Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

21. Sự đắc lợi vô nguyên nhân

SỰ ĐẮC LỢI VÔ NGUYÊN NHÂN 

Trong nhiều bộ dân luật tân tiến, bên cạnh các khế ước và các hành vi phạm pháp, nhà lập pháp còn liệt kê một nguồng gốc thứ ba của nghĩa vụ, đó là, sự đặc lợi vô nguyên nhân (enrichissement sans cause). Điều 812 DL Đức, 62 luật nghĩa vụ Thụy sĩ quy định rằng: “Người nào, không có nguyên nhân chính đáng, đã đắc lợi khiến người khác phải thua thiệt thì phải bồi hoàn”. DLB, DLT cũng xếp hai trường hợp quản lý sự vụ và chi phó bất phụ trái dưới đề mục các nghĩa vụ do sự đắc lợi bất chính đáng sinh ra (Obligations résultant d’un enrichissement indu: Nghĩa vụ phát sinh từ việc làm giàu bất chính). Nhà lập pháp Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của lý thuyết đắc lợi vô nguyên nhân. Tuy nhiên, vấn đề là có thể xếp “quản lý sự vụ” và “chi phó bất phụ trái” vào tập các trường hợp đặc lợi vô nguyên nhân không? Nếu ý niệm đặc lợi vô nguyên nhân có một bản chất và phạm vi khác thì tất nhiên, cần phải phân tích rõ các điều kiện và hiệu lực của ý niệm này.
1. Sự đắc lợi vô nguyên nhân là một nguồn gốc biệt lập của nghĩa vụ: Học lý và án lệ trong dân luật của Pháp đã bàn cãi sôi nổi về sự đắc lợi vô nguyên nhân trước khi thừa nhận ý niệm này như một nguồn gốc biệt lập của nghĩa vụ. Người ta thường mượn trong cổ luật La Mã danh từ tố quyền “de in rem verso” để chỉ tố quyền xin thu hoàn sự đắc lợi không nguyên nhân. Sự thật, trong cổ luật La Mã, tố quyền “de in rem verso” chỉ được hành sử trong một trường hợp đặc biệt. Khi một khế ước được kết lập với một người còn ở dưới thân quyền (alieni juris), nghĩa là không có năng lực, mà không được người gia trường cho phép, khế ước ấy bị coi là vô hiệu. Tuy nhiên, nếu người gia trưởng do khế ước ấy đã hưởng được một lợi ích gì, thì người kết ước kia được quyền đòi hoàn lại lợi ích ấy. Song, nguyên tắc đắc lợi vô nguyên nhân còn được thừa nhận rộng rãi hơn trong luật La Mã. Luật gia Sextus Pomponius đã viết trong Pháp Điển Digeste (50.17.20): “Jure naturae aequum est neminem cum alterius detrimento et injuria fieri locupletiorem” (Theo quy luật tự nhiên, công bằng là không ai trở nên giàu có hơn trước sự mất mát và tổn thương của người khác. Hoặc theo lời dịch của Vũ Văn Mẫu là: Theo tự nhiên pháp, lẽ công bằng là không ai có thể đắc lợi mà làm cho người khác thua thiệt). Căn cứ vào nguyên tắc ấy, cổ luật La Mã đã quy định tố quyền thu hoàn (condictio, action en répétition) trong nhiều trường hợp như: Trộm cắp, nghĩa vụ không nguyên nhân hay có nguyên nhân bại luân, chi phó bất phụ trái. Trong DLP, DLT, DLB, nhà lập pháp không minh thị thừa nhận trong một điều khoản nào nguyên tắc đắc lợi vô nguyên nhân. Tuy nhiên, DLB, DLT có dùng đề mục “Các nghĩa vụ do sự đắc lợi bất chính đáng sinh ra”. Song nguyên tắc này cũng không được nêu rõ. Dù có chủ trương rằng nguyên tắc đắc lợi bất chính đáng đã được nhà lập pháp chấp nhận, thì cũng không rõ hẳn phạm vi áp dụng, các điều kiện, và hiệu lực của nguyên tắc ấy. Các điểm khó khăn này cũng là đề tài tranh luận trong các học lý và án lệ của Pháp. Nhiều luật gia cũng đã từng chủ trương rằng ý niệm đắc lợi vô nguyên nhân không phải là một học thuyết biệt lập và có thể được bao gồm trong lý thuyết quản lý sự vụ hay lý thuyết trách nhiệm dân sự. Theo luật gia Marcel Planiol, khi đắc lợi khiến người khác phải thua thiệt, ta đã  làm một điều quá thất, và do đó, ta phải bồi thường trên căn bản trách nhiệm dân sự phạm thông thường, không cần đến ý niệm đắc lợi vô nguyên nhân. Tuy nhiên, sự suy luận này không xác đáng vì hai lẽ:
a. Nhiều khi, sự đắc lợi không thể tìm được sự quá thất nào. Thí dụ: do một sự đo đạc lầm ranh giới, người làng giềng đã xây dựng lên trên đất của tôi, tôi được hưởng quyền phụ thêm (droit d’accession: quyền gia nhập); Nhưng nếu chỉ áp dụng các nguyên tắc thường luật của trách nhiệm dân sự, họ sẽ không thể nào đòi bồi thường được, vì không một hành vi nào của tôi có thể coi như một sự quá thất đã gây ra sự tồ thiệt cho họ.
b. Nếu áp dụng lý thuyết dân sự phạm, sự bồi thường bao giờ cũng được tính theo mức tổn thiệt. Trong lý thuyết đắc lợi vô nguyên nhân, sự bồi thường chỉ ở ngang mức đắc lợi, mặc dù sự đắc lợi nhò hơn sự tổn thiệt. Thí dụ: Khi người láng giềng vì ngay tình đã xây cất lầm trên đất của tôi, tôi chỉ phải bồi thường, hoặc là tiền xây cất hoặc khoản thặng dư giá trị mà tôi được hưởng lợi về thửa đất ấy, mặc dù giá trị này kém giá trị xây cất. Trong lý thuyết các phí dụng, theo luật, người sở hữu chủ cũng chỉ phải hoàn lại các phí dụng tất yếu (les impenses nécessaires: các chi phí cần thiết) và các phí dụng hữu ích (les impenses utiles: chi phí hữu ích) mà không phải hoàn lại các phí dụng hư phù (les impenses voluptuaires: chi phí tự nguyện).
Vì hai lẽ a, b trên, ngày nay lý thuyết của luật gia Marcel Planiol đã bị bỏ lãng quên trong học lý. Một lý thuyết sai lầm khác của học lý và án lệ của Pháp trong thế  kỷ 19, chủ trương rằng, trường hợp đắc lợi vô nguyên nhân chỉ là hình thức của quản lý sự vụ. Sở dĩ người đắc lợi phải hoàn lại cho người bị suy bần là vì người bị suy bần đã hành động với tư cách là một người quản lý sự vụ. Song lý thuyết này cũng không đứng vững vì hai lẽ:
a. Hai định chế có một sự sai biệt về bản chất. Trong trường hợp quản lý sự vụ, người quản lý bắt buộc phải có ý chí đảm nhận việc quản lý, để giúp chủ nhân. Điều kiện này không cần thiết trong lý thuyết đắc lợi vô nguyên nhân. Thí dụ: Người làng giềng, vì lầm lẫn và ngay tình, đã xây cất  trên đất của tôi, tất nhiên không thể có ý chí xây cất hộ tôi.
b. Về mặt bồi thường cũng khác. Sự quản lý sự vụ, là một biện pháp đáng khuyến khích, vì vậy nhà làm luật đã bắt chủ nhân sự vụ phải hoàn lại tất cả các chi phí hữu ích mà người quản lý đã đứng ra, mặc dù chủ nhân không hẳn được hưởng một lợi ích tương đương. Trong lý thuyết đắc lợi vô nguyên nhân, sự bồi hoàn căn cứ vào sự đắc lợi, nên phạm vi chật hẹp hơn. Thí dụ: Một người làng giềng đã bỏ phân bón vào thửa ruộng của tôi và sau đó, vì có mưa lụt, phân bón đó đã bị trôi hết, không ích gì cho thửa ruộng của tôi cả. Nếu đó là trường hợp quản lý sự vụm vì người láng giềng đã coi sóc ruộng cho tôi trong khi tôi vắng mặt, mặc dù phân bón đã bị mưa lụt trôi hết, tôi vẫn phải hoàn lại tất cả các phí tổn. Nếu là trường hợp đắc lợi vô nguyên nhân vì người láng giềng lầm tưởng rằng chính là ruộng của họ, tôi không phải bồi hoàn gì, vì tôi không hề đắc lợi, các phân bón đã bị trôi hết vì mưa lụt.
Vì các lý lẽ trên đây, kể từ cuối thế kỷ 19, án lệ và học lý của Pháp đã coi sự đắc lợi vô nguyên nhân như một nguồn gốc biệt lập của nghĩa vụ. Nguốn gốc này phát sinh ở ý niệm công bằng khiến không ai có thể đắc lợi làm hại cho người khác.
2. Điều kiện của đắc lợi vô nguyên nhân: Nếu chỉ nêu một nguyên tắc tổng quát: “không ai được đắc lợi mà làm thua thệt đến người khác” thì giải pháp này không khỏi xâm phạm đến tính cách ổn cố của các khế ước và sẽ mở rộng cửa cho những vụ kiện vô lý. Vì vậy, án lệ đã phải đặt ra năm điều kiện về sự áp dụng lý thuyết đắc lợi vô nguyên nhân:
2.1. Phải có một sự suy bần và một sự đắc lợi tương quan (appauvrissement et enrichissement corrélatifs: sự nghèo đi và sự giàu có tương quan). Cần phải có một sự suy bần. Danh từ suy bần phải được hiểu theo nghĩa rộng. Các sự khó nhọc về tinh thần và mất thời gian dạy dỗ của một nhà giáo dạy trẻ đã được án lệ coi là sự suy bần. Nếu giữa nhà giáo và cha mẹ đứa trẻ không có một khế ước đã ký kết, thì trong trường hợp nhà giáo không được trả tiền dạy học, nhà giáo sẽ không thể căn cứ vào các điều khoản quy định trong bộ dân luật về khế ước ước dung công để kiện cha mẹ học trò. Nhưng án lệ của Pháp đã thừa nhận cho nhà giáo được hành sử tố quyền (de in rem verso). Ngoài ra, còn cần phải có một người được hưởng một sự đắc lợi. Danh từ này cũng được hiểu theo nghĩa rộng. Thông thường, sự đắc lợi có một giá trị về tài chính, nhưng án lệ ngày nay cũng thừa nhận các sự đắc lợi về tinh thần (enrichissement moral et intellectuel: bồi dưỡng đạo đức và trí tuệ), như trường hợp các họ trò đã được thụ giáo. Sự đắc lợi phải là hệ quả của sự suy bần trực tiếp hoặc gián tiếp như trong trường hợp sự đắc lợi được thực hiện qua trung gian sản nghiệp của một đệ tam nhân.
2.2. Người bị suy bần không làm một quá thất nào. Thí dụ: một công ty đặc nhượng về điện nước chỉ vì đã ghi chép nhầm công tơ (compteur: đồng thồ đếm thu tiền), cho nên không đòi đủ nợ khách hàng; công ty này không thể hành sử tố quyền “de in rem verso” vì tự họ đã làm một việc quá thất (Lyon 26-3-1943 Gaz.Pal. 1943.2.27).
2.3. Người bị suy bần không hành động với lợi ích riêng: Một người chủ bỏ tiền đắp một con đê để bảo vệ ruộng đất của họ, mặc dù con đê này ích lợi cho cả các thửa ruộng bên cạnh, họ cũng không thể kiện các chủ ruộng này trên cơ sở đắc lợi vô nguyên nhân. Theo quy định của ba bộ dân luật, người được hưởng quyền dụng ích cũng không thể được bồi hoàn về những tu sức (ameliorations: cải tiến); sở dĩ các công việc này được thực hiện là vì có lợi ích cho họ, nhất là khi họ biết rõ rằng quyền lợi của họ chỉ có tính cách tạm thời.
2.4. Sự đắc lợi vô nguyên nhân: Điều kiện này là điều kiện quan trọng nhất và có hiệu quả giới hạn phạm vi của tố quyền “de in rem verso”. Tronghai bộ DLB và DLT, nhà làm luật đã dùng một danh từ khác: sự đắc lợi bất đáng (un enrichissement indu). Nhưng thiết tưởng qua danh từ này, nhà làm luật cũng chỉ thừa nhận quan điểm án lệ của Pháp: Sự đắc lợi có tính cách bất đáng khi nào không có nguyên nhân. Nguyên nhân của sự đắc lợi phải được hiểu theo ý niệm nguyên nhân của nghĩa vụ mà chúng ta đã có dịp phân tích. Danh từ nguyên nhân phải được hiểu theo quan niệm của luật La Mã về vấn đề này: “Sự đắc lợi có một nguyên nhân chính đáng khi nguồn gốc của sự đắc lợi có tính cách hợp pháp như khi bắt nguồn ở một chứng thư pháp lý hữu hiệu, ở một sự áp dụng một quy tắc pháp lý hay tục lệ:
a. Khi có một chứng thư pháp lý như một khế ước đã được kết lập giữa hai người đắc lợi và người bị suy bần, sự đắc lợi được coi là nguyên nhân chính đáng. Tòa phá án Pháp đã xác nhận rõ rệt điểm này trong nhiều bản án quan trọng. Nếu một khế ước ký kết giữa hai bên, dù một bên có được lợi cũng là sự tự nhiên trong việc kết ước, trừ phi có những trường hợp thiệt thòi mà luật đã dự liệu. Dù thiệt thòi như thế nào cũng không thể hành sử tố quyền de in rem verso (tố quyền đắc lợi vô nguyên nhân) mà chỉ có thể hành sử tố quyền thiệt tiêu.
b. Pháp luật và án lệ cũng được coi là nguyên nhân chính đáng cho sự đắc lợi.
– Thí dụ: Một người chịu trách nhiệm về một vụ cháy do họ gây nên, theo luật, họ phải bồi thường cho người bị cháy bằng cách xây dựng lại một căn nhà mới cho chủ có căn nhà bị cháy. Tuy chủ nhà bị cháy có lợi, vì họ được đền nhà mới, trong khi nhà bị cháy chỉ là căn nhà cũ, song lợi ích này có một nguyên nhân chính đáng là do sự áp dụng pháp luật.
– Trường hợp người phụ trái được hưởng thời hiệu cũng ở trong trường hợp tương tự và không thể bị chủ nợ kiện bằng tố quyền de in rem verso;
c. Nếu áp dụng các tục lệ, các tập quán có thể giải thích được sự đắc lợi thì có thể coi đó là sự đắc lợi có nguyên nhân. Và tập quán có thể là những tập quán có tính cách gia đình.
2.5. Tố quyền đắc lợi vô nguyên nhân chỉ có tính cách dự xung (caractère subsidiaire: tính cách phụ): Tố quyền de in rem verso chỉ có thể do người bị suy bần hành sử khi họ không được pháp luật dành cho một tố quyền nào khác để bênh vực quyền lợi của họ. Vì vậy, tố quyền này có tính cách dự xung. Để hiểu rõ tầm quan trọng của điều kiện này, thiết tưởng ta nên phân tích ba trường hợp:
a. Người suy bần đã có thể hành sử một tố quyền khác đã được quy định trong luật như tố quyền kiện đòi bồi thường về trách nhiệm dân sự, tố quyền thiệt tiêu, tố quyền thu hoàn bất phụ trái, tố quyền quản lý sự vụ … Lẽ dĩ nhiên, người suy bần không thể nại trước tòa sự đắc lợi vô nguyên nhân, mặc dù phương pháp này có thể thuận lợi hơn cho họ. Nếu các giải pháp trên không được chấp nhận, sự quy định trong luật pháp về các tố quyền đặc biệt ghi trên sẽ vô ích, vì muốn tránh những luật lệ ấy, người suy bần chỉ cần cầu viện tố quyền de in rem verso. Do đó, tính cách dự xung của tố quyền này rất cần thiết. Tuy nhiên, có một vấn đề rất tế nhị. Nếu những tố quyền đặc biệt đã được luật pháp qu định không thể đem lại trong thực tế cho người suy bần kết quả mong muốn, thì người  này có thể hành sữ tố quyền de in rem verso. Trong bản án ngày 11-9-1940, phòng thỉnh nguyện của Tòa phá án Pháp đã chấp nhận trường hợp này. Vụ này, một nhà thầu khoán đã sửa chữa một ngôi nhà. Song người chủ mới mua ngôi nhà này không có tư lực nên không trả nổi nợ cho cả chủ thầu lẫn người bán nhà. Trong trường hợp thông thường, người thầu khoán không thể hành sử tố quyền de in rem verso, vì đã có tố quyền riêng biệt căn cứ vào khế ước thầu khoán. Nhưng trong vụ kiện này, vì người mua nhà vô tư lực, nên tố quyền này vô ích trong thực tế. Do đó, nhà thầu đã được Tòa án thừa nhận cho hành sử tố quyền đắc lợi vô nguyên nhân để đòi tiền bồi thường chủ bán, vì người này sau khi kiện xin thủ tiêu khế ước bán, đã lấy lại được nhà.
b. Khi tố quyền mà luật pháp dành cho người suy bần đã bị thời tiêu, như trong trường hợp tố  quyền của chủ nợ hay trường hợp quyền sở hữu của người chủ đất đã bị thời tiêu, lẽ dĩ nhiên tố quyền de in rem verso cũng không thể sử dụng được, nếu không các luật lệ về thời hiệu  không còn được tôn trọng.
c. Nếu người suy bần không thỏa mãn hết các điều kiện để hành sử tố quyền đặc biệt đã được luật pháp dự liệu, họ có thể hành sử tố quyền de in rem verso không? Đây là vấn đề tế nhị hơn cả.
– Có những trường hợp, như thiệt thòi quá đáng, người suy bần chắc chắn không được hành sử tố quyền này, một khi họ đã không hội đủ các điều kiện của tố quyền thiệt tiêu. Nhưng cũng không thể nhất thiết quyết định rằng khi nào đương sự không thể hành sử tố quyền khác vì thiếu điều kiện thì họ cũng không thể dùng tố quyền de in rem verso. Nếu chấp nhận một giải pháp khó khăn như vậy thì cũng có nghĩa là cấm hẳn sự hành sử tố quyền này. Thí dụ: Nếu người thầy gió dạy rẻ không ký kết khế ước thì không thể nại các điều khản được dự liệu trong bộ dân luật về khế ước dung công. Song nếu không cho họ hành sử tố quyền de in rem verso, để đòi tiền học phí thì quá bất công nên án lệ Pháp đã chấp nhận. Để giải quyết vấn đề trên, tiêu chuẩn mỹ mãn nhất là tìm biết rõ ý chí của nhà lập pháp. Nếu nhà lập pháp không muốn cho đương sự hành sử tố quyền nào khác, khi họ không đủ điều kiện để được viện tố quyền mà luật đã dự liệu cho họ, tố quyền đắc lợi vô nguyên nhân không thể hành sử được. Thí dụ: Một người bán nhà, nếu bị thiệ thòi quá một nửa giá bán, họ có thể hành sử tố quyền thiệt tiêu. Nếu sự thiệt thòi không đủ quan trọng, họ không thể kiện người mua với tố quyền đắc lợi không nguyên nhân. Song nếu nhà lập pháp chỉ muốn dành cho đương sự một giải pháp thuận lợi đặc biệt bằng cách quy định một tố quyền riêng biệt, lẽ tất nhiên, trong trường hợp đương sự không thỏa mãn đủ các điều kiện để hành sử tố quyền đặc biệt này, họ vẫn có thể hành sử tố quyền đắc lợi vô nguyên nhân.
3. Hiệu lực của sự đắc lợi vô nguyên nhân: Người đắc lợi vô nguyên nhân có nghĩa vụ phải hoàn lại cho người suy bần. Song nghãi vụ này có hai giới hạn: Sự suy bần và sự đắc lợi.
a. Giới hạn thứ nhất là sự suy bần: Lẽ dĩ nhiên, nguyên đơn không thể xin bồi hoàn quá số tiền mà họ đã phải tiêu để xây cất hoặc quá các chi phí mà họ đã trả.
b. Giới hạn thứ hai là sự đắc lợi: Tuy nhiên, người đắc lợi vô nguyên nhân không phải bồi hoàn quá mức lợi ích mà họ đã hoạch đắc. Đây là điểm sai biệt chính yếu với tố quyền bất phụ trái. Người đã thu nhận một khoản bất phụ trái phải hoàn lại toàn thể số tiền mà họ đã thu nhận, mặc dù số tiền ấy lới hơn lợi ích mà họ đã được hưởng thực sự.
Trong sự đắc lợi vô nguyên nhân, sự đắc lợi được tính vào lúc nào? Theo án lệ của Pháp, muốn biết sự đắc lợi quan trọng đến mức nào, thì phải tính sự đắc lợi vào lúc người suy bần khởi kiện xin đòi bồi thường. Nếu khi ấy sự đắc lợi đã tiêu tan, tất nhiên người suy bần không thể xin bồi thường được nữa, như trong thí dụ phân bón đã bị nước mưa lụt cuốn trôi mất hết. (Xem Dân luật 1972 để đối chiếu với đề xuất của Giáo sư Vũ Văn Mẫu)./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar