Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

27. Quá thất trong trách nhiệm do tác động của các vật vô tri

QUÁ THẤT TRONG TRÁCH NHIỆM DO TÁC ĐỘNG CỦA VẬT VÔ TRI 

Trong các điều 1385 và 1386 của Dân luật Pháp, nhà làm luật đã dự liệu một trách nhiệm về các sự tổn hại do các loài vật hay do bất động sản đổ nát gây nên. Hai điều luật này đã qui định những trường hợp trách nhiệm do tác động của một số đồ vật. Ngoài ra, án lệ Pháp đã xây dựng một lý thuyết trách nhiệm rộng rãi hơn và công nhận rằng sự tổn hại do tác động của tất cả các vật vô tri gây nên đều phải được người giám thủ đồ vật ấy bồi thường. Án lệ này, như chúng ta sẽ rõ, chỉ là một sự giải thích khoáng đại và táo bạo hơn của các điều 1384 khoản 1 của DLP, vượt hẳn ra ngoài ý muốn của nhà lập pháp. Điều 715 DLB, 766 DLT quy định trách nhiệm về sự tổn hại do loài vật gây ra và điều 716 DLB, 767 DLT quy định trách nhiệm về các tổn hại do bất động sản đổ nát gây ra. Án lệ Việt Nam cũng chấp nhận nguyên tắc tổng quát về trách nhiệm do tác động của các vật vô tri (responsabilité du fait des choses: trách nhiệm về những điều). Sự quy định của án lệ trên đây rất quan trọng vì phạm vi trách nhiệm này rất rộng lớn. Có thể nói rằng, hầu hết các vụ tai nạn gây ra thiệt hại, bao giờ cũng có sự trung gian của những đồ vật vô tri (xe hơi, khí giới, kể cả điện khí ..). Như vậy, nếu đối với loại trách nhiệm đó, nhà làm luật đặt ra những quy tắc đặc biệt, các quy tắc này sẽ được áp dụng luôn trong thực tế. Về phương diện lý thuyết, các người chủ trương lý thuyết trách nhiệm khách quan, đã căn cứ vào án lệ này để nói rằng đây là những trường hợp hiển nhiên của trách nhiệm khác quan, vì một đồ vật vô tri không thể nào làm được một điều quá thất và như vậy, trách nhiệm do tác động của các vật vô tri phải là một trách nhiệm khách quan rõ rệt, không căn cứ vào quá thất. Lập trường lý thuyết của các luật gia này không được xác đáng vì, như chúng ta sẽ rõ, căn bản lý thuyết của loại trách nhiệm này cũng không thoát khỏi phạm vi quá thất. Loại trách nhiệm này đã có từ trong cổ luật La Mã. Khi một sự tổn hại đã do một súc vật hay một người nô lệ gây nên, người chủ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, người chủ có thể thoát trách nhiệm ấy nếu ưng thuận giao hẳn súc vật hay nô lệ cho người chịu thiệt hại (abandon noxal: sự từ bỏ noxal). Đối với các đồ vật vô tri, trong luật La Mã cũng qui định trường hợp trách nhiệm về các sự tổn hại do các đồ vật bị ném hay bỏ rơi gây nên (actio de effusis et de jectis: hành động đổ và ném) thì người chủ các đồ vật ấy phải chịu trách nhiệm. Trong cổ luật của ta cũng quy định các điều kiện tương tự. Thí dụ: Điều 582 Quốc Triều Hình Luật (Luật Nhà Lê) và Điều 208 Hoàng Việt Luật Lệ (Luật Gia Long), đã dự liệu trường hợp người chủ chịu trách nhiệm về các súc vật đã húc, đá hay cắn người. Điều 568 Luật Nhà Lê và điều 390 Luật Gia Long qui định trách nhiệm của người chủ hay thợ thuyền về các sự tổn hại do các kiến trúc hay các sự phá hủy gây nên. Như vậy, các trường hợp trách nhiệm về loài vật hay bất động sản đổ nát đã được quy định từ lâu. Riêng chỉ có nguyên tắc tổng quát về trách nhiệm do tác động của vật vô tri là một sự xây dựng mới mẻ của án lệ trong thời kỳ cận đại. Lần lượt chúng ta sẽ xét ba vấn đề: 1. Trách nhiệm do tác động của các bất động sản; 2. Trách nhiệm do tác động của các loài vật; 3. Trách nhiệm do tác động của các vật vô tri.

I. TRÁCH NHIỆM DO TÁC ĐỘNG CỦA CÁC BẤT ĐỘNG SẢN.
Điều 716 DLB, 767 DLT đã mượn nguyên văn của điều 1386 DLP và qui định: “Người chủ nhà mà nhà mình đổ nát làm thiêt hại cho người ta vì thiếu sự tu bổ hay vì một hà tì kiến thiết thì phải chịu trách nhiệm về sự tổn hại đó”. Lần lượt chúng ta sẽ xét, ai phải chịu trách nhiệm, điều kiện trách nhiệm và căn bản trách nhiệm.
1. Ai chịu trách nhiệm: Các điều 716 DLB và 767 DLT đã ghi minh bạch là người chủ phải chịu trách nhiệm bất luận là người ấy có giám thủ ngôi nhà hay không, và cũng không cần biết rằng, người ấy đã đích thân xây nhà ấy hay không. Chẳng hạn ngôi  nhà đã được cho thuê và trong khế ước thuê nhà đã định rõ rằng, người thuê nhà phải gánh tất cả các sự sửa chữa, người chủ nhà vẫn phải chịu trách nhiệm và nạn nhân có thể trực tiếp yêu cầu chủ nhà phải bồi thường sự tổn hại cho mình. Nếu người thuê đã làm một điều quá thất thì sau khi bồi tổ cho nạn nhân, chủ nhà có thể kiện người thuê để xin hoàn lại số tiền này.
2. Điều kiện trách nhiệm: Các điều 716 DLB, 767 DLT, 1386 DLP, đã nêu lên 3 điều kiện về trách nhiệm này:
a. Sự tổn hại phải do một ngôi nhà gây nên: Trong giai đoạn đầu tiên, án lệ của Pháp đã giải thích danh từ “ngôi nhà” một các rộng rãi để bên vực quyền lợi nạn nhân. Thí dụ: Trong bản án Tòa thượng thẩm Pari ngày 1-3-1904 (S.1907. II.124), một cái tủ gương gãy đổ, gây thiệt hại cho người làm công đã được coi là một ngôi nhà. Nhưng sự giải thích khoáng đại này, ngày nay không còn cần thiết, vì án lệ của Pháp cũng như án lệ Việt Nam đã chấp nhận một nguyên tắc tổng quát của trách nhiệm do tác động của các vật vô tri với các điều kiện còn thuận lợi hơn cả những điều 716 DLB, 767 DLT và 1386 DLP. Vì vậy, ngày nay tòa án đã trở về quan niệm giải thích chật hẹp hơn của danh từ ngôi nhà.
b. Sự tổn hại phải do sự đổ nát của ngôi nhà gây nên, nhưng sự đổ nát này không bắt buộc có tính cách toàn bộ. Như vậy, sự đổ nát của một ống khói lò sưởi cũng đủ. Một vấn đề được nêu ra là nếu tòa nhà chỉ gần đổ nát nhưng có một mối đe dọa cho người lân bang, những người này có thể căn cứ vào các điều khoản nói trên để khởi kiện không? Trong cổ luât La Mã, có một tố quyền cho phép các người lân bang hành động như vậy, tố quyền cautio damni infecti (tố quyền để bảo vệ sự thiệt hại viễn ảnh, hay gọi là tố quyền bảo hiểm chống lại sự thiệt hại). Trong khi dự thảo dân luật Pháp, tố quyền này đã bị loại bỏ.  Tuy nhiên, án lệ của Pháp đã chấp nhận một cách hữu lý rằng, các người lân bang có thể kiện người chủ nhà trước khi tai nạn xảy ra để tránh hiểm họa đó.
c. Một điểm pháp lý tế nhị cần phải giải quyết là các nạn nhân có thể lựa chọn giữa các điều khoản trên đây và nguyên tắc tổng quát về trách nhiệm do tác động của vật vô tri không? Điểm này nêu một điều kiện thứ ba về trách nhiệm này. Theo án lệ của Pháp, khi sự tổn hại do một bất động sản đổ nát gây ra, nạn nhân muốn đòi bồi thường, bắt buộc phải căn cứ vào điều 1386 DLP, chứ không được nại điều 1384 k1. Như vậy, nạn nhân phải dẫn chứng một sự thiếu tu bổ hay một hà tì trong kiến thiết. Sở dĩ người chủ phải chịu trách nhiệm là vì sự tổn hại đã do sự thiếu tu bổ hay do một hà tì của sự kiến thiết gây ra. Vì vậy, nạn nhân phải dẫn chứng được sự thiếu tu bổ hay một sự hà tì của sự kiến thiết. Dẫn chứng được điểm ấy, nạn nhân đã dẫn chứng được sự quá thất. Tuy nhiên, điều 1386 rất thuận lợi cho nạn nhân là vì rất có thể quá thất đó, không phải quá thất của người chủ. Sự quá thất đó là sự quá thất của người thuê phải cam kết tu sửa ngôi nhà hay là quá thất cảu người kiến trúc sư xây dựng ngôi nhà đó. Tuy người chủ không làm quá thất, song các điều khoản đặc biệt nói trên đã bắt người chủ phải chịu trách nhiệm về sự tổn hại. Người chủ, sau khi đã bồi thường, chỉ có quyền kiện lại người thuê nhà hay người kiến trúc sư, yêu cầu hoàn lại số tiền ấy. Đối với kiến trúc sư, họ phải chịu 10 năm kể từ ngày người chủ đã nhận nhà. Theo phần học lý, trách nhiệm 10 năm này chỉ áp dụng cho các hà tì kiến thiết biểu kiến (vice apparent de construction: khiếm khuyết xây dựng rõ ràng). Đối với những hà tì không có tính chất biểu kiến, thời hiệu vẫn có tính cách thông thường, nghĩa là 30 năm đối với dân luật Pháp, 20 năm đối với dân luật Bắc và 10 nămđối với dân luật Trung.
3. Căn bản của trách nhiệm: Ta nhận thấy rõ rệt là trách nhiệm của người chủ trong phạm vi trách nhiệm cổ điển mà căn bản là quá thất. Trong trường hợp sự tu bổ hay sự kiến thiết do người đại diện của người chủ phụ trách, thì trách nhiệm của người chủ cũng chỉ là một trách nhiệm do quá thất của tha nhân gây nên. Đối với nạn nhân, quá thất của người đại diện cho người chủ, tức là quá thất của người chủ, cũng như trong trách nhiệm của người ủy phái do tác động của người thụ phái.

II. TRÁCH NHIỆM DO TÁC ĐỘNG CỦA LOÀI VẬT VÀ VẬT VÔ TRI
Điều 715 DLB, 766 DLT, 1385 DLP quy định: “Người chủ con vật hay là người dùng nó, trong thời gian dùng con vật ấy, phải chịu trách nhiệm về sự tổn hại do con vật gây ra, bất luận khi ấy con vật được trông giữ hay bị lạc hoặc trốn”. Sự thật, trong các điều luật trên, nhà lập pháp chỉ minh thị quy định ai phải chịu trách nhiệm mà không nói tới vấn đề dẫn chứng quá thất. Như vậy, nếu giải thích theo văn tự, thì nạn nhân vẫn phải dẫn chứng quá thất của người chủ hay người dùng con vật gây tai nạn. Nhưng án lệ của Pháp đã có một thái độ rất thuận lợi cho nạn nhân. Trong giai đoạn đầu tiên, tòa án công nhận rằng, sự quy định của điều 1385 đã thiết lập một sự suy đoán quá thất của người chủ và miễn cho nạn nhân, khỏi phải dẫn chứng quá thất đó. Nhưng người chủ được dẫn phản chứng là mình không làm quá thất nào để khỏi bị trách nhiệm. Trong giai đoạn thứ hai, đứng trước một sự gia tăng các tai nạn do súc vật gây nên, tòa án đã tiến xa hơn nữa và bắt buộc người chủ phải dẫn chứng được là tai nạn do một nguyên nhân ngoại tại gây nên mới tránh được trách nhiệm. Nếu họ chỉ dẫn phản chứng rằng họ đã không làm điều gì quá thất thì dẫn chứng này không đủ để phủ nhận trách nhiệm. Vì vậy, một số luật gia đã coi điều 1385 như một trường hợp trách nhiệm khách quan không cần quá thất. Giải pháp này cũng được án lệ của Pháp nới rộng cho tất cả cac sự tổn hại do cac vật vô tri gây nên. Các thẩm phán đã căn cứ vào điều 1384 khoản 1 nói rằng “Người ta phải chịu trách nhiệm không những về các sự tổn hại do những tác động của mình mà còn do tác động của các người ma mình chịu trách nhiệm hay do tác động của các đồ vật mà mình phải giám thủ nữa”. Sự thực, điều 1384 khoản 1 này chỉ là một đoạn mào đầu, mở đường cho các khoản kế tiếp liên quan đến trách nhiệm của các người ủy phái, các người dạy học, các cha mẹ, hoặc trách nhiệm do các nhà cửa và các loài vật gây ra. Danh từ những đồ vật mà người ta phải giám thủ nói ở trong điều 1384 k1, theo ý nhà lập Pháp thời Napoleong chỉ bao gồm có nhà cửa đổ nát và các loài vật mà thôi. Tuy nhiên, ở Bỉ, trong một bản án của Tòa án dân sự Bruxelles ngày 31-5-1871, người ta đã chấp nhận một lối giải thích rất khoáng đại của điều 1384. Theo đề luận của ông Biện lý Faider, Tòa án Bruxelles đã coi điều này không phải là một khoản mở đầu cho những điều luật kế tiếp, mà là một điều khoản biệt lập, nêu lên một nguyên tắc tổng quát và trách nhiệm do tác động của vật vô tri gây nên. Lý thuyết này cũng được một luật gia Bỉ danh tiếng là Laurent chủ trương trong bộ sách “Các nguyên tắc của dân luật” (Principes de Droit Civil: những nguyên tắc của luật dân sự), quyển thứ 20. Ở Pháp, bản án đầu tiên của Tòa phá án công nhận lý thuyết này là bản án của Phòng dân sự ngày 16-6-1896 (S. 1897.1.17, chú thích của Esmein). Bản án này xử về bồi thường tổn hại do một vụ nổ nồi hơi gây nên. Tòa phá án xử rằng, trách nhiệm trong vụ này cũng giống như trong một vụ tai nạn do súc vật gây ra. Ngày nay, trong học lý cũng như trong án lệ, nguyên tắc tổng quát một trách nhiệm do tác động của các vật vô tri đều được chấp nhận cũng như đối với các súc vật. Lần lượt chúng ta sẽ bàn về ba điểm: Ai chịu trách nhiệm, điều kiện trách nhiệm và căn bản trách nhiệm.
II.1: Ai chịu trách nhiệm: Khác với trách nhiệm về sự tổn hại do nhà đổ nát gây ra, trách nhiệm về loài vật hay về các vật vô tri không phải bao giờ cũng do người có quyền sở hữu những đổ vật phải chịu. Theo Điều 715 DLB, 766 DLT, 1385 DLP, người chịu trách nhiệm sẽ là người chủ súc vật hay người dùng súc vật ấy. Theo điều 714 khoản 1 DLB, 763 khoản 1 DLT, 1384 khoản 1 DLP, đối với sự tổn hại do vật vô tri gây nên, người chịu trách nhiệm là người giám thủ những đồ vật ấy. Vậy cần phải phân tích rõ ý niệm giám thủ để hoạch định rõ người chịu trách nhiệm.
– Theo lý thuyết “rủi ro- lợi ích” (risque-profit: rủi ro – lợi nhuận), người giám thủ là người đã được hưởng một sự lợi ích của đồ vật về phương diện kinh tế. Do sự hưởng dụng này, họ cũng phải chịu những rủi ro mà đồ vật ấy gây ra cho người khác (ubi emolumentum ibi onus: ở đâu có lợi nhuận ở đó có gánh nặng). Nhưng lý thuyết này không xác đáng, vì trong thực tế, nhiều khi rất khó xác định ai là người được hưởng dụng lợi ích. Thí dụ: trong trường hợp một đồ vật cho thuê đã gây ra tai nạn, có thể nói rằng, người thuê và người cho thuê đều là người được hưởng lợi ích.
– Một tiêu chuẩn thứ hai là căn cứ vào sự trì thủ đồ vật (la détention: giam giữ). Danh từ giám thủ được định nghĩa thông thường, thí dụ: Người giám thủ đàn bò là người chăn bò, người giám thủ xe hơi là người tài xế. Nhưng lý thuyết này cũng không đúng vì hai lẽ: Một là, lý thuyết này sẽ công nhận trách nhiệm của người thụ phái như người chăn bò, người tài xế, trái hẳn với trách nhiệm của người ủy phái là người chủ đàn bò hay người chủ xe hơi. Hai là, lý thuyết này cũng trái với các điều khoản trong luật vì theo sự quy định hiện thời, người chủ súc vật phải chịu trách nhiệm, mặc dù súc vật đã bị lạc hay đã trốn thoát, nghĩa là trong những trường hợp không có người trì thủ.
– Một lý thuyết thứ ba đối lập với lý thuyết trì thủ đã đưa ra tiêu chuẩn giám thủ pháp lý (la garde juridique: quyền giám hộ hợp pháp). Theo tiêu chuẩn này, sự trì thủ không có ảnh hưởng pháp lý nào. Chỉ riêng sự giám thủ pháp lý, nghĩa là quyền cho những mệnh lệnh thi hành về các đồ vật đã gây ra tai nạn, mới có thể dùng làm căn bản cho trách nhiệm về tai nạn đã xảy ra. Tuy nhiên, lý thuyết này cũng đưa đến những hệ quả không thể chấp nhận đươc. Thí dụ: Một chiếc xe hơi bị lấy trộm và do gian phi cầm lái gây ra tai nạn. Trong trường hợp này, tuy gian phi trì thủ chiếc xe hơi đó, nhưng chủ nhân của chiếc xe hơi vẫn có quyền cho lệnh về chiếc xe hơi ấy, thí dụ như quyền bán xe ấy chẳng hạn. Vì vậy, người chủ vẫn bị coi là người giám thủ pháp lý chiếc xe hơi ấy và phải chịu trách nhiệm về tai nạn do chiếc xe gây nên. Lý thuyết giám thủ pháp lý đã được một bản án của Tòa phá án Pháp ngày 3-3-1936 (S. 1937.1.217) chấp nhận. Nhưng đứng trước kết quả vô lý trong thực tế, Tòa phá án Liên Phòng ngày 2-12-1941 (S. 1941.1.217, chú thích của Henri Mazeaud) đã bác bỏ lý thuyết ấy. Bản án này tuyên bố rằng tuy người ăn trộm xe hơi không có quyền pháp lý nào đối với chiếc xe, nhưng chính hắn là người giám thủ chiếc xe ăn trộm. Bản án Liên Phòng Tòa Phá án này cũng đã gián tiếp nêu lên một tiêu chuẩn khác của sự giám thủ. Bản án ấy đã phán rằng người chủ xe không còn tư cách giám thủ vì “đã bị tước đoạt sự sử dụng, sự điều khiển và sự kiểm soát cái xe“. Sau bản án này, trong án lệ của Pháp, người nào có quyền sử dụng, điều khiển, kiểm soát đồ vật, được coi là người giám thủ. Tiêu chuẩn này phát biểu một ý niệm trung gian giữa ý niệm trì thủ và ý niệm giám thủ pháp lý. Ví dụ: Một người chủ xe hơi của mình gửi xe ở ga tàu hỏ và tiếp tục cuộc du hành bằng tàu hỏa. Người chủ xe không còn quyền trì thủ chiếc xe nhưng vẫn còn quyền sử dụng lại chiếc xe ấy, vì vậy họ vẫn là giám thủ và nếu vì bất cẩn, người chủ xe không hãm thắng cho kỹ, khiến xe trôi đi gây tai nạn, người chủ xe phải chịu trách nhiệm. Trái lại, trong trường hợp một chiếc xe mất trộm, người chủ không còn quyền sử dụng. Quyền này ở trong tay tên trộm, vì vậy người giám thủ là người lấy trộm chiếc xe ấy.
Trong bản án ngày 2-3-1961, Tòa thượng thẩm Sài Gòn đã có dịp áp dụng tiêu chuẩn kể trên về sự giám thủ trong trường hợp một người đã bán xe hơi của mình cho một người khác, nhưng chưa kịp sang tên. Trong khi sử dụng xe hơi, người chủ mới đã gây tai nạn. Tòa thượng thẩm Sài Gòn đã xử một cách hợp lý rằng, trong vụ này, sự giám thủ đã chuyển từ chủ cũ sang chủ mới. Sự kiện chưa sang tên xe cho chủ mới chỉ là một khiếm khuyết về hành vi hành chính, không ảnh hưởng đến vấn đề trách nhiệm dân sự. Vì vậy, chỉ riêng người chủ mới phải chịu trách nhiệm về tai nạn do cái xe hơi gây ra.(PL.1961.i52). Bản án ngày 2-3-1961 của Tòa Thượng thẩm Sài Gòn đã đánh dấu một sự chuyển hướng hợp lý trong án lệ về vấn đề này, vì trước bản án ấy, nhiều khi Tòa án, không nhận định rõ căn bản trách nhiệm, đã tuyên bố sai lầm người chủ cũ và người chủ mới của xe đều phải chịu trách nhiệm liên đới về sự tổn hại do cái xe hơi ấy gây ra, nếu việc bán xe ấy chưa được hoàn tất về mặt hành chính, vì lẽ chưa sang tên xe cho người chủ mới. Cách phán xử sai lạc này đã bị nhiều luật gia chỉ trích một cách đích đáng. Sau khi phân tích tiêu chuẩn giám thủ, chúng ta nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn này:
1. Thường thường, người chủ đồ vật vẫn sử dụng, kiểm soát và điềi khiển đồ vật ấy. Vì vậy, trong án lệ thường suy đoán là người chủ có sự giám thủ (une présomption de garde: giả định quyền giám hộ). Nhưng sự suy đoán này chỉ có tính cách đơn thường, nghĩa là, người chủ có thể dẫn chứng phản chứng về điểm họ không là giám thủ. Trong trường hợp nào họ có thể được phản chứng? Lẽ dĩ nhiên, họ chỉ có quyền nại rằng, mình không giám thủ đồ vật đó, nếu như trong thực tế họ không trì thủ đồ vật. Nhưng sự thực cũng phải phân biệt ba trường hợp:
a. Đổ vật hay súc vật không ở trong tay ai cả. Trong trường hợp này người chủ vẫn phải chịu trách nhiệm. Các bộ luật dân sự đều đã quy định minh bạch đối với các súc vật bị lạc hay đã trốn thoát (sổng).
b. Đồ vật ở trong tay người đệ tam trái với ý muốn người chủ. Người đệ tam này có thể là người chấp hữu với tà tâm (un possesseur de mauvaise foi: một người sở hữu với đức tin xấu), như người ăn trộm xe hơi, hay một người tài xế đã dùng xe hơi của chủ ngoài giờ làm việc để đi chơi. Trong những trường hợp này, người chủ không còn là người giám thủ. Sự giám thủ đã chuyển sang người chấp hữu có tà tâm. Vẫn biết rằng, đối với người tài xế nói trên, theo án lệ, người chủ vẫn phải chịu trách nhiệm với tư cách người ủy phái (commettant), nhưng trách nhiệm này nhẹ hơn trách nhiệm người giám thủ, vì nạn nhân kiện người ủy phái để xin bồi thường thì bắt buộc phải dẫn chứng được sự quá thất của người thụ phái; trái lại, nếu nạn nhân kiện người giám thủ thì không phải dẫn chứng sự quá thất nào cả. Trong trường hợp người chấp hữu có thành ý, thí dụ như một người mua phải một chiếc xe đạp bị lấy trộm và gây tai nạn, sự giám thủ cũng ở trong tay người chấp hữu và chính người này phải chịu trách nhiệm về tai nạn gây ra chứ không phải là người chủ xe bị lấy trộm.
c. Đổ vật hay súc vật ở trong tay người đệ tam với ý muốn của người chủ. Đây là trường hợp những người thụ phái như người thuê, người thụ thác, người vay mượn …Trong trường hợp này, người ủy phái vẫn được coi là có tư cách người giám thủ, vì họ vẫn có quyền điều khiển, kiểm soát đồ vật. thí dụ trường hợp một người lái xe theo mệnh lệnh của chủ, nếu xảy ra tai nạn thì người chủ xe chịu trách nhiệm gián tiếp. Song trường hợp tế nhị là trường hợp một người trì thủ nhưng không phải là người thụ phái thì ai sẽ là người giám thủ, giữa người chủ và người trì thủ? Trên nguyên tắc, cùng với sự trì thủ, sự sử dụng và điều khiển đồ vật đã được giao cho một người khác; nhưng trong thực tế, cần phải xét rõ các điều khoản của khế ước đã được ký kết giữa người chủ và người trì thủ. Nhờ các điều khoản này, ta sẽ giải quyết được vấn đề và xét xem theo ý đôi bên kết ước, sự giám thủ thuộc về phần ai. Mỗi khi người chủ muốn rằng vẫn giữ nguyên chỉ thị về đồ vật tuy rằng đồ vật này đã giao cho người trì thủ, người chủ vẫn là giám thủ đồ vật. Án lệ của Pháp đã có nhiều dịp áp dụng tiêu chuẩn này đối với các súc vật, như đối với con ngựa được giao cho thú y để chữa hay giao cho một người thợ lò rèn để đóng móng ngựa. Nếu một tai nạn do con ngựa gây ra, ai sẽ chịu trách nhiệm? Theo án lệ của Pháp, trên nguyên tắc, người chuyên nghiệp, nghĩa là người đã tiếp nhận súc vật để hành sử nghề nghiệp của mình sẽ là người giám thủ súc vật (Tòa án phán ngày 31-3-1936. GP. 1936.i. 868). Tuy nhiên, nguyên tắc này không có gì là tuyệt đối. Nếu người chủ muốn giữ quyền điều khiển súc vật về phương diện tinh thần (direction intellectuelle), thì sự giám thủ vẩn ở trong tay người chủ. Vấn đề cũng được nêu ra trong trường hợp một người chủ xe hơi đã cho người bạn mượn xe. Ne16umo56t tai nạn xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Theo án lệ của Pháp, trên nguyên tắc, người mượn xe là người giám thủ, trừ một vài trường hợp đặc biệt. Trong bản án ngày 8-5-1944 (D. 1945. J.29), tòa phá án Pháp phán rằng, người nào được hoàn toàn sử dụng xe hơi theo ý muốn và dùng riêng cho mình sẽ phải coi là người giám thủ trong suốt thời hạn khế ước. Tuy nguyên tắc này đã được nêu rõ, song giải pháp cũng tùy thuộc ở tình trạng mỗi vụ kiện, vì vấn đề chính yếu là phải xét là người mượn xe có được hoàn toàn sử dụng theo ý của mình không. Trong trường hợp đồ vật bị chính phủ trưng dụng, người chủ đồ vật ở vào tình trạng giống như người cho thuê và chính phủ trưng dụng sẽ là người giám thủ đồ vật. Giải pháp này cũng được áp dụng, mặc dù là đồ vật bị trưng dụng với cả công nhân để điều khiển đồ vật ấy, như trường hợp chiếc xe hơi bị trưng dụng luôn cả tài xế.
Trên đây, trong khi phân tích ý niệm giám thủ, ta đã hoạch định rõ những trường hợp nào là người chủ bị trách nhiệm với tư cách giám thủ. Một điều cần nhớ rõ là mặc dù người chủ không có tư cách giám thủ, người ấy cũng còn có thể bị trách nhiệm, nếu như nạn nhân dẫn chứng được là người chủ đã làm một quá thất gây ra sự tổn hạ, nhưng đây là phạm vi trách nhiệm dân sự thông thường, không có gì đặc biệt.
Sự phân biệt giám thủ về sự nội cấu (garde de structure: bảo vệ cấu trúc) và sự giám thủ về (garde de comportement: bảo vệ hành vi). Nhiều khi, muốn biết rõ ai là người giám thủ, còn cần phải đi sâu vào vấn đề và phân biệt xem sự tổn hại đã do sự nội cấu hay động tác của đồ vật gây nên, vì người giám thủ trong mỗi trường hợp lại là một người khác. Thí dụ: Một bình hơi được người chủ giao cho một hãng xe hơi chuyên chở. Nếu trong khi chuyên chở, bình hơi rơi xuống đất gây tai nạn cho khách bộ hành, thì người giám thủ trong trường hợp này là người giám thủ động tác đồ vật, tức là hãng chuyên chở. Nhưng nếu trong khi chuyên chở bình hơi, vì có một tì tích trong sự cấu tạo nên đã phát nổ và gây tai nạn cho người khác thì người giám thủ sẽ là người giám thủ nội cấu của đồ vật, nghĩa là người chủ bình hơi ấy. Sự phân biệt này do giáo sư Goldman đề xướng và cũng được nhiều bản án trong án lệ của Pháp chấp nhận.
II.2: Các điều kiện trách nhiệm: Trong trường hợp trách nhiệm do tác động của các vật vô tri hội đủ ba điều kiện: 1. Cần phải có sự can thiệp của một đồ vật; 2. Sự tổn hại cần phải do tác động của đồ vật gây ra; 3. Nạn nhân không được tham dự vào sử sử dụng đồ vật một cách vô thường.
1. Cần phải có sự can thiệp của một đồ vật: Điều kiện này rât dễ hiểu vì thiếu nó thì người ta không thể quan niệm được một trách nhiệm do tác động cảu đồ vật. Nhưng đồ vật này là gì? Các điều 1385 DLP, 715 DLB, 766 DLT đã quy định trường hợp các tổn hại do súc vật gây ra, vậy danh từ đồ vật không gồm có các súc vật. Danh từ đồ vật rất rộng, bao gồm cả động sản và bất động sản, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt quy định ở điều 1386 DLP.
2. Sự tổn hại phải do một tác động của đồ vật gây nên: Điều kiện này gồm hai yếu tố:
a. Cần phải có một tác động của đồ vật: Điểm này rất quan hệ vì sẽ hoạch định rõ phạm vi của trách nhiệm do tác động của đồ vật. Trong hầu hết các tai nạn, bao giờ người ta cũng thấy có sự trung gian của một đồ vật gì đó, thí dụ một tai nạn do xe hơi, một nồi hơi nổ, hay một cái chậu rơi xuống gây nên; kể cả một người đánh người khác bằng gậy, bằng dao …Ta cũng nhận thấy đồ vật. Nếu không định nghĩa rõ tác động của đồ vật, tất nhiên phạm vi trách nhiệm về đồ vật sẽ thu hút hết tất cả các trường hợp trách nhiệm khác và các nguyên tắc đã được nêu lên trong địa hạt trách nhiệm thông thường sẽ trở nên vô ích. Trong án lệ của Pháp, sự định nghĩa tác động của đồ vật đã trải qua nhiều giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, án lệ đòi hỏi một tác động biệt lập của đồ vật (le fait autonome de la chose: thực tế tự trị của sự vật) mà ta cần phải phân biệt với tác động của người (le fait de l’homme: sự thật của con người). Tuy nhiên, ở đằng sau sự tác động của vật vô tri bao giờ cũng có tác động của người, vì vậy án lệ đã định rằng, chỉ có tác động biệt lập của đồ vật trong trường hợp sự tổn hại đã do một hà tì kiến thiết gây nên. Nói một cách khác, tính biêt lập của tác động đồ vật đã được định nghĩa trên căn bản hà tì riêng biệt của đồ vật đó. Thí dụ: Trong một vụ tai nạn ô tô, nếu tai nạn xảy ra vì gãy tay lái, nghĩa là do hà tì kiến thiết (vice de construction: khiếm khuyết xây dựng), thì có tác động biệt lập của đồ vật. Trái lại, nếu do người lái xe không cẩn thận, thì tai nạn phải coi là do tác động của người gây ra. Với tiêu chuẩn này mà hiện thời tòa Phá án Bỉ còn áp dụng, nạn nhân muốn được bồi thường phải dẫn chứng được một hà tì kiến thiết của đồ vật hoặc một quá thất của người gây ra tai nạn. Trong giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ năm 1930, Tòa phá án Pháp đã bỏ tiêu chuẩn nói trên. Vần đề được nêu ra trong một vụ án đặc biệt quan trọng, thường gọi là vụ án Lise Jand’heur. Trong vụ này, cô Lise Jand’heur bị một chiếc xe vận tải cán phải. Cha mẹ nạn nhân không thể dẫn chứng được một quá thất của người cầm lái, vì vậy đã nại ra điều 1384 k1 DLP để yêu cầu Tòa tuyên bố trách nhiệm của người chủ xe do tác động của vật vô tri. Theo Tòa thượng thẩm Besancon, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, vì theo tiêu chuẩn hà tì kiến thiết, nguyên đơn phải dẫn chứng được hà tì này. Tòa phá án trong bản án ngày 21-2-1927 (S. 1927.I. 137, chú thích Esmein) đã gạt bỏ một cách minh thị tiêu chuẩn tác động biệt lập của đổ vật: “Chiểu chi trong luật không phân biệt là đồ vật có do tay người điều khiển hay không; chiểu chi chỉ cần rằng đồ vật phải cần được giám thủ vì những sự nguy hiểm có thể xảy ra cho người ngoài”

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar