Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

3. Bằng chứng

BẰNG CHỨNG 

Trong các mối liên hệ pháp lý, bằng chứng đóng vai trò hết sức quan trọng. Một quyền lợi sẽ không có giá trị nào cả, nếu người ta không thể chứng minh sự hiện hữu của nó. Bằng chứng đặt ra các vấn đề: Đối tượng của sự dẫn chứng, trách nhiệm dẫn chứng, quyền đòi xuất trình bằng chứng và phương pháp dẫn chứng.

BÀI 1: ĐỐI TƯỢNG CỦA SỰ DẪN CHỨNG

Muốn được tòa án chấp nhận một yêu cầu, thì theo trật tự, đương sự phải nêu trước hết một quy tắc pháp lý rồi mới chứng minh đủ điều kiện để được hưởng những quyền lợi do quy tắc ấy công nhận. Nhưng trong thực tế, bằng chứng về quy tắc pháp lý là không cần thiết, đương sự chỉ cần trưng bằng chứng về các sự kiện pháp lý và hành vi pháp lý là đủ.

1. Đương sự không cần phải trưng về bằng chứng pháp lý: Thật vậy, thẩm phán phải biết các quy tắc đó. Nhiệm vụ của thẩm phán là quyết định coi quy tắc nào được áp dụng cho các sự  kiện và hành vi pháp lý được chứng minh. Tuy vậy, quy tắc này có hai ngoại lệ: Đương sự phải chứng minh các tập quán và các luật lệ nước ngoài. Một số số luật lệ quy về các tập quán địa phương như thời hạn tống cư về việc thuê mướn nhà cửa, hay nghề nghiệp như thời hạn báo thôi đối với công nhân. Các tập quán này là những quy tắc luật pháp. Về phương diện dẫn chứng, án lệ đồng hóa tập quán với một sự kiện buộc đương sự nào nại ra phải dẫn chứng. Bằng chứng của các tập quán do các khẩu chứng hay bút chứng của những người hiểu biết và đáng tin cậy. Bằng chứng về luật ngoại quốc phải do người nại ra viện dẫn, thẩm phán không có nghĩa vụ biết đến các quy phạm pháp luật của nước ngoài.

2. Đương sự phải chứng minh sự kiện và hành vi pháp lý: Sự kiện có thể là sự gây thiệt hại cho một người nào đó, sự chiếm nhà bất hợp pháp v.v… Hành vi pháp lý có thể là một hợp đồng mua bán, thuê mướn, vay mượn v.v… Theo nguyên tắc, sự kiện vật chất như tai nạn xe hơi, xây cất bất hợp pháp, cạnh tranh không lành mạnh, hàng hóa hư hỏng v.v… có thể được dẫn chứng bằng mọi phương cách như chụp hình, quay phim, ghi âm v.v… miễn là bằng chứng được lập ra không trái với pháp luật hiện hành. Người ta cũng có thể chứng minh các sự kiện bằng các văn bản công chứng, vi bằng của thừa phát lại, bằng các nhân chứng hoặc bằng các chứng tích (indices – manh mối). Người ta có thể chứng minh một sự kiện tiêu cực (faiit ne’gatif ). Nhiều khi sự kiện tiêu cực có thể sửa đổi lại thành một sự kiện rất dễ chứng minh. Thí dụ Tôi không thiếu ông A số tiền 1 triệu đồng, có thể đổi lại là: Tôi đã trả cho ông A số tiền 1 triệu đồng và bằng chứng của việc trả tiền là biên nhận do ông A cấp phát. Tuy nhiên, các mệnh đề (propositions) có tính cách vô định (indefni – không xác định) là không thể chứng minh được, dù cho mệnh đề này có hình thức tiêu cực hay tích cực cũng vậy. Thí dụ: Tôi không bao giờ thiếu nợ ai hoặc tôi gặp ông A mỗi ngày là không thể chứng minh. Các hành vi mua bán, ký thác v.v… thường được chứng minh bằng văn bản.

BÀI 2: TRÁCH VỤ DẪN CHỨNG

Trong một vụ kiện có 3 hạng người: Nguyên đơn, bị đơn và vị thẩm phán xử án. Ta cần phải biết trong 3 hạng người trên, ai là người phải tìm kiếm và đem lại bằng chứng. Luật Việt Nam chấp nhận hai nguyên tắc: Thẩm phán trung lập (khách quan vô tư) và đương sự phải chứng minh điều do họ viện dẫn.

1. Sự trung lập của thẩm phán: Về vai trò của thẩm phán trong một vụ tranh tụng người ta có thể áp dụng hai giải pháp khác nhau.
Theo giải pháp thứ nhất, người ta giao nhiệm vụ tìm tòi bằng chứng cho các thẩm phán. Vị này sẽ tự mình tìm kiếm sự thật. Đó là giải pháp được áp dụng trong hình sự tố tụng. Thủ tục này buộc các thẩm phán phải phụ trách công việc tìm các bằng chứng để bênh vực hay buộc tội bị cáo. Tuy nhiên, trách vụ này chỉ có tính cách quan trọng trong giai đoạn điều tra. Các đương sự tức là các bị cáo và các nguyên cáo, phải trưng bằng chứng trong phiên xử công khai.
Giải pháp thứ hai là giải pháp trong dân luật, giao trách nhiệm dẫn chứng cho đương sự. Trong vụ kiện, chính các đương sự phải dẫn chứng, thẩm phán sẽ trung lập, không phải bận tâm tìm kiếm sự thật tuyệt đối. Thẩm phán chỉ phán xét một cách tương đối, dựa trên các bằng chứng do các đương sự xuất trình. Thí dụ: Trong vụ tranh chấp về quyền sở hữu, thẩm phán không cần biết ai quả thật là sở hữu chủ; đương sự nào trưng ra được bằng chứng về quyền sở hữu như giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, môn bài, hợp đồng mua bán v.v… sẽ thắng kiện. Người đứng tên dùm kẻ khác một nhà ở, một chiếc ô tô hay một cổ phần doanh nghiệp, sẽ được tuyên bố là sở hữu chủ, nếu người chủ thật sự không xuất trình được bằng chứng về việc nhờ người khác đứng tên dùm. Thẩm phán không được lấy tin tức do cá nhân mình thu thập được để viện dẫn trong vụ kiện. Ngoài ra, thẩm phán không thể lấy các bằng chứng trong một vụ kiện khác, mặc dầu chính mình đã xử vụ kiện này và mặc dù giá trị về bằng chứng đã được hai bên đương sự tranh luận.
Tuy nhiên, nguyên tắc trung lập của thẩm phán không phải tuyệt đối. Luật cho phép thẩm phán tự động đòi các đương sự đích thân trình diện trước tòa. Thẩm phán cũng có thể kiểm soát các sự kiện bằng cách tự mình khám xét tại chỗ hoặc bằng cách nhờ chuyên viên làm một cuộc giám định.
Các quyền nói trên của thẩm phán chỉ có thể thực hiện với một số điều kiện. Sự kiện dẫn chứng phải do một trong hai đương sự viện dẫn. Các bằng chứng mang lại do sáng kiến của thẩm phán phải đưa ra cho đối phương tranh luận. Sau cùng, nếu thẩm phán ra lệnh mở cuộc giám định thì giám định viên được đề cử chỉ đưa ra một số ý kiến cho thẩm phán và vị này không thể từ khước thẩm quyền đã được giao phó bằng cách giao cho giám định viên những quyền hành có tính cách tổng quát.

2. Sự phân phối trách vụ dẫn chứng: Các đương sự trong vụ kiện phải dẫn chứng. Mỗi người muốn viện dẫn một sự kiện hay một hành vi pháp lý phải chứng minh sự kiện hay hành vi pháp lý đó. Trước hết, nguyên đơn phải đưa ra dẫn chứng về yêu cầu của mình theo câu châm ngôn la tinh: “actori incumbit probatio” vì chính nguyên đơn muốn thay đổi tình trạng hiện tại. Trong lúc đó, bị đơn có thể giữ thái độ tiêu cực và thụ động. Nếu nguyên đơn không xuất trình được bằng chứng y sẽ bị bác đơn. Trái lại nếu nguyên đơn chứng minh được thỉnh cầu của mình, đến phiên bị đơn đưa ra các phương chước để chống cãi, nhất là các khước biện và chứng minh các sự kiện và hành vi làm căn cứ cho các phương chước nói trên. Đó là nguyên tắc: “Reusun exceptione fit actor“.
Ví dụ:
– A đòi B 01 triệu đồng là tiền A cho B vay. Trước hết A phải chứng minh sự hiện hữu của hợp đồng cho vay và sự trao tiền. Nếu các chứng minh này làm xong, B sẽ bị tòa buộc hoàn tiền lại cho A, nếu B khôngđưa ra một khước biện nào hoặc chứng minh một sự kiện trái ngược nào như đã trả tiền rồi.
– C kiện D để xin trục xuất ra khỏi một thửa đất; C phải chứng minh quyền sở hữu của mình bằng cách xuất trình một tờ bằng khoán hay địa bộ. Nhưng D có thể phản kháng đơn kiện nói trên, bằng cách biện minh rằng y có quyền tiếp tục ở trên thửa đất đó. Sự kháng biện này có thể căn cứ vào sự mua bán hoặc hợp đồng thuê chưa mãn hạn.
Sự áp dụng các nguyên tắc trên đây có một giới hạn: nhiều khi luật pháp miễn trừ cho một đương sự trách vụ dẫn chứng. Thật vậy, trong vài trường hợp, bằng chứng trực tiếp của sự kiện pháp lý rất khó thu thập, trách vụ dẫn chứng quá nặng nề, nên luật cho viện dẫn một sự kiện dễ chứng minh hơn và do sự hiện hữu của sự kiện khác đó, luật suy đoán rằng, luật suy đoán rằng sự kiện pháp lý phải dẫn chứng được xem như đã chứng minh. Người ta gọi đó là sự suy đoán pháp định (presomption legale). Thí dụ: Một người khởi kiện đổ dò thân trạng con chính thức. Theo lý thuyết, y phải chứng minh rằng:
– Mẹ y là người đàn bà nào đó;
– Người đàn bà này có lập hôn thú với một người đàn ông nào đó;
– Chính y là con của người đàn ông đó (chứ không phải con của người đàn ông nào  khác)
Dân luật buộc người con phải chứng minh rằng y được sinh bởi người đàn bà trong thời kỳ hôn nhân và xuất trình bằng chứng về hôn thú của người đàn bà này nhưng miễn trừ cho y khỏi dẫn chứng việc y quả thật là con của người chồng của mẹ y vì sự dẫn chứng về phụ hệ là rất khó khăn hoặc làm tai tiếng cho người bị kiện. Như vậy, luật đã thiết lập sự suy đoán pháp định: Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con của người chồng này.
Có hai loại suy đoán pháp định:
a. Sự suy đoán tuyệt đối không thể bị đánh đổ và không bị loại trừ bởi một bằng chứng trái ngược. Thí dụ: Theo Điều 282 DLP, nếu người chủ nợ tự ý trao lại cho con nợ văn tự mượn tiền, người ta suy đoán rằng chủ nợ tự ý miễn trừ cho con nợ và không có quyền đòi tiền nữa. Điều 1908 DLP định rằng khi có biên nhận số vốn cho vay không sự dè dặt nào về tiền lời, phải suy đoán rằng tiền lời đã được trả rồi và chủ nợ không có quyền đòi tiền lời. Hai sự suy đón trên đây có tính cách tuyệt đối, vì người chủ nợ không thể đưa ra bằng chứng để chứng minh rằng con nợ vẫn còn thiếu số vốn hoặc tiền lời. Nhưng các điều 820 DLB, và 890 DLT (phỏng theo 1908 DLP) đã quy định khác, và trong hai trường hợp trên đây cho phép chủ nợ đưa ra bằng chứng rằng con nợ vẫn thiếu tiền vốn hoặc tiền lời. Vậy sự suy đoán tuyệt đối trở thành suy đoán thường trong dân luật Việt Nam.
b. Sụ suy đoán thường có thể bị đánh đổ bởi bằng chứng trái ngược do đối phương xuất trình. Các sự suy đoán này tạo nên một sự di chuyển trách vụ dẫn chứng. Đáng lẽ nguyên đơn phải chứng minh một sự kiện nhưng y được miễn trừ sự dẫn chứng; trách vụ dẫn chứng chuyển qua phía bị đơn, người này phải đưa ra bằng chứng rằng sự suy đoán không đúng với sự thật. Thí dụ:
– Suy suy đoán ngay tình: Về sự chiếm hữu một bất động sản, người chiếm hữu phải được suy đoán là ngay tình cho đến khi có bằng chứng trái ngược.
– Sự suy đoán hành nghề thương mại (Điều 61 BLTM) đối với người ghi tên vào sổ thương mại.
Có nhiều sự suy đoán có tính cách hỗn hợp vì có thể bị đánh đổ nhưng chỉ với những bằng chứng đặc biệt do luật định chứ không phải bất cứ bằng chứng nào. Thí dụ: Sự suy đoán phụ hệ dự liệu do điều 100 Sắc luật ngày 23-7-1964: Người chồng chánh thức của người mẹ được suy đoán là cha của đứa con, nhưng có thể đánh đổ sự suy đoán bằng cách chứng minh sự xa cách hay sự bất lực vì tai nạn, hoặc sự kiện người mẹ dấu diếm sự sanh đẻ. Người chồng không thể đánh đổ bằng sự suy đoán khác.

BÀI 3: QUYỀN ĐÒI XUẤT TRÌNH BẰNG CHỨNG

Khi một đương sự có trách vụ dẫn chứng, sẽ không có điều gì khó khăn nếu y có bằng chứng trong tay. Nhưng các bằng chứng cần thiết có thể nằm trong tay đốiphương. Người ta tự hỏi: Đương sự có quyền buộc người này xuất trình bằng chứng hay không?
Quyền đòi đối phương xuất trình bằng chứng gặp một trở ngại lớn lao, đó là nguyên tắc: “Không ai có thể bị bắt buộc xuất trình bằng chứng chống lại mình (nemo contra se edere tene ur). Nguyên tắc này, nếu theo một cách tuyệt đối, sẽ làm trở ngại cho việc tìm tòi ánh sáng công lý. Vậy nên, người ta đã tìm ra những phương pháp để tìm bằng chứng một cách trực tiếp hay gián tiếp.
1. Phương pháp thứ nhất là buộc một đương sự phải xuất trình các bằng chứng do y cất giữ. Sẽ không có sự khó khăn, nếu việc xuất trình có tính cách bắt buộc chiếu theo luật như điều 15 đến điều 17 Luật thương mại buộc các thương gia phải xuất trình sổ sách thương mại. Cũng sẽ không có khó khăn nếu các tài liệu thuộc quyền cộng hữu của các đương sự như bảng kê khai hay bằng khoán hoặc liên quan đến những vụ được thực hiện với sự tham dự của đôi bên, như khế ước lập hội hay ủy nhiệm.
Ngoài các trường hợp kể trên, tòa án tỏ ra rất dè dặt trong việc buộc mọi đương sự phải xuất trình các bằng chứng do y cất giữ. Nhưng tòa án đã tìm ra bằng chứng một cách gián tiếp bằng cách ủy nhiệm cho thừa phát lại hoặc giám định đến một nơi nào nhất định để tìm tòi và sao chép các tài liệu cần thiết, miễn là không thực hiện một cuộc khám xét nhà như trong trường hợp có xảy ra một tội hình. Đôi khi tòa án xem việc không xuất trình bằng chứng như là một sự thú nhận mặc nhiên làm cho đương sự từ chối việc xuất trình bằng chứng phải thất kiện (Xem việc từ chối thử máu trong thủ tục truy tìm phụ hệ ngoại hôn – hay).
2. Phương pháp thứ hai là buộc một đương sự đích thân trình diện trước tòa để đối chất. Thủ tục này có thể do yêu cầu của một đương sự hoặc do tòa án tự ý truyền lệnh. Lời khai của các đương sự sẽ được thư ký ghi chú vào một biên bản đưa vào hờ sơ. (Xem điều 114 BLDS tố tụng VNCH)

BÀI 4: CÁC PHƯƠNG PHÁP DẪN CHỨNG

Dân luật ấn định các phương pháp dẫn chứng có thể áp dụng trước tòa án và cho biết mỗi phương pháp có thể chứng minh sự kiện hay hành vi pháp lý pháp lý nào. Người ta thường phân biệt hai loại bằng chứng: Bằng chứng tiên lập (preuves a priori – bằng chứng tiên nghiệm) và bằng chứng hậu lập (Preuves  a posteriori – bằng chứng hậu nghiệm)
1. Bằng chứng tiên lập: Đó là những bằng chứng được lập trước để dự phòng trường hợp xảy ra một vụ tranh chấp liên quan đến một sự kiện hay hành vi pháp lý. Các bằng chứng đó thường là các chứng thư ghi nhận sự thực hiện một sự kiện (như vi bằng của thừa phát lại chứng minh một đương sự đang xây cất nhà trên một thửa đất) hoặc một hành vi pháp lý (như khế ước mua bán, cầm cố hay thuê mướn bất động sản). Trong ngôn ngữ pháp quốc, các chứng thư thường được gọi là “actes”, nhưng ta không nên lầm lẫn giữa chứng thư với các hành vi pháp lý (actes juridiques). Hành vi pháp lý là sự thể hiện ý muốn của đương sự để tạo ra hậu quả pháp lý. Hành vi này không phụ thuộc vào hình thức biểu hiện ý muốn đó, chẳng hạn sự mua bán một động sản, có thể thực hiện bằng miệng chứ không nhất thiết cần phải có một văn bản. Chứng thư là văn bản để dẫn chứng sự biểu lộ ý muốn liên quan đến một hành vi pháp lý, hoặc để dẫn chứng một sự kiện pháp lý (ví dụ: chứng thư hộ tịch).
Các chứng thư được phân ra làm công chứng thư và tư chứng thư, tùy theo chứng thư được lập bởi công lại như thừa phát lại hay công chứng hoặc chỉ có chữ ký của đương sự. Giữa hai hình thức này có một loại chứng thư đặc biệt do đương sự lập ra cà ký tên nhưng được nhà chức trách địa phương xác nhận chữ ký và năng lực của đương sự.
2. Bằng chứng hậu lập: Đó là những bằng chứng không phải được lập trước mà chỉ được lập ra trong lúc xảy ra vụ kiện. Các bằng chứng chủ yếu của loại này là:
a. Lời khai của các đương sự: gồm hai loại: Sự thú nhận và sự phát thệ.
Sự thú nhận (aven) là lời khai của một đương sự về một sự kiện bất lợi cho y, do đối phương nại ra. Thí dụ: Trong vụ kiện, bị đơn nhìn nhận có thiếu nợ, mặc dù nguyên đơn không xuất trình được giấy mượn tiền; hoặc thú nhận là có làm một việc gây hại cho nguyên đơn.
– Sự phát thệ: (serment) là một sự xác nhận long trọng về một sự kiện mà một đương sự viện dẫn để làm vững chắc lập trường của mình. Thí dụ: bị đơn thề rằng y đã trả nợ xong cho nguyên đơn.
b. Lời khai của các nhân chứng: tức là của những người có nghe thấy sự kiện hay thực hiện một hành vi pháp lý. Theo thủ tục hiện hành, nhân chứng phải đích thân đến tòa cung khai trước mặt thẩm phán. Các nhân chứng được lấy khẩu cung từng người một và các đương sự và luật sư của họ có quyền dự thính. Sau  khi chấp cung các nhân chứng, thẩm phán có thể chất vấn họ, hoặc tự ý hoặc do lời thỉnh cầu của một đương sự.
c. Bằng chứng do chứng tích: (preuve par indices – bằng chứng bằng manh mối) hay suy đoán thực tế (presomptions de fait – giả định thực tế). Thẩm phán suy luận sự xác thực của một sự kiện bằng cách căn cứ vào sự hiện hữu của một sự kiện khác có bằng chứng. thì dụ: A đòi B một số tiền bồi thường thiệt hại vì con trâu của B qua ruộng của A làm hư lúa của người này. Không có nhân chứng nào thấy việc nói trên, cũng không có vi bằng thừa phát lại chứng minh cho việc ấy. Nhưng trên sở ruộng của A có dấu chân trâu, vào trong vùng lân cận, không ai có trâu, nên từ sự kiện có dấu chân trâu, và trong vùng lân cận không có ai có trâu, tòa án đã kết luận rằng trâu của  B đã làm thiệt hại cho ruộng của A và buộc B phải bồi thường thiệt hại.
Suy đoán thực tế và suy đoán pháp định, đều dựa trên bằng chứng thông qua sự hiện hữu của một sự kiện khác đã được xác định. Nhưng trong suy đoán pháp định, chính luật pháp suy luận và buộc thẩm phán phải tuân theo. Trong sự suy đoán thực tế, thẩm phán tự ý suy luận; luật pháp để cho thẩm phán toàn quyền suy xét tùy theo lương tri của mình.
d. Sự nhận xét vật chất các sự kiện do chính thẩm phán phụ trách. Thẩm phán có thể nhận xét tại phiên tòa bằng cách cho xuất trình các tang vật hay bằng chứng của sự thiệt hại. Thí dụ: Một người bị tai nạn gãy chân, đưa chân đó cho thẩm phán xem để có một ý niệm về sự thiệt hại. Thẩm phán cũng có thể đến tận nơi để xem xét các vật làm đối tượng của sự tranh chấp; đó là thủ tục lý khám trường sở (descente sur les lieux – đột kích hiện trường). Sau cùng, thẩm phán có thể ủy nhiệm cho một hay nhiều giám định viên là những người chuyên môn để các người này làm những việc nhận xét và thảo phúc trình nộp vào hồ sơ để cho thẩm phán đủ yếu tố xét xử.
Sau khi xét qua các phương pháp dẫn chứng, ta cần phải giải quyết vấn đề sau đây: về một sự kiện hay hành vi pháp lý, các đương sự có thể chọn phương pháp nào cũng được hay bắt buộc phải theo một hoặc nhiều phương pháp nhất định? Ngoài ra ta còn phải biết tín lực của mỗi phương pháp. 

Pháp chế dân sự của các quốc gia chia ra làm hai nhóm:
– Nhóm thứ nhất nhìn nhận sự tự do dẫn chứng. Luật pháp cho phép các đương sự dùng phương pháp dẫn chứng thích nghi và để cho thẩm phán tự do xét xử giá trị của mỗi phương pháp.
– Nhóm thứ hai chỉ nhìn nhận các bằng chứng pháp định. Luât pháp bắt buộc tòa án và các đương sự về mỗi loại sự kiện phải theo phương pháp nào, và ấn định giá trị của mỗi phương pháp.
Luật pháp Việt Nam theo chế độ hỗn hợp. Trong luật gia đình, mà các quy định đều có tính cách trật tự công cộng, luật ấn định rành rẽ các bằng chứng mà các đương sự có thể sử dụng. Nguyên tắc này được áp dụng cho các hành vi pháp lý cũng như cho các sự kiện pháp lý. Trong luật tài sản, trái lại người ta chấp nhận tự do dẫn chứng, đối với các sự kiện cũng như đối với các hành vi pháp lý. Để chứng minh các sự kiện pháp lý như tai nạn, sự bạo hành, sự nhầm lẫn, trường hợp bất khả kháng v.v… người ta có thể dùng các bằng chứng tiên lập như các biên bản, hoặc bằng chứng hậu lập, như nhân chứng hay chứng tích, giám định v.v… Ngay cả hành vi pháp lý, như sự mua bán, vay mượn v.v… người ta cũng có thể chứng minh bằng mọi phương pháp kể luôn cả nhân chứng. Đây là một sự khác biệt với luật của Pháp theo đó nếu đối tượng của sự tranh chấp có tính cách quan trọng, đương sự phải chứng minh bằng văn bản. (Điều 1341 DLP). Tuy nhiên, trong thực tế, các đương sự luôn luôn lập văn tự để ghi nhận những lời kết ước, để sau này dễ chứng minh nếu có sự tranh chấp.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar