Ngày 23/11/2015, Luật sư tiến sĩ Lê Nết, đại diện cho Konica Minolta (KMV), đã gửi đơn đến Ban Tuyên Giáo Trung Ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam (BTGTW) và Bộ Thông tin và Truyền Thông (TTTT), đòi buộc các báo Việt Nam “phải cải chính, xin lỗi công khai vì đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của KMV và các đại lý phân phối sản phẩm của KMV”. Trong 2 bản án của tòa, KMV cũng trình bày nhắc lại là KMV đã gửi văn bản đến BTGTW, Bộ TTTT và các cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu xử lý vụ việc.
Như vậy, đòi báo chí Việt Nam “phải cải chính, xin lỗi công khai” là đòi hỏi xuyên suốt của KMV trong suốt quá trình giải quyết vụ án này. Theo qui định tại điều 19.1 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự (BLTTDS) thì “Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Với bản án phúc thẩm này và theo điều 19.1, KMV có quyền yêu cầu các báo Việt Nam phải “cải chính, xin lỗi công khai” và bồi thường thiệt hại. Vì thế, sự việc này sẽ càng trở nên nghiêm trọng nếu để tồn tại bản án phúc thẩm sai pháp luật như thế.
Tôi rất hiểu sự nghiêm trọng của vụ án này. Vấn đề không chỉ là cái máy mà vấn đề là sự thật, là danh dự của các bên, của báo chí Việt Nam và người Việt Nam. Không thể vừa bị lừa mất tiền, lại vừa phải chấp nhận xin lỗi người ta. Vì thế, sau khi có kháng nghị, tôi đã thức trắng nhiều đêm, viết liền 21 kỳ, nhằm làm sáng tỏ sự thật. Sau khi đăng bài lên facebook, tôi chia sẻ đường link các bài viết này vào số máy của các vị lãnh đạo tòa án cấp cao để mong họ đọc và hiểu vấn đề. Tôi cũng nhiều lần gửi đơn đến chánh án, các phó chánh án, thẩm tra viên để trình bày các vấn đề về máy in kỹ thuật số để họ hiểu toàn diện vụ án mới này.
Làm sao để “Bảo đảm sự vô tư, khách quan trong tố tụng dân sự” theo qui định tại điều 16 BLTTDS là trăn trở lớn nhất trong tôi. Bởi lẽ, tình hình chạy án của các luật sư là hết sức nhức nhối, đã được báo động từ phiên họp lần thứ 25 của Ban Chỉ Đạo Cải Cách Tư Pháp Trung Ương. Trong phiên họp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cảnh báo: “Không gươm, đao, súng, đạn nào bảo vệ được chế độ mà không có công lý”.
Tôi đã tận lực làm hết trách nhiệm. Các vấn đề liên quan đến vụ án này đã được làm sáng tỏ. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của ngành tòa án Việt Nam. Sau ngành tòa án là trách nhiệm của Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam phải trả lời đơn của Konica Minolta – một tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản./.
Bình luận