SỰ TỔN HẠI
Trong trách nhiệm khế ước, chúng ta đã biết rằng, chủ nợ được bồi thường khi nào đã chịu một tổn thất, và sự bồi thường này theo nguyên tắc chỉ vừa đúng với sự thiệt hại đã gây ra. Đối với trách nhiệm dân sự phạm cũng vậy, sự tổn hại là một điều kiện tất yếu của sự bồi thường, nếu không bị thiệt hại, lẽ tất nhiên đơn kiện bồi thường sẽ không có lý do và cũng trái với nguyên tắc căn bản trong luật tố tụng: Không có quyền lợi thì không thể hành xử tố quyền. Sự tổn hại ở đây có hai hình thức: Sự tổn hại vật chất và sự tổn hại tinh thần. Sự tổn hại vật chất có thể trị giá bằng tiền; còn sự tổn hại tinh thần không phải là một sự tổn thiệt đến tiền tài vì chỉ liên quan đến các quyền lợi hay các giá trị ngoại sản nghiệp. Ví dụ như sự đau thương của người cha khi có con bị tử nạn.
I. SỰ TỔN HẠI VẬT CHẤT
Sự tổn hại vật chất có thể trị giá được bằng tiền. Đó là trường hợp thông thường trong các vụ kiện đòi bồi thường vì các quyền lợi sản nghiệp so với các quyền lợi ngoại sản nghiệp, vốn có rất nhiều. Muốn được bồi thường, sự tổn hại phải thỏa mãn ba điều kiện chính: Sự tổn hại cần phải có tính cách chắc chắn, phải chưa được bồi thường, và phải có tính cách trực tiếp. Điều kiện thứ ba sẽ được nói tới khi chúng ta bàn về tương quan nhân quả giữa lỗi và tổn hại. Bây giờ chúng ta chỉ xét hai điều kiện trên: Điều kiện chắc chắn và phải chưa được bồi thường.
1. Sự tổn hại phải có tính cách chắc chắn: Một sự tổn hại chắc chắn không bắt buộc là phải đã xảy ra. Một sự thiệt hại tương lai cũng có tính chắc chắn nếu như nhất định sẽ xảy ra và có thể ước lượng trước được. Trái lại một sự tổn hại không chắc chắn sẽ xảy ra hoặc chỉ có tính cách giả định thì không thể được bồi thường. Ví dụ: Một vị luật sư đã để mãn hạn kháng cáo mà quên không làm thủ tục kháng cáo cho thân chủ. Khi bị thân chủ kiện, luật sư không chịu bồi thường vì viện lẽ rằng, dù có kháng cáo trong hạn luật định, cũng chưa chắc tòa thượng thẩm sẽ cải án; Như vậy sự tổn hại không chắc chắn và không thể bồi thường. Song lý luận này không được xác đáng nếu như người thân chủ có nhiều triển vọng được tòa án trên sửa án. Trong trường hợp này, tuy sự tổn hại có tính cách vị lai nhưng cũng chắc chắn và như vậy phải được bồi thường.
2. Sự tổn hại phải chưa được bồi thường: Lẽ dĩ nhiên nếu sự tổn hại đã được bồi thường rồi thì nạn nhân không thể khởi tố để xin bồi thường lần nữa. Nguyên tắc giản dị, song trong thực tế nhiều khi cũng khó biết được là nạn nhân đã được bồi thường chưa. Vấn đề đặt ra trong trường hợp bảo hiểm. Có ba loại bảo hiểm: Bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm thiệt hại và bảo hiểm nhân thọ. Một cá nhân ký kết một khế ước bảo hiểm với một hãng bảo hiểm, trong đó quy định rằng, nếu đương sự gây thiêt hại cho kẻ khác thì hãng bảo hiểm sẽ thay thế đương sự để bồi thường cho nạn nhân. Đó là bảo hiểm trách nhiệm. Khế ước bảo hiểm lại có thể quy định rằng, nếu đương sự gặp rủi ro tai nạn bị thương hoặc nếu tài sản của đương sự bị thiệt hại thì hãng bảo hiểm sẽ trả cho đương sự một số tiền. Trong trường hợp thứ nhất là bảo hiểm về người, trường hợp thứ hai là bảo hiểm về thiệt hại. Đối với bảo hiểm trách nhiệm, lẽ dĩ nhiên nạn nhân một khi đã được hãng bảo hiểm bồi thường thì không thể kiện người gây ra tai nạn để bồi thường thêm một lần thứ hai được, vì khi bồi thường cho nạn nhân hãng bảo hiểm đã đại diện cho người gây ra tai nạn. Vấn đề phức tạp hơn đối với bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm thiệt hại. Người ta có thể nêu ra hai vấn đề: (Trang 174 – đã hiểu không đưa vào).
II. SỰ TỔN HẠI TINH THẦN
Tổn hại tinh thần là một sự xâm phạm vào các quyền lợi ngoại sản nghiệp, các tình cảm hoăc các giá trị tinh thần hay luân lý như sự mất danh giá, hoặc lòng đau thương đối với nạn nhân. Sự tổn hại tinh thần đi liền với sự tổn hại vật chất. Ví dụ: Một người bị một chiếc xe cán què chân. Nạn nhân chịu tổn thất vật chất vì phải trả tiền thuốc men và mất năng lực lao động, nhưng cũng bị tổn hại tinh thần vì đã chịu đau đớn. Trong trường hợp này, sự bồi thường các tổn hại vật chất đi đôi với sự bồi thường các thiệt hại tinh thần. Nhưng có khi một đương sự chỉ chịu môt sự tổn hại tinh thần thuần túy như lòng thương tiếc một người bạn tử nạn, vậy họ có thể xin bồi thường không? Luật La Mã gọi thiệt hại này là “Praetium doloris: Cái giá của nỗi đau”, tức là giá tiền của sự đau thương. Một số luật gia không chấp nhận sự bồi thường các thiệt hại tinh thần. Họ đưa ra lý do:
– Không thể bồi thường một sự tổn hại tinh thần vì do bản chất, sự tổn hại đó ở phạm vi tình cảm. Người ta không thể xóa bỏ được nỗi đau thương của người cha có con bị tai nạn, hoăc sự đau buồn của một thiếu nữ bị một vết sẹo trên mặt. Song luận cứ này xét ra không vững chắc. Trong dân luật, sự bồi thường cũng không xóa bỏ hẳn được các thiệt hại vật chất; n1o chỉ nhằm mục đích thay thế vào sản nghiệp của nạn nhân các quyền lợi hay tài sản đã mất bằng một số tiền thích đáng. Đối với các tổn hại tinh thần cũng vậy, sự bồi thường bằng một số tiền có thể thay thế cho những gì đã mất đi.
– Nhưng các luật gia nói trên lại nêu ra một lý lẽ thứ hai là sự tổn hại về tinh thần khó có thể ước lượng bằng tiền được. Sự thực đối với các tổn hại vật chất, sự ước lượng này cũng thường gặp khó khăn, như khi mất năng lực lao động của nạn nhân. Nhưng không phải vì trở ngại này mà gạt bỏ nguyên tắc bồi thường. Trên phương diện pháp lý, nhà làm luật trong điều 729 DLVN quy định một cách tổng quát rằng, khi một người do lỗi của mình đã gây ra sự tổn hại cho người khác thì phải bồi thường sự tổn hại ấy. Luật không phân biệt sự tổn hại vật chất hay tinh thần, như vậy có thể căn cứ vào danh từ tổng quát trong luật để chấp nhận sự bồi thường tổn hại tinh thần. Tuy nhiên, trong án lệ, sự ước lượng ngạch số bồi thường vì tổn hại tinh thần thay đổi tùy theo vụ kiện. Đối với nghệ sĩ, nỗi đau vì mất nhan sắc sau tai nạn thường được tòa án cho bồi thường khá nhiều, trái lại torng những vụ kiện phỉ báng, tòa án chỉ tuyên án phạt tượng trưng một đồng bạc bồi thường./.
Bình luận