Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

4. Những điều cần biết trong việc mua bán

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRONG VIỆC MUA BÁN
(Pháp luật số 12 ngày 25-11-1956)

Mua bán là một giao kèo do một bên giao cho bên kia quyền sở hữu một vật hạng gì theo gia tiền đã định trước mà bên kia phải cam đoan trả cho mình. Khi hai bên đã đính ước với nhau về vật hạng và giá cả rồi, dẫu hàng chưa giao, tiền chưa trả, nhưng thế sự mua bán cũng đã hoàn toàn, và người mua đối với người bán là có quyền sở hữu về vật đó rồi. Các phí tổn về việc mua bán cùng các khoản phụ thuộc thì do người mua phải chịu, trừ ra khi hai bên đã định khác với nhau thì không kể.

I._ AI CÓ QUYỀN MUA BÁN

Phàm ai có tư cách lập giao kèo thì mua được, bán được. Những người không có tư cách giao ước là: Người vị thành niên, người bị cấm quyền, đàn bà có chồng có hôn thú mà không được chồng cho phép.
1) Vị thành niên: Người vị thành niên là người chưa đúng 21 tuổi. Muốn tính tuổi thì phải bắt đầu từ ngày sanh mà đếm tuổi cho mỗi người. Thí dụ: Người sanh ngày mùng một tháng giêng 1936 thì đến mùng hai tháng giêng 1957 mới đúng tuổi trưởng thành (1936+21=1957). Vậy khi lập giao kèo với người tự khai mình được 21 tuổi, cần phải biết chắc chắn ngày sanh của người ấy. Bằng cớ chắc chắn của ngày sanh đẻ là giấy khai sanh.
– Sự bất lực của người vị thành niên: Người vị thành niên không được mua, bán, vay mượn, nhận lãnh của cho hoặc tương phân. Chỉ khi nào có hội bổn tộc và tòa phê chuẩn y tờ hội tộc thì mới bán được bất động sản của người vị thành niên. Những bất động sản của vị thành niên đứng bộ làm chủ chỉ có thể bán đấu giá hoặc tại Tòa, hoặc trước mặt ông Chưởng khế, hoặc trước mặt hương chức làng mà thôi. Bổn tộc được quyền chọn coi nên bán đấu giá tại Tòa, hoặc trước mặt chưởng khế, hoặc do hương chức làng sở tại đất ruộng.
– Vị thành niên thoát quyền: Đó là những vị thành niên trên 15 tuổi nhưng chưa đủ 21 tuổi mà đã có vợ chồng hoặc cha cùng mẹ đứng khai cho phép thoát quyền trước mặt nhà chức trách. “vị thành niên thoát quyền” phải có thủ hộ dự thính (cha mẹ hoặc nếu không còn cha mẹ thì trưởng tộc). Có thủ hộ dự thính thì “vị thành niên thoát quyền” được phép mua. Nhưng nếu muốn vay bạc hoặc bán đất thì phải có hội bổn tộc và phải làm y theo điều chỉ nơi khoản “sự bất lực của người vị thành niên” thì mới được bán bât động sản hoặc vay bạc.
2.) Người bị cấm quyền: Những người bị bịnh khờ dại thường trực, hay bị mất trí thì cũng không có quyền đứng lập giao  kèo.
3) Đàn bà có chồng có hôn thú: Dầu là vợ chính thức hay vợ thứ, phải có chồng bằng lòng và dự thính thì mới đứng lập giao kèo.

Nên nhớ rằng: Những người đồng ước với những người vô tư cách không thể viện cớ người kia vô tư cách mà thoái thác những nghĩa vụ đã định trong giao kèo được. Thí dụ người bán đất cho một người đàn bà có chồng mà không được chồng dự tính và cho phép thì không được viện cớ ấy mà xin hủy bỏ tờ bán đất. Chỉ có người đàn bà ấy hoặc chồng y được phép xin hủy tờ bán đất đó, vì cớ không có chồng dự thính và cho phép.
4) Chiếu theo dụ số 26 ngày 20 tháng tư năm 1956, các việc chuyển nhượng sinh thời, hữu thường hay vô thường, cùng các việc mướn trong một thời hạn quá 10 năm, cho một tư nhân hay pháp nhân có ngoại tịch, bất luận được hưởng qui chế ưu đãi hay không, thiệt hiện với các bất động sản hay thuộc quyền bất động sản, đều phải được Tổng thống cho phép trước.

II. BẤT ĐỘNG SẢN NÀO KHÔNG THỂ MUA, BÁN ĐƯỢC?

1)  Hương hỏa: Bất động sản nào đã lập làm Hương hỏa thì không thể bán, cố hay thế được. Người lãnh phần hương hỏa chỉ được hưởng huê lợi mà thôi. Nếu trong tộc muốn bán phần hương hỏa thì tộc phái của người đã lập hương hỏa, hội lại lập tờ phá hương hỏa, và phải trình cho tòa phê chuẩn y tờ hội bổn ấy;
2) Cầm, thế: Bất độgn sản nào đã thế, hoặc cầm mà chưa dở bộ thì không thể bán được.
3) Tịch biên: Kể từ ngày cước tờ tịch biên tại sở đề áp hoặc vào địa bộ, những bất động sản bị tịch biên ấy không thể bán được;
4) Khánh tận: Người nào đã bị khánh tận thì không được bán bất động sản mình đứng làm chủ.
5) Ngăn bộ dự phòng (Prénotation – Immobilisation): Quan tòa có quyền ra lịnh ngăn bộ ruộng đất của một vị điền chủ, nghãi là buộc phải tạm ngưng lại, không được bán hoặc thế chưng ruộng đất ấy. Những duyên cớ buộc ngăn ấy có biên trong đại bộ hoặc tại sở Đề áp.

Tóm tắt lại: Trước khi lập giao kèo:
1) Phải biết chắc rằng người đứng lập giao kèo đã trên 21 tuổi
2) Buộc người đàn bà có chồng phải có chồng dự thính cho phép, và hai vợ chồng phải ký tên trong tờ;
3) Phải rõ chắc rằng người đứng lập giao kèo không khờ  khạo, điên cuồng và trí óc minh mẫn, sáng suốt;
4) Phài dò xét cho chắc rằng bất động sản đem bán hoặc thế: chưa cầm thế cho ai; Không phải là phần hương hỏa, luân phiên hay dưỡng lão; Không bị ngăn bộ do lịnh quan tòa; Không phải bất động sản của người buôn bán đã bị khánh tận.

NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI BÁN
Pháp luật số 13 ngày 01-12-1956 

Người bán có hai nghĩa vụ chính là:
1. Phải giao nộp của bán:
2. Phải bảo đảm cho người mua khỏi những phiền nhiễu và sự truy đoạt. Ngoài ra người bán còn phải bảo thủ của bán cho đến lúc giao nộp và đương nhiên, phải chuyển di quyền sở hữu.

I. VỀ VIỆC GIAO NỘP VẬT BÁN

1. _ Định nghĩa:
Giao nộp là chuyển vật bán vào tay người mua. Cách thức giao nộp khác nhau tùy theo vật bán là: a) Động sản; b) Bất động sản; c) Quyền vô hình.
A) Vật bán là động sản: Về động sản giao nộp tức là giao vật bán cho chủ mua, hoặc giao chìa khóa nhà chứa vật bán, hoăc là hai đàng ưng thuận với nhau. Trong hai trường hợp sau đây, giao nộp chỉ cần có sự ưng thuận của đôi bên:
– Người mua đã chiếm giữ vật bán như người thuê mướn, người hưởng hoa lợi, người thụ thác, người mượn đồ dùng.
2) Vật bán không thể giao liền được như trong việc bán lúa sẽ gặt, bán cây cối chưa đốn.
B) Vât bán là bất động sản: Về bất động sản giao nộp tức là giao văn tự hoặc giao chìa khóa nhà bán. Văn tự nói ở đây không phải tờ mãi mại mà thôi, lại còn là những giấy tờ chứng chắc rằng người bán và những người chủ trước là chủ chính thức của vật bán.
C) Vật bán là quyền vô hình: Về quyền vô hình, giao nộp tức giao giấy tờ hay là cho phép người mua hưởng dụng quyền mình bán. Thí dụ người bán trái quyền phải giao giấy nợ cho chủ mua; người bán dịch quyền thông hành cho phép người mua đi ngang qua đất của mình là đủ. Không có văn tự nào khác hơn là tờ bán, vì đây là một quyền mới tạo ra, chứ không phải một quyền đã có từ trước mà mình chuyển nhượng lại.

2) Phí tổn về việc giao nộp:
Người bán phải chịu các phí tổn về việc giao nộp, người mua phải chịu các phí tổn về việc nhận lãnh, trừ khi có ước định khác thì không kể. Giao nộp là nghĩa vụ của người bán, nên y phải chịu phí tổn là lý đương nhiên, như phí tổn về việc đo, cân lường vật bán. Phí tổn về việc gói bọc hàng hóa, chất hàng hóa lên xe, tàu, chở chuyên và quan thuế là phí tổn về việc nhận lãnh, người mua phải chịu.

3. Phải giao nộp tại đâu:
Theo lý, hiện lúc bán, vật bán ở đâu thì giao ở đấy. Nhưng hai đàng có thể ước định khác: Hoặc là người bán phải đem giao tại nhà người mua, hoặc là người mua phải đến lấy ở nhà người bán.

4. Phải giao nộp trong thời hạn nào:
Khế ước định ngày nào thì phải giao hàng ngày ấy. Nếu khế ước không định rõ ngày nào thì cho là phải giao nộp ngay lập tức, trừ khi chưa trả tiền thì người bán vẫn được quyền giữ lại. Nếu người bán không giao trong thời hạn hai bên đã định với nhau thì người mua có thể tùy ý xin thủ tiêu việc mua bán, hay là nếu sự chậm trễ chỉ tại người bán, thì có thể bắt phải giao nộp. Nếu vì cớ không nộp đúng hạn mà thiệt hại đến người mua, thì người bán phải bồi thường tổn hại. Nhưng nếu sự chậm trễ đó không phải là lỗi của người bán, mà lại là vì gặp phải trường hợp bất ngờ hoặc là bất khả kháng, thì người bán khỏi phải bồi thường thiêt hại. Trường hợp bất ngờ là những biến cố vô thường trong vũ trụ như bão tố, nước lụt, động đất, thời dịch. Trường hợp bất khả kháng là những trường hợp biến cố nhân tạo như giặc giã, cướp bóc, tổng đình công.

5. Phải giao vật bán trong dạng tích nào:
Trong thời ký từ lúc bán cho đến lúc giao nộp, người bán không được thay đổi gì đến vật bán cả. Nếu trước khi giao nộp mà vật bán bị hủy mất hay bị tổn hại nhiều, thì sự bán phải thủ tiêu. Nếu sự hủy mất hay tổn hại về vật bán là lỗi tại người bán, thì người ấy lại phải bồi tổng hại nữa. Nếu vật bán bị hư hại hay mất vì giặc cướp thì người ma phải chịu lấy, không bắt người bán bồi thường được, vì đó là trường hợp bât khả kháng như đã nói trên. Trái lại trong thời kỳ chưa giao nộp mà vật bán ngẫu nhiên được bồi bổ thì người mua được hưởng. Như người mua đất men bờ sông mà đất này bồi thì người mua được hưởng lợi ấy. Người bán không những phải giao vật chính mà lại phải giao cả hoa lợi cùng các vật phụ nữa. Như người bán xe đạp, xe hơi thì phải giao xe và đồ phụ tùng cần dùng trong xe.

 

 

VỀ VIỆC CHUYỂN DI QUYỀN SỞ HỮU
(Pháp luật số 16 ngày 1-1-1957)

Đối với người bán, người mua có quyền sở hữu ngay lúc hai đàng đã đính ước với nhau về vật hạng cùng giá cả, dẫu hàng chưa giao tiền chưa trả. Nhưng đối với đệ tam nhân lại khác: Thuộc về động sản thì chỉ kể từ sau khi đã trao tay của bán cho người mua, sự chuyển di quyền sở hữu mới đem đối dụng với đệ tam nhân được, trừ khi việc mua bán đã làm thành thư khế có thị thực và trước bạ thì không kể. Thuộc về bất động sản thì chỉ kể từ ngày đã thị thực, đã trước bạ cùng là đã đăng ký văn khế vào địa bộ hoặc vào bằng khoán ở nơi có sổ ấy, thì sự chuyển di quyền lợi của người bán sang người mua mới có thể đem đối dụng với đệ tam nhân được.

II._ Về sự bảo đảm

Đảm bảo là một nghĩa vụ tiếp tục nghĩa vụ giao nộp. Giao vât bán chưa đủ. Chủ bán còn phải cung cấp cho người mua một sự chiếm hữu bình yên và có ích lợi. Bình yên là không có việc gì phiền nhiễu có thể đem đến sự truy đoạt. Có ích lợi là khi nào vật bán không có ẩn tỳ. Người bán phải đảm bảo các điều kiện trên cho người mua như luật đã định: “Người bán phải đảm bảo: 1. Cho người mua được an hưởng vật đã bán; 2. Cho vật ấy không có những ẩn tì cũng những khiếm khuyết làm cho khế ước phải bị thủ tiêu”.

A)._ Đảm bảo về sự truy đoạt:

Đảm bảo cho người mua được an hưởng vật đã bán nghãi là đảm bảo cho người mua không bị truy đoạt và phiền nhiễu.
1. Truy đoạt là việc tòa án nhận cho đệ tam nhân được hưởng các quyền ngmà người bán đã chuyển sang cho người mua. Ví dụ: Tôi bán cho ông Giáp một miếng đất. Sau có tên Hợi lại tranh giành nói rằng miếng đất ấy là của y và vào đơn kện. Tòa lên án nhìn nhận miếng đất ấy là của tên Hợi. Ông Giáp nhân đó mất quyền hưởng dụng: Ông bi truy đoạt. Nhưng chữ truy đoạt còn có nghĩa rộng hơn nhiều. Nếu tên Hợi đưa đủ giấy tờ chứng chắc rằng y có quyền sở hữu trên miếng đất ấy. Ông Giáp trước bằng cớ hiển nhiên đã phải trả đất lại, không đợi có tòa vì muốn tránh một vụ kiện chắc chắn sẽ đem lại cho ông sự thất bại. Như thế ông cũng có thể bi coi như là đã bị truy đoạt. Nếu miếng đất ấy bị cầm cố, các chủ nợ tới đòi, ông Giáp phải trả cho họ một số tiền nhiều hơn giá mua để cho khỏi bị trưng thu. Trong trường hợp này ông cũng có thể coi như là bị truy đoạt.
2._ Phiền nhiễu là bất cứ việc gì có thể làm cho người mua mất quyền an hưởng vật đã mua.Phiền nhiễu là triệu trưng của sự truy đoạt nên người bán phải đảm bảo như sự truy đoạt vậy: Người bán phải đảm bảo cho người mua mọi việc phiền nhiễu vì có kẻ dọa nạt muốn truy đoạt tất cả hay một phần quyền lợi về vật bán. dọa truy đoạt là khi đệ tam nhân bắt người mua phải công nhận quyền lợi cho họ về tât cả hay một phần vật mua” Nhưng người bán không phải bảo đảm cho người mua về việc do đệ tam nhân dùng cách bạo động dể làm cho phiền nhiễu quyền hưởng dụng của người mua, mà không chú ý đòi quyền lợi gì về vật đã bán. Ví dụ tôi bán cho ông một sở vườn có cây trái. Đến mùa có người lai hái trộm và phá vườn, tôi không phải đảm bảo việc này. Người bán phải bảo đảm các sự phiền nhiễu và truy đoạt đã có nguyên nhân từ trước, người bán không phải bảo đảm nếu nguyên nhân này mới có sau và không phải do lỗi của y. Trong các ví dụ trên, ông Giáp bị tên Hợi truy đoạt vì Y được Tòa nhìn nhận quyền sở hữu của Y trên miếng đất ông mua. Quyền sở hữu này đã có từ trước, nên người bán phải bảo đảm. Nếu miếng đất bán men theo bờ sông và sau nầy kiếng đất bị lở, nếu miếng đất bị trưng dụng, trưng thu thì người bán không phải bảo đảm. Nếu sau khi bán miếng đất cho ông Giáp, tôi lại bán cho người khác. Người này làm xong thủ tục sang tên đứng bộ trước. Ông Giáp bị truy đoạt. Tôi phải đảm bảo vì lỗi tại tôi. Người bán không những phải đảm bảo cho người mua, mà còn phải bảo đảm cho người kế quyền nữa. Ví dụ: Tôi bán cho ông Ất một căn phố. Ông Ất bán lại cho ông Kỷ. Tôi phải bảo đảm sự truy đoạt và phiền nhiễu cho ông Kỷ cũng như ông Ất vậy. Vì sao? Vì nếu ông Ất sau khi mua phố bị người ta dọa truy đoạt, ông có thể tức thì gọi tôi ra để đảm bảo cho ông. Đó là quyền của ông. Quyền nầy đi đơi với quyền sở hữu cảu ông trên căn phố ông mua sau ông bán lại cho ông Kỷ. Bán là chuyển di quyền sở hữu và các quyền phụ thuộc, trong đó có quyền gọi chủ bán trước ra đảm bảo. Nhân có nghãi vụ đảm bảo, người bán:
1) Không đặng làm phiền nhiễu người mua trong sự an hưởng vật đã bán;
2) Phải bên vưc và theo bên người mua nếu có việc kiện thưa;
3) Bồi tổn hại cùng cac phí khoản về khế ước nếu người mua bị truy đoạt.

1._ Người bán không được làm gì có thể ngăn trở quyền hưởng dụng vật bán của người mua. Phàm hiệp ước nào miễn trừ nghĩa vụ đó cho người bán thì coi như không và vô hiệu. Đó là lẽ tất nhiên. Đã có nghĩa vụ bảo đảm cho người mua không bị kẻ khác phiền nhiễu thì người bán có lẽ nào lại có quyền làm phiền nhiễu người mua.
2._ Khi có kẻ dọa truy đoạt thì người mua có thể tức thì gọi người bán ra để đảm bảo cho mình. Người bán bấy giờ phải xuất trình các thư khế ra và phải hết sức làm cho lời yêu cầu của đệ tam nhân bị bác đi. Người mua còn có quyền gọi người bán vào thay thế mình trong vụ kiện với đệ tam nhân. Người mua bây giờ ở ngoại vụ. Trong vụ kiện chỉ còn có đệ tam nhân và người bán. Người bán phải hết sức chống lại bên kia như chính y bị kiện vậy. Người mua mất quyền được đảm bảo về truy đoạt, nếu người bán có bằng chứng rằng có đủ tư cách để bác lời yêu cầu của kẻ truy đoạt, mà người mua để cho đến nỗi bị án chung thẩm hoặc hết hạn kháng cáo, không gọi gì đến người bán.
3._ Người mua bị truy đoạt có quyền đòi người bán:
a) Hoàn lại giá mua
b) Hoàn cả hoa lợi mà người mua đã phải trả lại cho chính chủ đã truy đoạt mình;
c) Các phí tổn về việc đòi người bán ra đảm bảo và phí tổn về việc kiện do chính chủ gây ra;
d) Bồi tổn hại cùng các phí khoản về khế ước.
Người mua bị truy đoạt, đòi người bán hoàn lại giá mua với danh nghĩa phục hồi, chứ không phải là bồi thường thiệt hại. Nhân thế người mua có quyền đòi tất cả giá mua có quyền đòi tất cả giá mua, dẫu vật bán bị giảm giá hay hư hại: Lúc bị truy đoạt mà vật bán bị giảm giá đi hay hư hại nhiều không cứ là tại sự trễ nãi của người mua hay là tại sự xảy ra vì thế bất khả địch, người bán cũng vẫn phải hoàn lại nguyên giá bán. Nhưng nếu sự hủy hoại tự người mua làm ra mà có lợi cho người ấy, thì người bán có quyền khấu trừ vào giá bán một số tiền ngang với số tiền lợi ấy”. Ví dụ: Người mua phá những kiến trúc của y mua, rồi bán vật liệu được 5.000$. Lúc phải hoàn lại giá bán, người bán có quyền khấu trừ vào giá bán số bạc năm ngàn đồng đó. Nếu lúc truy đoạt mà vật bán lại được tăng giá lên, dẫu không phải người mua làm ra mặc lòng, người bán cũng phải trả cho người mua số tiền đã tăng lên ấy. Trong hai trường hợp trên, người mua được ưu đãi. Nếu vật bán bị giảm giá? Người bán vẫn phải hoàn lại nguyên giá cho người mua. Nếu vât bán được tăng giá? Người bán cũng phải trả cho người mua giá tăng ấy. Sự phải như thế vì lỗi tại người bán mới có sự truy đoạt: người bán không làm tròn nghĩa vụ của mình đối với người mua.

B. ĐẢM BẢO TÌ TÍCH
(Pháp luật số 17 ngày 10-1-1957)

Người bán phải cung cấp cho người mua một sự chiếm hữu không những bình yên mà thôi, mà lại còn phải có ích lợi  nữa. Bởi thế người bán mới phải đảm bảo các tì tích của vật bán. Tì tích là những điều khiếm khuyết làm cho tài vật thành vô dụng hay là làm cho đại giảm giá, hoặc mất sự ích lợi đi. Người bán phải bảo dảm về những tì tích u ẩn làm cho vật bán không thể dùng như ý người mua được, hay làm cho sự lợi dụng ấy giảm kém đi, đến nỗi nếu người mua biết trước thì không mua, hay là có mua cũng trả một giá kém thôi”. Những tì tích mà người bán phải đảm bảo là:
1._ Những tì tích u ẩn: “Người bán không phải chịu trách nhiệm về những tì tích hiển hiện mà người mua có thể tự mình biết được;
2._ Những tì tích mà người mua không biết._ Nếu biết mà cứ mua là nhận chịu điều khuyêt điểm ấy;
3._ Những tì tích làm cho vật bán không thể dùng như ý người mua được, hay là làm cho sự lợi dụng ấy kém đi, đến nỗi nếu người mua biết trước thì không mua hay là có mua cũng trả một giá kém hơn.
4._ Đã có hoặc mới khởi điểm hồi lúc bán. Nếu tì tích mo17isinh ra sau khi mua thì người mua phải chịu.
Mấy điều kiện trên đây là đủ, không cần phải người bán có gian ý: “Các tì tích u ẩn, dẫu người bán không biết đến nữa, thì cũng phải chịu trách nhiệm hết, trừ khi đã ước định rằng không phải bảo đảm gì thì không kể”. Vật bán là động sản, bất động sản hay là quyền vô hình đều được đảm bảo về ẩn tì. Ví dụ: Tôi mua lúa giống để gieo mạ. đến lúc gieo, lúa không nảy mầm vì những tì tích mà lúc mua tôi không biết. Tôi mua một căn nhà rường cột bị mối ăn bên trong mà hồi mua tôi không thấy. Chủ bán phải bảo đảm các ẩn tì ấy cho người mua. Những vật do Tòa phát mại bán đấu giá không được bảo đảm về sự ẩn tì.
Nếu vật bán có ẩn tì, không thể dùng như ý người mua được, hay làm cho sự lợi dụng giảm bớt đi, thì người mua được tùy ý: Hoặc trả đồ vật mà bắt hoàn lại giá mua, hoặc cứ giữ đồ vật mà đòi lại một phần giá mua, phần ấy sẽ do giám định viên định. Ngoài giá tiền mua, người bán có phải bồi thường thiệt hại không? Luật phân biệt hai trường hợp: Người gian ý với người ngay tình. Nếu người bán biết rõ các tì tích của vật bán, thì người ấy vừa phải hoàn lại giá tiền mình đã nhận vừa phải bồi tổn hại cho người mua nữa. Nếu người bán không biết những tì tích của vật bán thì chỉ trả lại giá bán và hoàn lại các phí tổn về việc bán ấy thôi. Như thế, người bán có gian ý mới bồi thường sự tổn hại, còn người ngay tình thì khỏi. Nếu vật bán có tì tích mà lại bị hủy hoại vì tại vật hạng xấu, thì người bán phải chịu thiệt về sự tổn hại đó, và phải hoàn lại giá bán cho người mua cùng tất cả các khoản bồi thường khác vừa mới nói trên. Nhưng nếu sự hủy hoại là bởi cớ ngẫu nhiên thì người mua phải chịu.

NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI MUA 

Người mua phải nhận lãnh vật mua, chịu các sở phí và phải trả giá tiền đã định. Người mua phải nhận lãnh ngay vật mua hay là trong thời hạn đã định:
“Khi vật bán là động sản hay là thực phẩm nếu sau khi hết hạn đã định mà người mua không lấy đi thì cứ chiếu luật bãi việc bán cho người bán mà không cần phải giấy thúc gì”. Như vậy người bán không cần phải xin tòa và đốc thúc người mua có thể coi việc mua bán như hủy bãi và được phép sử dụng vật bán theo ý mình nếu người mua không lấy thực phẩm hay là động sản đã bán trong thời hạn đã định. Vì cớ nào luật lại thẳng rằng đối với người mua như thế?  Vì hai lẽ: Một là giá thực phẩm hay động sản lên xuống rất chóng. Chậm trễ có thể hại cho người bán rất nhiều. Hai là trong thương trường hàng hóa cần phải được trao đổi dễ dàng. Đã định ngày giao hàng, người bán đã tính có món khác thay thế, và rất có thể đã mua rồi. Người bán cần dùng chỗ để hàng hóa mới. Nếu người mua không lấy hàng đúng kỳ thì có thể phiền nhiễu đến người bán. Người mua phải trả giá tiền đúng hạn đã định, và nếu không có đính ước riêng về việc ấy, thì phải trả vào lúc giao nộp đồ vật. Nếu tới kỳ mà người mua không trả hết thì phải chịu tiền lời của số tiền còn thiếu cho đến khi trả tất. Tiền lời được tính 12% mỗi năm nếu hai đàng không có giao ước khác. Nhưng nếu người mua bị phiền nhiễu hay có cớ đích đáng sợ bị phiền nhiễu thì có thể từ chối không trả hết hay một phần giá mua, cho đến khi người bán làm tiêu được sự phiền nhiễu, _ hay là gặp khi bị truy đoạt thì cho đến khi người bán có bảo lãnh hoàn lại nguyên giá mới thôi. Nếu người mua không trả giá tiền đã định thì người bán có những đặc quyền sau đây:
1. Quyền lưu trì là quyền giữ lại vật bán: Nếu có định hạn để trả tiền thì người bán có thể giữ lại vật bán cho đến khi trả tiền xong.
2. Quyền ưu tiên: là quyền được trả trước các chủ nợ khác nếu sau này vật bán bị đem ra phát mại;
3. Quyền đòi lại vật bán nếu là động sản.
4. Quyền xin hủy bỏ cuộc mua bán …

PHÁP LUẬT SỐ 16-17
Ngày 1-1-1957 và ngày 10-1-1957

 

 

 

 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar