1 PHÚT TỰ DO = ?
Luật sư Lương Vĩnh Kim
“Căn cứ vào khoản 3, điều 201 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS) tuyên bố trả tự do cho Trần Thị Ngọc Lan, Ngô Bích Vân, Võ Ngọc Trung và Lê Thị Ngọc Vân nếu các bị cáo này không bị giam giữ về một tội phạm khác” (Trích từ lời tuyên của chủ tọa Bùi Hoàng Danh trong vụ án Tân Trường Sanh).
10g05, những người có tên trong lời tuyên trên đã được tự do nhưng tôi đã nhầm, họ vẫn bước lên xe tù trong tư thế mất tự do. Tôi gọi điện ngay cho Luật sư Lê Trọng Hùng – người bào chữa cho cô Lê Thị Ngọc Vân – đề nghị lên tiếng để những người có thẩm quyền trả tự do cho những người có tên trên ngay tại phiên tòa theo đúng qui định của điều 201 BLTTHS, nhưng Luật sư Lê Trọng Hùng đã loay hoay trong vô vọng. Những người đã được trả tự do vẫn phải lên xe tù trong tư thế mất tự do để trở về nơi giam giữ.
Tôi trách luật sư Hùng: Sao không yêu cầu công an tháo còng cho cô Vân?
Luật sư Hùng trả lời: Tội quá ông ạ ! Tôi đã yêu cầu nhưng họ không làm vì lý do là họ chưa nhận được lệnh !
Bằng tất cả sự quen biết, kinh nghiệm, lúc cứng lúc mềm, năn nỉ dịu ngọt và đấu tranh để làm gấp các thủ tục nhưng mãi đến 11g43, Luật sư Lê Trọng Hùng mới đón và đưa được thân chủ của ông ra khỏi trại giam.
Họ được trả tự do ngay tại phiên tòa hay được trả tự do sau đó tại nhà giam? Cụm từ “ngay tại phiên tòa” ghi rất rõ ràng tại điều 201 BLTTHS đã bị ai gặm mất, để lời tuyên của chủ tọa Bùi Hoàng Danh chỉ còn trả tự do không thời điểm, không nơi chốn ! Sao còn tiếng “nếu” trong lời tuyên trả tự do?
Tôi sợ tai mình nghe nhầm nên chờ cho đến hôm nay để được đọc bản án. Tôi sợ trí mình hiểu nhầm nên về nhà tra cứu sách. Tôi lại sợ sách của tôi bị in nhầm nên phải lần mò đọc lại điều 201 BLTTHS ở nhiều sách của các nhà xuất bản khác nhau. Nhưng tất cả đều ghi rõ là Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ ba, thông qua BLTTHS ngày 28-06-1988, trong đó có điều 201 chứa đựng nội dung như thế này: “Trong những trường hợp sau đây, hội đồng xét xử phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu họ không bị tạm giam về một tội khác …”, Nghĩa là ngay tại phiên tòa, sau lời tuyên, họ đã có tự do và phải được tự do. Chữ “nếu” phải mất đi trong lời tuyên vì chữ nếu là của nhân dân nhắc nhở những con người khả kính cầm cân công lý phải có trách nhiệm và đủ thẩm quyền xem xét trước khi tuyên bố trả tự do. Sau lời tuyên thì không còn ai có trách nhiệm và đủ thẩm quyền để xóa đi chữ “nếu” oan nghiệt ấy cho họ.
Vấn đề không chỉ là 98 phút tự do của một trường hợp cụ thể mà còn là công lý. Họ có tội nên họ phải trả giá, nhưng khi họ đã trả xong cái giá mà nhân dân bắt họ phải trả thì họ phải được tự do vì nhân dân đã đồng ý cho họ tự do ngay tại phiên tòa bằng một điều luật cụ thể. Hơn nữa, vấn đề ở chỗ là phải tôn trọng, nâng niu từng giây phút tự do chân chính của mỗi con người; nếu gặp phải trường hợp người vô tội được trả tự do ngay tại phiên tòa nhưng cái thủ tục kỳ quái kia “gặm” thêm 98 phút tự do thì chúng ta đau xót biết chừng nào?
Một vụ án trọng điểm, được chuẩn bị kỹ, đưa ra xét xử công khai giữa một thành phố lớn với trình độ dân trí rất cao, có luật sư bào chữa nhiệt tình nhưng họ vẫn bị “gặm” mất 98 phút tự do thì thử hỏi ở nơi khác, phiên tòa khác, hoàn cảnh khác có bao nhiêu người bị “gặm” bao nhiêu phút tự do?
Có thể họ không biết mình bị “gặm” mất 98 phút tự do nên họ không buồn; có thể họ biết, họ buồn nhưng họ không làm “con kiến mà kiện củ khoai”. Nhưng còn tôi, một công dân – luật sư, càng nín lặng tôi càng xấu hổ; và vì xấu hổ nên tôi phải viết bài này để đền cho họ những phút bị “gặm nhấm” tự do.
Bình luận