Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

3. Hành vi thương mại

HÀNH VI THƯƠNG MẠI 

I. Ý NIỆM ĐẠI CƯƠNG
Trong phần dẫn nhập, chúng ta thấy nhà làm luật dùng hai phương pháp để định nghĩa danh từ thương gia. Phương pháp chủ quan, lấy thân thế nhà buôn làm yếu tố như tại điều 1 Bộ Thương luật Pháp. Phương pháp khách quan lấy hành vi của thương gia để làm yếu tố định nghĩa, như tại điều 632 Bộ Thương luật Pháp và điều 7 Bộ Thương luật Trung, vì Bắc phần và Nam phần không có bộ luật thương mại riêng biệt. Điều 1 LTM 1972 cũng định nghĩa thương gia xuyên qua các hành vi thương mại khi nói rằng “thương gia là những người làm hành vi thương mại cho chính mình và lấy các hành vi ấy làm nghề nghiệp thường xuyên của mình“. Vậy nhà làm luật đã định nghĩa nhà buôn hay thương gia một cách khá đầy đủ qua hành vi thương mại. Do đó, muốn biết ai là thương gia, ta cần trước tiên, định nghĩa hành vi thương mại và phân tích các hành vi này. Thật ra, sự liệt kê các hành vi thương mại trong các điều luật 632 LTM Pháp và điều 7 TL Trung còn thiếu sót, vì bộ Thương luật Pháp soạn hồi đều thế kỷ 19 (Bộ thương luật Trung thì phỏng theo TL Pháp), nên đã kể thiếu sót các động tác mà lúc bấy giờ chưa phát đạt cho lắm. Thí dụ như sự bảo hiểm trên đường bộ, sự xuất bản sách báo, hoạt động về  khách sạn, hoạt động về quảng cáo v.v…Nếu áp dụng theo văn từ của điều 632 LTM Pháp thì gạt bỏ ra ngoài các hành vi không được dự liệu trong chính điều luật này, vì sự liệt kê của điều 632 có tính cách hạn định. Tuy nhiên, án lệ đã nới rộng phạm vi áp dụng của điều 632 cho danh từ kỹ nghệ “biến chế” (entreprise de manufacture) và trong tiết hành vi thương mại phụ thuộc mà ta sẽ xét sau. Mặt khác, nhà làm luật cũng đặt trực thuộc thương luật, sự khai thác hầm mỏ, cũng như bao gồm trong lĩnh vực thương luật các công ty hợp cổ và các công ty trách nhiệm hữu hạn, mặc dù các công ty này có thể hoạt động cho một mục đích dân sự. Xin lưu ý rằng, điều 632 bộ LTM Pháp không nói gì đến việc khai thác hầm mỏ, trái lại điều 7 Bộ thương luật Trung có liệt kê sự khai thác hầm mỏ để bán nguyên liệu là một hành vi thương mại. LTM 1972 đã liệt kê rất đầy đủ các hành vi thương mại nơi điều 341 đến 346, và như vậy, đã bổ túc các thiếu sót của LTM Pháp và LTM Trung. Chúng ta sẽ xét sau, các hành vi này. Nhưng phải dụa vào tiêu chuẩn nào để phân biệt một hành vi thương mại với hành vi dân sự?

II. TIÊU CHUẨN CỦA HÀNH VI THƯƠNG MẠI
1. Sự mua: Muốn có hành vi thương mại, trước hết phải có một tác động mua. Nhưng không phải sự mua một đồ vật gì cũng cấu thành một hành vi thương mại. theo điều 632 LTM Pháp và điều 7 LTMT thì phải mua hàng hóa, thực phẩm. Điều 342 LTM 1972 định một cách rộng rãi rằng: Việc mua bán lại và cho thuê các tài vật và hàng hóa bất cứ loại gì là một hành vi thương mại. Vậy mua một bất động sản, dù để bán lại cũng không phải là một hành vi thương mại, vì như đã biết, tranh tụng về bất động sản thuộc thẩm quyền của tòa dân sự. Tuy nhiên có môt số án lệ cho rằng việc mua đất để làm nhà bán lại kiếm lời là một hành vi thương mại. Mặt khác, một công ty buôn bán bất động sản, nếu thành lập dưới hình thức thương mại, nghĩa là mua đi bán lại để trục lợi, thì công ty có tính cách thương mại.
a) Vì cần có hành vi mua, nên những người bán chính những đồ vật do chính mình sản xuất ra không phải là thương gia. Ví dụ: Nhà nông bán lúa thóc của mình, người chăn nuôi bán gà vịt trâu bò cảu y thì không phải vì thế mà trở thành thương gia. Nhưng nếu những người này còn mua thêm hàng hóa, thực phẩm cùng loại của chính họ sản xuất để bán ra kiếm lời thì hành vi của họ mang tính cách thương mại, nếu hành động của họ xảy ra đều đều và có tính cách chuyên nghiệp (Điều 346 LTM 1972). Nhà nông cũng có thể có một xưởng chế biến thành thực phẩm thổ sản của y. Trong trường hợp này, y không trở thành thương gia. Trường hợp người chăn nuôi đã chế biến sửa thành bơ và pho mát cũng không phải là thương gia.
b) Cũng áp dụng tiêu chuẩn trên, các văn sĩ, nhạc sỉ, bán những tác phẩm của họ thì họ không phải là thương gia, nhưng những nhà xuất bản mua bản quyền của các văn sĩ, nhạc sĩ, để in thành sách và bán lại là thương gia;
c) Đối với sự khai thác một tờ báo, nhiều trường hợp cần phải xét đến: Nếu lấy quảng cáo, đăng quảng cáo thì đó là hành vi thương mại. Nếu viết báo để bênh vực một lý tưởng thì đó không phải là một hành vi thương mại. Nhưng chủ báo dùng nhiều phóng viên thu thập tin tức viết bài và có trả tiền công cho họ thì việc làm báo này có tính cách thương mại. Nếu tớ báo chứa đựng những đề tài chuyên môn để cho một số người đọc, vì dụ tờ báo đó có mục đích khảo cứu về khoa học và chính trị, xã hội v.v… không có tính cách kiếm lời thì nhà làm báo này ko6ng làm hành vi thương mại (thí dụ pháp lý tập san, hành chính tập san, tập san “Cấp tiến” …
d) Những người làm nghề tự do như luật sư, bác sĩ, kiến trúc sư v.v… không phải là thương gia vì họ không có mua tài vật gì để bán lại (điều 346 LTM 1972).
2. Sự bán lại: Tiêu chuẩn thứ nhì để xác định một hành vi thương mại là sự bán lại. Đây là yếu tố cần thiết để phân biệt một việc mua trong lãnh vực dân sự với một sự mua trong lãnh vực thương sự. Trong lãnh vực dân sự, ta mua một chiếc xe gắn máy có thể dùng để đi làm việc, hoặc để tặng cho bạn bè. Trong lãnh vực thương sự, người ta mua với ý định là đề bán lại, nếu làm hành vi mua đi bán lại với tính cách chuyên nghiệp, thì đó là một hành vi thương mại. Trong lĩnh vực thương mại, sự bán lại nhiều khi có thể xảy ra trước việc mua. Thí dụ: một nhà cung cấp có thể nhận bán nhiều hàng hóa cho một cơ quan chính phủ, nhưng lúc ký khế ước cung cấp, y có thể chưa có món hàng đó trong kho.
3. Sự kiếm lời: Mua đi, bán lại để trục lợi là làm một hành vi thương mại. Thật vậy, điều 349 LTM 1972 quy định rằng: “Mua với dụng ý bán lại để kiếm lời là việc mua bán có tính cách thương mại“. Trở lại với ví dụ về nhà báo. Nếu tờ báo chỉ phát hành với mục đích truyền bá một tư tưởng, hoặc truyền bá khoa học, không có mục đích kiếm lời thì chủ nhân tờ báo không phải là thương gia. Trái lại người nào mua bán chứng khoán kiếm lời là thương gia. Nhưng tiêu chuẩn kiếm lời quá rộng rãi, vì có nhiều hành vi trục lợi ngay trong việc mua bán về dân sự. Thí dụ mua một miếng đất rồi bán lại, mặc dù để kiếm lời, nhưng đây không phải là một hành vi thương mại, nếu như người này không phải là một người mua bán chuyên nghiệp. Ngược lại, tiêu chuẩn kiếm lời cũng hẹp hòi. Thí dụ một thương gia vì muốn quyến rũ khách hàng, có thể bán hàng hóa của y dưới giá vốn như vậy đã bị lỗ. Nhưng hành vi bán lỗ không làm cho y mất tư cách thương gia. Đối với các hợp tác xã, là những tổ chức hùn vốn để mua hàng hóa bán lại cho xã viên và chỉ lấy đủ vốn, và sở phí chứ không lấy lời, án lệ thường coi tổ chức nầy không làm thương mại, nếu chỉ bán choxa4 viên mà thôi. Nếu bán cho người ngoài thì hợp tác xã đã làm trung gian giữa người sản xuất và người tiêu thụ nên bị coi là làm hành vi thương mại. Đối với những cơ quan làm các dịch vụ có lợi ích công cộng như Nhà Đèn ở Pháp, cơ quan khai thác hầm mỏ, tuy không kiếm lời, nhưng bị coi như những cơ quan thương mại vì phải tổ chức theo phương pháp thương mại và trong hoạt động phải dùng đến cách thức của nhà buôn.
4. Sự luân chuyển tài sản: Thật ra, hành vi mua đi và bán lại đã mang tính chất luân chuyển tài sản rồi, nhưng thiết tưởng cũng cần nhấn mạnh đến tiêu chuẩn này mới có ý niệm rõ về hành vi thương mại. Thí dụ nếu mua một món hàng để dùng, hoặc để tiêu thụ thì không có sự luân chuyển tài sản, nên hành vi mua không thể được coi là hành vi thương mại. Ý niệm luân chuyển tài sản, xét một cách tổng quát rất đúng cho định nghĩa hành vi thương mại, tuy nhiên cũng có những tranh luận sau đây:
a) Tại sao mua một bất động sản rồi bán lại có lời mà không bị coi là hành vi thương mại?
b) Tại sao khai thác hầm mỏ để bán những khoán sản tìm được là một hành vi thương mại torng khi khai thác mỏ than, một mỏ đá hoa, một mỏ đá vôi lại bị dân luật chi phối?
c) Tại sao thường những người chạy việc (agents d’affaires:đại lý kinh doanh) bị coi là thương gia, trong lúc những cơ quan môi giới hôn nhân lại không bị coi là cơ quan thương mại?
Để giải quyết cac sự chỉ trích trên đây, Escarra có đề nghị một tiêu chuẩn đã được áp dụng trong thương luật Ý và Hà Lan. Đó là tiêu chuẩn căn cứ vào doanh nghiệp (entreprise: việc kinh doanh) khai thác bởi người thương gia. Nếu một người thực hiện các dịch vụ của y trong một xí nghiệp vĩnh cữu, có lập các dự án và có một tổ chức cho các dịch vụ nầy (vì chính các xí nghiệp hay tổ chức nầy hoạt động có tính cách chuyên nghiệp), thì hành vi của đương sự có tính cách thương mại. Thật vậy, điều 632 LTM Pháp có liệt kê những hành vi thương mại như hành vi của các doanh nghiệp chuyên chở, cung cấp hàng hóa, doanh nghiệp trung gian v.v… Tuy nhiên, ý niệm doanh nghiệp quá rộng lớn vì có những xí nghiệp không phải làm những hành vi thương mại, mà chỉ làm những hành vi dân sự, như xí nghiệp chế biến nông sản, xí nghiệp làm những món hàng tiểu công nghệ, những văn phòng của các công lại (offices ministériels). Đôi khi tiêu chuẩn đó cũng không xác thật, vì các người trọng mãi (coutier: người môi giới), các người kinh kỷ hay mãi biện (commissionnaire:đại lý hoa hồng), hay các người chạy việc (agents d’affaires:đại lý kinh doanh), mà điều 632 LTM Pháp xem như họ làm hành vi thương mại thì họ đâu có cần là những tổ chức doanh nghiệp, nhưng vẫn bị liệt vào hạng người thương gia. Tóm lại, mặc dù có những trừ lệ như đã nói trên, một hành vi mang tính thương mại khi nào nó là một sự mua đi bán lại các tài hóa chuyền tay được (ý niệm lưu thông tài sản) với tính cách chuyên nghiệp để trục lợi. Ngoài ra mua về để cho khách thuê mướn cũng là hành vi thương mại. Thí dụ: như mua xe hơi, xe gắn máy để cho thuê lại. Để chấm dứt cho các hành vi kê khai tại điều 632 LTM Pháp và điều 7 Bộ thương luật Trung là hạn định hay là những ví dụ, điều 342 LTM 1972 liệt kê sau đây các hành vi thương mại và nhấn mạnh rằng nó có tính cách chỉ dẫn, nghĩa là không hạn định. Đó là:
– Việc khai thác mỏ và nguyên liệu;
– Việc chế tạo và chế biến mọi sản phẩm kỹ nghệ;
– Việc mua để bán lại và cho thuê các tài vật và hàng hóa bất cứ loại ghì;
– Các nghiệp vụ ký kho và tồn trữ hàng hóa ;
– Mọi việc chuyên chở hành khách, tài vật và hàng hóa;
– Các nghiệp vụ bảo hiểm dưới mọi hình thức;
– Các nghiệp vụ hối đoái, ngân hàng, giao dịch chứng khoán;
– Các nghiệp vụ trung gian, trọng mãi, đại diện, đại lý thương mại;
– Các doanh nghiệp cung cấp vật liệu, dịch vụ xây cất, giải trí công cộng, xuất bản, truyền tin, truyền hình.
Sự liệt kê hành vi thương mại như trên, tuy có tính cách chỉ dẫn, nhưng rất đầy đủ và chấm dứt các tranh luận như về sự khai thác hầm mỏ, về sự bảo hiểm dưới mọi hình thức, về cac nghiệp vụ trung gian hay đại diện. Với các điều luật này, người ta không còn phân biệt việc khai thác hầm mỏ khoáng sản với các hầm mỏ khác, việc ký khế ước bảo hiểm hỗ tương, với các khế ước bảo hiểm, với các bảo phí nhất định, việc trung gian hay đại diện dưới mọi hình thức. Ngoài ra, để bổ khuyết cho pháp chế lúc xưa, lúc mà sự chuyên chở bằng đường biển và đường hàng không chưa phát triển nên chưa được ghi trong luật. LTM 1972 đã xem như hành vi thương mại các hoạt động về hàng hải và hàng không tại điều 343 như sau: “Cũng được xem là hành vi thương mại việc đóng tài và phi cơ, sự chuyên chở hàng hải và hàng không, việc mua bán hay thuê mướn thuyền tàu, phi cơ để dùng trong sự giao thông quốc nội hay quốc ngoại, mọi khế ước thủy vận và không vận“. Ngoài ra, điều 344 LTM 1972 có nói rằng, sự phát hành hối phiếu, bất kể trong trường hợp nào đều là một hành vi thương mại.

III. ÍCH LỢI CỦA SỰ PHÂN BIỆT HÀNH VI THƯƠNG MẠI VỚI HÀNH VI DÂN SỰ. Sự phân biệt hành vi thương mại với hành vi dân sự mang lại nhiều lợi ích:
a. Lợi ích chính: Trước nhất, sự phân biệt trên sẽ chỉ rõ tòa nào có thẩm quyền xét xử một vụ tranh tụng. Sau đó, sự phân biệt này cũng ấn định cách thức dẫn chứng. Nếu là hành vi thương mại thì Tòa thương mại mới có thẩm quyền giải quyết. Thật vậy, điều 631 LTM Pháp quy định rằng: “Tòa án thương mại có thẩm quyền xét xử: 1. Những tranh tụng liên quan đến những cam kết giữa các người thương gia; 2. Những tranh tụng giữa các người hùn vốn trong một công ty thương mại; 3. Nhưng tranh tụng liên quan đến hành vi thương mại của tất cả mọi người”. Xin nhắc lại là sự ích lợi về thẩm quyền chỉ đúng tại Pháp, vì tại Việt Nam không có sự phân biệt giữa các Tòa Thương mại với các Tòa xử về việc hộ. Thứ đến, sự phân biệt hành vi thương mại với hành vi dân sự sẽ đưa đến cách thức dẫn chứng khác nhau. Theo điều 109 thương luật Pháp thì các sự mua bán có thể dẫn chứng bằng mọi cách, kể cả nhân chứng. Điều này liệt kê như sau các phương tiện dẫn chứng:
– Bằng công chứng thư;
– Bằng tư chứng thư;
– Bằng bảng liệt kê các số tiền thù lao cho người trọng mãi hoặc người kinh kỷ thuận nhận của đàng bán và đàng mua;
– Bằng hóa đơn có chữ ký chấp nhận của đàng mua;
– Bằng thư từ giữa đôi bên;
– Bằng sổ sách kế toán;
–  Và bằng nhân chứng nếu Tòa án thấy cần nên cho phép.
Điều 347 LTM 1972 cũng định rằng: Trừ phi luật định khác, những khế ước thương mại có thể dẫn chứng bằng mọi cách. Trái lại, theo điều 1341 DLP, thì tụng phương không được dùng nhân chứng khi quyền lợi tương tranh quá số bạc 500 quan Pháp. Số bạc này tùy theo thời giá được tăng lên 1.500f bởi luật ngày 16-10-1940, kế đó lên 3.000f bởi dụ ngày 26-8-1943. Như vậy về hộ, nếu quyền lợi tranh tụng quá số 500 francs, các đương sự bắt buộc phải đem lại bằng chứng bằng giấy tờ. Trái lại, đối với các việc về thương sự, thông thường, mặc dù số tiền tranh tụng nhiều hay ít, tòa án đều cho phép viện dẫn nhân chứng, hoặc ngay cả đến sự phỏng đoán nữa. Lý do của sự phân biệt giữa hành vi thương mại với hành vi dân sự là cốt để cho các sự cam kết được mau lẹ, khiến cho tài sản lưu thông dễ dàng như đã biết. Sự dễ dàng về phương diện dẫn chứng của hành vi thương mại không là một yếu tố cần thiêt để phân biệt giữa một một hành vi thương mại với hành vi dân sự đối với luật pháp Việt Nam. Thật vậy, điều 45 Nghị định 16-3-1910 qui định thủ tục tố tụng về dân sự trước tòa án, công nhận ngay sự dẫn chứng bằng nhân chứng cho tất cả các vụ thương sự cũng như dân sự trong bất cứ giai đoạn nào của thủ tục tố tụng. Điều 60 Bộ dân sự tố tụng Việt Nam năm 1972, cũng nói rằng về thương sự, việc dẫn chứng được tự do, trừ phi luật dự liệu khác. Do đó, sự tự do dẫn chứng được luật pháp và án lệ chấp nhận tại Việt Nam.
b. Lợi ích phụ thuộc:
b1: Khế ước cầm đồ: Tùy theo khế ước này có tính cách thương mại hay dân sự, nó đòi hỏi những điềukiện khác nhau, hoặc về sự thành lập khế ước hoặc về sự thi hành lời hứa khi món nợ đáo hạn. Luật hộ với mục đích bênh vực người thiếu nợ, đòi hỏi điều kiện chặt chẽ, là cần phải có giấy tờ, có ngày tháng xác định và khi tới ngày trả nợ mà con nợ không trả, trái chủ phải được tòa cho phép mới được đem đồ vật cầm thế phát mại để trừ nợ. Trái lại, điều 91 đến 93 bộ Thương luật Pháp, giản dị hóa các điều kiện của bộ dân luật. Trước hết có thể chứng minh sự cầm đồ bằng các bằng chứng khác hơn giấy tờ. Sau đó tới hạn (như đã nói ở phần dẫn nhập), trái chủ chỉ cần báo cho con nợ biết rồi 8 ngày sau là có thể đem ra phát mịnh đồ vật để trừ nợ mà không cần xin phép tòa (Điều 93 Bộ Thương Luật Pháp sửa đổi bởi luật ngày 23-5-1863). Điều 406 LTM 1972 cũng dự liệu như vậy, nhưng buộc sự phát mại phải theo thể thức phát mại công khai, do một công lại được chánh án chỉ định. Như vậy trái chủ thương sự được coi như là sở hữu chủ của các đồ cầm thế, trong khi đó, trái chủ hộ sự, chưa được coi có tư cách sở hữu chủ đối với đồ vật mà con nợ trao cho y giữ khi vay mượn. Y cần xin Tòa một bản án xác nhận trái quyền của y để rồi xin sai áp phát mại tài sản cầm thế để lấy nợ. Có thể lấy ví dụ về thương khố chứng khoán (le warrant) hay biên nhận gửi hàng hóa tại kho của sở Douane như sau: Người thương gia có hàng hóa, muốn vay tiền chỉ cứ việc đem hàng hóa gửi tại kho vật phẩm ký tác của Nha Quan Thuế. Y sẽ được cấp hai chứng thư: Một biên lai nhận hàng và một tấm thương khố chứng khoán (le warrant). Nếu người thương gia muốn bán hàng của y gửi thì phải trao cho người mua hai chứng thư nói trên. bằng nếu y chỉ cầm cố tạm thời thì chỉ phải trao cho chủ cầm đồ tấm thương khố chứng khoán. Đáo hạn mà không trả nợ thì chủ nợ có thể đem phát mại hàng hóa mà không cần phải xin phép tòa (điều 93 LTM Pháp).
b2: Khế ước cầm cố cửa hàng (cautissement des fonds de commerce: bảo lãnh tài sản doanh nghiệp): Việc cầm cố cửa hàng lại còn thuận tiện hơn nữa cho người thương gia trái với những điều kiện cầm cố trong lĩnh vực dân sự. Người thương gia cầm cửa hàng, không phải trao cửa hàng cho chủ nợ hoặc cho một đệ tam nhân để giữ mà chỉ cần làm những thể thức bố cáo để thông báo cho mọi người đều biết sự cầm cố cửa hàng là đủ (81 LTM 1972).
b3: Việc cử trọng tài: Điều 631 đoạn 3 LTM Pháp cho phép các đối ước ngay trong sự cam kết, thỏa thuận trước rằng, nếu có tranh tụng về sau thì nhờ một trọng tài phân xử. Luật hộ coi điều khoản trung phán (clause conpromissoire) là vô hiệu, vì mọi tranh tụng phải được tòa phân xử. Tư nhân chỉ có thể nhờ một trọng tài phân xử khi một việc tranh tụng đã xảy ra rồi mà không muốn đem ra tòa. Trái lại dự liệu trước trong khế ước sự trọng tài bằng một điều khoản trung phán là trái với trật tự công cộng.
b4: Về trách vụ liên đới: Xin nhắc lại rằng, điều 1202 DLP định rằng sự liên đới không thể phỏng đoán mà phải ghi rõ trong khế ước. Trái lại trong một khế ước mà bên mắc nợ gồm nhiều thương gia, án lệ định rằng, nếu không có điều khoản nào ghi trái lại, thì phải coi các thương gia mắc nợ đó đã ưng thuận chịu liên đới trách nhiệm. Cũng xin nhắc lại rằng, với trách nhiệm liên đới, người trái chủ có thể chọn lựa con nợ nào có tư lực nhứt để đòi một mình người này, toàn thể số nợ mà mỗi đương sự thật sự thiếu chủ nợ.
b5: Về việc sửa đổi điều kiện của hợp đồng: Trong lãnh vực thương mại, trong trường hợp một bên không thi hành đủ trách vụ của mình, thì tòa án có thể sửa đổi các điều kiện của hợp đồng. Thí dụ, nếu hàng hóa không đúng mẫu, tòa án có thể truyền giảm bớt giá tiến đã thỏa thuận. Trái lại trong các tranh tụng về dân sự, gặp trường hợp này, tòa án chỉ có thể thủ tiêu toàn thể hợp đồng, chứ không thể sửa đổi các điều khoản đã cam kết.
Sau khi phân tích tiêu chuẩn của các hành vi thương mại và ghi những ích lợi trong việc phân biệt một hành vi thương sự với một hành vi hộ sự, chúng ta sẽ phân làm 3 loại hành vi thương mại:
1. Hành vi thương mại do hình thức của nó (actes de commerce);
2. Hành vi thương mại do bản chất riêng của nó (actes de commerce par nature);
3. Hành vi thương mại phụ thuộc (actes de commerce par acessoire).

IV. HÀNH VI THƯƠNG MẠI DO HÌNH THỨC
a) Hối phiếu:
Chúng ta đã biết rằng, theo điều 632 LTM Pháp, điều 7 LTM Trung và điều 344 LTM 1972, lettre de change (hối phiếu) hay traite (giao dịch) đều bị coi như đã làm hành vi thương mại và bị xét xử bởi tòa thương mại nếu có tranh tụng. Lý do là vì hối phiếu là một cách trả tiền giữa các nhà buôn đã có từ lâu. Còn những chi phiếu (chèque), những lịnh phiếu (billets à ordre) thì tùy trường hợp có khi nói có tính cách dân sựm có khi có tính cách thương sự, tùy theo người sử dụng nó là một thương gia hay một người thường. Nhưng phát hành hối phiếu, theo luật ngày 7-6-1894 và theo thỏa ước Geneve ký kết ngày 7-6-1930 bao giờ cũng bị coi là một hành vi thương mại. Trước kia người ta xem tờ hối phiếu có tính cách hộ sự hay có tính cách thương mại tùy theo món nợ mà nó tượng trưng. Thí dụ khi người cho mướn nhà phát hành một hối phiếu bảo người thuê nhà trả tiền nhà cho một người đệ tam nào đó, thì món nợ đúng lý ra mang tính cách dân sự. Trái lại, nếu nhà phát hành là một nhà buôn sỉ ra lệnh cho một người buôn lẻ phải trả tiền hàng hóa do y bán ra cho một người nào đó thì là hối phiếu có tính cách thương mại vì tượng trưng cho một món nợ thương sự (hàng hóa). Quyết định như vậy là rất hợp lý, nhưng trong thực tế, khó mà biết rằng lá hối phiếu đã được phát hành do một món nợ dân sự hay thương sự, vì nó được chuyền tay sang nhiều người và mỗi người nắm giữ lấy nó có thể có tư cách khác nhau. Họ có thể là một người thường mà cũng có thể là một thương gia. Thí dụ, khi được phát hành, tờ hối phiếu dùng dể trả một món nợ về hộ như để thanh toán tiền thuê mướn nhà chẳng hạn. Nhưng có một thương gia nhận tờ hối phiếu này do sự bối thự của người cho mướn nhà và người thương gia lại bối thự trả tiền cho một thương gia khác. Như vậy tờ hối phiếu mất tính dân sự ban đầu phát hành để mang tính các thương sự lúc sau này khi được truyền qua tay hai thương gia. Do đó, nếu có tranh tụng thì, khi thì phải áp dụng luật dân sự, khi thì phải áp dụng luật thương mại. Để chấm dứt tình trạng hàm hỗn này, đạo luật ngày 7-6-1894 nêu trên đã giải quyết sự khó khăn bằng cách định rằng, việc phát hành hối phiếu là một hành vi thương mại. Đó là một giải pháp hợp lý, vì thông thường hối phiếu được phát hành do một món nợ thương sự, và được lưu hành thừa dịp những dịch vụ thương sự một cách nhanh chóng. Sự chuyển nhượng tờ hối phiếu được thực hiện bằng cách bối thự chứ không cần phải làm thủ tục công bố nhượng nợ như điều 1690 DLP, đã bó buộc đối với những món nợ dân sự. Hối phiếu là một thương phiếu rất thông dụng được quy định tại Hiệp ước Geneve ngày 7-6-1930. Hiệp ước này được ban bố ở VN do Sắc lệnh ngày 21-10-1936 và Sắc lệnh này được ban hành do Nghị định ngày 8-12-1936 ở Việt Nam, hối phiếu được quy định do sắc lệnh ngày 30-10-1936, áp dụng ngày 8-12-1936 nói trên.
Theo sắc lệnh ngày 30-10-1935, khi phát hành một hối phiếu phải theo các điều kiện sau:
1. Phải biên rõ văn thư tạo ra là một hối phiếu;
2. Phải ghi sự hối thúc trả một món tiền nhứt định. Sự hối thúc phải vô điều kiện, nghãi là người thu tạo (letire, người trả tiền) chỉ có nhiệm vụ trả tiền thôi, không thể buộc vào điều gì khác. Chỉ có thể buộc người thụ ích (người lãnh tiền) phải xuất trình tài liệu mới được lãnh tiền (như hoàn văn tự nợ,hoàn tờ thương khố chứng khoán). Đó là hoàn thư hối phiếu (traite documentaire: xử lý tài liệu).
3. Phải ghi tên người thụ tạo;
4. Phải ghi nơi trả tiền, địa chỉ của người thụ tạo có thi bên cạnh y.
5. Phải ghi tên người thụ ích, hay người nhận tiền.
6. Phài ghi nơi và ngày tháng lập hối phiếu:
7. Phải có chữ ký của người chủ tạo, người phát hành (letireur);
8. Phải ghi ngày tháng trả tiền.

Dưới đây là một tờ hối phiếu mẫu
Saigon ngày 23-10-1972                   số tiền 10.000$
Yêu cầu ông, đến ngày 23-1-1973 trả cho ông X theo
lịnh của ông ấy, và nhận hối phiếu này, số tiền 10.000$
Ông B (người thụ tạo)                                    Ông A (người chủ tạo)

Trong tờ hối phiếu này: Ông A là người chủ tạo – người phát hành tờ hối phiếu để đòi nợ; Ông B là người thụ tạo – Là người trả tiền hay con nợ của ông A. Ông X là người thụ hưởng hay chủ nợ của ông A, người phát.
b) Các công ty hợp cổ và các công ty trách nhiệm hữu hạn: Một loại hành vi thương mại do hình thức khác là hành vi của các công ty hợp cổ và công ty trách nhiệm hữu hạn, mặc dù các công ty này theo đuổi những hoạt động dân sự. Án lệ định rằng, tất cả những việc tranh chấp về sự thành lập cũng như về sự hoạt động của các công ty loại trên đều thuộc thẩm quyền của tòa án thương mại. Các công ty hợp cổ có thể là các công ty vô danh (sociétés anonymes: Công ty TNHH) hay các công ty hợp tư có cổ phần (sociétés en commandite par actions: công ty TNHH theo cổ phần), tổ chức do luât ngày 24-7-1867. Công ty TNHH tổ chức do luật ngày 7-3-1925 và các hội nghề nghiệp (sociétés professionnelles: công ty chuyên nghiệp), tổ chức do luât ngày 17-11-1943 đều được coi như hoạt động về thương mại. Mặc khác, sự mua cổ phần và sự tham dự vào việc thành lập một công ty TNHH đều là hành vi thương mại do hình thức của nó. Tuy nhiên, sự nhượng lại cổ phần lại được án lệ cho là không phải là hành vi thương mại (Paris 6 Ferier 1963. D.1963 sommaire 29). Dầu sao, các hoạt động của các công ty loại trên mặc dù có tính cách dân sự, cũng bị coi là những hành vi thương mại phụ thuộc. Thí dụ: Một công ty TNHH thuê mướn nhà phố, hoặc lập khế ước mướn nhân công. Khi có tranh chấp thì tòa án thương mại có thẩm quyền thụ lý.(…).
c. Loại hành vi thương mại theo hình thức cuối cùng là những hành vi mua bán, cầm cố hoặc cho thuê mướn cửa hàng: Dĩ nhiên nếu các hành vi trên đươc thực hiện bởi một thương gia thì nó là một hành vi thương mại. Nhưng án lệ trên cũng xem các hành vi này thuộc loại thương mại, dù cho nó đươc thực hiện bởi môt người chưa phải là thương gia. Tòa cho rằng hành vi mua cửa hàng là hành vi đầu tiên khiến cho họ trở thành thương gia. Do đó, sự bán hoặc sự thuê mướn một cửa hàng bởi người thừa kế của thương gia đều được coi như là hành vi thương mại, mặc dù cac thừa kế này trước kia chưa phải thương gia (TT. Paris 27-11-62 D.1963,49).
Tóm lại, hành vi phát hành hối phiếu, hành vi của các công ty hợp cổ và công ty TNHH, hành vi bán, cầm cố các cửa hàng đều được liệt kê vào loại hành vi thương mại theo hình thức, mặc dù các cá nhân làm các hành vi ấy không phải là thương gia.

V. HÀNH VI THƯƠNG MẠI DO BẢN CHẤT (actes de commerce par nature).
Loại hành vi nầy được liệt kê tại điều 632 Bộ Thương Luật Pháp cho các sự buôn bán bằng đường thủy. Sự ích lợi của điều luật này là cốt để định nghĩa danh từ thương gia, xuyên qua các hành vi thương mại. Ý niệm chánh yếu của các hành vi liệt kê tại điều 632 để được coi như có tính cách thương mại là tất cả các hoạt động chuyển vận tài sản để kiếm lời. Đây là ý niệm mà chúng ta đã xét xong khi ta phân tích thế nào là hành vi thương mại. Tuy nhiên, trong các hành vi liêt kê tại điều 632 có những hành vi được coi là hành vi thương mại mặc dù chỉ làm có một lần, bên cạnh những hành vi khác phải được tái diễn luôn luôn, mới được coi là hành vi thương mại.
1. Hành vi có tính cách thương mại mặc dù thực hành lẻ loi:
1.1: Mua để bán lại kiếm lời: Điều 632 đoạn 1 coi như đã làm một hành vi thương mại khi mua hàng hóa hay thực phẩm để bán lại, hoặc để nguyên như thế, hoặc sau khi đã chế biến, hay chỉ để cho mướn (La loi réputé acte de commerce tout achat de denrées, marchandise pour les revendre, soit en nature soires les avoir travaillees et mises en oeuvre, ou même pour en louer simplement l’usage: Luật pháp coi bất kỳ hành vi thương mại nào là việc mua thực phẩm, hàng hóa để bán lại, bằng hiện vật hoặc đã thực hiện và thực hiện chúng, hoặc thậm chí chỉ đơn giản là thuê quyền sử dụng chúng). Theo điều này, tất cả những tác vụ mua, đổi với mục đích bán lại kiếm lời, đều là hành vi thương mại, mặc dù người làm việc đó không phải là thương gia. Vậy muốn cho hành vi của người này có tính cách thương mại, thì phải hội đủ 3 điều kiện là: a) Mua; b) Mua thực phẩm và hàng hóa; c) Mua để bán lại hoặc để chỉ cho mướn mà thôi. Chúng ta đã xét ba yếu tố cấu thành hành vi thương mại ở tiết III. Ở đây lặp lại một cách đầy đủ hơn.
a) Mua: Mua là một hành vi thương mại, sự bán lại cũng là hành vi thương mại, nhưng yếu tố mua giúp cho ta loại trừ ra ngoài các hành vi khác mà ta cho là không phải hành vi mua. Thí dụ: Người nông dân bán sản phẩm do họ sản xuất ra chứ họ không có mua. Người chăn nuôi chế tạo ra bơ để bán cũng không phải là thương gia. Đó cũng là trường hợp của người khai khẩn các hầm đá, hầm sạn, vì các người này sản xuất ra vật mà họ đem bán chứ họ không có mua. Tuy nhiên, luật Pháp Quốc ngày 9-9-1919 lại coi là hành vi thương mại, sự khai thác các hẩm mỏ chứ đựng các khoán sản như than đá, quặng, và nhiên liệu đốt cháy (hdrocarbures).
b) Mua các thực phẩm và hàng hóa: Danh từ hàng hóa thực phẩm bao gồm cả các tài vật hữu hình và tài vật vô hình, như các món nợ, quyền sáng tác về văn chương, mỹ thuật, bản quyền về nhãn hiệu, quyền trên một cửa hàng v.v…. Trái lại, sự mua bất động sản để bán lại không là một hành vi thương mại, vì theo quan niệm cổ truyền bất động sản là tài sản quý giá cần để cho Tòa án dân sự xét xử mỗi khi có tranh tụng vì Tòa dân sự bảo vệ hữu hiệu hơn Tòa Thương mại các tài sản như nhà và đất của công dân.
Lập luận trên đây không còn hợp lý. Tuy nhiên, Tòa án vẫn xem các sự mua bán, đổi chác và cầm cố bất động sản là thuộc phạm vi dân luật. Trái lại luât thuế vụ, điều 35 lại bó buộc các người buôn bán về bất động sản phải đóng thuế lợi tức thương mại. Gần đây án lệ đã có khuynh hướng coi các người này như là thương gia nếu họ chuyên nghiệp buôn bán bất động sản. Đối với những người cho thuê bất động sản như phòng ngủ, luật coi họ là thương gia. Luật cũng coi nhà thầu xây cất bất động sản như một thương gia và người quản lý các bất động sản như người chạy việc (agents d’affaires). Tóm lại, về bất động sản, sự mua đi bán lại hoặc sự cầm cố để đương vẫn còn được xem là hành vi dân sự.
c) Mua để bán lại hoặc để cho thuê: Khi học luật về nghĩa vụ, ta phân biệt duyên cớ (causes) với lý do (motif). Trong khế ước mua bán, ta biết rằng duyên cớ của việc bán là muốn lấy tiền và duyên cớ này giống nhau trong mọi khế ước mua bán, nên người ta nói nghĩa vụ của người bán là duyên cớ của nghĩa vụ của người mua. Trái lại, có rất nhiều lý do để người mua mua đồ vật. Thí dụ y có thể mua để sử dụng, hoặc cho đệ tam nhân, vì lý do này có thể thay đổi tùy theo ý muốn của một cá nhân. Ở đây luật thương mại không chú trọng đến duyên cớ của người mua, vì duyên cớ của việc mua như vừa giải thích, nó giống nhau trong tất cả các việc mua. Thương luật chỉ chú trọng đến lý do của việc mua, và thương luật chi phối hành vi mua, nếu mua về để bán lại. Tuy nhiên cũng không cần phải bán lại được mới cấu thành một hành vi thương mại, chỉ cần khi mua, người mua có ý niệm là mua để bán lại, mặc dù sau đó y đổi ý không bán, hoặc món hàng lại bị hư hỏng. Như đã biết, cũng có thể bán lại trước khi mua. Đây là trường hợp một nhà cung cấp ký giao kèo bán hàng hóa cho một cơ quan, mặc dù lúc ký giao kèo, y chưa chế tạo xong món hàng đó. Cũng cần nhắc lại yếu tố kiếm lời trong việc bán cần phải có mới cấu thành hành vi thương mại. Về yếu tố kiếm lời xin nhắc lại trường hợp của các hợp tác xã tiêu thụ khi bán lại với giá vốn cho các xã viên. Hành vi của hợp tác xã nầy không phải là hành vi thương mại vì không có ý trục lợi. Tuy điều 632 LTM Pháp chỉ nói đến hành vi mua với mục đích bán lại mà không nói tới chính việc bán. Nhưng việc bán lại, nếu trước kia đương sự đã mua với mục đích bán lại kiếm lời thì hành vi bán cũng là một hành vi thương mại. Trái lại, nếu người bán, lúc mua không có ý định mua để bán lại kiếm lời thì hành vi bán của y không có tính cách thương mại. Vậy trong việc mua bán, hành động mua hay bán có thể có tính cách thương mại, đối với mỗi đương sự, tùy theo mục đích của họ.
2. Các hành vi thương mại khác: Các hành vi nầy gồm những hoạt động hối đoái và ngân hàng.
2.1: Hối đoái: Theo điều 682 đoạn 4 LTM Pháp, sự mua bán về tiền tệ, chứng khoán đều là hành vi thương mại. Có hai loại hối đoái: sự đổi tiền tại chỗ gọi là change manuel, và sự chuyển ngân (change tiré). Chuyển ngân là nhận một số tiền, gồm cả sở phí, rồi hứa sẽ trao lại số tiền đó tại một nơi khác bằng ngoại tệ nơi đó. Người ta dùng tờ hối phiếu để chuyển ngân hay dùng chi phiếu du lịch (traveler cheques). Việc buôn bán chứng khoán (bourses et valeurs) được án lệ đồng hóa với hành vi thương mại. Chứng khoán là một chứng chỉ chứng nhận rằng, một cá nhân có cho nhà nước vay dài hạn một số tiền gọi là rente sur l’état (niên kim nhà nước). Chứng khoán cũng có thể là một trái khoản của hội viên đối với một công ty. Đối với một công ty vô danh, mỗi cổ phần là một trái khoán. Những người mua trái khoán của công ty, cũng như các người mua chứng khoán của nhà nước hằng năm đều được một số lời cũng như cho vay tiền để lấy lãi. Những người có chứng khoán, cố nhiên, có thể bán trực tiếp cho người muốn mua và trao tay cho người này. Nhưng phần nhiều người mua không lấy chứng khoán về, mà mua rồi bán lại ngay nếu chứng khoán lên giá, vì giá cả các chứng khoán tại các nước Âu Mỹ có thể lên xuống hàng ngày hoặc hàng giờ. Những việc mua bán chứng khoán phải làm ở một chỗ riêng, gọi là thị trường chứng khoán và phải qua tay các nhân viên được độc quyền mua bán. Những việc giao dịch về chứng khoán như thế được án lệ đồng hóa với động tác ngân hàng (opérations de banque: hoạt động ngân hàng) và coi như là hành vi thương mại.
2.2: Ngân hàng: Đạo luật của Pháp ngày 17-5-1946 phân loại các ngân hàng theo 3 ngành hoạt động: a. Ngân hàng tồn khoản (banque de dépôt: ngân hàng tiền gửi); b) Ngân hàng kinh doanh (banque d’affaires: ngân hàng đầu tư); c) Ngân hàng tín dụng trung hạn và dài hạn (như L’union pour le crédit et l’Industrie National: Liên minh Tín dụng và Công nghiệp Quốc gia).
– Các ngân hàng tồn khoản chỉ được phép thâu nhận những tồn khoản hoạt kỳ (dépôt à vue: tiền gửi không kỳ hạn) hoặc tồn khoản hạn kỳ (dépôt à terme; Tiền gửi có kỳ hạn), nhưng các khoản này phải dưới hai năm và các ngân hàng nầy chỉ đươc dùng những tồn khoản của thân chủ trong các nghiệp vụ ngắn hạn, nghĩa là dưới hai năm: Hoặc dùng vốn riêng để đầu tư nhưng không quá 10% số vốn của các công ty và xí nghiệp. điều 5 đạo luật ngày 17-5-1946 qui định rằng cac ngân hàng kinh doanh là những ngân hàng mà hoạt động chính là sự tham dự (participation: sự tham gia) vào vốn các xí nghiệp hiện có hay đang thành lập và quản lý sự tham dự đó. Các ngân hàng kinh doanh chỉ được hùn vốn vào vốn của các xí nghiệp bằng những số tiền trích ở tài nguyên riêng của họ (capital social) hay bằng tiền của các tồn khoản định kỳ từ hai năm trở lên. Các ngân hàng kinh doanh được mở các trương mục tồn khoản cho nhân viên của họ, cho các xí nghiệp đã được mở tính dụng (cho vay) hay được họ tham dự vào vốn, và cho các thể nhân hay pháp nhân có tư cách thương gia hay kỹ nghệ gia. Như vậy, theo định nghĩa của luật năm 1946, các ngân hàng kinh doanh không được nhận các tiền ký thác của công chúng trừ vài trường hợp đặc biệt dự liệu tại điều 5. Hoạt động chính của ngân hàng kinh doanh là sự tham dự vào vốn của các xí nghiệp với tài nguyên riêng của họ. Do đó, đặc điểm riêng của ngân hàng kinh doanh là phải có vốn và tài nguyên dồi dào. Luật ngày 17-5-1946 định nghĩa các ngân hàng tín dụng như sau: “Các ngân hàng tín dụng trung và dài hạn là những ngân hàng mà hoạt động chính làm ở những tín dụng kỳ hạn từ hai năm trở lên. về các nghiệp vụ, thì ngân hàng tín dụng phải tuân theo các giới hạn áp dụng cho các ngân hàng tồn khoản. Để có đủ vốn hoạt động, các ngân hàng tín dụng trung và dài hạn có quyền phát hành các trái phiếu (actions) và các hội trái (obligations) và nhận các tồn khoản có kỳ hạn từ hai năm trở lên”. Lẽ dĩ nhiên, chủ của các ngân hàng trên là thương gia vì họ tham dự vào công cuộc buôn bán tiền tệ, một công việc quan trọng bậc nhất trong các hoạt động kinh tế như cho vay, đổi ngoại tệ, chiết khấu thương phiếu. Ngay những người xưa nay không phải là chủ ngân hàng, nhưng đã làm công việc của ngân hàng một cách lén lút cũng bị coi như đã làm hành vi thương mại và có thể bị tòa án thương mại tuyên bố phá sản. Thí dụ: một chưởng khế có thể bị xem là làm thương mại khi đem số tiền của khách hàng gửi để đem đầu tư, hay đem cho vay.
2.3: Nghiệp vụ trọng mãi hay trung gian thương mại (le courtage: môi giới): Đó là nghiệp vụ của một người đứng trung gian làm môi giới để, hai đàng, đàng bán và đàng mua, ký kết khế ước mua bán hoặc trao đổi với nhau. Khác với người đại diện, hay người kinh kỷ (le commissionnaire: đại lý hoa hồng), người trọng mãi hay trung gian thương mại không nhận danh pháp luật để lập khế ước cho kẻ khác. Sự hiện diện của y không cần thiết khi hai bên kết ước đã gặp nhau để thảo luận và thiết lập khế ước. Sự tham dự của y mang tính cách môi giới để cho khế ước được thành lập, và khi khế ước được ký kết, y sẽ lãnh một món tiền hoa hồng. Hành vi của người trọng mãi khiến cho hàng hóa và tài vật được trao đổi và chuyển vận nên luật xem hành vi của y có tính cách thương mại mặc dù lẻ loi: Thí dụ có người trọng mãi thì hàng hóa của người sản xuất mới bán mau lẹ cho người tiêu thụ, vì y biết rõ nhu cầu trong thương trường, y tìm mối cho nhà sản xuất có ah2ng muốn bán và tìm hàng cho người tiêu thụ cần mua. Nhờ có y mà đàng bán và đàng mua không cần biết nhau mà việc mua bán vẫn thành hình được. Điều 357 LTM 1972 có định nghĩa khế ước trọng mãi là một khế ước, trong đó người trọng mãi cam kết tìm một người để liên lạc với một người khác hầu đi đến chỗ ký kết một khế ước giữa hai người nầy. Thù lao đã thỏa thiệp cho người trọng mãi được thủ đắc ngay khi khế ước do y làm trung gian được ký kết. Nếu đã định trước rằng, phí tổn của người trọng mãi sẽ được hoàn lại, thì người trọng mãi có quyền đòi, mặc dù khế ước không thành tựu (358 LTM 1972). Điều cần nhớ là việc trọng mãi hay trung gian thương mại mang tính cách hành vi thương mại mặc dù lẻ loi, còn việc làm của người kinh kỷ hay mãi biện (le commissionnaire: đại lý hoa hồng) phải được thi hành nhiều lần khả dĩ tạo thành một nghề nghiệp mới có tính cách thương mại. Đó là sự khác biệt do pháp luật đặt ra chớ thật sự không có lý do gì xác đáng. Về nghiệp vụ kinh kỷ hay mãi biện, mà LTM 1972 gọi là khế ước nha bảo chúng ta sẽ xét trong đoạn sau.
3. Những hành vi thương mại tái diễn luôn luôn, làm thành một nghề nghiệp: Điều 632 LTM Pháp đã liệt kê những hành vi thương mại của cac xí nghiệp hay doanh nghiệp sau đây:
a) Doanh nghiệp chế tạo:
Các hành vi mua đi bán lại để kiếm lời nói ở đoạn I cũng như các nghiệp vụ về hối đoái ngân hàng, là hành vi thương mại mặc dù chỉ thi hành lẻ loi, nghĩa là chỉ xảy ra một lần thôi. Nhưng đối với các doanh nghiệp liệt kê trên đây thì hành vi của các doanh nghiệp này, muốn cho nó có tính cách thương mại, phải luôn luôn tiếp diễn nhờ sự tổ chức doanh nghiệp, và trong phạm vi chuyên môn của xí nghiệp. Thí dụ: như một việc chuyên chở lẻ loi thì không phải là hành vi thương mại. sự chuyên chở này phải do một hãng có tổ chức và lấy sự chuyên chở nầy làm nghề nghiệp của mình thì hành vi chuyên chở mới là hành vi thương mại. Vậy hành vi thương mại lẻ loi không tạo thành một xí nghiệp, hoặc không tạo thành một nhà buôn. Đó là đặc tính của các xí nghiệp.
Doanh nghiệp chế tạo là những hãng dùng những nguyên chất hay đã được sửa soạn một phần nào rồi để chế ra sản phẩm tiêu thụ được, như mua chỉ hay lông cừu để dệt thành vải, thành len. Nhà kỹ nghệ có những hành vi thương mại không những khi mua nguyên liệu để chế tạo hàng đem bán, mà ngay cả trong trường hợp nhận nguyên liệu của khách hàng đem đến để chế hóa. Ta biết rằng nhà kỹ nghệ được Thương Luật đồng hóa với nhà buôn và cũng biết rằng mua về để bán đi là một việc buôn bán, mặc dù có biến chế những hàng hóa đã mua. Vậy là ta đã hiểu tại sao công việc của xí nghiệp chê tạo đươc coi là hành vi thương mại.
Nhưng có một loại hoạt động khó xếp hạng là nghề thầu khoán. Học thuyết phân biệt hai trường hợp: Nếu nhà thầu chỉ cung cấp nhân công và điều khiển công tác, còn vật liệu thì do chủ nhân cung cấp thì việc làm nầy không phải là một hành vi thương mại. Trái lại, nếu ngoài nhân công, nhà thầu còn cung cấp cả vật liệu thì việc làm sẽ là một hành vi thương mại, vì y đã mua vật liệu về dể bán lại, còn việc xây dựng là việc biến chế những vật liệu ấy. Án lệ còn coi công việc của nhà thầu là một hành vi thương mại nếu có sự trục lợi thường xuyên về nhân công, dù rằng vật  liệu đều do người khác (người chủ thuê xây cất) cung cấp.(…). Gần đây, án lệ đã coi như doanh nghiệp biến chế, những doanh nghiệp không cần phải mua các vật liệu và bán ra các sản phẩm biến chế. Đó là các doanh nghiệp chỉ cung cấp các dịch vụ do một người khác thuê mướn bằng cách sử dụng máy móc và nhân công của doanh nghiệp. Thí dụ như doanh nghiệp nhuộm, doanh nghiệp sửa chữa. Các doanh nghiệp nầy không có mua hàng vào và cũng không bán hàng ra, chỉ nhận hàng hóa rồi gia công hoặc nhận lãnh máy móc để sửa chữa rồi ăn công. Tuy nhiên, hành vi của các doanh nghei65p này chỉ mang tính chất thương mại khi làm với tư cách đều đặn, liên tục, nghĩa là làm với tính chất một nghề nghiệp. Nhân dịp này cũng nên đề chập đến nhà thủ công, vì y có thể liệt vào những doanh nghiệp chế biến. Tuy nhiên án lệ không coi người thủ công là thương gia, miễn là y làm việc phần lớn bằng chân tay, chỉ được phép có một số ít thợ và chỉ bán những hàng hóa do y biến chế ra.
Đối với người nông gia, người phá rừng, mặc dù họ cũng sản xuất và bán những hàng hóa, nhưng các hàng hóa đó do chất màu mở của đất tạo ra. Y có thể mua một số lúa giống nhưng y không mua toàn thể hoa màu để bán lại lấy lời. điều 638 khoản 1 LTM Pháp, đã loại ra ngoài thẩm quyền của tòa án thương mại, những tranh tụng liên quan đến người làm ruộng, người trồng nho về việc bán ngũ cốc hoặc bán rượu nho do họ sản xuất. Án lệ còn áp dụng rộng rãi điều 638 như sau: “Mặc dù người nông gia có thể dùng các phương pháp khai thác như vẫn dùng trong phạm vi kỹ nghệ (máy móc đốn cây, quảng cáo cho việc bán các sản vật), y cũng không vì thế mà bị coi như một thương gia ngay cả khi các sản vật được người nông gia chế biến trước khi đem ra bán, như cất rượu, làm dầu, làm bột, miễn là sự chế biến ấy phụ thuộc vào nghề nông của y”. Thí dụ: Người nông dân có thể ép mía của y trồng để làm đường rồi đem bán. Hành vi này không là hành vi thương mại. Nhưng thí dụ người phá rừng lập một xưởng làm đồ gỗ bên cạnh rừng thì y trở thành thương gia, vì xưởng làm đồ gỗ phụ thuộc vào hoạt động chính của y là làm đồ gỗ để bán. bộ luật quốc gia về thuế môn bài dụ ngày 13-4-1953 tại điều 9 đoạn 1 cũng nói rằng: đặng miễn trọn thuế môn bài … các người làm ruộng, trồng tỉa, nhưng chỉ về bán hay chuyên chở hoa màu và sản vật trong đất do họ khai thác. Điều 346 LTM 1972 như đã nói trên, cũng không coi các người làm nghề tự do, các nhà tiểu công nghệ, các nhà nông là thương gia torng các trường hợp họ chỉ chế biến và bán các sản phẩm của họ.
b) Doanh nghiệp kinh kỷ hay mãi biện (le commissionnaire: đại lý hoa hồng).
Người kinh kỷ hay người nha bảo cũng là người trung gian trong việc mua bán để hưởng một số tiền hoa hồng. Y làm đại diện cho người bán để bán hàng cho người mua. Tuy y là người thụ ủy, đứng đại diện cho người chủ, hay người cho quyền, y lại hành động nhân danh chính y, không để cho người đối ước biết y đại diện cho ai. Đây là một khía cạnh đặc biệt của sự thụ ủy torng trường hợp kinh kỷ. Đặc biệt vì theo luật phồ thông, mỗi khi hoạt động để thi hành sự ủy quyền, thì người thụ ủy phải nói rõ trong giấy tờ rằng mình chỉ là người thay mặt cho người chủ đã ủy quyền cho mình. Phải nói rõ như vậy vì chính người cho quyề mới là người được hưởng quyền lợi và gánh vác những nhiệm vụ phát sinh ở khế ước do người thụ ủy ký kết nhân danh người cho quyền. Ở đây người kinh kỷ hay mãi biện, hay nha viên cứ việc đứng tên mình mà ký kết, không cần chỉ rõ mình ký kết nhân danh ai. Như vậy, người nha viên chịu trách nhiệm thẳng với người mà y giao kết. Người này chỉ biết có y. Người kinh kỷ (le commissionnaire) hay nha viên khác với người trọng mãi (le courtier). Người trọng mãi chỉ làm trung gian còn người kinh  kỷ nhân danh y mà kết ước, tuy cả hai đều có hưởng hoa hồng. Xin nhắc lại rằng, người trọng mãi dù làm một hành vi lẻ loi cũng mang lấy tánh cách thương gia, còn người kinh kỷ vay mãi biện hay nha viên phải hành động nhiều lần khả dĩ tạo thành một nghề nghiệp mới có tính cách thương gia. LTM 1972 gọi khế ước ký với người kinh kỷ là một khế ước nha bảo, nghĩa là, một khế ước do đó người gọi là nha viên đứng tên mình dể làm một hành vi cho người khác, gọi là nha ủy (359 LTM 1972).
c) Doanh nghiệp chuyên chở hay vận tải: Theo điều 7 LTM Trung và điều 632 đoạn 2 LTM Pháp, sự chuyên chở hay vận tải bằng đường bộ hay đường thủy đều là hành vi thương mại. Thêm vào đó, theo điều 45 đạo luật ngày 31-5-1924, ban hành tại việt Nam ngày 3-12-1928, sự chuyên chở bằng đường hàng không cũng là hoạt động thương mại. Đạo luật hàng không dân sự của Pháp ngày 30-11-1955, điều 114 cũng xác nhận tính cách thương mại của sự chuyển vận người và hàng hóa bằng đường hàng không (..). Điều lưu ý là những hành vi chuyên chở lẻ loi không được thương luật coi là có ti1nhc ách thương mại. Sự chuyên chở phải thực hện đều đều do một doanh nghiệp để cho nó đội tính cách một nghề nghiệp mới mang tính cách thương mại. Việc chuyên chở bằng đường biển cũng được bộ Thương Luật Pháp liệt vào hạng hành vi thương mại tại điều 633. Theo điều này, những xí nghiệp đóng tàu, những việc mua bán tàu bè để dùng trong giao thông quốc nội cũng như ngoại quốc, những việc chuyên chở bằng đường biển, những việc mua bán lương thực, dụng cụ điều khiển tàu biển, những sự bảo hiểm về thương mại trên mặt biển, những khế ước và tiền công thủy thủ, những việc tuyển mộ nhân công cho tàu buôn, những việc thuê tàu để chở hàng hóa, đều là hành vi thương mại. So chiếu điều 632 với điều 633 LTM Pháp, chúng ta thấy điều 633 liệt kê rât tỉ mỉ các hoạt động về tàu bè trên mặt bể mà nhà làm luật gọi là hành vi thương mại. Trái lại điều 632 chỉ nói vỏn vẹn rằng sự chuyên chở bằng đường thủy là hành vi thương mại của doanh nghiệp chuyên chở. Bộ LTM 1972 đã gom lại tất cả hành vi chuyên chở và vận tải bằng tất cả các phương tiện liệt kê trên đây vào điều 343 và nhìn nhận nó là hành vi thương mại.
d) Doanh nghiệp cung cấp hàng hóa vât liệu: Những doanh nghiệp này mua đi để bán lại các vật liệu hoặc chỉ cung cấp các dịch vụ như cung cấp hơi đốt, cung cấp điện, nước, cung cấp báo chí, cung cấp hàng hóa cụng cụ điều hành cho cơ quan chính phủ ah cho các ký túc xá sinh viên. Vì có mua đi bán lại các vật liệu để lấy lời nên cac hành vi này được coi là có tính cách thương mại, với điều kiện là nó được diễn ra luôn hoặc nó được làm bởi một doanh nghiệp. Thường những nhà cung cấp này nhận bán trước rồi mới đi mua hàng về giao sau. Nếu các sự cung cấp này được làm một cách lẻ loi thì không là hành vi thương mại. Loại xí nghiệp này không được ghi trong Điều 7 Thương Luật Trung.
e) Các doanh nghiệp đấu giá công khai:  Những hãng này nhận bán đấu giá những hàng hóa của các thương gia hoặc kỹ nghệ gia khác. Hàng hóa có thể gồm hàng cũ hoặc hàng mới. Nếu là hàng mới thì chỉ được phép bán sỉ. Nếu là hàng cũ thì có thể bán lẻ được. Những phòng bán đấu giá công cộng này (salles de ventes publiques aux encheres) không có ở Việt Nam và điều 7 LTM Trung cũng không nói đến. Người bán đấu giá như hỗ giá viên, chưởng khế. Lục sự hoặc thừa phát lại không phải là thương gia, nhưng các phòng bán đấu giá đó được coi như doanh nghiệp thương mại bởi điều 35 dụ ngày 6-8-1945 của Pháp. Án lệ Pháp cũng cho là doanh nghiệp thương mại các doanh nghiêp sau đây tương tự như các phòng bán đấu giá. Đó là các doanh nghiệp tồn trữ hàng hóa (entrepots), doanh nghiệp lưu trữ bàn ghế dụng cụ và các Garages.
f) Doanh nghiệp chạy việc (agences d’affaires): Người chạy việc làm công việc cho kẻ khác dầu có được ủy quyền hay không cũng thế. Danh từ này rất bao quát và gồm những hành vi sau: Theo đuổi các vụ kiện, thảo đơn từ, làm lý đoán cho thân chủ, quản trị tài sản, lập tông chi, làm môi giới hôn nhân, chỉ dẫn pháp luật hoặc chỉ dẫn du lịch v.v… Một đôi khi người chạy việc là người trọng mãi (courtier), ví dụ khi đứng làm trung gian trong việc mua bán. Như thế hiển nhiên là một hành vi thương mại. Nhưng khi y đòi một món nợ, hoặc theo đuổi vụ kiện cho thân chủ, người ta không thấy hành vi của người chạy việc làm chuyển vận tài sản, và đúng lý không nên xem y như đã làm một hành vi thương mại. Nhưng tại sao điều 632 LTM Pháp đã ghép họ vào hạng người làm hành vi thương mại? Có lẽ nhà làm luật muốn cho họ phải ngay thẳng trong nghề nghiệp vì hoạt động của họ một đôi khi cũng đáng nghi kỵ. Họ phải giữ sổ sách, và có thể bị phá sản theo thương luật. Lý do thứ đến để ghép họ vào hạng người thương gia là vì hành động trung gian của họ làm cho các dịch vụ thực hiện được giữa hai cá nhân, mặc dù dịch vụ ấy có tính cách dân sự, như đòi dùm một số nợ, cho ý kiến về một vụ kiện tụng. Nhưng người ta cũng tự hỏi tại sao các lục sự, chưởng khế, thừa phát lại, hỗ giá viên cũng làm trung gian để cho các dịch vụ được thực hiện, mà các hạng người  này lại không bị coi là đã làm hành vi thương mại? Lý do là tục lệ Pháp coi các nghề nghiệp này là các nghề nghiệp cao quý (nobles). Tục lệ cũng coi các nghề luật sư, chuyên viên, trọng tài là một nghề dân sự.
g) Những nơi vui chơi công cộng: Danh từ này gồm những rạp hát, rạp chiếu bóng, rạp xiếc, rạp hòa nhạc. Điều 7 Thương Luật Trung không nói đến các loại hình doanh nghiệp này, trái lại điều 342 LTM 1972 có liệt kê các doanh nghiệp giải trí công cộng vào loại thương mại. Những doanh nghiệp này được xem như làm hành vi thương mại vì những dụng cụ để dàn cảnh, để hát xướng, hoặc nhưng nhạc cụ rất đắt tiền, và cần phải ban cho nhà thầu cung cấp các dụng cụ này những sự bảo đảm của thương luật. Người ta có thể cho rằng một tác giả mở nhà hát để diễn toàn tuồng của y soạn thảo là không làm hành vi thương mại. Nhưng thường y phải mướn đào kép, mua đồ đạc nơi các nhà thầu cung cấp nên nếu không liệt các hành vi của y vào danh sách hành vi thương mại là không đúng. Dù sao cũng có một ngoại lệ là những nhà tổ chức, những nghiệp đoàn đi hát nơi này nơi nọ, với tính cách là tài tử chớ không có lấy tiền, thì không làm hành vi thương mại. Thí dụ: Hội truyền bá quốc ngữ thường tổ chức các buổi trình diễn văn nghệ từ tỉnh này sang tỉnh nọ, cốt cổ động việc học tập cho dân, nên hội nầy không bị coi là làm những hành vi thương mại.
h) Doanh nghiệp bảo hiểm: Điều 633 đoạn 6 LTM Pháp coi hoạt động bảo hiểm hàng hải là một hành vi thương mại. Bảo hiểm là dịch vụ mà trong đó, người đứng bảo hiểm thường là một công ty, nhận một số thù lao của người đóng bảo phí và hứa rằng: Trong trường hợp xảy ra tai nạn đã được bảo hiểm, công ty sẽ trả cho người đóng bảo hiểm hoặc người đệ tam mà người đóng bảo hiểm đã chỉ định trong khế ước một số tiền bồi thường nhất định.
Có hai ngành bảo hiểm: Bảo hiểm trên bộ và bảo hiểm trên biển:
Bảo hiểm trên bộ: Xuất hiện từ năm 1807 khi điển chế bộ Thương luật Pháp, nhưng các nhà làm luật không liệt kê vào điều 633 thương luật, nghiệp vụ bảo hiểm, để quy định nó là hành vi thương mại. Nhưng từ khi những nghiệp vụ bảo hiểm trên bộ bành trướng thì án lệ vững chắc đã xem nghiệp vụ của công ty bảo hiểm trên bộ là những hành vi thương mại. Thí dụ vào năm 1808, tại Pháp, đã có bảo hiểm về hỏa hoạn. Giải pháp của án lệ tại Pháp đã đươc luật lệ các nước khác chấp nhận, vì rằng bảo hiểm có mục đích làm cho sự mua bán, sự khai thác một xí nghiệp được bảo đảm về mặt an ninh để hco nghiệp chủ an tâm hoạt động. Mặt khác, nhờ sự chia sẻ rủi ro ít khi nhà bảo hiểm bị lỗ vốn. Trái lại, y thường có lời cho nên nghiệp vụ của y có tính cách thương mại. Một lý do khác nữa là, trong khi điều 633 nhìn nhận sự bảo hiểm trên đường biển là hành vi thương mại thì không có lý do gì mà sự bảo hiểm trên đương bộ lại không phải là hành vi thương mại, trong lúc hai loại khế ước bảo hiểm này cũng đều có mục đích bảo đảm an ninh cho các nghiệp vụ chuyên chở, hoặc mua bán. Thật vậy, dù cho bảo hiểm trên biển hay trên bộ thì công ty bảo hiểm cũng đã làm những hành vi thương mại sau đây:
– Y là người trung gian trong sự vận chuyển tài sản, vì y nhận tiền bảo phí, và khi có rủi ro, y sẽ phân phối tiền bảo phí cho những người bị nạn đã chỉ định được hưởng.
– Y đã nhận một số lợi lộc trên các số tiền bảo phí đã thâu, vì mất khi mà rủi ro được bảo hiểm đều xảy ra.
– Như thế công ty bảo hiểm đã làm nghiệp vụ của một ngân hàng là nhận tiền ký thác của khách hàng để cho các khách hàng khác vay. Nhưng muốn cho bảo hiểm thật sự mang tính cách một hành vi thương mại, nghiệp vụ này phải do một công ty thực hiện, nghĩa là hành vi phải có tính cách một nghề nghiệp. Lý do khác nữa là chỉ có công ty mới có thể mang lại cho người đóng bảo hiểm những bảo đảm chắc chắn. Thế nên, nếu một cá nhân đứng ra thâu nhận tiền bảo hiểm, thì y không phải là một người trung gian trong sự chuyển vận tài sản. Y hành động không khác nào một người cho vay với số vốn của y hay là một người định các nếu việc đánh cá xảy ra thì y thua, bằng ngược lại thì y ăn.
Doanh nghiệp bảo hiểm chia ra lam hai loại: bảo hiểm với bảo phí nhất định và bao hiểm hỗ tương:
h1: Bảo hiểm với bảo phí nhất định: là một việc bảo hiểm trong đó, một doanh nghiệp cam kết sẽ bồi thường cho người đóng bảo hiểm khi một tai nạn nào đó xảy ra, người này đóng cho hãng một số bảo phí nhất định, gồm những số tiền cần thiết để trang trải rủi ro và tiền lời cho doanh nghiệp. Vì có trục lợi như vậy nên doanh nghiệp bảo hiểm với bảo phí nhứt định bị coi là đã làm hành vi thương mại.
h2: Bảo hiểm hỗ tương: Trong loại này, hội viên vừa là người đứng ra đóng bảo hiểm và cũng là người được bảo hiểm. Thường thường trong các hội này, tiền đóng bảo hiểm không nhất định mà tùy thuộc vào số tiền phải trả cho người được bồi thường. Thí dụ các chủ xe vận tải chẳng hạn, chung đậu nhau lại bắng cách nạp vào quỹ hàng tháng hay hàng năm một số tiền để khi có tai nạn thì chia sẻ gánh nặng cho nhau. Số tiền bảo phí này thay đổi tùy theo số lượng và tầm quan trọng của tai nạn xảy ra. Nếu như số tiền bảo hiểm còn tồn quỹ trong một thời gian đã vượt quá số lượng cần thiết để thanh toán các sự rủi ro, thì mỗi người hội viên có thể được hoàn trả một phần số bảo phí đã nộp. chính tình trạng không thu lợi nầy mà phải xem bảo hiểm hỗ tương là hoạt động phi thương mại. Tuy nhiên, bảo hiểm hỗ tương bị coi như hoạt động thương mại khi dùng số tiền dự trữ đem cho vay hay đem đầu tư trong cac công cuộc làm ănđể kiếm lời. Lúc đó, sự bảo hiểm mang hai tính cách của hành vi thương mại là chuyển vận tài sản và kiếm lời. Tuy nhiên, ngày nay các Công ty bảo hiểm thường được lập dưới công ty hợp cổ, nên hành vi của các công ty này, do hình thức của nó, được liệt vào loại công ty thương mại. Để tránh sự phân biệt khó khăn này giữa hai loại hình công ty bảo hiểm, LTM 1972 đã định rằng “được xem như hành vi thương mại với tính cách chỉ dẫn, các nghiệp vụ bảo hiểm dưới mọi hình thức“.
Trên đây là tóm lược các hành vi được LTM Pháp dự liệu ở điều 632, 633 và LTM Tung dự liệu ở điều 7 và LTM 1972 dự liệu tại điều 342, 343. Dầu vậy, theo án lệ, những hoạt động mặc dù được liệt kê vào danh sách trên, sẽ không có tính cách thương mại, nếu chỉ là phụ thuộc vào hoạt động chính không có tính cách thương mại. Thí dụ: Người làm ruộng (hoạt động chính không có tích cách thương mại) mua những súc vật để bán lại sau khi đã nuôi cho mập (việc bán là phụ), người thợ thủ công bán những đồ vật không phải do tự tay y làm ra, nhưng phụ thuộc vào nghề của y và việc bán không quan trọng nên không làm thương mại. Theo bản án Tòa Thượng thẩm Saigon ngày 19-8-1970, vụ Lý Thị Hoa K/ Trương Thị Thơm, PLTS số 2 năm 1971, trang 144, Tòa xử rằng: “Nghề uốn tóc theo bản chất căn bản của nó là một nghề thủ công nghệ, do đó, không thể căn cứ vào việc bán các vật dụng để uốn tóc mà lập luận rằng tiêm uốn tóc có tính cách thương mại”.

VI. NHỮNG HÀNH VI THƯƠNG MẠI PHỤ THUỘC
1. Định nghĩa: Các hành vi thương mại phụ thuộc không gồm vào các loại đã liệt kê trong các tiết trên, nhưng dầu cho nó là hành vi dân sự, nó vẫn bị coi là có tính cách thương mại khi nó do một thương gia làm trong khi y hoạt động về nghề nghiệp của y. Án lệ đã áp dụng điều 631 đoạn 1 và 632 đoạn 7 của LTM Pháp để xử rằng các hành vi phụ thuộc đó có tính cách thương mại. Điều 631 đoạn 1 nói rằng: “Tòa án thương mại sẽ xét xử những tranh chấp liên quan đến những sự giao kết và dàn xếp giữa thương gia với nhau, và giữa người thương gia với chủ ngân hàng”. Điều 632 đoạn 7 định rằng: “Luật coi như hành vi thương mại những ký kết giữa thương gia với nhau và thương gia với chủ ngân hàng”. Tuy nhiên, điều 638 đoạn 1 bác bỏ tố quyền của Tòa thương mại về những tranh tụng liên quan đến việc trả tiền và mua thức ăn và m8a5c dùng cho chính người thương gia. Điều 345 LTM 1972 cũng nói rằng “Có tính cách thương mại, mọi hoạt động và hành vi pháp lý phụ thuộc vào thương nghiệp. Được coi như có tính cách thương mại phụ thuộc vào thương nghiệp, trừ bằng chứng ngược lại, mọi hành vi pháp lý của thương gia“. Do những điều luật trên đây, ta thấy rằng tất cả các hành vi của người thương gia làm trong khi y hoạt động cho nghề nghiệp của y đều bị coi là hành vi thương mại, không kể rằng, người giao kết với y có phải là thương gia hay không. Trái lại những hành động nào mà y làm có liên hệ đến đời tư của y thì vẫn là hành vi hộ. Thí dụ: Một thương gia mua máy móc để dùng trong nhà xưởng của y. Việc mua máy móc tự nó không phải là một hành vi thương mại, nhưng nó có tính cách này vì nó phụ thuộc vào hoạt động chính của y. theo thuyết “phụ tùng chính” (l’accessoire suit le principal) hay “thuyết thuộc lý” (théorie de l’accessoire), án lệ xử rằng cả đến công ty thương mại thuê nhà cho một nhân viên ở để có thể khai thác hữu ích cho công ty (án lệ …).
2. Sự phỏng đoán: Có những trường hợp người ta nhận thấy rõ rệt tính cách phụ thuộc của nó vào một hành vi thượng mại, nhưng cũng có những trường hợp khó mà nhận thấy và người ta tự hỏi, phải căn cứ vào đâu để tìm hiểu hành vi đó có phải là do một hoạt động thương mại mà ra hay không? Điều 638 đoạn 2 có đ8ạt ra một phỏng đoán về thương phiếu như sau: Tất cả những thương phiếu phát hành bởi môt thương gia đều được phỏng đoán là phát hành phụ thuộc vào thương mại của y. Nếu y cho rằng một thương phiếu chỉ được phát hành nhân một việc mua sắm cho riêng cá nhân y dùng thì y phải dẫn chứng điều nầy.
3. Các sự giao ước: Các khế ước do người thương gia ký kết với đệ tam nhân cũng được suy đoán là hành vi thương mại phụ thuộc vào chính hoạt động của thương gia. Ở đây tiêu chuẩn để xét hành vi phụ thuộc có phải là hành vi thương mại hay không là lý do của sự kết ước (les motifs). Nếu lý do kết ước nhằm thỏa mãn nhu cầu của đời sống riêng tư, hoặc cho một hoạt động khác không có tính cách thương mại, thì hành vi phụ thuộc này không phải là hành vi thương mại. Thí dụ: Một thương gia kết ước mua một chiếc ca nô hầu du ngoạn mỗi khi rảnh rỗi. Sự mua sắm nầy không phải là hành vi thương mại nên nếu có tranh tụng thì Tòa dân sự xét xử. Nhưng thường thường những khế ước ký kết bởi thương gia thì hầu hết là những hành vi thương mại phụ thuộc như mua hoặc cho thuê dụng cụ, vay nợ ngân hàng, thuê mướn chuyên chở, ký thác, hoặc thuê mướn nhân công, hoặc ký kết bảo hiểm (..). Một tiêu chuẩn đặc biệt được nêu ra ở điều 91 bộ thương luật về sự cầm cố hàng hóa. Sự cầm đồ này có tính cách thương mại, dù cho hàng hóa do một thương gia hay một người không phải thương gia đem cầm, với điều kiện là đồ vật cầm là để bảo đảm cho một món nơ thương mại. Khi là một món nợ thương mại như đã nói thì vật hoặc hàng hóa đang cầm mang tính chất một bảo đảm thương mại phụ thuộc vào trái quyền thương mại đã có. Có vài biệt lệ đối với những sự kết ước vô thường. Thí dụ: Sự tặng dữ và sự bảo đảm vô thường không phải là hành vi thương mại. Đối với sự bảo đảm, thì đây là sự biệt lệ quan trọng, vì thông thường sự bảo đảm được làm do một hoạt động ích lợi cho sự mua bán của người thương gia. Thí dụ bảo đảm để vay nợ ngân hàng hoặc một hội viên đứng ra bảo đảm để vay nọ cho hội, mặc dù hội viên này không có tư cách một thương gia (trường hợp hội viên xuất vốn trong một công ty hợp tư).Đối với những sự giao ước về bất động sản, như mua bán nhà phố hoặc đất, các hành vi này được coi như có tính cách hộ, mặc dù do người thương gia làm. Tuy nhiên, án lệ gần đây về điểm này lại coi các hành vi đó có thể mang tính cách thương mại phụ thuộc khi sự mua bán có liên hệ đến hoạt động chánh của người thương gia.
Trên đây là những hành vi phụ thuộc do người thương gia làm có thể coi là hành vi thương mại. Còn nếu một hội buôn làm các hoạt động trên thì sự phỏng doán sẽ tuyệt đối, nghĩa là, khẳng định các hành vi trên chỉ có thể là hành vi thương mại mà thôi. Tóm lại, các hành vi sau đây của người thương gia không bị phỏng đoán là hành vi thương mại phụ thuộc:
– Hợp đồng ký kết khi lập hôn thú để chỉ định chế độ tài sản giữa hai vợ chồng người thương gia;
– Hợp đồng để mua đồ đạc dùng riêng cho người thương gia hoặc gia quyến;
– Hợp đồng sinh thời tặng dữ, hoặc hợp đồng bảo đảm một cách vô thường …
4. Nghĩa vụ ngoại khế ước của người thương gia cũng bị phỏng đoán có tính cách thương mại:  Trước kia tòa án chỉ áp dụng phương pháp suy luận trên phạm vi các khế ước, dần dần thuyết hành vi thương mại phụ thuộc cũng được nới rộng đối với các nghĩa vụ hay giao kết ngoại ước (engagements extracontractuels: Cam kết ngoài hợp đồng) và đối với các vi phạm (delits) và bán vi phạm (quasi-délits). Án lệ cho phép một đương sự trưng bằng chứng là trái vụ đã phát khởi nhân dịp một hoạt động của người thương gia, và do sự hoạt động mà có, vì lẽ hoạt động xảy ra không do ý muốn của người thương gia. Ví dụ: Một thương gia có thể bị coi như đã có trách nhiệm vi phạm hoặc bán vi phạm nhân dịp một hành vi cạnh tranh bất chính. Người thương gia cũng có thể bị xử phạt bồi tổn thiệt hại nhân dịp các hành vi thương mại của y. Y cũng có thể bị phạt bồi thường nhân dịp các tồn thương về vật chất lẫn tinh thần do hành vi phương mại của y (…). Ngày nay, giải pháp suy đoán trách nhiệm chẳng những do các hành vi của một thương gia làm ra là nhân dịp hoạt động nghề nghiệp của y. Về phần người bị nạn, án lệ cũng suy đoán rằng trái khoản mà y được hưởng có tính cách thương mại, nếu sự thiệt hại y phải chịu xảy ra nhân dịp hoạt động nghề nghiệp của y. Tuy nhiên, kể từ cải tổ tư pháp năm 1958 tại Pháp, án lệ trên mất phần nào sự hữu ích của nó, vì kể từ đây những thiệt hại gây ra bởi xe cộ chỉ bị xét xử bởi tòa án dân sự mà thôi, dù rằng sự thiệt hại ấy gây ra nhân dịp một sự hoạt động thương mại của người thương gia (luật số 58-1285 ngày 22-12-1958). Tuy nhiên, Tòa án thương mại Pháp vẫn giữ quyền xét xử các sự thiệt hại gây ra bởi các tàu biển và các tàu bè di chuyển trong nội địa (sắc lịnh ngày 9-1-1960). Mặt khác, tố quyền thưa kiện về các vụ mạo nhận bằng sáng chế hoặc nhãn hiệu khi xét xử bởi Tòa dân sự nếu các vụ nầy không bị đưa ra ở tòa Hình sự (Luật ngày 5-7-1844, luật ngày 23-6-1859, điều 16). Những giải pháp trên được áp dụng cho các ngoại khế ước khác, như sự trả nợ không thiếu, sự quản lý sự vụ, sự đắc lợi vô nguyên nhân và những nghĩa vụ luật định. Tuy nhiên, phải loại ra ngoài những món nợ về thuế vụ hoặc các món tiền phạt vạ. Nó không được coi như nợ thương mại, mặc dù nó phát sinh từ các hoạt động thương mại. Trái lại các món nợ như sự đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội mang tính cách thương mại. Tuy nhiên, chưa có gì xác nhận rằng thương gia có thể bị tuyên bố khánh tận hoặc thanh toán tài phán vì không trả các món nợ cho các quỹ an sinh xã hội (caisses de sécurité sociale).
5. Hành vi phụ thuộc về hộ sự: Thuyết hành vi phụ thuộc chẳng những có tác dụng làm cho một hành vi hộ trở nên một hành vi thương mại khi nó phụ thuộc vào hoạt động chính của một thương gia như đã biết. Nó cũng đem lại hậu quả trái ngược là làm cho các hành vi thương mại theo bản chất kể tại các điều 633 và kế tiếp trở nên một hành vi hộ sự nếu phụ thuộc vào một hoạt động chính có tính chất hộ sự. Thí dụ hành vi mua để bán lại, kiếm lời hay mua để chế tạo ra đồ vật rồi bán kiếm lời là một hành vi thương mại. Nhưng nếu mua và bán lại như thế lại hành xử bởi một người thường, không phải là thương gia để có ích cho nghề nghiệp hộ sự của y thì hành vi mua đi bán lại trên đây không thể mang tính cách thương mại được. Đây là trường hợp của người làm ruộng đã chế biến hòa màu của y trước  khi bán như biến nếp thành rượu rồi bán, biến mía thành đường rồi bán, biến trái nho thành rượu rồi bán v.v…(…).  Thí dụ này chỉ đúng khi người làm ruộng chỉ chế biến chính hòa màu của y tạo ra mà thôi. Nếu y mua mía, mua nếp của người khác để biến chế ra đường ra rượu rồi bán kiếm lời thì đó là hành vi thương mại như đã biết. Cũng là hành vi hộ sự của người làm ruộng mua súc vật để nuôi cho mập trước khi bán, người họa sĩ mua lụa và đá hoa để vẽ tranh rồi bán, người bác sĩ trong một địa phương không có dược sĩ, bán các món thuốc cho bệnh nhân của y mà thôi; người chủ nhà trọ nấu cơm cho các người ăn cơm tháng tại nhà y, người kế toán viên ngân khố khi y làm các nghiệp vụ ngân hàng, trong phạm vi chức vụ của y…

VII. CÁC HÀNH VI HỖN HỢP
1. Định nghĩa: Đây là hành vi có tính cách thương mại đối với người thương gia, nhưng không có tính cách này đối với người kia là người thường. Đây không phải là một loại hành vi thương mại khác hẳn các loại hành vi thương mại đã kể trước. Nhưng đây là loại hành vi hỗn hợp. Thí dụ: Một thương gia bán hàng hóa cho người tiêu thụ, sự mua các nông sản của một người làm ruộng bởi một thương gia, sự chuyên chở làm bởi một thương gia cho một người thường, khế ước mướn nhân công lập bởi một thương gia và một người thường. Cái khó là xác định bản chất pháp lý của các hành vi hỗn hợp trên để ấn định khi nào Tòa thương mại có thẩm quyền. Đôi khi luật lệ có ấn định trước. thí dụ: Luật ấn định thời hạn tiêu diệt tố quyền là 10 năm đối với thương gia với nhau, và thời hiệu này không áp dụng nếu trong hai đối ước có một người không phải là thương gia. (Điều 348 LTM 1972: “Các nghĩa vụ phát sinh do các hành vi thương mại bị thời tiêu sau 10 năm.Giữa một thương gia và một người dân sự, thời tiêu trên chỉ áp dụng cho tố quyền của thương gia“. Nhưng trước sự thiếu sót của luật pháp, án lệ đã phân biệt như sau:
a. Về thẩm quyền: Phải xét tư cách của ngu727i bị đơn trong vụ kiện hay trong vụ kháng biện:
– Nếu bị đơn là người làm hành vi thương mại thì nguyên đơn có quyền chọn tòa thương mại hay tòa dân sự.
– Nếu hành vi của bị đơn là hành vi dân sự thì nguyên đơn thương gia chỉ có thể kiện ở tòa dân sự mà thôi;
Tuy nhiên, nếu khế ước hỗn hợp có ghi điều khoản giao cho Tòa thương mại xét xử, thì điều khoản này có giá trị đối với đôi bên, người thương gia cũng như người không thương gia.
b. Về cách dẫn chứng: Về sự dẫn chứng phải xét đến tư cách của người có phận sự dẫn chứng:
b1) Nếu dẫn chứng để chống lại một người đã làm một hành vi thương mại, thì người dẫn chứng có thể bị người không thương gia, đòi hỏi phải trưng bằng chứng bằng mọi cách của thương luật như sổ sách, thư từ, hóa đơn, nhân chứng, kể cả sự phỏng đoán, và người thương gia không có quyền đòi hỏi người dẫn chứng không phải là thương gia xuất trình các bằng cớ chắc chắn trong lĩnh vực dân sự như văn thơ (…).
b2) Trái lại, nếu người dẫn chứng là một thương gia chống lại một người làm một hành vi dân sự, thì y phải chấp nhận thể thức dẫn chứng về dân sự như văn thư nếu tranh tụng quá ngạch số 500 f.
c. Các lợi ích khác:
– Về nội dung: Đối với các điều khoản trọng tài, Tòa phá án đã chấp nhận rằng các điều khoản này không có hiệu lực đối với các khế ước hỗn hợp: Quan điểm của Tòa thương thẩm là  khế ước mang tính cách thương mại đối với hai bên, đã bị Tòa phá án bác bỏ. (…)
– Về hình thức của sự đốc thúc, về ngạch số tiền lời luật định phải trả khi đáo hạn, về sự liên đới, sự ngưng trả nợ, Tòa án thường thường xét xem con nợ có tư cách thương gia hay ko6ng để áp dụng các biện pháp thích đáng./. (Hay).

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar