạn đầu, khi chánh quyền trong xã hội chưa được tổ chức vững vàng, thì mỗi khi bị xâm phạm vào quyền lợi, cá nhân được phép tự ý trả thù để trừng trị đối phương, bằng cách làm cho đối phương phải bị thiệt hại tương tự. Đây là chế độ phục thù tư mà nó đưa đến luật “ăn miếng trả miếng” (loi du talion: luật trả thù).
b) Trong giai đoạn thứ nhì, ý niệm trả thù tư lu mờ dần, và thay vì đánh đập và hành hạ hay giết can phạm, người bị thiệt hại chỉ đòi một số tiền bồi thường. Đây là chế độ tự ý dàn xếp và nó thay đổi tùy theo cá nhân và tùy trường hợp. Các món tiền bồi thường được tự do ấn định nầy gọi là “compositions volontaires: sáng tác tự nguyện”. Người gây ra thiệt hại trong giai đoạn nầy có thể nộp một số tiền cho nạn nhân để tránh sự trả thù.
c) Với sự phát triển của ý niệm quốc gia, các xã hội được tổ chức chu đáo hơn, và người ta thấy công quyền dành lấy nhiệm vụ ấn định số tiền phạt mà người gây thiệt hại phải trả cho nạn nhân để tránh bị trả thù. Đây là chế độ thục kim (système de la composition). Tiền thục kim nầy có thể coi như vừa có tính cách một hình phạt, vừa có tính cách một khoản bồi thường. Vào thời kỳ Luật 12 đồng biểu (loi des 12 Tables) cố luật La Mã mới bắt đầu chuyển từ chế độ tự ý thục kim (composition volontaires) sang chế độ bắt buộc thục kim đối với tội trộm và tội mắng chửi.
d) Đến giai đoạn sau cùng, nhiệm vụ cai trị của nhà cầm quyền được trở nên ổn cố và ý niệm trả thù tư phải nhường chỗ cho sự trừng phạt của chanqh quyền. Chánh quyền trước hết can thiệp để trừng phạt những tội phạm chỉ liên quan đến trật tự xã hội, không liên hệ đến cá nhân, rồi lần lần được nới rộng đến xác sự phạm pháp liên quan đến quyền lợi cá nhân như trong việc đánh lộn, hoặc trộm cắp. Về phương diện hình sự, trong giai đoạn sau cùng nầy, cá nhân mất hết quyền trả thù tư mà chỉ còn có quyền xin bồi thường thiệt hại về mặt dân sự. Còn về hình phạt, thì công quyền nhân danh xã hội trừng phạt can phạm; người bị hại chỉ còn có quyền đi tố cáo với nhà chức trách mà thôi. Tuy trong một số trường hợp, luật La Mã đã tiến tới sự phân biệ hai trách nhiệm hình sự và dân sự, nhưng nhà làm luật chưa qui định hẳn một nguye6nt 8a1c trách nhiệm dân sự tổng quát, bó buộc người gây thiệt hại phải bồi thường trong bất cứ trường hợp nào.

A_ Luật La Mã

Luật gia Capitant đã cho rằng có thể đặt luật La Mã giữa giai đoạn thứ ba và thứ tư trên đây. Luật La Mã chia vi phạm thành vi phạm công (délits publics) và vi phạm tư (délits privés).
1) Những vi phạm công nghĩa là những hành vi chạm đến quyền lợi công cộng, bị nhà nước trừng trị bằng một hình phạt hay bằng một số tiền phạt (amende). Số tiền này người bị thiệt hại không được hưởng mà phải sung vào công quỹ.
2) Những vi phạm tư nghĩa là những hành vi phạm pháp chạm vào quyền lợi tư nhân. Người bị thiệt hại được một số tiền bồi thường không phải do chính người bị thiệt hại ấn định, mà là do Tòa án ấn định xét xử. Món tiền bồi thường trong trường hợp này mang tính cách một món tiền phạt về hình sự hơn là một món tiền bồi thường về dân sự, vì luật La Mã không căn cứ trên sự thiệt hại để ấn định số tiền nầy. Về sau mới có sự phân biệt giữa hình phạt và sự bồi thường dân sự nhưng không bao giờ sự phân biệt ấy được rõ rệt như trong bộ dân luật Pháp năm 1804 và các bộ Dân luật Bắc và Dân luật Trung, Dân luật VNCH 1972.
Thật vậy, Gaius và Justinen, hai luật gia La Mã nổi tiếng đã chia tố quyền ra làm:
a) Tố quyền liên quan đến khế ước (action réipersécutoires) để đòi món vật hay món tiền tương ứng.
b) Tố quyền hình sự để đòi trừng trị can phạm chớ không đòi bồi thường thiệt hại (l’actio furti);
c) Tố quyền hỗn hợp (actions mixtes) vừa xin trừng trị bằng hình phạt, vừa xin bồi thường. Như vậy ta thấy luật La Mã có cho phép tư nhân kiện đòi bồi thường trong một số vi phạm tư, nhưng không bao giờ luật La Mã có điều khoản tổng quát cho phép người tư nhân đòi bồi thường mỗi khi có sự thiệt hại như các bộ dân luật ngày nay. Đã đành rằng về sau trong luật La Mã có đạo luật “Aquilia” có dự trù những sự đền bồi khi tài sản tư nhân bị thiêt hại (trường hợp một người nô lệ hoặc một súc vật bị thương hoặc bị chết, trường hợp đồ vật bị người khác đánh cắp hay làm hư hại), nhưng không bao giờ luật La Mã đặt ra nguyên tắc bồi thường dân sự trong bất luận trường hợp thiệt hại nào xảy ra một cách rộng rãi và tổng quát như dự ở điều 1382 DLP, 712 DLB, 761 DLT, và điều 729 DLVN 1972.

B_ Cổ luật của Pháp

Trong cổ luật của Pháp, ngay từ thế kỷ 13, các luật gia đã phân biệt hai phương diện trách nhiệm về hình sự và dân sự. Đối với trách nhiệm dân sự phạm, lỗi không bắt buộc phải có tính cách cố ý. Một sự sơ thất dù nhẹ đến đâu cũng được coi là bán vi phạm và bị bắt buộc phải bồi thường cho nạn nhân. Đối với trách nhiệm khế ước, cổ luật cũng phân biệt lỗi nặng hay lỗi nhẹ để ấn định trường hợp nào người gây trách nhiệm phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Có ba loại ỗi:
– Lỗi cố ý còn coi là sự gian xảo (faute intentionnelle ou dolosive) và lỗi thật nặng nhưng không cố ý (culpa la ta). Hai loại nầy được đồng hóa với nhau.
– Lỗi nhẹ (culpa levis).
– Và lỗi thật nhẹ (culpha levissima).
Tùy theo khế ước, người con nợ phải chịu trách nhiệm trong ba loại lỗi nói trên. Nếu làm lỗi cố ý hoặc gian xảo, người phụ trái hay con nợ phải chịu trách nhiệm dân sự cho người trái chủ không cần biết đến nghĩa vụ của y đối với trái chủ là gì. Người con nợ cũng trách nhiệm đền bồi khi làm lỗi nặng, vì y đã tỏ ra không cần mẫn, vụng về và lỗi của y đồng hóa với hành vi của một người gian tình (culpa lata oequiparatur dolo). Trái lại, theo nguyên tắc người phụ trái không bị trách nhiệm đền bồi khi lỗi thật nhẹ (culpa levissima) vì một người thường không thể tránh được. Có thể trong trường hợp bán vi phạm, người phụ trái phải đền bồi mặc dầu lỗi thật nhẹ như chạy xe chỉ đụng trầy sướt một xe khác. Nhưng trong phạm vi trách nhiệm khế ước, người làm lỗi không phải luôn luôn bị đền bồi. Nếu khế ước chỉ làm lợi cho y, thì y bị trách nhiệm mặt dầu lỗi rất nhẹ. Thí dụ trái chủ cho y mượn đồ vật để dùng (pret à usage) thì y phải săn sóc món đồ vật đó, cẩn thận hơn là khi vật thuộc quyền sở hữu của y. Nếu để cho vật hư hao thì người mượn phải đền bồi mặc dù lỗi của y rất nhẹ khi làm cho vật hư hao hay thất thoát. Ngược lại nếu khế ước chỉ làm lợi cho người trái chủ mà thôi, thì con nợ hay phụ trái bị trách nhiệm đối với lỗi nhẹ (culpa levis) xét về phương diện chủ quan (appreciation in concreto), nghĩa là xét xem đối với chính vật thuộc quyền sở hữu của y, thì y có cẩn thận hay không? Nếu thường nhựt đối với đồ vật của y, mà y không cẩn thận thì không thể đền bồi y được. Trong trường hợp nầy người trái chủ chỉ tự trách mình là đã không suy xét để đã chọn lầm một người phụ trái không cẩn thận. Sau cùng, đối với những khế ước làm lợi cho cả đôi bên, như khế ước thuê mướn, khế ước lập hội, mỗi bên đối ước đều phải cư xử như một nguồi chủ gia đình tốt và họ sẽ bị trách nhiệm đối với lỗi nhẹ, xét về phương diện khách quan (appreciain abstracto), nghĩa là dựa theo cử chỉ của một người quản lý cần mẫn bình thường. Như vậy, nếu thông thường một quản lý không làm lỗi nhẹ đó mà một đối ước đã làm thì y phải chịu bồi thường cho đối ước kia.
Tóm lại, nếu khế ước chỉ làm lợi cho trái chủ, người phụ trái chỉ chịu trách nhiệm khi làm một lỗi thật nặng (culpa lata). Nếu khế ước làm lợi cho cả đôi bên, người phụ trái phải chịu trách nhiệm mặc dầu làm lỗi nhẹ (culpa levis) và trong trường hợp khế ước chỉ làm lợi cho riêng người phụ trái thì y phải bị trách nhiệm cả về các lỗi thật nhẹ nữa (culpa levissima).

C_ Bộ Dân luật Pháp 1804

Đến khi bộ dân luật Pháp 1804 được soạn thảo, các luật gia Pháp đã châp nhận sự phân biệt hoàn toàn giữa hai trách nhiệm hình sự và dân sự, và đặt ra một nguyên t8a1c tổng quát về trách nhiệm dân sự trong điều 1382 DLP: “Phàm một tác động do người làm đã gây tổn thất cho kẻ khác thì người có lỗi làm tác động đó phải bồi thường thiệt hại“. Tuy điều 1382 DLP chỉ quy định về trách nhiệm dân sự phạm, song đối với trách nhiệm khế ước, nguyên tắc này cũng được công nhận.
Trong địa hạt trách nhiệm dân sự phạm, hay bán dân sự phạm, trên nguyên tắc chỉ cần một lỗi cố ý hay sơ ý cũng đủ làm cho con nợ phải bồi thường thiệt hại. Trong địa hạt trách nhiệm khế ước, quan niệm phân chia lỗi thành lỗi thật nặng, lỗi nhẹ và lỗi thật nhẹ không còn được chấp nhận nữa, và ngày nay mỗi khi người phụ trái không thi hành nghĩa vụ ghi trong khế ước là phải chịu trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, những điều khoản của bộ Dân luật Pháp quy định về trách nhiệm dân sự cũng như các điều khoản của hai bộ Luật Bắc và Trung đều rất đơn giản, nên còn nhiều vấn đề không được để cập đến.Hơn nữa, trong xã hội văn minh hiện tại, không biết bao nhiêu vấn đề trách nhiệm mới đã xuất hiện thêm. Để đối phó với tình trạng nầy, các luật gia đã phải giải quyết đến các vấn đề sau đây:
– Mở rộng căn bản lý thuyết về trách nhiệm dân sự;
– Tìm biện pháp binh vực quyền lợi của nạn nhân;
_ Mở rộng phạm vi trách nhiệm về  khế ước để giảm gánh nặng dẫn chứng cho nạn nhân.

D_ Căn bản của trách nhiệm dân sự phạm:

Theo bộ DLP và DLBT và DLVN 1972 thì trách nhiệm dân sự căn cứ trên ý niệm về lỗi, nghĩa là hành vi đáng trách đã làm thiệt hại cho kẻ khác. Vì vậy muốn được bồi thường, nạn nhân phải dẫn chứng lỗi đó và ngoài ra chứng minh sự thiệt hại mà y gánh chịu là do chính lỗi đó mà ra (đ 1382 và 1383 DLP). Về phần người chủ động gây ra thiệt hại muốn tránh bồi thường, y phải chứng minh rằng sự thiệt hại không do lỗi của y mà do một duyên cớ ngoại lai hay do chính lỗi của người bị thiệt hại mà có. Các bộ dân luật cũng dự liệu trách nhiệm dân sự, không những về sự tổn hại tự mình làm ra mà cả về sự tổn hại do các người mình phải trông nom hay do những vật mà mình làm chủ (Điều 1384-1385-1386 DLP; 714, 715, 716 DLB; 763-767 DLT; 732-739 DLVN 1972).
Đúng lý ra, muốn cho người có phận sự giữ gìn vật, tức là người giám thủ, hoặc muốn cho người chủ nhân phải chịu trách nhiệm thì phải trưng bằng cớ lỗi của người giám thủ hay của người chủ nhân, nhưng bằng cớ này rất khó mà đưa ra. Do đó muốn cho những nạn nhân được bồi thường các thiệt hại, nhiều khi do vật vô tri gây ra, các điều luật trên đặt ra ức đoán rằng người chủ nhân và người giám thủ đã có lỗi thiếu trông nom vật, hoặc đã không cẩn trọng trong việc lựa chọn người mà mình đã giao phó cho một công việc (présomption de faute: suy đoán có lỗi). Tuy nhiên, với tình trạng kinh tế và xã  hội hiện tại, căn bản trách nhiệm căn cứ trên lỗi trở nên quá hẹp và bất lợi cho nạn nhân, vì nhiều khi tai nạn xảy ra không có ai chu17gn kiến, hoặc giả đã xảy ra mà không do lỗi của ai cả, chẳng hạn như các tai nạn trong xí nghiệp kỹ nghệ. Bắt nạn nhân phải dẫn chứng một lỗi trong những trường hợp này, tức là gián tiếp không thừa nhận cho họ quyền được bồi thường. Do đó từ cuối thế kỷ 19, có môt nguồn tư tưởng mới nhằm mục đích biến cải và nới rộng quan niệm cổ điển đặt trách nhiệm trên lỗi (la faute). Đó là thuyết trách nhiệm khách quan (responsabilité objective).
Thuyết rủi ro (théorie du risque) là một thuyết nằm trong thuyết trách nhiệm khách quan, do các luật gia Saleilles và Josserand chủ trương. Thuyết nầy bãi bỏ những điều kiện về trách nhiệm, nhứt là điều kiện bắt buộc phải có một lỗi của người chủ động. Theo chủ nghĩa mới này thì một khi, một cá nhân trong xã hội, vì hoạt động của mình, tạo ra một sự rủi ro, khiến một tai nạn xảy đến cho người ngoài, nạn nhân có thể xin bồi thường mà không phải dẫn chứng một lỗi nào của bị đơn cả. Nói cho đúng ra thì nạn nhân chỉ phải dẫn chứng sự thiệt hại của y và mối liên quan nhân quả giữa sự thiệt hại đó với hành vi của bị đơn mà thôi, không cần dẫn chứng rằng bị đơn có lỗi vì mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình nếu hoạt động đó gây thiệt hại cho kẻ khác không cần biết cá nhân có lỗi hay không. Như vậy các tác giả trên muốn lấy sự rủi ro để làm nền tảng cho nghĩa vụ bồi thường thay thế cho các lỗi. Quan niệm trách nhiệm khách quan nầy đã được nhận thấy trong quá khứ với các xã hội bán khai và tiến triển đến ngày nay dưới một hình thức khác. Thật vậy, nguyên tắc trách nhiệm vì lỗi đã được đề cập từ luật La Mã, nhưng xưa kia đối với các xã hội bán khai, người ta không xem xét người làm thiệt hại cho mình quả có lỗi hay không. Bản ngã của nạn nhân thúc buộc y chống lại người đã  làm thiệt hại y một cách mù quáng, y đánh lại người nào đánh y, mặc cho người này là một trẻ nít, một người điên cuồng hoặc một con thú, hoặc một vật vô tri. Muốn tránh trả thù tư, gia đình người chủ động hay là chủ con vật chỉ có cách là giao người chủ động hay con thú cho nạn nhân (gọi là abandon noxal). Như vậy xưa kia, ý niệm trách nhiệm khách quan đã có và người bị nạn như đã nói trên cứ trả thù, không cần xem người chủ động có lầm lỗi hay không? Lần lần, dưới sự tiến bộ của xã hội và luật pháp, người ta mới quan tâm tìm kiếm nguyên nhân nội tại của hành vi gây thiệt hại (la causalite interne du fail dommageable) và đến các bộ luật hiện thời, quan niệm quá thất hay lỗi là căn bản của trách nhiệm dân sự như đã biết.
Tuy nhiên, ngày nay, dưới sự tiến bộ của nền kinh tế cơ giới, người ta đặt lại vấn đề như sau: Nếu một hành vi xảy ra làm thiệt hại cho một người thì tài sản của ai phải gánh chịu sự thiệt hại đó? Tài sản của nạn nhân hay tài sản của người gây ra tai nạn? Câu trả lời cho câu hỏi nầy không có gì là khó khăn vì ai cũng biết rằng tài sản của người rây ra tai nạn hay thiệt hại lẽ dĩ nhiên phải gánh chịu mọi đền bồi. Thật vậy, nếu xét tình cảnh của hai người, thì có một người không sao tự tránh khỏi bị thiệt hại, đó là người bị nạn. Còn người kia, người gây ra tai nạn, có thể tránh khỏi làm thiệt hại cho người trước nếu y không hành động. Trong hai người này, người bị nạn không hưởng lợi lộc gì trong hoạt động của người chủ động, mà chỉ có người chủ động là hưởng lợi về hoạt động của y. Do đó, lẽ công bình là phải để cho người chủ động gánh lấy sự đền bồi, hậu quả của hành động của y, không cần tìm xem y có lỗi hay không khi hành động. Nói cách khác, bất cứ ai hoạt động đều phải gánh lấy thiệt hại do hoạt động đó gây ra. Không cần phải tìm xem y có lỗi hay không. Chỉ vì y hoạt động mà y phải bảo đảm những người chung quanh y đối với mọi hậu quả tai hại do hoạt động đó gây ra.
Quan niệm khách quan trên đây có ảnh hưởng rất lớn đối với pháp chế và đối với án lệ, tuy có một số luật gia như Planiol và Capitant không đồng ý vì hai luật gia nầy chủ trương rằng căn bản của trách nhiệm dân sự là lỗi. Chúng ta sẽ lần lượt xét đến ảnh hưởng của thuyết trách nhiệm khách quan hay trách nhiệm về rủi ro đối với pháp chế và đối với án lệ, sau đó sẽ có vài phê bình về thuyết nầy.

E_ Ảnh hưởng của thuyết trách nhiệm khách quan đối với pháp chế:

Quan niệm trách nhiệm khách quan đã được các nhà lập pháp áp dụng bằng cách ban hành đạo luật lao độngngày 9-4-1898 của Pháp quốc thừa nhận cho công nhân được quyền bồi thường mà không cần dẫn chứng lỗi của chủ xí nghiệp. Bộ luật lao động Việt Nam dự số 15 ngày 8-7-1952 cũng chấp nhận quan điểm này. Chính sự bành trướng của kỹ nghệ vào cuối thế kỷ 19 mới cho thấy rõ rằng căn bản trách nhiệm dựa trên lỗi, hay hơn nữa trên sự phỏng đoán về lỗi quá chật hẹp, không làm cho công nhân được đền bù mau lẹ và xứng đáng. Thật vậy, nếu phải dẫn chứng lỗi của chủ nhân thì thợ nhiều khi không được đền bồi, vì tai nạn thường xảy ra không do lỗi của ai cả mà có khi do sự ngẫu nhiên của máy móc, hoặc sự vô ý của thợ thuyền. Vì vậy cần ban hành một đạo luật bó buộc chủ xí nghiệp phải bồi thường trong mọi tai nạn mà không cần phải tìm ra lỗi đã gây ra tai nạn. Như vậy với bộ luật lao động gna2y 9-7-1898, ý niệm lỗi đã tách rời với ý niệm trách nhiệm dân sự. Hiện nay đối với xí nghiệp không còn đặt vấn đề trách nhiệm dân sự phạm nữa, và trách nhiệm đã được thay thế bằng một trách nhiệm pháp định (luật 9-4-1898) với ý niệm rủi ro gây ra bởi xí nghiệp phải do người chủ xí nghiệp gánh chịu hay hơn nữa là do chính xí nghiệp gánh chịu trong mục chi phí chung (frais généraux). Ý niệm trách nhiệm vô lỗi (responsabilité sans faute: trách nhiệm khi không có lỗi) hay trách nhiệm khách quan, cũng được thừa nhận gần đây tại Pháp quốc bởi các đạo luật dưới đây:
– Luật ngày 31/5/2924 (sau nầy được sắc lệnh của Pháp ngày 30-11-1955 qui nhập vào bộ luật Hàng không dân sự và thương sự) dự định rằng về các tai nạn gây ra trên mặt đất do các phi cơ bay lượn trên không, hay do các vật phi cơ rơi ra, đều do người giám thủ các phi cơ ấy chịu trách nhiệm, không cần phải dẫn chứng một lỗi nào;
– Luật ngày 8-7-1941 cũng áp dụng giải pháp trách nhiệm vô lỗi trong các tai nạn do sự chuyên chở bằng cáp treo (téléphérique: cáp treo).

F_ Ảnh hưởng của thuyết trách nhiệm khách quan đối với việc giải thích các điều khoản của bộ Dân luật.

Học lý đã cố gắng áp dụng thuyết trách nhiệm khách quan trong khi giải thích các điều khoản của bộ DLP về trách nhiệm dân sự và đã chứng minh rằng sự áp dụng thuyết nầy cũng không có điều gì sai với các điều 1384, 1385 và 1386 khi phỏng đoán lỗi của người chủ nhà và người giám thủ vật. Thật vậy khi nói rằng người chủ nhà, người cha, người cho quyền và người giám thủ bị phỏng đoán có trách nhiệ về thiệt hại gây ra bởi người thợ bạn, người thụ ủy, bởi đứa trẻ, bởi con thú hay bởi cái nhà sập, có khác nào nói rằng các đương sự bị trách nhiệm mà trong thực tế không cần thật sự có lỗi, và các đương sự được coi như người bảo đảm đối với các hành vi của các hạng người liệt kê trên đây. Như vậy, hậu quả của sự phỏng đoán trách nhiệm trong các điều 1384, 1385, và 1386 không khác gì với hậu quả của thuyết trách nhiệm khách quan hay trách nhiệm vì rủi ro, nghĩa là không cần chứng minh cái lỗi của người chủ động và sự phỏng đoán trên đây là một hình thức của trách nhiệm khách quan. Ngoài ra học thuyết trách nhiệm khách quan cũng đã cố gắng chứng minh rằng chính trong điều 1382 đặt nền tảng cho trách nhiệm dân sự cũng không bó buộc phải có cái lỗi mới gây ra trách nhiệm, nếu căn cứ sát vào cú pháp của điều này. Để chứng minh, xin lập lại ở đây điều 1382 DLP, qui định nền tảng của trách nhiệm dân sự phạm (..) = (Phàm tác động do người làm ra mà gây một tổn hại cho tha nhân, thì bắt buộc người nào vì quá thất của mình đã gây ra sự tổn hại, phải bồi thường sự tổn hại ấy).
Thật vậy, trong câu Pháp văn lẫn trong câu Việt văn, ta thấy: “cái gì mà trong trường hợp vi phạm gây trách nhiệm đền bồi, đó là tác động của người ta” (…). Chính đoạn văn “tác động của người ta” (…) là chủ từ chánh của động từ gây nên trách nhiệm đền bồi (…), còn danh từ từ lỗi (faute) chỉ xuất hiện phụ thuộc câu văn khi muốn xác định, không phải nguồn gốc của trách nhiệm, mà sự qui dương của hành vi gây thiệt hại.
Giải thích điều 1382 theo cú pháp như trên, một số tác giả muốn tách rời hẳn trách nhiệm đền bồi với cái lỗi, và giải thích rằng thuyết trách nhiệm khách quan cũng áp dụng với điều 1382, nghĩa là không cần xét đến cái lỗi, chỉ căn cứ vào hành vi nào của người gây ra thiệt hại thì bó buộc người đó phải đền bồi. Tuy nhiên, sự giải thích như trên không vững, vì tại sao ngay trong lĩnh vực trách nhiệm về thú vật về các vật vô tri, người ta lại miễn cho người chủ nhà hay người giám thủ khỏi phải đền bồi nếu chứng minh được rằng sự thiệt hại gây ra do một trường hợp bất khả kháng, một trường hợp ngoại lai, hoặc do lỗi của người đệ tam, hoặc lỗi của chính người bị thiệt hại. Như vậy ý niệm lỗi không thể gạt bỏ ra ngoài trách nhiệm dân sự được.

G_ Ảnh hưởng của thuyết trách nhiệm khách quan đối với án lệ:

Án lệ thật ra không hoàn toàn áp dụng thuyết trách nhiệm khách quan, nhưng dù sao từ năm 1896, án lệ đã biết đầu áp dụng thuyết trách nhiệm do tác động của các vật vô tri (responsabilite du fait des choses inanimees) và Tòa án đã đặt ra một sự phỏng đoán trách nhiệm đối với người khán thủ (legardien); sự phỏng đoán nầy trước kia không được sem như phát xuất từ điều luật mà ra. Và với bản án liên phòng của Tòa phá án Pháp ngày 13-2-1929 (Dalloz 1930-1-57) công cuộc xây dựng của án lệ có thể coi là được hoàn bị. Kể từ đây người giám thủ một vật vô tri bị phỏng đoán là chịu trách nhiệm về các tai nạn do tác động của vật vô tri đó gây ra. Nạn nhân không cần phải dẫn chứng một lỗi nào của người chủ đồ vật cũng được bồi thường, vì người chủ thường được coi là giám thủ đồ vật. Mặt khác án lệ, trong địa hạt trách nhiệm về dân sự, còn xây dựng thuyết trách nhiệm vì lạm quyền (abus du droit). Theo quan niệm thông thường, trong khi hành xử quyền của mình thì không thể bị trách nhiệm gì. Tuy nhiên, một cá nhân có thể bị coi là lạm quyền khi hành xử quyền lợi của mình, không những trong trường hợp làm hại kẻ khác mà cả trong trường hợp đã sử dụng quyền hạn không có lý do nghiêm trọng và chánh đáng như tự ý sa thải một công nhân. Chúng ta sẽ xét thuyết lạm quyền trong một đoạn sau. Giờ đây chúng ta thử phê bình thuyết trách nhiệm khách quan.

H_ Phê bình thuyết trách nhiệm khách quan:

Chúng ta không phủ nhận rằng thuyết trách nhiệm khách quan nhằm một mục đích xã hội là khiến cho nạn nhân được hưởng khoản tiền bồi thường một cách dễ dàng trong lúc kỹ nghệ phát triển một cách mau lẹ ở cuối thế  kỷ 19, đã đem lại nhiều tai nạn cho công nhân. Nhưng ta có thể nào vì lý do muốn cho đương sự được bồi thường dễ dàng mà chúng ta chấp nhận để cho nền tảng của trách nhiệm dân sự bị xáo trộn. Chúng ta không thể hy sinh như thế được. Theo ý chúng ta chỉ nên chấp nhận quan niệm khách quan trong một vài trường hợp đặc biệt thôi. Nếu lấy thuyết nầy thay thế cho thuyết trách nhiệm vì có lỗi, ta đã vô tình đi ngược lại những luật lệ hiện hành về trách nhiệm dân sự mà còn hành động sai với quyền lợi xã hội và với công lý.

1). Thuyết trách nhiệm khách quan không phù hợp với các bộ Dân luật:

Thật vậy, điều 1382 DLP hay 712 DLB, 729 DLVN 1972 nói về trách nhiệm đền bồi khi một cá nhân làm hành vi thiệt hại, sẽ trở nên vô ích nếu chấp nhận một sự trách nhiệm vô lỗi hay một trách nhiệm vì rủi ro. Theo một số tác giả, danh từ lỗi trong điều 1382 là danh từ chính, đặt ra nền tảng trách nhiệm dân sự mặc dù nó ờ vào gần cuối mệnh đề của điều 1382. Ngay trong trường hợp phỏng đoán về lỗi của các điều 1384, 1385, 1386 DLP, trường hợp gần nhất với trách nhiệm khách quan, chúng ta cũng không thể coi các điều luật này như các điều đã chấp nhận một trách nhiệm vô lỗi. Thật vậy, trong nhiều trường hợp, người cha, người dạy nghề được luật cho phép, được miễn đền bồi nếu đã dẫn chứng rằng họ không có lỗi gì về hành vi của người con hoặc người học nghề. Còn một người chủ căn nhà sập gây ra tai nạn cũng có thể tra1cnh  khỏi đền bồi trừ phi tai nạn xảy ra là do sự thiếu tu bổ của y hay do sự khiếm khuyết trong lúc xây cất, nghĩa là những trường hợp không có liên quan gì đến sự rủi ro. Thêm vào đó, khi mà trách nhiệm đi sát với thuyết khách quan như trách nhiệm về hành vi của các thú vật, của các đồ vật, hay của người thụ ủy, các điều 1384, 1385, 1386 DLP buộc phải đền bồi toàn thể thiệt hại cho người bị nạn. Như vậy sự đền bồi toàn thể thiệt hại tương xứng với cái lỗi mà người thụ ủy hoặc đồ vật hay súc vật đã gây ra. Còn nếu cho rằng đây là trách nhiệm vô lỗi, hay trách nhiệm vì rủi ro, thì sự đền bồi không thể tương xứng với toàn bộ sự thiệt hại. Thật vậy, trong các tai nạn về rủi ro nghề nghiệp, luật lao động gna2y 9-4-1898 không bó buộc nạn nhân phải đưa ra cái lỗi của chủ xí nghiệp, nhưng chỉ được bồi thường một phần thiệt hại mà thôi. Do đó thuyết trách nhiệm vì rủi ro không thể làm căn bản cho vấn đề trách nhiệm dân sự và người ta nghĩ rằng luật lao động năm 1898 đã đặt ra một sự đền bồi không đúng mức cho thợ thuyền bị tai nạ.

2). Thuyết trách nhiệm khách quan trái với quyền lợi xã hội vì nó khiến cho mọi người đều thụ động.
Nếu nói rằng mỗi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình dầu mình có làm lỗi hay không, miễn hành vi đó làm thiệt hại cho kẻ khác thì chẳng khác nào ta khuyến khích mọi người trong xã hội đừng làm gì cả để đừng gây thiệt hại. Người ta có thể nói rằng mình phải chịu trách nhiệm về những đồ vật có tính cách nguy hiểm bởi vậy mình chớ nên mang đồ vật đó vào trong xã hội để khỏi bị trách nhiệm, nhưng ta không thể nói rằng mỗi cá nhân trong xã hội phải đảm nhiệm tất cả trách nhiệm về các hành vi của y, làm như vậy thành thử mỗi cá nhân sẽ trở nên người chủ bảo hiểm cho mọi người khác ngay đối với cả các hành vi hợp pháp và cẩn thận của y. Nếu chấp nhận như vậy chẳng khác nào nói rằng mỗi người cứ đừng hoạt động thì sẽ khỏi bị trách nhiệm. Vậy thuyết trách nhiệm khách quan sẽ đưa đến một hậu quả bất lợi, và sự cần thiết của hoạt động phải được coi như một yếu tố bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm cho y nếu thật sự không dẫn chứng được cái lỗi của y.

3) Mặt khác, căn bản của thuyết trách nhiệm khách quan cũng không vững:

Thuyết này cho rằng sự thiệt hại là do một hoạt động, hoạt động của người chủ động đã gây ra tai nạn. Nhưng trong thực tế, sự thiệt hại là do kết quả của sự đụng chạm giữa hai hoạt động. Luật gia Capitant đã cho thí dụ sau đây: Ông A bị thương bởi một hòn đá. Sự bị thương nầy vừa do hoạt động của một người đã ném hòn đá, vừa do hoạt động trùng hợp của ông A khiến cho ông này vào giờ đó đi ngay vào hướng tiến của hòn đá. Nếu chấp nhận rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình thì vấn đề đặt ra là phải xem xét giữa hoạt động của ông A và hoạt động của người ném đá, hoạt động nào là nguyên nhân của sự thiệt hại. Học lý cổ điển đã đo lường hai hoạt động trên và đã gán cho một hoạt động cái lỗi đã gây ra thiệt hại. Nếu không áp dụng cách thức đo lường nầy thì phải căn cứ vào tiêu chuẩn nào? Vấn đề thực ra rất nan giải. Vì thế cho rằng hành vi gây thiệt hại là hoạt động của con người thật ra không đúng mà phải nói rằng, căn bản của sự thiệt hại là do cái lỗi. Và khi chấp nhận rằng cái lỗi mới chính là căn bản của trách nhiệm dân sự phạm thì người ta đã đo lường cái lỗi của mỗi bên trong mọi sự thiệt hại. Vì lẽ đó mà luật lao động năm 1898 chỉ bồi thường một phụ cấp khoán (reparation forfaitaire) cho người thợ bị nạn, thay vì bồi thường toàn thể sự thiệt hại cho y. Như vậy luật năm 1898 đã cho người bị nạn gánh lấy một phần trách nhiệm về lỗi phần nào của chính y.

I_ KẾT LUẬN

Điểm qua lịch sử tiến triển của ý niệm trách nhiệm dân sự, ta có thể nói rằng, hiện nay quan niệm cổ điển còn được tôn trọng nghĩa là trách nhiệm cần phải đặt trên căn bản của sự lầm lỗi. Duy trì điều kiện này, người ta không muốn ly khai quan điểmpháp lý với quan điểm luân lý: Người nào vì lỗi của mình mà gây ra tổn hại cho kẻ khác tự nhiên phải bồi thường tổn hại đó. Dầu sao, đồng thời ta cũng thấy một xu hướng mở rộng căn bản trách nhiệm dân sự phạm, bằng cách chấp nhận trách nhiệm vì rủi ro hay trách nhiệm vô lỗi để cho những người bị tai nạn, nhứt là tai nạn lao động, được bồi thường một cách dễ dàng hơn. Như vậy ý niệm bảo vệ quyền lợi cá nhân của bốn Bộ dân luật hiện hành phải nhường chỗ lần hồi cho sự bảo vệ quyền lợi xã hội. Mặt khác, vì căn bản trách nhiệm dân sự đã mở rộng, nên hầu hết các chủ nhân xí nghiệp ngày nay ai cũng đóng bảo hiểm để nếu xảy ra gây thiệt hại, thì hãng bảo hiểm sẽ bồi thường thay cho xí nghiệp. Nhưng xét cho kỹ, lệ phí bảo hiểm của các xí nghiệp cũng do các khách hàng gánh chịu, vì chủ nhân để khỏi lỗ vốn phải tăng giá thành của hàng hóa lên để lấy phần tăng nầy mà nộp lệ phí bảo hiểm. Do đó từ khoảng hơn 50 năm nay, ta thấy sự bành trướng của ngành bảo hiểm trong mọi quốc gia. Đây là một hiện tượng xã hội hóa các rủi ro trong một vài ngành hoạt động v2i các rủi ro nghề nghiệp xảy ra trong giới công nhân đã được phân phối rộng rãi cho giới tiêu thụ trong xã hội gánh chịu bằng cách đã trả thêm lệ phí bảo hiểm khi mua hàng hóa mà không hay biết.
Sự bành trướng cảu chế độ bảo hiểm một phần nào là do ảnh hưởng của thuyết trách nhiệm khách quan đã chấp nhận sự dễ dãi trong công việc dẫn chứng htie65t hại. Nhưng sự tổng quát hóa của chế độ bảo hiểm có ảnh hưởng không tốt đến nền tảng của trách nhiệm dân sự phạm. Một khi các rủi ro được chia sẻ rộng rãi trong xã hội bằng bảo hiểm, những ngu7o2i gây ra tai nạn dễ mất ý thức trách nhiệm để đi đến chỗ khinh thường sự bồi thường, và không chịu kiểm soát hành vi của mình, nhân đó các tai nạn gia tăng trong xã hội. Mặt khác, các vị thẩm phán cũng có khuynh hướng dễ dãi là không cần gì tìm xem tài xế có lỗi hay không. Trong lúc chủ xe có đóng bảo hiểm, thì nạn nhân cứ kiện công ty bảo hiểm là được đền bồi. Vì vậy chấp nhận thuyết trách nhiệm khách quan trong mọi lĩnh vực là mở đường đi đến tiêu diệt ý niệm trách nhiệm dân sự và đưa người ta đến chỗ an ninh xã hội sẽ trở thành một hãng bảo hiểm. Khi một công dân làm một hành vi thiệt hại cho kẻ khác thì không cần gì xét công dân đó có lỗi hay không, quốc gia sẽ thay thế y mà đền bồi cho nạn nhân. Tuy nhiên, hiện nay ta nhận thấy rằng quỹ an ninh xã hội cũng không đền bồi toàn thể thiệt hại cho người bị tai nạn. Do đó phải nói rằng, ý niệm trách nhiệm vì lỗi vẫn còn làm căn bản cho sự đền bồi thiệt hại về dân sự./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar