Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

3. Những đặc tính pháp lý của hội đoàn (1182-1191)

NHỮNG ĐẶC TÍNH PHÁP LÝ CỦA HỘI ĐOÀN
Những đặc tính của hội đoàn gồm những đặc tính thuộc về khế ước lập hội, về mục đích của việc lập hội và bản chất pháp lý của hội đoàn. 

I. NHỮNG YẾU TỐ CỦA KHẾ ƯỚC LẬP HỘI
A. Phải có nhiều hội viên:
1182. Việc lập hội được dân luật Việt Nam quan niệm như một khế ước; đã là khế ước, tất nhiên phải có nhiều người đồng thỏa thuận và cùng ký tên. Trên nguyên tắc, muốn lập hội, ít ra phải có hai người. Riêng về công ty vô danh, ở Nam phần, luật hiện hành bắt buộc phải có ít nhất là 7 người. Bộ luật TMTP không có điều khoản nào đặc biệt ấn định số hội viên tối thiểu của công ty vô danh. LTM 1972 tại điều 295, duy trì con số tối thiểu là 7 người: :”Hội nặc danh chỉ được thành lập nếu số hội viên từ bảy người trở lên”. Về công ty TNHH, ở Nam phần. Luật thương mại không hạn chế số hội viên, nhưng ở Trung phần, bộ luật thương mại, điều 64 ấn định số hội viên tối đa là 20 người. LTM 1972 cũng không hạn chế số tối đa, chỉ ấn định số hội viên tối thiểu là hai người tại điều 208: “Số hội viên tối thiểu mà hội phải có trong suốt thời gian hoạt động của hội là hai người. Hội viên hội trách nhiệm hữu hạn không có tư cách thương gia“. Như vậy, ở Việt Nam, ngoài những trường hợp luật định đã rõ là phải có một số hội viên nhiều hơn, muốn lập hội phải có hai người là ít: không thể có được những công ty thương mại với một hội viên độc nhất như ở Anh quốc và Đức quốc. Do một sự tình cờ khá kỳ ngộ, quan niệm cổ truyền của Việt Nam cũng giống như quan niệm của Pháp. Người Việt Nam không bao giờ nghĩ rằng, một hội, lại có thể chỉ có một người, vừa là sáng lập, vừa là hội viên. Theo tục lê Việt Nam, chẳng bao giờ một người lại lập hội với chính mình, nếu có một người nào muốn làm như vậy tất bị coi là lẩm cẩm. Nhưng trong khi tục lệ Việt Nam chỉ căn cứ theo lẽ phải thông thường để cho rằng đã gọi là một hội thì phải là một đoàn thể gồm nhiều người, quan niệm của pháp, trái lại, được căn cứ vào lý do pháp lý. Theo quan niệm của Pháp, một người không thể đứng ra lập hội, vì mỗi người chỉ có một sản nghiệp; tất cả tài sản, của cải của mỗi người đều họp lại thành một khối duy nhất là sản nghiệp của người ấy. Nếu chấp nhận cho một người được một mình lập một hội, thì sản nghiệp sẽ chia thành hai khối biệt lập, một phần được sung dụng vào hội, một phần ở ngoài, do đó, một người sẽ có hai sản nghiệp, trái với nguyên tắc nói trên.
B. Hội viên phải góp phần nhập hội:
1183. Mỗi hội viên phải góp công hay của làm phần nhập hội. Nhưng nếu tất cả các hội viên chỉ góp công thôi thì không lập được hội đoàn; cần phải có một hay nhiều phần của, được góp bằng tài vật, để làm sản nghiệp cho hội đoàn. Thí dụ một số luật gia họp nhau lại để cùng làm những công việc trước tác, khảo cứu, không phải là đã thành lập một hội đoàn mà chỉ là một hiệp hội, vì chỉ có người góp công, không có ai góp của. Ở Việt Nam có một thứ hội đặc biệt là hội chơi họ (trong Nam, kêu bằng hụi). Trong hội chơi họ, mỗi hội viên đều phải đóng tiền hàng tháng (hoặc mỗi kỳ hạn ngắn hơn), tức là có mang của cải nhập hội, mỗi hội viên đều được hưởng một số tiền lời trên số tiền mình góp cho đến khi đã mua họ (trong Nam gọi là hốt hụi); Tuy nhiên đây không phải là hội đoàn vì đoàn thể được thành lập chỉ là một đoàn thể thực tế, không có sinh hoạt pháp lý. Người có sáng kiến thành lập đoàn thể đương nhiên điều khiển đoàn thể, và chỉ riêng người ấy điều khiển và chịu trách nhiệm. Đứng về phương diện khai thác, có thể nói rằng đây là một công cuộc riêng của người sáng lập. Án lệ và các tác giả phương Tây nghiên cứu luật Việt Nam coi hội chơi họ là một thứ hội tương trợ nhằm giúp đỡ hội viên bằng cách cho hội viên vay một số tiền mà hội viên cần dùng với một lãi suất nhẹ. Ta không rõ nguồn gốc, sự tích của hội chơi hụi ở Việt Nam, chỉ biết rằng giấy tờ chơi họ của người Tàu, hội viên thường nói đến một người họ Bàng, gọi là Bàng công, không biết tên gì, được coi là người đã sáng lập ra hội chơi họ, vừa kiếm lời vừa làm việc nhân nghĩa giúp đỡ người khác. Dưới những danh từ hoa mỹ ấy, hội chơi họ cũng chỉ là một việc cho vay lấy lãi. Ngày nay sự kiện này thật hiển nhiên: Nhiều vụ kiện tụng ở pháp đình, đã cho thấy rằng sự chơi họ trong nhiều trường hợp chỉ là hình thức cho vay nặng lãi hoặc lường gạt. Đáng tiếc là, với tính cách một hội tương trợ, hội chơi họ không được quy định trong Bộ dân luật mới của Việt Nam 1972.
1184. Ở Pháp, cũng có những hội được thành lập với mục đích cho các hội viên vay tiền với một lãi suất nhẹ. Vấn đề đã có dịp đặt ra trước tòa án để xem xét những hội này có tính cách hiệp hội hay hội đoàn. Nếu hiệp hội, khế ước lập hội chỉ phải chịu thuế trước bạ nhất định; Nếu là hội đoàn, phải chịu thuế trước bạ theo tỷ lệ. Trong vụ kiện đưa ra trước tòa, sở trước bạ đòi đánh thuế 5 quan; thay vì thuế nhất định 3 quan 75. Số sai biệt chỉ 1 quan 25, nhưng hội đương sự đã theo kiện trong 3 năm, hai lần lên Tòa phá án và rốt cuộc đã thắng kiện. Điểm quan trọng trong bản án là tòa án đã xác định rằng hội đoàn có mục đích tất yếu là phải chia tiền lời do hội đoàn kiếm được, còn hiệp hội không có mục đích ấy. Bản án cũng cắt nghĩa thế nào là tiền lời: Lời lãi là tất cả những lợi lộc tiền bạc hay vật chất làm gia tăng tài sản của hội viên; còn những lợi lộc nào không làm gia tăng tài sản cho hội viên, mà chỉ làm cho hội viên tiết kiệm được một số tiền hay bớt được phí tổn thì không phải là lời lãi. Do đó, hội cho vay không phải là hội đoàn, vì khi hội hội viên được vay tiền với lãi suất nhẹ, chỉ là được bốt đi phí tổn hay chỉ được một phương tiện tiết kiệm, chứ không phải được chia tiền lời.
1185. Trên đây, ta vừa nói rằng, các phần góp của hội viên họp lại thành sản nghiệp của hội đoàn. Nay cần nhận xét và nói rõ rằng sản nghiệp này biệt lập với sản nghiệp của mỗi hội viên. Cá nhân mỗi hội viên đã bị thu hút bởi pháp nhân của hội đoàn, hay ít ra cũng bị pháp nhân của hội đoàn che khuất.: Hội đoàn là một chủ thể và chính hội đoàn mới là chủ nhân của sản nghiệp do các hội viên cấu tạo bằng phần vốn góp của mỗi người. Do đó, tuy rằng có một sản nghiệp mới được tạo lập, nhưng cũng lại có một chủ nhân mới xuất hiện để làm chủ sản nghiệp này; còn các hội viên vẫn chỉ có một sản nghiệp trong đó có một thành tố là phần riêng của mỗi người trong hội. Các hội viên không có quyền sử dụng sản nghiệp của hội: Mọi hành vi của hội đều có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến sản nghiệp của hội; do đó mọi hành vi đều phải do đa số hội viên, hay đa số nhân viên quản trị, tùy trường hợp, quyết định.
1186. Những nhận xét trên đây cho ta thấy rằng các hội viên trong hội đoàn tuy đem góp tài sản làm của chung, nhưng không phải là cộng đồng sở hữu chủ các tài sản đã góp, bởi vì các tài sản này hợp thành một sản nghiệp do pháp nhân của hội đoàn làm chủ. Tình trạng cộng hữu là tình trạng bất đắc dĩ và tạm thời. Thí dụ hai hay ba người cùng được tặng dữ hay cùng được hưởng di sản một ngôi nhà; hoặc cùng mua chung một ngôi nhà vì không đủ tiền mua riêng; mặt khác vì tình trạng cộng hữu là một tình trạng bất  đắc dĩ phải chịu đựng, như thế cho nên luật pháp không bắt buộc phải duy trì. Bất cứ lúc nào một cộng chủ cũng có thể xin chia phần, chấm dứt tình trạng cộng hữu. Trái lại, hội đoàn là tình trạng được tạo lập do ý chí của các hội viên; những người này, tự ý mình, do sự tự thuận của mỗi người, kết hợp lại để hoạt động kiếm lời. Ích lợi của việc kết hợp là ích lợi chung, cho nên trong những hội đoàn nào mà sự rút lui của hội viên làm cho hội đoàn (như công ty hợp danh) phải tan rã thì sự rút lui chỉ được luật pháp cho phép với hai điều  kiện:  a) Hội không có thời hạn nhất định; b) Sự rút lui không có ác ý nhằm gây thiệt hại cho hội và không thực hiện vào một lúc bất hợp thời (1468 DLT; 1869 DLP; 1291 DLVN 1972). Dĩ nhiên, không ai ngăn cản được một hội viên rút lui, vì đó là quyền tự do của mỗi người, nhưng nếu rút lui ngoài trường hợp luật định là lạm quyền, và sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
1187. C. Mục đích của việc lập hội là để kiếm lời:
Điều 1832 DLP (Điều 1425 DLT) định nghĩa hội là một khế ước nhân đó hai hay nhiều người đem góp một vật gì chung nhau, với mục đích chia nhau lợi lộc kiếm được (1264 DLVN 1972). Vậy sự kiếm lời là một đặc tính của việc lập hội, là nguyên nhân thúc đẩy việc lập hội, là mục đích mà các hội viên theo đuổi bằng việc lập hội. Không có mục đích kiếm lời thì đoàn thể không có tính cách một hội đoàn như ta đã định nghĩa ở trên. Tất cả những đoàn thể được thành lập với mục đích khác, không phải để kiếm lời, sinh lợi, đều không phải là hội đoàn; thí dụ hội săn bắn, hội câu cá, trừ phi săn bắn hay câu cá để lấy tiền cho vào quỹ hội để chia cho các hội viên. Điều kiện kiếm lời tuy là tất yếu cho hội đoàn, nhưng lại không phải là điều kiện đủ; nói cách khác, một khế ước có chứa điều khoản sinh lời, phân chia tiền lời, rất có thể không phải là khế ước lập hội; thí dụ một khế ước lao động, có khi dự  liệu cho công nhân được chia tiền lời ngoài số tiền công được hưởng, nhưng vẫn là một khế ước lao động.
1188. Các hiệp hội, nhiều khi cũng nhằm mục đích sinh lợi, thí dụ như hiệp hội bảo vệ quyền lợi người thuê nhà, nhưng tư lợi này không nhằm mục đích kiếm tiền để chia nhau, vì thế hiệp hội vẫn là hiệp hội. Ta phải nhận định và phân biệt kỹ càng giữa hội đoàn với hiệp ho65im vì mỗi loại có chế độ điều chỉnh riêng: Hội đoàn được tự do thành lập nhưng phải công bố cho dân chúng biết; Hiệp hội thì không được tự do thành lập, phải khai trình với nhà chức trách, phải được nhà chức trách cho phép, nhưng lại không buộc phải công bố; Hội đoàn có quyền làm thương mại, có năng cách pháp lý rộng rãi; trái lại, hiệp hội không có quyền làm thương mại, không có năng cách pháp lý trừ phi được công nhận là có ích lợi công cộng.

II. BẢN CHẤT PHÁP LÝ CỦA HỘI ĐOÀN
1189. Như trên đã nói, Dân luật quan niệm việc lập hội như một khế ước; Theo quan niệm ấy, hội đoàn là thành quả của sự thỏa thuận do các hội viên, cũng như bất kỳ khế ước nào khác. Học lý, trong một thời gian lâu dài, đều nghiên cứu hội đoàn theo chiều hướng của Dân luật và chú trọng trước nhất vào bản khế ước khởi thủy tạo ra hội đoàn, lấy bản văn ấy làm gốc để nhấn mạnh rằng việc lập hội được chi phối do nguyên tắc tự do lập ước: Các hội viên có quyền quyết định về quyền lợi của họ tùy theo ý muốn, không bó buộc phải tuân theo những quy lệ của Dân luật đặt ra, ngoài những quy lệ có tính chất trật tự công cộng.
1190. Quan niệm trên đây không còn thích hợp với sự tiến triển của luật thương mại. Quyền tự do lập ước ngày càng bị thu hẹp với sự can thiệp của nhà lập pháp, dưới áp lực của thời cuộc. Có khi nhà nước phải can thiệp, hạn chế tự do trong việc thương mại vì cần phải hướng dẫn nến kinh tế quốc gia về một mục đích nào đó, như bảo vệ tiền tệ, bảo vệ một vài ngành sản xuất; có khi sự can thiệp nhằm bảo vệ chung dân chúng trước sức mạnh ngày càng bành trước của hội đoàn, ngăn chặn các hội đoàn dùng thế lực lớn lao, vô hình của mình, sự tổ chức tinh vi của mình để lợi dụng, khai thác sự tính nhiệm của dân chúng. Do đó, luật pháp đã quy định một cách bó buộc cách tổ chức và hoạt động của nhiều loại hội đoàn, khiến cho trong việc thành lập, phạm vi tự do đã bị thu hẹp rất nhiều. Gia dĩ, pháp nhân của hội đoàn cũng làm cho hội đoàn có một sắc thái riêng, một sinh khí riêng: Pháp nhân hành động theo ý kiến của đa số, tức là có một thiểu số phải phục tùng đa số: Đối với thiểu số ấy, pháp nhân vượt khỏi tầm tay và ý chí của họ, không còn do họ nắm giữa, điều khiển.
1191. Vì những lý do trên, học lý, trong việc tìm hiểu bản chất pháp lý của hội đoàn, đã gạt bỏ quan niệm khế ước, để cho rằng hội đoàn là một công cuộc. Danh từ công cuộc ở đây, có ý nghĩa tương đương với danh từ định chế trong công pháp. Học lý cắt nghĩa rằng vì hội đoàn là một công cuộc chung cho nên một số hội viên phải hy sinh tư lợi, hay ít ra phải hy sinh ý kiến riêng của mình, tuân theo đại đa số để thực hiện công cuộc ấy. Thực ra, sự giải thích trên đây, không giải thích gì cả mà chỉ là sự mô tả thực tế bằng những danh từ pháp lý, cách thức sinh hoạt, hành động của hội đoàn mà thôi. Xét ra, những cố gắng để tìm hiểu bản chất pháp lý của hội đoàn đểu chỉ là những cố gắng xây dựng thuần túy lý thuyết, khó đem lại được một sự giải thích gì thỏa đáng, tích cực. Là vì, trong sự quy định hội đoàn, dưới mọi hình thức, luật pháp căn cứ trước hết vào ích dụng thực tế của mỗi loại hội đoàn hơn là chú trọng vào lý thuyết. Có hình thức đơn giản, được luật pháp ấn định cho những hoạt động tầm thường, có những hình thức phức tạp cho những hoạt động quan trọng, cho nên mỗi loại hội đoàn có một pháp quy riêng, mà tất cả các loại thì không có một bản chất chung cho toàn thể. Do đó, mọi lý thuyết nhằm để tạo ra một bản chất chung cho hội đoàn đều là gắng gượng, không lý thuyết nào có thể là khuôn khổ chung cho tất cả các hội đoàn, không có lý thuyết nào không có chỗ lệch lạc và sai khớp
Dù sao, pháp nhân của hội đoàn là một yếu tố đặc biệt và quan trọng, ta phải tìm hiểu pháp nhân này./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar