Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

29. Hiệu lực của trách nhiệm dân sự

HIỆU LỰC CỦA TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ

Trách nhiệm dân sự được coi là một nguồn gốc phát sinh ra nghĩa vụ, vì người gây ra tổn hại có nghĩa vụ phải bồi thường cho nạn nhân. Nghiên cứu về hiệu lực của trách nhiệm dân sự, chúng ta phải đề cập đến hai vấn đề:
1. Nạn nhân phải hành động như thế nào để được bồi thường?
2. Sự bồi thường được thực hiện như thế nào?

I. TỐ QUYỀN TUYÊN ĐỊNH TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ
Muốn được bồi thường, nạn nhân hành sử tố quyền tuyên định trách nhiệm dân sự (action en responsabilité civile: thủ tục trách nhiệm dân sự). Tuy cũng giống các tố quyền khác, song tố quyền xin tuyên định trách nhiệm dân sự có ba đặc điểm cần được nghiên cứu kỹ: 1. Các bên đương tụng; 2. Thẩm quyền của Tòa án; 3. Nguyên nhân của tố quyền.
I.1. Các bên đương tụng: Cũng như các vụ kiện khác, nguyên đơn đứng khởi tố để yêu cầu tòa án bắt bị đơn phải bồi thường sự tổn hại đã gây ra.
1. Nguyên đơn: Trên nguyên tắc, phàm người nào đã chịu một sự tổn hại, đều có thể đứng nguyên đơn để xin bồi thường. Tuy nhiên, nếu họ là một người vô năng lực, như trường hợp các trẻ vị thành niên, tất nhiên trong sự hành sử tố quyền, họ phải được thay mặt bằng các người đại diện hợp pháp. Nguyên đơn có thể là một thể nhân hay là một pháp nhân. Tuy nhiên, đối với một pháp nhân, nhiều khi phải phân biệt tố quyền của hội xã và tố quyền của mỗi hội viên. Tố quyền của hội xã nhằm mục đích đòi bồi thường một sự tổn hại xâm phạm vào quyền lợi của cả đoàn thể; tố quyền này do các cơ quan quản trị hội xã hành sử. Thí dụ: Tố quyền của hội buôn đã ký một khế ước mua hàng với một hãng nhập cảng; đến hạn, hãng này không giao hàng khiến hội buôn phải chịu tổn thiệt. Các cơ quan quản trị của hội buôn sẽ nhân danh hội, khởi kiện đòi hãng nhập cảng kia phải bồi thường. Ngoài tố quyền của hội xã, hội viên cũng có thể hành sử tố quyền cá nhân dành cho họ, nếu họ bị chịu những tổn hại cá nhân riêng biệt. Lẽ dĩ nhiên, khi một đoàn thể không có tư cách pháp nhân thì không thể đứng nguyên đơn khởi kiện; trong trường hợp này, chỉ riêng các đoàn viên được hành sử tố quyền cá nhân. Nguyên tắc thừa nhận quyền khởi kiện cho tất cả các người chịu thiệt hại có hai ngoại lệ, trong trường hợp tổn hại vì phản ảnh và trường hợp thiếu quyền lợi chính đáng.
a. Sự tổn hại vì phản ảnh (préjudice par ricochet: thiệt hại do va chạm): Trong một tai nạn xe hơi, một người bộ hành đã bị cán chết. Do tai nạn này, tất cả các người vẫn được nạn nhân nuôi dưỡng hay trợ cấp, đã chịu một sự tổn hại vật chất rất lớn. Ngoài ra, các thân thuộc, bằng hữu của nạn nhân cũng chịu một sự đau thương, nghãi là một sự tổn hại về mặt tinh thần. Các người nói trên đã chịu một sự tổn hại vì phản ảnh. Họ có quyền được khởi kiện đòi bồi thường không? Nếu áp dụng nguyên tắc thông thường, họ đều được quyền khởi tố và án lệ của Pháp trong một giai đoạn đầu tiên đã chấp nhận giải pháp này. Song án lệ này có sự tai hại là mở cửa quá rộng cho các vụ kiện tụng đòi bồi thường, nhất là các tổn hại tinh thần. Vì vậy, án lệ đã chuyển hướng và chấp nhận một giải pháp tế nhị hơn:
a1: Về mặt tổn hại tinh thần, một bản án của Phòng Thỉnh nguyện của Pháp ngày 2-2-1931 (Req. 2-2-1931 D. 1931.I.38) đã đặt một điều kiện bắt buộc nguyên đơn phải là một thân thuộc hay một nhân thuộc của nạn nhân. Sự thực, điều kiện này không được hợp lý vì hai lẽ: Một mặt, không có lý do gì để phân phân biệt giữa các thân thuộc và các người không phải là thân thuộc, khi họ đều chịu một sự tổn hại; mặt khác, tiêu chuẩn căn cứ vào một liên hệ thân thuộc hay nhân thuộc cũng chưa đủ để hạn chế số người được quyền khởi kiện, vì số nhân thuộc và thân thuộc, tùy từng người, có khi cũng rất lớn. Vì vậy, tuy điều kiện do phòng Thỉnh nguyện đặt ra được phòng dân sự của Tòa phá án chấp nhận, song phòng hình sự của Tòa Phá án và nhiều Tòa thượng thẩm vẫn không chịu chấp nhận. Trong một bản án ngày 22-12-1942 (S. 1943.I.36 D. 1945.99, chú thích Givord), phòng Thỉnh nguyện lại đặt ra một điều kiện khác, bắt buộc rằng nguyên đơn chỉ có thể xin bồi thường về tổn hại tinh thần khi nạn nhân bị chết mà thôi. Song tiêu chuẩn này cũng bị chỉ trích, vì tai nạn mặc dù chỉ làm cho nạn nhân bị tàn tật cũng gây một sự đau thương rất lớn cho thân thuộc. Do đó, Phòng dân sự Tòa phá án Pháp, trong bản án ngày 22.10.1946 (S. 1947.I.59), đã xử rằng, một người cha có quyền đòi bồi thường tổn hại tinh thần, mặc dù con gái chỉ bị phế tật.
a2: Đối với tổn hại vật chất, số người có thể coi rằng bị tổn thiệt cũng không phải là ít. Thí dụ: Trong một vụ tai nạn xe hơi, cán chết một người bộ hành, các người được nạn nhân cấp dưỡng, các người bán hàng cho nạn nhân, cho đến người ăn mày ở đầu đường xó chợ, vẫn thường được nạn nhân cho tiền, đều có thể kêu rằng bị thiệt hại. Theo án lệ, trước hết phải loại những người không được trợ cấp một cách đều đặn, như người ăn mày, hoặc người bán hàng, vì nạn nhân rất có thể không cho tiền người ăn mày, hoặc mua hàng của tiệm khác. Tuy những người ấy có thể viện lẽ đã bị mất một cơ hội may mắn, song án lệ thường không chấp nhận lối suy luận như vậy. Đối với các người được trợ cấp đều đặn, hay chịu một sự tổn hại vật chất ngoài khoản trợ cấp, án lệ không bắt buộc họ phải có một mối liên hệ thân thuộc hay nhân thuộc với nạn nhân, như trường hợp tổn hại tinh thần. Vì vậy, một vị hôn phu hay một vị hôn thê, nếu bị tổn hại về vật chất, có thể phải xin bồi thường được.
b. Quyền lợi chính đáng: Để giới hạn số người có thể khởi kiện xin bồi thường, án lệ của Pháp đã đặt thêm điều kiện bắt buộc nguyên đơn phải có quyền lợi chính đáng. Điều kiện này đã được thiết định trong các vụ kiện do một người khởi kiện yêu cầu được bồi thường, vì người bạn ngoại hôn của họ bị tai nạn. Trong giai đoạn đầu, án lệ của Pháp phân biệt hai trường hợp và chấp nhận sự yêu cầu này tùy theo trường hợp, hai người bạn ngoại hôn đã sống chung với nhau lâu ngày như một gia đình hay không. Song tiêu chuẩn này đã bị học lý chỉ trích vì sự ngoại hôn là một tình trạng trái luân thường đạo lý; nếu chấp nhận cho một người bạn ngoại hôn được viện dẫn tình trạng này để xin bồi thường, khác nào án lệ đã thừa nhận một tình trạng trái thuần phong mỹ tục. Vì vậy, án lệ của Pháp đã chuyển hướng với bản án của Tòa phá án ngày 27-7-1937 (Civ. 27-7-1937. S. 1938. I.321), bắt buộc rằng nguyên đơn chỉ có thể xin bồi thường để bảo vệ các quyền lợi chính đáng đã bị xâm phạm. Với các điều kiện trên đây, án lệ đã hạn chế số thân nhân của người bị nạn có thể đứng nguyên đơn để xin bồi thường. Song cần phải nhận xét một điềm quan trọng. Đơn đòi bồi thường này do các thân nhân khởi kiện, vì chính các nhân họ chịu một tổn hại. Ngoài căn bản pháp lý này, trong một số trường hợp, thân nhân của nạn nhân có thể viện dẫn một căn bản khác. Nếu họ có tư cách là người thừa kế của nạn nhân, họ có thể khởi kiện xin bồi thường thiệt hại của chính nạn nhân, về phương diện vật chất cũng như về phương diện tinh thần. Nạn nhân chịu thiệt hại, nếu còn sống sẽ hành sử tố quyền đòi bồi thường. Tố quyền ấy là một yếu tố trong sản nghiệp của nạn nhân. Người thừa kế, được hưởng sản nghiệp này, tất nhiên phải được hành sử tố quyền đòi bồi thường của nạn nhân. Lẽ dĩ nhiên, tố quyền này không chịu các sự hạn chế mà án lệ đã đặt ra cho các thân nhân và bằng hữu của kẻ xấu số. Nếu kẻ bị nạn chết ngay lập tức, các người thừa kế có thể hành sử tố quyền của nạn nhân để đòi bồi thường sự tổn thiệt về tinh thần không? Có luật gia cho rằng, vì nạn nhân chết ngay tại chỗ nên không bị đau đớn và như vậy không thể có một sự tổn hại về tinh thần. Suy luận như vậy không đúng, vì bất luận sự đau đớn ngắn ngủi đến đến mức nào, sự đau đớn ấy cũng phải được bồi thường. Hơn nữa, nạn nhân chết đi, đã chịu một sự tổn hại tinh thần rõ rệt vì họ đã mất hết tất cả hy vọng, vốn là lẽ sống của họ. Do đó, các người thừa kế bao giờ cũng được hưởng, trong sản nghiệp của nạn nhân, một tố quyền để xin bồi thường về sự tổn hại tinh thần, không nói đến sự tổn hại khác về vật chất.
2. Bị đơn: Trên nguyên tắc, phàm ai đã do quá thất của mình, gây ra một sự tổn hại, đều có thể bị yêu cầu bồi thường sự tổn hại ấy và vì lẽ ấy, đứng làm bị đơn trong vụ kiện bồi thường.
2.1: Thể nhân hay pháp nhân, đều có thể làm bị đơn. Lẽ tất nhiên, các pháp nhân sẽ được các cơ quan quản trị đại diện trong thủ tục. Sở dĩ các pháp nhân cũng có tư cách bị đơn vì các pháp nhân đều có một sản nghiệp. Khi quyền lợi của pháp nhân bị thua thiệt, chúng ta đều biết rằng, pháp nhân có quyền khởi kiện để đòi bồi thường. Vậy khi gây ra sự tổn hại cho người khác, pháp nhân cũng có thể bị kiện. Đây là một điểm khác biệt giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm hình sự nêu ra vấn đề hình phạt, chỉ có thể áp dụng với các thể nhân mà thôi. Trái lại, trách nhiệm dân sự chỉ là vấn đề bồi thường liên hệ đến sản nghiệp, vì vậy có thể thi hành được đối với các pháp nhân. Tuy nhiên, theo một vài luật gia, vì trách nhiệm dân sự đặt trên nền tảng quá thất, nên một pháp nhân không thể bị coi là chịu trách nhiệm được. Vốn chỉ là một hư cấu, pháp nhân không thể làm một quá thất nào. Luận cứ này cũng không được xác đáng. Sự hoạt động của pháp nhân vốn do các bộ phận quản trị điều khiển. Nếu những bộ phận này đã làm một quá thất trong công việc điều khiển hoạt động của pháp nhân, án lệ đã coi đó là những quá thất của chính pháp nhân và do đó, pháp nhân phải chịu trách nhiệm về dân sự.
2.2: Các người vô năng lực có thể có tư cách bị đơn không? Trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm và chuẩn dân sự phạm, các người vô năng lực cũng bị trách nhiệm dân sự như các người thường có đủ năng lực. Trong chương trình năm thứ nhất, chúng ta đã rõ, nhà làm luật đã minh thị qui định rằng, các người vị thành niên không thể xin thiệt tiêu được các nghĩa vụ do dân sự phạm hay chuẩn dân sự phạm phát sinh ra (926 DLT; 1310 DLP). Quy tắc này đã được án lệ áp dụng cho tất cả các hạng người vô năng lực khác. Trong địa hạt khế ước, nếu khế ước không được kết lập hợp pháp, thí dụ đã do người vô năng lực tự ký kết, thì tất nhiên người vô năng lực không phải chịu trách nhiệm vì khế ước vô hiệu. Song nếu khế ước đã được kết lập hữu hiệu, như trường hợp người vô năng lực đã được các người đại diện luật định thay mặt hay trợ lực, mà nếu khế ước không được thi hành thì lẽ tất nhiên, các người vô năng lực cũng phải chịu trách nhiệm. Một điểm thắc mắc thứ ba là trong trường hợp có nhiều bị đơn trong vụ kiện, vấn đề bồi thường sẽ giải quyết như thế nào. Cần phân biệt hai tình trạng:
a. Nếu mỗi bị đơn rõ rệt chỉ gây ra một phần tổn hại, họ sẽ chỉ phải bồi thường khoản tổn hại này mà thôi. Song thực ra, trường hợp này là trường hợp có nhiều sự tổn hại biệt lập; mổi bị đơn chỉ gây ra một trong những tổn hại ấy, nên chỉ phải bồi thường về sự tổn hại ấy.
b. Trường hợp chỉ có một sự tổn hại duy nhất, nhưng do nhiều bị đơn gây ra, tức là tình trạng đa nguyên nhân. Chúng ta đã có dịp phân tích vấn đề này. Mỗi nguyên nhân đã gây ra toàn thể sự tổn hại. Vì vậy, mỗi bị đơn có nghĩa vụ phải bồi thường toàn ngạch (obligation in solidum). Ai đã bồi thường như vậy được quyền kiện lại các người khác để đòi bồi hoàn phần mà đã phải đảm đương.
I.2: Thẩm quyền của Tòa án: Thẩm quyền của Tòa án phải được xét về hai phương diện: Thẩm quyền đối vật và thẩm quyền đối xứ.
1. Thẩm quyền đối vật: Trong việc xác định Tòa án nào có thẩm quyền đối vật (compétence ratione materiae: tài liệu lý luận về thẩm quyền) để xử về vụ kiện bồi thường, các nguyên tắc thường luật được áp dụng. Tòa án tư pháp hay tòa án hành chính có thẩm quyền, tùy theo các đương sự là tư nhân hay một bên hoặc cả hai bên nguyên bị là một pháp nhân trong công pháp. Thí dụ: Tòa án hành chính sẽ có thẩm quyền giải quyết khi một tư nhân đòi quốc gia phải bồi thường vì đã bị một công xa cán bị thương. Trong loại các tòa án tư pháp, nguyên đơn khởi kiện trước tòa án dân sự. Nhưng trong trường hợp sự kiện gây ra tồn hại cũng là một sự phạm pháp bị truy tố trước một tòa hình sự, nạn nhân có thể đứng dân sự nguyên cáo (se constituer partie civile: Trở thành một bên dân sự), hợp đơn kiện đòi bồi thường vào công tố, nghĩa là hợp đơn kiện dân sự với tố quyền hình sự. Thủ tục này thuận lợi cho nguyên đơn vì, trong thực tế, thủ tục trước tòa án hình bao giờ cũng nhanh chóng hơn tòa án dân sự. Tòa án về hình sự chỉ có thẩm quyền xét xử, nếu như người can phạm đối với luật hình, bị coi là phạm tội. Vì vậy, nếu người can phạm đã chết, hoặc nếu đạo luật hình trừng phạt sự phạm pháp đã bị bãi bỏ, thì tòa hình không thể xử phạt bồi thường về dân sự nữa. Riêng chỉ có trường hợp ân xá là đặc biệt. Luật ân xá không bao giờ xâm phạm vào quyền lợi của các người đệ tam; Vì vậy, Tòa án hình vẫn có thể xét xử trên bình diện bồi thường, nếu tòa đã thụ lý trước ngày ban hành luật ân xá. Gần đây, trong bản án ngày 31-11-61 (PL. 1961 IV. 9), Tòa phá án Việt Nam đã xử rằng, nếu kiện người chủ xe để đòi bồi thường trên căn bản điều 1384 k1 DLP, căn cứ vào trách nhiệm của người chủ xe, với tư cách là giám thủ đồ vật, thì “trách nhiệm này là trách nhiệm thuần túy dân sự thuộc thẩm quyền duy nhất của tòa Hộ, không liên quan đến hành động phạm pháp vô ý gây thiệt mạng” cho nạn nhân. Vì vậy, dân sự nguyên cáo, không thể sử dụng tố quyền dân sự để đòi chủ xe bồi thường trước Tòa án hình, mặc dù Tòa án hình sự có thẩm quyền để xét xử về hình sự phạm pháp kể trên. Về vấn đề này, Tòa Phá án Việt Nam cũng chấp nhận giải pháp trên đây trong bản án ngày 31-1-1961, xử về vụ án xe hơi ở Rạch Hào. Các dân sự nguyên cáo đã thượng tố xin phá án tiêu hủy bản án cảu Tòa Thượng thẩm Saigon vì bản án này đã để người chủ xe ra ngoài vụ, không bắt bồi thường trên căn bản điều 1384. Tòa phá án xử rằng, người lái xe Nguyễn Thị Sinh không có tư cách là thụ ủy của chủ xe; điểm này đã được xét khi chúng ta bàn về vấn đề trách nhiệm của người thụ ủy. Ngoài ra, Tòa Phá án phán rằng, vấn đề trách nhiệm của chủ xe với tư cách người giám thủ là một vấn đề thuần túy dân sự, không thuộc thẩm quyền của tòa án Hình; vì vậy, Tòa Thượng thẩm Saigon xử về hình sự đã bác bỏ hợp lý đơn xin bồi thường cảu dân sự nguyên cáo. Sau hết, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, nếu công tố đã bị thời tiêu, thì tố quyền đòi bồi thường cũng bị đồng thời tiêu diệt, mặc dù thời hiệu tiêu diệt về dân sự thường dài hơn thời hiệu về hình sự.
2. Thẩm quyền đối xứ: Trong thủ tục, theo một nguyên tắc căn bản, tòa án có thẩm quyền về phương diện đối xứ (compétence ratione loci: thẩm quyền địa điểm) là tòa án sở tại nơi cư sở của bị đơn. Về phương diện thẩm quyền đối xứ, trong địa hạt trách nhiệm, có vài đặc điểm khác với thường lệ:
a. Đối với trách nhiệm dân sự phạm, nguyên đơn có thể khởi kiện trước tòa án nơi cư sở của bị đơn hoặc Tòa án nơi xảy ra dân sự phạm đã gây ra sự tổn hại;
b. Đối với trách nhiệm khế ước, nếu sự quá thất trong thi hành khế ước cũng là một sự phạm pháp về hình sự, nguyên đơn cũng có thể chọn giữa tòa án nơi cư sở của bị đơn hoặc Tòa án nơi xảy ra sự phạm pháp.
c. Đối với tất cả các khế ước khác, nguyên đơn có thể khởi kiện trước một trong ba tòa án sau:
1. Tòa án nơi cư sở của bị đơn;
2. Tòa án nơi khế ước được kết lập;
3. Tòa án nơi phải thi hành khế ước.
I.3: Nguyên nhân của tố quyền tuyên định trách nhiệm dân sự: Trên nguyên tắc, nguyên nhân của một tố quyền là quyền lợi bị xâm phạm: Sở dĩ nguyên đơn có quyền khởi kiện là vì nguyên đơn có một quyền lợi và quyền lợi ấy đã bị xâm phạm. Song trong phạm vi trách nhiệm, án lệ đã có một quan niệm khác hẳn: Nguyên nhân của tố quyền xin bồi thường không phải là quyền lợi bị xâm phạm, mà vì các điều khoản hay văn bản pháp luật thừa nhận cho nguyên đơn có quyền được bồi thường. Như vậy, tùy theo là một vụ liên quan đến trách nhiệm khế ước hay liên quan đến trách nhiệm dân sự phạm, nguyên nhân của tố quyền có sự khác biệt.  Hơn nữa, riêng trong lĩnh vực trách nhiệm dân sự phạm, nguyên nhân của tố quyền cũng thay đổi tùy theo sự tổn hại đã do tác động của bị đơn, tác động của tha nhân hoặc của đồ vật vô tri gây nên, vì trong mỗi trường hợp, văn bản pháp luật mà án lê coi là nguyên nhân của tố quyền, lại khác. Quan niệm của án lệ không được xác đáng, vì án lệ lầm lẫn nguyên nhân của tố quyền với các phương thức mà pháp luật dành cho nguyên đơn để bảo vệ quyền lợi của họ (les moyens de droit: phương tiện pháp luật). Dẫu sao thì quan niệm này cũng đem lại nhiều hệ quả quan trọng:
1. Khi trong đơn khởi kiện hay trong các kết luận trạng, nguyên đơn chỉ nại điều 1382 DLP, 712 DLB, 761 DLT chẳng hạn, thẩm phán không thể xử phạt theo điều 1384, 714 DLB, 763 DLT, mặc dù vụ kiện liên quan đến tác động của đồ vật. Giải pháp này của án lệ xét ra quá khắc nghiệt và không hợp lý. Chỉ vì nguyên đơn hay các người đại diện cho họ đã không am hiểu pháp luật và viện dẫn các điều khoản trong luật không đúng mà đành phải thua kiện. Đáng lẽ, án lệ phải công nhận cho thẩm phán quyền được kiểu chính sự sai lầm ấy và phán xử theo các điều luật đáng phải áp dụng.
2. Khi nguyên đơn nại ra trước tòa sơ thẩm điều 1382 DLP, 712 DLB, 761 DLT liên quan đến trách nhiệm do quá thất của bị đơn, thì trước Tòa thượng thẩm nguyên đơn không thể viện đến điều 1384 k1 DLP, 714 k1 DLB, 763 k1 DLT liên hệ đến trách nhiệm đồ vật. Sự yêu cầu này sẽ bị coi là một sự thỉnh nguyện mới (une nouvelle demande: một yêu cầu mới), một tố quyền mới. Theo thường lệ, trong thủ tục tố tụng, một thỉnh nguyện mới hay một tố quyền mới không thể phát khởi lần đầu tiên trước Tòa Thượng thẩm, trừ phi là các khoản đòi tiền lãi, tiền nhà, hoặc các phụ khoản đã đáo hạn từ khi có án sơ thẩm. Án lệ này cũng được chấp nhận ở Trung phần Việt Nam (Điều 128 Trung kỳ dân sự tố tụng). Tuy nhiên, ở bên Pháp, đã có sự cải cách quan trọng trong thủ tục. Một sắc lệnh ngày 30-10-1935, bổ khuyết điều 46 dân luật tố tụng, đã quy định rằng, khi kháng cáo, nguyên cáo có thể căn cứ vào các nguyên nhân và lý do khác để đạt được những thỉnh cầu cũ. Ở Nam phần, một nghị định ngày 1-12-1937 cũng bổ khuyết như vậy ở điều 123 Nghị định ngày 16-3-1910 quy định về tố tụng dân sự. Do đó, ngày nay, ở Nam Phần cũng như ở Pháp, nguyên đơn có thể đòi bồi thường ở Tòa sơ thẩm trên căn bản điều 1382, và trước Tòa Thượng thẩm, thay đổi căn bản pháp lý, nại một điều luật khác, như điều 1384 k1 chẳng hạn.
3. Khi Tòa sơ thẩm đã bác một đơn xin bồi thường căn cứ vào điều 1382 DLP, 712 DLB, 761 DLT, nguyên đơn có thể khợi kiện lại nếu đơn kiện lần thứ hai căn cứ vào điều 1384k1 DLP, 714 K1 DLB, 763 k1 DLT, vì hai tố quyền có hai nguyên nhân khác nhau, và do đó, bản án thứ nhất không có uy lực quyết tụng đối với vụ kiện thứ hai (Req. 16-2-1928 D. 1929.I.33). Cũng về phương diện này, một vấn đề tế nhị đã được giải quyết về hiệu lực của các bản án về hình sự đối với Tòa án dân sự trong một vụ kiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thí dụ: Một người lái xe hơi cán phải người và bị truy tố trước tòa án hình về tội vô ý đả thương. Nạn nhân đứng đơn dân sự nguyên cáo. Song tòa án hình xét rằng người lái xe hơi không phạm tội đả thương nên tha bổng. Lẽ dĩ nhiên, Tòa án hình cũng bác cả đơn xin bồi thường. Nguyên đơn bèn khởi kiện trước tòa án dân sự để đòi bồi thường, lấy lý rằng bản án của Tòa án hình sự không có uy lực quyết tụng đối với Tòa án dân sự, vì ý niệm quá thất về dân sự khác với ý niệm quá thất về hình sự. Sự suy luận của nguyên đơn có được án lệ chấp nhận không? Trên nguyên tắc, giải pháp này hợp lý; mỗi khi hai quá thất dân sự và hình sự không trùng hợp, thì bản án của Tòa án hình không có uy lực quyết tụng đối với Tòa án dân sự. Song trong những vụ kiện liên hệ đến vô thường hay vô ý sát nhân, sau nhiều do dự, án lệ của Tòa phá án Pháp đã coi rằng, có sự trùng hợp giữa hai quá thất dân sự và hình sự: Vì vậy, nếu tòa án hình đã miễn tố cho bị cáo, nguyên đơn không thể bị khởi tố lại trước Tòa án dân sự để đòi bồi thường. (Civ. 30-12-1929 D. 1930.i.41, chú thích Savatier). Song, nếu trước tòa án dân sự, nguyên đơn không nại điều 1382 căn cứ vào quá thất của người cầm lái, mà viện dẫn điều 1384 k1 liên hệ đến trách nhiệm của người giám thủ, tố quyền này sẽ được chấp nhận, vì có một nguyên nhân khác. Trong trường hợp này, nếu người giám thủ muốn khỏi phải chịu trách nhiệm, họ phải dẫn chứng rằng được một nguyên nhân ngoại tại. Nếu họ chỉ dẫn chứng rằng họ không làm một quá thất nào cũng không đủ (Civ. 28-10-1954. D. 1955. 18). Án lệ cũng chấp nhận giải pháp như trên, nếu nguyên đơn kiện xin bồi thường trên bình diện trách nhiệm khế ước (Civ. 16-3-1937 Gaz. Pal. 1937.2.35).
Trong án lệ Việt Nam, bản án ngày 29-6-1960 (PL 1960 IV 41) của Tòa phá án cũng có dịp giải quyết vấn đề uy lực quyết tụng của các bản án về hình sự đối với tòa án dân sự trong trường hợp đặc biệt. Trong vụ này, Tòa hình đã xử phạt một người lái xe, vì trong tai nạn gây ra, đã gây thương tích cho người khác. Tòa Thượng thẩm Huế đã căn cứ duy nhất vào bản án này để ấn định khoản ngạch bồi thường, không xét đến lời thỉnh cầu của bị đơn xin xác nhận lỗi của nạn nhân để phân phối trách nhiệm cho hai bên. Xử như vậy, Tòa Thượng thẩm Huế đã thừa nhận cho bản án hình sự một tầm hiệu lực quá rộng rãi: “Chiểu chi xét sự kiện nêu trên (lỗi của nạn nhân), đã được bị can nại ra và không được tòa xét đến, có ảnh hưởng đến sự ấn định giá ngạch số bồi khoản và làm thiệt hại đến quyền lợi của bị can. Chiếu chi xét căn cứ duy nhất vào nguyên tắc phạt của bán án hình của Tòa Quân sự để phân định về mặt hộ trong một địa hạt mà hai thứ trách nhiệm hình sự và dân sự có thể không cùng đúng một phạm vi rộng hẹp, án bị thượng tố đã thiếu căn bản pháp lý”. Sau khi đã xem xét nạn nhân phải hành động theo thủ tục nào để được bồi thường, chúng ta phải đề cập đến vấn đề: Sự bồi thường sẽ được phán xử như thế nào?

II. SỰ BỒI THƯỜNG. Vấn đề bồi thường những sự tổn hại nêu lên hai khó khăn: 1. Bắt đầu từ ngày nào phát sinh ra quyền đòi bồi thường; 2. Thể thức và giới hạn của bồi thường.
II.1: Ngày phát sinh ra quyền bồi thường: Vấn đề xác định ngày phát sinh ra quyền bồi thường rất quan trọng. Kể từ ngày ấy, nạn nhân có thể đòi người đã gây ra tổn thất phải trả thêm số lãi của tiền bồi thường. Cũng từ ngày ấy, nạn nhân được coi như một chủ nợ của người đã gây ra sự tổn thất và tất nhiên sẽ được hành sử tất cả quyền lợi của người chủ nợ. Theo án lệ của Pháp, nạn nhân chỉ được hưởng quyền này kể từ ngày Tòa tuyên phán bản án bắt người gây ra tai nạn phải bồi thường. Nói khác đi, bản án có tính cách thiết định một quyền lợi, bất luận là vấn đề bồi thường đã được nêu lên trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm (Crim. 18.1.1940 – DH. 1940-142), hay trong phạm vi khế ước (Civ. 2.12.1947, D. 1948.173, chú thích Ripert). Tuy nhiên, giải pháp này không được tất cả các luật gia thừa nhận. Một số tác giả coi rằng bản án bồi thường chỉ có tính cách tuyên bố một quyền lợi đã có sẵn. Quyền đòi bồi thường của nạn nhân đã phát sinh ngay từ lúc xảy ra tổn hại, chứng cứ là, nạn nhân ngay từ lúc ấy, có quyền hành sử tố quyền đòi bồi thường, và về phía người gây ra tổn hại, nếu họ tự ý bồi tổn, họ cũng chỉ thi hành một nghĩa vụ mà thôi. Nhà lập pháp hình như đã chấp nhận giải pháp của án lệ khi tuyên bố trong điều 683 DLB, 724 DLT: “Tiền bồi thường chỉ được tính kể từ khi người phụ trái bị hối thúc thi hành nghĩa vụ của mình”. Hai điều này đã được dịch nguyên văn điều 1146 DLP: “Les dommages et intérêts ne sont ou que lorsque le debiteur est en demeure de remplir son obligation: Việc bồi thường thiệt hại chỉ được bồi thường khi người mắc nợ không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình”.(Lưu ý: bản dịch của ông Vũ Văn Mẫu)
1. Hình thức của sự hối thúc (mise en demeure: thông báo chính thức): Theo điều 679 DLB và 720 DLT, sự hối thúc phải làm dưới hình thức một đơn kiện hay một văn thư đốc thúc (une sommation: một lời triệu tập) do nhiệm lại làm. Đối với các nghĩa vụ thương mại, sự hối thúc có thể làm bằng thư bảo đảm. Dù sao, theo giải pháp đã được chấp thuận trong các DLB, DLT, riêng sự đáo hạn không có hiệu lực một sự hối thúc. Đây là một quan niệm đã có trong cổ luật La Mã Dies non interpellat pro homine (Ngày không dừng lại đối với con người). Giải pháp này cũng được DLP chấp nhận ở điều 1139. Tuy nhiên, ba bộ dân luật này, trong các điều khoản trên, đều trù liệu rằng, các người lập ước có thể ước định với nhau rằng, khi đáo hạn, người phụ trái đương nhiên được coi là bị hối thúc, không cần thể thức nào khác. Trong nhiều bộ dân luật tối tân, một giải pháp rộng rãi hơn đã được thừa nhận và coi rằng sự đáo hạn đương nhiên có hiệu lực một sự hối thúc: Dies interpellat pro homine (Ngày nghỉ của con người). Như vậy, đối với các bộ luật ấy, trong bất kỳ trường hợp nào, cũng không cần đến thể thức hối thúc.
2. Phạm vi của sự hối thúc: Điều 679 DLB và 720 DLT qui định hối thúc trong khuôn khổ các nghĩa vụ khế ước, vì hai điều này được soạn thảo trong chương mục nói về hiệu lực của khế ước. Vì vậy, trong phạm vi dân sự phạm hay chuẩn dân sự phạm, nạn nhân đòi bồi thường không cần phải hối thúc. Ngoài ra, đối với vài loại khế ước, do bản chất của các nghĩa vụ cần phải thi hành, sự hối thúc không cần thiết.
a. Điều 683 DLB, 724 DLT và 1146 DLP qui định rằng, đối với nghĩa vụ chuyển hữu hay tác động mà người phụ trái phải thi hành vào một thời gian nhất định, nếu thời gian này đã trôi qua mà nghĩa vụ vẫn không được thi hành, thì sự hối thúc là không cần thiết.
b. Đối với các nghĩa vụ bất tác động, riêng DLP, trong điều 1145 cũng trù liệu rằng, khi người phụ trái đã không tôn trọng nghĩa vụ đó, không cần phải hối thúc nữa. Trường hợp này hiển nhiên vì thiếu thiện chí của người phụ trái đã rất rõ rệt, khiến cho người trái chủ phải chịu một sự tổn thiệt và như vậy, không cần phải hối thúc. Song trong hai bộ DLB và DLT, không quy định điều nào như điều 1145.
c. Đối với nghĩa vụ liên tiếp (les obligations continue: nghĩa vụ liên tục), sự thi hành đòi hỏi ở người phụ trái một hoạt động liên tục. Thí dụ: Người chủ nhà cho thuê phải luôn luôn để người ở thuê được hưởng cái nhà đó. Trong trường hợp này sự hối thúc không cần, vì chấp nhận một giải pháp khác tức là, bắt buộc người trái chủ luôn luôn phải hối thúc nếu người phụ trái thiếu thiện chí. Một giải pháp như vậy rất vô lý. Đối với trường hợp các nghĩa vụ liên tiếp, cả ba bộ dân luật đều không quy định. Tuy nhiên, án lệ của Pháp, mặc dù bộ DLP thiếu sót, nhưng cũng đã xét xử rằng sự hối thúc là không cần thiết (Civ. 13-11-1940 – D.A. 1942-2).
3. Hiệu lực của sự hối thúc: Sự hối thúc có hai hiệu lực:
a. Trong tất cả các trường hợp mà sự hối thúc là cần thiết, sự trả tiền bồi thường phải thi hành vào ngày hối thúc chứ không phải vào ngày xảy ra sự tổn hại. Vì vậy, người ta phân biệt hai loại bồi thường:
a1: Tiền bồi thường bù trừ (les dommages – intérêts compensatoires: bồi thường thiệt hại) tương đương với giá ngạch của sự tổn hại đã gây ra cho nạn nhân.
a2: Tiền bồi thường quá dãi (les dommages – intérêts moratoires): là tiền lời của số tiền bồi thường bù trừ kể kể từ ngày người gây ra sự thiệt hại phải trả số bồi thường đó, nghĩa là, kể từ ngày hối thúc. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, nghãi vụ bồi thường đã được phát sinh ra ngay từ lúc xảy ra sự tổn hại. Chỉ riêng có sự trả số tiền bồi thường mới bị trì hoãn lại cho tới ngày hối thúc. Nói cách khác, ta có thể so sánh trường hợp này với một món nợ đã có ngay từ lúc ký kết khế ước vay nợ mà ngày trả nợ được hoãn lại.
b. Khi hai bên kết ước đã thỏa thuận về một nghĩa vụ giao đồ vật, nghĩa vụ này được coi là hoàn toàn ngay; như vậy là người trái chủ trở thành người sở hữu chủ của đồ vật, và vì lẽ ấy, phải chịu sự rủi ro có thể xảy đến cho đồ vật từ lúc đồ vật phải bị giao. Quy tắc trên này cũng được áp dụng, mặc dù trong thực tế, đồ vật chưa được bàn giao. Tuy nhiên, nếu người trái chủ đã hối thúc người phụ trái phải giao đồ vật đúng hạn, các rủi ro nói trên sẽ do người phụ trái phải đảm đương. Hiệu lực rất quan trọng này của sự hối thúc đượcchấp nhận trong cả ba bộ DLB, DLT và DLP (678 DLB, 719 DLT, 1138 DLP).
II.2: Thể thức và giới hạn bồi thường: Về vấn đề thể thức và giới hạn bồi thường, có hai vấn đề cần phải xem xét: 1. Khi co nhiều người gây ra sự tổn hại, sự bồi thường phải được thực hiện như thế nào? 2. Một khi đã ấn định ai phải bồi thường, phải giải quyết cách thức bồi thường như thế nào?
II.2.1: Ai phải bồi thường: Vấn đề ai phải bồi thường là vấn đề rất phức tạp trong trường hợp có nhiều người dự vào việc gây ra sự tổn hại. Vấn đề này đã được đề cập tới khi bàn về mối tương quan nhân quả giữa sự quá thất và sự tổn hại. Ở đây giải thiết rằng vấn đề này đã được giải quyết và sự thiệt hại đã do nhiều người gây nên. Nếu tòa án có thể ước lượng được phần tham dự của mổi người vào sự tổn hại, lẽ dĩ nhiên mỗi đương sự sẽ phải bồi tổn theo tỷ lệ ấy. Nếu không thể ấn định được phần của mỗi người đã tham dự vào sự gây ra sự tổn hại, nạn nhân có thể yêu cầu tòa án bắt buộc mỗi người nói trên phải bồi tổn toàn thể sự thiệt hại. Sau đó, các đương sự có thể chia nhau ngạch khoản bồi thường; việc đó là việc riêng của họ và nếu cần thì họ có thể nhờ tòa phân xử. Đây là trường hợp nghĩa vụ toàn ngạch (obligation in solidum), mà chúng ta đã bàn tới khi nghiên cứu nghĩa vụ liên đới.
II.2.2: Thể thức bồi thường: Sự bồi thường có thể thực hiện dưới hai hình thức, bằng hiện vật và bằng tiền:
1. Trên nguyên tắc sự bồi thường bằng hiện vật là giải pháp thông thường. Sự bồi thường này xóa bỏ sự tổn hại đã gây nên. Tuy nhiên, sự bồi thường bằng hiện vật phải hoàn toàn, nghĩa là, phải tái lập được hoàn toàn nguyên trạng khiến nạn nhân không còn chịu sự thua thiệt nào khác. Nếu sự bồi thường bằng hiện vật không được hoàn toàn, nạn nhân có quyền đòi bồi thường về sự tổn thiệt chưa được bồi tổn.
2. Khi sự bồi thường bằng hiện vật không thể thực hiện được, hoặc vì người phụ trái từ chối, hoặc vì thể thức này không hoàn toàn tái lập lại nguyên trạng, sự bồi thường được thực hiện dưới hình thức tương đương. Giải pháp này không có mục đích và hiệu lực xóa bỏ sự tổn hại, nhưng nhằm mục đích đem vào sản nghiệp của nạn nhân một giá trị tương đương với sự thua thiệt của họ. Nói cách khác, sự bồi thường tương đương có tính cách bù trừ. Để thực hiện giải pháp này, các Tòa án thường phân xử rằng người gây ra sự tổn hại phải trả một số tiền bồi thường cho nạn nhân vì tiền bạc được coi là phương tiện giao hoán thuận tiện nhất. Nên nhớ rằng, một khi được tiền tiền bồi thường, nạn nhân được hoàn toàn tự do sử dụng theo ý muốn, không bắt buộc phải tái lập lại nguyên trạng. Tiền bồi thường có thể được cấp dưới hình thức một số vốn hoặc một niên kim cho nạn nhân. Thẩm phán được toàn quyền tự do thẩm lượng xem thể thức nào thích hợp nhất với sự bồi thường. Trong sự ấn định tiền bồi thường, có nhiều điểm tế nhị: 1) Ảnh hưởng quá thất của người gây ra sự tổn thất; 2) Sự ước lượng; 3) Ngày ước lượng số tiền bồi thường; 4) Sự xét lại số tiền bồi thường.
1) Ảnh hưởng quá thất của người gây ra sự tổn hại: Trên nguyên tắc, trong khi ấn định số tiền bồi thường, thẩm phán chỉ chú trọng ước lượng sự tổn thiệt và không lưu tâm đến tính cách trọng đại của quá thất đã gây ra sự tổn thiệt. Một sự sơ suất nhỏ có thể gây ra sự tổn thiệt rất lơn, như trường hợp một người lỡ tay đánh vỡ một đồ vật quý giá. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp đặc biệt như đối với người quản lý sự vụ, nhà làm luật cũng qui trách nhiệm của họ nặng nhẹ, tùy theo họ có lãnh lương hay không. (Vấn đề này đã được phân tích tường tận khi ta nghiên cứu về các chuẩn khế ước và sự quản lý sự vụ). Ngoài ra, trong thực tế mặc dù trong các trường hợp khác, nhà làm luật không quy định phân minh, nhưng các thẩm phán trong một số trường hợp, cũng không khỏi quan tâm về quá thất của người gây ra tai nạn. Thí dụ: Trong trường hợp sự tổn hại do nhiều người gây ra, thẩm phán thường ấn định phần bồi thường của mỗi người theo sự trọng đại của quá thất mà họ đã làm. Trong trường hợp mà người chịu tai nạn cũng gây ra sự quá thất đồng thời với người gây ra tai nạn, chúng ta đã rõ, thẩm phán cũng phải chú trọng cân nhắc quá thất của đôi bên trong việc ấn định số tiền bồi thường.
2) Ước lượng sự tổn thiệt: Giải pháp bồi thường tương đương nêu lên vấn đề ước lượng sự tổn thiệt. Lẽ dĩ nhiên, vấn đề này rất tế nhị. Trong thực tế, nhất là khi phải giải quyết vấn đề bồi thường về sự tổn thất về tinh thần. Làm sao mà định giá được sự đau khổ của người cha mà con bị chết, hay thiệt hại về tinh thần của một nữ tài tử mà sắc đẹp bị xâm phạm trong một tai nạn? Nguyên tắc chính yếu trong sự ước lượng này đã được định nghĩa một cách tinh vi trong một bản án của Tòa Phá án Pháp: “Chiểu chi bản chất của trách nhiệm dân sự là tái lập lại một cách xác thực nhất cái thế quân bình đã bị sự tổn hại phá đổ, và bắt người chịu trách nhiệm phải bồi thường để đặt nạn nhân vào trong tình trạng mà y được hưởng nếu đã không xảy đến việc gây ra sự tổn hại”. Nhưng nhiều khi sự bồi thường tương đương không thể nào đem lại giải pháp lý tưởng, nghĩa là không thể nào thay thế hẳn được cái lợi ích mà người bị nạn đã mất. Nói cách khác, sự bồi thường tương đương nhiều khi bắt buộc phải có tính cách phỏng lượng. Thí dụ: Ông Giáp đánh vỡ của ông Ất một cái lọ và phải đền một số tiền. Với số tiền ấy, ông Ất sẽ mua được một cái lọ mới hơn cái lọ bị vỡ, nhưng việc đó không thể tránh được vì không sao có thể tìm được cái lọ cũ giống như cái lọ bị vỡ. Trong ước lượng sự tổn thiệt, nhiều khi quyền của thẩm phán bị nhà làm luật giới hạn. Trong trường hợp này, nhà lập pháp hoặc muốn tránh cho thẩm phán một sự ước lượng quá tế nhị, hoặc muốn tránh sự bồi thường quá nặng đối với người đã gây ra sự tổn thiệt. Thí dụ quan trọng nhất về giới hạn này sự qui định về tiền lãi phải trả khi chậm trả nợ. Theo điều 698 DLB, 729 DLT, 1153 DLP, tiền bồi thường vì sự chậm trả các số tiền nợ phải định theo các số tiền lãi do luật quy định. Nhưng nên nhớ rằng, sự hạn định quyền bồi thường này chỉ áp dụng cho các nghĩa vụ khế ước. Như vậy, không thể áp dụng được trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm. Hơn nữa, vẫn theo các điều luật trên, cần phải hối thúc trả nợ thì món tiền nợ mới sinh lãi. Ngoài ra, nếu người phụ trái, vì tà tâm mà đã gây ra một sự thiệt hại khác cho người trái chủ, thì người này có quyền không những đòi số tiền lãi theo luật định, mà còn được bồi thường cho tất cả tổng số thiệt hại. Ngoài ra, nhà làm luật nhiều khi đã ấn định một giới hạn về trách nhiệm dân sự để tránh những sự bồi thường quá đáng. thí dụ: Điều 1158 DLB và 1351 DLT định rằng trách nhiệm của các chủ khách sạn về tiền bạc, chứng khoán, tư trang và các vật quý  khác, mà bị mất ở  khách sạn, nếu không giao cho chủ khách sạn, thì chỉ được bồi thường đến 300$. trong DLB và 200$ trong DLT và 20.000f trong DLP (Đ. 1953). Trong lĩnh vực vận chuyển, để sự kinh doanh khỏi bị tê liệt vì phải đảm chịu một trách nhiệm quá nặng nề, nhà làm luật đối với ngành hàng không, hàng hải và hỏa xa, thường giới hạn trách nhiệm của người chuyên chở. Tuy nhiên, nếu chuyên chở phạm vào quá thất do cố ý hay trọng đại thì giới hạn trên sẽ không được áp dụng. Các giới hạn này không những áp dụng cho người ký kết khế ước với người chuyên chở , mà còn áp dụng cho cả người thừa kế của họ, như trong trường hợp các hiệp ước về trách nhiệm mà có dịp chúng ta sẽ bàn tới. Một giới hạn thứ ba do luật định, có một tính cách tổng quát hơn vì được áp dụng cho tất cả các khế ước. Theo điều 686 khoản 2 DLB, 727 khoản 2 DLT và 1150 DLP, người phụ trái chỉ phải trả tiền bồi thường về những sự tổn hại đã được dự liệu hoặc có thể dự liệu được khi ký kết các khế ước, trừ phi do sự khi trá của y mà nghĩa vụ không được thi hành. Sở dĩ có sự hạn chế này, là vì nhà lập pháp muốn tôn trọng ý chí của các người kết ước. Do khế ước, những người này đã ấn định rõ nội dung các nghĩa vụ của họ và họ cũng đã tiên liệu những hậu quả xảy ra cho họ, nếu các nghĩa vụ không được thi hành. Vì vậy, nhà lập pháp qui định rằng, trong trường hợp bất thi hành nghĩa vụ, sự bồi thường không thể đi quá mức các hậu quả mà các người cộng ước đã tiên liệu. Lẽ dĩ nhiên, các điều khoản nói trên chỉ thi hành cho trách nhiệm khế ước và không thể áp dụng cho phạm vi trách nhiệm dân sự phạm hay bán dân sự phạm. Hơn nữa, trong lĩnh vực trách nhiệm khế ước, nếu người phụ trái vì khi trá mà không thi hành nghĩa vụ, các điều khoản trên sẽ không được áp dụng. Trong sự giải thích các điều khoản này, án lệ thường đồng hóa sự quá thất trọng đại với sự khi trá. Thế nào là một sự tổn thất không được tiên liệu? Sự bất tiên liệu có thể có hai trạng thái, hoặc do nguyên nhân của sự tổn thiệt, hoặc do ở sự quan trọng của sự tổn thiệt. Nhưng bất luận sự tiên liệu do nguyên nhân nào mà có, sự tổn thiệt nếu không được dự liệu trước hoặc không thể dự liệu trước được đều không được bồi thường. Một điểm quan trọng là tình trạng bất tiên liệu phải được thẩm lượng vào lúc ký kết khế ước, như các điều 686 k2 DLB, 727 k2 DLT và 1150 DLP đã ấn định. Như vậy, một sự tổn thiệt có tính cách bất tiên liệu lúc ký kết nhưng sau này mất tính cách bất tiên liệu ấy đi vẫn không thể được bồi thường. Ngoài ra, tính cách bất tiên liệu này phải được Tòa án thẩm định trên một căn bản trừu tượng, nghĩa là, sự tổn hại, muốn khỏi phải bồi thường, phải có tính cách bất tiên liệu đối với người lương phụ điển hình trừu tượng (type abstrait de bon père de famille: Kiểu trừu tượng của người cha tốt), nghĩa là, một người có trí tuệ và khôn ngoan vào bực trung bình. Nói khác đi, sự thẩm lượng sẽ do tòa án định theo trí tuệ và sự không ngoan của một người thường, chẳng cần lưu tâm đến sự khôn ngoan của một người phụ trái.
3) Ngày ước lượng số tiền bồi thường: Trong sự ấn định ngạch số tiền bồi thường, thẩm phán sẽ ước lượng sự tổn thiệt vào ngày sinh ra sự tổn hại hay ngày tuyên án? Vấn đề này rất quan trọng vì rất có thể giữa hai lúc ấy, sự quan trọng của sự thiệt hại đã thay đổi như trường hợp vết thương của người bị nạn đã đau nặng hơn so với thời gian; hoặc giả đồng tiền đã sụt giá khiến sự tổn hại phải ước lượng bằng một số tiền to hơn. Đề xét rõ vấn đề này, ta cần phải phân biệt hai trường hợp: Các sự biến đổi của sự tổn hại trước khi tuyên án và Các sự biến đổi của sự tổn hại sau ngày tuyên án.
a. Các sự biến đổi của sự tổn hại trước khi tuyên án: Những biến đổi này cũng có thể chia làm hai loại:
a1: Các thành tố của sự tổn hại đã thay đổi từ khi xảy ra sự tổn hại cho đến ngày tuyên án: Thí dụ nạn nhân mất năng lực làm việc trong 6 tháng theo tỷ số 100% và trong một năm sau tỷ số này chỉ còn 50%. Lẽ tất nhiên, trong bản án, thẩm phán phải quan tâm đến tất cả các thành tố của sự thiệt hại. Trong sự ước lượng sự tổn hại và ngạch số bồi thường, thẩm phán phải căn cứ vào cả hai tỉ số nói trên. Nếu thẩm phán chỉ căn cứ vào tỉ số 100% thì nạn nhân sẽ được lợi và sẽ được bồi thường đối với sự tổn hại mà y không phải hoàn toàn chịu. Trái lại, nếu sự mất năng lực của nạn nhân, lúc xảy ra tai nạn không quan trọng và sau này tăng lên, thì thẩm phán cũng phải chú trọng vào điểm này trong sự ước lượng khoản bồi thường, nếu không, nạn nhân sẽ bị thiệt vì không được bồi thường đầy đủ khoản thiệt hại.
a2: Giá trị của tiền tệ có thể thay đổi trong khoản thời gian kể từ ngày xảy ra tai nạn đến ngày tuyên án. Sau thời gian do dự, án lệ của Pháp trong 6 bản án của Tòa phá án đã tuyên xử ngày 16-2-1954, đã chấp nhận rằng ngạch số bồi thường phải được ước lượng vào ngày tuyên án. Đối với học lý, giải pháp này dễ hiểu, vì người gây ra sự tổn hại phải bồi thường một cách nào để cho nạn nhân có thể đặt thế vào trong sản nghiệp của mình một tài sản tương đương với sự tổn thiệt mà y đã phải chịu. Nếu chỉ bắt người gây ra sự tổn thiệt bồi thường theo giá trị tiền tệ lúc xảy ra tai nạn, thì nạn nhân sẽ không thể nào đạt được mục đích nói trên. Mặc dù hợp lý như vậy, giải pháp nói trên cũng đã vấp phải nhiều chỉ trích; nhưng xét cho kỹ, những dị luận này không có giá trị:
– Một phần học lý chủ trương rằng vấn đề chúng ta đang xét có hai sự tổn hại. Sự tổn hại do tai nạn và một sự tổn hại do sự hạ giá tiền tệ. Đúng lý, người gây ra tai nạn chỉ phải bồi thường sự tổn hại thứ nhất, nghãi là thẩm phán phải ước lượng sự tổn hại này theo giá trị tiền tệ lúc xảy ra tai nạn. Sự phê bình này không xác đáng, vì sự thực, chỉ có một sự tổn hại do tai nạn gây ra. Thành tố của sự tổn hại này cũng không thay đổi. Mặc dù giá trị của sự tổn hại về phương diện tiền tệ đã thay đổi, người gây ra tai nạn cũng phải bồi thường toàn bộ sự tổn hại ấy.
– Theo nguyên tắc thông thường, riêng trong phạm vi khế ước, các người ký kết chỉ chịu trách nhiệm về những sự tổn thiệt đã được dự liệu khi kết ước. Nếu ấn định tiền bồi thường vào lúc kết án, thẩm phán vô tình đã bắt người kết ước phải bồi tổn một thiệt hại không được tiên liệu, vì lúc ký kết khế ước, họ không hề dự trù sự mất giá của tiền tệ. Suy luận như vậy, cũng phạm vào lầm lỗi nói trên, vì coi rằng có hai sự tổn thiệt, một sự tổn thiệt do sự bất thi hành khế ước và một sự tổn thiệt do sự mất giá trị của tiền tệ. Sự thực, chỉ có một sự tổn thiệt vì khế ước không được thi hành. Mặc dù giá trị của sự tổn thiệt này đã thay đổi, người chịu trách nhiệm về sự bất thi hành khế ước phải bồi thường toàn thể sự tổn thiệt ấy.
– Theo điều 1113 DLB, 1297 DLT, 1895 DLP, người vay tiền, khi trả nợ chỉ phải trả số tiền ghi trong khế ước theo giá trị tiền tệ lúc trả nợ, mặc dù giá trị này đã tụt xuống. Căn cứ các điều khoản trên này, chúng ta có thể nói rằng thẩm phán đã vi phạm vào các điều ấy khi ấn định ngạch số bồi thường theo giá trị tiền tệ lúc tuyên án không? Xét cho kỹ, các điều khoản nói trên không thể được áp dụng vào trường hợp chúng ta đang cứu xét. Ở đây, người gây ra tổn hại phải chịu một nghĩa vụ bồi thường chứ không phải một nghĩa vụ trả nợ bằng tiền mặt. Hai trường hợp này cần phải phân biệt rõ ràng. Vì vậy, nếu nạn nhân đã tự động chi phí mọi khoản để tái lập lại nguyên trạng bgay sau khi sự tổn hại xảy ra thì người gây ra sự tổn hại trong trường hợp này chỉ còn chịu một khoản nghĩa vụ bằng tiền đối với nạn nhân; khi đó người ấy chỉ phải trả số tiền trên, mặc dù tiền tệ đã sụt giá (Civ. 24-3-53 D. 1953.354). Như vậy, ta thấy rằng, trong thời kỳ đồng tiền thay đổi giá trị, nạn nhân có lợi hơn là đừng tự động bồi tổn. Nhưng nạn nhân đã xuất tiền ra để mua một thứ đồ vật khác hẳn với đồ vật đã bị nạn nhân phá hủy, mặc dù đồ vật ấy cũng đem lại cho họ những lợi ích như lợi ích của đồ vật bị phá hủy, trong trường hợp này không phải là nạn nhân đã tự ứng trước tiền ra để giải quyết vấn đề bồi tổn vì vật mua và vật bị phá hủy không giống nhau. Vì vậy, Tòa án không thể coi rằng, người gây ra tai nạn chỉ nợ số tiền mà nạn nhân đã phải xuất ra để mua đồ; Trong trường hợp này, vấn đề bồi thường vẫn còn nguyên vẹn; Như vậy, sự ước lượng của sự tổn hại sẽ phải căn cứ vào giá trị tiền tệ lúc tuyên án.
b. Các sự biến đồi của sự tổn hại sau khi tuyên án: Trong sự ấn định ngạch số bồi thường, thẩm phán có cần chú trọng đến những biến đổi sự tổn hại sau khi tuyên án không? Khi nghiên cứu về sự tổn hại, chúng ta biết rằng, một sự tổn hại tương lai nếu có tính cách xác định (dommages futurs certains: thiệt hại nhất định trong tương lai) cũng phải được bồi thường. Như vậy, trong một tai nạn lao động chẳng hạn, nếu có yếu tố chắc chắn cho biết rõ rằng, sự mất năng lực làm việc của nạn nhân sẽ tăng lên hơn hay giảm đi sau ngày tuyên án, thì Thẩm phán cũng phải chú trọng vào những điểm ấy trong sự xét định số tiền bồi thường. Đối với sự thay đổi giá trị tiền tệ, mặc dù biến cố này có thể tiên liệu được, song không có tính cách xác định, cho nên thẩm phán không bị bắt buộc phải căn cứ vào yếu tố ấy. Tuy nhiên, vì những lý do công bằng xã hội, nhiều bản án cũng tìm những biện pháp hợp lý để bênh vực quyền lợi nạn nhân. Tòa có thể tuyên phạt người gây ra tai nạn phải trả cho nạn nhân một niên kim, căn cứ vào một chỉ số như chỉ số đời sống đắt đỏ, hay chỉ số lương công nhân. Tùy theo chỉ số này lên xuống, khoản niên kim cũng sẽ thay đổi. (Civ. 24-6-54 Gaz. Pal. 1954-2-210). Tòa án cũng có thể tuyên xử rằng, người gây ra tai nạn phải trả ngay một số vốn cho nạn nhân để nạn nhân có thể mua nhà đất hoặc mua vàng, và do dó, tránh được những sự thay đồi về giá trị tiền tệ. Giải pháp này được Tòa án ấn định hơn là sự ấn định niên kim.
4) Vấn đề xét lại tiền bồi thường:
– Trong trường hợp nào thì nạn nhân có thể xin xét lại tiền bồi thường và vấn đề này có vi phạm vào nguyên tắc uy lực quyết tụng không? Trong trường hợp Tòa án tuyên xử rằng khoản bồi thường có mục đích bồi tổn sự thiệt hại hiện tại và tương lai, lẽ dĩ nhiên, nếu nạn nhân còn chịu thêm một sự tổn hại nữa do tai nạn gây ra, thì nạn nhân vẫn có thể xin bồi thường về sự tổn hại thứ hai này. Thí dụ: Một nạn nhân bị tai nạn mù một mắt và đã được bồi thường, nhưng sau này lại hỏng cả mắt thứ hai cũng vì lý do tai nạn trước, thì nạn nhân có thể xin bồi thường thêm mặt dù đã có bản án. Song đối với sự sụt giá của tiền tệ, nạn nhân không thể xin tái thẩm được, vì sự tổn hại vẫn không thay đổi, mặc dù đồng tiền đã mất giá. Về phương diện này, cần phân biệt trường hợp Tòa án tuyên phạt một khoản bồi thường với trường hợp Tòa án tuyên phát một số tiền cấp dưỡng (pension alimentaire: tiền cấp dưỡng), vì các trái khoản cấp dưỡng có thể được gia giảm tùy theo nhu cầu của người thụ cấp và tư lực của người tặng cấp như chúng ta đã biết.
– Người gây ra tai nạn có thể yêu cầu tòa án tái thẩm để giảm bớt số tiền bồi thường không? Người ấy có thể viện dẫn lý do rằng số tiền bồi thường đã được ấn định quá cao không? Sự yêu cầu này bị vấp phải nguyên tắc uy lực quyết tụng của bản án (Req. 30.12.1946 Gaz. Pal. 1947.1.153).
– Nói tóm lại, trong án lệ, ta nhận thấy một xu hướng rõ rệt bắt người gây ra sự tổn thiệt phải bồi thường hoàn toàn sự tổn thiệt cho người bị nạn. Vì vậy, sự ước lượng ngạch số tổn thiệt được Tòa án thẩm định vào ngày tuyên án, bất luận là tiền tệ từ từ ngày xảy ra tai nạn bị sụt giá. Mặc khác, tòa án cũng chấp nhận sự tái thẩm về sự bồi thường các sự tổn hại vị lai (trong tương lai). Đối cả với những hạn chế trách nhiệm do pháp luật quy định, Tòa án cũng gạt bỏ các hạn chế này, trong trường hợp người gây ra tai nạn đã làm một quá thất trọng đại. Xu hướng của án lệ là tích cực bảo vệ quyền lợi của nạn nhân, có lẽ cũng chỉ là một phản ứng đối với xu hướng của nhà lập pháp đã biểu quyết nhiều đạo luật có tính cách bênh vực một vài đoàn thể chuyên nghiệp trong lĩnh vực trách nhiệm dân sự, như các đoàn thể chuyên chở hàng hải hay hàng không./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar