Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

25. Trách nhiệm dân sự phạm

TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ PHẠM 

1. Ý niệm trách nhiệm dân sự phạm: Một người chịu trách nhiệm dân sự phạm khi phải bồi thường một tổn thất gây ra cho một kẻ khác. Một nghĩa vụ phát sinh giữa người chịu trách nhiệm và nạn nhân; các người này trở thành con nợ và chủ nợ cảu nghĩa vụ, mặc dù ý chí của họ không muốn như vậy. Để xác định rõ ý niệm trách nhiệm dân sự phạm, chúng ta cần phân biệt ý niệm ấy với trách nhiệm luân lý và trách nhiệm hình sự:
– Khi làm điều gì trái với luân thường đạo lý, người ta bị lương tâm cắn rứt và cảm thấy có một trách nhiệm luân lý. Trách nhiệm luân lý là một ý niệm chủ quan, thay đổi tùy theo mỗi cá nhân. Một việc, đối với người này được coi là đáng chê trách, nhưng đối với người khác thì không có tính cách ấy. Trách nhiệm luân lý không đòi hỏi phải có một sự thiệt hại gây ra cho một kẻ khác: lương tâm có thể chê trách ta, măc dù hành vi của ta không làm hại đến một ai. Ngoài ra, trách nhiệm luân lý cũng không chịu một sự chế tài cụ thể nào cả, mọi sự việc đều xảy ra trong nội tâm và không phát biểu ra ngoài. Đôi khi luân lý cũng buộc người ta phải bổi thường, nhưng sự bồi thường đó không phải là một chế tài. Các đặc tính trên đây của trách nhiệm luân lý đã phân biệt ý niệm này với trách nhiệm dân sự phạm, cũng như trách nhiệm hình sự. Chỉ có trách nhiệm dân sự phạm hay hình sự khi nào ý nghĩa cá nhân được thể hiện ra ngoài bằng một hành vi hay một sự bất tác động. Hành vi hoặc bất tác động này phải gây ra một tổn thất.
Trách nhiệm dân sự phạm cũng cần được phân biệt với trách nhiệm hình sự. Khi một cá nhân gây ra một tổn thất, nếu sự thiệt hại này liên quan đến xã hội thì đó là trách nhiệm hình sự, còn nếu thiệt hại chỉ gây ra cho một cá nhân thôi thì đó là trách nhiệm dân sự phạm. Trách nhiệm hình sự là một sự chế tài, và chế tài này nặng hay nhẹ là tùy theo mức độ phạm pháp của mỗi cá nhân. Do đó, thẩm phán khi xử án cần phải phân tích một cách chủ quan trạng thái nội tâm của can phạm. Ngoài ra, thẩm phán không thể tuyên phạt ai về một hành vi mà luật hình không cấm đoán, chiếu theo nguyên tắc vô tội. (Nulla poena sine lage). Trách nhiệm dân sự phạm trái lại chỉ nhằm mục đích bồi thường, ngạch số của sự bồi thường này không tùy theo mức độ trầm trọng của lỗi dân sự phạm, mà chỉ tùy theo dung lượng của sự thiệt hại. Mặt khác, tuy tác phong của kẻ gây ra thiệt hại cũng là yếu tố cấu tạo trách nhiệm dân sự phạm, nhưng ở đây ngoại trừ trường hợp lỗi cố ý, người ta không xét nội tâm của người ấy, mà chỉ cần so sánh với thái độ của một người khác trong một trường hợp tương tự: Đó là một sự thẩm định khách quan. Ngoài ra, trách nhiệm dân sự phạm không nhằm trừng phạt mà chỉ có mục đích bồi thường thôi, cho nên không cần phải có một điều luật quy định rõ ràng về sự thiệt hại của nạn nhân để người này có thể đòi bồi thường: Nhà làm luật chỉ cần quy định một nguyên tắc tổng quát về trách nhiệm dân sự phạm.
2. Tầm quan trọng của trách nhiệm dân sự phạm: Bên cạnh khế ước, trách nhiệm dân sự phạm là một nguồn gốc của nghĩa vụ cũng không kém phần quan trọng. Đời sống văn minh ngày càng trở nên mỗi lúc thêm nguy hiểm; nhưng mày móc tối tân được chế tạo mỗi ngày một nhiều, khiến cho con os61 các tai nạn tăng gia bội phần, và do đó các vu kiện về trách nhiệm đã tràn ngập sổ sách của tòa án. Song song với sự tiến bộ kỹ thuật, tâm lý xã hội ngày nay cũng đã thay đổi. Thực vậy, ở vào thế kỷ 20 này, vì phải đương đầu với một đời sống vật chất khó khăn, cho nên mỗi khi một cá nhân chịu một sự tổn thiệt, họ thường nghĩ ngay tới việc đòi bồi thường. Một ví dụ cụ thể: Ngay cả trong trường hợp chuyên chở hảo ý, nếu có xảy ra tai nạn, người khách quá giang, tuy không trả tiền xe, thường cũng không quên kiện chủ xe để đòi bồi thường. Ngoài ra sự phát triển của chế độ bảo hiểm trách nhiệm, cũng ảnh hưởng không ít đến vấn đề trách nhiệm dân sự phạm. Trước con số những vụ kiện và số tiền bồi thường quan trọng mà tòa án thường cho các nạn nhân được hưởng, những người mà sự hoạt động có thể gây ra tai nạn, đã nghĩ ra cách là bảo hiểm trách nhiệm lâm thời của họ. Nhưng chính sự phát triển của bảo hiểm trách nhiệm lại làm gia tăng các tố quyền tuyên định trách nhiệm: nạn nhân không còn ngần ngại truy tố kẻ gây ra tai nạn khi biết rằng tiền bồi thường sẽ do một hãng bảo hiểm trả; do đó nhiều khi chính kẻ gây ra tai nạn lại thúc giục nạn nhân đi kiện. Mặt khác, phải nhìn nhận rằng, khi một người biết trước rằng, trách nhiệm của họ sẽ được hãng bảo hiểm che chở, người ấy ắt sẽ không mấy cố gắng để tránh các sự cố do bất cẩn gây ra cho kẻ khác. Như vậy, chúng ta thấy có một vòng lẩn quẩn: Càng nhiều tai nạn, càng nhiều kiện cáo người ta càng gia tăng bảo hiểm; và càng gia tăng bảo hiểm thì lại càng nhiều tai nạn và kiện cáo càng nhiều. Trong số những nguyên nhân làm gia tăng con số các vụ kiện về trách nhiệm, còn phải kể tới vai trò của nhà lập pháp và án lệ. Trong một số trường hợp, nhà làm luật đã ấn định nặng nề trách nhiệm của những người phải bồi thường, mặc dầu họ không làm một lỗi nào, như trường hợp các chủ xí nghiệp phải bồi thường cho các nạn nhân trong các vụ ta nạn lao động. Án lệ cũng có khuynh hướng phán xử cho các nạn nhân được bồi thường một cách dễ dàng song song với sự phát triển của chế độ bảo hiểm. Mỗi khi tòa án xử bắt bồi thường, sự thực không phải là người gây ra tai nạn phải gánh chịu bồi thường này, mà chính công ty bảo hiểm phải bồi thường. Do đó, các thẩm phán khi ngồi xử án không còn băn khoăn rằng, người gây ra tai nạn có đủ tư lực để bồi thường không, và cũng đỡ thắc mắc khi đặc trọng tâm vấn đề vào tình trạng khốn khở của nạn nhân. Nhờ chế độ bảo hiểm các rủi ro được san sẻ rộng rãi giữa các tầng lớp xã hội và sự phát triển của chế độ bảo hiểm, có thể coi như một phong trào xã hội hóa luật pháp.
3. Trách nhiệm dân sự phạm và trách nhiệm khế ước: Người ta thường phân biệt trách nhiệm khế ước vói trách nhiệm dân sự phạm, dựa trên sự sai biệt giữa lỗi khế ước và lỗi dân sự phạm. Các tác giả chủ trương rằng lỗi khế ước được phỏng đoán cho nên chủ nợ không cần dẫn chứng; trái lại, lỗi dân sự phạm không được phỏng đoán và nguyên đơn phải mang lại bằng chứng về các lỗi ấy. Thực ra trách nhiệm khế ước, trách nhiệm dân sự phạm và chuẩn dân sự phạm đều do lỗi gây ra, mà các lỗi này đều có chung một bản chất: Đó là vi phạm một nghĩa vụ sẵn có. Khi nghĩa vụ này do một khế ước ấn định thì chúng ta ở trong trường hợp trách nhiệm khế ước, nếu nghĩa vụ bị xâm phạm do luật quy định thì chúng ta sẽ đứng trước một trường hợp trách nhiệm dân sự phạm hay chuẩn dân sự phạm. Vì vậy, như chúng ta đã có dịp nói tới khi bàn về trách nhiệm khế ước, để thẩm định một người kết ước có chịu trách nhiệm không, người ta cần phải phân tích nội dung của nghĩa vụ mà chủ nợ cho rằng đã bị xâm phạm. Trong trường hợp trách nhiệm dân sự phạm và chuẩn dân sự phạm, vấn đề không đến nỗi phức tạp, vì có thể nói rằng trong luật đã quy định một nghĩa vụ cẩn thận tổng quát, bắt buộc mỗi người, trong bất luận trường hợp nào, cũng phải thận trọng. Nếu vì lỗi hay vì sơ ý mà một người gây ra một sự tổn hại, thì người đó phải có bổn phận bồi thường. Còn về phương diện dẫn chứng, lỗi khế ước cũng như lỗi dân sự phạm đều phải được chứng minh. Nhưng cần phân biệt: Trong phạm vi trách nhiệm khế ước, nếu nghĩa vụ bị xâm phạm là một nghĩa vụ cần mẫn tổng quát thì chủ nợ phải dẫn chứng lỗi của con nợ, trái lại, nếu là nghĩa vụ xác định thì chủ nợ chỉ cần chứng minh là con nợ không đạt được thành quả đã cam kết vì như thế tức là con nợ đã không thi hành nghãi vụ và phạm lỗi. Trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm cũng vậy, trên nguyên tắc, nguyên đơn trong mọi trường hợp phải chứng minh lỗi của bị đơn. Nhưng luật pháp chấp nhận rằng trong trường hợp trách nhiệm do tác động của loài vật và vật vô tri thì trách nhiệm của bị đơn là bị suy đoán, nguyên đơn không cần chứng minh lỗi của bị đơn.
Tuy nhiên, sự phân biệt giữa trách nhiệm khế ước và trách nhiệm dân sự phạm không phải là hoàn toàn giả tạo và vô ích. Thực vậy, người ta phải công nhận rằng hai loại trách nhiệm này phát sinh từ hai nguồn gốc khác nhau: Một đằng là do nơi khế ước còn một đằng là do nơi một vi phạm hay bán vi phạm. Chính vì có sự khác biệt về nguồn gốc đó mà luật lý và án lệ chủ trương rằng, chỉ có trách nhiệm khế ước nếu như có một khế ước hợp pháp; mọi trách nhiệm không xuất phát từ khế ước hợp pháp đều là trách nhiệm dân sự phạm hoặc bán dân sự phạm. Ngoài ra, giữa trách nhiệm khế ước và trách nhiệm dân sự phạm có các điểm sai biệt sau:
– Trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm, mọi lỗi, mặc dù rất nhẹ, đều phát sinh ra trách nhiệm.
– Trong phạm vi trách nhiệm khế ước trái lại, người ta phân chia lỗi, tùy theo mức độ trầm trọng của nó, thành lỗi nặng, lỗi nhẹ và lỗi rất nhẹ, và nhiều khi con nợ chỉ chịu trách nhiệm về lỗi nặng mà thôi.
– Trách nhệm dân sự phạm đưa đến hậu quả là bị đơn phải bồi thường tất cả mọi thiệt hại cho nạn nhân. Trái lại con nợ trong khế ước chỉ phải bồi thường những thiệt hại gì có thể tiên liệu được khi kết ước.
– Các người đồng phạm một lỗi dân sự phạm hay bán dân sự phạm đương nhiên phải chịu trách nhiệm liên đới trong khi các con nợ cộng đồng chỉ chịu trách nhiệm liên đới nếu như một điều khoản trong khế ước minh thị quy định như vậy.
– Sau hết trách nhiệm dân sự phạm chịu thời hiệu của tố quyền hình sự (1 năm đối với lỗi vi cảnh, 3 năm đối với lỗi tiểu hình, 10 năm đối với lỗi đại hình) trong khi trách nhiệm khế ước có một thời hiệu dài hơn 30 năm.
4. Trách nhiệm dân sự phạm và chuẩn dân sự phạm: Trong các công trình nghiên cứu về trách nhiệm dân sự phạm, các tác giả dùng danh từ trách nhiệm chuẩn dân sự phạm để chỉ các trường hợp trách nhiệm trong đó lỗi không có tính cách cố ý. Lỗi dân sự phạm là lỗi cố ý, còn lỗi dân sự phạm chỉ là một sự bất cẩn hay sơ ý mà thôi; Lỗi cố ý phát sinh trách nhiệm dân sự phạm, còn sự bất cẩn và sơ ý phát sinh trách nhiệm chuẩn dân sự phạm. Trách nhiệm dân sự phạm được quy định nơi điều 729 DLVN và trách nhiệm chuẩn dân sự phạm được dự liệu bởi điều 730 DLVN. Ngoài ra cũng phải kể là trách nhiệm chuẩn dân sự phạm do tác động của kẻ khác và của các vật vô tri gây ra, quy định tại các điều 732, 733, 736 DLVN./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar