LỖI
Mọi vấn đề trách nhiệm dân sự đều tiên niệm có một sự thiệt hại đã xảy ra. Nhưng mọi sự thiệt hại đều phát có phát động trách nhiệm dân sự không? Hay sự thiệt hại đó còn cần phải do một lỗi gây ra? Vấn đề này quan điểm của các luật gia không đồng nhất. Các luật gia cổ điển thì cho rằng phải có lỗi mới có trách nhiệm dân sự; trái lại, các luật gia chủ trương lý thuyết trách nhiệm khách quan, lại phủ nhận điều kiện lỗi.
1. Lý thuyết lỗi: Trong học lý người ta thảo luận sôi nổi để tìm căn bản cho trách nhiệm dân sự. Theo quan niệm cổ điển, căn bản này là lỗi của người gây ra thiệt hại cho kẻ khác; Vì vậy, muốn được bồi thường phải dẫn chứng lỗi ấy. Các tác giả đã giải thích dựa trên văn từ của điều 1382 DLP, tương đương 729 DLVN, trong đó ghi rằng, kẻ nào do một lỗi của mình mà gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường và điều 1383 DLP, tương đương với điều 730 DLVN, nói rằng, lỗi đó có thể là một sự bất cẩn hay sơ ý. Ngoài ra lỗi còn được phỏng đoán trong một số trường hợp quy định bởi các điều 1384, 1835, 1386 DLP, tương đương với các điều 732, 733, 736 DLVN. Giá trị căn bản của lý thuyết lỗi là ở chỗ lý thuyết ấy khi đặt trách nhiệm dân sự trên nền tảng một lỗi đã nêu rõ nguyên tắc tự do cá nhân, tự do pháp lý, cũng như tự do luân lý. Mọi người trong xã hội đều được tự do hành động, sự tự do ấy chỉ bị giới hạn bởi quyền lợi của kẻ khác. Vậy chỉ khi nào một người do lỗi của mình mà xâm phạm đến quyền lợi của kẻ khác thì mới phải bồi thường. Song trong tình trạng kinh tế xã hội hiện nay, lý thuyết lỗi nhiều khi tỏ ra chật hẹp và không che chở được một cách hữu hiệu cho nạn nhân. Thực vậy, trong nhiều trường hợp, tai nạn xảy ra mà không có ai chứng kiến, hoặc đã xảy ra mà không do lỗi của ai cả, chẳng hạn như các tai nạn xảy ra trong các xí nghiệp kỹ nghệ. Vậy nếu bắt nạn nhân dẫn chứng một lỗi, tức là gián tiếp bác bỏ quyền bồi thường của họ. Ngoài ra lý thuyết lỗi cũng không giải thích được khuynh hướng của luật pháp ngày nay bắt buộc các người điên và trẻ vô tri thức cũng phải chịu trách nhiệm về các hành động của họ. Trên thực tế vấn đề đặt ra khi có một sự thiệt hại do người điên hay thiếu nhi gây ra mà không có có một lỗi nào có thể quy trách nhiệm cho người có bổn phận trông nom họ (cha mẹ, người canh thủ …). Trong trường hợp này, nếu đặt trách nhiệm trên căn bản lỗi thì người điên và thiếu nhi sẽ không chịu trách nhiệm, vì họ vô tri thức nên không thể phạm lỗi. Nhưng nhiều bộ luật ngoại quốc đã thừa nhận trách nhiệm cá nhân của người điên và trẻ vô tri thức. Tuy nhiên, đa số các bộ luật này dành cho các Thẩm phán được toàn quyền xem xét có nên buộc kẻ vô tri thức chịu trách nhiệm hay không: Thẩm phán sẽ xử theo lẽ công bằng (829 bộ dân luật Đức, 54 luật nghĩa vụ Thụy sỹ, điều 1386 Dân luật Bỉ). Trong bộ dân luật Pháp không có điều khoản nào quy định trách nhiệm của người điên và trẻ vô tri thức. Nhưng án lệ có khuynh hướng xác nhận trách nhiệm của các người này nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân. Nhiều giải pháp đã được áp dụng để đạt tới kết quả đó:
– Khi tình trạng thác loạn thần kinh gây nên do một lỗi của kẻ thác loạn (rượu chè, sa đọa …). Tòa án căn cứ trên lỗi đó để cho nạn nhân được bồi thường.
– Tòa án chỉ miễn trách cho người điên nếu tình trạng thác loạn có tính cách hoàn toàn và thường xuyên: Chỉ cần có dấu hiệu một chút trí khôn cũng đủ để quy trách nhiệm.
– Tòa án bắt buộc người gây ra tổn hại phải chứng minh rằng không những người ấy bị cấm quyền, mà khi làm hành vi bị chỉ trích họ ở torng tình trạng thác loạn. Trên thực tế rất khó chứng minh rằng đúng vào lúc làm hành vi, đương sự lại bị thác loạn.
Bằng các biện pháp trên đây, án lệ Pháp đã đạt đến kết quả là trong hầu hết các trường hợp, nạn nhân của người thác loạn thần kinh đều được bồi thường. Để giản dị hóa vấn đề thiết tưởng luật pháp nên thừa nhận nguyên tắc trách nhiệm của người điên và trẻ vô tri thức. Một nguyên tắc như vậy chỉ thể hiện sự công bằng và không trái nghịch với các nguyên tắc đại tổng của luật pháp. Đó chính là sự quy định của điều 765 bộ dân luật Trung: “Khi một người không có trách nhiệm gì đã làm ra sự tổn hại, mà người bị thiệt hại không được người trông coi người đã làm ra sự tổn hại ấy đền bổi thì tòa án được tùy gia tư của các người đương sự mà truyền trích lấy ở gia sản người không có trách nhiệm một số tiền vừa phải để đền bồi môt phần hay toàn phần tùy theo tình trạng”. Điều đáng tiếc là trong bộ dân luật hiện hành, không có một điều khoản nào về trách nhiệm của người thác loạn thần kinh và trẻ vô tri thức. Đây là thiếu sót cần được bổ khuyết.
2. Lý thuyết trách nhiệm khách quan: Chính vì lý thuyết quá thất không thể giải thích được một số trường hợp, cho nên các tác giả trứ danh như Raymond Saleilles và Louis Josserand đã chủ trương lý thuyết trách nhiệm khách quan hay lý thuyết rủi ro (théorie du risque). Phong trào kỹ nghệ hóa và cơ giới hóa đã làm tăng thêm các tai nạn lao động; tai nạn lưu thông gây ra bởi xe cộ cũng ngày một nhiều hơn tại các đô thị. Những phát minh mới tạo thêm tiện ích và cường lực cho đời sống, cũng đồng thời gây ra các nạn nhân mới. Các tác giả này lập luận rằng, cá nhân trong xã hội do hoạt động của mình, đã tạo ra một sự rủi ro khiến một tai nạn gây ra cho một người ngoài. Nạn nhân có quyền đòi bồi thường mà không cần phải dẫn chứng một lỗi nào của bị đơn cả. Lý thuyết rủi ro thường được viện dẫn để giải thích các trường hợp trách nhiệm, trong đó một người phải bồi thường mặc dù không phạm một lỗi nào cả. Đó là trường hợp bồi thường về các tai nạn lao động. Ngoài ra, người ta còn tranh luận về căn bản của trách nhiệm do tác động của súc vật và vật vô tri. Theo án lệ của Pháp thì trách nhiệm này không căn cứ trên một lỗi suy đoán, mà trên một sự suy đoán trách nhiệm. Các tác giả dựa vào đó nói rằng án lệ đã áp dụng lý thuyết rủi ro. Để phê bình lý thuyêt rủi ro, cần xet các lý lẽ đã được đưa ra để bênh vực thuyết ấy:
– Thoạt tiên các luật gia chịu ảnh hưởng của Raymond Saleilles, chủ trương một xu hướng “Duy vật hóa dân luật và vứt bỏ trạng thái tâm lý của luật pháp”: Luật pháp chỉ là một hệ thống gồm các mối tương quan giữa các sản nghiệp, không liên hệ đến người, do đó ý niệm lỗi không cần thiết trong các vấn đề trách nhiệm: Khi một sự tổn hại xảy đến cho một sản nghiệp, tất nhiên phải nghĩ đến sự bồi hoàn sản nghiệp ấy mà không cần đến điều kiện lỗi. Quan niệm này không được xác đáng. Thực vậy, pháp luật trước hết có mục đích quy định những mối tương quan giữa cá nhân trong xã hội, trong các mối tương quan đó, tài sản chỉ đóng vai trò phụ thuộc. Như vậy, trong vấn đề trách nhiệm và bồi thường, không thể nào loại được sự kiện xét tác phong của người gây ra sự tổn hại. Về phương diện luân lý, chỉ khi nào người này làm một lỗi thì mới phải bồi hoàn mà thôi.
– Các tác giả bênh vực lý thuyết rủi ro lại đưa ra một lý lẽ thứ hai dựa trên sự công bằng xã hội. Họ nói rằng lý thuyết này sẽ đưa lại kết quả mỹ mãn là bảo vệ nạn nhân để chống lại người gây ra tai nạn, bảo vệ người yếu chống lại kẻ mạnh. Với lý thuyết trách nhiệm không có lỗi, nạn nhân bao giờ cũng chắc chắn được bồi thường. Nhưng luận cứ này cũng không đứng vững. Nạn nhân không phải là kẻ yếu và người gây ra tai nạn cũng không phải là kẻ khỏe trong tất cả các trường hợp. Không phải trong mọi trường hợp, bảo đảm bồi thường cho nạn nhân là một giải pháp ích lợi cho xã hội. Trên lập trường ích lợi công cộng, còn cần phải quan tâm đến quyền tự do hoạt động của các cá nhân. Nếu thừa nhận sự bồi thường mà không đòi hỏi lỗi, mọi hoạt động của cá nhân sẽ bị tê tlie65t vì ai nấy đều không khỏi e sợ gây ra các sự tổn hại phải bồi thường trong kinh doanh, mặc dù họ không làm gì có tính cách lỗi. Nói tóm lại, giải pháp đặt căn bản trách nhiệm trên lỗi vừa thỏa mãn đạo lý, vừa hợp với lợi ích công cộng. Thừa nhận nguyên tắc trách nhiệm không lỗi sẽ vấp phải các trở ngại nêu ra trên đây. Đứng trước những sự chỉ trích xác đáng mà chúng ta đã phân tích, các luật gia không còn bênh vực lý thuyế rủi ro dưới hình thức nguyên thủy nữa. Song, vẫn căn cứ vào ý niệm trách nhiệm khách quan, nhiều tiêu chuẩn đã được đề nghị:
+ Tiêu chuẩn thứ nhất phân biệt hành vi thường và hành vi bất thường. Chỉ riêng hành vi bất thường mới phải phát động trách nhiệm dân sự phạm. Nhưng như thế thì người ta lại vô tình trở lại lý thuyết cổ điển về lỗi. Thực vậy, hành vi bất thường chỉ là một hành vi lỗi vì lỗi là tác phong của một người đã hành động khác với người thường đặt trong cùng một hoàn cảnh tương tự.
+ Tiêu chuẩn thứ hai là căn cứ vào “rủi ro – lợi ích”: Người nào trong kinh doanh mà có lợi cho mình mà gây ra một sự rủi ro cho người khác thì nếu tổn hại thì người kinh doanh phải bồi thường, mặc dù không phạm lỗi gì. Tiêu chuẩn “rủi ro – lợi ích” thực ra cũng không có lợi gì, vì bất cứ hoạt động nào của con người cũng có lợi ích về phương diện này hay phương diện khác. Nói rằng người ta phải chịu trách nhiệm khi hoạt động gây ra một “rủi ro lợi ích” chẳng khác nào nói rằng người ta phải chịu trách nhiệm mỗi khi gây ra rủi ro cho kẻ khác. Do đó, trách nhiệm căn cứ trên rủi ro lợi ích cũng rơi vào các chỉ trích nêu ra trên đây.
3. Lý thuyết chiết trung: Phần đông các luật gia ngay nay không còn chủ trương xây dựng trách nhiệm dân sự trên căn bản hoàn toàn khách quan, không cần tới điều kiện lỗi. Tuy nhiên, môt số luật gia đã chấp nhận quan điểm của Giáo sư Raymond Saleilles, theo đó, thì trách nhiệm dân sự có hai khu vực: Một khu vực chính yếu nhìn nhận căn bản chủ quan và đặt trách nhiệm trên căn bản lỗi; Một khu vực phụ thuộc do nhà lập pháp ấn định trong những đạo luật đặc biệt nhìn nhận lý thuyết trách nhiệm khách quan mà không cần lỗi. Lý thuyết này có lẽ đúng hơn cả và phù hợp với hiện trạng pháp luật. Chúng ta đã rõ trong các bộ luật Lao động của Pháp và Việt Nam, nhà lập pháp đã đặc biệt chấp nhận quan niệm trách nhiệm khách quan để bảo vệ quyền lợi của công nhân một cách hiệu quả. Chúng ta sẽ có dịp phân tích nhiều đạo luật khác cũng theo một đường lối trong phạm vi trách nhiệm do tác động của các súc vật và vật vô tri.
Gần đây hơn, giáo sư Starck đã đề nghị một lý thuyết mới về căn bản của trách nhiệm dân sự. Cũng như lý thuyết của Raymond Saleilles, lý thuyết của Giáo sư Starck chủ trương rằng lỗi chỉ là căn bản của trách nhiệm dân sự trong lãnh vực nào đó thôi. Nhưng khác với Raymond Saleilles, đã giải thích các trường hợp trách nhiệm không có lỗi bằng ý niệm rủi ro, Giáo sư Starck đưa ra lý thuyết đảm bảo (Théorie de la garantie). Lý thuyết này tìm căn bản trách nhiệm trong những quyền lợi của nạn nhân và phân biệt: Các tổn hại về thân thể và tài sản, các tổn hại khác về kinh tế và tinh thần. Đối với loại tổn hại xâm phạm đến thân thể và tài sản, vì tất cả các phần tử trong xã hội đều có quyền được bảo đảm về tính mạng và tài sản, cho nên, mỗi khi có sự tổn hại xảy ra, người gây ra thiệt hại đương nhiên phải bồi thường, nạn nhân không cần phải dẫn chứng một lỗi nào cả. Nói khác đi, loại tổn hại về thân thể và tài sản là lĩnh vực của trách nhiệm dân sự không cần có lỗi, nghĩa là trách nhiệm khách quan. Đối với loại tổn hại kinh tế hoặc tinh thần thì giải pháp lại khác hẳn. Trong lĩnh vực này, các cá nhân không được hưởng sự bảo đảm nào vì lẽ mỗi người đều có những tự do cá nhân mà luật pháp đã công nhận: Tự do buôn bán, tự do ngôn luận v.v…Do đó, người ta chỉ phải chịu trách nhiệm khi nào phạm một lỗi trong khi sử dụng các tự do ấy. Như vậy, lý thuyết cảu Giáo sư Starck cũng công nhận một lĩnh vực cho trách nhiệm căn cứ vào lỗi.
Lý thuyết bảo đảm trình bày trên đây có lợi là giản dị hóa vấn đề, xác định rõ tiêu chuẩn và phạm vi trách nhiệm khách quan; trách nhiệm không lỗi chỉ bao gồm các thiệt hại liên quan đến thân thể và tài sản của cá nhân, điều này dĩ nhiên rất có lợi cho nạn nhân trong việc đòi bồi thường, vì người này không cần dẫn chứng lỗi. Lý thuyết này cũng giải thích hợp lý trách nhiệm của thiếu nhi, của người điên, của pháp nhân và của người chủ ủy. Theo lý thuyết cổ điển, căn cứ vào lỗi thì những người điên, những thiếu nhi, những pháp nhân không hề chịu trách nhiệm, họ không thể phạm lỗi được, vì thiếu nhi cũng như người điên và pháp nhân không có ý thức việc mình làm. Còn đối với chủ ủy, họ không chịu trách nhiệm, vì người thừa sai làm chứ không phải họ làm lỗi. Nhưng khuynh hướng hiện thời của pháp luật bắt buộc các người điên, các thiếu nhi, pháp nhân và người chủ ủy phải chịu trách nhiệm. Thái độ này chỉ có thể giải thích được bởi lý thuyết bảo đảm vì một khi có một sự tổn hại xâm phạm đến đời sống hay tài sản của nạn nhân thì bất luận là thiếu nhi, người điên, pháp nhân hay người chủ ủy đã gây ra, tổn hại ấy cũng phải được bồi thường mà không cần có một lỗi. Song lý thuyết đảm bảo không phải là không bị chỉ trích. Đại đa số các sự tổn hại đều xâm phạm đến thân thể hoặc tài sản của nạn nhân, cho nên, phạm vi của trách nhiệm không lỗi rất rộng lớn. Sự kiện đó không khỏi gây hoang mang trong xã hội: Các cá nhân bị đè bẹp bởi một trách nhiệm vô nguyên nhân, không còn biết căn cứ vào tiêu chuẩn nào để hành động cho phải phép, và chỉ còn khoanh tay thụ động mới thoát khỏi trách nhiệm. Như thế thuyết bảo đảm cũng như thuyết rủi ro sẽ đưa đến hậu quả là làm tê liệt mọi hoạt động trong xã hội. Ngoài ra lý thuyết bảo đảm cũng không phù hợp với án lệ trong trường hợp chuyên chở hão ý. Theo án lệ hiện thời, người được quá giang, nếu bị tai nạn thì phải chứng minh một lỗi của người chuyên chở mới có thể được bồi thường (PA Pháp 21-3-1933 S 1933-1-232). Án lệ còn có khuynh hướng nới rộng giải pháp được chấp nhận trong sự chuyên chở hão ý cho mọi trường hợp mà việc sử dụng đồ vật có tính cách vô thường. Tòa Thượng thẩm Saigon do phúc quyết ngày 6-11-1965 (PL 1965-4-90) đã xét xử một vụ đáng lưu ý như sau: “Nhân một bữa giỗ, một số thực khách bị trúng độc chết. Nguyên nhân của tai nạn không tìm ra, nên ông Biện lý đã ra lệnh đình cứu nội vụ. Mẹ của một trong số nạn nhân đã khởi tố gia chủ trước tòa hộ để đòi bồi thường thiệt hại chiếu điều 1382 đến 1384 DLP coi như lý trí thành văn, nhưng không dẫn chứng được một lỗi nào cả. Tòa Thượng Thẩm xử như sau: đàn rằng hành vi đãi ăn mời uống không cùng đối tượng với sự chuyên chở hão ý, nhưng hai hành vi này vốn cùng nhằm một mục đích và đều thúc đẩy do một động lực giao tế ở đời nên phải được đãi ngộ như nhau để cùng chung một chế tài. Do đó, nếu không dẫn chứng được một lỗi nào của gia chủ thì người này được miễn trách nhiệm”. Tuy nhiên, cần ghi nhận là án lệ tại Pháp về vấn đề chuyên chở hão ý này đã chuyển hướng. Trong ba phúc quyết liên tie61tp ngày 20-12-1968 (D 1969-37), Tòa án Pháp đã phán xử rằng người chủ xe bị phỏng đoán chịu trách nhiệm chiếu điều 1384 k1 DLP và nạn nhân không cần phải dẫn chứng về một lỗi nào cả. Sở dĩ có sự chuyển hướng của án lệ như vậy là vì trong các tai nạn xe cộ, Tòa án hay lưu tâm đến tình trạng của nạn nhân và cho người này được bồi thường trong mọi trường hợp. Tại Pháp chế độ bảo hiểm bắt buộc, tiền bồi thường do các hãng bảo hiểm trả chứ không phải của chủ xe. Do đó trong trường hợp chuyên chở hão ý, nạn nhân không ngại kiện hãng bảo hiểm của chủ xe để đòi bồi thường và nhiều khi chính chủ xe lại còn xúi nạn nhân đi kiện là đằng khác. Trong hoàn cảnh này, tòa án không có lý do để không áp dụng một sự phỏng đoán trách nhiệm như trong các trường hợp ta nạn xe cộ thông thường.
Sự thực, ý niệm lỗi là linh hồn của mọi vấn đề trách nhiệm. Song, như chúng ta sẽ xét tới sau đây, vai trò của lỗi có tính cách trọng yếu nhiều hay ít, tùy theo đó là trách nhiệm do tác động của bản thân, trách nhiệm do tác động của tha nhân ha trách nhiệm do tác động của các vật. Chúng ta có thể nói rằng, trong vần đề trách nhiệm, người ta luôn luôn phải đặt lên bàn cân hai giá trị: Một bên là trách nhiệm và một bên là lỗi. Đành rằng một trong hai giá trị đó có thể nhẹ hơn, nhưng nó không thể là số zero được.
4. Dự luật của G.s A.Tunc: Theo Giáo sư Tunc, tất cả các cuộc tranh luận trong học thuyết về căn bản trách nhiệm dân sự phạm nói trên đây đều quá phức tạp và vô ích. Phần lớn các tai nạn lưu thông đều xảy ra một cách ngẫu nhiên. Nếu người lái xe có lỗi chăng thì cái lỗi đó trong phần lớn các trường hợp chỉ là một sự sơ suất không đáng trách. Thực vậy, theo thống kê, một người lái xe cẩn thận, cứ mỗi ba cây số ít nhất cũng phạm một sơ suất; thường sự sơ suất ấy không gây ra tai nạn nào cả, nhưng nều gặp một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó mà một tai nạn xảy ra thì người ấy có thể gánh chịu một trách nhiệm bồi thường rất nặng nề. Ngoài ra về phía nạn nhân, người này muốn được bồi thường sẽ phải theo đuổi một vụ kiện dài dòng và phức tạp, nhiều khi số tiền được bồi thường lại không tương xứng với sự thiệt hại. Gs Tunc cho rằng tình trạng trên đây là phi lý và cẩn phải cải tổ lại toàn bộ vấn đề trách nhiệm dân sự phạm trong các tai nạn lưu thông. Do đó, năm 1966 ông đệ nạp chính phủ Pháp một dự luật mà ông mệnh danh là “Luật an ninh công lộ”. Dự luật này ấn định một chế độ bảo hiểm bắt buộc cho mọi loại xe chạy bằng máy tự động (xeho7i, xe gắn máy). Mỗi khi một tai nạn xảy ra, nạn nhân và ngay cả người lái xe, đương nhiên được bồi thường mà khỏi cần phải kiện cáo lôi thôi và tìm kiếm căn bản ở trách nhiệm, chỉ trừ trường hợp người nếu lái xe gây ra tai nạn mà bị tòa hình kết phạt thì có thể bị Tòa án tước bỏ quyền được đòi bồi thường. Dự luật của Giáo sư Tunc đã bị nhiều học lý chỉ trích. Người ta cho rằng, dự luật ấy có tính cách viễn vông và khó thực hiện. Dự luật này nếu được chấp nhận thì công trình do án lệ xây dựng về vấn đề trách nhiệm do tác động của vật vô tri sẽ trở nên vô ích./.
Bình luận