Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

28. Mối tương quan nhân quả giữa quá thất của bị đơn và sự tổn hại

MỐI TƯƠNG QUAN NHÂN QUẢ GIỮA QUÁ THẤT CỦA BỊ ĐƠN VÀ SỰ TỔN HẠI

Trong một vụ kiện xin bồi thường, nếu nguyên đơn chỉ dẫn chứng được một sự tổn hại và một quá thất của bị đơn, thì cũng chưa đủ. Họ còn phải chứng minh được rằng, sự tổn hại ấy là hậu quả của quá thất do nguyên đơn đã làm. Nói khác đi, phải có một mối tương quan nhân quả giữa sự quá thất của bị đơn và sự tổn hại. Trong rất nhiều vụ kiện, nguyên đơn đã không được bồi thường chỉ vì không dẫn chứng được điểm này. Sự thật, trong vấn đề trách nhiệm, có hai mối tương quan nhân quả cần phân biệt rõ:
a. Tương quan nhân quả giữa hoạt động của bị đơn và sự không thi hành nghĩa vụ. Sự không thi hành nghĩa vụ phải là hậu quả của sự hoạt động của bị đơn. Nói khác đi, sự không thi hành nghĩa vụ phải do tác động của bị đơn. Mối tương quan này được luật pháp suy đoán, nguyên đơn không cần phải dẫn chứng. Muốn chứng minh sự suy đoán này không đúng sự thật, bị đơn phải dẫn chứng được rằng sự không thi hành nghĩa vụ đã cam kết chỉ là một hậu quả của một nguyên nhân ngoại tại.
b. Tương quan giữa sự không thi hành nghĩa vụ và sự tổn hại. Sự tổn hại phải là hậu quả của không thi hành nghĩa vụ. Về điểm này, nguyên đơn phải dẫn chứng. Vì vậy, chúng ta lần lượt xét:
1. Ý niệm về quan hệ nhân quả. Ý niệm này áp dụng chung cho cả hai mối tương quan mà chúng ta vừa đề cập ở trên (a, b.);
2. Nguyên nhân ngoại tại mà nguyên đơn có thể dẫn chứng để chứng minh rằng sự không thi hành nghĩa vụ cam kết không phải là hậu quả của tác động của bị đơn.

I. Ý NIỆM VỀ QUAN HỆ NHÂN QUẢ
Sự xác định về quan hệ nhân quả (la causalité) không khỏi nêu lên nhiều vấn đề khó khăn vì hai lẽ:
a. Một biến cố do nhiều nguyên nhân gây nên. Tất cả các nguyên nhân ấy có đều được coi quan trọng như nhau không, hay phải loại bỏ những nguyên nhân nào? Vấn đề này liên hệ đến trạng thái đa nguyên nhân (pluralité de causes: nhiều nguyên nhân);
b. Hiệu lực của quan hệ nhân quả cũng rất phức tạp. Một hành vi phát sinh ra một biến cố. Biến cố ấy lại sinh ra một biến cố khác, và tình trạng ấy còn có thể tái diễn nhiều lần nữa. Hành vi đầu tiên có thể coi là nguyên nhân của tất cả các biến cố kể trên không, hay phải ngừng tại nơi nào, trong chuỗi dài các biến cố ấy? Đây là vấn đề liên hệ đến sự tổn hại gián tiếp (préjudice indirect: thiệt hại gián tiếp).
I.1: Trạng thái đa nguyên nhân: Một sự tổn hại có thể có nhiều nguyên nhân gây nên. Thí dụ: Một người bộ hành bị xe hơi cán phải trong khi đi qua đường. Sở dĩ tai nạn xảy ra, là vì lúc ấy xe hơi phóng quá nhanh nên không hãm kịp, nhưng cũng vì chính lúc ấy nạn nhân đã qua đường mà không chịu nhìn xem kỹ có xe nào đang đi tới không. Ta còn có thể giả định thêm rằng, lúc ấy trời đã tối, có cái xe hơi khác chạy ngược chiều mà quên không tắt đèn pha, khiến người tài xế gây ra tai nạn vì bị chói mắt, không trông rõ người bộ hành đang đi qua đường. Trong chừng ấy sự kiện thì nguyên nhân nào đã gây ra tai nạn hay tất cả từng ấy nguyên nhân, không phân biệt?
A. Các lý thuyết về quan hệ nhân quả: Những lý thuyết về quan hệ nhân quả trong các vấn đề trách nhiệm đã được các luật gia Đức nghiên cứu rất tường tận và đã được các án lệ và học lý của Pháp thừa nhận. Các lý thuyết này gồm hai loại:
1. Lý thuyết các điều kiện tương đồng (théorie de l’équivalence des conditions: lý thuyết về sự tương đương của điều kiện): Luật gia Đức Von Buri chủ trương rằng, tất cả các biến cố đã góp phần vào việc gây ra sự tổn hại, phải được coi là nguyên nhân của sự tổn hại. Nói khác đi, những biến cố ấy đều là điều kiện cần để phát sinh ra sự tổn hại; thiếu một yếu tố nào, sự tổn hại cũng không thể phát xuất được. Thí dụ: Xe hơi tuy chạy nhanh, nhưng nếu người đi đường, lúc xảy ra tai nạn, lại không có mặt ở đó, thì làm sao có vụ xe hơi cán người. Vì vậy, tất cả các điều kiện nói trên đều có tính cách tương đồng và đều coi là nguyên nhân của tai nạn.
2. Lý thuyết quan hệ thích đáng (théorie de la causalité adéquate: lý thuyết nhân quả thỏa đáng): Lý thuyết này do luật gia Von Kries bênh vực. Tất cả các biến cố đã góp phần vào sự phát sinh ra tổn hại đều không phải là nguyên nhân. Chỉ riêng những biến cố nào phát sinh ra sự tổn hại một cách bình thường, mới có thể được coi là nguyên nhân. Trái lại, những biến cố nào chỉ phát sinh ra sự tổn hại một cách bất thường hay ngẫu ý, đều không phải là nguyên nhân. Án lệ của Pháp, sau khi đã chấp nhận lý thuyết về các điều kiện tương đồng, đã chuyển hướng để theo giải pháp do Von Kries đề nghị. Sự chuyển hướng này rất rõ rệt trong vụ kiện sau: Một người chủ xe hơi, sau khi đổ xe, quên không khóa cửa xe. Xe hơi đó vì thế bị lấy trộm. Người lấy trộm, trong khi lái cái xe ấy, đã đè phải một người đi đường. Trong vụ này, án lệ của Pháp đã coi rằng, nguyên nhân của tai nạn không phải là sự vô ý của chủ xe, không khóa cửa xe, mà chỉ vì quá thất của kẻ trộm lái xe không đúng phép. Như vậy, án lệ đã chấp nhận lý thuyết nguyên nhân thích đáng, thay thế cho lý thuyết các điều kiện tương đồng. Quan điểm này của án lệ cũng được thừa nhận trong các học lý. Muốn được coi là nguyên nhân của sự tổn hại, một biến cố phải giữ một vai trò quan trọng hay ưu thế (rôle prépondérant: vai trò chủ đạo) trong sự phát xuất ra sự tổn hại. Nguyên nhân này được học lý gọi là nguyên nhân phát xuất (cause génératrice: gây ra nguyên nhân), hay nguyên nhân thực hiệu (cause efficiente: nguyên nhân hiệu quả). Đối với học lý, để thẩm định tính các quan trọng hay ưu thế này, tòa án có toàn quyền xét, tùy theo tình trạng của vụ kiện, không nhất thiết phải theo tiêu chuẩn căn cứ vào tính cách bình thường của nguyên nhân như trong lý thuyết quan hệ thích đáng. Quan điểm của án lệ, được học lý bổ chính như vậy, thường được gọi là lý thuyết quan hệ nguyên nhân thực hiệu (théorie de la causalité efficiente: thuyết nhân quả hiệu quả).
B. Hiệu lực của trạng thái đa nguyên nhân: Nếu sự tổn hại có nhiều nguyên nhân, ý nghĩ đầu tiên trong việc giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự là chia sự tổn hại làm nhiều phần đều nhau, mỗi nguyên nhân phải gánh chịu một phần tổn hại. Song giải pháp này không xác đáng. Trong thí dụ một người bộ hành đi qua đường bị xe hơi cán phải, vì có một cái xe ngựa khác đi ngược chiều, lấn qua sang nửa đường, có ba nguyên nhân. Nhưng không thể chia sự tổn hại làm ba, cho mỗi nguyên nhân nói trên: Sự bất cẩn của người bộ hành; sự vô ý của người cầm lái đi quá nhanh, cũng như sự quá thất của chủ xe ngựa. Mỗi nguyên nhân này gây nên toàn bộ thiệt hại, chứ không phải chỉ phát sinh ra 1/3 sự thiệt hại. Vì vậy, bất cứ người nào đã tạo ra một trong ba nguyên nhân ấy cũng phải bồi thường toàn ngạch sự thiệt hại. Đây là trường hợp nghĩa vụ toàn ngạch (obligation in solidum: cam kết vững chắc), gần giống với các nghĩa vụ liên đới. (Xem Phần thứ hai, chương các nghĩa vụ phức hợp). Án lệ của Pháp đã chấp nhận giải pháp này. Tất cả các người gây ra tai nạn đều phải chịu một nghĩa vụ bồi thường toàn ngạch. Tuy nhiên, người nào đã chịu bồi thường toàn ngạch có thể kiện đòi các người đã gây ra các nguyên nhân kia để đòi bồi hoàn phần của họ; nhưng bắt buộc rằng, các nguyên nhân này phải có tính cách một quá thất vì nếu không có quá thất thì không thể có vấn đề trách nhiệm dân sự được.
I.2: Sự tổn hại gián tiếp: Trong tình trạng đa nguyên nhân, các biến cố được coi là nguyên nhân của sự tổn hại cùng xảy ra đồng thời. Trái lại, trong trường hợp tổn hại gián tiếp, một nguyên nhân phát sinh ra một tình trạng; tình trạng này phát sinh ra một tình trạng thứ hai; tình trạng thứ hai phát sinh ra tình trạng thứ ba, và cứ thế mãi. Trong hệ đồ ấy, mối quan hệ nhân quả sẽ phải coi là chấm dứt ở giai đoạn nào? Sự thực, vấn đề này chỉ là một khía cạnh đặc biệt của vấn đề đa nguyên nhân. Biến cố cuối cùng trong hệ đồ trên có thể coi như kết quả của tất cả các biến cố đã xảy ra từ trước. Vậy trong những biến cố ấy, yếu tố nào đóng vai trò nguyên nhân? Tuy rằng ở đây, các yếu tố đã tiếp diễn trong thời gian, chứ không đồng thời phát sinh, song cách giải quyết vấn đề không do đó mà thay đổi. Luật gia 
Robert-Joseph Pothier của Pháp (1699-1772), đã đưa ra một thí dụ cổ điển về sự tổn hại gián tiếp: “Một người lái bò đã bán một con bò có bệnh truyền nhiễm. Con bò này tất nhiên không đáng giá, nhưng đó là tổn hại đầu tiên của người mua bò. Sau đó, do bệnh truyền nhiễm, lây cho cả đàn bò của người mua và đàn bò của người mua bị chết – Đây là tổn hại thứ hai. Tiếp theo, người mua không còn tư lực để trả nợ cho các trái chủ của y, cho nên, những người này xin sai áp và phát mại tài sản của người mua bò để thu hồi nợ – Đây là tổn hại thứ ba”. Người mua bò có thể đòi bồi thường về tất cả ba sự thiệt hại này không? Ngay từ thời Trung Cổ, các luật gia ở Châu Âu như Luật gia Bacon – người Anh, Luật gia Pothier người Pháp, đều chủ trương rằng các thẩm phán chỉ có thể bắt bồi thường về sự tổn hại nào được coi là hệ quả trực tiếp của nguyên nhân mà thôi. Nguyên tắc này được chấp nhận tại điều 1151 DLP. Trong địa hạt trách nhiệm khế ước, người phụ trái chỉ phải bồi thường về những khoản được coi là hậu quả tức khắc và trực tiếp của sự không thi hành hợp ước. Giải pháp này cũng được chấp nhận trong hai bộ DLB và DLT. Điều 686 khoản 3 DLB nói rằng: “Trong trường hợp người phụ trái khi trá hay gian ý (dol ou mauvaise foi), họ sẽ phải bồi thường cả các sự tổn hại bất ngờ, miễn là sự tổn hại ấy là hậu quả tức khắc và trực tiếp của sự không thi hành hợp ước” . Khoản 3 Điều 727 DLT: “Trong trường hợp người phụ trái làm quá thất trong đại hay gian ý, họ sẽ phải bồi thường cả các sự tổn hại bất ngờ, miễn là sự tổn hại ấy là hậu quả tức khắc và trực tiếp của sự không thi hành hợp ước”. Mặc dù nguyên tắc trên chỉ được dự liệu trong trách nhiệm khế ước, song án lệ và học lý đều công nhận rằng, nguyên tắc này có một hiệu lực bao quát tất cả lãnh vực của các loại trách nhiệm. Giải pháp này cũng phù hợp với quan điểm của học lý về lý thuyết nguyên nhân thực hiện. Trong trường hợp đa nguyên nhân, án lệ chỉ chú ý đến nguyên nhân nào giữ vai trò ưu thế (un rôle prépondérant: một vai trò hàng đầu), do đó mà các tổn hại gián tiếp không được bồi thường. Tuy nhiên, cần phải nhận định rõ rằng trong án lệ của Pháp, các thẩm phán không áp dụng điều 1151 theo văn từ. Vì vậy, tiêu chuẩn căn cứ vào thời gian không được dùng để xác định sự tổn hại trực tiếp. Không bắt buộc là một hậu quả tức khắc của nguyên nhân, sự tổn hại trực tiếp phải là hậu quả tất nhiên của biến cố này (une suite nécessaire de la cause: sự tiếp tục cần thiết của nguyên nhân). Quan điểm này cũng chỉ là một hệ luận của lý thuyết nguyên nhân thực hiệu, mà chúng ta đã phân tích.

II. NGUYÊN NHÂN NGOẠI TẠI.
Khi một người phụ trái không thi hành nghĩa vụ của mình, người đó chỉ chịu trách nhiệm, nếu sự không thi hành nói trên là kết quả của sự hoạt động hay thái độ của họ. Nói cách khác, phải có quan hệ nhân quả giữa sự hoạt động của người phụ trái và sự bất thi hành nghĩa vụ. Mối quan hệ nhân quả này vốn được luật pháp và án lệ dự đoán, trong phạm vi trách nhiệm khế ước cũng như trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm hay chuẩn dân sự phạm. Đối với một nghĩa vụ khế ước, người phụ trái phải chịu trách nhiệm mỗi khi nghĩa vụ ấy không được thi hành, trừ phi họ chứng minh được một nguyên nhân ngoại tại không thể quy trách được cho họ (684 DLB, 725 DLT, 1147 DLP). Đối với trách nhiệm dân sự phạm, án lệ của Pháp căn cứ vào điều 1384 và 1385 xử rằng: “Sự dự đoán trách nhiệm trong hai điều trên đây chỉ bị phá hủy bằng cách dẫn chứng một trường hợp ngoại ý hay bất khả kháng hoặc một nguyên nhân ngoại tại không thể quy trách được cho người phụ trái. Sự giải thích này cũng có thể áp dụng cho các điều 714 k1 và 714 DLB; 763k1 và 766 DLT. Đối với nghĩa vụ cẩn mẫn tổng quát, mối quan hệ nhân quả nói trên, cũng được dự đoán và không cần phải dẫn chứng, vì lẽ nguyên đơn chỉ được bồi thường nếu như chứng minh chứng minh được một sự sơ suất hay bất cẩn của bị đơn. Dẫn chứng được điểm đó, tức là đã dẫn chứng được mối quan hệ nhân quả giữa sự hoạt động của bị đơn và sự bất thi hành nghĩa vụ. Nói tóm lại, bị đơn muốn tránh khỏi trách nhiệm dân sự, thì bị đơn phải dẫn được một nguyên nhân ngoại tại. Các luật gia thường phân biệt ba nguyên nhân ngoại tại:
1. Trường hợp bất khả kháng (cas de force majeure: bất khả kháng) hoặc ngoại ý (cas fortuit: sự kiện ngẫu nhiên).
2. Tác động của một người đệ tam (fait d’un tiers: được thực hiện bởi bên thứ ba);
3. Sự quá thất của bị đơn (la faute de la victime: lỗi của nạn nhân).
Qua án lệ của Pháp mà quan điểm thường được chấp nhận trong án lệ của Việt Nam, ta có thể nhận thấy hai điểm chính yếu:
a. Một biến cố chỉ được án lệ coi là một nguyên nhân ngoại tại, khi biến cố ấy có những đặc điểm của một trường hợp bất khả kháng, nghĩa là không thể dự liệu trước được và không thể cưỡng lại được, bất luận biến cố ấy là biến cố vô danh hay là tác động của người đệ tam hoặc quá thất của nạn nhân.
b. Tuy nhiên, có một ngoại lệ: Án lệ cũng thừa nhận rằng, quá thất của nạn nhân có thể coi là một nguyên nhân ngoại lai, mặc dù không hội đủ các điều kiện trên. Nhưng trong trường hợp này, quá thất của nạn nhân không có hiệu lực mạnh mẽ như trường hợp bất khả kháng, và trách nhiệm sẽ được phân phối giữa người gây ra sự tổn thiệt và nạn nhân.
II.1: Trường hợp bất khả kháng: Trường hợp bất khả kháng là biến cố vô danh, không thể tiên liệu trước được và không thể cưỡng lại được. Trong 1148 DLP, 685 DLB, 726 DLT nhà lập pháp cũng thường dùng một danh từ khác: “trường hợp ngoại ý” (cas fortuit; sự kiện ngẫu nhiên). Hai danh từ “trường hợp bất khả kháng”“trường hợp ngoại ý” đồng nghĩa và thường được dùng thay thế lẫn nhau trong các án văn. Trên nguyên tắc, nếu có trường hợp bất khả kháng, thì người gây ra tai nạn khỏi phải bồi thường. Nhưng, sự thực, không phải tất cả các vụ kiện về trách nhiệm, trường hợp bất khả kháng đều phát sinh ra hiệu lực này. Đối với nghĩa vụ cẩn mẫn tổng quát, khi nguyên đơn đã dẫn chứng được một quá thất sơ ý hay bất cẩn của bị đơn thì bị đơn có dẫn chứng được trường hợp bất khả kháng cũng chỉ chứng minh được rằng, trường hợp này là một trong hai nguyên nhân gây ra sự tổn hại. Do đó, trách nhiệm sẽ phân phối giữa hai nguyên nhân và bị đơn phải bồi thường một phần tổn hại. Trong trường hợp luật đã dự đoán quá thất của bị đơn, như trường hợp các cha mẹ, các người thợ cả, nếu bị đơn muốn tránh khỏi sự bồi thường cũng không bắt buộc phải dẫn chứng trường hợp bất khả kháng. Bị đơn chỉ cần chứng minh rằng mình đã không làm gì quá thất, sự dẫn chứng này dễ dàng hơn. Trái lại, khi nào nghĩa vụ không được thi hành là một nghĩa vụ xác định, thì sự không thi hành đó được luật dự đoán là kết quả của sự hoạt động của bị đơn. Để phá sự dự đoán đó, bị đơn sẽ phải dẫn chứng một nguyên nhân ngoại tại thường là một trường hợp bất khả kháng. Vào đầu thế  kỷ 19, khi bộ dân luật của Pháp được soạn thảo, những nghĩa vụ xác định chỉ phát xuất trong lĩnh vực khế ước. Vì vậy, trường hợp bất khả kháng chỉ được quy định tại điều 1148 DLP đối với trách nhiệm khế ước. Sang thế kỷ 20, án lệ của Pháp về trách nhiệm do tác động của vật vô tri (điều 1384-1385) và về nghĩa vụ giám thủ đã tạo lập những nghĩa vụ xác định trong lĩnh vực trách nhiệm dân sự phạm. Đồng thời trong các lĩnh vực này, án lệ của Pháp cũng thừa nhận hiệu lực của trường hợp bất khả kháng hay ngoại ý. Rất tiếc rằng hai bộ dân luật Bắc và dân luật Trung, trong hai điều 685 DLB và 726 DLT đã dịch nguyên văn điều 1148 DLP, và vì vậy, có nhiều khuyết điểm như bộ DLP. Do đó, hai điều luật này có tính cách lỗi thời, ước mong rằng, trong bộ dân luật trong tương lai của ta, nhà làm luật sẽ quy định một cách đầy đủ hơn về trường hợp bất khả kháng, và xác định rõ đặc điểm cũng như hiệu lực của trường hợp ấy tronghai phạm vi trách nhiệm khế ước và trách nhiệm dân sự phạm.
A. Các đặc tính của trường hợp bất khả kháng: Do định nghĩa kể trên, trường hợp bất khả kháng có ba đặc tính: 1. Bất khả kháng là biến cố vô anh; 2. Bất khả kháng không thể quy trách cho bị đơn; 3. Bất khả kháng có tính cách ngoại tại.
1. Trường hợp bất khả kháng là một biến cố vô danh: Nghĩa là không do hoạt động của người nào mà có. Biến cố ấy do tạo hóa phát sinh ra như động đất, lụt, bão … Nhưng ngày nay, trong án lệ, danh từ trường hợp bất khả kháng đã được quan niệm theo tinh thần rộng rãi. Sự hoạt động của con người cũng có thể coi là trường hợp bất khả kháng, nếu thỏa mãn hai điều kiện sẽ nói dưới đây.
2. Trường hợp bất khả kháng không thể quy trách cho bị đơn: Nếu bị đơn có thể tiên liệu được hay có thể cưỡng lại được trường hợp bất khả kháng, lẽ dĩ nhiên sự không thi hành nghĩa vụ phải quy trách cho bị đơn và họ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự. Do đó, điều kiện không thể quy trách trường hợp bất khả kháng cho bị đơn đưa lại hai hệ quả là trường hợp này phải có tính cách bất khả tiên liệu (imprévisibilité: không thể dự đoán trước được) và bất khả cưỡng (irrésistibilité: không thể cưỡng lại được). Hai đặc tính này cần phải được định nghĩa rõ. Trên nguyên tắc, những biến cố nào chưa được xảy ra mới có tính cách không thể tiên liệu được. Như vậy, đối với các biến cố xảy ra rồi, không còn tính cách bất khả tiên liệu nữa. Tuy nhiên, trong án lệ người ta đã không áp dụng lối suy luận tổng quát và trừu tượng ấy. Một biến cố được coi là không thể tiên liệu được, nếu không có lý do gì đặc biệt để nghĩ rằng biến cố ấy có thể xảy ra được. Thí dụ: Một nạn động đất tại một vùng mà thường không có tai nạn ấy. Tính cách bất khả cưỡng phải được định nghĩa là không thể thi hành được. Nếu nghĩa vụ có thể thi hành được trong những điều kiện khó khăn hơn hay tổn phí hơn, thì người phụ trái không thể viện dẫn tính cách bất khả cưỡng của biến cố. Định nghĩa như vậy cũng phù hợp với lý thuyết bất dự liệu trong án lệ dân sự (théorie de l’imprévision: lý thuyết về sự không thể đoán trước). Hai đặc tính bất khả liệu và bất khả cưỡng phải tuyệt đối, nghĩa là, phải hiện hữu đối với tất cả mọi người. Nếu đặc tính ấy chỉ có tính cách tương đối, nghĩa là chỉ hiện hữu với bị đơn đã gây ra sự tổn hại, thì bị đơn không thể viện ra được. Đo đó, hai đặc tính trên phải được thẩm lượng trên phiên diện trừu tượng (appréciation in abstracto: đánh giá cao một cách trừu tượng). Nói khác đi, Tòa án phải xét xem, không những bị đơn mà bất luận một người đệ tam khôn ngoan nào khác, nếu được đặt vào tình trạng đó, có thể tiên liệu và có thể cưỡng lại biến cố mà bị đơn coi là một trường hợp bất khả kháng không? Các tòa án thường tỏ ra nghiêm khắc trong sự xác định hai đặc điểm nói trên. Và như chúng ta đã biết, chỉ riêng trong trường hợp quá thất của nạn nhân, án lệ mới khoan đại không bắt buộc rằng, quá thất này phải có hai đặc tính ấy.
3. Trường hợp bất khả kháng phải có tính cách ngoại tại: Riêng trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm do tác động của đồ vật, án lệ của Pháp còn đòi hỏi một điềi kiện thứ ba: Trường hợp bất khả kháng phải là một biến cố có tính cách ngoại tại đối với đồ vật đã gây ra tai nạn. Trong bản án 11-3-1940 (Gazette du Paalais 1940.2.15), Tòa phá án Pháp đã coi rằng, nếu máy thắng xe bị đứt hỏng, thì không phải là trường hợp bất khả kháng; Án phòng thỉnh nguyện ngày 22-1-1945 (S. 1945. I.57) cũng xử rằng sự gãy đổ bộ phận lái xe hơi cũng không phải là trường hợp bất khả kháng. Sở dĩ án lệ phải đặt thêm điều kiện này là vì muốn tránh rằng, các hà tì của đồ vật có thể được viện dẫn như một trường hợp bất khả kháng một cách quá dễ dãi. Cần nhớ rằng, điềi kiện này chỉ được án lệ đòi hỏi trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm do đồ vật gây nên. Rất có thể là điều kiện này cũng có thể được chấp nhận trong án lệ đối với trách nhiệm khế ước do tác động của đồ vật. Nhưng dù sao, điều kiện ấy cũng không thể nới rộng tới phạm vi trách nhiệm do tác động của bị đơn.
B. Hiệu lực của trường hợp bất khả kháng: Muốn xác định hiệu lực của trường hợp bất khả kháng, phải phân biệt trường hợp này là nguyên nhân duy nhất hay chỉ là một trong những nguyên nhân của sự tổn hại:
a. Nếu trường hợp bất khả kháng là nguyên nhân duy nhất của sự tổn hại, một khi bị đơn đã dẫn chứng được nguyên nhân ngoại tại này, tất nhiên họ không phải bị bồi thường.
b. Nếu trường hợp bất khả kháng chỉ là một trong những nguyên nhân của sự tổn hại, thí dụ bên cạnh trường hợp ấy còn có sự quá thất của bị đơn, mổi nguyên nhân này đều tham dự vào việc gây ra sự tổn hại. Khi nghiên cứu trạng thái đa nguyên nhân, chúng ta đã biết mỗi nguyên nhân được coi như đã gây ra toàn thể sự tổn hại, nhưng ở đây, sau khi bồi thường, không thể kiện ai được để đòi hoàn lại vì trường hợp bất khả kháng vốn là một biến cố vô danh. Về phương diện này, án lệ của Tòa phá án Pháp gần đây đã chuyên hướng trong vụ kiện tàu Lamoricière (Civ. 19-6-1951 D.1951.717, chú thích Ripert. S.1952. I. 89, chú thích Nerson). Trong vụ này, Tòa phá án Pháp đã thừa nhận rằng, sự đắm tàu do hai nguyên nhân ngoại lai: Một trận bão rất mạnh mà tòa thượng thẩm Aix xử về nội dung đã coi là một trường hợp bất khả kháng và lệnh của chính phủ bắt hãng tàu phải dùng một thứ than xấu. Nhưng Tòa phá án cũng chấp nhận quan điểm của Tòa thượng Thẩm Aix và coi rằng, sự tổn hại không phải chỉ do hai nguyên nhân ngoại lai này sinh ra, ngoài ra, còn có sự suy đoán trách nhiệm cảu hãng giám thủ cái tàu. Vì vậy, trách nhiệm của hãng giám thủ cái tàu. vì vậy, trách nhiệm của hãng giám thủ các tàu đắm và gây ra sự tổn hại cho nạn nhân, theo sự ước lượng của Tòa, chỉ được giảm đi có 4/5 trong việc đòi bồi thường cho nạn nhân.
Giải pháp của bản án Lamoricière cũng được tòa phá án chấp nhận trong nhiều vụ khác. Trong bản án ngày 13-3-1957, Tòa phá án Pháp đã xử rằng, “Nếu người nào viện dẫn một trường hợp bất khả kháng, đã chính mình phạm một quá thất, khiến trường hợp trên phát sinh ra hay khiến hậu quả của trường hợp ấn tai hại hơn, thì trách nhiệm của người ấy được giảm đi và thẩm phán có thể tính bớt ngạch số bồi thường”. Trong vụ này, một nghiệp chủ đã xây trên thửa đất của mình một cái đê giữ nước mưa không cho trôi đi. Chợt xảy ra trận mưa lớn rất bất ngờ, nước mưa bị đọng lại, dâng cao, làm hại các chủ lân bang. Bị kiện trên bình diện trách nhiệm dân sự, người chủ xây đê đã viện lẽ bị một trường hợp bất khả kháng vì có trận bão lụt bất ngờ. Nhưng Tòa phá án xét rằng, người chủ cũng đã có lỗi xây đê; vì vậy y không thể thoát khỏi hẳn trách nhiệm dân sự về trận lụt làm hại các chủ lân bang, và vì vậy vẫn phải chịu một phần trách nhiệm ấy. Quan điểm phân phối trách nhiệm giữa trường hợp bất khả kháng và quá thất cũng được chấp nhận trong bản án ngày 6-3-1957 của Tòa phá án (Civ. 6-3-1957. Gaz. Pal. 1957.2.227.Rev. trim. dr. civ. 1958. J. 83). Trong vụ này, một chủ nhà vì không được trả tiền bồi thường chiến tranh, nên không thể sửa chữa các mái nhà đã bị hỏng. Kế đó, xảy ra một trận mưa, nước từ trên mái nhà chảy xuống qua trần, lọt xuống những tầng dưới, làm hại chủ nhà tầng dưới. Tuy không được trả tiền bồi thường chiến tranh được coi là trường hợp bất khả kháng, làm cho người chủ nhà không có phương tiện sửa chữa nhà, nhưng Tòa Phá án cũng phán rằng, cần xét chủ nhà đã làm hết các biện pháp để ngăn cản cho nước mưa khỏi thấm xuống các từng dưới không? Nếu họ không làm điều đó, thì phải coi là họ cũng đã phạm một quá thất, và như vậy, trách nhiệm của họ chỉ được giảm đi chứ không được xóa mất hẳn.
Song giải pháp phân phối trách nhiệm giữa trường hợp bất khả kháng và quá thất của người gây ra tổn hại, không được các giáo sư Mazeaud và Tunc tán thành. Theo hai giáo sư này, khi một sự tổn hại do nhiều người gây ra, mổi người đều được coi là nguyên nhân của tai nạn; vì vậy, mỗi người có thể bị kiện phải bồi thường toàn thể sự thiệt hại. Một khi đã bồi thường rồi, đương sự có thể kiện lại người kia để đòi bồi hoàn phần của họ. Nếu một quá thất và một trường hợp bất khả kháng đều có thể coi là nguyên nhân của sự tổn thiệt, thì người làm quá thất, đúng lý, cũng phải bồi thường toàn bộ sự tổn hại. Trường hợp này chỉ khác trường hợp trên ở một điểm là sau khi đã bồi thường, họ không thể kiện ai để đòi bồi hoàn, vì bên cạnh quá thất của họ chỉ có một trường hợp bất khả kháng vô danh ! Tuy nhiên, giải pháp này đã bị học lý chỉ trích, vì bị đơn đã dẫn chứng được một tác động của người đệ tam có tính cách bất tiên liệu và bất khả cưỡng, nghĩa là tính cách một trường hợp bất khả kháng, thì Tòa phá án của Pháp phán xử rằng bị đơn không chịu trách nhiệm gì cả, coi tác động của đệ tam nhân là duyên cớ duy nhất của sự tổn hại. Xử như vậy, Tòa phá án đã tỏ ra có một thái độ bất nhất vì không có lý do nào xác đáng để phân biệt một biến cố vô danh và một tác động của người đệ tam, khi cả hai sự kiện này đều có tính cách của một trường hợp bất khả kháng, nghĩa là bất khả tiên liệu và bất khả cưỡng.
c. Sau hết, trong các khế ước song phương, nếu vì một trường hợp bất khả kháng, một bên kết ước không thi hành được nghĩa vụ của mình thì bên kia cũng khỏi phải thi hành nghĩa vụ đã cam kết. Đây là lý thuyết hiểm tai hay rủi ro trong các khế ước song phương, mà chúng ta đã bàn tới. Sự thực, vấn đề này không nằm trong khung cảnh trách nhiệm dân sự phạm.
C. Các hợp ước về trường hợp bất khả kháng:
– Các hợp ước liên hệ đến trường hợp bất khả kháng tất nhiên liên quan đến phạm vi trách nhiệm dân sự. Đối với án lệ, các hợp ước đó có hữu hiệu không? Cần phân biệt hai trường hợp:
a. Trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm, trên nguyên tắc, án lệ không thừa nhận một ước định nào có thể thay đổi sự quy định của luật pháp. Như vậy, các hợp ước về trường hợp bất khả kháng bị coi là vô hiệu.
b. Trong lĩnh vực trách nhiệm khế ước, các hợp ước về trường hợp bất khả kháng phải được xét trong khung cảnh tổng quát của các hợp ước về trách nhiệm (conventions de responsabilité: thỏa thuận trách nhiệm pháp lý) mà chúng ta sẽ xét sau. Nói khác đi, các hợp ước liên hệ đến trường hợp bất khả kháng cũng phải tuân theo các điều kiện của các hợp ước về trách nhiệm.
– Về nội dung, các hợp ước về trường hợp bất khả kháng có thể phân chia làm hai loại:
a. Hoặc nới rộng quan niệm trường hợp bất khả kháng, khiến người phụ trái khỏi bị trách nhiệm trong những điều kiện dễ dàng hơn;
b. Hoặc đặt những điều kiện khó khăn hơn cho người phụ trái về vấn đề trường hợp bất khả kháng.
Để kết luận, có thể nói rằng, trong sự thẩm lượng các điều kiện của trường hợp bất khả kháng, án lệ thường có một thái độ rất cứng rắn và khắc nghiệt đối với người đã gây ra sự tổn hại. Nhưng án lệ của Pháp ngày nay đã mềm dẽo hơn và không bắt buộc rằng hai đặc tính bất tiên liệu và bất khả cưỡng phải có tính cách tuyệt đối. Cả về mặt hiệu lực của trường hợp bất khả kháng, vụ án Lamoricière cũng là một bằng chứng rằng quan niệm cổ điển của án lệ cũng đã bắt đầu thay đổi để tiến tới một quan niệm mềm dẽo hơn.
II.2: Tác động của một đệ tam nhân: Phỏng theo các điều 1147 và 1148 DLP, các điều 684, 685 DLB và 725, 726 DLT chỉ đề cập tới nguyên nhân ngoại tại và trường hợp bất khả kháng và không minh thị quy định về sự tổn thất do một tác động của đệ tam nhân (le fait d’un tiers: việc làm của bên thứ ba) gây nên. Đây là một khuyết điểm của cả ba bộ dân luật này. Tuy vậy, theo án lệ của Pháp, tác động của đệ tam nhân có thể coi là nguyên nhân ngoại tại, nếu như tác động ấy hội đủ các đặc điểm của trường hợp bất khả kháng. Nói khác đi, tác động của đệ tam nhân không phải là nguyên nhân ngoại tại biệt lập, có cá tính đặc biệt, mà chỉ là một hình thái của trường hợp bất khả kháng mà thôi. Song giữa hai sự kiện này cũng có một điểm dị biệt: Sau khi đã bồi thường cho nguyên đơn, nếu bị đơn muốn kiện người đệ tam bắt bồi hoàn, thì họ không phải dẫn chứng hai điểm bất tiên liệu và bất khả cưỡng. Để hiểu rõ phản hiệu của tác động một đệ tam nhân đối với vấn đề trách nhiệm, cần phải phân biệt hai hoàn cảnh, tùy theo bị đơn có bị dự đoán là phải chịu trách nhiệm hay không:
1. Trường hợp bị đơn không bị dự đoán phải chịu trách nhiệm: Khi bị đơn chỉ chịu trách nhiệm do sự bất thi hành một nghĩa vụ tổng quát cẩn mẫn, bất luận trong phạm vi dân sự phạm hay khế ước, nguyên đơn, muốn được bồi thường, phải dẫn chứng được: 1. Một sự tổn hại; 2. Một sự quá thất của bị đơn; 3. Một mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố 1 và 2. Về phần bị đơn, nếu dẫn chứng được rằng một tác động của đệ tam nhân đã phụ hợp vào với quá thất của họ để gây ra sự tổn hại, giải pháp sẽ như thế nào? Có hai điểm cần phải xét:
a. Các đặc điểm của tác động của đệ tam nhân: Tác động của đệ tam nhân phải thỏa mãn hai điều kiện:
a1: Là tác động của một đệ tam nhân, lẽ dĩ nhiên, sự kiện này không thể phát xuất ở bị đơn hay các người đại diện và thụ phái của họ hoặc xuất phát ở nguyên đơn. Chỉ cần tác động ấy phát xuất ở một người khác, nhưng không bắt buộc phải đích danh người ấy.
a2: Tác động ấy không thể quy trách cho bị đơn; thí dụ tác động ấy không thể do bị đơn khiêu khích gây nên.
a3: Tác động ấy phải có tính cách một quá thất. Nếu người đệ tam không làm một quá thất nào, thì dù họ có ở trong trường hợp mà luật pháp dự đoán là họ bị trách nhiệm (như trường hợp người giám thủ hay người chuyên chở), bị đơn cũng không thể nại các sự dự đoán này. Các sự dự đoán về trách nhiệm chỉ được đặt ra để bảo vệ quyền lợi của nạn nhân, và vì lẽ này, chỉ có thể do riêng các người này nại ra được mà thôi.
b. Hiệu lực tác động của đệ tam nhân: Khi có tác động của một đệ tam nhân, cùng với quá thất của bị đơn gây ra sự tổn hại, chứ không phải một nửa sự tổn hại. Vì vậy, người chịu thiệt hại có thể yêu cầu bất luận người nào, trong hai người trên, phải bồi thường toàn bộ sự tổn hại. Lẽ dĩ nhiên, nguyên đơn không thể xin bồi thường hai lần, nghĩa là, bắt cả hai người, bị đơn và đệ tam nhân, lần lượt bồi thường; song họ được quyền lựa chọn và bắt một trong hai người ấy phải bồi thường toàn ngạch. Đây là một trong những nghĩa vụ toàn ngạch (obligation in solidium) mà chúng ta sẽ có dịp phân tích kỹ hơn khi nghiên cứu về các nghĩa vụ liên đới (obligations solidaires). Người đồng phạm nào đã bị kiện, rồi sau khi đã bồi thường xong, có quyền kiện lại người đồng phạm kia, để bắt người đồng phạm với mình, phải chịu một phần trách nhiệm. Trong việc phân chia trách nhiệm, án lệ của Pháp đã chấp nhận một sự phân phối tính theo sự khinh trọng của mỗi quá thất. Giải pháp này thường bị học lý chỉ trích, vì trách nhiệm dân sự không thể ước lượng theo sự trọng đại của quá thất. Rất có thể một quá thất nhỏ, đã đem lại một sự tổn hại rất lớn, như vô ý làm xe hơi cán chết người.
2. Trường hợp bị đơn bị dự đoán phải chịu trách nhiệm: Khi bị đơn không thi hành nghĩa vụ xác định, bất luận trong phạm vi khế ước (như trường hợp người chuyên chở) hay dân sự phạm (như trường hợp người giám thủ), luật pháp như chúng ta đã biết, dự đoán rằng, sự bất thi hành này là do chính hoạt động của bị đơn. Nói khác đi, luật pháp đã dự đoán rằng, không có nguyên nhân ngoại tại. Để đả phá hoàn toàn hay một phần dự đoán này, bị đơn có thể dẫn chứng, bị đơn có thể dẫn chứng rằng, một tác động của một đệ tam nhân là nguyên nhân duy nhất hay một trong những nguyên nhân đã gây ra sự bất thi hành nghĩa vụ:
a. Tác động của đệ tam nhân là nguyên nhân duy nhất của sự tổn hại: Nếu bị đơn dẫn chứng được rằng, tác động của đệ tam nhân là nguyên nhân duy nhất đã gây ra sự tổn hại, lẽ dĩ nhiên, sự dự đoán do luật định bị đả phá, vì không phù hợp với thực trạng, và do đó, bị đơn không phải bồi thường nữa. Thí dụ: Bị đơn đã dẫn chứng rằng vì có một đứa trẻ chạy qua đường, nên mới phải hãm xe một cách đột ngột, khiến một người khách trong xe bị thương. Nhưng tòa án căn cứ vào tiêu chuẩn nào để xét rằng, tác động của đệ tam nhân đã là nguyên nhân duy nhất của sự tổn hại? Sau khi do dự một thời kỳ, án lệ của Pháp đã định rằng tác động của đệ tam nhân cần phải hội đủ hai điều kiện bất tiên liệu và bất khả cưỡng, như một trường hợp bất khả kháng, bất luận là trong phạm vi trách nhiệm khế ước hay phạm vi trách nhiệm dân sự phạm. Sở dĩ án lệ của Pháp đã chấp nhận giải pháp khắc khe như thế là vì, đối với bị đơn, nếu bị đơn có thể tiên liệu hay có thể chống lại tác động của người đệ tam được để tránh sự tổn hại cho nguyên đơn mà không làm thì họ đã là một quá thất. Như vậy, sự tổn hại đã có hai nguyên nhân: quá thất này và tác động của đệ tam nhân. Nói khác đi, trường hợp này nằm ngoài phạm vi mà chúng ta đang xem xét, phân tích.
Sự thẩm lượng hai tính cách bất tiên liệu và bất khả cưỡng của tác động của người đệ tam cũng được tòa án xét theo một phương pháp giống như đối với trường hợp bất khả kháng. Một đôi khi, Tòa án có thể xử dễ dãi hơn đôi chút trong việc thẩm lượng này, nhưng chỉ vì một lý do thực tế. Thí dụ: Người đệ tam giàu có hơn người giám thủ và có thể bồi thường dễ dàng hơn; do đó, Tòa án chấp nhận tính cách bất tiên liệu hay bất khả cưỡng của tác động của đệ tam nhân một cách khoáng đại để giải pháp thuận lợi hơn đối với nguyên đơn. Ngoài hai đặc tính nói trên, án lệ không bắt buộc rằng, tác động của đệ tam nhân có tính cách một quá thất. Một khi hai đặc tính này được chứng minh, bị đơn sẽ hoàn toàn khỏi bị trách nhiệm. Tưởng cũng cần nhắc lại ở đây rằng, bản án Lamoricière của Tòa Phá án Pháp, đã chấp nhận một sự phân phối trách nhiệm giữa một trường hợp bất khả kháng (một trận bão) với một sự dự đoán trách nhiệm luật định đối với hãng chuyên chở là giám thủ của chiếc tàu bị bão. Chúng ta sẽ có dịp phê bình về bản án này khi nghiên cứu về các trường hợp bất khả kháng.
b. Sự tác động của đệ tam nhân là một trong những nguyên nhân của sự tổn hại: Nếu bị đơn không thể dẫn chứng được hai tính cách bất tiên liệu và bất khả cưỡng đối với tác động của đệ tam nhân, thì tác động này chỉ là một trong các nguyên nhân gây ra sự tổn hại. Trong trường hợp này án lệ áp dụng nguyên tắc đa nguyên nhân. Nói khác đi, nguyên đơn vẫn có thể yêu cầu bị đơn phải bồi thường toàn bộ sự thiệt hại. Song bị đơn có thể kiện lại người đệ tam để xin bồi hoàn không, và bồi hoàn ở mức nào? Cần phân biệt hai trường hợp:
b1: Nếu bị đơn dẫn chứng được rằng, tác động của người đệ tam có tính cách một quá thất, họ sẽ xin được bồi hoàn tất cả số tiền mà họ đã phải trả. Người đệ tam không thể xin tòa xử rằng bị đơn vì đã bị luật pháp dự đoán là phải chịu trách nhiệm nên phải chịu gánh một phần số tiền bồi thường. Sở dĩ có giải pháp này, là vì các sự dự đoán do luật pháp thiết lập chỉ để bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chịu tổn hại. Vì thế, các người khác không thể nại được các sự dự đoán ấy.
b2: Nếu bị đơn không chứng minh được tính cách quá thất của tác động của đệ tam nhân, thì họ không thể kiện người này để xin người này bồi hoàn được.
Trong trường hợp có hai nguyên nhân đã gây ra sự tổn hại, cần chú trọng đến một tình trạng đặc biệt: Đây là trường hợp mà trách nhiệm của cả hai người đệ tam và bị đơn đều do luật pháp dự đoán. Thí dụ: Hai xe đâm phải nhau, khiến một người hành khách trong một xe bị thương. Nếu ta giả định rằng, không bên nào chứng minh được quá thất của bên kia, thì một chủ xe sẽ phải chịu trách nhiệm. Do là người chuyên chở hành khách ấy, cho nên chủ xe chở hành khách là người giám thủ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hành khách của mình. Lẽ dĩ nhiên, trong trường hợp này, nạn nhân có thể xin Tòa xử phạt bất cứ người nào trong hai người chủ xe kể trên, bắt họ phải bồi thường toàn thể sự tổn hại. Song người này có thể kiện chủ xe kia để xin bồi hoàn không? Nếu họ có thể dẫn chứng tính cách bất tiên liệu và bất khả cưỡng của tác động của người này, họ có thể kiện xin bồi hoàn được. Không dẫn chứng được hai điểm ấy, họ phải gánh cả số tiền bồi thường vì họ không thể nại được một sự dự đoán trách nhiệm mà luật chỉ thiết định cho nạn nhân mà thôi. Tuy nhiên, trong phần học lý chỉ trích rằng giải pháp này đã dành cho nạn nhân quyền tự do chỉ định người nào phải chịu trách nhiệm. Vấn đề trách nhiệm, như vậy, mất hết ý nghĩa. Do đó, một số luật gia đã đề nghị công nhận cho bị đơn quyền được đòi người chủ xe kia một phần số tiền bồi thường, trừ phi người này dẫn chứng được tính cách bất tiên liệu và bất khả cưỡng của tác động của bị đơn.
II.3: Quá thất của nạn nhân. Để tránh khỏi trách nhiệm, nhiều khi người gây ra tổn hại, nại ra quá thất của nạn nhân (la faute de la victime: lỗi của nạn nhân). Có thể nói rằng, quá thất của nạn nhân là nguyên nhân ngoại tại hay được viện ra nhất trong các vụ kiện về trách nhiệm; trái lại, các trường hợp bất khả kháng hay tác động của đệ tam nhân có tính cách hi hữu. Trong luật La Mã, đề cập đến vấn đề này, Luật gia
Sextus Pomponius đã nêu ra một qui lệ mà sau này được mệnh danh là qui lệ Pomponius (règle de Pomponius: qui tắc Pomponius): Nếu nạn nhân đã tham dự vào sự gây ra tổn hại thì không thể xin bồi thường, mặc dù sự quá thất của nạn nhân chỉ là một nguyên nhân của tổn hại mà thôi. Trong cổ luật Việt Nam, chúng ta biết, điều 582 trong bộ hình luât Nhà Lê và điều 208 bộ luật Gia Long qui định rằng, người nào trêu chọc súc vật mà phải bị thương hay chết, thì người chủ không phải tội. Các điều luật này và qui lệ Pomponius thấm nhuần một tinh thần là bắt nạn nhân phải gánh chịu toàn bộ thiệt hại do quá thất của nạn nhân gây ra. Nguyên tắc này cũng được thừa nhận trong Cổ luật của Pháp. Trái lại, trong bộ dân luật của Pháp 1804, không có điều khoản nào qui định về vấn đề này, và đây cũng là tình trạng của hai bộ luật DLB và DLT, vì đã chịu một ảnh hưởng quá rõ rệt của DLP. Trong những đạo luật của Pháp được biểu quyết trong thế kỷ 20, nhà lập pháp cũng có đề cập đến vài trường hợp đặc biệt. Trong chuyên chở trên không trung bằng dây cáp, chúng ta đã biết, người vận chuyển phải chịu trách nhiệm về các sự tổn hại do việc chuyên chở gây nên, trừ trường hợp dẫn chứng được một quá thất của nạn nhân. Theo luật Lao động, cũng chỉ riêng có khi nào nạn nhân làm một quá thất có tính cách cố ý hay không thể miễn thứ (faute intentionnelle ou inexcusable hành vi sai trái cố ý hoặc không thể tha thứ) thì mới có ảnh hưởng đến vấn đề bồi thường. Đứng trước sự thiếu thốn của luật pháp không qui định một nguyên tắc tổng quát, án lệ của Pháp đã thừa nhận rằng, quá thất của nạn nhân có thể được coi là một nguyên nhân ngoại tại như trường hợp bất khả kháng hay tác động của đệ tam nhân. Bộ dân luật của Đức ban hành năm 1900 đã qui định theo một giải pháp khác. Theo điều 254, nếu nạn nhân và bị đơn đều gây ra sự tổn hại, thì trách nhiệm sẽ được phân phối giữa hai người, tùy theo vai trò của họ quan trọng nhiều hay ít. Giải pháp này cũng được bản dự án bộ luật nghĩa vụ Pháp – Ý chấp nhận tại điều 78. Trong án lệ của Pháp, hai trường hợp được phân biệt, căn cứ vào điểm trách nhiệm của bị đơn có bị dự đoán hay không.
II.3.1: Trường hợp bị đơn không bị dự đoán phải chịu trách nhiệm: Nguyên đơn xin bồi thường phải dẫn chứng được rằng bị đơn đã làm một quá thất gây ra sự tổn hại. Về phía bị đơn, họ cũng viện được một sự quá thất của nguyên đơn về sự tổn hại. Nói khác đi, sự tổn hại có hai nguyên nhân; vậy có hai điểm cần phải phân tích: a. Với những điều kiện nào, quá thất của nạn nhân được coi là một nguyên nhân của sự tổn hại; b. Hiệu lực của sự quá thất của nạn nhân.
a. Các đặc điểm của quá thất của nạn nhân:
a1: Cũng như tác động của người đệ tam, tác động của nạn nhân cần không thể quy trách được cho bị đơn;
a2: Ngoài ra, tác động ấy phải có tính cách một quá thất. Sở dĩ một sự tổn hại xảy đến cho nan nhân, là vì nạn nhân, do tác động của mình, đã có mặt ở nơi xảy ra tai nạn. Nhưng tác động ấy chỉ có tính cách phản hiệu về trách nhiệm, nếu như chính tác động ấy là một quá thất. Nói khác đi, người lái xe hơi cán phải nạn nhân không thể nại cớ rằng, nạn nhân có mặt ở nơi xe hơi chạy tới để tránh trách nhiệm. Sự hiện diện ấy chỉ được tòa án chú ý đến, nếu như yếu tố ấy là quá thất của nạn nhân, như trường hợp người này chạy ngang qua đường sát thời điểm khi xe hơi đang trờ tới.
b. Hiệu lực của quá thất của nạn nhân: Trong trường hợp nạn nhân đã làm một quá thất, sự tổn hại có hai nguyên nhân: quá thất của nguyên đơn và quá thất của bị đơn. Vì mỗi nguyên nhân này phát sinh ra toàn bộ sự thiệt hại, trên phương diện lý thuyết, bị đơn phải bồi thường toàn bộ sự thiệt hại, rồi sau đó, mới được kiện lại nguyên đơn xin bồi hoàn. Trong thực tế, các Tòa án, với mục đích đơn giản hóa giải pháp trên đây, chỉ bắt bị đơn phải bồi thường một phần sự tổn hại, nghĩa là chấp nhận giải pháp phân phối trách nhiệm và chi trách nhiệm giữa hai bên nguyên bị, tùy theo quá thất của họ nặng nhẹ. Chúng ta đã có dịp chỉ trích sự phân phối này, vì trách nhiệm bồi thường dân sự không thể thẩm lượng theo tính cách khinh trọng của quá thất. Một lỗi nhẹ có thể phát sinh một sự tổn hại rất lớn. Một giải pháp khác được học lý đề nghị là chia trách nhiệm giữa hai bên, nguyên – bị, thành hai phần đều nhau, nhưng quan điểm này không được án lệ chấp nhận. Trong một vài trường hợp đặc biệt, nếu quá thất của nạn nhân có tính cách quá trọng đại, làm biến mất hẳn quá thất của bị đơn thì bị đơn sẽ được miễn hẳn trách nhiệm. Đây là trường hợp nguyên đơn đã làm một quá thất cố ý, như khi muốn tự vẫn đâm đầu vào bánh xe hơi mà bị đơn đương lái. Lẽ dĩ nhiên, bị đơn không phải bồi thường trong trường hợp này. Song cần phân biệt trường hợp quá thất cố ý (faute intentionnelle: cố ý phạm lỗi) với trường hợp ưng thuận các sự rủi ro (acceptation des risques: chấp nhận rủi ro), mà chúng ta đã có dịp phân tích. Sự ưng thuận các rủi ro không có ảnh hưởng gì đến trách nhiệm, trừ khi nguyên đơn đã nhận các sự rủi ro ấy có một tính cách bất cẩn, như khi bằng lòng để cho một người say rượu lái xe cho họ (Civ 11.12.1952 thượng dẫn. Gaz. Pal. 1953. I.122). Chỉ riêng trong trường hợp này, sự ưng thuận rủi ro mới đem lại hậu quả là sự phân phối trách nhiệm. Về phương diện các hiệu lực, quá thất của nạn nhân đã nêu lên một vấn đề pháp lý khá tế nhị, trong trường hợp sự bồi thường do các thân thuộc của nạn nhân yêu cầu, sau khi nạn nhân đã mệnh một. Đối với các thân thuộc của nạn nhân đứng ra khởi kiện, bị đơn không thể viện dẫn quá thất của nạn nhân để xin phân phối trách nhiệm, vì nguyên đơn có thể sẽ cãi rằng, quá thất ấy chỉ có tính cách là quá thất của đệ tam nhân, chứ không phải do họ làm ra, như trong trường hợp chính nạn nhân đứng ra khởi kiện. Sự suy luận này rất xác đáng. Tuy nhiên, giải pháp trên đây không được chấp nhận, nếu chính các nguyên đơn lại là những người thừa kế của nạn nhân. Trong trường hợp này, bị đơn, trên nguyên tắc, có thể kiện lại nạn nhân để xin phân phối trách nhiệm và do đó, có thể kiện các thừa kế của nạn nhân, nghãi là kiện các nguyên đơn. Vì vậy, tòa án chấp nhận giải pháp phân phối trách nhiệm, nếu các thân thuộc yêu cầu bồi thường về sự mệnh một của nạn nhân lại chính là thừa kế của người này ((Crim. 9-12-1954, D. 1955, 221).
II.3.2: Trường hợp bị đơn bị dự đoán chịu trách nhiệm: Đây là trường hợp bị đơn phải thi hành một nghĩa vụ xác định, như trường hợp người giám thủ đồ vật hay người vận chuyển. Nếu nghĩa vụ không được thi hành, bị đơn bị dự đoán phải chịu trách nhiệm. Để tránh khỏi trách nhiệm này, bị đơn thường viện dẫn một quá thất của nạn nhân. Để nghiên cứu rõ hiệu lực của quá thất của nạn nhân, cần phân biệt hai hoàn cảnh, tùy theo quá thất này là nguyên nhân duy nhất hay chỉ là một trong những nguyên nhân đã gây ra sự tổn hại.
a. Quá thất của nạn nhân là nguyên nhân duy nhất phát sinh ra sự tổn hại: Nếu bị đơn dẫn chứng được rằng, chỉ có quá thất của nạn nhân gây ra sự tổn hại, lẽ dĩ nhiên, sự dự đoán của luật pháp không còn lý do để tồn tại nữa. Bị đơn sẽ được miễn trách nhiệm hoàn toàn và nguyên đơn phải gánh chịu sự tổn hại. Nhưng với điều kiện nào, quá thất của nạn nhân mới được án lệ nhìn nhận là nguyên nhân duy nhất của sự tổn hại? Về vấn đề này, án lệ đã chứng kiến một sự diễn tiến tương tự như đối với tác động của người đệ tam. Trong giai đoạn thứ nhất, các tòa án ở Pháp miễn cho bị đơn khỏi trách nhiệm, mỗi khi người này dẫn chứng được một quá thất có liên hệ đến sự tổn hại. Song bắt đầu từ năm 1934, có một sự chuyển hướng trong án lệ, bắt buộc rằng, quá thất của nạn nhân phải có tính cách bất tiên liệu và bất khả cưỡng mới được coi là duyên cớ duy nhất của sự tổn hại (Req. 13.4.1934 D.1934 I.41, chú thích Savatier, và nhất là bản án Civ. 9.9.1940 S.1940 I.81, chú thích Mazeaud). Học lý đã chỉ trích nhiều về giải pháp này. Đối với tác động của đệ tam nhân, nếu bị đơn có thể tiên liệu hay cưỡng lại được mà không hành động như vậy, cứ để cho xảy ra tai nạn, thì chúng ta có thể quan niệm hợp lý rằng, bị đơn đã có lỗi và như vậy, tác động của đệ tam nhân không thể được coi là nguyên nhân duy nhất của sự tổn hại. Song lối suy luận này, không thể áp dụng đối với nạn nhân được. Nếu nạn nhân làm một quá thất, khiến sự tổn hại đã phát sinh ra, mặc dù quá thất ấy không có tính cách bất khả tiên liệu hoặc bất khả cưỡng, chung ta cũng không có lý do gì để bắt bị đơn phải đảm đương nghĩa vụ phải bảo vệ nạn nhân đối với chính cả nạn nhân nữa. Song án lệ vẫn không thay đổi giải pháp. Tuy nhiên, sự chỉ trích của học lý cũng mang lại một kết quả, vì án lệ đã tỏ ra dễ dãi trong sự thẩm định hai tính cách bất khả tiên liệu và bất khả cưỡng của quá thất của nạn nhân hơn là đối với trường hợp bất khả kháng vô danh.
b. Quá thất của nạn nhân chỉ là một nguyên nhân của sự tổn hại: Nếu bị đơn không thể dẫn chứng được rằng quá thất của nguyên đơn (nạn nhân) có tính cách bất tiên liệu và bất khả cưỡng, sự dự đoán trách nhiệm của bị đơn vẫn còn; vì vậy, sự tổn hại phải được coi là có hai nguyên nhân: Quá thất của bị đơn và quá thất của nạn nhân. Do đó, sẽ có một sự phân phối trách nhiệm giữa nguyên đơn và bị đơn. Theo án lệ, sự phân phối này sẽ căn cứ vào tính cách khinh trọng của hai quá thất nói trên, chứ không chia làm hai phần đều như nhau. Có một trường hợp đặc biệt về phương diện pháp lý, nhưng cũng rất thông thường trong thực tế, đã làm đề tai cho các cuộc tranh luận trong học lý và án lệ: Đó là trường hợp mà trách nhiệm của cả hai bên nguyên bị đều được luật pháp dự đoán, như trường hợp hai xe ô tô chạm nhau mà không một chủ xe nào có thể dẫn chứng được một quá thất của chủ xe kia, hoặc dẫn chứng được xe của mình ở trong tình trạng thụ động khi xảy ra tai nạn. Mỗi chủ xe, trong trường hợp này, bị dự đoán trách nhiệm với tư cách là người giám thủ. Tòa án phải giải quyết vấn đề trách nhiệm như thế nào? Một số tác giả đề nghị giải pháp tương hủy cả hai sự dự đoán trách nhiệm (neutralisation des présomptions: vô hiệu hóa các giả định), vì hai sự dự đoán này ngược chiều nên tự tương hủy, không một chủ xe nào có thể nại được sự dự đoán trách nhiệm do luật định. Mặt khác, vì họ không dẫn chứng được một quá thất nào của đối phương, nên họ không được bồi thường. Kết quả của giải pháp này đưa đến một tình trạng bất công trong thực tế: Mỗi chủ xe phải chịu tổn hại riêng đã xảy đến cho xe của họ. Nếu hai xe không có cùng động lực, trường hơp xảy tới là cái xe nào có động lực mạnh thì cố nhiên sẽ gây ra một sự tổn hại lớn hơn cho xe kia, và trái lại, chiếc xe kia sẽ ít hư hỏng hơn. Về phương diện pháp lý, giải pháp chấp nhận sự tương hủy hai sự dự đoán trách nhiệm không xác đáng. Sự thực, trong các tai nạn xe cộ va chạm, có hai sự dự đoán cũng như hai tố quyền tuyên định trách nhiệm riêng biệt, không thể nào tương hủy được. Thí dụ: Một xe hơi đâm phải một xe mô tô. Chủ xe mô tô kiện chủ xe hơi đòi bồi thường, vì người này có tư cách giám thủ. Chủ xe hơi không thể nại rằng, chủ xe mô tô cũng có tính cách giám thủ xe mô tô và như vậy, hai sự dự đoán trách nhiệm có thể tương hủy. Sự dự đoán trách nhiệm chỉ do luật định để bảo vệ quyền lợi của người chịu thiệt hại. Trong vụ kiện đòi bồi thường do chủ xe mô tô khởi kiện, chủ xe hơi không phải là nạn nhân mà chính là người gây ra tai nạn, vì vậy họ không thể viện sự dự đoán trách nhiệm của chủ xe mô tô. Do đó, trong các vụ kiện trên, án lệ vẫn áp dụng các dự đoán trách nhiệm luật định. Người chủ xe ô tô phải bồi thường toàn bộ thiệt hai gây ra cho xe mô tô, và ngược lại, chủ xe mô tô phải bồi thường toàn thể thiệt hại gây đến cho xe hơi (Civ. 5.3.1947 D. 1947, 296; J.C.P. 19474, II. 3600). Tuy nhiên, riêng về luật hàng hải, khi hai tàu thuyền đụng nhau mà không bên nào dẫn chứng được một sự quá thất của bên kia, nhà làm luật của Pháp đã minh thị chấp nhận giải pháp tương hủy các sự dự đoán trách nhiệm.

Nói tóm lại, trong lĩnh vực trách nhiệm, các vấn đề do mối quan hệ nhân quả giữa quá thất và sự tổn hại đặt ra, là những vấn đề tế nhị nhất. Trong các vụ kiện đòi bồi thường, xu hướng chung của án lệ chú trọng vào sự bảo vệ quyền lợi của nạn nhân. Vì vậy, khi bị dự đoán phải chịu trách nhiệm, nếu bị đơn muốn tránh khỏi trách nhiệm này bằng cách dẫn chứng một quá thất của nạn nhân hay một tác động của đệ tam nhân, án lệ bắt buộc họ phải chứng minh được tính bất tiên liệu và bất khả cưỡng của các sự kiện này. Tuy nhiên, để tránh những hậu quả quá bất công, án lệ gần đây đã tỏ ra khá khoan đại trong việc thẩm lượng hai tính cách trên, nếu nguyên nhân ngoại tại do bị đơn nại ra là một quá thất của nạn nhân. Nói khác đi, để điều hòa được quyền lợi của nạn nhân với quyền lợi của bị đơn đã gây ra tổn hại, quan niệm của án lệ về trường hợp bất khả kháng không còn cô đọng trong khuôn khổ cổ điển. Các đặc tính bất khả tiên liệu và bất khả cưỡng không cần được thẩm định theo tiêu chuẩn tuyệt đối, và đã được xét theo một quan điểm mềm dẽo hơn và khoáng đạt hơn trước.

BẢNG SO SÁNH HIỆU LỰC CỦA CÁC NGUYÊN NHÂN NGOẠI TẠI

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar