Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

23. Trách nhiệm khế ước

TRÁCH NHIỆM KHẾ ƯỚC 

Khi khế ước không được thi hành, đương sự chịu thiệt hại, có quyền đòi hỏi một khoản bồi thường. Người kết ước phải bồi thường là người chịu trách nhiệm về sự bất thi hành đó. Trách nhiệm ở đây được mệnh danh là trách nhiệm khế ước, vì do ở một khế ước mà có.

I. ĐIỀU KIỆN CỦA TRÁCH NHIỆM KHẾ ƯỚC: Hai điều kiện cần (thiết) để khởi động trách nhiệm khế ước là: Sự bất thi hành nghĩa vụ và lỗi khế ước.
1. Sự bất thi hành nghĩa vụ: Sự bất thi hành nghĩa vụ có thể xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, từ sự bất thi hành tàn thể hay một phần nghĩa vụ đến sự thi hành nghĩa vụ một cách cẩu thả hay chậm trễ.
a. Bản chất của sự bất thi hành: Trước hết, sự bất thi hành nghĩa vụ thể hiện bằng một lời tuyên bố của con nợ là y sẽ không thi hành. Sự kiện này có thể có nhiều lý do: Con nợ sau khi ký kết khế ước lại có gian ý không muốn thi hành lời hứa nữa. Trong trường hợp này, người ta nói rằng, người con nợ làm một hành vi gian trá trong việc thi hành nghĩa vụ. Sự từ chối thi hành nghĩa vụ lại có thể là do một sựa lầm lẫn: Con nợ tưởng rằng nghĩa vụ đã chấm dứt trong khi trên thực tế, y còn bị ràng buộc bởi nghĩa vụ ấy. Sau hết, hai người  kết ước, có thể không đồng ý với nhau về sự hiện hữu hoặc về việc giải thích khế ước. Do đó. một bên tuyên bố từ chối thi hành nghĩa vụ và viện lẽ rằng, theo ý họ, thì họ không bị ràng buộc bởi khế ước. Khi con nợ tuyên bố minh thị là không thi hành nghĩa vụ, như vậy là ý định của y đã rõ ràng. Nhưng nhiều khi, con nợ chỉ giữ một thái độ bất động, không thi hành nghĩa vụ, nhưng cũng không tuyên bố gì cả. Trong trường hợp này cần phải xem xét, sở dĩ con nợ không thi hành nghĩa vụ là vì y không thể thi hành được hay là vì y từ chối thi hành. Như vậy chủ nợ sẽ bắt buộc phải dẫn chứng rằng con nợ không muốn thi hành. Thường trong trường hợp này chủ nợ tống đạt cho con nợ một tờ đốc thúc; nếu con nợ không trả lời tờ đốc thúc này thì chủ nợ sẽ có bằng cớ là con nợ không muốn thi hành nghãi vụ và có thể khởi tố y trước Tòa án. Sự bất thi hành lại có thể là bất thi hành một phần nghĩa vụ. Có hai trường hợp:
– Con nợ chỉ thi hành một phần nghĩa vụ chính yếu; Sự thi hành đó nếu có lợi ích cho chủ nợ (Ví dụ: con nợ phải giao một trăm tấn than mà chỉ giao có 50 tấn thôi), thì người này chỉ được bồi thường về phần nghĩa vụ không được thi hành. Nhưng nếu đối tượng của nghĩa vụ có tính cách bất khả phân thì toàn thể nghĩa vụ coi như không được thi hành.
– Người con nợ có thể chỉ không thi hành một nghĩa vụ phụ thuộc của khế ước. Nếu nghĩa vụ này, tùy theo lợi ích của khế ước, có tính cách chính yếu, thì toàn thể khế ước coi như không được thi hành. Trái lại, nếu nghĩa vụ đó chỉ có tính cách thứ yếu thì con nợ chỉ phải bồi thường về sự bất thi hành nghĩa vụ phụ thuộc thôi.
Sau hết, sự bất thi hành còn có thể là một sự thi hành nghãi vụ một cách cẩu thả. Con nợ, bề ngoài có vẻ thi hành nghĩa vụ, nhưng thực ra y thi hành một cách cẩu thả. Ví dụ con nợ giao cho một món hàng mà phẩm chất không giống như đã hứa. Con nợ thi hành công việc như đã định nhưng đã làm một cách giả dối. Con nợ làm việc cho chủ nợ nhưng không làm một việc gì hữu ích cả. Trong tất cả các trường hợp này, chủ nợ phải dẫn chứng rằng con nợ đã thi hành nghĩa vụ một cách cẩu thả.
Ngoài ra, sự thi hành nghĩa vụ một cách chậm trễ cũng có thể coi là bất thi hành. Thực vậy, trong mọi khế ước co nợ không những phải thi hành nghĩa vụ mà còn phải thi hành đúng thời hạn. Thi hành chậm trễ là không thi hành một một phần nghĩa vụ, vì một nghãi vụ thuộc khế ước (tức là nghĩa vụ thi hành đúng hạn) đã không được thi hành. Sự chậm trễ đó cũng có thể là một sự bất thi hành toàn thể nghĩa vụ, nếu thời hạn ấn định trong khế ước có tính cách thiết yếu. Ví dụ: Nhà sản xuất phải gửi hàng hóa cho nhà buôn để bán trong dịp tết; Một nghệ sĩ nhận diễn cho một buổi hòa nhạc đã được ấn định.
b. Dẫn chứng sự bất thi hành: Muốn được bồi thường thiệt hại, chủ nợ phải dẫn chứng về ba điểm: 1. Giữa con nợ và chủ nợ có một nghĩa vụ. 2. Nghĩa vụ này không được con nợ thi hành. 3. Sự bất thi hành gây thiệt hại cho chủ nợ.
Bằng chứng về sự hiện hữu của một nghĩa vụ sẽ được đem lại, chiếu theo các quy tắc do luật pháp ấn định cho các khế ước. Bằng chứng về sự thiệt hại có thể đem lại bằng đủ mọi cách vì đó chỉ là chứng minh một sự  kiện cụ thể. Riêng bằng cớ về sự bất thi hành nghĩa vụ là nêu lên nhiều khó khăn.
+ Nếu đối tượng của nghĩa vụ là sự giao nạp một đồ vật xác thực, thì sự bất thi hành đươc chứng minh bởi sự kiện đồ vật ấy còn ở trong tay con nợ hoặc đã bị tiêu hủy khi người con nợ còn chấp hữu. Việc dẫn chứng trong trường hợp này rất dễ dàng. Ví dụ: Một người gửi cho hãng xe chở một số hàng hóa; nếu nhà chuyên chở không thi hành nghĩa vụ, người gửi hàng chỉ cần chứng minh rằng hàng hóa không đến tay người nhận hoặc đã bị tiêu thất dọc đường.
+ Đối với nghĩa vụ bất tác động, đối tượng của nghĩa vụ đó là một sự bất động. Vậy nếu con nợ làm một sự kiện gì trái với lời cam kết thì như thế y đã không thi hành nghĩa vụ. Chủ nợ phải có phận sự chứng minh sự kiện ấy. Ví dụ: Một người nghệ sĩ cam kết với một chủ rạp hát là sẽ không diễn xuất tại nơi nào khác trong vòng một năm; Chủ rạp hát phải chứng minh rằng nghệ sỹ nọ đã không giữ lời hứa.
+ Đối với nghĩa vụ tác động, vấn đề phức tạp hơn. Chủ nợ phải có phận sự dẫn chứng là nghĩa vụ đã không được thi hành; nhưng làm thế nào để mang lại bằng cớ đó, có đủ để khiến con nợ phải chịu trách nhiệm không? Người ta đề nghị phân chia các nghĩa vụ làm hai loại tùy theo bản chất, hay nói đúng hơn là tùy theo đối tượng của nó: Khi khế ước tạo ra cho con nợ một nghĩa vụ phải cung cấp cho chủ nợ một kết quả nhất định (ví dụ chở một món hàng từ Saigon ra Huế), thì đó là nghĩa vụ thành quả. Để có thể buộc con nợ phải bồi thường, chủ nợ chỉ cần chứng minh rằng kết quả đó đã không đạt được. Trái lại, nếu con nợ chỉ cam kết sử dụng vài phương tiện để giúp đỡ cho chủ nợ đạt tới kết quả mong muốn thì đó là nghĩa vụ cấp phương tiện. Ví dụ: Y sĩ cố gắng chạy chữa cho một bệnh nhân. Trong trường hợp này, nếu kết quả mong muốn không đạt được, thì riêng sự kiện đó không đủ để buộc con nợ phải chịu trách nhiệm. Chủ nợ phải chứng minh rằng, con nợ đã không làm điều mà đáng lẽ y phải làm, tức là phải dẫn chứng rằng con nợ đã phạm lỗi. Sự phân biệt này, được án lệ và học lý ngày nay tán đồng (PA. Pháp 20-5-1936 DP 1936-638).
2. Lỗi khế ước: Con nợ phạm lỗi nếu không thi hành nghĩa vụ đã định trong khế ước. Thực vậy, khế ước là luật pháp đối với các người kết ước. Con nợ không thi hành nghĩa vụ tức là đã vi phạm luật của khế ước. Lỗi đó gọi là lỗi khế ước, để phân biệt với lỗi dân sự phạm mà chúng ta sẽ xét tới trong phần sau. Trách nhiệm phát sinh ở một lỗi, thể hiện bằng nghĩa vụ phải bồi thường các thiệt hại gây ra. Vậy trách nhiệm khế ước là trách nhiệm của người con nợ không thi hành hoặc thi hành không đúng nghĩa vụ phát sinh bởi một khế ước.
a. Phân tích lỗi khế ước:
Khi chủ nợ nại rằng con nợ không thi hành nghĩa vụ, hẩm phán trước hết phải xét phạm vi nghĩa vụ của con nợ, tức là, xác định xem con nợ đã hứa những gì trong khế ước, và nếu thấy rằng con nợ không thi hành như đã cam kết thì lúc đó Thẩm phán sẽ buộc con nợ phải bồi thường thiệt hại. Vậy muốn dẫn chứng lỗi khế ước, trước hết phải xác định phạm vi của nghĩa vụ. Như đã nói trên đây, luật lý và án lệ phân chia nghĩa vụ làm hai loại: Các nghĩa vụ cấp phương tiện hay nghĩa vụ cần mẫn tổng quát và các nghĩa vụ thành quả hay xác định. Đối với nghĩa vụ thứ nhất, con nợ không cam kết mang lại một kết quả nào cả, mà chỉ cam kết tận dụng khả năng và hết sức mẫn cán. Ví dụ: một vị y sĩ không cam kết chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân mà chỉ cam kết vận dụng mọi khả năng chức nghiệp để cố gắng chữa chạy cho bệnh nhân mà thồi. Nếu chẳng may bệnh nhân không lành thì điều đó  không có nghĩa là vị y sĩ đã không thi hành nghĩa vụ. Đối với loại nghĩa vụ thứ hai, trái lại, con nợ hứa sẽ thực hiện một kết quả xác định. Thí dụ: Trong khế ước chuyên chở, người chuyên chở cam kêt đưa khách đến nơi bình an vô sự. Nếu người hành khách bị nạn dọc đường thì người chủ xe do đó đã không thi hành nghĩa vụ và phải bồi thường.
Theo quan niệm thông thường, người ta cho rằng, trong phạm vi trách nhiệm khế ước, chủ nợ không cần chứng minh lỗi, và con nợ bị suy đoán là phạm lỗi. Đó là một điều sai lầm. Khi con nợ không thi hành nghĩa vụ, tại sao người ta lại suy đoán là y phạm lỗi, mà không suy đoán rằng, sở dĩ như vậy là vì y không thể thi hành được? Mặt khác, nếu suy đoán rằng con nợ phạm lỗi thì phải cho phép y chứng minh ngược lại là y không phạm lỗi. Điều 700 DLVN không cho phép con nợ làm như vậy. Thực ra, người ta không đặt vấn đề một cách rõ ràng. Lỗi của con nợ là do ở sự không thi hành nghĩa vụ, vì mọi sự bất thi hành nghĩa vụ đều cấu thành một lỗi. Vậy dẫn chứng lỗi khế ước, tức là phải xét xem con nợ có thi hành nghãi vụ hay không. Nếu trong khế ước, con nợ cam kết một nghĩa vụ xác định, tức là cam kết đạt tới thành quả nhất định, thì khi thành quả ấy không đạt được, tức nhiên con nợ đã không thi hành nghĩa vụ và do đó đã phạm lỗi. Như vậy chủ nợ chỉ cần dẫn chứng là con nợ đã không thực hiện lời cam kết. Ví dụ: con nợ không giao nạp một đồ vật hay không làm một việc gì đã định; sự kiện đó đủ để chứng minh lỗi của con nợ. Chính vì vậy mà trong trường hợp này, người ta thường nghĩ sai lầm là chủ nợ không cần phải dẫn chứng lỗi của con nợ, vì lỗi này bị suy đoán. Thực ra, khi dẫn chứng rằng lời cam kết trong khế ước đã không được thực hiện, chủ nợ đồng thời đã chứng minh sự bất thi hành nghĩa vụ, tức là chứng minh lỗi của con nợ. Trái lại, nếu nghĩa vụ trong khế ước chỉ là một nghĩa vụ cần mẫn tổng quát, tức là con nợ chỉ cam kết tận dụng mọi khả năng và hết sức cần mẫn hầu đạt tới mục tiêu mong muốn, thì khi mục tiêu ấy không đạt được, thì chủ nợ phải dẫn chứng là con nợ đã tỏ ra bất cẩn hoặc cẩu thả, tức là phạm một lỗi. Tóm lại, chúng ta thấy rằng, trong phạm vi trách nhiệm khế ước, chủ nợ trong mọi trường hợp đều phải dẫn chứng lỗi của con nợ. Đối với nghĩa vụ xác định, sự kiện con nợ không thực hiện được thành quả đã cam kết, đủ để chứng minh là con nợ đã phạm lỗi. Còn đối với nghãi vụ cần mẫn tổng quát, thì nếu mục tiêu theo đuổi không đạt được, sự  kiện đó không đủ để kết luận là con nợ không thi hành nghĩa vụ, chủ nợ còn phải dẫn chứng là con nợ đã phạm lỗi. Ngoài ra, luật còn định rằng, nếu con nợ mang lại được bằng chứng là sự bất thi hành nghĩa vụ không phải là do lỗi của y mà là do ở một trường hợp ngẫu nhiên hay bất khả kháng, thì y sẽ được giải trừ trách nhiệm (700, 701 DLVN). Trong trường hợp này, muốn đánh đổ sự kiện biện minh do con nợ nại ra, chủ nợ phải dẫn chứng lỗi của con nợ. Thực vậy, nếu chính do lỗi của con nợ mà nghĩa vụ không thể thi hành được, thì y phải gánh chịu trách nhiệm.
b. Phân loại lỗi khế ước: Sự phân biệt các lỗi theo mức độ trầm trọng của nó trên thực tế không có ích lợi mấy, vì mọi lỗi nặng hay nhẹ cũng đủ khiến con nợ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, sự phân biệt đó cũng hữu ích. Thực vậy, có những khế ước, trong đó con nợ không bị bó buộc phải thi hành nghãi vụ một cách hết sức cẩn thận mà chỉ cần xử sự như một người quản lý chu đáo hoặc như đối với công việc của chính mình mà thôi (691, 1204, 1205, 1246 DLVN). Trong trường hợp này, con nợ chỉ phải gánh chịu trách nhiệm nếu phạm lỗi nặng. Mặt khác, có khi trong khế ước, các đương sự thỏa thuận với nhau ấn định những điều khoản miễn trách hoặc giới hạn trách nhiệm của họ. Những điều khoản này, theo án lệ chỉ hữu hiệu nếu con nợ phạm một lỗi nhẹ mà thôi. Tùy theo mức độ trầm trọng của nó, lỗi khế ước gồm có: Lỗi cố ý hoặc lỗi ngoại ý. Lỗi cố ý gồm có lỗi gian trá, và lỗi ngoại ý gồm có lỗi nặng, lỗi nhẹ và lỗi rất nhẹ.
Sự gian trá: Con nợ làm một điều gian trá thì trong mọi trường hợp đều chịu trách nhiệm đối với chủ nợ. Sự gian trá cũng còn được gọi là lỗi cố ý – Con nợ biết rằng mình làm hại chủ nợ và muốn làm như vậy. Sự gian trá trong việc thi hành nghĩa vụ không nên lầm lẫn với sự gian trá hà tì của sự ưng thuận. Sự gian trá ở đây là một hành vi có tội về phương diện pháp lý cũng như luân lý, do đó con nợ từ chối thi hành nghĩa vụ. Ví dụ: Con nợ mặc dù biết rằng phải thi hành nghĩa vụ mà vẫn cố ý không thi hành. Con nợ tẩu tán đồ vật phải giao nạp và nói với chủ nợ là y không thể giao nạp được vì đồ vật đã bị tiêu hủy. Lỗi cố ý được thẩm lượng theo phương pháp cụ thể, tức là, người ta phải xét nội tâm của con nợ xem y có ý phạm lỗi không.
Lỗi nặng: Con nợ phạm lỗi nặng khi nào y đã hành động một cách quá nhẹ dạ, quá vụng về đến nỗi nghĩa vụ không được thi hành. Luật La Mã định nghĩa lỗi nặng là sự “không hiểu những gì mà mọi người đều hiểu” (non intelligere quod omnes intelligunt). Nhưng đừng lầm tưởng rằng lỗi nặng là hành vi của một người khờ khạo, vì một người mặc dù không khờ khạo nhưng có thể rất đãng trí và vụng về. Án lệ dựa trên tục dao la tinh “Culpa lata dolo aequiparatur: Lỗi nặng nề đồng nghĩa với sự gian lận”, đã đồng hóa lỗi nặng với sự gian trá. Sự đồng hóa này không được xác đáng cho lắm, vì giữa lỗi nặng và sự gian trá có sự khác biệt cơ bản: đó là gian ý của con nợ. Song về điểm này, cho đến nay án lệ vẫn vững chắc.
– Lỗi nhẹ: Trong một vài trường hợp luật định, con nợ không chịu trách nhiệm về lỗi nhẹ, mà chỉ phải chịu trách nhiệm về các lỗi nặng mà thôi. Đó là trường hợp của những nghĩa vụ trong đó con nợ không theo đuổi một lợi ích riêng tư nào: Người thụ thác vô thường, người thụ ủy vô thường, chỉ chịu trách nhiệm về các lỗi nặng mà thôi (1204, 1246 DLVN). Để thẩm lượng lỗi ngoại ý, người ta phải so chiếu thái độ của con nợ với thái độ của một người quản lý chu đáo đặt trong trường hợp tương tự. Đó là sự thẩm lượng trừu tượng mà hấu hết các án lệ và học lý đều chấp nhận. Tuy nhiên về trường hợp của các người thụ thác và thụ ủy vô thường. Luật định rằng để thẩm lượng về lỗi của họ thì phải xét xem họ có hành động như đối với chính công việc hay đồ vật của họ không. đó là sự thẩm định cụ thể.

II. TRƯỜNG HỢP NGẪU NHIÊN VÀ BẤT KHẢ KHÁNG
Điều 701 DLVN định rằng con nợ không phải bồi thường nếu “vì một duyên cớ ngẫu nhiên, một trường hợp bất khả kháng mà phải vi phạm nghãi vụ hay không thi hành nghĩa vụ“. Ngoài ra, nếu do hành vi của chủ nợ mà con nợ không thi hành được nghĩa vụ thì cũng không phải bồi thường, vì chủ nợ không thể đòi bồi thường về một sự bất thi hành do chính họ gây ra.
1. Đặc tính của trường hợp ngẫu nhiên và bất khả kháng: Bộ dân luật Viêt Nam không phân biệt trường hợp ngẫu nhiên với trường hợp bất khả kháng. Cả hai danh từ thường được dùng cùng một lúc hoặc để bổ túc cho nhau hoặc dùng như đồng nghĩa (701, 875, 876 DLVN). Nhà làm luật dường như không chú trọng đến danh từ. Dù sao án lệ cũng coi hai danh từ đó như đồng nghĩa. Một sự kiện chì có tính cách ngẫu nhiên hay bất khả kháng, nếu đó là một sự kiện bên ngoài không thể quy trách nhiệm cho con nợ được (700 DLVN). Vậy con nợ không thể viện dẫn như một nguyên nhân giải trừ trách nhiệm một sự kiện thuộc về chính mình, mặc dù sự kiện đó không cấu thành một lỗi. Ví dụ: Con nợ không thể viện dẫn một chứng bệnh của y; các người thừa kế của con nợ cũng không thể viện dẫn sụ mệnh một của người phó quyền (PA. Pháp 11-4-1922 DP 1925-1-149). Nhưng một sự kiện có tính chất ngoại tại cũng chưa đủ, sự kiện đó còn phải có tính cách một trở ngại mà con nợ không thể cưỡng lại được và không thể tiên liệu được. Trở ngại đó có một sức mạnh đến nỗi con nợ không thể ngăn cản được. Ví dụ: Các thiên tai hay uy lực của công quyền. Nhưng nếu con nợ có thể kháng cự được các cường lực đó thì sự kiện không còn là bất khả kháng nữa. Ví dụ: Một cơn bão có là trường hợp bất khả kháng hay không tùy thuộc vào nhà chuyên chở có thể chịu đựng được sức mạnh của gió hay không. Mặt khác, nếu trở lực bất khả cưỡng đó lại có thể tiên liệu được thì cũng không phải là trường hợp ngẫu nhiên hay bất khả kháng. Con nợ biết rằng sự kiện ấy sẽ xảy ra mà vẫn kết ước, thì như vậy đã phạm lỗi vì người đó đáng lẽ chỉ nên kết ước nếu như đã chuẩn bị mọi biện pháp đề phòng (PA Pháp 27-11-1893 S 1896-1-67). Nhiều khi con nợ không thi hành nghĩa vụ được do sự kiện của một đệ tam nhân mà con nợ không chịu trách nhiệm. Sự kiện đó có phải là một trường hợp bất khả kháng không? Án lệ chấp nhận như vậy, vì trong trường hợp này sự bất thi hành nghãi vụ là do sự kiện không thể quy trách cho con nợ. Ví dụ: Trong khế ước vận chuyển, nhà chuyên chở được giải trừ trách nhiệm đối với hành khách nếu chứng minh được rằng sở dĩ tai nạn xảy ra là do lỗi của tài xế chiếc xe khác (PA Phap 25-7-1922 và 31-7-1922 DP 1923-1-209). Nhưng sự kiện của người đệ tam chỉ có thể được coi là một trường hợp bất khả kháng nếu như con nợ không thể tiên liệu được và không thể ngăn cản được. Nói khác đi, sự kiện của đệ tam nhân phải gồm đủ các đặc tính cần thiết của trường hợp ngẫu nhiên hay bất khả kháng.
2. Những trường hợp ngẫu nhiên và bất  khả kháng chính:
a. Cường lực thiên nhiên: Các biến cố về thời tiết như bão tố, lụt, động đất là những nguyên nhân bên ngoài có thể có tính cách bất khả cưỡng và bất khả tiên liệu. Án lệ đã chấp nhận các sự kiện này như những trường hợp bất khả kháng đối với các khế ước vận chuyển; hoặc đối với sự điều hành của một xưởng máy.
b. Hành vi đế quyền: Danh từ hành vi đế quyền chỉ sự can thiệp của một uy lực công quyền trong việc thi hành khế ước. Ví dụ: Chính phủ trưng dụng những hàng hóa mà một nhà sản xuất đáng lẽ phải gửi cho nhà buôn; Chính phủ cấm xuất khẩu các sản phẩm bán cho ngoại quốc; sự trưng dụng các nhà cửa đã cho thuê; lệnh động viên làm người thợ không thể làm công việc đã hứa. Trong các trường hợp này, không thể chối cãi là đã có một nguyên nhân bên ngoài làm cản trờ con nợ trong việc thi hành nghĩa vụ, và sự cản trở đó có tính cách bất khả kháng và bất khả tiên liệu, vì lệnh của công lực bắt buộc phải tuân theo.(…)
c. Sự đình công: Án lệ trong nhiều trường hợp coi sự đình công của thợ thuyền là một trường hợp bất khả kháng đối với chủ nhân. Nhưng muốn có tính cách ấy thì sự đình công phải hội đủ ba điều kiện sau đây:
– Phài là một sự đình công tổng quát, tức là phải gồm toàn thể hoặc phần lớn công nhân làm cùng một nghề trong một vùng khiến việc thay thế các thợ đình công không thể thực hiện được.
– Sự đình công phải có tính cách đột nhiên và không thể tiên liệu được, nếu không như vậy thì chủ nhân đã phạm lỗi vì đã không dự liệu các biện pháp phòng ngừa;
– Sự đình công xảy ra không do lỗi của chủ nhân.
d. Tình trạng chiến tranh: Chiến tranh có thể gây cản trở cho việc thi hành nghĩa vụ. Các cản trở này có thể là những trường hợp bất khả kháng, ví dụ: Một căn nhà cho thuê bị một cuộc oanh tạc phá hủy, một chiếc xe chuyên chở hàng hóa bị giật mìn. Nhưng án lệ định rằng tình trạng chiến tranh chỉ là một trường hợp bất khả kháng nếu như nó khiến cho con nợ không thể thi hành được nghĩa vụ một cách tuyệt đối.
3. Trách nhiệm đặc biệt trong trường hợp ngẫu nhiên và bất khả kháng: Mặc dù con nợ đã chứng minh được rằng, sự bất khả thi hành nghĩa vụ là do một nguyên nhân bên ngoài không thể quy trách cho y, tuy vậy, không phải trong mọi trường hợp, con nợ đều được miễn trách nhiệm. Thực vậy, chủ nợ có thể nại rằng: Chính trong trường hợp bất khả kháng đã do một lỗi có trước của con nợ gây ra, hoặc trong khế ước có điều khoản nói rằng con nợ chịu trách nhiệm cả trong trường hợp ngoại ý.
a. Lỗi có trước của con nợ: Khi con nợ đã chứng minh được là sự bất thi hành nghĩa vụ do một trường hợp bất khả kháng thì y sẽ được giải trừ trách nhiệm. Chủ nợ nếu cho rằng con nợ vẫn phải chịu trách nhiệm thì chủ nợ phải chứng minh rằng trước khi trường hợp bất khả kháng xảy ra, con nợ đã phạm một lỗi và nếu không có lỗi đó thì khế ước đã được thi hành. Lỗi đó, có thể là sự bất thi hành nghĩa vụ của con nợ trước khi trường hợp bất khả kháng xảy ra. Trường hợp bất khả kháng xảy ra sau khi con nợ đã không thi hành nghĩa vụ, nên không thể có ảnh hưởng gì tới trách nhiệm của y được. Đó là con nợ đã bị đốc thúc thi hành. Điều 875 DLVN định rằng khi đối tượng của nghĩa vụ là một vật đặc định thì con nợ phải chịu trách nhiệm mặc dù đồ vật bị tiêu thất do một trường hợp ngẫu nhiên hay bất khả kháng, nếu như trường hợp  này chỉ xảy ra sau khi con nợ đã bị đốc thúc. Muốn được giải trừ trách nhiệm, con nợ phải dẫn chứng rằng vật đó dù có được giao cho chủ nợ thì cũng bị tiêu thất.
b. điều khoản nhận lãnh trách nhiệm về trường hợp bất khả kháng: Theo điều 875 DLVN, con nợ sẽ không được giải trừ trách nhiệm nếu đã cam kết nhận chịu trách nhiệm trong các trường hợp ngẫu nhiên và bất khả kháng. Như vậy, nếu các người kết ước thỏa thuận rằng, nghĩa vụ sẽ phải được thi hành ngay cả trong trường hợp bất khả kháng, thì con nợ không thể nại trường hợp bất khả kháng để không thi hành nghĩa vụ. Thường trong khế ước, các đương sự quy định rằng, nghĩa vụ của con nợ chỉ được giải trừ trong một số trường hợp ngẫu nhiên và bất khả kháng được liệt kê trước một cách hạn chế. Như vậy, trong mọi trường hợp bất khả kháng không được dự liệu, con nợ vẫn phải gánh chịu trách nhiệm.

III. TIỀN BỒI THƯỜNG THIÊT HẠI
Tiền bồi thường thiêt hại là một khoản đền bồi trả cho chủ nợ trong trường hợp khế ước không được thi hành. Sự đền bồi đó được tính thành một số tiền. Như vậy, quyền lợi của chủ nợ đã biến đổi tính chất: Trước đây, người này là chủ nợ về đồ vật hay một cung khoản nào đó, nay trở thanh chủ nợ về một số tiền. Số tiền trả cho chủ nợ để bồi thường về sự bất thi hành toàn phần hay một phần nghãi vụ được gọi là tiền bồi tổn bù trừ. Tiền bồi thường về sự chậm trễ được mệnh danh là tiền bồi tổn vì quá hạn.
1. Tiền bồi tổn bù trừ:
a. Ước lượng tiền bồi thường: Tiền bồi thường phải vừa đúng với các thiệt hại mà chủ nợ đã chịu. Sự thiệt hại này gồm hai yếu tố: thiệt hại đã xảy ra và lợi khoản thất thâu (1702 DLVN). Tiền bồi thường không thể thêm khoản nào khác, vì nếu không như thế thì chủ nợ sẽ đắc lợi một cách phi pháp và con nợ sẽ chịu một hình phạt về dân sự. Ví dụ: Nếu một nghệ sỹ không đến trình diễn cho một buổi dạ hội như đã cam kết và khiến cho buổi dạ hội này bị hủy bỏ, thì sẽ phải bồi thường cho nhà tổ chức về hai khoản: Các số tiền đã chi tiêu để sửa soạn buổi dạ hội (tiền thuê rạp, tiền quảng cáo …) và tiền lời mà lẽ ra nhà tổ chức được hưởng nếu buổi dạ hội được tổ chức như đã ấn định. Sự ấn định ngạch số của tiền bồi thường phải tuân theo các nguyên tắc căn bản sau đây:
Vì giá trị của tiền tệ có thể thay đổi mau chóng cho nên ngạch số của tiền bồi thường thiệt hại phải được ấn định vào ngày tuyên án.
– Điều 703 DLVN định rằng trên nguyên tắc, tiền bồi thường thiệt hại chỉ gồm các thiệt hại mà hai người kết ước đã dự liệu hoặc có thể dự liệu được khi kết ước. Các thiệt hại này có tính cách tự nhiên và thông thường; trái lại các thiệt hại mà các đương sự không thể dự liệu được có tính cách đặc biệt. Nhưng nếu sự bất thi hành nghĩa vụ là do một sự gian trá của con nợ thì người này phải trả tất cả các khoản thiệt hại, kể cả các thiệt hại không thể tiên liệu được. Việc thẩm định về tích cách có thể hay không thể tiên liệu được các thiệt hại là một vấn đề thực trạng thuộc thẩm quyền xet định của tòa án. Ví dụ: Số hàng hóa chuyên chở bằng xe lửa bị thất lạc trong đó có những món đồ có giá trị đặc biệt như bản thảo một tác phẩm quan trọng, những bức họa quí. Trong trường hợp này, hãng xe lửa chỉ phải bồi thường cho sở hữu chủ những món đồ trên đây một số tiền tính theo trị giá những hàng thông thường mà các hành khách vẫn hay mang theo.(…).
b. Ước khoản dự phạt: Nhiều khi các đương sự dự liệu trước trường hợp bất thi hành khế ước và tự ấn định trước ngạch số của tiền bồi thường. Sự ấn định như thế được thể hiện dưới hình thức một hiệp ước mệnh danh là ước khoản dự phạt. Ước khoản này thường ghi ngay trong khế ước chính, nhưng cũng có khi làm sau trong một văn kiện riêng biệt. Vậy ước khoản phạt là một sự thanh toán ước định tiền bồi thường thiệt hại tính khoán, mặc dù không biết trước sự thiệt hại thực sự sẽ là bao nhiêu. Số tiền ghi torng ước khoản dự phạt thay thế cho khoản tiền bồi thường thiệt hại mà đáng lẽ do thẩm phán ấn định. Vậy chủ nợ chỉ được hưởng ước khoản ấy trong trường hợp và với những điều kiện được bồi thường thiệt hại. Do đó nếu sự bất thi hành nghĩa vụ là do một trường hợp ngẫu nhiên hay bất khả kháng thì con nợ không phải thi hành ước khoản dự phạt, trừ phi con nợ đã cam kết gánh chịu trách nhiệm về cả các trường hợp đó. Trên nguyên tắc, số tiền ước định trong ước khoản dự phạt có tính cách nhất định, Tòa án không thể ấn định một ngạch số bồi thường khác được.(…). Nhưng nếu khế ước không được thi hành một phần thôi thì Tòa án có thể ấn định một số tiền bồi thường thiệt hại ít hơn ngạch số ghi torng khoản dự phạt (776 DLVN). Điều này phù hợp với ý chí phỏng đoán của các đương sự vì khi một bên đã thi hành được một phần khế ước thì không thể buộc họ phải trả tất cả các số tiền dự phạt được. Ngoài ra con nợ chỉ phải trả tiền dự phạt nếu không thi hành nghĩa vụ, vậy chủ nợ không thể vừa đòi con nợ thi hành nghĩa vụ, vừa đòi tiền dự phạt, hoặc đòi cả tiền dự phạt lẫn tiền bồi thường thiệt hại vì bất thi hành nghĩa vụ. Tuy nhiên, nếu tiền dự phạt chỉ để bồi tổn sự chậm trễ trong việc thi hành nghĩa vụ thôi thì chủ nợ có thể, ngoài số tiền dự phạt, còn đòi con nợ thi hành nghĩa vụ, hoặc đòi tiền bồi thường thiệt hại do bất thi hành nghĩa vụ (774 DLVN). Điều 772 DLVN còn quy định rằng, nếu nghĩa vụ chính mà vô hiệu thì ước khoản dự phạt cũng vô hiệu. Sự kiện này dễ hiểu vì nếu không, mặc dù nghĩa vụ có phi pháp, các đương sự cũng sẽ không dám nại ra sự vô hiệu vì sở phải trả tiền dự phạt. Do đó,  người ta có thể trốn tránh các sự cấm đoán của luật pháp một cách dễ dàng. Ngược lại sự vô hiệu của ước khoản dự phạt không làm cho nghãi vụ chính trở thành vô hiệu.
2. Tiền bồi thường vì quá hạn:
a. Quy tắc tổng quát: Đúng như tên của nó, tiền bồi thường vì quá hạn cốt để bồi tổn thiệt hại do con nợ gây ra vì thi hành nghĩa vụ một cách chậm trễ. vì vậy tiền bồi thường này được kiêm lãnh với sự thi hành nghĩa vụ. Con nợ chỉ phải trả khoản tiền bồi thường vì quá hạn nếu sự chậm trễ có thể coi như sự bất thi hành một phần nghĩa vụ. Chúng ta đã biế rằng muốn cho sự chậm trễ có tính cách ấy, chủ nợ phải đốc thúc con nợ, vì cho đến khi có sự đốc thúc, chủ nợ coi như thỏa thuận cho con nợ hưởng một thời hạn. Để đánh đồ phỏng đoán đó, chủ nợ phải đốc thúc con nợ. Tuy nhiên, chủ nợ khỏi cần đốc thúc nếu khế ước quy định rằng đáo hạn con nợ đương nhiên bị đốc thúc thi hành (693 DLVN). Ngạch số tiền bồi thường vì quá hạn cũng được ước lượng giống như trường hợp bồi thường bù trừ. Tức là tiền này gồm số tổn thất gây ra và lợi khoản thất thu. Số tổn thất này chỉ gồm có những tổ thất mà hai bên đã dự liệu khi kết ước. Trên thực tế, sự ước lượng tổn thất gây ra bởi sự chậm trễ rất khó khăn cho nên các bên kết ước thường quy định một ước khoản dự phạt, nói rằng nếu con nợ thi hành chậm trễ thì sẽ phải trả một số tiền bồi thường khoán. Ví dụ: Khế ước định rằng nếu người thầu khoán nhận xây một biệt thự trong một thời gian mà để chậm trễ thì sẽ phải trả một số tiền là bao nhiêu đó mỗi ngày.
b. Quy tắc riêng biệt cho các nghĩa vụ về tiền bạc: Các nghĩa vụ về tiền bạc chịu sự chi phối của một số quy tắc riêng biệt liên quan đến điều kiện và sự ấn định tiền bồi thường. Thường chủ nợ muốn được bồi thường phải chứng minh sự thiệt hại của mình. Trái với lệ ấy, đối với các món nợ tiền bạc, người trái hộ, nếu trả chậm trễ, trái chủ có thể đòi bồi thường mà không cần phải chứng minh thiệt hại do sự chậm trễ gây ra (706 DLVN). Lý do là vì tiền bạc là một thứ của sinh lợi và dễ đầu tư, chủ nợ phải chờ đợi con nợ hoàn trả một số tiền bao giờ cũng chịu một sự thiệt hại. Số tiền bồi thường thiệt hại này chỉ được tính kể từ ngày trái chủ đốc thúc người trái hộ trả nợ, trừ phi luật định rằng số tiền này đương nhiên được tính từ ngày người trái hộ phải trả nợ thì không kể. Theo án lệ, nếu chủ nợ khởi tố con nợ ra trước tòa, sự kiện đó có giá trị như một sự đốc thúc (PA. Pháp 7-2-1933 DH 1933-194). Tiền bồi thường thiêt hại vì quá hạn bao giờ cũng được tính theo một lợi suất nhất định, lợi suất này theo điều 1188 DLVN là không quá 12% đối với nợ dân sự và không quá 24% đối với nợ thương mại. Song nhiều khi chủ nợ có thể được hưởng một khoản bồi thường cao hơn lợi suất nhất định. Thực vậy, điều 706 khoản 3 DLVN định rằng nếu con nợ thi ha2nhnghia4 vụ chậm trễ với gian ý và khiến cho chủ nợ phải chịu một sự thiệt hại không lệ thuộc vào sự chậm trễ đó, thì chủ nợ có thể được hưởng một khoản bồi thường ngoài số tiền lời luật định của món nợ. Trong trường hợp này, chúng ta thấy rằng số bồi khoản mà chủ nợ được hưởng có thể chi thành hai phần mà nguyên nhân khác nhau: Một phần dựa trên sự chậm trễ trong việc thi hành nghĩa vụ, và một phần dựa trên gian ý của con nợ, tức là một lỗi dân sự phạm

IV. NHỮNG ƯỚC KHOẢN VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CON NỢ   
Thường trong những khế ước mà sự thi hành có nhiều bất trắc, người ta thấy có điều khoản liên quan đến trách nhiệm con nợ. Người ta dự phòng trong trường hợp không thi hành được khế ước, họ sẽ không phải chịu trách nhiệm hoặc chỉ phải phải chịu trách nhiệm trong một vài trường hợp hay tới một ngạch số nào đó thôi. Các ước khoản này có hai điều nguy hiểm:
– Ước khoản trách nhiệm có thể do một người kết ước ở vào thế mạnh ép buộc người kia phải chấp nhận. Như trong khế ước gia nhập chẳng hạn, người đối ước mặc dù không được hưởng đầy đủ những tiện ích mà đáng lẽ một người cộng ước thông thường phải được hưởng, nhưng vẫn phải kết ước nếu đó là các khế ước về các nhu cầu thường nhật như khế ước chuyên chở, điện nước …
– Mặt khác, vì các ước khoản ấy có hậu quả miễn cho con nợ khỏi gánh chịu các rủi ro của khế ước cho nên có thể khiến cho người này thêm chễnh mãng và bất cẩn trong việc thi hành nghĩa vụ.
Chính vì các lý do đó mà vấn đề hiệu lực của các ước khoản trách nhiệm đã được bàn cãi nhiều.
1. Ước khoản miễn trách:
– Trên thực tế, không bao giờ người ta thấy trong khế ước có điều khoản miễn hẳn trách nhiệm cho con nợ trong trường hợp y không thi hành nghĩa vụ. Một điều khoản như thế sẽ làm cho khế ước vô hiệu, vì như vậy, nghĩa vụ của một bên đương sự sẽ không có nguyên nhân hay nói đúng hơn không có đối tượng. Thường thì các điều khoản ghi trong khế ước, hoặc dưới nhan đề là điều khoản miễn trách hoặc dưới nhan đề khác, đều chỉ có mục đích giảm bớt số ượng hoặc giới hạn phạm vi các nghĩa vụ luật định do hiệu lực của khế ước. Với điều kiện là không xâm phạm vào trật tự công cộng, các điều khoản đó phải coi là hữu hiệu, vì theo nguyên tắc người kết ước được tự do hoạch định nghĩa vụ theo ý muốn của họ. Ví dụ người bán có thể quy định rằng họ không phải chịu trách nhiệm về các ẩn tì của vật bán. Lại có các điều khoản liên quan đến một vài nguyên nhân bất thi hành nghĩa vụ, và miễn trừ trách nhiệm con nợ trong các trường hợp dự liệu. Ví dụ: Trong khế ước chuyên chở, có các điều khoản miễn trách nhiệm cho nhà chuyên chở trong trường hợp hàng hóa bị cháy, bị thấm nước hay bị đánh cắp. Các ước khoản này chỉ có hiệu lực di chuyển trách nhiệm dẫn chứng. Thực vậy, trong các trường hợp trên đây sự bất thi hành nghĩa vụ không đủ chứng minh lỗi của con nợ, vì sự hiện hữu của ước khoản khiến con nợ không đương nhiên phải bồi thường khi nghĩa vụ không được thi hành. Nhưng chủ nợ vẫn có thể phải chứng minh rằng con nợ đã phạm lỗi hoặc là sự kiện mà con nợ đã nại ra để được miễn trách nhiệm, đã do lỗi của y gây ra. Ví dụ: Khi nhà chuyên chở quy định trong khế ước là họ không chịu trách nhiệm về sự chậm trễ thì người gửi hàng có thể dẫn chứng rằng sự chậm trễ là do lỗi của nhà chuyên chở gây ra. Nếu người chuyên chở quy định rằng y không chịu trách nhiệm trong trường hỏa hoạn, thì người gửi hàng có thể chứng minh rằng hỏa tai đã xảy ra là do sự bất cẩn của người chuyên chở. Nói tóm lại, khi khế ước có các điều khoản miễn trách thì chủ nợ phải dẫn chứng lỗi của con nợ (…).
– Tới đây, một vấn đề đặt ra là người ta có thể quy định ước khoản giải nhiệm cho con nợ về trường hợp y phạm lỗi không? Muốn giải quyết vấn đề này cần phân tích bản chất của lỗi khế ước, và phải xem xét tại sao con nợ không thi hành nghĩa vụ. Nếu con nợ đã làm một hành vi gian trá hoặc phạm một lỗi nặng, thì không chấp nhận cho y được miễn trách. Không ai có quyền cố ý làm điều xằng bậy hoặc phạm một lỗi trầm trọng đến nỗi có thể đồng hóa với sự gian trá.(…). Đối với lỗi nhẹ, vấn đề tế nhị hơn. Đành rằng con nợ không bao giờ được phạm lỗi, nhưng có những lỗi hoặc không thể tránh được hoặc có thể tha thứ được. Vậy chủ nợ có thể từ bỏ trước quyền đòi bồi thường thiệt hại khi khế ước không được thi hành do lỗi của con nợ không? Án lệ không minh thị gạt bỏ ước khoản miễn trách nhiệm trong trường hợp này. Nhưng khuynh hướng của án lệ hình như đã mặc nhiên thừa nhận sự hữu hiệu của ước khoản ấy (…). Vậy khi khế ước có một ước khoản miễn trách nhiệm cho con nợ thì chủ nợ nếu muốn đòi bồi thường thiệt hại, sẽ phải dẫn chứng lỗi của con nợ. Chủ nợ phải chứng minh rằng lỗi ấy trầm trọng đến nỗi điều khoản miễn trách không thể bao yểm được. Như thế đã có một sự đảo lộn gánh nặng dẫn chứng trong trường hợp mà đáng lẽ chủ nợ chỉ cần chứng minh sự bất thi hành nghĩa vụ mà thôi.
2. Ước khoản giới hạn trách nhiệm: Có khi trong khế ước các đương sự quy định rằng trong trường hợp bất thi hành nghĩa vụ, con nợ chỉ phải chịu trách nhiệm tới một ngạch số nào đó thôi. Đó là ước khoản giới hạn trách nhiệm. Ước khoản này không thể lầm lẫn với ước khoản dự phạt. Ước khoản dự phạt ấn định một số tiền bồi thường khoán: Nếu thiệt hại cao hơn khoản tiền dự phạt thì chủ nợ cũng không được đòi thêm; ngược lại nếu thiệt hại ít hơn thì chủ nợ vẫn được lãnh toàn phần số tiền dự phạt. Ước khoản giới hạn trách nhiệm không cho phép chủ nợ được bồi thường cao hơn ngạch số đã ấn định, nhưng nếu thiệt hại ít hơn thì chủ nợ chỉ được bồi thường vừa đúng với sự thiệt hại thôi. Nói khác đi, ước khoản giới hạn trách nhiệm chỉ ấn định một số bồi thường tối đa chứ không có tính cách bao khoán. Án lệ đã công nhận sự hữu hiệu của ước khoản giới hạn trách nhiệm, ngay cả trong trường hợp mà ngạch số tiền bồi thường ấn định xét ra ít ỏi so với tầm quan trọng của nghĩa vụ (…). Song số ngạch khoản đó quá ít, đến nỗi trên thực tế, con nợ được miễn trách hoàn toàn thì ước khoản trách nhiệm chỉ là một sự ngụy trang và vô hiệu. Ví dụ: Tiền bồi thường là một đồng đối với một nghĩa vụ quan trọng. Ngoài ra, nếu con nợ phạm một điều gian trá hay một lỗi nặng thì ước khoản giới hạn trách nhiệm sẽ vô hiệu.
3. Thiệt hại về nhân thân: Dù là ước khoản miễn trách hay giới hạn trách nhiệm, ước khoản này sẽ vô hiệu nếu liên quan đến thiệt hại về nhân thân. Thực vậy, con người là một thứ không thể xử dụng được, không thể là đối tượng của những sự giao dịch buôn bán được. Đành rằng ước khoản miễn trừ trách nhiệm không sử dụng nhân thân, ước khoản ấy không thừa nhận quyền được xúc phạm đến nhân thân, không cho phép ai được quyền cố ý gây thiệt hại đến nhân thân, nhưng không một ước khoản nào có thể thừa nhận rằng, một hành vi, dù vô ý, gây thiệt hại đến nhân thân lại không phải bồi thường gì cả, vì một ước khoản như vậy sẽ mở đường cho nhiều sự bất cẩn có thể xâm phạm tới các quyền lợi thiêng liêng nhất, và trái với trật  tự công cộng. Các thiệt hại về nhân thân phải hiểu là các sự xâm phạm về sự toàn vẹn của thân thể và đến các quyền lợi về nhân thân, nhất là danh dự. Một y sĩ không thể ký kết với bệnh nhân rằng, ông ta không chịu trách nhiệm về các quá thất trong một cuộc giải phẫu hay các sự lầm lẫn khi chẩn bệnh; Người tổ chức một hội chợ không thể quy định là không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tai nạn; chủ nhân của hội đua ngựa cũng vậy. Trong luật Hàng hải, ước khoản miễn trừ trách nhiệm ghi trong khế ước chuyên chở người bị coi là vô hiệu. Về luật Hàng không, hiệp ước Varsovie ngày 12-10-1929 giới hạn trách nhiệm của nhà chuyên chở nhưng cấm đoán các ước khoản miễn trừ toàn phần hay một phần trách nhiệm./.        

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar