Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

3. Khái niệm xã hội học

KHÁI NIỆM XÃ HỘI HỌC 

Danh từ xã hội học (sociologie) do Auguste Comte đặt ra năm 1839 trong cuốn thứ IV sách giáo khoa của ông gọi là “Cours de Philosophie positive” hay Giáo khoa Triết học Thực nghiệm. Auguste Comte lúc đầu gọi khoa học về xã hội (la science de la société) là “Vật lý xã hội” (physique sociale), cũng như Henri de Saint Simon và Hobbes. Nhưng vì năm 1836, ông Que’telet lại, dùng danh từ Vật lý xã hội để chỉ công cuộc nghiên cứu thống kê cho những hiện tượng luân lý, cho nên Auguste Comte mới đặt thêm cho danh từ mới là xã hội học. Ngày nay, danh từ này dùng để chỉ toàn thể những khoa học xã hội (l’ensemble des sciences sochiales), vì sự phát triển của khoa học về xã hội đã sinh ra nhiều khoa học chuyên môn phụ như là: xã hội gia đình học; xã hội kinh tế học, xã hội tôn giáo học, xã hội chính trị học.

ĐOẠN I: TÍNH CÁCH KHOA HỌC CỦA KHOA XÃ HỘI HỌC

Auguste Comte đã nhấn mạnh đến tính cách khoa học của khoa xã hội học. Chính sự phát sinh khoa học này là do ý niệm quan trọng, rằng người ta phải áp dụng vào công cuộc nghiên cứu các hiện tượng xã hội, những phương pháp quan sát đã dùng trong những khoa học thiên nhiên của tạo hóa. Do đó mới có danh từ đầu tiên là vật lý xã hội. Về sau Durkheim cũng cho rằng phải xem các sự kiện xã hội như là những sự vật.
1._ Sự lẫn lộn ban đầu giữa xã hội học với triết học và luân lý xã hội.
Cho đến thế kỷ thứ 18, người ta chỉ nghiên cứu những sự kiện xã hội nhất là dưới khía cạnh triết học và luân lý. Người ta tìm cách định nghĩa, không phải xã hội là gì, mà xã hội phải như thế nào đối với những sự tín ngưỡng siêu hình và tôn giáo trên bản chất loài người, cứu cánh của cuộc sống v.v… Ý niệm người và xã hội phải được nghiên cứu như những sự vật một cách khoa học và minh thị. Trong giai đoạn sơ khởi này, phương pháp phân tích những sự kiện xã hội có tính cách diễn giải. Người ta đặt vài nguyên tắc cơ bản, dựa vào tin tưởng không thể kiểm soát bằng thí nghiệm được. Từ những nguyên tắc đó, người ta suy luận liên tục ra những hệ quả. Kết quả đạt được như vậy có tính cách quy củ, nghĩa là xác định những quy củ làm cho điều hành được một xã hội tốt, phù hợp với nguyên tắc siêu hình và luân lý cơ bản.
Đáng lẽ phải dựa vào sự phán xét thực tế, cho thấy thế nào là sự vật, sự việc, nhân sự, phương pháp đó được diễn tiến trong khuôn khổ những phán xét giá trị so sánh sự vật, sự việc, nhân sự, với những định nghĩa khởi thủy (apriori) về thiện ác, công bình, bất công, có tính cach độc đoán bất di dịch. Những đường lối cư xử, hay là qui củ, đều do những phán xét ấy mà suy ra.
2._ Sự phát triển một khoa học xã hội có tính cách khoa học.
Dĩ nhiên từ thời thượng cổ, nhiều tác giả cũng đã tìm cách nghiên cứu những sự kiện xã hội một cách khoa học, như Aristote, Machiavel (Le Prince 1532) Jean Bodin (La Re’publique 1577). Nhưng những tác phẩm của họ có tính cách lẻ loi, và vẫn còn có khuynh hướng nghiên cứu sự kiện xã hội một cách triết học và luân lý. Đến Montesquieu với cuốn “L’esprit des lois” năm 1747, mới có  một khúc quanh rõ ràng, vì sách Vạn pháp Tinh lý đó là sách xã hội chính trị học đầu tiên. Tuy vậy, không kể sự phát triển khoa xã hội kinh tế học, phải đợi đến thế kỷ 19, mới được xác nhận rõ khuynh hướng đưa khoa học xã hội vào những công cuộc nghiên cứu khách quan, và nhờ việc áp dụng những phương pháp quan sát, như trong các khoa học tạo hóa, khoa học vật lý. Nhưng khoa xã hội học chỉ là khoa học thật sự, khi nào, cũng giống như những khoa học tạo hóa, nó có tìm cách mô tả và giải nghĩa các hiện tượng thực tế, bằng cách dùng kỹ thuật quan sát, và cho những phán xét thực tế, chứ không phải những phán xét giá trị. Tuy nhiên, quan niệm tổng quát về khoa học ngày nay đã biến chuyển.

ĐOẠN II._ QUAN NIỆM HIÊN TẠI VỀ SỰ HIỂU BIẾT KHOA HỌC

Quan niệm khoa học đã thay đổi một cách sâu xa, từ 50 năm nay, nên đã ảnh hưởng đến quan niệm của xã hội học.
1._ Những chỉ trích đối với thuyết định mệnh: Nhiều cuộc tranh luận xảy ra giữa các nhà triết học trong khoảng thời gian gần đây (1930) về những giới hạn của định mệnh, nền tảng của tìm tòi khoa học. Muốn cho những khoa học có thể giải nghĩa được những tương quan cần thiết phát sinh từ bản chất của sự vật, thì trước hết những tương quan đó phải thực sự thiết yếu, nghĩa là, một việc định trước A, chắc chắn luôn luôn đưa đến những hậu quả nhất định B. Đó chính là định nghĩa của thuyết tiền định, hay định mệnh. Nhưng gần đây, những công cuộc nghiên cứu về nguyên tử, cho biết rằng những tương quan vật lý không phải được xác định một cách chắc chắn, nghĩa là với một việc định trước A, có thể đưa đến nhiều hậu quả A, B, C,D v.v… Người ta không thể tiên đoán được hậu quả nào thực sự sẽ đến, mà chỉ có thể có một ý niệm tương đối, có thể xảy ra cho mỗi hậu quả (Louis de Broglie). Mặc khác, trong nhiều phạm vi khác, người ta lại có thể đưa ra gần như một văn thức tương quan không chắc chắn (relation d’incertitude): Hễ một yếu tố của một hệ thống được xác định rõ hơn, thì yếu tố tương ứng lại bớt tính cách ấy đi. Heisenberg chứng minh rằng người ta càng xác định rõ vị trí một động tử, thì càng không xác định rõ tốc độ của nó, nên không thể nào xác định chắc chắn quỹ đạo của nó. Và các nhà triết học đã tổng quát quá những phân tích khoa học đặc biệt đó.
2._ Từ thuyết tiên định tuyệt đối (determinisme absolu) đến thuyết tiền định thống kê (determinisme statistique): Điểm chính là trước hết thuyết tiền định về khoa học ngày nay không còn được quan niệm như hồi cuối thế kỷ 19 và đầu thể kỷ 20. Thuyết tiền định ngày càng có ý nghĩa thống kê. Người ta không còn nói, một yếu tố A đưa đến nhất định yếu tố B; mà nói rằng sự may rủi có thể thấy, yếu tố B đi liền yếu tố A là độ mấy phần trăm. Trong hầu hết những khoa học vật  lý, tỷ lệ may rủi có thể rât cao. Ở phạm vi nguyên tử, tình trạng này hơi khác, vì nhiều giả thuyết B,C, D có thể xảy ra theo yếu tố A, với những tỉ lệ may rủi tương ứng khá cao. Trong những khoa học xã hội, tình trạng sau này lại có tính cách tổng quát hơn: Đồng thời một duyên cớ có thể có nhiều hậu quả khác nhau, mà mức độ may rủi tương ứng có thể tính được. Cho nên nếu ngày xưa người ta sắp xếp những khoa xã hội học ngang hàng với các khoa học vật lý vì dựa vào sự hiện diện của thuyết định mệnh xã hội, tương đối như thuyết định mệnh vật lý, có tính cách tuyệt đối, thì ngày nay, trái lại, vì người ta xem thuyết định mệnh vật lý có giá trị tương đối, như thuyết định mệnh thống kê, mà hình ảnh là những khoa xã hội học, cho nên người ta có khuynh hướng sắp loại những khoa vật  lý vào hàng những khoa học xã hội, trên nền tảng lý thuyết định mệnh thống kê. Sự tiến triển này thuận lợi cho sự phát triển khoa học xã hội, bằng cách loại hẳn trở ngại xưa, do sự tự do cá nhân mà ra. Quan niệm tự do chống ngược hẳn thuyết định mệnh cổ truyền. Tự do có nghĩa là có thể tự định đoạt lấy, nghĩa là không bị định đoạt bởi bên ngoài. Các nhà triết học thực nghiệm ở thế kỷ 19 phủ nhận tự do của con người, cho rằng đó là ảo tưởng để có thể chấp nhận hiện diện của những khoa học xã hội. Do đó, có nhiều cuộc tranh luận triết học không đưa đến kết quả nào cả. Ngày nay, trên bình diện khoa học xã hội, những cuộc tranh luận ấy không còn nữa, vì thuyết định mệnh thống kê không trái ngược với ý niệm tự do. Thuyết định mệnh thống kê chỉ cho những kết quả của những điều kiện cụ thể, trong ấy tự do vẫn còn tồn tại. Nói rằng 60% dân chúng Paris rời khỏi thủ đô ngày 15-8 thì không có nghĩa ngăn cản việc, trong ngày đó,mỗi người được tự do ở lại trong thành phố hay đi xa. Thuyết định mệnh thống kê chỉ phát biểu những thái độ chung một cách khái quát, có thể gần đúng, mà vẫn chú trọng đến sự tự do của những cá nhân trong tập thể.
3._ Bản chất tác động của những khoa học:
Ngày nay, người ta không còn chú ý đến việc sự nghiên cứu tìm tòi khoa học có diễn tả được hay không sự thật của vạn vật. Đối tượng chính của khoa học cận đại không phải chỉ là mộ tả sự thật hay những hiện tượng, mà là xác định những qui luật tác động. Người ta không quả quyết rằng vũ trụ là gồm có thật sự các nguyên tử, như các nhà vật lý học, mà chỉ nhận xét rằng, những sự mô tả này, có thể làm cho đạt được những kết quả thực dụng, như là việc giải phóng nguyên tử năng. Nói cách khác, người ta thay ý niệm xưa “phán xét sự thật” của khoa học, bằng những khái niệm tác động, nghĩa là khái nie65mgiu1p ích cho hành động, vì người ta cho rằng không thể nào biết hết sự thật, vì nó có thể nhiều sự thật phức tạp, cho mỗi khía cạnh của vũ trụ, mỗi phương diện quan sát.

ĐOẠN III._ NHỮNG GIỚI HẠN CHO TÍNH CÁCH KHOA HỌC CỦA XÃ HỘI HỌC 

Dù khoa học có ý nghĩa xưa, là tìm sự thật, hay ý nghĩa mới là “tìm phương tiện hành động trên vạn vật“, ta cũng không thể nào đồng hóa hẳn những khoa học tạo hóa với khoa học nhân sự; nghĩa là xã hội học không phải hoàn toàn khoa học, vì các lý do sau đây:
1. Những giới hạn về cách dùng những phương pháp khoa học: Người ta có thể dùng và đã dùng trong xã hội học nhưng phương pháp khoa học, nhưng phần lớn hiện tượng xã hội vẫn thoát ra ngoài loại nghiên cứu này. Vẫn biết trong khoa học tạo hóa cũng có nhiều sự kiện khoa học chưa thể sưu tầm được, nhưng dẫn sao tình trạng của các khoa học xã hội cũng khác hẳn, vì mọi sự phân tích hơi tỉ mỉ một tập đoàn xã hội thường dựa vào những giải thiết nhiều hơn là những sự kiện, được thiết lập một cách khoa học. Ngoài ra những khoa học xã hội vừa mới phát sinh, còn trong thời kỳ thơ ấu, và loài người vẫn còn là một bí mật, không thể nào dùng những phương pháp thật sự khoa học, để tiên đoán mọi hoạt động được.
2. Tính cách co dãn của những hiện tượng xã hội: Những sự kiện xã hội, khác đồ vật là do tính cách co giãn của nó. Đồ vật thực thể, có thể phân biệt lẫn nhau dễ dàng, như bàn ghế, cây cối v.v.. và có thể sắp thành từng loại: khoán chất, thú vật, thực vật, v.v… Những hiện tượng xã hội, trái lại khó sắp loại được, vì khó tách biệt ra từng yếu tố lẻ loi. Trong mọi khoa học, sự sưu tầm luôn luôn được hướng dẫn bằng giả thuyết, kiểu mẫu, lý thuyết, hệ thống, nghĩa là một kiến trúc của lý trí. Khi nghiên cứu, người ta đem so sánh những sự kiện thực tế, với những kiến trúc đó, và kết quả cho biết những giả thuyết, những kiểm mẫu, lý thuyết, hệ thống ấy, có phù hợp với thực tế là bao nhiêu, hoặc cần phải sửa đổi lại, nếu đi xa với thực tế. Đối với khoa học vật lý, có thể thí nghiệm thật sự được, vì những sự  kiện là đồ vật, gần như có hình thể cứng, đặc cố định. Đối với khoa học xã hội, trái lại nhiều sự kiện ít sờ mó được, nên ít thí nghiệm chính xác, mặc dù luôn luôn kết quả cũng có một phần phù hợp với những l1y thuyết, hệ thống.
3._ Tầm quan trọng của những giá trị trong đời sống xã hội: Nói một cách tổng quát, giá trị là những sự tin tưởng, liên quan đến thiện ác, công bình, bất công, việc phải, việc cấm. Những tương quan xã hội, phần lớn không những dựa vào các sự kiện tích cực khách quan, mà còn dựa trên những phán xét giá trị nữa. Ví dụ: Người ta có thể phân tích khách quan và thấy rằng, trong một nước nào đó, và ở một thời gian nhất định, đa số dân chúng (80%) thích những giá trị dân chủ, và phần còn lại 20% thích giá trị độc tài. Ở đây người ta có thể xem những giá trị xã hội như là những sự kiện và do phương pháp này, có thể giải nghĩa được một phần, sự phát sinh, tiến triển, và chuyển biến giá trị. Những cuộc phân tích này có tính cách tác động, vì khi cho biết ảnh hưởng các giá trị trên cách cư xử của loài người, mức độ hiệu nghiệm, thì có thể giúp cho hành động được. Tuy nhiên, những tương quan giữa giá trị trong xã hội không có tính cách toán học tuyệt đối.
Hệ thống giá trị tổng quát trong một xã hội, không phải là tổng hợp các loại giá trị đối diện trong đó, cho nên những cuộc nghiên cứu khách quan vẫn ở trên bề mặt những hệ thống giá trị, chứ không đi vào ý nghãi sâu xa được. Ví dụ: Ai không có lòng tín ngưỡng thì không thể nào hiểu được hiện tượng tôn giáo. Hơn nữa, trong những khoa học xã hội, người quan sát luôn luôn liên hệ ít nhiều với sự thật họ đang nghiên cứu và không thể hoàn toàn trung lập được; nhất là khi họ quan sát xã hội họ đang sống, họ không khỏi chấp nhận một phần hệ thống giá trị trong đó. Mặc dù có nghiên cứu xã hội xa lạ, họ cũng có khuynh hướng so sánh với xã hội họ đang sống, và phản chiếu một phần giá trị họ đã chấp nhận, trên xã hội họ đang quan sát. Như vậy phương pháp phân tích giá trị ấy không thể nào khách quan được. Nhưng với quan niệm mới về khoa học, dựa vào tính cách tác dụng của kết quả, tầm quan trọng của những giá trị trong đời sống xã hội, không làm ngăn trở nhiều những sự nhiên cứu khoa học. Những cuộc điều tra về dư luận, nghiên cứu nguyên do, các trắc nghiệm những phương pháp phân tích tâm lý, cho nhiều kết quả tốt. Việc quảng cáo thương mại, tuyên truyền chính trị, có thể dựa vào những kết quả đó để hành động hiệu quả.
Tóm lại, xã hội học cũng là một khoa học, nhưng vì còn mới mẻ, đang tiến triển, nên chưa thể đống hóa hoàn toàn với các khoa học tạo hóa được, nhất là còn phải dựa vào nhiều lý thuyết, để hướng dẫn sự suy tầm./.

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar