Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

26. Quá thất trong trách nhiệm do tác động của tha nhân

QUÁ THẤT TRONG TRÁCH NHIỆM DO TÁC ĐỘNG CỦA THA NHÂN.


Điều 714 k1 DLB, 763 k1 DLT đã mượn điều 1384 k1  DLP, quy định rằng: “Người ta phải chịu trách nhiệm không những về sự tổn hại do tác động của mình gây ra, mà cả về sự tổn hại do tác động của những người mà mình phải chịu trách nhiệm hay của các vật mà mình phải giám thủ đã gây ra nữa”. Các điều khoản trên đã thừa nhận một trách nhiệm dân sự phạm về tác động của tha nhân. Vấn đề được đặt ra là, phải xem xét sự thừa nhận này có nghĩa rằng, nhà lập pháp đã chấp nhận quan niệm trách nhiệm khách quan (responsabilité objective) hay lý thuyết rủi ro (théorie du risque) không? Nói khác đi, với các điều khoản trên đây, nhà lập pháp có đặt căn bản cho một trách nhiệm không cần đến quá thất không?
Ý niệm trách nhiệm do tác động cùa tha nhân, bắt nguồn ở sự đoàn kết vốn có sẵn giữa các đoàn viên một gia tộc hay bộ lạc. Trách nhiệm này được nhà lập pháp xác nhận để bảo vệ quyền lợi của nạn nhân và dành cho họ quyền được bồi thường dễ dàng khi sự tổn thiệt đã do các người thụ phái, các trẻ con, người thợ bạn, người gia nhân, hay người học trò gây nên. Các điều khoản nói trên, vì vậy đã qui định các trường hợp này và nhận rằng trong các trường hợp ấy, người ủy phái, cha mẹ, ngươi chủ, người dạy học sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, sự quy định của Dân luật Pháp, dân luật Bắc, dân luật Trung hơi khác. Đối với bộ dân luật Pháp, có thể phân biệt hai loại người phải chịu trách nhiệm về các tác động của tha nhân. Loại thứ nhất gồm có các người ủy phái, phải chịu trách nhiệm về các tác động của người thụ phái (responsabilité des commettants du fait des préposés: trách nhiệm của người chủ đối với người lao động). Các người ủy phái không được dẫn chứng là mình không làm một sự quá thất nào hoặc là sự tổn hại đã do một nguyên nhân ngoại tại gây nên. Loại thứ hai gồm có cha mẹ, các thầy giáo và các người thợ cả và những người này có quyền phản chứng là mình không phạm vào một sự quá thất nào để khỏi phải chịu trách nhiệm về các tổn hại do các con, các học trò hay các thợ bạn gây nên. Trong bộ DLP, sở dĩ có sự quy định chặt chẽ đối với các người ủy phái như vậy, là vì nhà lập pháp đã theo truyền thống của Robert Joseph Pothier, muốn rằng các người này phải trông coi rất ráo riết các người thụ phái để tránh các sự tổn hại gây ra cho các người đệ tam. Trái lại, trong bộ dân luật Bắc và dân luật Trung, không có sự phân biệt giữa các người ủy phái, và các cha mẹ, thầy giáo hoặc thợ cả. Tất cả các người này đều có quyền dẫn phản chứng là mình không làm điều gì quá thất để khỏi phải chịu trách nhiệm. Như vậy, có thể nói rằng, đối với trách nhiệm do tác động của tha nhân trong Luật Việt Nam, ta thấy rõ hơn trong dân luật Pháp, là không phải những trường hợp trách nhiệm khách quan, vì những trường hợp ấy, cũng căn cứ vào một quá thất của người chịu trách nhiệm, ngoài trách nhiệm quá thất của người đã gây ra sự tổn hại. Các trường hợp trách nhiệm do tác động của tha nhân đều có ba đặc điểm chung:
a. Những trường hợp này có tính cách hạn chế. Như vậy, không thể áp dụng điều khoản nói trên cho trường hợp một người phải giám thủ một đứa trẻ con điên đã gây ra tai nạn chẳng hạn.
b. Nếu người chịu trách nhiệm có thể dẫn chứng rằng người gây ra tai nạn (trẻ con, người thợ bạn, gia nhân, người học trò) đã làm một sự quá thất thì họ có thể kiện người này để đòi lại số tiền đã bồi thường cho nạn nhân. Lẽ dĩ nhiên, nếu các người chịu trách nhiệm cũng làm một việc quá thất, thì số tiền bồi thường, sẽ phải chia cho hai người, tùy theo lỗi nặng hay nhẹ của họ. Vấn đề này, ta sẽ có dịp xét lại.
c. Nạn nhân không bắt buộc phải kiện người chịu trách nhiệm cho tha nhân. Y có quyền chọn, hoặc kiện thẳng người gây ra tai nạn hoặc kiện người cha, người thợ cả … trên căn bản trách nhiệm dân sự thông thường, nghĩa là, bằng cách dẫn chứng rằng các người này cũng đã làm một sự quá thất, gây tổn hại cho họ. Nhưng trên thực tế, nạn nhân, trong sự quyết tuyển, thường nại các điều 1384 k1 DLP, 714 k1  DLB hay 763 k1 DLT, vì các khoản này cho phép kiện thẳng các cha mẹ, người thợ cả, hay người ủy phái v.v…, nghĩa là, những người thường có tài sản để bồi thường, mà hơn nữa, không phải dẫn chứng sự quá thất.
1: TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CHỦ VÀ NGƯỜI ỦY PHÁI. Lần lượt chúng ta sẽ xét: a. Ý niệm của người ủy phái; b. Các điều kiện trách nhiệm; c. Căn bản trách nhiệm.
1.1. Ý niệm người ủy phái: Điều 1384 khoản 3 DLP, 714 khoản 4 DLB, 764 khoản 2 DLT quy định rằng: “Các người chủ và người ủy phái chịu trách nhiệm về sự tổn hại do các người gia nhân hay các người thụ phái gây ra trong khi làm những công việc cho mình”. Sự thực, các người chủ cũng chỉ là một hạng người ủy phái, vì vậy, muốn hiểu rõ phạm vi của các điều khoản nói trên chỉ cần định nghĩa thế nào là một người ủy phái. Theo án lệ Tòa phá án Pháp, trong giai đoạn đầu tiên, người ta căn cứ vào hai tiêu chuẩn: 1. Sự lựa chọn người thụ phái; 2. Tính cách lệ thuộc của người này đối với người ủy phái. Nhưng án lệ này đã chuyển hướng một cách khoáng đạt và hiện chỉ còn giữ tiêu chuẩn thứ hai. Người ủy phái là người có quyền cho mệnh lệnh hay chỉ thị cho người thụ phái về cách làm công việc đã giao cho họ. Trong bản án ngày 31-1-1961 của Tòa phá án Việt Nam, xử vể vụ tai nạn xe hơi xảy ra tại Rạch Hào, Tòa phá án đã nêu một tiêu chuẩn mới về ý niệm thụ ủy. Trong bản án ngày 22-4-1960, Tòa thượng thẩm Saigon sau khi đã xử phạt người lái xe là Nguyễn Thị Sinh 2 tháng tù treo, về tội ngộ sát, đã bác đơn của dân sự nguyên cáo xin bồi thường thiệt hại và cũng truyền để chủ xe ra ngoài vụ. Bản án này bị các dân sự nguyên cáo xin phá án vì hai lý do:
1. Vi phạm vào điều 1382 dân luật, vì đã bác đơn xin bồi thường của dân sự nguyên cáo, mặc dù đã xác định Nguyễn Thị Sinh vì lỗi lầm làm thiệt mạng con của họ;
2. Vi phạm điều 1382 dân luật, vì đã để chủ xe Nguyễn Đình Quát ra ngoài vụ, mặc dù giữa Nguyễn Thị Sinh và Quát đã có những liên hệ một người thụ ủy và người ủy quyền qua con gái của Quát giao cho Thị Sinh lái. Về phương chước phá án thứ nhất, vấn đề được bàn đến trong một mục khác. Về phương chước thứ hai, Tòa phá án xét rằng, Nguyễn Thị Sinh không phải là người thụ ủy của Nguyễn Đình Quát. Vì các con gái của các dân sự nguyên cáo “chắc chắn là không có ý định giao mình cho Thị Sinh với tư cách là thụ ủy của Nguyễn Đình Quát, tư cách mà bị can không hề bao giờ tự gán cũng như là nạn nhân không bao giờ nghĩ tới, mà chỉ tin nơi tư cách cá nhân riêng của một người bạn mình, nên các dân sự nguyên cáo không thể buộc Nguyễn Đình Quát phải bồi thường thiệt hại với tư cách nại ra nhưng không được chứng minh là người đã ủy thác Nguyễn Thị Sinh”. Trong bản án này, Tòa phá án Việt Nam đã đưa ra một yếu tố mới về ý niệm thụ ủy. Yếu tố ấy có tính cách tâm lý: khi bước lên xe, nạn nhân phải nghĩ rằng, người cầm lái là người thụ ủy của chủ xe thì mới có thể đòi bồi thường trên căn bản của điều 1384 (đoạn cuối), liên hệ đến trách nhiệm của người thụ phái. Thiết tưởng yếu tố tâm lý này không cần thiết, vì không bao giờ có cả. Bước lên xe, không ai nghĩ đến tai nạn sẽ xảy đến và nạn nhân cũng không phải là những luật gia chuyên nghiệp, để nghĩ đến tư cách thụ ủy của người cầm lái, hay một tư cách khác. Tất cả chỉ là vấn đề dẫn chứng. Nguyên đơn xin bồi thường có thể chứng minh được người cầm lái là thụ ủy hay không? Điều kiện về tư cách thụ ủy đã được định rõ trong án lệ và học lý. Hiện nay, tiêu chuẩn duy nhất để biết xem có mối liên hệ thụ ủy hay không là xét tính cách lệ thuộc của người thụ ủy với người ủy phái, không cần tới yếu tố chủ quan mà tòa phá án đã nêu lên. Sự lệ thuộc này thường do một khế ước phái sinh ra như khế ước lao động giữa chủ và thợ, nhưng rất có thể là sự ủy phái đã có, mặc dù không có một khế ước nào ký kết. Thí dụ: Người con đã tuân theo lệnh của cha lái xe hơi, hoặc một trùm du đảng gian phi đã ra chỉ thị cho đảng viên phải thi hành việc gì; người cha hay người trùm đảng cũng là các người ủy phái. Như vậy, muốn biết có sự ủy phái hay không, người ta thường căn cứ vào tình trạng thực tại (situation de fait: tình hình thực tế) hơn là tình trạng pháp lý (situation de droit: tình hình pháp lý). Trong bản án ngày 20-1-1960 (PL.1960.II.11), tòa phá án Viêt Nam đã xử rằng, mặc dù người chủ xe, thực sự nhờ người khác đứng tên hộ cho y, nhưng nếu y đã thú nhận rõ rệt trước phòng dự thẩm và không bao giờ phủ nhận trước tòa sơ thẩm cũng như tòa thượng thẩm là y đã thuê và trả tiền công cho người tài xế ấy thì người tài xế là người thụ ủy của người chủ xe thực sự. Do đó, nếu tai nạn xảy ra bởi lỗi của tài xế, thì người phái ủy, nghĩa là người chủ xe thật sự, phải chịu trách nhiệm. Trong án lệ thường có nhiều trường hợp tế nhị, khiến thẩm phán không biết rõ là có sự ủy phái hay không:
a. Trong trường hợp ủy quyền (mandat: thi hành), muốn biết người thụ ủy (le mandataire: đại lý) có phải là người thụ phái hay không, chỉ cần xét xem người ủy quyền (le mandant) có quyền cho họ những chỉ thị về cách thi hành sự ủy nhiệm hay không. Nhưng sự thực, ở đây vần đề trách nhiệm của người ủy quyền thường được nêu ra trong phạm vi trách nhiệm dân sự khế ước hơn là trách nhiệm dân sự phạm.
b. Trong khế ước đấu thầu, người thầu khoán (entrepreneur: doanh nhân) thường tự do hoạt động, không phải chịu chỉ thị của người chủ đầu tư, vì vậy, người thầu khóan không phải là người thụ phái, khác hẳn với trường hợp các người thợ làm công.
c. Đối với các y sĩ chữa cho các bệnh nhân, họ cũng không phải là các người thụ phái, trừ trường hợp họ làm dưới quyền một y sĩ khác.
d. Một người giao xe cho một người bạn lái xe hơi của mình, không thể được coi là người ủy phái vì trong khi lái xe hơi, người này đủ quyền tự do, không chịu chỉ thị nào của người chủ xe. Tuy nhiên, nếu người chủ xe cũng có mặt ở trong xe thì giải pháp lại khác hẳn.
e. Trường hợp khó khăn nhất là trường hợp thụ phái lâm thời (le préposé occasionnel). Một người đã cho một người bạn mượn xe và tài xế của mình. Trong trường hợp này, người tài xế sẽ phải coi là người thụ phái của người bạn hay của chủ xe? Để giải quyết vấn đề này, cần phải xét theo tiêu chuẩn đã được đặt ra và tìm xem ai có quyền cho chỉ thị đối với người tài xế. Vấn đề này cũng được nêu ra và cũng được giải quyết như vậy đối với một sự tổn hại bị gây ra cho một bệnh nhân do một quá thất của một y tá viên. muốn biết viên y tá là người thụ phái của bệnh viện hay người thụ phái riêng của bác sĩ trông coi cho bệnh nhân trong bệnh viện, cũng cần áp dụng tiêu chuẩn sự lệ thuộc (Civ. 15. Nov. 1955, Gaz. Pal. 1956. I. 32).
f. Gần đây, tòa phá án Việt Nam trong bản án ngày 31-11-1961 (P.L. 1961.IV.9) đã xử rằng, trong một vụ mất trộm xe hơi, chủ xe bị mất trộm không phải đảm đương trách nhiệm dân sự cho kẻ trộm đã gây ra tai nạn bằng xe lấy trộm, vì người này không phải là người thụ ủy của người chủ xe, khi phạm lỗi chiếu điều 1384 DLP (Khoản này được tòa phá án áp dụng ở Nam phần như lý tính thành văn).
2.2: Các điều kiện trách nhiệm: Có hai điều kiện trách nhiệm phải được hội đủ:
a. Sự tổn hại đã xảy ra trong khi người thụ phái làm công việc mà người ủy phái giao cho họ. Điều kiện này đã được nói rõ trong các điều 1384 khoản 3 DLP, 714 khoản 4 DLB, 764 khoản 2 DLT. Như vậy, ngoài phạm vi các công việc này, nếu người thụ [hái đã làm một điều gì quá thất, gây tổn hại cho người khác, người ủy phái sẽ không phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, theo án lệ Pháp, Tòa Phá án đã chấp nhận không những người ủy phái phải chịu trách nhiệm về sự tổn hại, mà người thụ phái đã gây ra trong công việc mà người ủy phái đã giao phó, mà còn phải chịu tra1qch nhiệm cả trong trường hợp họ đã lạm dụng các quyền hành phó ủy cho họ. Thí dụ: Người chủ phải chịu trách nhiệm về các tai nạn đã do người tài xế hết giờ làm việc lấy xe đi chơi. Song nếu nạn nhân biết rõ rằng, người thụ phái đã vượt khỏi quyền hạn của mình thì người ủy phái không phải chịu trách nhiệm. Thí dụ: Tuy đã biết rằng người tài xế không được chuyên chở người ngoài, song nạn nhân cũng cứ lên xe hơi đi chơi với người tài xế: Nếu xảy ra tai nạn, nạn nhân không thể bắt người chủ phải bồi thường (Civ. 20-5-1947, D.1947,361). Sự thực, án lệ bắt buộc người ủy phái phải chịu trách nhiệm cả trong trường hợp lạm quyền của người thụ phái, đã đi quá xa trong việc giải thích văn từ của các điều khoản của luật pháp. Tuy nhiên, cũng nên nhận ra rằng, các tòa án bao giờ cũng đòi hỏi một điều kiện: sự tổn hại phải do người thụ phái gây nên nhân dịp thừa hành phận sự (dommage commis à l’occasion des fonctions du préposé: thiệt hại xảy ra trong thời gian làm nhiệm vụ của nhân viên). Nhưng xét cho kỹ, qua danh từ  này, điều kiện trên cũng chỉ được phác họa một cách sơ lược. Vì vậy, án lệ của phòng hình sự và phòng dân sự Tòa phá án của Pháp cũng bất đồng ý về sự giải thích này. Phòng hình sự có một quan niệm rộng rãi, bắt buộc người ủy phái phải chịu chịu trách nhiệm về tất cả các sự tổn hại do người thụ phái gây nên, không chú trọng tới điểm cần có một mối liên hệ xa gần giữa sự tổn hại ấy với phận sự của họ. Thí dụ: Bản án Crim, ngày 23-11-1928 (Gaz. Pal. 1928 2.900) đã bắt người chủ xe phải chịu trách nhiệm, vì người tài xết, trong khi lái xe đi giao nhật trình cho chủ, đã dừng xe lại để bắn chim trĩ và gây nên tai nạn. Bản án Crim 5-11-1953 (D.1953.698) đã bắt chủ một hãng chiếu bóng chịu trách nhiệm, vì một người làm công xếp chỗ, đã hãm hiếp một trẻ em hỏi y chỉ đường đi đến nhà cầu. Phòng dân sự, trong những bản án gần đây, có một quan niệm chặt chẽ hơn và đặt nguyên tắc rằng phải có một mối tương quan nhân quả hay một mối tương quan liên hệ ( lien de causalité ou de connexité: liên kết nhân quả hoặc kết nối) giữa phận sự của người thụ phái và sự tổn hại (Civ. 1.7.1954. D. 1954. 628). Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, tiêu chuẩn của phòng dân sự vẫn còn mơ hồ. Danh từ “mối tương quan nhân quả” như chúng ta sẽ rõ, rất mông lung. Danh từ “mối tương quan liên hệ” lại càng rộng hơn nữa. Như vậy, án lệ đã đi quá xa. Thiết tưởng, án lệ Việt Nam và bộ dân luật tương lai của ta phải nhấn mạnh vào điều kiện sau: Sự tổn hại do người thụ phái gây nên, chỉ được người ủy phái bồi thường, nếu như các sự tổn hại ấy, đã xảy ra trong khi người thụ phái thi hành phận sự. Giải pháp này sẽ chấm dứt những điểm bất hợp lý trong án lệ của Pháp.
b. Trái lại, trong khi các điều khoản của các bộ dân luật không ghi thêm một điều kiện nào khác, án lệ đã đòi hỏi một điều kiện thứ hai: Người thụ phái phải làm một quá thất đã gây ra tai nạn. Như vậy, nạn nhân muốn được bồi thường, nếu được miễn không phải dẫn chứng sự quá thất của người chủ hay người ủy phái, thì trái lại, phải dẫn chứng sự quá thất của người thụ phái như trong trường hợp kiện thẳng người này.
2.3: Căn bản trách nhiệm: Vì có sự dẫn chứng như vậy nên các luật gia Pháp cho rằng, trường hợp trách nhiệm do tác động của tha nhân không phải là một trường hợp trách nhiệm khách quan. Nạn nhân vẫn phải dẫn chứng sự quá thất của người thụ phái, như vậy chỉ có trách nhiệm khi nào có quá thất mà thôi, mặc dù là quá thất của người thụ phái. Chúng ta chỉ đứng trước sự thay thế trách nhiệm của người ủy phái cho trách nhiệm của người thụ phái. Chính vì có sự thay thế ấy, mà người ủy phái có thể kiện lại người thụ phái để đòi hoàn lại số tiền bồi thường. Trái lại, bộ dân luật Đức điều 831 và bộ luật nghĩa vụ Thụy sĩ điều 55 chỉ đặt ra đối với người ủy phái một sự suy đoán quá thất (présomption de faute: sự suy đoán có lỗi), mà người  này có quyền đánh đổ bằng phản chứng. Điều 714 k6 DLB và Điều 764 khoản 4 DLT quy định rằng, người ủy phái chịu trách nhiệm, trừ phi dẫn chứng được rằng không thể ngăn cản được tác động đã phát sinh ra trách nhiệm ấy. Sự thực, quy định này không được rõ rệt. Nếu phải giải thích theo văn từ, người ủy phái chỉ có thể tránh khỏi trách nhiệm, nếu có thể dẫn chứng được là sự tổn hại đã do một nguyên nhân ngoại tại có tính cách một trường hợp bất khả kháng; vì chỉ có trong trường hợp này, họ mới không thể ngăn cản được sự kiện đã sinh ra sự tổn hại; một sự phản chứng để tỏ rõ rằng, họ đã không làm quá thất nào cũng chưa đủ. Như vậy theo văn từ, quan niệm của hai bộ Dân luật Bắc và dân luật Trung khắc khe hơn bộ dân Luật Đức và dân luật Thụy sĩ, song còn rộng rãi hơn quan niệm của bộ dân luật Pháp. Sự giải thích theo văn từ như trên có hợp lý và có được án lệ áp dụng trong thực tế không? Sự thực điều khoản nói trên cũng mượn ở Điều 1384 DLP về khoản liên hệ trách nhiệm của các bậc cha mẹ và các người thợ cả. Khoản này cũng quy định rằng, hai loại người này chịu trách nhiệm, trừ khi họ dẫn chứng được rằng không thể ngăn chặn được sự kiện đã phát sinh ra trách nhiệm. Theo án lệ của Pháp, tuy văn từ rất minh bạch, song phải giải thích theo một tinh thần rộng rãi. Người có trách nhiệm có thể dẫn chứng rằng sự tổn hại đã do một trường hợp bất khả kháng gây ra hoặc họ đã không làm sự quá thất nào. Sự giải thích khoán đại này có được án lệ Việt Nam chấp nhận để thay thế vào sự giải thích theo văn từ không? Cho đến nay chưa có bản án nào giải quyết rõ rệt.
2. TRACH NHIỆM CỦA CHA MẸ. Theo điều 1384 khoản 2 DLP, 714 khoản 3 DLB và 764 khoản 1 DLT, các cha mẹ chịu trách nhiệm về những tổn hại do các con vị thành niên ở với họ gây ra cho người khác. Trách nhiệm này căn cứ vào nghĩa vụ cha mẹ phải trông coi những con cái ở với mình. Lần lượt chúng ta sẽ xét các vấn đề sau đây: a. Các người phải chịu trách nhiệm; 2. Điều kiện trách nhiệm; 3. Căn bản trách nhiệm.
a. Các người phải chịu trách nhiệm: Khoản 2 điều 1384 DLP nói rõ rằng người cha và sau khi người cha mất thì người mẹ phải chịu trách nhiệm này. Như vậy, trong khi người cha còn sống, không thể kiện người mẹ để đòi bồi thường được. Theo sự giải thích của án lệ Pháp, sở dĩ có sự quy định như thế là vì nhà làm luật ở Pháp chỉ bắt người nào được hành sử thân quyền phải chịu trách nhiệm mà thôi. Do đó, trong trường hợp ly hôn hay ly thân, nếu các quyền hạn của thân quyền bị chia ra giữa cha mẹ, thì người nào giám thủ người con thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Trái lại, trong hai bộ dân luật Bắc và Trung, nhà lập pháp nói rằng, người cha và người mẹ phải chịu trách nhiệm về những tổn hại do  người con gây nên, không phân biệt người cha sống hay chết. Như vậy, trong trường hợp thông thường, nạn nhân có thể kiện cả cha mẹ và trong trường hợp ly thân, vấn đề nan giải là xét xem phải kiện cha hay mẹ. Dựa vào căn bản của trách nhiệm này, tất nhiên phải coi người nào được giám thủ người con là người sẽ bị trách nhiệm. Nhưng cho tới nay cũng chưa có án lệ nào cả. Sự quy định ở các điều 1384 DLP, 714 DLB, 764 DLT, có tính cách hạn chế. Như vậy, không thể áp dụng các điều khoản này cho các ông bà hay các người giám hộ.
b. Các điều kiện của trách nhiệm: Về trách nhiệm của các cha mẹ, cần có ba điều kiện:
1. Con còn vị thành niên: Nếu người con đã trưởng thành, nghĩa là đủ 21 tuồi trở lên, các điều khoản nói trên không thể thi hành được. Mặc dù trong trường hợp đặc biệt, người con trưởng thành bị điên, nghĩa là còn phải cần sự trông coi của cha mẹ, nạn nhân cũng không thể xin áp dụng các điều khoản trên và chỉ có thể xin bồi thường trong phạm vi dân sự thông thường, nghĩa là, phải dẫn chứng được một sự quá thất của cha mẹ. Trong trường hợp người con được thoát quyền, lẽ tự nhiên, cha mẹ không còn nghĩa vụ trông coi và như vậy phải được giải thoát trách nhiệm nói trên, bất luận là sự thoát quyền do ở giá thú hay ở ý chí của cha mẹ và mặc dù người con còn ở chung với cha mẹ. Tuy nhiên, một bản án của Tòa phá án Pháp ngày 4.2.1954 (S.1954-I, trang 200), định rằng, trong trường hợp người con được cha mẹ tự ý cho thoát quyền thì trách nhiệm của cha mẹ vẫn còn. Sở dĩ, Tòa phá án đã chấp nhận giải pháp này là sợ các cha mẹ lạm dụng sự thoát quyền để tránh trách nhiệm.
2. Con phải ở với cha mẹ: Điều kiện này cũng được quy định minh bạch trong luật. Như vậy, nếu người con đã ở riêng, cha mẹ sẽ không phải chịu trách nhiệm về các tổn hại do người con gây ra. Tuy nhiên, nếu sự không ở chung này không có lý do chính đáng hoặc mặc dù không có sự ở chung, cha mẹ vẫn còn có thể trông coi được, thì cha mẹ vần còn phải chịu trách nhiệm.
3. Quá thất của người con: Hành vi của người con có cần phải quá thất không? Chúng ta đã biết rằng, sở dĩ cha mẹ phải chịu trách nhiệm về những hành vi ấy là vì đã làm một sự quá thất khi không trông nom con cái, nhưng sự thiếu trông coi này chỉ có tính cách quá thất nếu hành vi của con cái cũng cùng chung tính chất – sự quá thất. Song lý luận này không khỏi làm cho các luật gia theo trường phái cổ điển phải thắc mắc. Theo lý thuyết cổ điển, một cá nhân chỉ có thể làm một việc quá thất nếu như có tri thức. Một thiếu niên chưa trưởng thành thì tất nhiên chưa đủ tri thức. Vì vậy, một số luật gia đề nghị rằng hành vi của người con chỉ cần phải có tính cách bất hợp pháp một cách khách quan (objectivement illicite: khách quan trái phép). Tuy nhiên, vấn để này kho6ngquan trọng trong thực tế, vì trong luật đã quy định rằng quá thất của cha mẹ được suy đoán không cần phải dẫn chứng. Sự suy đoán này cũng đem lại hệ luận tất nhiên là quá thất của người con được suy đoán và không cần phải chứng minh.
c. Căn bản trách nhiệm: Trách nhiệm của cha mẹ căn cứ vào sự suy đoán quá thất vì lẽ cha mẹ thiếu trông nom con cái. Nhờ ở sự suy đoán quá thất này, nạn nhân muốn được bồi thường không cần phải dẫn chứng quá thất của cha mẹ. Tuy nhiên, trong luật dự liệu rằng, cha mẹ có thể dẫn phản chứng để tỏ rằng mình không thể ngăn cản sự kiện đã gây ra tổn hại. Chúng ta đã biết rằng, tuy luật quy định ngặt nghèo như vậy, án lệ Pháp đã giải thích điều khoản này một cách khoán đại. Cha mẹ không những có thể dẫn chứng rằng sự tổn hại do một trường hợp bất khả kháng gây ra, mà còn có thể dẫn chứng rằng mình đã không làm một điều gì quá thất để khỏi phải bị trách nhiệm. Tuy nhiên, sự dẫn chứng này rất khó khăn, vì cha mẹ không những phải dẫn chứng đã trông nom con cái cẩn thận, mà còn phải chứng minh giáo dục con cái đầy đủ. Hoặc nếu không dẫn chứng được cả hai điểm này thì phải chứng minh rằng, sự kiện thiếu ấy không phải là nguyên nhân cả hành vi đã sinh ra sự tổn hại. Trong thực tế, vấn đề này thường được nêu lên trong trường hợp vụ án bồi thường tổ hại do một người con vị thành niên đi xe đạp hay tập thể thao gây nên. Điểm xét cha mẹ có làm quá thất hay không là một điểm thực tế phải được giải quyết tùy theo tuổi của người con và tình trạng của mỗi vụ. Trong hai bản án Req. 8.11.1943 và Crim 27.7.1944, Tòa phá án Pháp đã miễn trách nhiệm cho người cha về sự tổn hại do người con gây ra trong khi đi xe đạp, vì tòa xét tuổi người con đã khá lớn trong ha vụ này, (18 và 19 tuổi). Đối với tuổi ấy, cha mẹ có cho phép con đi xe đạp cũng không phải là một quá thất trong việc trông nom con cái.
3: TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGƯỜI THỢ CẢ.  Điều 714 khoản 4 và 5 dân luật Bắc và 764 khoản 2, 3 dân luật Trung, qui định rằng, các người thợ cả chịu trách nhiệm về những tổn hại do các người thợ bạn gây nên, trong khi làm những công việc họ giao cho, hoặc trong khi những người thợ bạn này ở dưới quyền của họ. Quy định như vậy, hai bộ dân luật Bắc và Trung đã nới rộng phạm vi của điều 1384 khoản 3 của bộ dân luật Pháp, vì khoản này chỉ nói rằng, các người thợ cả chịu trách nhiệm về các sự tổn thiệt do các người thợ bạn gây nên trong khi ở dưới quyền họ.
a. Thế nào là một người thợ cả? Trong luật lao động có định nghĩa và quy định khế ước học việc (contrat d’apprentissage: hợp đồng học việc). Song đối với án lệ, các điều khoản này không liên quan đến vấn đề trách nhiệm dân sự. Người thợ cả chỉ chịu trách nhiệm dân sự về người thợ bạn, nếu như hai điều kiện được hội đủ:
1. Dạy dỗ một nghề nghiệp cho người thợ bạn: Điều này phân biệt người thợ cả với người ủy phái.
2. Giao một viêc cho người thợ bạn làm: Điều này phân biệt người thợ cả với người thầy giáo.
b. Điều kiện trách nhiệm: Theo sự qui định của hai bộ luật DLB, DLT, người thợ bạn phải gây tai nạn trong thời kỳ làm một công việc do người thợ cả giao cho. Điều 1384 khoản 3 DLP, chỉ đòi hỏi rằng người thợ bạn phải chịu sự trông coi của người thợ cả. Cũng như trẻ vị thành niên, người thợ bạn phải làm một quá thất, song quá thất này cũng được suy đoán, không phải dẫn chứng.
c. Căn bản trách nhiệm: Cũng như cha mẹ, người thợ cả chịu trách nhiệm vì đã thiếu trông coi người thợ bạn. Sự thiếu trông coi này đã được luật suy đoán trong các điều khoản kể trên. Vì lẽ ấy, nguyên đơn xin bồi thường, không phải dẫn chứng sự quá thất của người thợ cả. Tuy nhiên, người thợ cả có thể dẫn phản chứng như các bậc cha mẹ để khỏi phải chịu trách nhiệm.
4: TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI DẠY HỌC: Điều 714 khoản 5 DLB và 764 khoản 2 DLT qui định rằng người dạy học phải chịu trách nhiệm về các sự tổn hại do học trò gây nên trong thời gian ở dưới quyền trông coi của họ. Điều này mượn ở điều 1384 khoản 4 và 5 DLP và đặt ra cho các người dạy học một trách nhiệm tương tự như trách nhiệm người thợ cả, nghĩa là nạn nhân có thể xin bồi thường mà không phải dẫn chứng sự quá thất của người dạy học vì quá thất này được suy đoán. Ngoài ra, người dạy học cũng như người thợ cả, được dẫn chứng là đã trông coi cẩn thận học trò để khỏi phải bị trách nhiệm. Nhưng muốn biết rõ phạm vi của sự quy định này, cần phải định nghĩa danh từ dạy học. Theo án lệ của Pháp mà ta có thể áp dụng được, có hai tiêu chuẩn rất hợp lý:
1. Người dạy học phải dạy một khoa học hay một nghệ thuật (une science ou un art). Như vậy phải phân biệt người dạy học với người thợ cả dạy nghề.
2. Danh từ dạy học chỉ bao gồm có các thầy giáo ở sơ học và trung học. Trái lại, các giáo sư đại học không phải chịu trách nhiệm vì theo tổ chức của nền giáo dục quốc gia, ở Pháp cũng như Việt Nam, các giáo sư đại học không phải trông nom sinh viên. Ngoài ra, các qui định nói trên áp dụng bất luận là học trò còn vị thành niên hay đã trưởng thành rồi, và mặc dù là những tổn hại do học trò gây ra cho một người đệ tam hay cho một người học trò khác. Về vấn đề trách nhiệm của các người dạy học, trong dân luật của Pháp đã có một sự tiến hóa mà ta cũng nên biết về phương diện đối chiếu pháp. Các quy định đầu tiên của Bộ luật Napoleong giống hệt các điều khoản của hai bộ dân luật Bắc và Trung vì hai bộ dân luật này vốn chép lại sự quy định ấy. Song một vài bản án trong án lệ của Pháp đã không chấp nhận cho các người dạy học được dẫn phản chứng, khiến giới học chức rất xôn xao, nhất là vì có một giáo viên bị tòa phạt, đã mất trí khôn vì quá lo nghĩ. Nghị viện Pháp đã biểu quyết một đạo luật ngày 29-7-1899, sửa đổi lại điều 1384 khoản 3, để phân biệt hai loại thầy gió trường tư và thầy giáo trường công. Đối với thầy giáo trường công, trách nhiệm quốc gia được thay thế cho trách nhiệm của thầy giáo. Song giải pháp này vẫn chưa giải quyết được một cách ổn thỏa. Trong trường tư, trách nhiệm của giáo học vẫn nặng như cũ; còn đối với thầy giáo trường công, thì nhà nước một khi đã bồi thường cho nạn nhân, vẫn có thể kiện lại viên giáo học để đòi lại số tiền bồi tổn. Một giai đoạn cải cách thứ hai đã được thực hiện trong đạo luật ngày 5.4.1937. Tuy sự thay thế trách nhiệm của quốc gia cho thầy giáo trường công vẫn được duy trì như trước, song sự cải cách năm 1937, bắt buộc nguyên đơn xin bồi thường phải dẫn chứng được quá thất của viên giáo học theo như các nguyên tắc trách nhiệm dân sự thông thường, bất luận là giáo học trường công hay trường tư. Như vậy, sự suy đoán quá thất trong sự trông coi của các người dạy học, đã bị hủy từ năm 1937. Ngoài ra, về phương diện thủ tục, nguyên đơn xin bồi thường phải khởi kiện trong thời hạn ba năm kể từ ngày xảy ra tai nạn. Thời hạn 3 năm là thời hạn tiêu diệt đoản kỳ, chứ không phải một thời hạn tiên định (délai préfixe: độ trễ tiền tố). Như vậy, nếu nạn nhân là một trẻ vị thành niên, thời hạn này được đình chỉ cho đến tuổi trưởng thành của đứa trẻ. Ngoài ra, nếu thời hạn xảy ra trong một trường công, nguyên đơn sẽ phải kiện quốc gia xin bồi thường, thay vì phải kiện giáo học, song điểm đặc biệt vẫn là phải khởi kiện trước tòa án dân sự như thường.
5 TRÁCH NHIỆM KHẾ ƯỚC DO TÁC ĐỘNG CỦA THA NHÂN
Có nhiều khế ước mà sự thi hành được một bên kết ước giao cho đệ tam nhân phụ trách. Nếu do quá thất của người này mà khế ước không được thi hành thì vấn đề trách nhiệm phải giải quyết thế nào? Trong một thời gian khá lâu, án lệ và học lý của Pháp không phân tích thấu triệt trường hợp này và đồng hóa trách nhiệm khế ước do tác động của tha nhân với trách nhiệm dân sự phạm do tác động của một người thụ phái (1384, k3 DLP). Sự ngộ nhận này đáng tiếc vì hai lẽ:
a. Khi có một khế ước không được thi hành, vấn đề trách nhiệm phải được đặt trên bình diện trách nhiệm khế ước, không thể nào áp dụng các điều khoản liên hệ đến trách nhiệm dân sự phạm như các điều 1384 DLP, 714 DLB, 764 DLT;
b. Trong ba bộ dân luật DLP, DLB, DLT, nhà làm luật có qui định trong nhiều chương mục một số trường hợp trách nhiệm khế ước do tác động của tha nhân: Trường hợp khế ước ủy quyền, khế ước cho thuê lại, trường hợp các người thụ phái của các người chuyên chở hay của các chủ khách sạn …Có thể kết luận rằng, những trường hợp này chỉ là những sự áp dụng cá biệt một nguyên tắc tổng quát liên quan đến trách nhiệm khế ước do tác động của tha nhân. theo nguyên tắc này, khi một người kết ước, nhờ một người đại diện cho họ trong sự thi hành khế ước, các sự tổn hại do người đại diện gây nên trong sự thực hiện nhiệm vụ của họ thì phải được người ủy quyền bồi thường.
Trách nhiệm khế ước do tác động của tha nhân cũng như trách nhiệm do tác động của người thụ phái đòi hỏi hai điều kiện:
1. Người đại diện đã làm một quá thất gây nên tổn hại;
2. Quá thất ấy đã do người đại diện làm trong khi thi hành nhiệm vụ.
Nhưng nên nhớ rằng, không cần dẫn chứng quá thất của người đại diện trong trường hợp bất thi hành nghãi vụ xác định hay nghĩa vụ thành quả của khế ước. Quá thất chỉ phải chứng minh đối với các nghĩa vụ cẩn mẫn tổng quát hay cấp phương tiện mà thôi. Chính vì các điều kiện tương tự như thế này mà có sự ngô nhận giữa hai trách nhiệm, trách nhiệm khế ước của tha nhân với trách nhiệm bồi thường tổn hại của người thụ phái. Nói cho đúng hơn, phải dùng danh từ “Trách nhiệm khế ước do tác động của người đại diện” (responsabilité contractuelle du fait des représentants: trách nhiệm hợp đồng đối với người đại diện). Sự đại diện này có thể do luật định (représentation légale: đại diện pháp lý). Thí dụ: nếu người giám hộ không thi hành khế ước đã được kết lập nhân danh người bảo nhi, thì người bảo nhi phải chịu trách nhiệm. Nhưng phần đông các trường hợp, sự đại diện thường bắt nguồn từ hợp ước (représentation conventionnelle). Vối hình thức này, người đệ tam có thể là một người thụ quyền phụ trách thi hành khế ước cho người phụ trái hay chỉ là các người làm công như nhân viên của một hãng chuyên chở hay của một khách sạn. Dù sao, trong tất cả các trường hợp trách nhiệm khế ước do tác động của người đại diện, căn bản của trách nhiệm này vẫn là quá thất của người đệ tam, do ý niệm đại diện, có thể coi như quá thất của người phụ trái./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar