Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

20. Ý niệm chuẩn khế ước trong học lý hiện đại

Ý NIỆM CHUẨN KHẾ ƯỚC TRONG HỌC LÝ HIỆN ĐẠI

Ý niệm chuẩn khế ước vốn đã có từ Cổ luật La Mã, nhưng các luật gia La Mã có những quan điểm khác biệt, không thể nêu một tiêu chuẩn pháp lý nào để định rõ biên giời và các đặc tính của ý niệm đó. Mặc dù bộ Dân Luật Pháp đã qui định theo lý thuyết của luật gia Gaius (130-180) mượn trong cổ luật La Mã, và sự quy định này cũng đã được áp dụng trong án lệ, nhưng trong học lý, nhiều luật gia đã phủ nhận chân giá trị của ý niệm này. Trong số các tác gải ưu tú nhất đã lên tiếng về vấn đề này, phải kể đến các giáo sư Marcel Planiol, René Demogue, và Henri Capitant. Học lý đã chỉ trích ý niệm chuẩn khế ước về hai phương diện: Một là, ý niệm chuẩn khế ước vừa sai lạc, vừa nguy hiểm về phương diện lý thuyết; hai là, ý niệm chuẩn khế ước không đem lại lợi ích gì về phương diện thực tế.
1. Ý niệm chuẩn khế ước là một ý niệm lầm lạc và nguy hiểm:
– Ý niệm chuẩn khế ước vốn là một quan niệm quá ư mơ hồ trong cổ luật La Mã. Các luật gia La Mã nhận thấy rằng, trong thực tế, nhiều lúc, vì lẽ công bằng, các pháp quan bắt buộc phải thừa nhận nhiều nghĩa vụ, mặc dù các nghãi vụ này không do một khế ước hay một tội phạm phát sinh ra. Nhưng theo luật gia Gaius (130-180), các nghãi vụ vừa n1oi trên tương tự như các nghĩa vụ do khế ước phát sinh ra. Nghĩa vụ của người quản lý sự vụ và nghĩa vụ của chủ nhân quản lý sự vụ, giống như nghĩa vụ của hai bên đã ký kết với nhau một khế ước ủy quyền; còn tố quyền thu hoàn bất phụ trái mà người chi phó có thể sử dụng thì giống như tố quyền phát sinh từ khế ước phóng trái tiêu dụng, nghĩa là khế ước cho mượn để tiêu dùng (mutuum). Do đó Gaius đã gọi loại nghĩa vụ này là “chuẩn khế ước”. Về sau trong pháp cương (Institutes) của Justinien còn quy định thêm dước đề mục “quasi ex contractu” (như thể theo hợp đồng), một số nghĩa vụ hỗn tạp hơn, phát sinh hoặc do sự quản lý sự vụ, hoặc do định chế giám hộ, tình trạng vị phân, tố quyền thu hoàn bất phụ khoản và cả nghĩa vụ phải trả nợ của kẻ nhận vật di tặng thay thế cho người đã mệnh một. Đến đây, chúng ta đã nhận thấy ngay trong luật La Mã đã không có sự đồng nhất giữa hai quan niệm của Gaus và Justinien về chuẩn khế ước.
– Tại Pháp, căn cứ vào các lời chú giải và bình luận của luật gia Joseph Pothier (1699-1772), các nhà làm luật thời Napoléon Bonaparte (1804) đã quy định, một cách hầu như máy móc, các chuẩn khế ước do Gaius đã nêu ra. Vì vậy, ta có thể thấy cách hành văn lúng túng tại các điều 1370 và các điều kế tiếp của dân luật Pháp. Mở đầu cho thiên nói về “các sự cam kết vốn không do một hiệp ước phát sinh”, Điều 1370 DLP quy định: “Có những sự cam kết được kết thành, tuy không có hợp ước do người phụ trái hay người trái chủ thừa nhận. Các sự cam kết này do uy quyền luật pháp hoặc do tác động cá nhân của người phụ trái mà có. Loại cam kết do luật pháp phát sinh là những sự cam kết ngoại ý chí như sự cam kết giữa các người sở hữu chủ lân bang, các sự cam kết của các người giám hộ hay các người quản trị không thể từ chối được nhiệm vụ giao phó cho họ. Các cam kết được phát sinh từ tác động cá nhân của người phụ trái là do ở các chuẩn khế ước, các dân sự phạm và chuẩn dân sự phạm”. Tiếp theo đó, trong chương quy định các chuẩn khế ước, Điều 1371 DLP định nghĩa như sau: “Chuẩn khế ước là tác động hoàn toàn tự ý phát sinh ra một sự cam kết đối với đệ tam nhân, và trong một vài trường hợp, phát sinh ra một sự cam kết tương hổ giữa hai bên”. Theo sự định nghĩa này, tưởng chừng như chuẩn khế ước bao gồm toàn thể những hành vi đơn phương được thi hành với chủ ý tạo ra những nghĩa vụ, nghĩa là phải bao gồm cả loại khế ước đơn phương, đối lập với loại khế ước song phương. Nhưng tiếp theo đó, các điều luật 1372, 1373, v.v đã cho thấy cách giải thích trên đây là sai lạc, vì các điều luật này chỉ đề cập đến “quản lý sự vụ” và “chi phó bất phụ trái”. Hai định chế này không phải là khế ước vì người quản lý sự vụ và chủ nhân sự vụ, cũng như người chi phó và người thâu nhận bất phụ trái, không hề có ý định kết ước với nhau dù là một khẩu ước. Hơn nữa, “quản lý sự vụ” và “chi phó bất phụ trái” cũng không thể coi được như những khế ước đơn phương (contrats unilatéraux: hợp đồng đơn phương). Vì vậy, trong thực tế, nhiều luật gia chủ trương mở rộng phạm vi của “chuẩn khế ước” để bao gồm toàn thể các hành vi đơn phương, hữu ý và hợp pháp (actes volontaires unilatéraux et licites: hành vi tự nguyện đơn phương và hợp pháp), khả dĩ tạo ra các nghĩa vụ. Trong khi đó, một số luật gia  khác đề nghị chỉ nên coi quản lý sự vụ và chi phó bất phụ trái là chuẩn khế ước mà thôi. Ngoài ra, nếu có thể tạm thời công nhận “quản lý sự vụ” như phủ hợp với định nghĩa của điều 1371, thì không ai có thể tìm thấy mối liên hệ giữa điều 1371 DLP với các điều 1376 và kế tiếp quy định về chi phó bất phụ trái. Thực vậy, ta có thể tạm thừa nhận rằng, khi quản lý sự vụ cho tha nhân, người quản lý đã hành động với chủ ý tạo ra các nghãi vụ đối với các đệ tam nhân và sau đó, đối với các chủ nhân sự vụ … Nhưng trái lại “chi phó bất phụ trái”, không thể phù hợp với định nghĩa ở điều 1371 được. Quả vậy, điều 1376 DLP quy định rằng, kẻ nào vì vô tình hay hữu ý thâu nhận những gì mà mình không hề cho ai vay mượn, có nghãi vụ phải hoàn lại những vật mà mình không được phép thâu nhận. Điều 1376 DLP đã lập lại y hệt quan điểm của cổ luật La mã, để định nghĩa một loại khế ước cho vay mượn giống với loại khế ước phóng trái tiêu dụng (cho vay mượn tiêu dùng) mà các luật gia cổ La Mã gọi là Promutuum (mượn). Promutuum chỉ một loại nghĩa vụ bó buộc một kẻ nào đã vì lầm lẫn nhận của ai hoặc một  khoản tiền hoặc một vật có thể tiêu dùng được phải hoàn lại cho sở hữu chủ khoản tiền ấy hoặc vật dụng ấy với nguyên giá trị của nó. Không cần phải lập luận dài dòng, cũng nhận thấy ngay rằng hành vi của kẻ thâu nhận bất phụ trái (accipiens: tai nạn), không phải là một hành vi hữu ý. Khi nhận bất phụ khoản, họ đã không hề có ý chí tạo ra cho mình một nghĩa vụ, không hề có ý chí trả lại vật ấy cho người chi phó bất phụ khoản (solvens), và cũng không hề có ý chí hoàn bất phụ khoản này lại cho sở hữu chủ. Nếu họ có ý chí làm như vậy thì không bao giờ có thể có chuẩn khế ước “chi phó bất phụ khoản” được. Do đó, nghĩa vụ cua người thâu nhận bất phụ khoản không thể là hậu quả của ý chí của họ. Nói một cách khác, ta không thể tìm thấy một liên lạc pháp lý nào giữa ý chí và nghĩa vụ của người thâu nhận bất phụ khoản. Sở dĩ, họ có nghĩa vụ phải hoàn lại bất phụ khoản là do ý chí của nhà làm luật, chứ không phải là vì một chuẩn khế ước hoặc một khế ước nào cả.
2. Ý niệm chuẩn khế ước là một ý niệm vô ích: Hai chuẩn khế ước do bộ DLP quy định, sự thực, chỉ có giá trị trong địa hạt lý thuyết mà thôi. Những điều khoản quy định trong quản lý sự vụ chẳng khác mấy với những điều khoản quy định về sự ủy quyền. Tựu trung, nghãi vụ của người quản lý sự vụ cũng chỉ là nghĩa vụ của người thụ ủy. Tuy sự quy định của các điều 1371-1376 DLP cũng có một vài điểm dị biệt khác với sự ủy quyền, song những điểm này chỉ có tính cách nhỏ nhặt và lý thuyết và càng khiến cho ta thấy, trên thực tế, các điều 1371,1372,1373 và 1374 DLP đã trở thành các câu văn sáo rỗng, chẳng mấy khi được các tòa án sử dụng đến. Chuẩn khế ước thứ hai là “chi phó bất phụ trái” cũng chẳng hữu ích gì hơn. Nghĩa vụ phải giao trả lại tiền hoặc đồ vật không phải là của mình, là nghĩa vụ chung của tất cả mọi người khi sở hữu chủ tỏ ý muốn đòi lại tiền hoặc vật dụng đã bị giao thác vì lầm lẫn. Nghĩa vụ này là một trong những lại nghĩa vụ tổng quát mà tất cả mọi người phải tôn trọng. Suy nghĩa chu đáo hơn, ta sẽ thấy rằng, loại bỏ quản lý sự vụ và chi phó bất phụ trái ra khỏi bộ dân luật, hoặc nói một cách khác, loại bỏ hẳn ý niệm chuẩn khế ước sẽ chẳng thấy có phương hại gì cho ngành dân luật, và cũng chẳng thấy khó khăn gì cho các cơ quan tài phán thuộc ngành tư luật. Chỉ cần sử dụng ý niệm pháp lly1 về đặc lợi vô nguyên nhân (enrichissement sans cause: làm giàu bất chính), các tòa án cũng tìm ra được giải pháp thỏa đáng để giải quyết các vụ tranh tụng từ trước vẫn được coi là quản lý sự vụ hoặc chi phó bất phụ trái. Vì ý niệm chuẩn khế ước là một quan niệm sai lầm, nguy hiểm và vô ích nên nhiều sách chuyên về dân luật đã loại trừ hẳn chương chuẩn khế ước. Các bộ dân luật mới như Dân Luật Đức, luật nghĩa vụ của Thụy sĩ cũng không quy định về chuẩn khế ước. Thay vào đó, các bộ luật này lần lượt quy định: 1. Khế ước; 2. Sự đắc lợi vô nguyên nhân; 3. Các dân sự phạm./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar