Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

23. Phạm vi trách nhiệm dân sự

PHẠM VI TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ 

Khi nói đến trách nhiệm dân sự, cần phải nhớ rằng, không phải chỉ riêng trong dân luật mới có trách nhiệm dân sự. Sự thực, như chúng ta đã rõ, để hiểu ý niệm trách nhiệm dân sự, phải đối chiều với ý niệm ấy với trách nhiệm hình sự. Trong trách nhiệm dân sự, người phụ trách không phải chịu một hình phạt, mà chỉ phải bồi thường một sự tổn thiệt. Như vậy, ngoài các sự bồi thường giữa tư nhân thuộc về dân luật, phạm vi trách nhiệm dân sự còn bao gồm các sự bồi thường giữa tư nhân với cơ quan hành chính hoặc vì tư nhân đã gây sự tổn hại cho các cơ quan này hoặc ngược lại. Các vấn đề bồi thường liên quan đến một cơ quan hành chính, thuộc về phạm vi luật hành chính. Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường dân sự còn lan rộng đến các vấn đề bồi thường giữa các nhân công và chủ xí nghiệp trong các tai nạn lao động. Trong phạm vi dân luật, chúng ta sẽ không nghiên cứu về hai vấn đề trách nhiệm dân sự nói trên thuộc về luật hành chính hay luật lao động. Trong địa hạt của trách nhiệm dân sự về dân luật, còn cần phân biệt nhiều loại trách nhiệm. Một mặt khác, trong dân luật, phạm vi trách nhiệm dân sự cũng cần phân biệt với các địa hạt, vì không thể đem áp dụng các quy tắc của trách nhiệm trong các địa hạt này được. Lần lượt chúng ta sẽ xét hai vấn đề: Các loại trách nhiệm dân sự và giới hạn trách nhiệm dân sự trong dân luật.

I. CÁC LOẠI TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ TRONG DÂN LUẬT. Trong dân luật, hai loại trách nhiệm dân sự cổ điển thường được nói tới: Trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm và trách nhiệm khế ước. Nhưng sự thực, còn có các nghĩa vụ pháp định và chuẩn khế ước mà sự vi phạm cũng sẽ nêu lên những vấn đề trách nhiệm. Các vấn đề này có thể giải quyết trong phạm vi hai loại trách nhiệm nói trên không? Đó là hai điểm cần được nghiên cứu.
I.1. Phạm vi trách nhiệm khế ước và trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm. Như chúng ta đã khảo cứu, khi một người kết ước không thi hành nghĩa vụ, như một người không bàn giao hàng, họ sẽ phải chịu trách nhiệm khế ước. Khi một người vi phạm vào một nghĩa vụ được quy  định trong bộ dân luật, trong đề mục dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm, họ sẽ phải chịu một trách nhiệm dân sự hoặc chuẩn dân sự phạm. Các dân sự phạm và chuẩn dân sự phạm đã được quy định rõ rệt trong dân luật. Trái lại, nội dung khế ước thay đổi vô cùng, tùy theo ý muốn của các người kết ước. Vì vậy cần phải biết: 1. Khi nào vấn đề trách nhiệm khế ước được nêu lên; 2. Sự phân biệt hai loại trách nhiệm khế ước và trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm; 3. Có thể kiêm hợp hai loại trách nhiệm này không?
I.1.1. Các điều kiện đặc biệt của trách nhiệm khế ước: Trong án lệ, có một xu hướng nới rộng phạm vi của trách nhiệm khế ước. Đối với nhiều trường hợp trách nhiệm, như trách nhiệm của y bác sĩ chữa cho bệnh nhân, án lệ đã thay đổi quan niệm, thừa nhận trách nhiệm khế ước thay thế cho trách nhiệm dân sự phạm. Tuy vậy, trách nhiệm khế ước đòi hỏi hai điều kiện đặc biệt:
1. Phài có môt khế ước giữa người chịu trách nhiệm và nạn nhân;
2. Sự tổn thiệt phải do sự không thi hành khế ước gây ra.
I.1.1.1: Điều kiện thứ nhất: Phài có một khế ước giữa người chịu trách nhiệm và nạn nhân:
a. Cần phải có một khế ước: Điều kiện này tưởng chừng không cần phải giải thích, vì lẽ tất nhiên phải cần có một khế ước thì mới nêu được trách nhiệm khế ước. Tuy nhiên, cũng có ba vấn đề tế nhị:
* Vấn đề thứ nhất liên quan đến khế ước hảo ý (les contrats bénévole: hợp đồng tình nguyện) và nhất là trường hợp chuyên chở hảo ý (transport bénévole: vận chuyển tình nguyện). Một người nhận chở dùm người khác không lấy tiền. Một tai nạn xảy ra giữa đường. Nạn nhân có thể yêu cầu tòa án bắt người chủ xe phải chịu trách nhiệm khế ước không? Điềm này rất quan trọng, vì nếu sự yêu cầu được chấp nhận, nạn nhân không phải dẫn chứng sự quá thất của chủ xe. Theo án lệ, trong khế ước chuyên chở, người chủ xe đã cam kết một nghãi vụ an ninh, chở người hành khách yên lành đến nơi đến chốn. Nếu xảy ra tai nạn, họ đã vi phạm vào nghĩa vụ an ninh này và sẽ phải bồi thường cho hành khách, trừ khi nào họ dẫn chứng được rằng tai nạn đã do một nguyên nhân ngoại tại xảy ra. Trong trường hợp quá giang, nếu tòa án không chấp nhận giải pháp trách nhiệm khế ước, nạn nhân sẽ phải đặt vấn đề trách nhiệm dân sự phạm và phải dẫn chứng sự quá thất của chủ xe. Sự dẫn chứng này nhiều khi rất khó khăn và vì vậy nạn nhân không được bồi thường. Án lệ đã chấp nhận giải pháp nào? Khi nhận chuyên chở hảo ý, người chủ xe không có ý muốn cam kết một nghĩa vụ chuyên chở. Họ chỉ muốn giúp đỡ người khách qua đường thiếu phương tiện chuyên chở. Vì vậy, án lệ không coi rằng đã có một khế ước chuyên chở được kết lập giữa người chủ xe và khách được chuyên chở hảo ý. Giải pháp này cũng hợp với sự công bằng và luân lý về hai phương diện này, nếu bắt người chủ xe phải chịu trách nhiệm khế ước, xét ra thật quá đáng.
* Khó khăn thứ hai liên quan đến thời kỳ tiền lập ước, trong khi đề ước chưa được thụ lãnh ưng thuận (Période precontractuelle: thời kỳ tiền hợp đồng). Trong thời ký này, trên nguyên tắc, vì chưa có khế ước, các vấn đề trách nhiệm phải được giải quyết trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể có một tiền kết ước (un avant-contrat: hợp đồng sơ bộ), được kết lập trước khế ước chính yếu. Thí dụ: Tôi cam đoan bán một bất động sản cho ông Giáp với giá 100.000$ và hạn cho ông Giáp được ba tháng để trả lời. Khế ước bán chỉ được kết lập khi nào ông Giáp ưng thuận mua. Song giữa tôi và ông Giáp, đã có một tiền khế ước. Nếu chưa hết hạn ba tháng, tôi đem bất động sản nói trên bán cho người khác, tôi đã vi phạm vào một nghĩa vụ khế ước và sẽ phải chịu trách nhiệm khế ước (Tòa phá án 10-4-1948 D.1948. J.421 chú thích Lenoan).
* Khó khăn thứ ba liên quan đến khế ước vô hiệu. Một khế ước vô hiệu phải được coi như không hề được kết lập, do nguyên tắc hồi tố của sự vô hiệu. Như vậy, khi xảy ra vấn đề trách nhiệm giữa các đương sự phải được xét trong khuôn khổ trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm(trang 451).
b. Khế ước không những phải hữu hiệu mà còn phải được ký kết giữa nạn nhân và người chịu trách nhiệm: Nếu người chịu trách nhiệm là người ngoài cuộc, lẽ tất nhiên vấn đề chỉ có thể nêu lên trên lập trường dân sự phạm. Thí dụ: Một nhà kỹ nghệ A đã cho tiền một viên kỹ sư đề người này bãi bỏ khế ước dung công đã ký kết với một hãng cạnh tranh B và đến làm với mình. Hãng Ba chỉ có thể kiện đòi hãng A bồi thường trên lập trường trách nhiệm dân sự phạm, vì khế ước chỉ được kết lập giữa hãng B và viên kỹ sư, chứ không phải giữa hai hãng A và B, mặc dù hãng A đã đồng lõa với viên kỹ sư để người này không thi hành khế ước nói trên. Truy nhiên, trong trường hợp cấu ước cho tha nhân, án lệ thừa nhận rằng người đệ tam thụ lợi có thể nại ra các quy tắc về trách nhiệm khế ước để yêu cầu người dự hứa phải bồi thường cho họ, nếu người này không thi hành nghĩa vụ đối với họ. Giải pháp này xét ra rất hợp lý vì có thể coi chính như người đệ tam đã tham dự vào sự kết lập khế ước. Án lệ của Pháp đã dùng giải pháp này để nới rộng phạm vi của trách nhiệm khế ước. Trong khế ước chuyên chở, người chủ xe, theo án lệ, đã cam kết một nghĩa vụ án ninh để chở khách hàng yên lành đến nơi đến chốn. Nếu xảy ra tai nạn khiến người khách hàng bị chết, các thân nhân của người ấy có thể nại nghĩa vụ an ninh nói trên để xin bồi thường không? Đề giúp cho những người này khỏi phải dẫn chứng về quá thất của người chủ xe trên địa hạt trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm, án lệ Pháp đã coi rằng, khi kết lập khế ước chuyên chở, nghĩa vụ an ninh đã được kết lập không những đối với hành khách mà còn đối với các thân nhân của họ nữa bằng biện pháp cấu ước cho tha nhân (Civ.6.12.1932 D.1933.I.137 chú thích Josserand). Về mặt lý thuyết thuần túy, giải pháp này đã bị học lý chỉ trích, vì sự thực, sự dự đoán này nằm ngoài ý chí của các đương sự khi lập ước. Sở dĩ giải pháp này được chấp nhận, là vì kết quả thực tế tiện lợi cho thân nhân của các nạn nhân, trong khi chủ xe cũng không phải chịu thiệt quá đáng, vì sự bồi thường đã có các hãng bảo hiểm phải đảm đương. Tuy nhiên, Tòa phá án Pháp cũng hạn chế số thân nhân có thể nại được nghĩa vụ an ninh chuyên chở. Theo bản án ngày 24/2/1933, chỉ có các người mà nạn nhân có nghãi vụ cấp dưỡng mới có thể yêu cầu tòa án áp dụng giải pháp trên (Civ.24.2.1933. D.1933 I.137).
I.1.1.2: Điều kiện thứ hai: Sự tổn thiệt phải do sự không thi hành khế ước gây nên:
Nếu nạn nhân muốn yêu cầu áp dụng các quy tắc liên quan đến trách nhiệm khế ước, lẽ tất nhiên sự tổn thiệt phải do sự bất thi hành khế ước đã được kết lập giữa nạn nhân và người phụ trách gây nên. Nếu sự tổn thiệt không có liên quan gì với khế ước này, vấn đề trách nhiệm sẽ phải xem xét trên lập trường dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm. Thí dụ: Một khế ước thuê nhà được kết lập giữa ông Giáp và chủ nhà là ông Bính. Nếu ông Giáp bất hạnh bị xe ô tô của ông Bính cán bị thương, thì tai nạn này không liên quan gì đến khế ước thuê nhà. Trách nhiệm ở đây là một trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm. Trái lại, trách nhiệm sau đây là một trách nhiệm khế ước vì sự tổn thiệt bị xảy ra trong lúc thi hành khế ước. Hãng phim A thuê một tài tử để đi quay phim ở Huế và cam kết chuyên chở tài tử đến nơi quay phim. Nếu giữa đường xảy ra tai nạn cho tài tử, thì người tài tử này có quyền kiện đòi bồi thường trong phạm vi khế ước. Nếu trong khế ước đã ấn định rõ rệt các nghĩa vụ của các người kết ước, lẽ dĩ nhiên không có điều gì khó khăn. Thí dụ: trong khế ước thuê nhà, người chủ nhà phải giao nhà, và người thuê nhà phải trả tiền nhà. Nhưng nếu nghĩa vụ do khế ước ấn định chỉ nhắc lại một nghĩa vụ đã được quy định trong dân luật, thì sự bất thi hành nghĩa vụ này có thể phát động trách nhiệm khế ước không? Chẳng hạn, khế ước chữa bệnh chỉ nêu lên một nghãi vụ cẩn mẫn tổng quát, vì trong trường hợp thông thường, các y bác sĩ không cam kết nghãi vụ phải chữa khỏi bệnh. Nghĩa vụ này cũng tương tự như nghãi vụ cẩn mẫn tổng quát mà nhà lập pháp quy định trong bộ dân luật về chuẩn dân sự phạm. Vậy trách nhiệm của y sĩ đối với bệnh nhân là trách nhiệm khế ước hay trách nhiệm dân sự phạm? Một số tác giả chủ trương rằng trách nhiệm của y bác sĩ có tính chất trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm. Giải pháp này cũng được án lệ của Pháp chấp nhận trong giai đoạn đầu tiên, cho đến năm 1936. Tuy nhiên, giải pháp ấy không xác đáng, vì nếu không có một khế ước nào được kết lập giữa y bác sĩ và bệnh nhân, tất nhiên bệnh nhân không được chữa chạy. Như vậy, nếu xảy ra sự bất thi hành khế ước này, trách nhiệm được nêu ra phải có tính chất của trách nhiệm khế ước. Và đây là quan niệm mới của án lệ của Pháp từ 1936 (Civ. 23-5-1936. D.1936.I.88). Nhưng bệnh nhân phải dẫn chứng được một sự quá thất hay sơ suất của y bác sĩ vì khế ước chữa bệnh chỉ ấn định một nghĩa vụ cẩn mẫn tổng quát.
Vấn đề tế nhị hơn khi cần xem xét một sự vi phạm vào một nghĩa vụ phụ thuộc của khế ước (une obligation accessoire: nghĩa vụ phụ) có hậu quả phát động trách nhiệm khế ước hay không? Nói cách khác, trách nhiệm khế ước có đòi hỏi sự bất thi hành một nghĩa vụ chính yếu (obligation principale: nghĩa vụ chính) của khế ước hay không? Trên nguyên tắc, câu trả lời là không có gì khó khăn: Một khi nghĩa vụ của khế ước không được thi hành, trách nhiệm khế ước sẽ được phát động, bất luận nghĩa vụ có tính cách phụ thuộc hay chính yếu. Tuy nhiên, trong thực tế, án lệ đã phải giải quyết nhiều trường hợp tế nhị, vì khế ước không quy định rõ các nghãi vụ phụ thuộc. Nhân dịp phải giải thích nội dung khế ước, các tòa án đã lợi dụng phương tiện này để mở rộng thêm phạm vi của khế ước và bênh vực nạn nhân. Thí dụ cổ điển là nghĩa vụ an ninh mà án lệ đã coi như một nghĩa vụ phụ thuộc được bao gồm trong khế ước chuyên chở. Khi khế ước được kết lập, theo quan điểm của án lệ, người chuyên chở đã mặc nhiên cam kết chuyên chở yên lành hành khách đến nơi vãng chỉ. Vì vậy, nếu giữa đường xảy ra một tai nạn, tức là nghĩa vụ này đã không được người chủ xe thi hành, nạn nhân sẽ được bồi thường mà không cần dẫn chứng sự quá thất của người chuyên chở như trong trường hợp trách nhiệm dân sự phạm. Nghĩa vụ an ninh này được án lê công nhận trong nhiều khế ước khác nữa: trong sự tồ chức các cuộc chơi có tính cách mạo hiểm nhu bắn súng, cưỡi mô tô bay, đăng sơn … Nhưng tính chất nghĩa vụ an ninh cũng thay đổi tùy theo khế ước. Đối với các khế ước chuyên chở, nghĩa vụ có tính chát một nghĩa vụ xác định hay một nghĩa vụ thành quả: Khi kết quả này không đạt được, người phụ trái tự nhiên chịu trách nhiệm, người trái chủ hay nạn nhân không phải dẫn chứng điều gì khác. Trái lại, trong một số khế ước khác, thường là những khế ước đã sẵn tính cách nguy hiểm như khế ước đăng sơn (contrat de remonte-pente: hợp đồng thang máy trượt tuyết), án lệ Pháp chỉ nhìn nhận một nghĩa vụ an ninh có tính cách một nghĩa vụ cẩn mẫn tổng quát. Nếu xảy ra tai nạn thì nạn nhân phải dẫn chứng được rằng đối phương đã bất cản hay sơ suất không trông coi cẩn thận về vấn đề an ninh cho khách hàng.
I.1.2: Ích lợi của sự phân biệt trách nhiệm khế ước và trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm: Một điều nên nhận rõ là bất luận trong phạm vi trách nhiệm khế ước hay trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm, ý niệm quá thất vẫn đồng nhất. Khi một người nào vì quá thất của mình, gây tổn thiệt cho người khác, người ấy phải bồi thường, dù quá thất ấy rất nhỏ nhặt. Quy tắc  này áp dụng cho các nghĩa vụ khế ước cũng như các nghĩa vụ do bộ dân luật quy định trong đề mục dân sự phạm và chuẩn dân sự phạm. Tuy nhiên, cũng có một vài lợi ích trong sự phân biệt hai loại trách nhiệm:
a. Về phương diện dẫn chứng: Người ta thường tưởng rằng, trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm hay chuẩn dân sự  phạm, nguyên đơn xin bồi thường phải dẫn chứng được một sự quá thất của người đã gây ra sự tổn thiệt; còn trong phạm vi trách nhiệm khế ước, khi một nghĩa vụ không được thi hành đã gây ra một sự tổn thiệt, nguyên đơn xin bồi thường không phải dẫn chứng một điều gì khác; trái lại, muốn tránh khỏi bồi thường, bị đơn phải dẫn chứng được rằng, sự bất thi hành khế ước do một nguyên nhân ngoại tại. Sự thực, sự phân biệt liên hệ đến gánh nặng dẫn chứng này không phải là một hậu quả tất nhiên của sự phân biệt hai loại trách nhiệm. Nếu trong thực tế, nguyên đơn trên nguyên tắc phải dẫn chứng trong trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm mà thường được miễn gánh nặng dẫn chứng trong phạm vi khế ước, chính là do ở tính chất của các nghĩa vụ. Các nghĩa vụ khế ước, phần lớn là các nghĩa vụ xác định hay nghĩa vụ thành quả; vì vậy khi kết quả mong đợi không được thực hiện do sự bất thi hành nghĩa vụ này, nguyên đơn có quyền xin bồi thường mà không phải dẫn chứng sự quá thất của đối phương. Trái lại, trong phạm vi dân sự phạm và chuẩn dân sự phạm, bộ dân luật chỉ dự định nghĩa vụ cẩn mẫn tổng quát. Vì vậy, nếu nguyên đơn muốn xin bồi thường sự tổn thiệt, tất phải dẫn chứng rõ rệt sự sơ suất hay quá thất của bị đơn. Tuy nhiên, cũng có những nghĩa vụ khế ước chỉ là một nghĩa vụ cần mẫn tổng quát, bắt buộc nguyên đơn phải dẫn chứng sự quá thất hay sự sơ ý của đối phương. Ví dụ: Trách nhiệm của y sĩ chữa bệnh là một trách nhiệm khế ước, tuy nhiên muốn được bồi thường, bệnh nhân phải dẫn chứng được một sơ suất hoặc một quá thất của y sĩ. Trái lại, trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm, đối với  một số trường hợp đặc biệt, nhà làm luật hoặc án lệ cũng miễn cho nguyên đơn phải dẫn chứng sự quá thất của đối phương. Đây là trường hợp suy đoán trách nhiệm hoặc đã được quy định trọng luật, hoặc đã được án lệ chấp nhận mà chúng ta sẽ bàn tới.
b. Về phương diện thẩm quyền: Tòa án có thẩm quyền về trách nhiệm dân sự phạm là tòa án nơi xảy ra sự kiện gây ra sự tổn thiệt hoặc tòa án nơi cư sở của bị đơn. Đối với khế ước trong luật thương mại, thẩm quyền thuộc tòa án nơi đã hứa, hoặc nơi giao đồ vật hay nơi trả tiền.
c. Về phương diện thời hiệu: Trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm, khi sự kiện gây ra sự tổn thiệt vừa có tính cách hình sự và dân sự, nếu quyền truy tố sự phạm pháp về phương diện hình sự đã bị thời tiêu, thì không thể khởi tố quyền dân sự (action civile) để xin bồi thường. Tố quyền đòi bồi thường, trong phạm vi trách nhiệm khế ước, trái lại chỉ bị tiêu diệt sau khi mãn hạn trường kỳ thời hiệu 30 năm theo DLP, 20 năm theo DLB và 10 năm DLT.
d. Về phương diện bồi thường: Nếu sự tổn thiệt do nhiều người gây nên, trong trường hợp trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm, nạn nhân có thể kiện bất luận một đồng phạm nào (co-auteur:đồng tác giả), để xin bồi thường tất cả sự tổn thiệt. Người nào đã bồi thường toàn bộ sự tổn thiệt như vậy, có thể kiện lại các người đồng phạm khác để yêu cầu hoàn lại những bồi tổn mà họ phải cáng đáng. Nói cách khác, trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm có tính cách là một trách nhiệm toàn ngạch giống trách nhiệm liên đới (responsabilité in solidum: trách nhiệm vững chắc), lợi cho nạn nhân vì họ không phải kiện tất cả các người đồng phạm để bắt mỗi người phải bồi thường một phần số thiệt hại. Nếu nạn nhân phải hành động theo giải pháp này, rất có thể trong số đồng phạm có người túng thiếu không đủ tư lực để bồi tổn và như thế sẽ thua thiệt cho họ. Trong trách nhiệm khế ước, nếu có nhiều người phụ trái chịu trách nhiệm, sự bồi tổn phải phân phối đều cho họ, trừ trường hợp trong khế ước họ đã minh thị cam kết chịu liên đới trách nhiệm (responsabilité solidaire: trách nhiệm liên đới). Ngoài ra, đối với ngạch số bồi thường cũng có một sự sai biệt. Trong trách nhiệm dân sự và chuẩn dân sự phạm, tất cả các sự tổn thiệt được bồi thường. Trong trách nhiệm khế ước, trái lại, chỉ phải bồi thường những sự tổn thiệt đã tiên liệu hoặc có thể tiên liệu được khi lập ước. Các ước khoản hạn chế trách nhiệm chỉ có hiệu lực trong địa hạt trách nhiệm khế ước và không thể đem ra để đối nại trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm. Do những sai biệt này, tùy trường hợp, nạn nhân sẽ được lợi hơn, nếu có thể được chọn chế độ trách nhiệm khế ước hay chế độ trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm, tùy theo nhu cầu của vụ kiện. Nhưng họ có được quyền chọn như vậy không?
I.1.3. Vấn đề kiêm hợp trách nhiệm khế ước và trách nhiệm dân sự phạm: Danh từ kiêm hợp mà các luật gia quen dùng (cumul des responsabilités contractuelle et délictuelle: tích lũy trách nhiệm theo hợp đồng và sai lầm cá nhân) xét ra là một danh từ không xác đáng, vì sự thực nạn nhân không thể đòi bồi thường hai lần, cả về phương diện khế ước và dân sự phạm, đối với một sự tổn thiệt duy nhất. Vấn đề phải giải quyết là xét xem nạn nhân có thể được tùy ý chọn chế độ trách nhiệm nào có lợi cho họ không? Như vậy, danh từ “quyền quyết tuyển” (droit d’option: quyền lựa chọn) đúng hơn là danh từ “kiêm hợp”. Cần phải phân biệt hai trường hợp:
a. Các điều kiện về trách nhiệm khế ước không được thỏa mãn:  Trách nhiệm khế ước đòi hỏi một số điều kiện nhất định. Nếu những điều kiện này không hội đủ, lẽ dĩ nhiên không có sự quyết tuyển. Nạn nhân chỉ có thể nghĩ đến cách xin áp dụng chế độ trách nhiệm dân sự phạm hay chuẩn dân sự phạm để được bồi thường về sự tổn thiệt của mình. Nhưng cũng cần phải nhận định rõ, không phải trong tất cả các trường hợp, có thể dùng giải pháp này được. Vì khi có một khế ước, trước hết, cần phải phân tích mội dung các nghĩa vụ do khế ước tạo lập nên để xet xem sự tổn thiệt có do khế ước phát sinh ra không. Thí dụ: Một khế ước ký thác, trái với thường luật, ấn định rằng, người thụ thác chỉ chịu trách nhiệm khi nào họ can phạm một quá thất trọng đại (un faute lourde: một lỗi nghiêm trọng). Như vậy, nếu vì một sự sơ suất cảu người thụ thác, người ký thác chịu một tổ thiệt, người này không thể căn cứ vào các nguyên tắc thông thường của trách nhiệm dân sự phạm để xin bồi tổn được.
b. Các điều kiện về trách nhiệm khế ước được hội đủ: Trong trường hợp này, người chịu tổn thiệt có quyền quyết tuyển đề xin bồi thường theo chế độ trách nhiệm dân sự phạm không? Theo án lệ của Tòa phá án Pháp (Civ. 11.1.1922.S.1924.I105, chú thích của Demogue), sự quyết tuyển này không thể có được, mặc dù nguyên đơn xin bồi thường, việc áp dụng các quy tắc của chế độ trách nhiệm dân sự phạm sẽ có lợi hơn cho họ. Sự thật, vấn đề phải được xét một cách sâu rộng hơn. Nếu trong khế ước, các người kết ước đã dự trù vấn đề này một cách minh thị,họ có quyền chấp nhận giải pháp mà họ ưng thuận: Hoặc chấp nhận hoặc gạt bỏ quyền quyết tuyển. Đứng trước ý chí chung của các người kết ước, thẩm phán phải tôn trọng ý chí ấy. Nếu khế ước không giải quyết vấn đề một cách minh bạch, tòa án sẽ phải giải thích khế ước để khám phá ra ý chí ấy. Thí dụ: Hai bên đã ước định rằng tố quyền xin bồi thường sẽ bị thời tiêu sau một năm, hoặc mỗi ngày chậm thi hành sẽ phải bồi thường 5.000$, tòa án sẽ phải áp dụng các ước khoản này và không áp dụng những điều trong bộ dân luật liên quan đến thời hiệu hoặc đến ngạch số bồi thường. Nhưng áp dụng các ước khoản này tức là áp dụng chế độ trách nhiệm khế ước. Nếu trong khế ước không có một điều khoản nào dự định về trách nhiệm trong trường hợp bất thi hành khế ước, lẽ dĩ nhiên phải áp dụng các quy định ở các điều luật bổ sung, coi đó là sự phản chiếu ý chí của các người kết ước. Như vậy, chế độ trách nhiệm cũng có tính cách khế ước. Nói tóm lại, trong trường hợp các người kết ước không minh thị giải quyết về quyền quyế tuyển nói trên, vấn đề trách nhiệm liên hệ đến một khế ước không thể đặt trên căn bản trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm được. Tuy nhiên, một vài bản án chủ trương rằng, mặc dù có một khế ước, nếu một bên kết ước đã can phạm một quá thất gian sảo, hoặc cố ý (faute dolosive ou intentionnelle: hành vị sai trái cố ý hoặc cố ý), hoặc một quá thất trọng đại, thì phải thừa nhận quyền quyết tuyển: Nguyên đơn có thể xin áp dụng chế độ trách nhiệm dân sự phạm. Nhưng về phương diện thực tế, trong các trường hợp vừa nói tới, sự sai biệt giữa hai loại trách nhiệm không còn quan trọng, vì chúng ta sẽ rõ rằng, khi đã có một sự quá thất cố ý hay trọng đại, các ước khoản hạn chế trách nhiệm không thể áp dụng được nữa. Như vậy, ngạch số bồi thường sẽ như nhau, bất luận là áp dụng chế độ khế ước hay chế độ trách nhiệm dân sự phạm. Tuy nhiên, án lệ của Pháp đã chấp nhận một ngoại lệ trong các khế ước chuyên chở. Nếu hành khách bị chết trong vụ tai nạn, thân nhân của họ có quyền nại nghĩa vụ an ninh của khế ước để đòi bồi thường, vì tòa án cho rằng, nghãi vụ ấy đã được nạn nhân cấu kết cho cả các thân nhân của họ. Nại nghĩa vụ này, người thừa kế sẽ được hưởng chế độ trách nhiệm khế ước. Tuy vậy, thân nhân có thể khước từ sự cấu ước cho tha nhân, vì không muốn áp dụng chế độ này, chẳng hạn vì khế ước chuyên chở có hạn định số tiền bồi thường. Đối với người thừa kế, họ sẽ được lợi hơn nếu họ xin áp dụng chế độ trách nhiệm dân sự phạm như một đệ tam nhân bị tổn thiệt. Tòa án đã công nhận giải pháp này. Như vậy, các người thừa kế của nạn nhân trong tai nạn chuyên chở đã được hưởng một quyền quyết tuyển đặc biệt giữa hai chế độ trách nhiệm. (Civ.19.1.1951. D.151.717).
I.2: Phạm vi trách nhiệm ngoại khế ước (Responsabilité extra-contractuelle: trách nhiệm ngoài hợp đồng)  và ngoại dân sự phạm (Responsabilité extra-délictuelle):
– Vấn đề trách nhiệm hay bồi thường được ne6ule6n khi có một sự tổn thiệt do sự bất thi hành một nghĩa vụ đã gây ra. Chúng ta đã biết tùy theo nghĩa vụ bị xâm phạm là một nghĩa vụ khế ước, hay một nghĩa vụ do bộ dân luật quy định trong đề mục dân sự phạm hay chuẩn dân sự phạm. Tuy nhiên, ngoài hai loại nghĩa vụ này, còn có các nghĩa vụ pháp định (les obligations légales: nghĩa vụ pháp lý) và các nghãi vụ chuẩn khế ước (les obligations quasi-contractuelles: nghãi vụ gần như hợp đồng). Nếu sự bất thi hành của một trong những nghĩa vụ này gây nên một sự tổn thiệt, sẽ phải áp dụng quy tắc nào trong vấn đề bồi thường?
– Cả ba bộ dân luật Pháp, dân luật Bắc và dân luật Trung đều không đề cập đến vấn đề này. Một số luật gia đề nghị rằng, đối với các nghĩa vụ pháp định, sẽ áp dụng chế độ trách nhiệm dân sự phạm, vì trong hai trường hợp đều có một sự vi phạm vào một nghĩa vụ do luật phap quy định. Đối với các nghĩa vụ chuẩn khế ước, sẽ áp dụng chế độ trách nhiệm khế ước, vì có thể đồng hóa hai loại nghĩa vụ khế ước và chuẩn khế ước. Song giải pháp này không xác đáng, vì sự đồng hóa hai loại khế ước và chuẩn khế ước là một sự sai lầm đã được vạch rõ, khi nghiên cứu sự phân loại khế ước. Sở dĩ danh từ chuẩn khế ước đã được dùng, là vì các trường hợp này đã phát sinh ra nghãi vụ như khi có một khế ước mà thôi. Nhưng tính chất của hai loại nghĩa vụ này không có gì là tương tự cả.
– Các quy tắc về trách nhiệm dân sự phạm là những quy tắc của thường luật. Các quy tắc về trách nhiệm khế ước chỉ được áp dụng khi nào hội đủ những điều kiện đặc biệt mà chúng ta đã phân tích. Vì vậy, trong các trường hợp vi phạm vào một nghĩa vụ pháp định hay một nghĩa vụ chuẩn khế ước, phải áp dụng các quy tắc trong thường luật, nghĩa là các quy tắc về trách nhiệm dân sự phạm hay chuẩn dân sự phạm.

II. GIỚI HẠN CỦA TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ TRONG DÂN LUẬT. Chúng ta đã biết rằng, các quy tắc về trách nhiệm dân sự phạm hoặc chuẩn dân sự phạm, được coi như các nguyên tắc trách nhiệm trong thường luật. Vì lẽ ấy, trong phạm vi trách nhiệm dân sự, mỗi khi trong luật không quy định rõ, các nguyên tắc này sẽ được áp dụng. Tuy địa hạt áp dụng nguyên tắc này rộng như vậy, song cần phải nhấn mạnh rằng phạm vi cảu trách nhiệm dân sự phạm cũng có giới hạn. Ngoài phạm vi ấy, không thể nại ra nguyên tắc trên đề xin bồi thường được. Nếu không hạn chế như vậy, tất cả các quy định khác trong dân luật sẽ trở nên vô ích, vì trong trường hợp nào đương sự cũng sẽ có thể vin vào nguyên tắc căn bản sau đây của trách nhiệm dân sự phạm để xin bồi thường: “Khi nào vì làm một quá thất mà gây một tổn thiệt cho người khác, thì kẻ làm quá thất ấy phải bồi thường”. Trách nhiệm dân sự có mục đích bảo đảm sự bồi thường cho nạn nhân, nhưng không có mục đích hiến cho các đương sự một biện pháp để trốn tránh sự quy định của pháp luật trong các lĩnh vực khác. Chính vì lẽ đó, mà phải giới hạn địa hạt của phạm vi trách nhiệm dân sự, không thể khuếch trường sang địa hạt của các định chế khác. Nói một cách khác, trong những trường hợp pháp luật đã dự định minh thị một sự chế tài, tất nhiên phải áp dụng sự chế tài ấy. Hơn nữa, khi trong luật không dự định một sự chế tài nào, cũng không thể  kết luận một cách máy móc rằng, có thể áp dụng các nguyên tắc về trách nhiệm dân sự phạm, vì rất có thể nhà lập pháp vì không muốn một sự trừng phạt, cho nên không dự định một chế tài nào, kể cả chế tài dân sự phạm. Vậy chỉ ở trong trường hợp, theo ý nhà làm luật phải có sự chế tài mà sự chế tài ấy không được dự liệu minh bạch thì mới có thể cầu viện đến các nguyên tắc trách nhiệm dân sự như một biện pháp có tính cách bổ sung hay phụ thuộc (caractère suppletif, caractère accessoire). Thí dụ: Trong dân luật, các quyền lợi lâu ngày không được sử dụng sẽ bị thời gian tiêu diệt. Tuy nhiên, nếu sau khi nghãi vụ bị tiêu diệt, người trái chủ có thể nại được các nguyên tắc về trách nhiệm dân sự để bắt người phụ trái phải bồi thường, thì giải pháp này sẽ có kết quả cho phép người trái chủ lẫn tránh sự quy định của pháp luật về thời hiệu. Vì vậy, không thể khuếch trương phạm vi áp dụng của trách nhiệm dân sự để bao gồm cả những trường hợp về thời hiệu. Song trong án lệ của Pháp, trong một vài trường hợp đặc biệt, người ta nới rộng phạm vi của trách nhiệm dân sự, vì những mối quan tâm nhân đạo và công bình. Chúng ta đã rõ, đối với con tư sinh, sự kiện tìm phụ hệ tư sinh chỉ được chấp nhận trong năm loại trường hợp được quy định rõ ràng trong luật. Chỉ có những con tư sinh đã được nhìn nhận mới có quyền được cấp dưỡng. Tuy nhiên, ngoài năm trường hợp này, án lệ cũng nhìn nhận cho người mẹ được kiện người cha tư sinh để xin bồi thường, trên căn bản trách nhiệm dân sự phạm, trong trường hợp người cha đã can phạm một sự quá thất, khiến cho người đàn bà phải tổn thiệt vì đã có con và phải cấp dưỡng cho con. Vì vậy, người cha phải bồi thường sự tổn thiệt này. Nhưng chấp nhận giải pháp ấy, khác nào mở rộng cửa cho những trường hợp có thể kiện tìm phụ hệ tư sinh, vì về phương diện thực tế, được kiện trong vụ kiện xin bồi thường cũng có kết quả như trong vụ kiện sư tầm phụ hệ tư sinh.
sở dĩ án lệ Pháp đã đ85c biệt khuếch trường phạm vi của trách nhiệm dân sự là vì đã được những lý do nhân đạo và công bằng thúc đẩy. Một mặt, các tòa án không muốn để cho người đàn bà phải một mình chịu gánh nặng cấp dưỡng cho đứa trẻ tư sinh hay đề đứa trẻ này trong tình trạng thiếu thốn nếu người đàn bà không đủ tư lực. Mặt khác, tòa án muốn bắt người đàn ông đã làm một việc quá thất phải chịu trách nhiệm bồi tổn. Vì vậy giải phải này thường được chấp nhận trong những trường hợp trá dụ, nghãi là, khi người đàn ông đã dùng những thủ đạon khi trá để quyến rũ người đàn bà (séduction dolosive: sự quyến rũ lừa đảo), chẳng hạn như hứa hôn, lạm dụng uy quyền. Tuy nhiên, ngoài các trường hợp đặc biệt trên đây, phạm vi trách nhiệm dân sự có những giới hạn rõ rệt mà tòa án phải tôn trọng.
Sau khi đã hoạch định phạm vi của trách nhiệm dân sự, cần phải nghiên cứu các điều kiện cần thiết để phát động tố quyền xin bồi thường./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar