ĐIỂN CHẾ HÌNH SỰ TỐ TỤNG
Về hình sự tố tụng, ở Việt Nam hiện thời, tình trạng pháp chế rất là hỗn tạp. Tại mỗi phần có một bộ luật riêng về tổ chức tòa án, về thủ tục án từ. Bắc phần có Bắc Việt Hình Sự Tố Tụng. Trung phần có Hoàng Việt hình sự tố tụng, pháp viện biên chế. Nam phần có bộ thẩm cứu hình sự của Pháp. Chung cho toàn quốc, Dụ số 4 ngày 18-10-1949 thiết lập nền tư pháp Việt Nam là một bước rụt rè trên con đường thống nhất điển chế còn đượm màu thẩm cứu hình sự của Pháp.
Bộ Thẩm cứu hình sự Pháp, biên soạn dưới đệ nhất đế chế nhưng không được mang danh Hoàng đế Napoleon, vẫn còn được áp dụng trước các Tòa án Nam phần và ảnh hưởng rất nhiều đến luật lệ Trung, Bắc. Ngay ở Pháp, lúc này, người ta đã bỏ bộ Thẩm cứu hình sự vì không còn hợp thời, khiến ngày càng sự sai biệt giữa nguyên tắc và thực tế càn trần trọng; kêt quả là Tòa án phải làm ngơ trước nhiều hành vi phi pháp, mở cửa cho mọi sự lộng hành coi thường pháp luật, bước đầu của sự tan rã xã hội. Các luật hình sự tố tụng ở Việt Nam đều do Pháp soạn thảo và ban hành nên đều thấm nhuần chủ nghĩa cá nhân của thế kỷ 19 dưới trời Âu, không phản ánh được triết lý chính trị và phù hợp với cơ cấu tổ chức của công hòa Việt Nam lấy nhân vị, cộng đồng, đồng tiến làm nền tảng. Vì pháp chế hỗn tạp, vì luật lệ thay đổi, vì triết lý chính trị thay đổi, Quốc hội Việt Nam đã thành lập một tiểu ban soạn thảo bộ hình sự tố tụng duy nhất cho toàn quốc. (Tiểu ban này do ông Nguyễn Quốc Hưng làm chủ tịch). Không những lầy lý thuyết nhân vị làm nền tảng, giữ thế quân bình giữa tự do cá nhân và an ninh cộng đồng, giữa giá trị của nhân vị phải tôn trọng và phát huy với những quyền lợi của cộng đồng phải bảo vệ và hưng triển, theo kịp các trào lưu tiến hóa của thế giới. Dự án hình sự tố tụng còn phải làm khởi sắc truyền thống chí nhân của dân tộc đã thể hiện trong các công cuộc điển chế từ hồi lập quốc.
Không nói tới nền pháp luật của Việt Nam đã có từ đầu công nguyên được nhắc lại tại bản điều tấu của Mã Viện, mà nay không còn di tích. Các hình thư thời Lý đã nêu lên những nguyên tắc lúc này còn ghi trên bản tuyên ngộn nhân quyền quốc tế. Trước hết, việc vua Lý Thánh Tông thấu rõ cảnh khổ của các tội nhân đang bị giam cầm khổ cực trong khi tội vạ chưa xét rõ và truyền đối đãi với họ tử tế đã hàm ý “phàm ai bị cáo về một tội phạm gì đều được phòng đoán là vô tội cho đến khi tội trạng ấy được chứng minh rõ rệt trong một vụ xử công khai có đủ hết đảm bảo cho bị cáo về quyền bào chữa” (Điều 11 bản Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế). “Chỉ thị của vua Lý Thái Tông về việc xử các tội nhân một cách khoan hồng, không kể tội nặng nhẹ, là một hình ảnh mới lạ của một chính sách hình sự chưa hế thấy áp dụng ở TRung Hòa: Chính sách cải hóa tội nhân” (Dân luật Khái luận tr 185 Vũ Văn Mẫu). Dưới Triểu Lê, ta lại có một bộ lật tố tụng riêng biệt: Quốc triều khám tụng điển lệ hay Quốc triều từ tụng điều lệ mà giáo sư Vũ Văn Mẫu đã phải viết: “Đây là lần đầu tiên, trong lịch sử pháp luận ở Việt Nam và có lẽ cả Đông Phương, có một bộ luật tố tụng riêng biệt. Và cũng là một vinh hạnh cho nhà làm luật Lê Triều đã biết phân biệt rõ ràng các điều luật về nội dung và các điều luật về tố tụng, liên can đến cách tổ chức nền tư pháp và cách thưa kiện”. Sách Lịch Triều Hiến chương Loại chí, chương hình luật có chép: “Năm thứ 3, niên hiệu Long Đức, đời vua thuần tôn định lệ xử kiện. Phàm việc kiện về án mạng, quan Phủ, Huyện thấy đén trình, hễ là đánh nhau chết, cố ý đánh chết, lập mưu mà giết, thù hằn mà giết, đích xác là việc án mạng, đến xin trình khám nghiệm, thì mới được khám xét; còn như chết đã lâu năm, không có khám nghiệm gì cả, mà đặt điều kêu càn, hay là người ngoài tố cáo bậy, thì các quan Phủ, Huyện không được khám xét. Những việc kiện đem đến kêu, thì phải biên rõ họ tên người bị cáo và đơn, không được liên can đến người ngoài, đặt điều nại càn. Quan đương thời phải xét xem có quả là người có tư cách mới nhận đơn; còn a dua, kêu láo thì nhất thiết bác bỏ. Ai kêu bị ức hiếp, mà chỉ nói trống là bị người quyền quý, không nói rõ tên thì quan Hiến Ty không được xét. Năm thứ 38 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Hiển Tôn, định điều lệ xét xử kiện. Ra chỉ dụ cho các nha môn xử kiện, đại lục nói rằng, việc kiện cáo cốt sao cho giảm bớt được, từ trước các điều lệ về việc xét xử, đã được các tiên triều chuẩn định không sót điều gì; duy những người thừa hành, thường coi làm hình thức mà không theo đúng; mối tệ ngày càng thêm nhiều, thanh ra làm khổ cho dân, sự tình ấy ta đã xét rõ. Nay phó cho các quan đình thần, bàn định châm chước đặt các điều lệ về kiện tụng, làm thành luật pháp nhất định, đóng thành sách, ban cho các nha môn tuân theo, và bắt phải chuyển sức cho các thuộc liêu phải theo cho đúng các điều lệ ấy. Lam sao cho chính sự được công bình, ngục tung được thanh thỏa, dân được sung túc, yên vui, để cho xứng đáng chức vụ …”.
Coi qua đủ thấy ngay thời Lê mạt, luật lệ tố tụng về hình sự cũng vẫn lo cho “ngục tung thanh thỏa” “dân chúng yên vui”. Quan niệm chí nhân quả là một truyền thống của dân tộc./.
Bình luận