Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

24. Các điều kiện trách nhiệm dân sự

CÁC ĐIỀU KIỆN TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ

Trong khi nghiên cứu về phạm vi trách nhiệm dân sự, chúng ta đã có dịp phân tích các điều kiện đặc biệt của trách nhiệm khế ước. Trong chương này, chúng ta đề cập đến vấn đề tổng quát hơn: Nghiên cứu các điều kiện chung cho tất cả các loại trách nhiệm dân sự.
Nói tới trách nhiệm dân sự, tức là nêu lên vấn đề bồi thường, như vậy điều kiện đầu tiên là cần phải có một sự tổn hại. Nhưng không phải trong tất cả các trường hợp, sự tổn hại đều được bồi thường. Còn cần hai điều kiện khác: Một sự quá thất và một mối tương quan nhân quả giữa sự quá thất và sự tổn hại. Nói cách khác, chỉ riêng người nào đã làm một sự quá thất gây nên một sự tổn hại cho người khác, mới phải bồi thường sự tổn hại ấy. Lần lượt chúng ta sẽ xet 3 vấn đề:
1. Sự tổn hại;
2. Sự quá thất:
3. Mối tương quan nhân quả giữa sự quá thất và sự tổn hại.

I. SỰ TỔN HẠI
Sự tổn hại
(dommage, préjudice: thiêt hại, tổn hại) là điều kiện tất yếu của sự bồi thường. Nếu không bị thiệt hại, lẽ tất nhiên, đơn kiện xin bồi thường sẽ không có lý do và cũng trái với nguyên tắc căn bản trong luật tố tụng: Không có quyền lợi thì không hành xử tố quyền (Pas d’intérêt, pas d’action: Không quan tâm thì không hành động). Trong các bộ dân luật hiện hành, chỉ riêng những điều khoản liên quan đến trách nhiệm dân sự phạm mới đề cập đến vấn đề tổn hại (Điều 1382 DLP, 712 DLB, 761 DLT), còn trong các điều khoản qui định trách nhiệm khế ước, nhà làm luật không nhắc đến danh từ ấy. Song điều kiện về sự tổn thiệt phải được coi như có tính cách tổng quát và phải được áp dụng chung cho cả hai loại trách nhiệm. Đối với các khế ước, sự bất thi hành một nghĩa vụ không phát động trách nhiệm khế ước một cách máy móc. Muốn được bồi thường, trái chủ cũng phải chịu một sự thiệt hại do sự bất thi hành nghĩa vụ gây ra. Tòa phá án Pháp, trong bản án ngày 25-5-1936 (Gaz.Pal.1936.2.309)  đã một cách hữu lý xử rằng: Nếu sự bất thi hành khế ước không gây ra một sự tổn thiệt nào cho trái chủ thì người này không thể xin bồi thường được.
Sự tổn hại có hai hình thức: Sự tổn hại vật chất và sự tổn hại tinh thần. Sự tổn hại vật chất (de dommage matériel: thiêt hại vật chất), có thể trị giá bằng tiền và sự tổn hại tinh thần, không pải là một sự tổn thiệt đến tiền tài vì chỉ làm tổn thiệt các quyền lợi hay các giá trị ngoại sản nghiệp, ví dụ như sự đau thương của người cha đối với người con bị tử nạn.
I.1: Sự tổn hại vật chất: Vì biểu thị một sự xâm phạm vào quyền lợi sản nghiệp, sự tổn hại vật chất có thể trị giá được bằng tiền. Trường hợp tổn hại vật chất là trường hợp thông thường rong các vụ kiện đòi bồi thường vì các quyền lợi sản nghiệp, so với các quyền lợi ngoại sản nghiệp, vốn có rất nhiều. Sự tổn hại cần phải thoả mãn nhiều điều kiện mới được bồi thường:
1. Sữ tổn hại cần phải có tính cách xác định hay chắn chắn;
2. Sự tổn hại phải chưa được bồi thường;
3. Sự tổn hại phải có tính cách trực tiếp (direct); tính cách này là một hệ luận của mối tương quan nhân quả giữa sự quá thất và sự tổn hại;
4. Sự tổn hại, trong phạm vi trách nhiệm khế ước, phải có tính cách có thể tiên liệu được (prévisible: có thể dự đoán được).
5. Sự tổn hại phải xâm phạm vào “một quyền lợi chính đáng, được pháp luật bảo vệ” (un intérêt légitime, juridiquement protégé). Vì 3 vần đề cuối, 3, 4,5, còn liên hệ đến nhiều vấn đề khác nên chúng ta sẽ có dịp xét đến sau nay. Ở đây, chúng ta chỉ phân tích hai điều kiện đầu.
I.1.1: Sự tổn hại phải có tính cách xác định hay chắc chắn: Có tính cách xác định hay chắc chắn không có nghĩa là phải xảy ra, hoặc có tính cách hiện tại (dommage actuel: thiệt hại hiện tại). Một sự tổn hại tương lai (dommage futur: thiệt hại trong tương lai) cũng có tính cách xác định, nếu như sẽ chắc chắn sẽ xảy ra và ước lượng được giá trị. Trong trường hợp này, nạn nhân có thể xin được bồi thường (Civ. 1.6.1932. D. 1932. I.102). Tuy nhiên, sự tổn hại chỉ có tính cách vị xác (dommage éventuel: thiệt hại có thể), hoặc giả định (hypothétique: giả định), nếu như không chắc chắn xảy ra và như vậy sẽ không được bồi thường. Sự phân biệt giữa tổn hại tương lai và tổn hại vị xác nhiều khi rất khó khăn, nhất là trong trường hợp mất một cơ hội may mắn. Thí dụ: Một luật sư đã để mãn hạn kháng cáo, quên ký giấy kháng cáo cho thân chủ. Bị kiện, luật sư không chịu bồi thường với viện lẽ rằng dù có kháng cáo trong thời hạn luật định, cũng chưa chắc tòa thượng thẩm sẽ cải án. Như vậy, sự tổn hại chỉ có tính cách vị xác và không thể được bồi thường. Tuy nhiên, lý luận này không xác đáng. Vì nếu sự kháng cáo không bị lãng quên, biết đâu người thân chủ của luật sư được cải án. Nói cách khác, ngay trong vụ này, đương sự mất đi một cơ hội may mắn. Sự tổn hại, tuy vị lai, nhưng có tính cách xác định, vì vậy phải được bồi thường. Số tiền bồi thường nhiều hay ít, còn tùy thuộc vào sự ước lượng của tòa án về cơ hội may mắn bị mất. Trái lại, trong trường hợp một người đánh mất vé sổ xố do một người bạn giao cho, sự tổn hại, ngoài giá vé nhỏ mọn, chỉ có tính cách vị xác hay giả thiết. Phải đợi đến kỳ hạn xổ số mới biết vé số ấy có trúng hay không và do đó, vấn đề tính cách xác định mới có thể giải quyết được. Chính cũng vì sự tổn hại phải có tính cách xác định, nên trong những trường hợp các thân nhân, hoặc các thân hữu của nạn nhân xin bồi thường, vì người này đã tử nạn, một trong những điểm mà tòa án cần xét là điều kiện nói trên. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này khi bàn tới người nào có quyền phát khởi tố quyền bồi thường.
I.1.2: Sự tổn hại phải chưa được bồi thường: Lẽ dĩ nhiên,nếu sự tổn hại đã được bồi thường rồi, nạn nhân không có thể khởi tố để xin bồi thường một lần nữa. Nguyên tắc tuy giản dị, song trong thực tế, nhiều khi cũng khó biết được là nạn nhân đã được bồi thường chưa. Thí dụ: nạn nhân đã được một người đệ tam, như công ty bảo hiểm chẳng hạn, trả cho một số tiền. Nhận số tiền này rồi, nạn nhân còn có thể kiện người gây ra tai nạn để xin bồi thường kho6g? Số tiền của hãng bảo hiểm trả cho nạn nhân có thể được coi là một sự bồi thường không? Ngoài ra, còn một vấn đề thứ hai cũng được nêu ra trong những trường hợp tương tự: người đệ tam bồi thường cho nạn nhân có quyền kiện người gây ra tai nạn để đòi họ hoàn lại số tiền đã bồi thường hay không? Hai vấn đề nói trên thường được đề cập tới trong ba trường hợp: bảo hiểm, tuất kim và bảo hiểm xã hội.
a. Trường hợp bảo hiểm: Một cá nhân ký kết một khế ước bảo hiểm (un contrat d’assurance: một hợp đồng bảo hiểm) với một công ty bảo hiểm; cứ tối mỗi chu kỳ, 03 tháng hoặc một năm, tùy theo khế ước, họ phải đóng cho công ty bảo hiểm một số tiền. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, công ty bảo hiểm phải trả tiền cho đương sự. Sư thi hành khế ước bảo hiểm đặt ra hai vấn đề về phương diện dân sự:
a1: Số tiền mà công ty bảo hiểm phải trả có thể coi là tiền bồi thường không? Đương sự có thể kiện người gây ra tai nạn để đòi một số tiền bồi thường khác hay không? Nói cách khác, đương sự có thể hưởng hai khoản bồi thường không, một khoản do hãng bảo hiểm, và một khoản do người gây ra tai nạn trả? Để giải quyết vấn đề này, cần phải biết rõ tính chất pháp lý của khoản tiền do hãng bảo hiểm trả. Khoản tiền này, thật sự, không phải là một ngạch số bồi thường. Nó chỉ là đối khoản của những số tiền mà nạn nhân đã đóng góp chu kỳ cho hãng bảo hiểm theo khế ước đã được ký kết giữa hai bên. Tai nạn chỉ là một sự kiện đã được hai bên thỏa thuận chọn làm điều kiện để thi hành khế ước. Khi nào xảy ra điều kiện này, hãng bảo hiểm phải thi hành nghĩa vụ trả cho khách hàng một số tiền ấn định trong khế ước. Rõ ràng, số tiền này không phải là một khoản bồi thường. Vì vậy, nạn nhân có thể kiêm hưởng số tiền do hãng bảo hiểm trả và khoản tiền bồi thường do người gây ra tai nạn phải đền. Giải pháp này cũng được chấp nhận trong đạo luật ngày 13-7-1930 về bảo hiểm.
a2: Hãng bảo hiểm có thể kiện người gây ra tai nạn để xin hoàn lại số tiền đã bồi thường không?
– Hãng bảo hiểm có thể nhân danh của hãng đứng ra kiện xin hoàn lại số tiền phải trả cho nạn nhân không? Lẽ dĩ nhiên, hãng không có quyền hành động như vậy. Muốn kiện người gây ra tai nạn để xin bồi thường, hãng bảo hiểm phải dẫn chứng được sự tổn hại. Việc trả số tiền cho nạn nhân không phải là sự tổn hại cho hãng. Việc hãng phải trả số tiền cho nạn nhân chỉ là một sự thi hành khế ước bảo hiểm, theo những điều kiện thông thường, không có gì thua thiệt cho hãng.
– Hãng bảo hiểm có thể nhân danh nạn nhân, kiện người đã gây ra tai nạn để đòi hoàn lại số tiền đã bồi thường không? Vấn đề này đã được giải quyết minh thị trong luật 13-7-1930 về bảo hiểm. Cần phân biệt hai trường hợp:
+ Trong các khế ước bảo hiểm về người (assurances de personnes: bảo hiểm cá nhân), hãng bảo hiểm phải trả số tiền bao khoán như trường hợp bảo hiểm nhân thọ (assurance sur la vie), hoặc bảo hiểm những tai nạn xảy ra cho người có bảo hiểm. Tùy theo khế ước, nếu người có bảo hiểm bị chết hay bị tai nạn ghi trong khế ước, hãng bảo hiểm sẽ phải trả một số tiền đã do hai bên ấn định. Số tiền này, như ta đã phân tích, không phải là số tiền bồi thường, mà là đối khoản của các bên trong khế ước. Hãng bảo hiểm không thể kiện người gây ra tai nạn để được hoàn lại số tiền ấy. Trong khế ước bảo hiểm cũng không thể ghi một điều khoản nào dự định rằng, người có bảo hiểm sẽ khước từ tố quyền của mình cho hãng bảo hiểm vì sự quy định của luật pháp về bảo hiểm có tính cách cưỡng hành và được coi là liên hệ đến trật tự công.
+ Đối với khế ước bảo hiểm về tổn hại (assurances de dommages: bảo hiểm thiệt hại), hãng bảo hiểm phải trả một số tiền to nhỏ tùy theo sự quan trọng của sự tổn hại (cháy, mất trộm …). Theo quy định của luât 13-7-1930, hãng bảo hiểm được đại nhiệm cho nạn nhân để kiện người gây ra tai nạn, trừ khi trong khế ước, có những điều khoản trái ngược. Song trong thực tế, trong các khế ước bảo hiểm, những điều khoản này chưa từng gặp thấy. Vì vậy, hãng bảo hiểm có quyền kiện người gây ra tai nạn và nạn nhân mất hẳn quyền này. Tuy nhiên, nếu số tiền do hãng bảo hiểm trả cho nạn nhân chỉ bồi tổn được có một phần sự tổn hại, hãng bảo hiểm chỉ có thể thay thế cho nạn nhân để kiện người gây ra tai nạn trong phạm vi bồi khoản đã ứng ra. Về phần mình, nạn nhân, đặc biệt trong trường hợp này, họ có quyền khởi kiện người gây ra tai nạn để xin bồi thường phần tổn hại còn chưa được đền.
b. Trường hợp tuất kim (tiền tuất): Trong một số trường hợp, nạn nhân hoặc các người thừa kế, nếu nạn nhân chết, được hưởng tuất kim do chính quyền cấp. Hai vấn đề đã được nêu ra trên đây sẽ phải giải quyết thế nào? Cần phải phân biệt tuất kim chiến tranh và các loại tuất kim khác.
Tuất kim chiến tranh (pension de guerre: tiền trợ cấp chiến tranh) là tiền tuất kim trả cho nạn nhân chiến tranh. Theo án lệ của Pháp, tuất kim chiến tranh là một khoản tiền bồi thường cho đương sự bị tai nạn trong khi tại ngủ, chẳng hạn như các người động viên bị tai nạn chuyên chở, trong khi đi nghỉ phép. Vì vậy, các đương sự không được kiêm hưởng với khoản tiền bồi thường do người ga6yra tai nạn phải trả. Cơ quan đã trả tuất kim được quyền kiện người gây ra tai nạn để được hoàn lại số tiền đã ứng ra. Tuy nhiên, trong trường hợp tiền tuất kim quá ít, không đủ để bồi thường sự tổn hại, nạn nhân có thể kiện người gây ra tai nạn để đòi bồi thường cho đầy đủ. Đối với các loại tiền tuất khác, giải pháp tế nhị hơn. Tuất kim một phần nào có thế coi như đối khoản của các phần tiền lương của nạn nhân được ký thác ở quỹ hưu bổng. Song ở Pháp, tiền ấy cũng lấy từ những nguồn tài chính khác. Vì vậy trong án lệ của Pháp,hai phòng hình sự và dân sự không đồng ý và đã có những giải pháp trái ngược về tính chất pháp lý của tuất kim và quyền của nạn nhân kiện người gây ra tai nạn để được kiêm hưởng tiền tuất phế và tiền bồi thường. Điều 44 của Bộ luật hưu bổng văn giai và quân sĩ đối với các công chức về văn giai, quy định rằng, quốc gia sẽ đại nhiệm cho nạn nhân trong tố quyền kiện người đã gây ra tai nạn. Như vậy tiền tuất kim được coi là một khoản bồi thường do Quốc gia đã ứng ra để trả cho nạn nhân, và vì vậy quốc gai được quyền thay thế cho nạn nhân để kiện xin hoàn lại. Tuy không có phạm vi bao quát cho cả vấn đề, nhưng điều khoản này thường được coi như một quy tắc tổng quát mà thẩm phán thường áp dụng cả trong các trường hợp bảo hiểm xã hội.
c. Trường hợp bảo hiểm xã hội: Nếu các nạn nhân được bảo hiểm xã hội, họ sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp cho một số tiền. Nhưng ở Pháp, dụ 19.10.1945 (điều 95-96) dự định rằng, cơ quan bảo hiểm sẽ đại nhiệm cho nạn nhân để đòi lại người gây ra tai nạn số tiền này. Nói tóm lại, trừ trường hợp bảo hiểm về người, trong các trường hợp khác, nạn nhân không thể kiêm hưởng hai khoản bồi thường. Đối với trường hợp bảo hiểm về người, sở dĩ nạn nhân có thể lãnh tiền của hãng bảo hiểm và tiền đền của người gây ra tai nạn là vì hai khoản này không có tính chất pháp lý giống nhau.
I.2. SỰ TỔN HẠI TINH THẦN. Sự tổn hại tinh thần là một sự xâm phạm vào các quyền lợi ngoại sản nghiệp, các tình cảm hoặc các giá trị tinh thần hay luân lý như sự mất danh giá, hoặc lòng đau thương đối với nạn nhân. Sự thật, sự tổn hại tinh thần cũng có hai loại: loại thứ nhất cũng không khỏi liên quan đến một sự tổn hại vật chất. thí dụ: Một tai nạn đã khiến nạn nhân bị què. Nạn nhân chịu sự tổn hại vật chất là tiền thuốc, sự mất năng lực lao công, nạn nhân cũng chịu một tổn hại tinh thần: sự đau đớn vì bị tàn tật. Loại tổn hại tinh thần thứ hai thuần túy hơn chỉ gồm những sự xâm phạm vào đời sống tình cảm của nạn nhân chằng hạn như lòng thương tiếc một người bạn quý bị tử nạn. Trong cổ luật La Mã, đã có danh từ praetium doloris (cái giá của nỗi đau, giá tiền của sự đau thương), để chỉ ngạch số bồi thường trong loại tổn hại tinh thần này. Một khi tổn hại tinh thần liên quan đến một sự tổn hại vật chất, thì sự bồi thường sự tổn hại vật chất cũng bồi thường luôn cả sự tổn hại tinh thần. Đối với sự tổn hại tinh thần thuần túy và biệt lập, vấn đề cần phải xét xem, đương sự có thể xin bồi thường được không? Một số luật gia không chấp nhận sự bồi thường các thiệt hại tinh thần. Nhưng các luận cứ mà người ta thường đưa ra để bênh vực cho chủ trương này là không được xác đáng:
a. Không thể bồi thường một sự tổn hại tinh thần, vì do bản chất, sự tổn hại về tinh thần chỉ là một sự xâm phạm vào phạm vi tình cảm. Làm thế nào để xóa nhòa hay làm mất hẳn được nỗi đau thương của người cha mà con bị nạn, hoặc sự đau buồn của một thiếu nữ bị một vết sẹo trên mặt? Tuy nhiên, lối lập luận này không đi sát thực tế và quên rằng, trong dân luật, sự bồi thường không thể xóa nhòa hoặc làm biến mất sự tổn hại vật chất và chỉ có mục đích thay thế trong sản nghiệp của nạn nhân các quyền lợi hay tài sản đã mất bằng số tiền thích đáng. Một nạn nhân bị què hay một trái chủ không được giao đồ vật đã hứa, mặc dù được bồi thường, cũng chỉ nhận được một số tiền đền. Chân họ vẫn bị què, nhưng số tiền ấy có thể bù đắp vào chỗ họ không làm việc được để kiếm tiền; hoặc người trái chủ, với số tiền bồi thường, có thể mua đồ vật mà người phụ trái đã không giao cho họ. Đối với sự tổn hại tinh thần, sự bồi thường bằng cách trả một số tiền thích đáng như vậy cũng không có gì trái lý.
b. Tuy nhiên, để phản đối sự bồi thường các sự tổn thiệt về tinh thần, người ta còn viện lẽ rằng, các sự tổn hại này rất khó ước lượng bằng tiền tài. Sự thật, đối với sự tổn hại vật chất, sự ước lượng này cũng thường gặp khó khăn, như khi ước lượng mất năng lực lao động của nạn nhân. Nhưng không phải vì trở lực này mà gạt bỏ nguyên tắc bồi thường.
c. Trên phương diện pháp lý, nhà làm luật, như chúng ta đã rõ, đã quy định một cách tổng quát khi một người, do sự quá thất của mình, đã gây ra tổn hại cho người khác thì phải bồi thường sự tổn hại ấy. Trong luật, không phân biệt sự tổn thiệt vật chất hay tinh thần. Như vậy, có thể căn cứ vào danh từ tổng quát trong luật, để nói rằng giải pháp chấp nhận sự bồi thường sự tổn hại tinh thần cũng phù hợp với quy định hiện tai. Tuy nhiên, trong án lệ, sự ước lượng ngạch số bồi thường về tổn hại tinh thần thay đổi tùy theo vụ kiện. Đối với một nghệ sỹ, nỗi đau về mất nhan sắc sau tai nạn thường được tòa án cho bồi thường khá nhiều; trái lại, trong nhiều vụ kiện phỉ báng, tòa án chỉ tuyên án phạt tượng trưng một đồng bạc bồi thường danh giá, các lý do được viện dẫn trong bản án, cũng như những hình thức công bố bản án ấy, như việc đăng vào nhật báo chẳng hạn, đã là những phương pháp bồi thường rất hiệu quả đối với sự tổn hại tinh thần rồi. Một vài bộ dân luật mới ở ngoại quốc, như dự luật Pháp- Ý về nghĩa vụ (điều 85) quy định rằng: “Sự tổn hại tinh thần có thể được bồi thường”. Giải pháp này không hợp lý, vì công nhận cho thẩm phán quyền được, tùy theo tình trạng, xét xem có nên chấp nhận sự bồi thường đối với sự tổn hại tinh thần hay không. Sự quy định này thừa nhận cho thẩm phán thẩm quyền quá rộng. Sự chấp nhận bồi thường tổn hại tinh thần hay không, phải do pháp luật quy định. Một khi nhà lập pháp thừa nhận giải pháp bồi thường, thẩm phán không thể gạt bỏ giải pháp ấy được. Thẩm phán chỉ có thể ấn định ngạch số bồi thường tùy theo sự quan trọng của sự tổn hại mà thôi./.

II. QUÁ THẤT (Mời xem bài 25. Quá thất)./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar