Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

3. Các pháp đình công pháp

CÁC PHÁP ĐÌNH CÔNG PHÁP
(tổ chức, thẩm quyền và thủ tục tố tụng)

52. Tại Việt Nam, các pháp đình công pháp có thể được chia làm hai hệ thống. Hệ thống phổ thông gồm tất cả các pháp đình mọi cấp bậc coi như có thẩm quyền thường lệ để giải quyêt các tranh tụng công pháp. Ngoài ra, còn có các pháp đình có thẩm quyền tài phán phó dữ do luât pháp qui định minh thị cho từng trường hợp. Các pháp đình này có khi giữ hình thức tư pháp biểu kiến vì được thiêt lập trong hệ thống pháp đình tư pháp và do các thẩm phán tư pháp tọa xử, như trường hợp các tòa án cấp dưỡng phần. Một số pháp đình khác không mang danh xưng pháp đình hay Tòa án mà là các tổ chức công hay tư được luật đặc biệt giao phó cho thẩm quyền tài phán hành chánh như Hội đồng viện đại học, cùng các công đoàn nghề tự do như Dược sĩ Đoàn, Y sĩ Đoàn, Nha sỹ Đoàn, Hội sinh Đoàn, Kiến Trúc sư đoàn trong các phần vụ hợp tác với công quyền.
53._ Thẩm quyền của các hệ thống pháp đình công pháp được phân phối khác hẳng nguyên tắc lưỡng cấp tài phán của hệ thống tư pháp, vì có những loại tranh tụng chỉ được xét xử một lần mà lại không được thượng cầu phá án. Do đó sự khảo sát thẩm quyền có phần phức tạp. Về đại cương, thủ tục tố tụng áp dụng trước các pháp đình công pháp thuộc loại bút tụng và có tính cách truy tầm, tức là có các đặc tính khác biệt đối với tố tụng tư pháp. Mặc dù thủ tục áp dụng trước tối cao pháp viện nay được phỏng theo Dân sự Tố Tụng, nhưng thực ra các đặc tính cổ truyền bút tụng và truy tầm kể trên vẫn còn được áp dụng trong thực tế. (Về tính cách truy tầm của tố tụng, theo các điều 46 và 47 nội quy Tối Cao Pháp Viện, Ban Bảo Hiến có thể mở cuộc điều tra đòi các tài liệu, nhân chứng, chuyên viên, yêu cầu các cơ quan công quyền xuất trình tài liệu). Phần này sẽ được chia làm 3 chương, dành khảo sát tuần tự tổ chức, thẩm quyền và thủ tục tố tụng áp dụng trước các pháp đình công pháp.

CHƯƠNG I: TỔ CHỨC CÁC PHÁP ĐÌNH CÔNG PHÁP

Như trên đã nói, các pháp đình công pháp gồm hai hệ thống, vậy sẽ tuần tự khảo sát từng hệ thống trong các mục sau đây:
MỤC I: Các pháp đình công pháp phổ thông: Hệ thống phổ thông gồm Tòa án Hành Chánh, Tham Chính viện và Tối cao Pháp viện.
Tiết 1: Tòa án hành chánh:
54._ Khởi thủy người ta có ý định thiết lập ba Tòa án hành chánh tại ba phần nhưng nhà lập pháp mới bắt đầu thiết lập Tòa án hành chánh tại Saigon, vì nhận thấy trong thực tế chưa có nhu cầu cần phải thiết lập thêm tại các nơi khác. Tại Dalat trước kia cũng có một Tòa án hành chánh nhưng pháp đình này thuộc hệ thống các Tòa án hỗn hợp được thiết lập từ năm 1949 tới 1954. Hiện tại do phong trào công lý đi tới nông thôn, với các khẩu hiệu tòa án Tòa án phải gần dân, một số luật gia cho rằng cần phải thiết lập thêm các Tòa án hành chánh tại các tỉnh đề sự kiểm soát và chế tài nền hành chánh được dân chủ và hữu hiệu hơn. Trong khuynh hướng này cũng có một số luật gia khác lại ý niệm rằng nên để cho các Tòa án sơ thẩm xét xử thêm về hành chánh thay thế cho thẩm quyền của Tóa án hành chánh duy nhất này, nếu chưa có đủ các phương tiện nhân sự và tài chánh cần thiết để thiết lập thêm các tòa án hành chánh riêng biệt. Khuynh hướng này thực ra còn muốn đề nghị sự cải tổ thẩm quyền các pháp đình hành chánh theo khuôn khổ lưỡng cấp tài phán của hệ thống tư pháp, tức là tòa án hành chánh là đệ nhất cấp tài phán tương đương với tòa án sơ thẩm và Tham Chính viện sẽ là đệ nhị cấp tài phán tương đương với tòa thượng thẩm.
55._ …60._ trang 50.

CHƯƠNG II: THẨM QUYỀN CÁC PHÁP ĐÌNH CÔNG PHÁP 

61._ Thẩm quyền về Công pháp tụng là một vấn đề linh động vì thay đổi luôn luôn trong diễn tiến phát triển các pháp đình công pháp, đó là chưa kể tính cách tế nhị trong sự phân biệt ranh giới thẩm quyền tài phán hành chánh và tư pháp do sự phức tạp tư nhiên của các vụ tranh chấp nhiều khi gồm cả hai phương diện hành chánh và tư pháp. Ngoài ra cần phải nhấn mạnh về điểm quan trọng để các sinh viên tránh mọi sự lầm lẫn, là thẩm quyền tư pháp được đề cập tới trong giảng văn này phải hiểu theo nghĩa thẩm quyền của các pháp đình tư pháp đối với các pháp nhân công pháp trong mọi tranh chấp với nhau hay với các tư nhân, theo vậy không phải là lãnh vực thẩm quyền tư pháp áp dụng cho các tranh tụng giữa các tư nhân với nhau. Hơn nữa khi luật tư pháp được áp dụng để giải quyết các tranh tụng giữa các pháp nhân công pháp và các tư nhân thuộc thẩm quyền tư pháp xét xử, luật tư pháp phổ thông không áp dụng nguyên vẹn được với pháp nhân công pháp, thí dụ như chế độ sản nghiệp thương mại, phá sản hay thanh toán tư pháp và các phương pháp sai áp cưỡng hành tất cả các định chế này không thể áp dụng cho các cơ quan hành chánh được, dù các cơ quan này trong loại tranh tụng tư pháp về đại cương đều do luật tư pháp chi phối. (Hay quá là hay!) .
62._ Trong các tương quan giao hỗ và kết vòng giữa các yếu tố căn bản của công pháp tụng là pháp đình công pháp, thẩm quyền tài phán công pháp, tính cách công pháp của các tranh chấp, luật nội dung áp dụng để giải quyết các sự tranh chấp và yếu tố kỹ thuật pháp lý công pháp, như chúng ta đã phân tích trong chương trình Luật hành chánh năm thứ hai, có các qui tắc khoa học sau đây chi phối về đại cương:
– Trước hết theo một nhận xét khoa học của luật gia Jean Rivero, mặc dù các tiêu chuẩn thẩm quyền luôn luôn thay đổi, nhưng trong sự sụp đổ các tiêu chuẩn thẩm quyền cũ cũng như trong công cuộc xây dựng các tiêu chuẩn mới, có một điểm chắc chắn bất di bất dịch, lúc nào cũng đứng vững đó là nhận định, do đó sự phân phối thẩm quyền lệ thuộc vào bản chất luật lệ áp dụng để giải quyết sự tranh tụng (…). Quy tắc luật nội dung quyết định về thẩm quyền mà nhà chuyên môn Công pháp này đã khám phá ra, tuy rất xác thực và chắc chắn, nhưng nó chính là qui tắc về sự đặc chuyên của tất các các pháp đình, trong cả hệ thống tư pháp cũng vậy. Khi nhà làm luật thiết lập một hệ thống pháp đình đặc chuyên, lẽ dĩ nhiên là phải dành cho pháp đình này một lãnh vực đặc biệt nào đó. Khi thiết lập Tòa án Thương mại là nhằm mục đích để Tòa án này giải quyết các vụ tranh tụng theo Luật thương mại, theo vậy lẽ dĩ nhiên và ngược lại, tranh chấp nào có tính cách thương mại sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa này. Về sự thiết lập Tòa án lao động hay bất cứ Tòa án nào khác cũng vậy, do đó qui tắc của J. Rivero tuy xác thực nhưng không mang tới một lợi ích hay tiến bộ khoa học nào trong sự phân tích về thẩm quyền. Lẽ dĩ nhiên, trong luật học đối chiếu, nhất là trong chế độ nhât hệ tài phán thì qui tắc kể trên không áp dụng được nữa, vì tất cả mọi tranh chấp, dầu do loại luật nội dung nào chi phối, thì cũng đều thuộc thẩm quyền của một loại pháp đình chung.
63._ Một số các luật gia cấp tiến đã đặt thêm qui tắc bổ túc, do đó thì sở dĩ một môn luật nội dung được áp dụng cho sự giải quyết một tranh tụng, chính vì lý do tranh tụng có các đặc tính, hay đã áp dụng hoặc được đặt trên căn bản của môn luật nội dung đó. Thí dụ, sở dĩ Tòa Hộ có thẩm quyền trong một vụ tranh tụng vì cần phải áp dụng luật Hộ để giải quyết sự tranh tụng. Mà sở dĩ luật Hộ được áp dụng chính vì tranh tụng do luật Hộ chi phối, tức là đặt trên căn bản của luật Hộ. Nói cách khác và ngược lại, theo đúng diễn tiến nhân quả thì chính vì tranh chấp đặt trên nền tảng một môn pháp lý nên nó có đặc tính và chịu ảnh hưởng cùng sự chi phối của môn này, và tiếp theo, chính vì do môn đó chi phối mà tranh tụng thuộc thẩm quyền của Tòa án đã được luật ấn định để áp dụng môn pháp lý đó.(hay).
64._ Chúng ta muốn tiến xa thêm bước nữa, bổ túc qui tắc kể trên bằng hai nhận xét sau đây:
a) Trước hết chúng ta nhận định rằng, sở dĩ một tranh tụng do một môn pháp lý nội dung chi phối chính vì kỹ thuật pháp lý được áp dụng hay sử dụng trong nguyên nhân của tranh tụng về một môn pháp lý nội dung rõ rệt. Thí dụ, khi hai thương gia kết ước với nhau, họ có quyền lựa chọn kỹ thuật một phần nào hoặc trong các lãnh vực có tính cách trật tự công cộng, kỹ thuật pháp lý được áp dụng đã được luật ấn định trước, thì các khế ước của các thương gia kể trên tùy theo tính cách của kỹ thuật pháp lý sử dụng, khi thì có tính cách dân sự, khi thì có tính cách thương mại, và tùy theo đó mà luật thương mại hay dân luật sẽ được áp dụng cùng với các hệ thuyết về các pháp đình có thẩm quyền.(hay). Khi một cơ quan hành chánh thuần túy đã đồng ý với tư nhân đối ước trong sự ký kết một khế ước hoàn toàn tư pháp (trong lĩnh vực có quyền lựa chọn kỹ thuật kết ước tư pháp hay hành chánh) thì sở dĩ luật dân sự được áp dụng, và cơ quan tư pháp có thẩm quyền chính vì nguyên nhân của tranh tụng là một khế ước tư pháp, tức là một kỹ thuật pháp lý tư pháp. Trong trường hợp ngược lại, nếu cơ quan hành chánh và tư nhân đã ký kết một khế ước hành chánh theo đúng nghĩa kỹ thuật của nó (vì đã lựa chọn hay ở trong lĩnh vực phải áp dụng thể thức luật định này) thì các pháp đình hành chánh sở dĩ có thẩm quyền để xét xử tranh tụng đó là vì nói bắt nguồn ở một khế ước hành chánh.
b) Nhận xét thứ nhì liên hệ tới sự phức tạp của hiện tượng pháp lý. Một tương quan pháp lý có thể gồm nhiều phương diện pháp lý khác biệt trà trộn, lẽ tất nhiên có các phương diện căn bản hay trội yếu, trong trường hợp này tính cách của sự tranh chấp do phương diện trội yếu quyết định (và như vậy cũng chính vì lý do kỹ thuật nguyên khởi cũng đã thay đổi tính cách). Thí dụ trong sự quản trị một tư sản, pháp nhân hành chánh lại giao một công vụ, hay theo đuổi một mục đích công vụ quan trọng coi như lý do căn bản của hành vi, thì mặc dầu theo nguyên tắc khế ước quản trị công sản tư dụng là một kỹ thuật pháp lý tư pháp nhưng sự đặc nhượng công vụ đã giao phó cho tư nhân đòi hỏi sự sử dụng tư sản đó (thí dụ như sự đặc nhượng công vụ phát triển kịch nghệ giao cho Hội kịch sĩ trong sự quản trị một hỉ viện), thì đặc tính công vụ quyết định tính cách hành chánh của khế ước thuê mướn tư sản. Nhưng về các trường hợp phổ thông thì trong hiện tượng phức tạp, mỗi phương diện đặc biệt sẽ tách khỏi hiện tượng, và lúc đó thì phương diện pháp lý đặc biệt nào sẽ thuộc thẩm quyền riêng biệt của các pháp đình liên hệ nguyên khởi và phổ thông của nó. Đó là học lý các hành vi tách biệt và các tố tụng tách biệt liên hệ (Théorie des actes et des recours détachables: Lý thuyết về hành vi tách biệt và biện pháp khắc phục). Vấn đề này có thể phức tạp hóa sự phân phối thẩm quyền giữa pháp đình về chi tiết, vì trong suốt diễn tiến của vụ tranh tụng chính tố, có thể có sự thay đổi tố tụng và pháp đình, tùy theo các phương diện tách biệt. Nhưng nếu cứ xét từng phương diện của sự tranh tụng, thì có thể coi như chỉ là sự áp dụng qui tắc thẩm quyền phổ thông cho mỗi công việc mà thôi. Nói cách khác, đây không phải là các biệt lệ của các qui tắc thẩm quyền mà là sự áp dụng liên tiếp các qui tắc nào cho từng phương diện khả tách mà chúng ta sẽ đề cập tới trong đoạn nói về thẩm quyền chủ quan.
65._ Như trên vừa trình bày, luật Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn thực chất về thẩm quyền các pháp đình, luật nội dung cũng như về tính cách của sự tranh tụng và của các kỹ thuật pháp lý của nguyên nhân, hay đối tượng. Nhưng người ta có thể giản dị hóa vấn đề phân phối thẩm quyền giữa các pháp đình trong hai giả thuyết sau đây:
* Giả thuyết thứ nhất là trường hợp của chế độ nhất hệ tài phán, trong đó có tất cả các tụng phương mọi loại không phân biệt công pháp hay tư pháp đều thuộc thẩm quyền một hệ thống pháp đình chung nhất là nếu các pháp đình này không chuyên môn hóa, mà sẽ tùy trường hợp áp dụng môn pháp lý nào tùy theo tính cách của sự tranh tụng hay tính cách của kỹ thuật pháp lý như ta đề nghị. Quan niệm này có lợi ích hiển nhiên cho các tụng phương khỏi phải tìm kiếm pháp đình thích ứng, nhưng thẩm phán thụ lý mỗi vụ vẫn phải quyết định về luật nội dung mình phải áp dụng, và lẽ dĩ nhiên vẫn phải dùng các tiêu chuẩn thực chất hay bản chất của tranh tụng hay kỹ thuật pháp lý.
* Trong giả thuyết thứ nhì, người ta có thể đứng về phương diện tư cach của tụng phương để phân phối thẩm quyền. Thí dụ khi có một tụng phương hành chánh thì các pháp đình hành chánh có thẩm quyền mà không cần phải biết trước sẽ áp dụng luật nội dung nào để giải quyết tranh tụng. Nhưng sau khi thụ lý thì Tòa án hành chánh cũng vẫn phải giải quyết vấn đề luật nội dung nào để giải quyết tranh tụng. Nhưng giải quyết vấn đề luật nội dung áp dụng tùy theo kỹ thuật pháp lý. Nếu áp dụng tinh thần của các giải pháp giả thuyết kể trên để bổ túc cho sự phân phối thẩm quyền hiện tại giữa các pháp đình hành chánh và tư pháp tại Việt Nam thì chúng ta có thể đề nghị giữ nguyên các quy tắc nền tảng hiện hữu, nhưng cần phải giảm tiết các hậu quả tai hại của một chế độ lưỡng hệ tài phán thuần túy. Muốn vậy thì không nên coi vấn đề phân chia thẩm quyền như là một qui tắc phân quyền tuyệt dối có tính cách trật tự công cộng nữa, mà chỉ nên coi như là một sự phân công nội bộ trong một hệ thống tài phán thống nhất mà thôi. Nói cách khác, một khi có sự tranh nghị thẩm quyền, hoặc được minh thi nêu lên, hoặc tiềm tàng trong thủ tục, thay vì tuyên bố vô thẩm quyền để nguyên đơn phải khởi tố lại trước hệ thống tài phán khác, thẩm phán thụ lý có bổn phận phải tự mình giải quyết hộ vấn đề khởi tố lầm lẫn bằng cách truyền di giao hồ sơ sang Tòa án có thẩm quyền, như trường hợp di giao hiện hữu áp dụng trong tương quan nội bộ giữa Tòa Hộ, Tòa án Thương mại hay Tòa nhà phố tại Việt Nam.(Thực ra không có tòa thương mại thực sự như tại Pháp nên thủ tục di giao thẩm quyền được áp dụng rất dễ dàng). Trong trường hợp ngay các tòa án thụ lý cũng do dự về thẩm quyền của mình thì thẩm phán có thể tham bác ý kiến hay xin chỉ thị của cấp bậc tột thượng đặc trách về tranh nghị thẩm quyền, như vậy tức là tổng quát hóa triệt để giải pháp cách mạng của Pháp quốc ấn định trong Sắc lệnh ngày 25/7/1960. Sau các nhận xét tổng quát kể trên cần phải đề cập tới các vấn đề sau đây:
– Các đặc tính của thẩm quyền;
– Lý thuyết về thẩm quyền;
– Các khối thẩm quyền và các tiêu chuẩn bổ túc;
– Các chế độ thẩm quyền luật định;
– Phân phối thẩm quyền trong nội bộ và nguyên tắc lưỡng cấp tài phán.

MỤC I: Các đặc tính của thẩm quyền tài phán 
66._ Thẩm quyền của một Tòa án là nghĩa vụ của Tòa này phải phán quyết về một loại tranh chấp có cùng một bản chất. Do đó thẩm quyền tài phán có tính cách bắt buộc đối với cơ quan thụ lý. Nếu sự khởi tố không hợp lệ về hình thức thì pháp đình cũng phải có phán quyết, nhưng chỉ giải quyết về hình thức bằng sự bác đơn hay thỉnh cầu. Nếu tòa xét thấy không thuộc thẩm quyền của mình thì ngược lại cũng phải tuyên bố vô thẩm quyền. Tuy nhiên, nếu tòa và đương sự cùng lầm lẫn về thẩm quyền, tức là nếu án văn đã giải quyết luôn chính vụ về nội dung trong trường hợp đáng lẽ phải tuyên bố vô thẩm quyền, khi sau này án văn trở thành nhất định thì cũng sẽ có hiệu lực tài phán của việc đã xử, để duy trì ổn cố pháp lý đối với tụng phương. (hay). Thẩm quyền tài phán còn có tính cách trật tự công cộng theo nghĩa nếu các đương sự không nêu tranh nghị về thẩm quyền mà thẩm phán nhận thấy sự vô thẩm quyền tuyệt đối về loại tranh chấp, tức là vô thẩm quyền về bản chất (còn gọi là sự hạng) thì thẩm phán có bổn phận phải tự mình nêu lên mà giải quyết. Tuy nhiên, các trường hợp vô thẩm quyền tương đối liên quan tới thẩm quyền quản hạt của Tòa án thì trái lại cần phải do một tụng phương nêu lên tại pháp đình mới có quyền giải quyết. Sự từ khước, không thụ lý hay không xét xử đều bị coi là phạm tội bất khẳng thụ lý do điều 158 hình luật mới trừng trị.
Tại Pháp quốc cũng như tại Việt Nam trước kia, nếu một pháp đình tư pháp cứ tiếp tục xét xử về một sự tranh tụng mặc dầu các cơ quan hành chánh hữu trách đã tống đạt nghị định nêu tranh nghị thẩm quyền, thay vì đợi quyết định của Tòa phân thẩm thì cũng bị coi như phạm tội nịch chức và bị trừng trị về hình sự. Nhưng tai Việt Nam không ấn định thủ tục nêu tranh nghị thẩm quyền nên tội phạm này tuy được trù liệu trong bộ Hình luật canh cải trước kia, nhưng trong thực tế không thể cấu thành được. Bộ hình luật mới không trù liệu tội phạm này nữa. Tiên đây cũng nên ghi thêm là các thủ tục ấn định cho sự giải quyết tranh nghị thẩm quyền tại Pháp chỉ nhằm bảo vệ thẩm quyền của các pháp đình hành chánh. Ngược lại nếu các pháp đình hành chánh xâm nhập vào lãnh vực tư pháp thì các tụng phương chỉ có thể sử dụng các phương chước phổ thông trong tố tụng là khước biện vô thẩm quyền mà thôi. Thực ra luật muốn bảo vệ sự xâm nhập của tư pháp vào trong lãnh vực lập pháp và hành chánh chấp hành nên cũng chế tài luôn cả việc các pháp đình ban hành các qui tắc chung thay vì giải quyết từng vụ tranh tụng (điều 181 Bộ Hình luật mới). Lẽ dĩ nhiên Hình luật cũng trừng trị mọi sự xâm lấn ngược lại cảu nền hành chánh chấp hành vào thẩm quyền xét xử của các Tòa án (điều 182 Hình luật). Do đó có thể kết luận tạm rằng, sự bảo vệ thẩm quyền của các pháp đình hành chánh tại Việt Nam chỉ là một hệ thuyết và một phương diện chế tài mọi sự vi phạm vào nguyên tắc phân quyền mà thôi.
67._ Riêng trong lãnh vực hành chánh thì thẩm quyền của nền hành chánh chấp hành được phân biệt minh bạch đối với thẩm quyền tài phán của các pháp đình hành chánh về đại cương. Nhưng phải nhận định rằng, về phương diện thực chất thẩm quyền hành chánh chấp hành cũng có thể giải quyết được các sự tranh chấp có tính cách hành chánh. Trong thực tế, khó mà phân biệt được một biện pháp hành chánh chấm dứt một tranh chấp hay mầm nụ của một sự tranh chấp với các giải pháp tài phán nội dung của một pháp đình hành chánh. Bản chất của một biện pháp (mesure) không hẳn là khác biệt bản chất của một giải pháp (solution) nên thường cần phải áp dụng thêm các tiêu chuẩn bổ túc về thủ tục tố tụng và tiêu chuẩn pháp đình. Một biện pháp hành chánh chấp hành khác hẳn giải pháp tài phán, vì biện pháp là kết quả của một thủ tục hành chánh chấp hành có tính cách đơn phương và phải do một cơ quan hành chánh chấp hành phát hành theo thủ tục hành chánh, tức là công bố hay tống đạt. Một đàng khác thì giải pháp tài phán là kết quả của một thủ tục tố tụng đối tịch và công khai trong đó quyền biện hộ được tôn trọng, hơn nữa phải do một pháp đình tuyên bố. Ngoài ra các biện pháp chỉ có hiệu lực sự việc đã quyết định (chose décidée: điều đã được quyết định) có thể điều chỉnh, tiêu hủy hay thu hồi, hay quyết định lại. Còn giải pháp tài phán chung quyết thì có hiệu lực của việc đã xử về phương diện tiêu cực cũng như về phương diện tích cực. Các tụng phương không thể tranh chấp lại, nên người ta thường gọi là nguyên tắc nhất xử bất tái xét và không thể có một quyết định hành chánh hay một phán quyết tư pháp hay hành chánh nào có thể vi phạm án văn một cách trực tiếp được (ngoại trừ trường hợp song phát tố tụng hành chánh và tư phát trong một vài trường hợp đặc biệt do hậu quả của sự độc lập tuyệt đối của mỗi hệ thống pháp đình, nhưng thực ra cũng có thể cho rằng sở dĩ có mâu thuẫn án văn vì hai phương diện tranh tụng khác nhau tuy cùng thuộc một sự trạng chung).
68._ Ngoài ra có một số trường hợp cơ quan hành chánh phải áp dụng một thủ tục đối tịch với mọi bảo đảm cho quyền biện hộ như trong thủ tục kỷ luật đối với công chức, trong thủ tục thể lệ vệ sinh Tỉnh Thị hay trong chế độ khai tệ nhà phố, mà kết quả vẫn chỉ là một biện pháp có tính cách quyết định đơn phương mà thôi (như trên đã nói riêng thủ tục kỷ luật áp dụng đối với các Giáo sư Đại học có tính cách tài phán thực sự).
69._ Ngược lại có một số quyết định của Tòa án chỉ có tính cách quyết định thường, không có hiệu lực của việc đã xử, thí dụ các án lệnh truyền cho đình chỉ tạm thời sự thi hành các văn kiện bị khiếu nại trước tòa án hành chánh, trước tham chính viện hay trước tối cao pháp viện. Ngay cả các quyết định truyền cho đình chỉ tạm thời sự thi hành các án văn bị kháng cáo hay bị thượng tố phá án do Tham Chính Viện áp dụng trước kia cũng không có tính cách tài phán. Trong thủ tục xin phân xử về hợp pháp tính và hợp hiến tính bằng phương cách khước biện cũng vậy, luật số 7/68 điều 64 định rằng tòa án phải quyết định ngay về vấn đề nạp trình đơn khước biện hay không lên Tối Cao Pháp Viện và nhấn mạnh thêm rằng, quyết định này chỉ là quyết định thường được ghi trong sổ bút ký của Tòa mà thôi. Sau hết cũng cần nhận định thêm rằng, theo thủ tục khẩn cấp ấn định trong điều 22 kép Dụ số 2/1950 tổ chức Tòa án Hành chính, Chánh án Tòa án Hành chánh có thể ra án lệnh cho thi hành ngay mọi biện pháp thích ứng để giải quyết mọi vụ tranh chấp miễn là án lệnh này không được ảnh hưởng đến chính vụ. Mặc dù án lệnh này có thể được kháng nại lên Tham Chính viện cũng như án lệnh cho phép đình chỉ tạm thời sự thi hành của Tòa án hành chính cũng có thể được kháng nại, nhưng vẫn chỉ là một quyết định phi tụng không có tính cách tài phán.
Tuy nhiên về phương diện lý thuyết, trước kia người ta thường coi một sự khiếu nại hành chánh chấp hành xin tiêu hủy quyết định bất hợp pháp trong thủ tục xin tái xét hay kháng nại lên thượng cấp như đã có tính cách tiền tụng hay bán tụng, do đó có hiệu lực kéo dài thời hạn khởi tố cho được sự (di tích của quan niệm Bộ trường xét xử lấy ministre – juge: bộ trưởng – thẩm phán). Một mặt khác, một số tổ chức công và tư cũng được luật pháp ban cho thẩm quyền tài phán nên sự phân biệt quyết định tài phán với quyết định chấp hành trong tổ chức này trở nên phức tạp hơn. Nhưng chúng ta không đề cập tới vấn đề chi tiết này mặc dầu nó nêu lên nhiều tiêu chuẩn khá quan trọng.

MỤC II._ Lý thuyết về thẩm quyền
70._ Tại đây cần nhấn mạnh vào tầm quan trọng của án lệ trong việc ấn định các tiêu chuẩn thẩm quyền. Đa số các luật gia đều cho rằng, các tiêu chuẩn về thẩm quyền của án lệ có tính cách nền tảng nên phải coi luật lệ ấn dịnh thẩm quyền của các pháp đình công pháp chỉ là sự áp dụng chi tiết hóa, hay ngược lại trong vài trường hợp rất giới hạn, là các biệt lệ đối với các tiêu chuẩn căn bản của án lệ. Do đó người ta thường khảo sát sự phân phối thẩm quyền giữa tư pháp và tài phán hành chánh trước rồi mới đề cập tới các giải pháp luật định về thẩm quyền các Pháp đình công pháp. Nhưng trước khi đề cập tới các tiêu chuẩn kể trên, cần phải đề cập tới một vài lý thuyết quan trọng về thẩm quyền.
71._ Người ta thường phân biệt các thẩm quyền tài phán chuyên độc với các thẩm quyền tài phán canh hợp, thí dụ thẩm quyền thẩm định hợp pháp tính và hợp hiến tính là một thẩm quyền chuyên độc của tối cao pháp viện, còn thẩm quyền giải thích một văn kiện lập pháp hay lập quy là một thẩm quyền canh hợp giữa các pháp đình tư pháp và hành chánh. Sự thẩm định hợp pháp tính do Tòa hình tại Pháp quốc hiện nay và tại Việt Nam trước kia (hay cả trong hiện tại nếu bị can không áp dụng thủ tục nêu khước biện ấn định trong luật tổ chức Tối cao Pháp viện) cũng là một ví dụ về thẩm quyền canh hợp. Trong trường hợp này có thể có mâu thuẫn giữa hai hệ thống và án lệ đã giải quyết các mâu thuẫn này một cách khá hợp lý tùy theo án văn nào có hiệu lực của việc đã xử trước. Trong các loại thẩm quyền phức tạp, không nên lầm lẫn sự phân tích này với sự phân biệt các thẩm quyền liên tiếp và các thẩm quyền liên hệ. Thí dụ về vấn đề truất hữu thì có các thẩm quyền liên tiếp. Về trưng dụng thì có các thẩm quyền liên hệ khác biệt, tùy theo là xin tiêu hủy hay phán xử quyết định hoặc ấn định bồi khoản trưng dụng. Trên bình diện khác, người ta cũng còn phân biệt thẩm quyền chính hay dư túc (résiduelle: dư), hay song lập. Do đó người ta nói thẩm quyền tài phán của các pháp đình hành chánh thuộc loại thẩm quyền chính yếu về hành chánh và song lập chứ không phải là một thẩm quyền dư túc của thẩm quyền tư pháp. Thẩm quyền về chính vụ cũng khác thẩm quyền phụ đới nêu lên do sự giải quyết các vấn đề tiên quyết (thuộc hệ thống pháp đình khác) hay các vấn đề trước tiên do pháp đình chính vụ giải quyết lấy. Trong hệ thống pháp đình công pháp cũng có áp dụng sự phân biệt thẩm quyền phồ thông và thẩm quyền phó dữ; thẩm quyền phổ thông do án lệ ấn định, thẩm quyền phó dữ thì do luật định.
Phỏng theo tố tụng tư pháp, công pháp tụng cũng còn phân biệt thẩm quyền theo hệ cấp tài phán, sơ thẩm, sơ và chung thẩm, phúc thẩm, phá án, nhưng sự phân phối thẩm quyền nội bộ trong Công pháp tụng lại không áp dụng nguyên tắc lưỡng hệ tài phán của Dân sự tố tụng. Cũng vậy, người ta phân biệt như trong lĩnh vực tư pháp các thẩm quyền theo vấn đề, theo quản hạt hay theo tụng phương (loại cuối cùng này chỉ áp dụng trong tố tụng công chức).
Đứng riêng về kỹ thuật Công pháp tụng, các luật gia phân biệt thẩm quyền tiêu hủy gồm các tố tụng khách quan là phá án và tiêu hủy (hay phán xử hợp pháp tính), gồm tất cả các quyết định hành chánh, còn thẩm quyền giải thích thì chỉ có các pháp đình công pháp mới được giải thích các quyết định cá biệt. Người ta cũng còn phân biệt 3 ngành tố tụng, tương đương với 3 thẩm quyền là thẩm quyền toàn diện tài phán, thẩm quyền khách quan và thẩm quyền trừng trị (về cac vi phạm công lộ, nhưng do Dụ 27/53 tại Việt Nam, thẩm quyền này nay thuộc về các pháp đình tư pháp). Nhưng đa số các luật gia nay lại đề nghị giản dị hóa cách sắp loại các tố tụng tổng hợp chia ra làm 2 ngành tố tụng khách quan và tố tụng chủ quan một ngành chiết trung thứ ba là hỗn hợp khi thì có tính cách chủ quan, khi thì có tính cách khách quan. Do đó cũng có thể chia thẩm quyền thành khách quan, chủ quan và hỗn hợp về phương diện tố tụng.
72._ Sau hết có hai quan niệm tổng hợp quan trọng đã được đề nghị trong sự phân tích các thẩm quyền tài phán hành chánh tại Pháp quốc….(trang 64-98)

CHƯƠNG III: THỦ TỤC TỐ TỤNG
101._ Thủ tục tố tụng công pháp thường được coi là có tính cách biệt lập do các đặc tính bút tụng, mật cứu và khảo truy, mặc dù trong thủ tục bảo hiến diễn tiến trước Tối cao Pháp viện vào ngày phiên tòa có mở cuộc thẩm vấn, và các đương dự có quyền biện hộ cùng tranh luận (điều 71 luật số 07/68) và trước Tham chính viện các đương sự có quyền “biện hộ” (điều 31 dụ số 38/54). Trước tham chính viện cũng như trước Tòa án hành chính (điều 24) thực ra cac đương sự không có quyền nêu các điểm mới, hay nạp thêm các bút lục mới mà chỉ có thể giải thích bằng miệng về các điểm đã được trình bày trong các bản lý đoán đã nạp. Hiện tại có lẽ tại phiên tòa tối cao Pháp viện cũng không chấp nhận các bản lý đoán mới, còn cuộc tranh luận miệng thì được chấp nhận rộng rãi. Nhưng nếu các đương sự không nộp ngay các bản lý nghị, mà tại phiên tòa thường không thấy Ban lục sự ghi nhận các điểm trình bày trong cuộc tranh luận miệng mà có lẽ cũng không thấy các vị thẩm phán ghi chép các luận cứ mới trình bày bằng miệng, thì không biết sự xét xử sẽ căn cứ vào các tài liệu chính xác nào. Và không biết các bản án, khi tuyển lưu các luận cứ mới trình bày bằng miệng thì ghi dẫn ra sao. Thủ tục bảo hiến thực ra rất phức tạp, luận l1y của các tụng phương rất uyển chuyển và giải pháp của tòa cũng cần phải tế nhị nhưng chính xác, thiết tưởng nên áp dụng triệt để các hệ thuyết của thủ tục viết cho công việc xét xử được thêm bảo đảm, không những cho các tụng phương, mà còn cho sự tiến bộ của luật pháp mà tối cao pháp viện, mặc dầu chỉ đóng vai trò tài phán, phải là cơ quan định hướng và điều hòa. Thủ tục viết được áp dụng triệt để trước tham chính viện Pháp quốc, do đó sự xét xử rất thận trọng và chắc chắn mà lại được thêm phần tiến bộ. Tham chính viện Pháp quốc sở dĩ đã xét xử được một cách rất sáng suốt chính do các bảo đảm của bút tụng nhằm tránh các ảnh hưởng của các luận cứ quá đột ngột trình bày bằng miệng trước phiên tòa.
102._ Đặc tính thứ nhì là sự mật cứu, tức là sự cứu xét vấn đề tranh tụng một cách kín đáo. Người ta hay lầm lẫn tưởng rằng đặc tính này là di tích của một thủ tục độc tài. Mật tụng chỉ có nghĩa là công cuộc thẩm cứu từ tờ trình sơ khởi, cùng các đề nghị phương pháp thẩm cứu, và nhất là bản thuyết trình tổng kết cũng như bản kết luận trạng của viện chưởng lý hay ủy viên chính phủ làm sẵn theo thủ tục viết, và nạp trong hồ sơ trước ngày phiên tòa, cùng dự thảo quyết nghị của ủy viên thuyết trình, cũng như các cuộc hội thảo trước ngày phiên tòa, đều có tính cách mật, tức là, các tụng phương không có quyền biết hay tham khảo để làm tài liệu hay dùng làm luận cứ tranh luận. Nếu các đương sự tham khảo hồ sơ thì bao giờ Ban lục sự cũng phải rút hết các bản văn và tài liệu thuộc về đặc tính mật tụng này. Nhưng tất cả các bút lục khác, kể cả các bản có đóng dấu mật hay tối mật, cũng phải được để cho các tụng phương tự do tham khảo. Trong thủ tục bảo hiến áp dụng trước tối cao pháp viện, bản kết luận trạng của viện chưởng lý lại được tống đạt cho các tụng phương như các lý đoán nên thường gây cảm tưởng Viện chưởng lý cũng là một tụng phương.
103._ Sau hết là đặc tính truy khảo của tố tụng công pháp. Trong dân sự và thương sự tố tụng, thẩm phán chỉ là một trọng tài của một cuộc so gươm pháp lý giữa các tụng phương, còn trong tố tụng công pháp, nhất là trong sự kiểm hiến tính và hợp pháp tính thì trái lại pháp đình có bổn phận phải truy tầm bằng chứng, và tự ý mình, mặc dầu không có tụng phương nào đòi hỏi, mà làm mọi hành vi thẩm cứu cần thiết để làm sáng tỏ vấn đề trước khi xét xử. Các pháp đình công pháp có quyền truy tầm bằng chứng tương tự như trong thủ tục hình sự, nhưng có điểm đặc biệt cần lưu ý tới để tránh mọi ngộ nhận, là sự truy tầm chỉ liên quan tới tình trạng của các tụng phương cơ quan, vì chỉ có cơ quan mới nắm giữ tất cả các tài liệu liên quan tới nội vụ. Nếu áp dụng nguyên tắc căn bản của Dân sự tố tụng, bắt buộc người nào nêu lên sự kiện gì thì phải chứng minh sự kiện đó, thì nguyên tắc này sẽ mang tới một sự bất công trong tố tụng công pháp. Thật vậy, các tư nhân tranh chấp trước các pháp đình tư pháp thường ở trên một bình diện bình đẳng pháp lý và thực tế trong quyền biện hộ. Còn trái lại, trước các pháp đình công pháp thì sự bất bình đẳng tự nhiên giữa các tụng phương pháp nhân công pháp và tư nhân cần phải được giảm tiết bằng thủ tục truy tầm đới cới các tụng phương pháp nhân công pháp mới có thể tái lập được một sự bình đẳng thực tế trong các vị trí biện hộ trước các pháp đình công pháp. Do vị thế, người công dân bao giờ cũng phải đứng nguyên đơn khởi tố, tức là đứng ở vị trí tranh luận khó khăn, do bản chất của tố tụng như một thế tấn công chiến lược vào pháo đài, mà lại còn có nghĩa vụ phải chứng minh các sự kiện do pháp nhân công pháp bị đơn nắm giữ, thì khó mà có thể thắng kiện được. Do đó người ta nhận định rằng, cần phải áp dụng thủ tục truy tầm để hỗ trợ cho sự biện hộ của tư nhân. (hay).
104._ Tuy nhiên, các luật gia tư pháp thường vẫn không hiểu rõ hậu quả của các đặc tính này mà lầm tưởng rằng, một khi các pháp đình công pháp thường đã bị nghi kỵ là thiên vị, lại còn áp dụng một thủ tục truy tầm và mật cứu thì phải coi thủ tục tố tụng công pháp như không hội đủ các điều kiện kỹ thuật tối thiểu của một tố tụng tài phán đối tụng thật sự. Thực tế đã chứng minh ngược lại, nhất là tại Pháp quốc, như trên vừa nói, các pháp nhân công pháp sở dĩ đã chế tài chặt chẽ được các hoạt động bất hợp pháp mọi cấp bậc một phần lớn là do sự hỗ trợ đắc lực của thủ tục tố tụng truy tầm hữu hiện này (Xem án văn Barel C.E 1954).
105._ Tuy nhiên, như đã nói trong phần nhập đề, tât cả các nguyên tắc căn bản của tố tụng phổ thông vẫn được các pháp đình công pháp áp dụng, hoặc một cách trực tiếp hoặc gián tiếp coi như lý trí thành văn nếu không trái với các đắc tính của tố tụng công pháp (xem lại tính cách biệt lập của tố tụng công pháp). Các vấn đề sau đây sẽ được tuần tự khảo sát:
– Điều kiện lợi ích để khởi tố;
– Đơn khởi tố và thời hạn của tố quyền:
– Thủ tục thẩm cứu và xét xử.

MỤC 1._ Điều kiện lợi ích để khởi tố:
106._ Điều kiện quan trọng nhất để khởi tố, lợi ích của tố quyền là một điều kiện căn bản chung cho tất cả mọi tố tụng. Nhưng trong công pháp tụng, điều kiện này có các hệ thuyết khác biệt so chiếu với tố tụng phổ thông.
Theo tố tụng phổ thông, mặc dù trong nhiều trường hợp, đương sự có thể có lợi ích lý thuyết hay vị tất, hay chắc chắn nhưng chỉ xảy ra trong tương lai, nếu chưa có tranh chấp thực tại đã xảy ra thì theo nguyên tắc chưa có quyền khởi tố. Hơn nữa lợi ích của tố quyền phải có tính cách cá nhân đối với nguyên đơn, ngoại trừ trường hợp nguyên đơn nhân danh một tập thể có pháp nhân tính để hành động cho lợi ích của pháp nhân, các hội viên hay đoàn thể. Luật lệ và án lệ chỉ chấp nhận một vài biệt lệ cho phép các đương sự được khởi tố trước khi sự tranh chấp xảy ra, nhưng xét cho kỹ thực ra trong các trường hợp đó có thể coi như đã có lợi ích thực tại rõ rệt rồi, đó là tố quyền khai nhận và kiểm tra văn tự và tố quyền cáo giác tân tạo. Ngoài ra, án lệ tư pháp cung chỉ cho phép làm các cuộc giám định hay điều tra cho tương lai (còn gọi là điều tra tiền tụng) trong trường hợp nguyên ủy và sự tranh chấp đã phát sinh trong thực tế, nhưng các đương sự chưa khởi tố chính vụ. Trong các trường hợp đó, thẩm phán cấp thẩm có thể quyết định, theo lời yêu cầu của các đương sự, cử giám định viên để làm giám định ngõ hầu tránh sự phi tiêu tang chứng trong các trường hợp khẩn cấp. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời không ảnh hưởng chi tới chính vụ, và nhất là chưa phải là một tố quyền thật sự. Trong lĩnh vực công pháp, cũng vậy, theo điều 22 kép, dụ số 2 ngày 5/1/1950, bổ túc bởi dụ số 36 ngày 8/10/1954, Chánh án Tòa án hành chánh có thể ra lệnh cho thi hành ngay mọi biện pháp thích ứng miễn là không ảnh hưởng tới chính vụ. Nhưng đây cũng chỉ là biện pháp phi tụng, không đặt vấn đề tố quyền thật sự. Trong lĩnh vực tư pháp, không thể có các tố quyền nào có tính cách chất vấn, hay có tính cách khiêu phát như trong tố tụng Anh – Mỹ, mặc dù đương sự có lợi ích để khởi tố chất vấn hay khiêu phát trước khi có sự tranh chấp xảy ra thực sự.
107._ Trong lĩnh vực công pháp tụng, quan niệm lợi ích để khởi tố, một mặt có thể coi như bao gồm luôn điều kiện tranh chấp thực tại, một mặt khác cũng có thể coi như đã hướng về sự chấp nhận tố quyền khiêu phát và tố quyền chất vấn của kỹ thuật pháp lý Anh-Mỹ.
a) Trước hết, điều kiện lợi ích của tố quyền coi như bao gồm rộng rãi điều kiện tranh chấp thực tại trong các tố tụng toàn diện tài phán cũng như trong tố tụng khách quan, nhưng được hiểu theo nghĩa chặt chẽ hơn trong tố tụng toàn diện tài phán. Thực vậy, trong tố tụng toàn diện tài phán tiêu biểu nhất là tố tụng xin bồi thường, nguyên đơn phải minh chứng các sự thiêt hại thực tại đã xảy ra, hay các sự thiệt hại trong tương lai, nhưng đã phải có tính cách chắc chắn và định khoản được ngay trong hiện tại. Còn các sự thiệt hại vị tất trong tương lai thì không thể làm nền tảng cho tố quyền được. Ngoài ra, trong tố tụng toàn diện tài phán cũng như trong tố tụng khách quan, một khi đối tượng của sự tranh chấp đã tiêu tan thì pháp đình không có thể tiếp tục xét xử, vì tố quyền trở nên vô đối tượng, nên pháp đình không có vấn đề gì để xét xử nữa. Thí dụ một hành vi hành chính bị khiếu nại trước pháp đình công pháp, đã được cơ quan tác giả, hay cấp trên thu hồi hay bãi bỏ trước khi Tòa tuyên án, và trước khi được thi hành thì pháp đình thụ lý phải tuyên bố không có gì phải xét xử, trong trường hợp nguyên đơn không xin bãi nại hay xin bôi bỏ vụ kiện. Đi xa hơn nữa, pháp đình công pháp còn cho rằng, khi đối tượng của một sự tranh chấp thực tại có tính cách bất hợp pháp một cách trầm trọng quá hiển nhiên thì cũng có thể tuyên bố không có gì cần phải xét xử (tức là coi hành vi đó như không có vì không đủ các điều kiện tối thiểu để được coi là một hành vi hành chánh – Học thuyết về hành vi hư vô).
b) Ngoài ý nghĩa thứ nhất phù hợp một phần với tố tụng phổ thông, quan niệm lợi ích của tố quyền được nội dung hóa một cách rộng rãi tới mức có thể coi như chấp nhận ý niệm tố quyền khiêu phát hay tố quyền chất vấn, một mặt khác cũng coi như hướng về tố quyền nhân dân, do đó mọi công dân đều coi như có lợi ích trong sự chế tài mọi sự bất hợp hiến hay bất hợp pháp. Thực ra, danh từ “lợi ích để khởi tố” được chính thức lập pháp hóa lần đầu tiên trong luật số 7/68 ngày 3-9-68 điều 63, khi tuyên bố miễn cho các pháp nhân công pháp khỏi chứng minh lợi ích để khởi tố. Và lợi ích của tố quyền phát động thủ tục bảo hiến đã được nội dung hóa bằng định thức “nếu sự áp dụng các bản văn này (đạo luật, sắc luật, sắc lệnh, Nghị định và Quyết định hành chánh) làm thiệt hại đến quyền lợi của mình“.
108._ Về văn từ, định thức “nếu sự áp dụng” có hai ý nghĩa. Theo ý nghĩa thứ nhất thì tụng phương ở trong trường hợp đã bị áp dụng văn kiện này cho mình, và văn kiện đã làm thiệt hại đến quyền lợi thực tại của mình rồi. Đây là ý nghĩa tranh chấp thực tại, lợi ích để khởi tố thật là hiển nhiên. Nhưng tối cao pháp viện, trong một chính sách dân chủ hóa tố tụng để sự bảo hiến được thêm nhiều bảo đảm, đã chấp nhận một ý nghĩa thứ nhì rất rộng rãi, chỉ cần một giới hạn phải chăng. Tối cao Pháp viện đã chấp nhận chẳng hạn tố quyền của một công dân coi như có lợi ích đề xin phán xử về hợp hiến tính và hợp pháp tính cảu một nghị định liên bộ kinh tài về thuế kiệm ước (Phán quyết ngày 5/5/70 Nguyễn Văn Chức k/Bộ Kinh tế và Tài chính). Như vậy là quan niệm của Việt Nam rộng rãi hơn Pháp quốc về phương diện tư cách công dân để khởi tố các văn kiện liên quan đến ngân sách quốc gia. Tối cao Pháp viện cũng đã chấp nhận đơn khởi tố của một Nghị viên của Hội đồng Đô thành, coi như có lợi cích để xin phán xử về một Sắc lệnh của Thủ tướng mà đương sự coi như vi phạm Hiến pháp mặc dầu đương sự không ở trong trường hợp đã bị áp dụng văn kiện lập qui tổng quát này đối với mình (Án văn Nguyễn Thị Thu Cúc kháng Thủ tướng Chính phủ ngày 4/4/1973). Phải nhận định rằng, án lệ này rất hợp lý, vì mặc dù tranh chấp chưa xảy ra đối với trường hợp cụ thể của đương sự, nhưng lợi ích của tố quyền thật là hiển nhiên. Hơn nữa, đương sự ở trong tập thể qui định bởi văn kiện, tức là có lợi ích trực tiếp để khởi tố chứ không phải lợi ích gián tiếp, nhưng trong án lệ chấp nhận tố quyền của công dân để chỉ trích một văn kiện thuộc ngân sách Quốc gia.
109._ Thực ra, cần phải hạn chế sự dân chủ hóa tố quyền quá mức này về mặt kỹ thuậ, nhưng trong sự so chiếu hai án lệ trên đây, tố quyền chỉ có thể được chấp nhận, theo ý chúng tôi, khi lợi ích vị tất trong tương lai, có tính cách trực tiếp, tức là văn kiện có thể làm thiệt hại trực tiếp đến quyền lợi của mình. Thí dụ: Một sự thay đổi quy chế chung cho một ngạch có các điều khoản có thể coi như bất hợp hiến và bất hợp pháp. Một sự bổ nhiệm bất hợp pháp vào một ngạch trật mà luật pháp bắt buộc phải có một văn bằng. Trong trường hợp này chỉ các công chức trong các ngạch đó mới có lợi ích của tố quyền trong sự xin phán quyết về các quyết định bất hợp pháp kể trên. Người công dân không thể lấy lý do gián tiếp vì sợ rằng các hành vi bất hợp pháp của người công chức bất hợp pháp sẽ làm sau này, có thể làm thiệt hại đến quyền lợi của mình mà khởi tố được. Một sinh viên hay bố mẹ của sinh viên có quyền xin tiêu hủy sự bổ nhiệm một ông giáo sư hay một ông khoa trưởng hoặc Viện trưởng hay không, vì dù sao không thể nói được rằng sự bổ nhiệm bất hợp pháp không liên quan chi tới các đương sự được. Theo ý chúng tôi thì có thể tố quyền cho các đương sự có thể bị gián tiếp ảnh hưởng bởi các sự bổ nhiệm bất hợp pháp, khi các đương sự này ở trong một đoàn thể bị liên hệ trực tiếp hay bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành vi của người công chức được bổ nhiệm bất hợp pháp. Trong thí dụ giả thuyết kể trên thì có thể chấp nhận cho các sinh viên có tố quyền xin tiêu hủy các sự bổ nhiệm bất hợp pháp trong phạm vi đại học, nhưng các công dân khác không phải là sinh viên và không liên hệ trực tiếp tới Đại học thì không có tố quyền.
110._ Thực ra, Tham chính viện Việt Nam và Pháp quốc đã đặt được các tiêu chuẩn khá tinh vi. Hiện tại, các đương sự chỉ cần ở trong một phạm vi một giới hay một đoàn thể cùng có quyền lợi chung về một vấn đề là có lợi ích để xin tiêu hủy hay phán xử về hợp pháp tính của mọi hành vi liên quan tới đoàn thể hay giới hoặc tập thể của đương sự mà không cần viện dẫn lợi ích cá nhân đặc biệt của riêng mình nữa. Các giới hay đoàn thể hoặc tập thể trong mọi lãnh vực đều được chấp nhận, ngoại trừ tập thể công dân trong quốc gia chưa được Tham chính viện chấp nhận vì phạm vi quá bao la. Do đó, các pháp đình không chấp nhận đơn khởi tố của một công dân chịu thuế trong quốc gia khiếu nại về các quyết định liên quan tới ngân sách quốc gia, mà không liên hệ chi tới quyền lợi riêng hay đàon thể của đương sự ngoài tư cách công dân Quốc gia. Nhưng ngược lại, án lệ Pháp quốc đã chấp nhận đơn khởi tố của một người cắm trại, lấy tư cách này để xin tiêu hủy một nghị định địa phương qui định về thể lệ cắm trại, dù nghị định này chưa áp dụng với đương sự, nhưng vì lý do có thể một ngày kia đương sự có thể tới cắm trại tại xã này (Án văn Abisset C.E. 14-21958). Tham chính viện Việt Nam đã dùng một định thức rất uyển chuyển để diễn đạt lợi ích của tố quyền trong tố tụng tiêu hủy. Khi chấp nhận cho đương sự được  khởi tố để khiếu nại về một quyết định Hành chính thì lợi ích chính là tính cách khả dĩ làm tổn thương của quyết định bị khiếu nại. Định thức này coi như bao gồm cả khunh hướng dân chủ hóa tố tụng lẫn các tiêu chuẩn hạn chế tối thiểu để tránh sự đưa đến tố quyền nhân dân, ở đó bất cứ ai cũng có quyền khởi tố về bất cứ vấn đề gì.
111._ Trong tương quan giữa các pháp nhân công pháp, tuy luật số 7/68 tổ chức tối cao Pháp viện, đã minh thị miễn cho đương sự khỏi chứng minh lợi ích để khởi tố, nhưng trong thực tế sẽ phải chấp nhận quan niệm lợi ích trên một bình diện khác. Nếu pháp nhân công pháp có thể tự mình điều chỉnh lấy hành vi bất hợp pháp, hay tự mình chấm dứt được mọi hậu quả của một hành vi, thì phải hành sử thẩm quyền của mình, chứ không không được khởi tố vì lý do một khi chính mình có thể và có bổn phận giải quyết lấy thì không có lợi ích để khởi tố trước các pháp đình yêu cầu cơ quan tài phán làm một hành vi thuộc thẩm quyền của chính mình. Do đó một cơ quan cao cấp không thể khởi tố để xin tiêu hủy một quyết định của cấp dưới trực thuộc vào quyền thượng cấp, vì cơ quan cấp trên có quyền tự mình tiêu hủy quyết định của cấp dưới. Trong trường hợp, cấp dưới thuộc về một hệ thống tự trị, cấp trên chỉ kiểm soát theo quyền giám hộ, thì chỉ khi nào quyền giám hộ không thể tiêu hủy trực tiếp được một hành vi của cơ quan bị kiểm soát mới có quyền và lợi ích để khởi tố. Ngược lại, cấp dưới cũng không có quyền xin tiêu hủy các quyết định của thượng cấp về các vấn đề tổ chức và điều hành công vụ thuộc về cơ quan trong đó người công chức cấp dưới phục vụ vì đó là các hành vi nội bộ. Nhưng các cơ quan phân quyền tự trị có lợi ích để xin tiêu hủy các quyết định của cơ quan giám hộ xâm phạm tới quyền lợi của cơ quan tự trị trong sự hành xử quyền giám hộ, kể cả các hành vi đã ban hành theo quyền thế quyết (mặc dầu theo nguyên tắc các hành vi này được coi như do chính cơ quan đại phương tự trị ban hành). Ngoài ra án lệ cũng còn chấp nhận cho các Tổng trưởng được xin tiêu hủy các quyết định của Tổng trưởng khác, mặc dầu tố quyền này có vẻ mâu thuẫn vì như vậy khác chi quốc gia lại tự khởi tố đối với mình và trái với nguyên tắc thuần nhất quốc gia. Nhưng tại Pháp người ta đã chấp nhận tố quyền này vì nó bảo vệ sự tôn trọng luật pháp. (Án văn Tham chính viện Pháp ngày 10-3-1933 và ngày 2-11-1934). Theo vậy, sự miễn minh chứng lợi ích để khởi tố nói trong luật số 7/68 nhằm mở rộng tố quyền đối với các Công pháp nhân, nhưng cũng giới hạn là nếu chính các đương sự có thể giải quyết được bằng một biện pháp chấp hành thuộc thẩm quyền của mình thì không có lợi ích để khởi tố. (Xem án văn Tối cao Pháp viện ngày 12-12-1969 đã cho rằng Thượng viện không thể đứng đơn kiện về tính cách bất hợp hiện của một văn kiện lập pháp thay vì dùng quyền hạn của mình để tự mình sửa đổi).
112._ Có một vấn đề liên hệ tới lợi ích của tố quyền là sự khiếu nại trước tiên. Trước kia chính Bộ trưởng tự xử lấy các khiếu nại nên sau tập tục cho rằng cần phải khiếu nại đối với cấp hữu quyền tức là tác giải của hành vi hay thượng cấp của của tác giả, tức là cơ quan vừa có thẩm quyền vừa có bổn phận giải quyết vấn đề. Nếu các cơ quan hành chánh này  không thỏa mãn các thỉnh cầu thì lúc đó các đương sự mới có lợi ích để khởi tố và tranh tụng, do đó tranh tụng được coi như đã kết hợp từ giai đoạn khiếu nại tiền tụng có viện dẫn lý do và có các thỉnh cầu xin tiêu hủy hay điều chỉnh. Đó là di tích của giai đoạn và học lý Tổng trưởng thẩm phán (Ministre juge). Trong thực tế hiện tại, sự khiếu nại hành chánh chấp hành thường đưa tới các kết quả thỏa mãn yêu sách của đương sự một phần nào, vì các cơ quan hành chánh bị khiếu nại có dịp trông thấy rõ vấn đề và điều chỉnh lại hành vi của mình, hoặc dàn xếp thỏa đáng đối với các đương sự khiếu nại. Nhất là trong các đơn khiếu nại có tính cách tiền tụng, tức là có viện dẫn lý do về sự bất hợp hiến hay bất hợp pháp và có thỉnh cầu tiêu hủy như trong đơn khởi tố nên các cơ quan hành chánh tác giả hay thượng cấp thường thẩm xet thận trọng để tránh khỏi bị khởi tố trước tòa, do đó đã tránh được một số vụ kiện. Ngoài ra nhân dịp thảo luận với các cơ quan, người khiếu nại cũng có thể lúc đó  mới biết rõ hành vi của cơ quan là có căn cứ và khiếu nại của mình không hợp lý nên cũng bỏ ý định khởi tố nguyên thủy, nếu có. Theo luật thực tại Việt Nam, ngoại trừ cac trường hợp bắt buộc minh thị như trong tố tụng thuế trực thâu, tố tụng giữa nhà thầu công tác công chính và cơ quan kết ước và có lẽ cả trong trường hợp người công chức thuộc loại do cấp Thủ tướng trở lên bổ nhiệm, sử dụng tố tụng công chức cần phải có một quyết định (giả thuyết này rất hiếm v2i thường khi khiếu nại về tình trạng Hành chánh là đã có một quyết định khả dĩ làm tổn thương để xin tiêu hủy hay phán xử về hợp hiến và hợp pháp tính).
113._ Người ta thường diễn đạt điều kiện phải khiếu nại trước khởi tố sau bằng điều kiện gọi là quyết định trước tiên (décision préalable: quyết định trước). Theo một lập trường khắc khe, người ta thường căn cứ vào điều 10 của Dụ số 38/54 tổ chức Tham chính viện để cho rằng trước tham chính viện nhất thiết có quyết nghị trước tiên. Điều 10 như sau: “Trong bất cứ trường hợp nào, Tham chính viện chỉ có thể xét xử khi nào có một quyết nghị của nhà chức trách hành chánh, hay một bản án của Tòa án hành chánh hay một pháp đình hành chánh nào khác. Nhà chức trách hành chánh nào tiếp đơn thỉnh cầu của ai về việc gì mà lặng thinh trong một thời gian là 2 tháng, sẽ coi như là đã ra quyết định bác lời thỉnh cầu đó”. (Hay quá). Người ta cũng còn nại thêm điều 21d Dụ này để minh chứng rằng cần phải khiếu nại trước mới được khởi tố sau, điều 21b như sau: “Thời hạn này (thời hạn 2 tháng để khởi tố) sẽ được đình kể trong trường hợp đương sự làm đơn xin thủ tiêu quyết nghị hành chính hoặc trước nhà chức trách tác giả hoặc trước thượng cấp của họ. Nếu nhà chức trách không trả lời, sự im lặng kéo dài 2 tháng được coi như là một quyết nghị từ chối. Như vậy thời hạn 2 tháng ghi ở đoạn a sẽ tính từ ngày thời hạn 2 tháng đã mãn”.
114._ Thực ra theo tinh thần và văn từ, điều 10 và điều 21 kể trên không đòi hỏi phải khiếu  nại trước mới được khởi tố sau. Theo điều 10 thì cần phải có một quyết nghị hành chính th2i Tham chính viện mới có thể thụ lý, nếu muốn dùng danh từ quyết định trước tiên, thì chính quyết định bị khiếu nại đó là quyết nghị trước tiên rồi. Không thể hiểu định thức quyết nghị trước tiên như nhất thiết phải đòi hỏi một sự khiếu nại trước khi khởi tố. Lẽ dĩ nhiên khi chưa có một quyết định nào thì cần phải tạo ra một quyết định trước tiên bằng sự khiếu nại trước tiên, còn trong trường hợp đã có quyết nghị bị chỉ trích rồi thì phải coi như hội đủ điều kiện ấn đ5inh trong điều 10 Dụ 38/54. Còn điều 21 thì lại có ý nghĩa khác hẳn, không đặt một điều kiện nào cả, mà chỉ trù liệu trường hợp kéo dài thời hạn tố quyền bằng một sự khiếu nại tiền tụng. Sự khiếu nại này cần phải viện dẫn lý do, và nhất là cần phải có thỉnh cầu thủ tiêu quyết định hành chánh bị khiếu nại thì mới có hiệu lực kéo dài thời hạn khởi tố. Trong rất nhiều trường hợp khiếu nại trước cơ quan tác giả của hành vi hay thượng cấp mà các tụng phương quên không xin tiêu hủy, nếu sau này có khởi tố thì Tham chính viện từ chối không chấp nhận hiệu lực kéo dài thời hạn khởi tố (một thỉnh cầu xin ân huệ không có tính cách tiền tụng nên không có hiệu lực kéo dài thời hạn khởi tố ( Án văn BS Trương Văn Quýnh TCV 2-8-68).
115._ (…112-113).

MỤC II: Phát động tố quyền và thời hiệu:
a) Phát động tố quyền: Sự phát động tố quyền bắt đầu thường lệ với đơn khởi tố như trong mọi tố tụng….(114-117).
b) Thời hạn tố quyền (117-121)./.

HẾT QUYỂN I

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar