HIỆU LỰC TƯƠNG ĐỐI CỦA KHẾ ƯỚC
Điều 715 DLVN nói rằng hiệp ước chỉ có giá trị đối với người kết ước và những người thụ quyền của họ mà không thể làm hại hoặc làm lợi cho người đệ tam. Một nguyên tắc tương tự như vậy cũng được quy định nơi điều 1165 DLP, nhưng điều này không nói tới các người kế quyền. Ấn định nguyên tắc căn bản về hiệu lực tương đối của khế ước, các điều luật này từ lâu đã được các luật gia coi là một sự hiển nhiên. Nhưng ngày nay luật lý mới không nhìn nguyên tắc ấy với một con mắt lạc quan như vậy. Có tác giả nghi ngờ ngay cả về sự hiện hữu của nguyên tắc này.
I. NGUYÊN TẮC HIỆU LỰC TƯƠNG ĐỐI CỦA KHẾ ƯỚC
Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta cần nhận định rằng khế ước tạo ra hai hiệu lực tương đối với hai hạng người khác nhau. Trước hết, khế ước phát sinh ra một số nghĩa vụ giữa các người cộng ước và vấn đề là phải xét xem những người nào có thể do khế ước ấy mà trở thành chủ nợ hoặc con nợ. Mặt khác, do sự chuyển dịch quyền lợi hoặc sự chuyển hữu và sự phát sinh các nghĩa vụ, khế ước ấy cũng tạo ra một tình trạng pháp lý và tình trạng pháp lý ấy có ảnh hưởng gì đến người ngoại cuộc không, nếu có thì trong phạm vi nào?
a. Hiệu lực của khế ước đối với con nợ và chủ nợ: Trên nguyên tắc, khế ước chỉ có thể phát sinh hiệu lực giữa các người kết ước mà thôi. Đó là những người ký kết khế ước, hoặc trực tiếp hoặc qua trung gian của người đại diện. Thực vậy, theo nguyên tắc hiệp ý mà bộ dân luật đã dùng làm căn bản cho kỹ thuật lập ước, thì nghĩa vụ được tạo lập do sự thỏa thiệp của ý chí. Vì vậy khế ước chỉ có hiệu lực đối với những người đã ưng thuận mà thôi. Nguyên tắc này đồng thời bảo đảm tự do pháp lý cá nhân, vì các người này chỉ bị ràng buộc bởi khế ước do ý muốn của họ. Nhưng ngoài các người kết ước, luật pháp còn nói tới các người thụ quyền, những người này, tuy không ký kết khế ước, nhưng cũng có thể trở thành con nợ hay chủ nợ của khế ước (673 DLVN). Có nhiều hạn người thụ quyền: Những người thụ quyền bao quát, hay có tính cách bao quát và những người thụ quyền đặc biệt. Những người thụ quyền bao quát và có tính cách bao quát gồm có: Người thừa kế, người thụ di bao quát hoặc có tính cách bao quát. Tất cả người ấy đều lãnh một phần hay toàn bộ di sản của người quá cố. Vì di sản gồm có tích sản và tiêu sản, nghĩa là bên cạnh cá trái quyền cũng có những nghĩa vụ, người kế quyền bao quát hay có tính cách bao quát đã chịu nhận lãnh toàn thể hoặc một phần di sản, lẽ tất nhiênphải đảm đương những nghĩa vụ trong phần di sản đó. Những người thụ quyền có tính cách đặc biệt gồm có những người nhận lãnh của một kẻ khác một quyền nhất định có thể là một vật quyền hoặc là một trái quyền như trường hợp một người một vật gì, người thụ tặng hay người thụ di đặc biệt. Tất cả các người ấy đều kế tiếp người phó quyền về quyền lợi đã được chuyển sang cho họ. Họ nhận lãnh quyền lợi ấy với tất cả lợi ích của nó, trái lại họ cũng phải chịu tất cả những điều kiện hay trái vụ liên hệ đến quyền lợi ấy. Như vậy, người kế quyền có tính cách đặc biệt phải tuân theo các khế ước do người phó quyền ký kết trước ngày chuyển dịch quyền lợi cho họ. Thí dụ: Người thụ nhượng một trái quyền được hưởng sự bảo đảm phụ thuộc liên quan đến trái quyền ấy (PA Pháp 3-11-19232 DH 1932-570). Người mua một bất động sản được hưởng quyền địa dịch thiết lập cho bất động sản ấy, nhưng cũng phải gánh chịu những đảm phụ, thuộc về bất động sản trước ngày bán. Người mua một chiếc xe hơi có nghĩa vụ tiếp tục đóng bảo kim ấn định trong khế ước do người chủ cũ ký kết với hãng bảo hiểm.
b. Hiệu lực của khế ước đối với người ngoại cuộc: Những người ngoài cuộc là những người không có liên hệ gì với các người kết ước, họ không thể bị khế ước chi phối và khế ước không thể làm cho họ trở thành con nợ hay chủ nợ được, ngoại trừ trường hợp cấu ước cho tha nhân, được quy định tại điều 672 DLVN. Tuy vậy, khế ước cũng tạo ra tình trạng pháp lý và tình trạng đó cũng có thể ảnh hưởng tới người ngoài cuộc.
Trước hết, chúng ta phải kể tới các người trái chủ vô đặc quyền. Đối với các người này, tất cả tài sản của con nợ hợp thành một khối gọi là vật thế chấp bao quát dùng làm bảo đảm cho các món nợ của họ. Vậy khế ước do người con nợ ký kết sẽ có hậu quả làm tăng thêm hoặc giảm bớt đi sự bảo đảm của các trái chủ. Tuy nhiên, để tránh các hành vi của con nợ làm tẩu tán tài sản có hại cho các chủ nợ, nhà làm luật công nhận cho các chủ nợ một đặc quyền gọi là tố quyền phế bãi: Khi một người con nợ ký kết một khế ước với gian ý làm giảm bốt tài sản có hại cho chủ nợ, thì chủ nợ có thể tránh hiệu lực của khế ước bằng cách hành xử tố quyền phế bãi; nhờ tố quyền này, khế ước do con nợ đã ký không thể đem đối kháng được với chủ nợ. Trong địa hạt khế ước lao động, án lệ định rằng, người đệ tam phải chịu trách nhiệm với người trái hộ, nếu y cố ý tòng phạm với người này để bội ước. Thí dụ: Người chủ xúi giục một công nhân thôi việc ngang với một chủ nhân khác để lại làm công cho mình; người chủ một đoàn ca hát thuê một nghệ ỹ mà họ biết đã nhận giúp cho một đoàn hát khác (PA. Pháp 2-6-1930 GP 1930-2-119). Trong các trường hợp này, người chủ nhân không thể bất chấp khế ước thứ nhất, mặc dù họ là người ngoài cuộc đối với khế ước ấy. Ngoài ra, các khế ước liên quan đến quyền sở hữu cũng đối kháng với các người đệ tam hiểu theo nghĩa những người ngoại cuộc, vì quyền sở hữu là quyền có tính cách trật tự công cộng và đối kháng với mọi người. Song để bảo vệ quyền lợi cho các người đệ tam, luật pháp đã đề ra một số thể thức đặc biệt mà mục đích là để các người này biết có sự chuyển dịch quyền sở hữu. Điều 700 DLB, 748 DLT nói rằng: “Sự chuyển dịch quyền sở hữu các động sản chỉ có thể đối kháng với các người đệ tam, nếu có sự trao tay thực sự sở vật”. Trong bộ luật dân sự hiện hành, không có điều khoản nào tương tự như vậy. Đối với bất động sản và các quyền đối vật bất động sản, điều 718 DLVN chỉ định rằng mọi sự chuyển hữu chỉ có thể đối kháng với người đệ tam, nếu đã được đăng ký vào sổ điền thổ hay sổ địa bộ.
II. CÁC NGOẠI LỆ ĐỐI VỚI NGUYÊN TẮC HIỆU LỰC TƯƠNG ĐỐI CỦA KHẾ ƯỚC
Điều 673 DLVN nói rằng, các hiệp ước chỉ có hiệu lực đối với các người kết ước và người kế quyền của họ. Nhưng điều luật này không có tính cách cưỡng hành, mà chỉ có tính cách giải thích ý chí của các đương sự thôi. Do đó nguyên tắc tự do lập ước đưa đến hậu quả tất nhiên là các người kết ước có thể thỏa thuận với nhau để thu hẹp hay nới rộng phạm vi hiệu lực của khế ước.
a. Ngoại lệ thu hẹp phạm vi của nguyên tắc: Các người kết ước có thể quy định rằng khế ước sẽ không áp dụng cho các người thụ quyền của họ. Ví dụ: Con nợ và chủ nợ có thể thỏa thuận với nhau rằng khi một bên chết đi thì nghĩa vụ sẽ chấm dứt và không chuyển dịch sang sản nghiệp của người thừa kế. Ngoài ra, điều 673 DLVN còn nói rằng: “Sự kết ước không những chỉ lợi cho người đã kết ước, còn lợi cho những người thụ quyền, thừa kế của người ấy, trừ phi khế ước có tính cách riêng tư vì cá nhân của người kết ước, hay có sự giao ước trái lại”. Các khế ước có tính cách riêng tư vì cá nhân của người kết ước thường gọi là khế ước nhân vì – Trong khế ước này, sự chú trọng vào cá nhân của người kết ước là một yếu cố quyết định cho việc tạo lập khế ước. Do đó, khi một bên đương sự mệnh một thì người thừa kế của y không thể bị bắt buộc phải thi hành nghĩa vụ đã cam kết. Ví dụ: Sau khi nhận vẻ một bức chân dung mà người họa sĩ chết đi thì người thừa kế của họ không thể tiếp tục nghĩa vụ vẽ bức tranh đó hoặc mướn người khác vẽ. Khế ước niên kim chung thân phải chấm dứt khi người hưởng niên kim tạ thế. Khế ước ủy quyền cũng kết thúc do sự mệnh một của người thụ ủy.
b. Ngoại lệ nới rộng phạm vi của nguyên tắc: Các người kết ước có thể định rằng khế ước sẽ có hiệu lực đối với người ngoài cuộc. Trong trường hợp điển hình là cấu ước cho tha nhân mà chúng ta sẽ xét tới sau đây. Chúng ta còn phải kể tới các cộng đồng hiệp ước. Đáng lưu ý hơn cả là cộng đồng hiệp ước lao động. Hiệp ước này không phải là một khế ước lao động do một công nhân kết lập với một chủ nhân, mà là một khế ước do chủ nhân ký kết với người đại diện công nhân. Cộng đồng hiệp ước này ấn định trước các điều kiện mà các khế ước lao động cá nhân sẽ phải tuân theo trong tương lai. Tuy chỉ do vài cá nhân ký kết, song các cộng đồng hiệp ước lao động có hiệu lực đối với một hoặc nhiều đoàn thể công nhân và các hội viên của các đoàn thể ấy. Ngoài ra phạm vi hiệu lực tương đối của khế ước còn được nới rộng do hiệu lực của luật pháp. Đó là trường hợp tố quyền trực tiếp theo đó, một trái chủ có thể đòi hỏi trực tiếp người thiếu nợ cua người trái hộ phải thi hành một nghĩa vụ. Tố quyền trực tiếp được thừa nhận cho trái chủ trong những trường hợp sau đây:
– Người chủ nhà có thể trực tiếp đòi các người mướn lại nhà phải trả thẳng tiền nhà cho họ (Điều 1114 DLVN).
– Người chủ ủy có thể kiện trực tiếp người phó thụ ủy nếu người này không thi hành nghĩa vụ (1250 DLVN);
– Nạn nhân của một vụ tai nạn có tố quyền trực tiếp kiện hãng bảo hiểm để đòi tiền bồi thường thiệt hại do người có hợp đồng với công ty bảo hiểm gây ra tai nạn.(Đạo luật 15/65 ngày 17-9-1965 về bảo hiểm).
III. GIẢ TRANG VÀ ẨN KHẾ
Hiểu theo nghĩa rộng, giả trang là sự kiện tạo ra một bề ngoài sai lầm trong việc tạo lập khế ước. Sự giả trang có thể có hai hình thức khác nhau: Khi thì sự giả trang được thực hiện dưới hình thức chứng thư mật, gọi là ẩn khế, mà mục đích là để loại bỏ hoặc biến đổi hiệu lực của một chứng thư biểu kiến, trong đó ý chí của các đương sự hoàn toàn giả tạo, khi thì sự giả trang lại có hình thức một sự cho mượn tên: Một người đứng ký kết một khế ước nhưng người đó không phải là người kết ước thực sự và chỉ đứng ra để che dấu danh tính của một người kết ước khác. Người trung gian này gọi là người cho mượn tên. Dưới mọi hình thức, sự giả trang tiên niệm có hiệp ước bí mật song song khế ước biểu kiến mà mục đích là để tiêu hủy, biến đổi hay chuyển dịch hiệu lực của khế ước này.
1. Hình thức giả trang: Sự giả trang có hai hình thức: Ẩn khế và sự cho mượn tên
a. Ẩn khế: Ẩn khế có thể hủy bỏ hoặc sửa đổi chứng thư biểu kiến. Nếu ẩn khế tiêu hủy toàn bộ hiệu lực của chứng thư biểu kiến thì chứng thư biểu kiến có tính cách hoàn toàn giả tạo, vì thực sự khế ước không hề có sự kết lập. Ví dụ: Con nợ vì để tránh sự sai áp của chủ nợ, có thể thông đồng với một người bạn để lập khế ước giả tạo bán một tài sản của mình, đồng thời ngầm ký với nhau một ẩn khế coi sự mua bán ấy là một chứng thư giả tạo. Ẩn khế có thể sửa đổi toàn thể chứng thư biểu kiến, không phải để tiêu hủy hiệu lực của chứng thư biểu kiến, (vì chứng thư biểu kiến không có hiệu lực để mà tiêu hủy), mà chỉ để biến đổi bản chất. Ví dụ: Một đương sự tặng dữ cho người kia một tài sản nhưng lại ký kết một hợp đồng mua bán để che giấu hành vi tặng dữ. Sau hết, các đương sự nhiều khi không ngụy trang bản chất của khế ước mà chỉ che giấu một phần của những điều khoản của khế ước mà thôi. Biện pháp này thường được sử dụng để ẩn lậu thuế. Thí dụ: Hai người mua bán với nhau một bất động sản, họ lập một khế ước trong đó giá mua bán giảm bớt đi để đóng ít thuế, sau đó lại lập một ẩn khế để điều chỉnh lại giá cả thực sự.
b. Cho mượn tên: Thường người cho mượn tên giao dịch thẳng với người đệ tam mà không để lộ tung tích của kẻ đứng sau lưng hắn. Đối khi tung tích này cũng có thể thấy được, nhưng mặc dù vậy, vai trò của người cho mượn tên cũng không thay đồi. Sự cho mượn tên có thể có hai mục đích:
– Người mượn kẻ khác đứng tên muốn trốn tránh để người đối ước không biết tên họ đích thực của người đã kết ước với mình. Mục đích này chỉ có thể đạt được nếu như mưu mô ấy không bị người đối ước khám phá. Ở đây, sự cho mượn tên giống như một sự lừa gạt.
– Một người có thể dùng kẻ khác đứng tên để làm một hành vi mà người đó không thể đích thân làm được. Trong trường hợp này, người đối ước có thể biết rõ sự cho mượn tên. Điều đó không can hệ gì vì người ta không muốn lừa dối người đối ước mà chỉ muốn trốn tránh luật pháp. Ví dụ: Trái với luật pháp, một viên chưởng khế lập một văn tự trong đó chính ông ta là đương sự. Để văn tự này khỏi bị vô hiệu, ông ta nhờ người đứng tên thay thế. Một người mặc dù bị luật pháp hoặc hiệp ước cấm đoán nhưng có thể vẫn làm thương mại dưới một tên mượn.
2. Hiệu lực của sự giả trang: Học lý cũng như án lệ từ lâu đã chấp nhận rằng trên nguyên tắc, sự giả trang không phải là nguyên nhân vô hiệu vì đã được mặc nhiên thừa nhận trong điều 1321 DLP: “Các ẩn khế chỉ có hiệu lực đối với các người kết ước, không có hiệu lực chống lại người đệ tam”. Trong bộ dân luật Việt Nam, không có điều khoản nào tương tự điều 1321 DLP. Trong hai bộ dân luật Bắc và Trung trước đây, nhà làm luật cũng không đề cập tới vấn đề giả trang và ẩn khế, song về vấn đề này, các tòa án Viêt Nam đã áp dụng các điều khoản liên hệ của Bộ dân luật Pháp như là lý trí thành văn.
a. Hiệu lực đối với các người kết ước: Quy định rằng ẩn khế chỉ có hiệu lực đối với người kết ước, điều 1321 DLP chỉ nhắc lại ở đây sự áp dụng nguyên tắc tự do ý chí. Tòa thượng Thẩm Saigon trong bản án ngày 5-1-1961 (PL 1961-2-45), đã áp dụng điều 1321 DLP như lý trí thành văn, và tuyên xử rằng: “Chiếu chi khi hai bên đương sự, cùng về một đối tượng, làm hai văn thư, một cái biểu kiến để xuất trình cho người đệ tam và một cái bí mật dành riêng cho hai bên, thì theo nguyên tắc tự do kết ước, hai bên phải tuân hành theo mật ước vì chỉ có mật ước này là biểu dương ý chí thực sự của hai bên, trái lại, theo điều 1321, đối với người đệ tam, mật ước sẽ không có hậu quả gì hết”. Về hiệu lực cho mượn tên, tòa thượng thẩm Saigon trong một phúc quyết ngày 3-11-1966 (PL 1967 -4-102), đã xử về trường hợp một người nhờ kẻ khác đứng tên để mua một bất động sản. Tòa phán rằng, khế ước cho mượn tên có giá trị và hữu hiệu nếu không che đậy một điều chi trái pháp luật. Tuy nhiên, hiệu lực nói trên của sự giả trang cũng bị hạn chế trong hai trường hợp:
– Án lệ coi là vô hiệu các ẩn khế nhằm mục đích trốn thuế. Ngoài ra, theo điều 50 bộ luật trước bạ thì Nha trước bạ có quyền phục hồi thực tính của chứng thư để thu đúng số thuế liên hệ.
– Điều 994 DLVN quy định về sự vô năng lực hưởng thụ của một số người, dự liệu rằng những việc tạo mãi trái với điều luật này đều vô hiệu dù là tạo mãi dưới tên người khác.
c. Sự đối kháng ẩn khế đối với người đệ tam: Trên nguyên tắc, điều 1321 DLP, các ẩn khế không có hiệu lực gì đối với người đệ tam.
– Định nghĩa người đệ tam: Người đệ tam nói trong điều luật này không phải là những người hoàn toàn không có liên hệ gì đến các người ký kết ẩn khế, mà cũng không phải là những người đã thủ đắc những quyền đối vật trước ngày ẩn khế và chứng thư biểu kiến được ký kết, vì các người này đã được bảo vệ đầy đủ bởi thường luật. Thực vậy, về hạng người thứ nhất, ẩn khế không thể đối kháng với họ được theo nguyên tắc của điều 1165 DLP, tương đương với điều 715 DLVN, còn về hạng người thứ hai thì chế độ đăng ký và sự chấp hữu ngay tình cũng đủ để bảo vệ quyền lợi của họ. Trong bản án ngày 5-1-1961 dẫn thượng, Tòa Thượng thẩm Saigon đã định nghĩa người đệ tam như sau: “Chiếu chi danh từ đệ tam nhân ở điều 1165 DLP nói về hiệu lực tương đối của khế ước không phải là đệ tam nhân nói ở điều 1321: Ở điều 1165, đệ tam nhân là những chủ nợ vô đặc quyền và những người thụ quyền đặc định của một bên đương sự. Trong hiện vụ, một sở hữu chủ làm văn tự đoàn mại cho một người khác một bất động sản và người này sang tên làm chủ trong một bằng khoán; nhưng hai bên lại làm một mật ước nói rằng việc đoạn mại chỉ là một sự mượn ruộng đất. Ẩn khế này có giá trị giữa hai bên kết ước, mặc dù trong sổ sách đã thay tên điền chủ. Do đó, người thừa kế của người mượn đất vì là người thụ quyền bao quát và không phải là người đệ tam, nên phải chịu hậu quả của ẩn khế này. Họ không thể dựa vào văn tự biểu kiến là khế ước đoạn mại để đòi sở hữu chủ phải trả hoa lợi trong thời gian người này chiếm hữu”. Án lệ Pháp cũng đã chấp nhận một sự định nghĩa như trên đây về người đệ tam nói tại điều 1321 DLP. Vậy người đệ tam ở đây là:
+ Những người thụ quyền đặc định của mỗi bên đương sự sau khi ẩn khế được ký kết;
+ Các chủ nợ vô đặc quyền của các đương sự.
Thường thì các chủ nợ vô đặc quyền phải gánh chịu hậu quả của những khế ước do người con nợ ký kết: Các khế ước này có thể làm tăng hay giảm giá trị những tài sản vật thế chấp cho những món nợ của họ. Chính vì thề mà các chủ nợ vô đặc quyền vẫn bị đồng hóa một cách sai lầm với những người kế quyền bao quát của con nợ. Trong trường hợp giả trang, án lệ lại coi họ là người đệ tam. Điều này cũng dễ hiểu vì những ai có thể bị sự giả trang làm thiệt hại đến quyền lợi đều cần được bảo vệ.
– Quyền lựa chọn của người đệ tam: Đứng trước trường hợp giả trang, người đệ tam có thể lựa chọn giữa hai thái độ:
+ Người đệ tam có quyền nại ra khế ước biểu kiến và từ khước ẩn khế, coi như không thể đối kháng với họ;
+ Người đệ tam lại có quyền nại ra ẩn khế, nếu ẩn khế có lợi cho họ. Quyền lựa chọn này la do một sự suy luận đối nghịch điều 1321 DLP: Điều luật này nói rằng ẩn khế không có hiệu lực chống lại người đệ tam thì người đệ tam có quyền được hưởng lợi ích. Thí dụ: Một người sau khi mua một bất động sản đang cho thuê, được biết rằng giữa người thuê và người chủ cũ, có ký một ẩn khế với giá tiền cho thuê cao hơn giá trên hợp đồng biểu kiến. Trong trường hợp này, người chủ mới có quyền viện dẫn ẩn khế để đòi tăng thêm tiền thuê nhà. Quyền lựa chọn có thể dẫn đến tranh chấp giữa hai người đệ tam: Trong trường hợp có một sự đoạn mai giả tạo một bất động sản, chủ nợ của người bán đòi sai áp bất động sản mà họ cho rằng còn thuộc quyền sở hữu của người bán, ngược lại chủ nợ của người mua lại muốn duy trì quyền để đương của họ trên tài sản mà họ coi là đã thuộc về người mua. Trong trường hợp này chủ nợ của sở hữu chủ biểu kiến phải được ưu tiên hơn, trước tiên là chiếu theo điều 1321 DLP, và sau nữa là vì cần phải bảo đảm an ninh cho các giao dịch trong xã hội. Các người này đã ký kết dựa trên một tình trạng biểu kiến mà họ cho là thật, vậy họ phải được che chở (PA Pháp 25-4-1938 GP 1939-2-57). Trong bộ dân luật Việt Nam hiện hành, không có điều khoản nào nói về ẩn khế. Áp dụng nguyên tắc tổng quát về hiệu lực tương đối của khế ước quy định bởi điều 715 DLVN, ẩn khế chỉ có hiệu lực đối với các người kết ước và không có hiệu lực gì đối với các người đệ tam. Về điểm này, án lệ nêu trên nay vẫn có thể được chấp nhận. Nhưng khó khăn đặt ra là về quyền lựa chọn của đệ tam nhân. Điều 715, sau khi đặt ra nguyên tắc là khế ước chỉ có hiệu lực giữa các người cộng ước và các người thụ quyền của họ, lại nói thêm rằng “khế ước không thể làm hại, cũng như không thể làm lợi cho người đệ tam, trừ trường hợp đã định ở điều 672”. Trường hợp quy định bởi điều 672 DLVN là sự cấu ước cho tha nhân. Như vậy, ẩn khế không thể làm lợi cho người đệ tam, người này không có quyền viện dẫn ẩn khế dù ẩn khế có lợi cho người này. Do đó án lệ của Pháp về quyền lựa chọn của người đệ tam không thể được chấp nhận trong dân luật Việt Nam ngày nay.
IV. SỰ CẤU ƯỚC CHO THA NHÂN
Sự cấu ước cho tha nhân là một biện pháp kỹ thuật, theo đó hai người kết ước làm nảy sinh một quyền lợi cho một người đệ tam được hưởng. Hai người kết ước được mệnh danh là người cấu ước và người dự hứa. Người cấu ước đề xướng ra ý kiến tạo lập một quyền lợi cho người đệ tam, người dự hứa thỏa thuận cam kết với người đệ tam. Người đệ tam trở thanh chủ nợ do hiệu lực của sự cấu ước, gọi là người đệ tam thụ hưởng. Cấu ước cho tha nhân không phải là hành vi độc lập, nó là một cơ chế pháp lý nằm trong một khế ước. Chính người cấu ước là một kết phương của khế ước, giữa người này và người dự hứa có một liên hệ pháp lý phát sinh bởi khế ước. Do sự cấu ước cho tha nhân, khế ước lại có hiệu lực cấu tạo một quyền lợi cho một đệ tam nhân. Như vậy, người ta thấy khế ước tạo ra hai mối tương quan pháp lý: Tương quan pháp lý thứ nhất giữa người cấu ước và người dự hứa – Tương quan này là hậu quả thông thường của khế ước; và tương quan pháp lý thứ hai là giữa người dự hứa với người đệ tam thụ hường – Đây là hậu quả của sự cấu ước cho tha nhân. Thí dụ: Trong khế ước bảo hiểm nhân mạng, khế ước phát sinh một mối tương quan pháp lý giữa nhà bảo hiểm và người được bảo hiểm, nhưng hai bên lại thỏa thuận rằng, tiền bồi thường sẽ trả nơi tay một người đệ tam thụ hưởng. mặt khác, cấu ước cho tha nhân là một ngoại lệ đối với nguyên tắc hiệu lực tương đối của khế ước – Theo nguyên tắc này, thì người ta không trở thành chủ nợ hoặc con nợ nếu không phải là một bên trong khế ước. Tuy nhiên, điều 715 DLVN sau khi đặt nguyên tắc là các hiệp ước chỉ có hiệu lực tương đối với người kết ước, đã chấp nhận rằng, khế ước có thể làm lợi cho đệ tam nhân trong trường hợp dự liệu bởi điều 672 DLVN. Điều luật này quy định rằng: “1. Nếu sự lợi tha là điều kiện cho một sự kết ước lợi ký (lợi cho chính người kết ước): Thí dụ: Khế ước bảo hiệm nhân thọ. 2. Hay nếu sự lợi tha là điều kiện cho một sự tặng dữ cho người đệ tam. Sự kết ước này không thể bãi bỏ được khi người đệ tam thụ hưởng đã tỏ ý chấp nhận“. Một sự quy định tương tự cũng được dự liệu bởi điều 664 k3 DLB, 702 DLT, 1121 DLP. Tuy nhiên, cần có một nhận xét: điều 672 khoản 2 DLVN nói rằng, người ta có thể cấu ước cho tha nhân nếu đó là điều kiện cho một s75 tặng dữ cho người đệ tam. Điều khoản này không rõ nghĩa: Khi người ta không hiểu danh từ “người đệ tam” ở đây dùng để chỉ người nào? Người đệ tam ở đây chắc chắn không phải là người đệ tam thụ hưởng trong sự cấu trúc cho tha nhân bởi vì quyền lợi của người này chính là điều kiện của sự tặng dữ. Vậy người đệ tam ở đây phải hiểu là đối ước của người chủ tặng, người thụ tặng, hay người dự hứa trong sự cấu ước cho ta nhân; đó chính là sự qui định cảu các điều 664 k3 DLB, 702 DLT, 1121 DLP.
1. Điều kiện của sự cấu ước cho tha nhân: Người ta có thể phân biệt hai điều kiện: Điều kiện liên quan đến hai người kết ước và điều kiện liên quan đến người đệ tam.
a. Phải có một sự tương quan pháp lý giữa người cấu ước và người dự hứa: Theo điều 672 DLVN, sự cấu ước cho tha nhân chỉ có giá trị trong hai trường hợp: Khi đấy là điều kiện của một sự cấu ước cho chính mình, hoặc khi đấy là điều kiện để người cấu ước tặng dữ cho người dự hứa. Điều luật này giới hạn phạm vi của sự cấu ước cho tha nhân. Sở dĩ như vậy là vì bộ dân luật Pháp mà điều 672 DLVN phỏng theo đã chịu ảnh hưởng sâu xa của bộ luật La Mã. Luật này không hề biết tới ý niệm đại diện nên chỉ trong trường hợp hết sức đặc biệt, người ta mới chấp nhận cho một người trở thành chủ nợ của một khế ước mặc dù người này không tham dự vào việc kết ước. Lý do đó không còn nữa khi người ta đã công nhân rằng một người có thể đại diện quyền lợi cho một người khác trong khế ước. Sự cấu ước cho tha nhân chỉ là một biện pháp, theo đó, người đại diện chuyển hiệu lực của khế ước vào sản nghiệp của một người đệ tam. Nhưng đặc tính của cấu ước cho tha nhân là người ta kết ước cho chính mình, đồng thời cho kẻ khác. Như vậy, giữa người cấu ước và người dự hứa, p[hải có một khế ước, trong đó sự cấu ước cho tha nhân giữ một vai trò riêng biệt.
– Trường hợp sự cấu ước nằm trong một khế ước song vụ: Thường người cấu ước và người dự hứa ký kết với nhau một khế ước song vụ. Khi đó, một bên đương sự có thể, bằng một lời cấu ước, cho một người đệ tam được hưởng quyền lợi mà lẽ ra chính mình được hưởng. Một bên kết ước có thể vẫn giữ vị thế trái chủ và định rằng người đối ước phải chi phó một cung khoản cho người đệ tam. Như vậy, người dự hứa phải chịu hai nghĩa vụ: Một nghĩa vụ phát sinh với người cấu ước, và một nghĩa vụ do sự cấu ước tạo ra đối với đệ tam nhân. Ví dụ: Một người bán một bất động sản có thể ước định rằng, người mua sẽ thay thế mình để trả tiền cho người chủ trước hay cơ quan tín dụng dưới hình thức niên kim. Người cấu ước cũng có thể nhường hẳn tất cả quyền lợi do khế ước mang lại cho đệ tam nhân và như vậy chỉ còn có tư cách là con nợ của chính người đối ước trong việc thi hành nghãi vụ của mình, còn người dự hứa khi ấy trở thành con nợ của người đệ tam. Đó là trường hợp bảo hiểm nhân thọ ký kết cho một người đệ tam được hưởng: Người được bảo hiểm là con nợ phải đóng bảo kim nhưng người được hưởng tiền bồi thường lại là người đệ tam. Ở đây người cấu ước không kết ước vì lợi ích chính mình, nhưng điều đó không trở ngại cho sự cấu ước cho tha nhân. Thực vậy, nếu sự hiện hữu của một liên hệ pháp lý giữa người cấu ước và người dự hứa là một điều kiện cần thiết cho sự cấu ước cho tha nhân, thì điều kiện đó cũng đầy đủ mà không cần rằng liên hệ đó phải khiến cho người cấu ước trở thanh chủ nợ. Án lệ đã chấp nhận quan điểm này. Đó là giải pháp mà điều 702 DLT đã minh thị chấp nhận: Điều luật này nói một cách tổng quát rằng người ta có thể cấu ước cho tha nhân khi nào đó là điều của một việc trả nợ cho người dự hứa. Danh từ trả nợ ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng là mọi sự thi hành một cung khoản; vậy người ta có thể cấu ước cho tha nhân mỗi khi đó là diều kiện của một cung khoản mà người ta ưng thuận cho người đối ước.
– Trường hợp sự cấu ước nằm trong một khế ước tặng dữ: Sự cấu ước cho tha nhân cũng còn được sử dụng trong khế ước tặng dữ. Đây là di tích của ý niệm tặng dữ có điều kiện (Donation sub. modo) trong cổ luật La Mã. Điều 672 DLVN minh thị dự liệu trường hợp này, nhưng thực ra điều đó vô ích vì như chúng ta đã nói trên đây, người ta không cần phải là trái chủ của khế ước, trong đó người ta cấu ước cho tha nhân. Sự cấu ước trong khế ước tặng dữ chỉ còn có giá trị một thí dụ mà thôi.
b. Điều kiện liên quan đến người đệ tam: Danh từ đệ tam nhân ở đây có nghĩa rất rộng chỉ loại trừ các người thụ quyền bao quát. Một sự cấu ước cho người thừa kế không thể gọi là cấu ước cho tha nhân được, vì điều 673 DLVN đã nói rõ rằng: “Sự kết ước không những chỉ lợi cho người đã kết ước, mà còn lợi cho những người thụ quyền, thừa kế của ấy, trừ phi khế ước có tính cách riêng tư vì cá nhân của người kết ước, hay có sự giao ước trái lại“. chỉ có một trường hợp đặc biệt do đạo luật bảo hiểm ngày 17-9-1965 (điều 122) quy định: Khế ước bảo hiểm sinh mạng để cho con cháu được hưởng tiền bồi thường phải xem như ký kết riêng cho quyền lợi các người này, tức là cấu ước cho tha nhân, và như vậy, họ có tố quyền riêng biệt để đòi bồi thường dù họ có khước từ di sản của ông cha để lại.
– Đệ tam nhân không xác định: Trường hợp này phải được chấp nhận với điều kiện là người đệ tam thụ hưởng phải có thể xác định được vào ngày mà sự cấu ước có hiệu lực đối với y. Vậy điều làm trở ngại cho sự hữu hiệu của việc cấu ước cho tha nhân không phải là vì người thụ hưởng không được xác định trong hiện tại, mà là vì người đó không thể xác định được trong tương lai, hay nói khác đi, không bao giờ có thể xác định được. Án lệ trong nhiều trường hợp đã chấp nhận các sự cấu ước cho các người đệ tam không xác định:
+ Nhà xuất cảng đem hàng hóa gửi đi cho các nhà buôn. Nhưng thay vì ghi người thụ hưởng sự bảo hiểm là nhà buôn nọ, nhà xuất cảng lại ghi rằng, người thụ hưởng sẽ là chủ sở hữu cuối cùng của hàng hóa. Làm như vậy là để phòng khi hàng hóa bị mất mát hay hư hao dọc đường thì người mua al5i hàng hóa có thể hường được sự bồi thường của hãng bảo hiểm (PA. Pháp 5-3-1888 D 1888-I-365).
+ Các tặng lập giúp các nhà bác học, các sinh viên, các nhà văn hay các người nghèo như các tặng lập Rockfeller, Rostchild, hay ngay đến các giải thưởng như Nobel, Pullitzer, cũng đều là những sự cấu ước cho tha nhân mà người thụ hưởng không được xác định trước.
– Đệ tam nhân tương lai: Vấn đề đặt ra là có thể cấu ước cho một người chưa sinh ra đời không? Một số luật gia cho rằng, trong trường hợp này, sự cấu ước phát sinh ra một quyền lợi mà không có ai là người sở hữu trong hiện tại, vì vậy, đây chỉ là quyền lợi hư vô. Về điểm này người ta có thể nói rằng các chứng thư pháp lý không cần thiết phải phát sinh hiệu lực tức thì. Thí dụ: Khế ước bán một đồ vật trong tương lai; khế ước này hữu hiệu, mặc dù nói không tạo ra một hiệu lực nào trong hiện tại cả. Vậy sự cấu ước cho một đệ tam nhân tương lai vẫn hữu hiệu, nhưng hiệu lực của khế ước đó bị tạm đình chỉ cho đến khi đệ tam nhân ra đời (TT. Amien 26-2-1879 S 1881 -II-139). Riêng về việc bảo hiểm nhân thọ, Điều 122 đạo luật 1965 cũng đã dự liệu rằng khế ước bảo hiểm có thể được ký kết vì quyền lợi của các con cháu đã sinh ra hoặc sắp sinh ra.
2. Sự thủ đắc quyền lợi bởi người đệ tam: Sự cấu ước cho tha nhân tạo ra một quyền lợi cho người đệ tam. Nhưng điều 672 DLVN mặc nhiên chấp nhận rằng các đương dự có thể thâu hồi quyền lợi ấy nếu người đệ tam chưa tuyên bố muốn thụ hưởng.
a. Sự cấu ước có thể thu hồi được: Tính cách này của sự cấu ước thoạt tiên có vẻ không hợp lý, vì một quyền lợi không thể bị hủy bỏ đi do ý chí của một người khác với chủ thể của quyền lợi ấy, nhất là ngày nay mọi người đều chấp nhận rằng quyền lợi của người đệ tam phát sinh ngay từ khi khế ước được ký kết và trước mọi sự tuyên bố chấp nhận của người ấy. Vậy chúng ta cần phải giải thích tại sao quyền lợi do sự cấu ước cho người đệ tam được hưởng lại có thể bị hủy bỏ đi bởi một người khác. Một số luật gia giải thích rằng, quyền thu hồi căn cứ vào ý chí của người cấu ước và người dự hứa. Ý chí của đương sự khi tạo lập quyền lợi có thể ban cấp cho quyền lợi này các đặc tính mà họ muốn. Vậy họ có thể tạo lập quyền lợi với đặc tính là có thể thu hồi được. Sự giải thích này dựa trên nguyên tắc tự do ý chí của các người kết ước. Song thiết tưởng nên giải thích một cách giản dị là sự tạo lập quyền lợi bằng cấu ước cho tha nhân nằm trong phạm vi hiệu lực của khế ước, do đó các đương sự có toàn quyền ấn định hiệu lực ấy nếu người đệ tam chưa bày tỏ ý chí. Quyền thu hồi đã được chấp nhận, nhưng ai có quyền hành xử quyền thu hồi ấy? Trên nguyên tắc, quyền thu hồi thuộc riêng về người cấu ước, vì chính người này đề xướng ra sự cấu ước, đã chú trọng đến quyền lợi của người đệ tam và đã hành động vì người đó. Song nhiều khi người dự hứa cũng có quyền lợi khi duy trì quyền lợi cho người đệ tam, thí dụ giản dị nhất là người thụ tặng phải trả cho người đệ tam một niên kim chung thân, mà người đệ tam này lại là bà con của cá người cấu ước lẫn người dự hứa. Trong trường hợp này, quyền lợi của người đệ tam chỉ có thể bị hủy bỏ do sự thỏa thuận của người cấu ước và người dự hứa (TT. Grenoble 6-4-1881 D 1882-2-9). Ngoài ra, khi người cấu ước chết đi, các thừa kế của người ấy có quyền thu hồi cấu ước không? Nếu công nhận cho các thừa kế có quyền thu hồi cấu ước thì sẽ rất nguy hiểm cho người đệ tam được thụ hưởng, vì rất có thể họ không ưa người này và bãi bỏ sự cấu ước. Trong khế ước bảo hiểm nhân thọ, nếu người thừa hưởng khoản tiền bồi thường là một đệ tam nhân, và nếu con cháy người quá cố được quyền bãi bỏ sự cấu ước thì số tiền bồi thường sẽ được hoàn lại di sản người quá cố. Sự kiện này tuy có lợi cho con cháu người quá cố nhưng trái hẳn ý muốn cảu người cấu ước đã chết. Tuy nhiên, học lý cũng như án lệ, vẫn công nhận rằng quyền bãi bỏ có thể truyền cho người thừa kế. Nhưng nhà làm luật đã hạn chế quyền này, và đạo luật ngày 17-9-1965 khi quy định về bảo hiểm nhân thọ đã nói rõ các thừa kế chỉ có thể sử dụng quyền này sớm nhất là ba tháng sau khi những người đệ tam thụ hưởng được đốc thúc bằng chứng thư ngoại tư pháp để cho biết có nhận hay không.
b. Sự tuyên bố chấp nhận của người đệ tam: Sự chấp thuận này là cần thiết để bảo vệ tự do pháp lý của cá nhân. Thực ra điều 672 DLVN không hoàn toàn trái ngược hẳn với nguyên tắc hiệu lực tương đối của khế ước nói trong điều 715 DLVN: Quyền lợi có thể được tạo lập mà không cần có ý chí của người đệ tam, nhưng người này phải bày tỏ ý chí muốn thụ hưởng quyền lợi ấy. Người đệ tam rất có thể có những lý do riêng để từ chối lợi ích của sự cấu ước. Khi người đệ tam chấp nhận thì lợi ích này được chuyển dịch vĩnh viễn vào sản nghiệp của họ và do đó, không thể bị thu hồi lại được nữa. Nhưng cần phải lưu ý một điểm quan trọng là quyền lợi của người đệ tam có trước sự chấp thuận, quyền lợi này được tạo lập bởi ý chí của người cấu ước và người dự hứa, và ngay từ khi có sự cấu ước. Sự kiện này đưa đến nhiều hậu quả quan trọng:
– Vì ý chí người đệ tam không cần thiết cho sự cấu ước tạo quyền lợi, nên sự cấu ước vẫn hữu hiệu, mạc dù kh đó người này có thể không có năng lực kết ước. Tuy nhiên, người đệ tam cũng phải có năng lực hưởng thụ, và năng lực này phải được xét định vào ngày cấu ước chứ không phải vào ngày chấp thuận.
– Người đệ tam phải coi như được hưởng quyền lợi ngay từ khi cấu ước.
– Người đệ tam có thể chấp nhận sau khi người cấu ước đã qua đời. Giải pháp này rất hữu ích trên thực tế trong trường hợp bảo hiểm nhân thọ: Gần như bao giờ người đệ tam thụ hưởng cũng chờ cho người cấu ước qua đời mới tỏ ý chí chấp thuận. Sự chấp thuận này cũng có thể làm sau khi người dự hứa chết nếu người này có để lại thừa kế.
– Sự chấp nhận còn có thể do người thừa kế cả người đệ tam tuyên bố, nếu người này chết trước khi quyền lợi của y bị thu hồi. Ngoài ra, sự chấp thuận của người đệ tam có thể là minh thị hay mặc nhiên. Nếu người đệ tam không có cử chỉ gì phản đối khi khế ước được ký kết và sau đó lại viện dẫn khế ước để đòi người dự hứa phải thi hành nghãi vụ, thì người đó được coi như đã chấp thuận.
c. Giải thích sự tạo lập quyền lợi cho người đệ tam: Sự tạo lập quyền lợi cho người đệ tam có vẻ nghịch lại nguyên tắc tự do pháp lý của cá nhân, cho nên học thuyết đã phải nhiều phen tranh luận gay go để giải thích tại sao và trong những điều kiện nào, sự cấu ước có thể phát sinh một quyền lợi cho người đệ tam:
– Thuyết đề ước: Lý thuyết thứ nhất là lý thuyết đề ước. Do khế ước ký kết với người dự hứa, người cấu ước được hưởng một quyền lợi, nhưng lại đem quyền lợi này đề ước cho người đệ tam. Khi người đệ tam chấp nhận thì khế ước thứ hai được thành lập. Như vậy, người ta giải thích sự tạo lập quyền lợi cho người đệ tam dựa trên ý niệm khế ước cổ điển. Người đệ tam trở thành chủ nợ do hiệu lực của một khế ước ký kết với người cấu ước, còn người dự hứa thì đã chấp nhận trước một sự thay đổi chủ nợ như thế. Lý thuyết này có điều bất tiện vì nếu người cấu ước là trái chủ, dù rằng chỉ tạm thời thôi, trái quyền sẽ trở thành vật thế chấp của các chủ nợ của họ. Vậy nếu người này bị phá sản thì người đệ tam sẽ không được hưởng quyền lợi ấy nữa. Lý thuyết cũng không giải thích được vì sao người đệ tam lại được hưởng quyền lợi ngay từ khi có cấu ước.
– Lý thuyết quản lý sự vụ: Theo các luật gia Pothier, Labbe, thì sự cấu ước cho tha nhân là một quản lý sự vụ vì người cấu ước đã làm một việc cho người đệ tam mà đáng lẽ chỉ có thể làm nếu như được người đệ tam ủy quyền. Sự chấp thuận của người đệ tam là một sự phê chuẩn có hiệu lực làm cho hành vi ấy trở thành vĩnh viễn. Sự phê chuẩn này có thể xảy ra sau khi người cấu ước chết và có thể do người thừa kế của người đệ tam. Sự thực, giữa cấu ước cho tha nhân và quản lý sự vụ có nhiều điểm khác nhau: Người quản lý sự vụ chỉ có nhiệm vụ duy nhất là đại diện cho người chủ, vì vậy người quản lý sự vụ không kết ước cho chính họ. Trái lại, trong sự cấu ước cho tha nhân, người cấu ước đã làm hai việc: Một đằng họ kết ước cho chính họ và mang tài sản của chính mình ra cam kết, nhưng đồng thời, họ cũng đại diện cho quyền lợi của người đệ tam.
– Lý thuyết quyền lợi trực tiếp: Vì không thể đồng hóa sự cấu ước cho tha nhân với một loại khế ước nào có sẵn, nên nhiều tác giả đã giải thích là điều 1121 DLP, tương ứng với điều 672 DLVN chỉ là một ngoại lệ đối với điều 1165 DLP, tương ứng với điều 715 DLVN, và khế ước tạo lập cho người đệ tam một quyền lợi trực tiếp giống như quyền lợi của các người cộng ước. Song thuyết này không giải thích được gì hết mà chỉ nhìn nhận một kết quả.
– Lý thuyết dựa trên đại diện quyền lợi của tha nhân: Thật ra sự cấu ước cho tha nhân là một kỹ thuật pháp lý có tính chất và hiệu lực riêng biệt. Đó là một phát minh của nền pháp lý mới. Mọi sự khó khăn là do nơi học lý và án lệ đã tìm cách giải thích kỹ thuật ấy bằng những nguyên tắc pháp lý cổ điển. Bên cạnh việc quản lý sự vụ, sự cấu ước cho tha nhân là một hình thức đại diện quyền lợi cho người đệ tam. Khi ký kết khế ước, người cấu ước đã tự ý chăm lo cho quyền lợi của kẻ khác. Người này hành động cho chính mình và hành động cho kẻ khác. Sự kiện đó đưa đến một sự phân chia hiệu lực của khế ước: Một hiệu lực pháp lý được thành lập trong sản nghiệp của người cấu ước, nhưng đồng thời một trái quyền được cấu tạo cho người đệ tam. Sự cấu tạo quyền lợi này có ngay cùng một lúc với khế ước, nhưng quyền lợi đó chỉ được chuyển vào sản nghiệp của người đệ tam khi người này tỏ ý chí chấp thuận.
3. Hiệu lực của khế ước cho tha nhân: Sự cấu ước cho tha nhân tạo lập ra ba mối tương quan pháp lý riêng biệt: Tương quan giữa người cấu ước và người dự hứa; tương quan giữa người dự hứa và người đệ tam; Tương quan giữa người cấu ước và người đệ tam.
a. Tương quan giữa người cấu ước và người dự hứa: Trước hết chúng ta cần nhận định rằng giữa người cấu ước và người dự hứa có một khế ước, và khế ước này phát sinh mọi hiệu lực như một khế ước thông thường. Nhưng trong khế ước này lài có một sự cấu ước cho tha nhân, cho nên vấn đề cần xét ở đây là người cấu ước có những quyền gì để buộc người dự hứa phải thi hành nghĩa vụ đối với người đệ tam:
– Tố quyền thu hoàn: Nếu người cấu ước đã trao cho người dự hứa một đồ vật hoặc một số tiền với điều kiện là người này phải làm cái gì đó cho người đệ tam, thì khi người dự hứa không thi hành lời hứa, người cấu ước có quyền thu hồi đồ vật hay số tiền nói trên. Trên thực tế, mỗi khi người cấu ước sử dụng tố quyền thu hoàn, người dự hứa sẽ thi hành nghĩa vụ vì như thế còn hơn là phải giao hoàn lại đồ vật hay tiền bạc đã thu nhận.
– Tố quyền đòi thi hành lời hứa: Nhưng tố quyền thu hoàn nói trên chỉ là một biện pháp gián tiếp buộc người dự hứa phải thi hành. Vậy người cấu ước có quyền trưc tiếp đòi hỏi người dự hứa thi hành lời hứa không? Trên nguyên tắc thì không được. Chính người đệ tam mới là chủ nợ và mới có tố quyền đó (không có quyền lợi thì không có tố quyền). Tuy nhiên, người cấu ước có thể có thể có lợi nếu người dự hứa thi hành lời hứa. Thí dụ: Ông A ký kết một khế ước với ông B, trong đó ông Ba hứa sẽ cho người thụ ủy của ông A vay tiền, hoặc cung cấp các vật liệu và dụng cụ cho thợ của ông A. Trong trường hợp này, chính người cấu ước được lợi nếu khế ước được thi hành, cho nên, người cấu ước có quyền lợi để hành xử tố quyền đối với người dự hứa.
b. Tương quan giữa người đệ tam và người dự hứa: Do sự cấu ước cho tha nhân, khế ước ký kết giữa người cấu ước và người dựa hứa phát sinh một liên hệ pháp lý trực tiếp giữa người đệ tam và người dự hứa.
– Tố quyền trực tiếp của người đệ tam đối với người dự hứa: Sự cấu ước phát sinh quyền lợi trực tiếp cho người đệ tam (PA. Pháp 2-7-1885 D 1885-I-150). Trái với thuyết đề ước, quyền lợi này không phải do người cấu ước chuyển giao lại cho người đệ tam, và cũng không hề bao giờ hiện hữu trong sản nghiệp của người cấu ước. Người đệ tam được hưởng quyền lợi ngay khi khế ước được ký kết, và tức khắc trở thành chủ nợ của người dự hứa. Nếu người đệ tam từ khước thì người đó đã từ bỏ một quyền lợi đã thủ đắc (PA Pháp 16-1-1888 D 1888-1-77). Khi người này chết đi thì quyền lợi truyền lại cho người thừa kế của họ. Trong trường hợp người dự hứa không thi hành lời hứa thì người đệ tam có quyền sử dụng mọi biện pháp cưỡng thúc của một chủ nợ đối với con nợ. Nhưng người đệ tam không có tố quyền giải tiêu khế ước; tố quyền này thuộc riêng về người cấu ước vì chỉ có lợi cho người cấu ước mà thôi.
– Những khước biện mà người dự hứa có thể đối kháng với người đệ tam: Nếu người đệ tam được hưởng một trái quyền trưc tiếp đối với người dự hứa, thì quyền lợi đó cũng bắt nguồn từ khế ước ký kết giữa người cấu ước và người dự hứa. Do đó, người dự hứa có thể đối kháng với người đệ tam những khước biện mà họ có thể đem chống lại người cấu ước (PA Pháp 19-2-1892 D 1893-1-145). Những khước biện đó là:
+ Sự vô năng lực: Nếu khi kết ước mà người dự hứa vô năng lực thì khế ước sẽ vô hiệu đối với người cấu ước cũng như đối với người đệ tam;
+ Hà tì của sự ưng thuận: Khế ước cũng sẽ vô hiệu nếu có lầm lẫn, bạo hành hoặc gian trá.
+ Người cấu ước không thi hành nghĩa vụ: Nếu người cấu ước không thi hành nghĩa vụ đối với người dự hứa, thì người này sẽ không phải thi hành lời hứa với đệ tam nhân.
c. Tương quan giữa người đệ tam và người cấu ước: Người cấu ước không cam kết gì với người đệ tam và ngược lại. Vậy khế ước không tạo lập nghĩa vụ gì giữa người cấu ước và người đệ tam cả. Tuy nhiên, đôi khi hiệu lực của sự cấu ước cho tha nhân có thể lệ thuộc vào ý chí chung của người cấu ước và đệ tam nhân và tình trạng của họ trước ngày cấu ước. Người ta phân biệt hai trường hợp, tùy theo sự cấu ước có tính cách hữu thường hay vô thường:
– Nếu người cấu ước không theo đuổi một lợi ích vật chất nào mà chỉ muốn tặng dữ cho người đệ tam thì trái với lệ thường, sự tặng dữ này hữu hiệu mặc dù khế ước tạo lập chỉ được làm dưới hình thức một tư chứng thư.
– Nếu trước ngày cấu ước, người đệ tam lại là chủ nợ của người cấu ước, thì số tiền mà người dự hứa trả cho người này sẽ được khấu trừ vào khoản nợ giữa người đệ tam và người cấu ước./.
Bình luận