Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

29. Lỗi trong trách nhiệm do tác động của bản thân

LỖI TRONG TRÁCH NHIỆM DO SỰ TÁC ĐỘNG CỦA BẢN THÂN

Lỗi là một điều kiện cần thiết trong trách nhiệm do tác động của bản thân. Điều 729 DLVN nói rằng: “Bất cứ hành vi nào gây thiệt hại cho người khác đều làm cho người chủ động có lỗi phải bồi thường” và điều 730 DLVN xác định phạm vi của lỗi, định rằng: “Người gây thiệt hại không những phải chịu trách nhiệm về những hành vi cố ý mà còn cả về sự sơ suất bất cẩn của mình nữa”.
1. Ý niệm lỗi: Chúng ta đã có dịp nói rằng lỗi trong trách nhiệm khế ước cũng như trong trách nhiệm dân sự phạm có tính cách thuần nhất và có chung một bản chất. Nhưng lỗi là gì? Theo học thuyết cổ điển, lỗi là một hành vi bất hợp pháp có thể quy trách cho người đã làm ra hành vi ấy. Định nghĩa này gồm hai yếu tố: Sự bất hợp pháp và sự quy trách. Yếu tố thứ nhất không có tính cách chính xác, vì không biết khi nào một hành vi có tính cách bất hợp pháp; yếu tố thứ hai đòi hỏi rằng người phạm lỗi phải có tri thức, nghĩa là, có đủ sự sáng suốt để nhận thức rằng mình đã làm một điều lầm lỗi. Yếu tố này sẽ đưa lại một sự thẩm lượng lỗi theo quan niệm cụ thể, nghĩa là thẩm lượng theo khả năng tinh thần riêng của mỗi đương sự. Về mặt lý thuyết, giải pháp này trái với giải pháp được án lệ chấp nhận. Về mặt thực tế, giải pháp này khó thực hiện, vì không thể biết chắc khi nào đương sự hành động có ý thức hay không. Giáo sư Planiol đưa ra một tiêu chuẩn khác: Lỗi là một sự vi phạm vào một nghĩa vụ đã có sẵn. Định nghĩa này rất đúng về phương diện lý thuyết: khi có một lỗi xảy ra, bao giờ cũng có một nghĩa vụ bị xâm phạm, nghĩa vụ ấy có thể có tính cách pháp định hay ước định.
2. Dẫn chứng lỗi: (Rất hay và rất cần đọc đi đọc lại nhiều lần).
Lỗi trong trách nhiệm do tác động của bản thân có thể là một tác động, tức là lỗi cố ý, hoặc một sự sơ ý ha bất cẩn, tức là lỗi ngoại ý. Nguyên đơn xin bồi thường phải dẫn chứng rằng bị đơn đã phạm mp5t lỗi cố ý hay ngoại ý. Ở đây vấn đề thẩm lượng lỗi được đặt ra. Muốn biết một đương sự có phạm một lỗi cố ý hay không, người ta phải phân tích tâm trạng của chính đương sự xem họ có ý làm hành vi ấy không. Như vậy, thẩm phán phải thẩm lương lỗi cố ý theo quan niệm cụ thể, căn cứ vào các chi tiết liên hệ đến đương sự, không thể lấy một người khác làm tiêu biểu để so sánh được. Trái lại, đối với lỗi ngoại ý chỉ là một sự lầm lỗi trong cách xử sự ngoài ý muốn của đương sự; như vậy người ta không thể tìm kiếm lỗi đó trong nội tâm của đương sự được. Do đó, cần phải áp dụng phương pháp thẩm lượng trừu tượng, lấy một người cần mẫn làm tiêu chuẩn rồi đem cách xử sự của người đã phạm lỗi so sánh với cách cư xử của người cần mẫn, để xem có lỗi nào không. Nếu một người cần mẫn sẽ không hành động sẽ không hành động như người đã gây ra tai nạn, lã tất nhiên phải kết luận rằng người này đã phạm một lỗi. Ví dự: Một người lái xe rất giỏi, đã lái xe chạy trong thành phố đến 80km/giờ. Đối với họ thì lái nhanh như vậy có thể không phải là một sự bất cẩn. Nếu tai nạn xảy ra mà thẩm lượng thao phương pháp cụ thể thì tất nhiên nạn nhân sẽ không được bồi thường. Trái lại, nếu áp dụng phương pháp thẩm lượng trừu tượng, đem so sánh lối lái xe nguy hiểm này với cách lái xe của một người cần mẫn, chúng ta sẽ thấy ngay có sự bất cẩn của đương sự. Ngoài ra các lỗi ngoại , tùy theo mức độ trầm trọng của nó, cũng có thể phân chia lỗi nặng, lỗi nhẹ và lỗi rất nhẹ, như chúng ta đã xét khi bàn về trách nhiệm khế ước. Chúng ta chỉ cần nhấn mạnh một điểm là trong phạm vi trách nhiệm dân sự, sự phân biệt không ích lợi gì trên thực tế, vì một lỗi rất nhẹ cũng đủ để phát động trách nhiệm. Về phía bị đơn, nếu muốn khỏi phải bồi thường, có thể sử dụng hai giải pháp:
– Bị đơn có thể dẫn chứng trường hợp bất khả kháng, mà đặc tính của bất khả kháng đã được chúng ta nói tới ở chương trước;
– Bị đơn cũng có thể dẫn chứng rằng tuy sự tổn hại do một tác động của họ, nhưng họ không phạm một lỗi nào vì họ ở trong trường hợp phòng vệ chính đáng hay tình trạng khẩn thiết.
3. Lý thuyết lạm quyền: Một cá nhân trong khi sử dụng quyền lợi của mình mà gây thiệt hại cho người khác thì có phải bồi thường không? Ví dụ: Một người vặn máy truyền thanh khiến người láng giềng mất yên tĩnh trong giờ nghỉ; Một người thợ đình công khiến cho chủ bị thiệt hại. Các người này thực ra chỉ sử dụng quyền lợi của họ do luật pháp đã thừa nhận. Vậy họ có lạm quyền và có phải bồi thường không?
a. Giá trị của lý thuyết lạm quyền: Luật gia Planiol cực lực chống đối các người chủ trương thuyết lạm quyền. Ông ta cho rằng: “Khi nào bắt đầu có sự lạm quyền thì quyền cũng chấm dứt, và không thể có sự lạm dụng một quyền lợi nào, vì lẽ không thể chối cãi được là một hành vi không thể vừa hợp pháp, vừa bất hợp pháp“. Để hiểu vấn đề này chúng ta cần biết rằng chữ “droit” của Pháp có hai nghĩa:
– Trước hết, chữ “droit” dùng để chỉ toàn thể các luật lệ và quy tắc được ban hành trong nước để chi phối mọi hành động của các phần tử trong xã hội. Hiểu theo nghĩa này chữ “droit” nghĩa là pháp luật, hay khách quan pháp (droit objectif).
– Song chữ “droit” có một nghĩa thứ hai dùng để chỉ các quyền lợi cá nhân như quyền sở hữu, quyền tự do tín ngưỡng, tự do đi lại v.v… Các quyền này thường được gọi là quyền lợi chủ quan (droit subjectif).
Đành rằng một hành vi không thể vừa phù hợp, vừa trái với pháp luật, nhưng luật gia Josserand lưu ý rằng một hành vi có thể trái với khách quan pháp, mà lại phù hợp với một quyền lợi chủ quan. Khi một người vặn máy truyền thanh to, khiến láng giềng mất ngủ, hành vi này tuy phù hợp với quyền lợi chủ quan là quyền sở hữu của người ấy, nhưng trái với khách quan pháp; nghĩa là toàn thể luật lệ quy định về sự giao thiệp giữa tư nhân trong xã hội. Vì vậy luật gia Josserand kết luận rằng, nếu người ta không nói được có một sự lạm pháp (abus du droit: lạm dụng pháp luật), nghãi là một sự lạm dụng pháp luật, ta rất có thể nói được có sự lạm quyền (abus d’un droit: lạm dụng quyền). Luật gia Mazeaud đề nghị phân chia các hành vi lạm quyền ra làm hai loại:
– Các hành vi không thuộc vào việc hành sử một quyền lợi chủ quan, tức là hành vi vô quyền. Các hành vi này lẽ dĩ nhiên phát động trách nhiệm của đương sự. Đó là hành vi của người nông dân cày lấn sang ruộng của người bên cạnh. Người nông dân này đã hành động ngoài giới hạn quyền sở hữu của họ, và vi phạm vào quyền sở hữu của người khác.
– Các hành vi về hành xử một quyền lợi chủ quan. Các hành vi ấy chỉ phát động trách nhiệm nếu hội đủ một số điều kiện; trong trường hợp đó sẽ có sự lạm quyền. Ví dụ: Một người hành xử quyền sở hữu của mình trên một thửa đất, đã xây tại đó một bức tường làm chắn gió của nhà bên cạnh.
Lý thuyết lạm quyền cần được chấp nhận. Thực vậy, nếu cho rằng chúng ta không chịu trách nhiệm mỗi khi chúng ta hành xử một quyền lợi, và mỗi quyền lợi của chúng ta đều có tính cách tuyệt đối, như thế tức là tôn thờ cá nhân chủ nghĩa một cách thái quá. Chúng ta được ban cấp một số quyền lợi, không phải để hành xử một cách hoàn toàn vị kỷ, không đếm xỉa gì đến các người đồng loại. Lợi ích xã hội cần phải có một chỗ đứng xứng đáng bên cạnh lợi ích cá nhân của chủ thể quyền lợi.
b. Tiêu chuẩn của sự lạm quyền: Trong trường hợp nào, chủ thể của quyền lợi được coi là sự lạm quyền? Có hai tiêu chuẩn, một hẹp, một rộng: theo tiêu chuẩn hẹp, thì chỉ có sự lạm quyền nếu người hành xử quyền đó có ý muốn làm hại. Nói khác đi, trách nhiệm dân sự vì lạm quyền chỉ phát động khi nào có một lỗi cố ý. Lẽ dĩ nhiên trong trường hợp này, người gây ra sự tổn hại thì phải bồi thường. Nhưng người này có thể phải chịu trách nhiệm mặc dù khi sử dụng quyền lợi, họ không có ý làm hại không? Các tác giả chủ trương tiêu chuẩn rộng trả lời là có. Nhưng cần tìm một iêu chuẩn khác thay thế cho ý muốn làm hại. Vậy tiêu chuẩn đó là gì? Giáo sư Josserand chủ trương rằng cần phải xét tới cứu cánh xã hội của quyền lợi chủ quan. Mỗi quyền lợi sở dĩ được luật pháp công nhận không phải vì lợi ích riêng cho cá nhân của chủ thể quyền lợi ấy, mà còn vì một mục đích xã hội nữa. Nếu chủ thể quyền lợi đã sử dụng quyền lợi trái với mục đích xã hội này, tức nhiên có sự lạm quyền. Tiêu chuẩn xã hội này có vẻ hấp dẫn, song cũng có phần nguy hiểm, vì thẩm phán trong sự tìm kiếm mục đích xã hội của mỗi quyền lợi, rất có thể bị lôi cuốn từ địa hạt pháp lý sang địa hạt chính trị. Thực ra tiêu chuẩn này phải tìm nơi ý niệm lỗi. Việc hành sử một quyền lợi có tính cách quá lạm nếu cấu thành một lỗi. Lổi đó không cần phải là một lỗi cố ý; một lỗi ngoại ý cũng đủ cũng đủ phát động trách nhiệm của người gây ra sự thiệt hại. Vậy nguyên tắc này phải được áp dụng khi sự thiệt hại do việc hành xử một quyền lợi gây ra. Người ta sẽ đem so sánh tác phong của chủ thể quyền lợi với cách cư xử của một người cần mẫn đặt trong cùng một trường hợp, và khi nhận thấy chủ thể quyền lợi quả có sơ ý hay bất cẩn thì điều ấy đủ khiến cho họ phải chịu trách nhiệm. Đó chỉ là sự áp dụng thông thường của ý niệm lỗi. Án lệ của Pháp hình như đã chấp nhận quan điểm này: Một khi đương sự có ý chí làm hại người khác trong việc hành xử quyền lợi, án lệ coi là sự lạm quyền. Hoặc khi một đương sự không có ích lợi gì mà hành xử quyền lợi để gây tổn hại cho người thì án lệ cũng công nhận là có sự lạm quyền. Nếu đương sự có ích lợi mà hành xử như vậy thì Tòa án công nhận có sự lạm quyền khi nhận thấy có một lỗi trong việc hành xử quyền lợi. Ví dụ: Quyền đơn phương hủy bỏ khế ước lao động, trên nguyên tắc, được luật pháp công nhận, và cũng có ích cho người chủ, song nếu Tòa án xét rằng, một chủ nhân khác đặt vào địa vị của người chủ sẽ không hành động như thế, thì người này sẽ bị tòa án phạt phải bồi thường, vì đã lạm quyền hủy bỏ khế ước.
c. Phạm vi của lý thuyết lạm quyền: Trên nguyên tắc, tất cả các quyền lợi chủ quan đều có thể bị lạm dụng. Nói cách khác, những quyền lợi này có tính cách tương đối và chịu sự kiểm soát của Tòa án. Tuy nhiên, có một số quyền lợi thường gọi là quyền chuyên quyết, hay quyền tuyệt đối, không bị tòa án kiểm soát. Song những quyền lợi ấy rất ít và thường thuộc về luật gia đình, như quyền của cha mẹ ưng thuận cho các con lập hôn thú, quyền trả lời trong địa hạt báo chí./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar