QUYỀN CỦA CHỦ NỢ TRÊN SẢN NGHIỆP CỦA CON NỢ
Giá trị kinh tế của nghĩa vụ tùy thuộc vào tư lực của con nợ. Tất cả những tài sản hiện hữu và vị lai của con nợ đều là “vật bảo đảm cho chủ nợ“. Vì vậy, chủ nợ có lợi ích để duy trì các tài sản ấy. Theo Điều 1415 DLVN thì: “Tất cả những tài sản hiện hữu và hậu lai của người mắc nợ, động sản cũng như bất động sản, đều là vật bảo đảm cho chủ nợ“. Quyền của chủ nợ trên sản nghiệp của con nợ được thể hiện bằng ba phương cách:
1. Quyền hành sử tố quyền thuộc về con nợ khi người này không hành xử theo điều 716 DLVN: “Tuy nhiên, các chủ nợ có thể sử hành mọi quyền lợi và tố quyền của trái hộ, trừ những quyền lợi và tố quyền quan thiết với nhân thân của trái hộ”.
2. Quyền xin thu hồi các hành vi gian trá của con nợ bằng tố quyền phế bãi theo Điều 717 DLVN: “Chủ nợ cũng có thể nhân danh mình, xin tiêu hủy những hành vi có hại đến quyền lợi của họ do trái hộ đã làm một cách gian lận“.
3. Quyền thi hành những biện pháp sai áp trên các tài vật thuộc sản nghiệp của con nợ.
Trong chương này chúng ta chỉ xét tới trường hợp của các chủ nợ vô đặc quyền. Các chủ nợ mà trái khoản được bảo đảm bởi một bảo chứng đối vật , như một quyền ưu tiên hay một sự để đương trên một tài sản của con nợ, có thể hành sử quyền truy tùy, nếu con nợ đem chuyển hữu tài sản ấy sang tay người khác.
I. QUYỀN CỦA CHỦ NỢ HÀNH XỬ CÁC TỐ QUYỀN THUỘC VỀ CON NỢ. Quyền lợi của chủ nợ sẽ bị thiệt hại nếu con nợ để cho sản nghiệp của mình mỗi ngày thêm sa sút, vì biếng nhát hay bất cẩn, con nợ để cho tài sản bị suy bần hay tiêu tan, để rồi sau cùng chủ nợ phải gánh chịu. Do đó, chủ nợ được phép hành xử nhân danh con nợ, các tố quyền thuộc về người này, để tránh mọi sự tiêu tan có thể xảy ra. Tố quyền mà người chủ nợ hành xử nhân danh con nợ gọi là tố quyền tà diện hay gián tiếp. Đối với chủ nợ, tố quyền này không phải là biện pháp chấp hành mà chỉ một sự chuẩn bị để tiến tới biện pháp ấy, tài vật phải được nhập vào sản nghiệp con nợ, rồi sau đó, chủ nợ mới có thể sai áp được. Đó cũng không phải là biện pháp bảo lưu, vì chủ nợ sử dụng tố quyền mà con nợ không hành sử. Thực ra tố quyền tà diện hay gián tiếp là một sự đại diện: chủ nợ đại diện cho con nợ để hành động, nhưng với một đặc điểm là người đại diện lại hành động cho quyền lợi của chính mình.
I.1: Những tố quyền có thể hành xử được: Điều 716 DLVN cho phép các chủ nợ được hành xử các “quyền lợi và tố quyền của con nợ”. Vắn thức này khiến cho người ta tưởng rằng, các chủ nợ có quyền hạn rất rộng và có thể thay thế con nợ trong việc quản trị sản nghiệp của người ấy. Sự thực, quyền của chủ nợ bị giới hạn về hai phương diện: Một là, chủ nợ chỉ có thể hành sử các quyền lợi nào mà con nợ đã làm chủ. Hai là, trong số các quyền lợi ấy phải gạt bỏ ra ngoài những quyền lợi thuộc về nhân thân. Ví dụ: Con nợ có một trái khoản nhưng lại không đòi hoàn trả, hoặc con nợ là sở hữu chủ một tài vật hiện do người khác chấp hữu. Vấn đề chỉ là thu hồi, một cách vật chất, về sản nghiệp của con nợ một tài vật đã có trong đó về phương diện pháp lý; đó chính là mục đích của tố quyền tà diện. Và chính vì sự thu hồi đó thường được thực hiện bởi một tố quyền, cho nên nhà làm luật đã ghi “quyền lợi và tố quyền”, trong khi thực ra đó là “quyền lợi kèm theo tố quyền”. Chỉ có con nợ mới thực hiện những hành vi pháp lý trên sản nghiệp của họ như: Kết ước, cho mướn, tạo mãi. Người ta thường nói rằng một người có quyền kết ước biến đổi sản nghiệp, nhưng chữ quyền ở đây có thể khiến người ta lầm lẫn: đó chỉ là một năng quyền chứ không phải là một quyền đã phát sinh và được che chở bởi một tố quyền. Năng quyền này không ở trong số các quyền mà điều 716 DLVN cho phép chủ nợ được hành sử nhân danh con nợ. Như vậy, chủ nợ không thể nhân danh con nợ làm những hành vi sử dụng, đoạn mãi, tạo mãi hoặc các hành vi quản trị như cho thuê bất động sản, cho canh tác một thửa đất. Tóm lại, chủ nợ chỉ có quyền hành xử tố quyền tà diện, các quyền đã có trong sản nghiệp của con nợ trên phương diện pháp lý, mà không thể làm thay đổi sản nghiệp ấy. Việc hành xử các tố quyền thuộc về con nợ là phạm vi chính của tố quyền tà diện. Trên nguyên tắc, chủ nợ có thể hành xử mọi tố quyền của người con nợ khi người này biếng nhác không hành động. Phải đồng hóa tố quyền với phương cách chấp hành. Phương cách chấp hành – sai áp, phát mại tài sản – là hậu quả tự nhiên của một án văn, đó là một trong những giai đoạn của việc quyền lợi hoặc tố quyền theo nghĩa rộng. Mặc dù có sự chỉ trích của một số tác giả, Tòa Phá án Pháp đã cho phép các chủ nợ được hành sử bằng đường lối tà diện, các phương cách chấp hành. Tố quyền tà diện sẽ không hiệu quả nếu chỉ cho phép các chủ nợ được xin xác nhận quyền lợi của con nợ mà không được phép sử dụng các phương cách chấp hành để thực hiện sự xác nhận đó: Nguyện vọng của chủ nợ sẽ không được thỏa mãn nếu chỉ có sự xác nhận mà không có sự thi hành. Trong luật Việt Nam, điều 716 DLVN, thừa nhận cho chủ nợ được quyền thu hoạch một cách vật chất một tài vật về sản nghiệp của con nợ. Như thế nhà làm luật đã xác nhận mặc nhiên cho phép các chủ nợ được hành xử các phương cách chấp hành. Trong số các quyền lợi mà con nợ làm chủ, có một vài quyền lợi không thể do chủ nợ hành xử bằng tố quyền tà diện vì có tính cách hoàn toàn thuộc về nhân thân. thoe Điều 716 DLVN, chủ nợ không được sử dụng tố quyền tà diện để đòi hỏi những quyền lợi “quan thiết với nhân thân” của con nợ. Việc sử dụng một vài quyền lợi tiên niệm một sự thẩm định hoàn toàn cá biệt của chủ thể quyền lợi đó, chủ nợ không thể thay thế con nợ trong sự thẩm định này. Nhưng vấn đề là phải xác định quyền lợi nào là quan thiết đối với nhân thân. Người ta phân biệt ba loại:
– Các tố quyền ngoại sản nghiệp, nhất là các tố quyền về thân trạng. Các tố quyền này không thể do chủ nợ hành xử được, không phải vì nó không đem lại một lợi ích tiền tài nào cho chủ nợ, (ví như chủ nợ của một người đàn bà có chồng có thể có lợi ích tiền tài để hành sử tố quyền ly hôn hoặc ly thân, khi mà người chồng của bà ta phá tán của riêng của người vợ; chủ nợ có lợi ích tiền tài để xin xác nhận tử hệ của con nợ vì do đó, người này sẽ được hưởng một di sản quan trọng), nhưng vì hành xử các tố quyền này tùy thuộc vào sự quyết định chuyên độc của con nợ: Một bản án ly hôn không thể nào được tuyên bố trái với ý muốn của hai người phối ngẫu. Tuy nhiên, các chủ nợ nếu có lợi ích có thể hành xử tố quyền tà diện xin tiêu hủy giá thú vô hiệu tuyệt đối.
– Những sản nghiệp quyền trong đó yếu tố tình cảm có tính cách chủ yếu vượt trội. Tố quyền bãi bỏ sự tặng dữ vì lý do bội bạc tiên niệm một sự thẩm định chuyên độc về tình cảm của người chủ tặng, do đó chủ nợ không thể hành xử được. Trong địa hạt trách nhiệm, người ta phân biệt sự bồi thường tinh thần và sự bồi thường vật chất. Các tố quyền đòi bồi thường về tổn hại tinh thần như sự đau đớn gây nên bởi cái chết của một người thân, thiệt hại phát sinh bởi mạ lỵ, thuộc riêng về con nợ. Trái lại, chủ nợ có thể hành xử bằng đường lối tà diện tố quyền đòi bồi thường các thiệt hại về tài sản. Được đồng hóa với các thiệt hại về tài sản các loại thiệt hại gây ra cho thân thể của con nợ, các thiệt hại này làm giảm sút năng lực lao động của nạn nhân. Sự bồi thường ở đây không đòi hỏi một sự thẩm định nào cả. Tuy vậy, án lệ về vấn đề này còn dè dặt.
– Sau cùng, chủ nợ không thể hành xử tố quyền liên quan đến các tài sản không thể sai áp được. Người ta giải thích rằng, không có lợi ích gì để thu hoạch một tài sản nư vậy vào sản nghiệp của con nợ, vì chủ nợ không thể sai áp tài sản ấy, và vì không có lợi ích nên không có tố quyền. Nhưng sự giải thích này không được vững cho lắm. Một tài sản chỉ không thể bị sai áp khi nó đã được cá thể hóa, lương bổng một khi đã được con nợ nhận lãnh thì nó hòa chung vào sản nghiệp của con nợ, vì vậy có thể sai áp được. Mặt khác, nếu con nợ không lãnh lương hoặc tiền cấp dưỡng thì con nợ sẽ sử dụng các tài sản khác để sinh sống, và các tài sản này sẽ thoát khỏi tay chủ nợ. Một sự giải thích hợp lý hơn, có lẽ phải tìm nơi bản chất của tố quyền tà diện: Chấp nhận quan điểm trội yếu của học thuyết, án lệ, cho rằng tố quyền tà diện là một hành vi chuẩn bị cho các biện pháp chấp hành, một khởi đầu cho thủ tục sai áp. Bản chất này của tố quyền tà diện được quy định rõ tại Điều 740 k2 DLT, theo đó, chủ nợ có thể dồng thời với việc hành xử tố quyền tà diện, xin tòa cho sai áp, bảo lưu tài sản của con nợ. Vì bản chất của tố quyền tà diện trên đây nên chủ nợ không thể hành xử tố quyền ấy đối với các tài sản bất khả sai áp.
I.2. Hành xử tố quyền: Trong bộ DLVN, DLB, DLP, người ta không nói tới những điều kiện để hành xử tố quyền tà diện. Trước sự im lặng của nhà làm luật, án lệ Pháp quốc đã đề ra một số điều kiện. Các điều kiện này liên quan đến chủ nợ, con nợ, trái khoản và hình thức của tố quyền. Trái lại, điều 743 khoản 2 DLT có nói đến các điều kiện này. Sở dĩ như vậy là vì quyền IV bộ DLT nói về nghĩa d9u775c ban hành ngày 28-9-1939, tức là 8 năm sau khi bộ DLB được bản hành (1931) đã thừa hưởng những kinh nghiệm trong việc áp dụng bộ luật này, và nhất là gom được những sáng kiến của án lệ tại Pháp.
a. Điều kiện liên quan đến con nợ: Khi chính con nợ hành động, chủ nợ có thể ra dự sự bên cạnh người này để bảo toàn quyền lợi của họ, nhưng trong trường hợp này, chủ nợ không thể hành sử tố quyền tà diện. Thực vậy, tố quyền tà diện tiên niệm rằng con nợ đã biếng nhác, không hành động, tức là không hành xử một quyền lợi mà đáng lẽ ra con nợ có quyền hành xử. Sự sao nhãng quyền lợi của con nợ phải chắc chắn; nếu người này chỉ chậm trễ trong việc hành xử thì điều đó nhiều khi cũng không đủ để chứng minh sự sao nhãng của họ; tòa án có thể cho họ một thời hạn để hành động. Nhưng nếu con nợ chỉ giả vờ hành xử một tố quyền rồi sau đó lại làm ngơ thì không được.
b. Điều kiện liên quan đến chủ nợ: Sở dĩ luật pháp cho phép chủ nợ được can thiệp vào công việc của con nợ bằng tố quyền tà diện là để bảo vệ quyền lợi của họ. Như vậy, chủ nợ cần phải có một lợi ích: Không có lợi ích thì không có tố quyền, chủ nợ hành động vì lợi ích của chính họ, mặc dù là nhân danh con nợ. Do đó, người thứ ba bị khởi kiện có thể đối kháng rằng, chủ nợ không có lợi ích để hành động. Điều kiện lợi ích này đã được nhà làm luật ghi rõ ở điều 740 DLT. Nếu con nợ hiển nhiên là đầy đủ tự lực thì chủ nợ không thể hành xử tố quyền tà diện được, vì không có lợi ích. Thực vậy, trong trường hợp này chủ nợ chẳng có lợi ích gì để gia tăng sản nghiệp của con nợ vì khoảng nợ của họ chắc chắn được trả. Điều kiện vô tư lực của con nợ đã giới hạn phạm vi của tố quyền tà diện, và bảo vệ hữu hiệu con nợ chống lại sự can thiệp của chủ nợ vào công việc riêng của họ. Tuy nhiên, để hành sử tố quyền tà diện, chủ nợ chỉ cần chứng minh rằng sự vô tư lực của con nợ là hiển nhiên mà thôi, không cần phải xác nhận sự vô tư lực ấy bằng một tờ đốc thúc. Một vấn đề đặt ra là trái khoản của chủ nợ có cần phải lớn hơn hoặc ngang với quyền lợi của con nợ mà họ muốn hành xử không? Ví dụ, chủ nợ có một trái khoản là 50 thì người đó có quyền nhân danh con nợ để khởi kiện đòi người đệ tam một khoản 100 không? Người ta đã không cho chủ nợ hành xử tố quyền trong trường hợp này dựa trên nguyên tắc ‘không có quyền lợi thì không có tố quyền’. Chủ nợ chỉ có quyền lợi bằng 50 mà thôi. Lý luận này không đúng, vì con nợ có thể có hoặc sẽ có nhiều chủ nợ khác. Các người này, như chúng ta sẽ xét sau đây, cũng được hưởng lợi như người chủ nợ đã hành sử tố quyền tà diện, do đó họ có lợi ích để thâu vào sản nghiệp của con nợ càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, chủ nợ không bó buộc phải làm như vậy, người đó có thể chỉ hành động theo đường lối tà diện trong giới hạn của trái khoản của mình mà thôi.
c. Điều kiện liên quan đến trái khoản: Trái khoản của chủ nợ phải có tính cách chắc chắn thanh xác và khả sách. Trái khoản có tính cách chắc chắn khi nào nó chắc chắn đã có, các trái khoản lâm thời hoặc có điều kiện đều không có tính cách chắc chắn. Trái khoản có tính cách thanh xác khi nào nó đã được xác định về ngạch số, nạn nhân của một vụ tai nạn, ngay cả khi lỗi của thủ phạm đã được chứng minh, cũng không có một trái khoản thanh xác, nếu tòa án chưa ấn định ngạch số bồi thường. Trái khoản có tính cách khả sách khi chủ nợ có quyền đòi đòi hỏi một sự chi phó; trái khoản chưa đáo hạn không có tính cách khả sách. Điều 716 DLVN không nói gì đến các điều kiện liên quan đến trái khoản của chủ nợ trong việc hành xử tố quyền tà diện. Trái lại, điều 740 DLT có ghi rằng chủ nợ chỉ có thể hành sử tố quyền tà diện khi nào “có quyền lợi hay có nợ chắc chắn”. Phải chăng nhà làm luật muốn nói rằng, khi chủ nợ đã chứng minh được quyền lợi thì khỏi phải chứng minh sự hiện hữu của một trái khoản chắc chắn? Trước hết cần nhận định rằng, chữ “quyền lợi” không chính xác, nhà làm luật muốn nói tới “lợi ích” để hành động. Như đã nói trên đây, chủ nợ phải có lợi ích thì mới có thể hành sử tố quyền tà diện: Không có lợi ích thì không có tố quyền. Hiểu như vậy thì điều 710 DLT phải được giải thích là chủ nợ, ngoài việc chứng minh một lợi ích, còn phải có một trái khoản chắc chắn thì mới có thể hành xử tố quyền tà diện. Giải thích như vậy là phù hợp với án lệ Pháp mà nhà làm luật tại Trung Việt chắc chắn đã phỏng theo.
d. Điều kiện về hình thức: Án lệ của Pháp không bắt buộc chủ nợ phải đòi con nợ ra dự sự vào vụ kiện. Nhưng sự vắng mặt của con nợ trong vụ kiện nêu lên một vấn đề uy lực của án văn đối với con nợ: Khi hành xử tố quyền tà diện, chủ nợ hành động thay mặt con nợ, có phải vì thế án văn đối kháng với con nợ không? Để tránh khó khăn này, bao giờ chủ nợ cũng đòi con nợ ra dự sự, nếu không thì bị đơn cũng sẽ làm. Ý thức được sự đòi hỏi của thực tế, nhà làm luật tại Trung Việt trong điều 710 DLT có ghi rõ là “người mắc nợ bao giờ cũng phải bị đòi ra dự sự”. Ngoài ra, điều 747 DLT còn định rằng thời hiệu của tố quyền tà diện, là 5 năm. Trong bộ DLVN hiện hành, không có điều khoản nào quy định một thời hiệu riêng biệt cho tố quyền tà diện, do đó phải áp dụng thời hiệu thông thường là 30 năm.
I.3. Hiệu lực của tố quyền: Bằng đường lối tà diện, chủ nợ hành xử tố quyền của con nợ chứ không phải chính họ. Nhận xét đó đưa đến những hiệu lực sau đây của tố quyền tà diện:
– Người đệ tam bị khởi kiện có thể đối kháng với nguyên đơn những khước biện mà họ có thể đối kháng được với chủ nợ của chính họ: Mọi khước biện đối kháng được với chủ nợ của họ (con nợ của chủ nợ kia), đều có thể đối kháng được với chủ nợ hành xử tố quyền tà diện. Ngay cả trường hợp, nếu vụ kiện đang tiến hành, mà con nợ dàn xếp được với người đệ tam, thì sự dàn xếp này cũng đối kháng với chủ nợ. Đó là phương cách để con nợ ngăn chặn tố quyền tà diện. Tuy vậy, chủ nợ không phải vì thế mà bó tay: Nếu sự dàn xếp được thực hiện để gian lận quyền lợi của họ, thì chủ nợ lúc ấy, sẽ có tố quyền phế bãi, để tiêu hủy sự dàn xếp này và thu hồi lại tố quyền tà diện.
– Vì chủ nợ chỉ hành động thay thế cho con nợ, nên hiệu lực phát sinh như chính con nợ đã hành động: Tài sản thu hoạch được sẽ rơi vào chính sản nghiệp của con nợ và trở thành vật bảo đảm chung cho các con nợ. Chủ nợ đã hành xử tố quyền tà diện không có quyền ưu tiên trên tài sản đó. Lợi ích của chủ nợ trong việc hành xử tố quyền tà diện, do đó, rất nhỏ: Chủ nợ sẽ do dự và không muốn hành động vì phải ứng ra một số tiền phí tổn về vụ kiện trong khi, nếu thắng kiện, lại phải chia sẻ với các chủ nợ khác những tài sản mà người đó thu hoạch được.
I.4. Tố quyền trực tiếp: Khi bàn về sự cấu ước cho tha nhân, chúng ta đã biết rằng, người đệ tam thụ hưởng có một quyền và một tố quyền trực tiếp đối với một người cộng ước, đó là người dự hứa. Quyền trực tiếp phát sinh do ý chí của người chung của người cấu ước và người dự hứa, họ muốn người đệ tam trở thành chủ nợ. Trong một vài trường hợp đặc biệt, quyền trực tiếp của người đệ tam đối với người cộng ước lại không bắt nguồn từ ý chí của người này, mà do luật pháp quy định. Nhà làm luật muốn rằng, trong một vài trường hợp, chủ nợ có thể trực tiếp khởi kiện người trái hộ của con nợ. Tố quyền trực tiếp này không thể lẫn lộn được với tố quyền tà diện. Tố quyền trực tiếp được ban cho chính người chủ nợ và cho riêng quyền lợi của người này, người chủ nợ hành động nhân danh chính mình, chứ không phải một cách gián tiếp, nhân danh con nợ. Như vậy, tố quyền trực tiếp cho phép chủ nợ được qua mặt người trái hộ và khởi kiện thẳng con nợ của người này. Lợi ích của tố quyền trực tiếp đối với người chủ nợ giống như lợi ích của quyền trực tiếp của đệ tam nhân thụ hưởng trong trường hợp cấu ước cho tha nhân. Trái khoản chủ nợ đòi đối với người đệ tam, sẽ dành riêng cho chủ nợ được hưởng mà không rơi vào sản nghiệp của con nợ để trở thành vật bảo đảm chung cho các chủ nợ khác. Như vậy, tố quyền trực tiếp có lợi cho người chủ nợ hơn là tố quyền tà diện: Nó vừa giúp cho chủ nợ tránh khỏi sự vô tư lực của con nợ, lại vừa khiến chủ nợ không phải chịu sự dự chia của các chủ nợ khác. Tố quyền trực tiếp ban cấp cho chủ nợ một quyền lợi còn hơn cả quyền ưu tiên, vì các chủ nợ ưu tiên khác của con nợ cũng không có quyền dự chia: Chỉ riêng chủ nợ hành xử tố quyền trực tiếp được hưởng trái khoản thuộc về con nợ. Trong DLVN người ta thấy có hai trường hợp chủ nợ có thể hành xử tố quyền trực tiếp từ con nợ:
1. Điều 1114 DLVN thừa nhận cho người chủ nhà một tố quyền trực tiếp đối với người thuê lại để đòi tiền thuê nhà: Chủ nhà, trong trường hợp mà người thuê nhà không chịu trả tiền nhà phố, có thể buộc người thuê lại phải trả thẳng cho mình số tiền thuê mà người này đáng lẽ phải trả cho người thuê chính, mặc dù người thuê lại chỉ cam kết với người thuê chính. Chủ nhà chỉ là người thứ ba đối với khế ước cho thuê lại.
2. Người chủ ủy, theo điều 1250 DLVN, có một tố quyền trực tiếp với người phó thụ ủy, tức là người thay thế người thụ ủy trong việc thi hành khế ước ủy quyền, mặc dù người ủy là một đệ tam nhân đối với khế ước ký kết giữa người thụ ủy và người phó thụ ủy. Ngược lại, án lệ Pháp thừa nhận cho người phó thụ ủy một tố quyền trực tiếp chống lại người chủ ủy để đòi hoàn trả các số tiền mà người ấy đã ứng ra và các phí tổn.
3. Ngoài trường hợp quy định trong dân luật, sắc lệnh 15/65 ngày 17-9-1965 về bảo hiểm đã đề ra một tố quyền trực tiếp, mà tầm quan trọng trên thực tế rất lớn, cho nạn nhân một sự tổn hại chống lại nhà bảo hiểm của người gây ra sự tổn hại ấy: Người chủ một chiếc xe hơi ký kết với hãng bảo hiểm một khế ước, theo đó nhà bảo hiểm cam kết, mỗi khi xảy ra tai nạn, trả cho người bảo hiểm số tiền cần thiết để bồi thường cho nạn nhân. Nếu người ta áp dụng nguyên tắc tổng quát của luật pháp thì nạn nhân là chủ nợ của người chủ xe và do đó chỉ có thể kiện người này. Mặt khác, trái khoản của người được bảo hiểm đối với nhà bảo hiểm có thể là vật bảo đảm chung cho các chủ nợ của người được bảo hiểm. Như vậy, các chủ nợ khác có thể sẽ dự chia cùng với nạn nhân trên trái khoản ấy, và có thể nạn nhân sẽ không được bồi thường đầy đủ. Kết quả này là không thể chấp nhận được, vì trái khoản của người được bảo hiểm phát sinh do sự thiệt hại gây ra cho nạn nhân, do đó cần phải ngăn cản, không để cho các chủ nợ khác có thể dự phần một cách gián tiếp vào hậu quả của tai nạn. Để đạt mục tiêu này, sắc lệnh ngày 17-9-1965 đã thừa nhận nạn nhân có quyền trực tiếp trên số tiền mà hãng bảo hiểm phải trả. Nạn nhân là chủ nợ trực tiếp cảu hãng bảo hiểm và có tố quyền trực tiếp với hàng này để đòi bồi thường mà không qua sản nghiệp của người được bảo hiểm, và do đó thoát khỏi tay các chủ nợ của người này.
II. SỰ PHẾ BÃI CÁC HÀNH VI GIAN TRÁ. Sự gian trá của con nợ còn nguy hiểm hơn sự bất động. Con nợ gian dối có thể có hai cách để tẩu thoát các tài sản của mình khỏi sự truy đòi của chủ nợ: Bằng một chứng thư biểu kiến, con nợ chuyển nhượng tài sản cho một người đệ tam, sau đó lại lập một mật ước xác nhận đó là một sự giả trang. Để bảo vệ các chủ nợ chống lại cách gian lận này, nhà làm luật cho phép các chủ nợ được đánh đổ chứng thư biểu kiến bằng cách chứng minh rằng, các tài sản không thực sự ra khỏi sản nghiệp của con nợ. Đó là tố quyền tuyên cáo giả trang. Con nợ nhiều khi lại gian trá theo một cách khác: Bằng một chứng thư chân thật, con nợ chuyển dịch một tài sản cho một người đệ tam dưới hình thức một sự tặng dữ hoặc bán với giá rất rẻ, hoặc thay đổi thành phần cảu sản nghiệp bằng cách thay thế các tài sản có thể bị sai áp, như các bất động sản, bằng các tài sản dễ tẩu thoát khỏi tay chủ nợ như tiền bạc, giá khoán bất động sản … Để đánh đổ các chứng thư có dụng ý gian lận ấy, các chủ nợ có tố quyền phế bãi. Điều 717 DLVN nói rằng, các chủ nợ có thể nhân danh mình, xin tiêu hủy các hành vi do con nợ làm một cách gian trá để thiệt hại đến quyền lợi của họ. Tố quyền phế bãi được hành xử bởi chủ nợ nhân danh chính mình. Tố quyền này, như vậy, rất khác biệt với tố quyền tà diện, vốn do chủ nợ hành xử nhân danh con nợ. Mặt khác, tố quyền phế bãi là một tố quyền riêng biệt, trong khi tố quyền tà diện không phải là tố quyền riêng biệt mà chỉ là việc hành xử bởi chủ nợ một tố quyền thuộc về con nợ. Sự khác biệt trên đây đưa tới sự sai biệt quan trọng liên quan đến những điều kiện hành xử, và hiệu lực của hai tố quyền này.
II.1: Các hành vi có thể phế bãi được: Những sự thay đổi trong sản nghiệp của con nợ mà không do ý chí của người này thì không thuộc phạm vi của tố quyền phế bãi, bởi vì tố quyền này tiên niệm phải có một sự gian trá, tức là hành vi của ý chí. Các nghĩa vụ ngoại khế ước như các nghĩa vụ phát sinh do dân sự phạm, bán dân sự phạm đểu không thuộc sự chi phối của điều 717 DLVN. Chỉ có hành vi pháp lý mới thuộc tố quyền phế bãi. Tuy nhiên, có một trường hợp gây tranh luận: con nợ làm táng thất một quyền lợi không do một hành vi pháp lý, mà do một sự bất động. Ví dụ: Một con nợ cố ý để cho một đệ tam nhân thủ đắc thời hiệu trên một tài sản của mình. Trong trường hợp này, cần phải cho phép chủ nợ được đánh đổ sự thủ đắc đó bằng tố quyền phế bãi, vì trên phương diện pháp lý, sự táng thất quyền lợi trong những điều kiện này phải được coi như sự tù bỏ tự ý một quyền lợi, chứ không phải là sự thủ đắc một thời hiệu, và như vậy là hành vi pháp lý. Mặc dù không phải là hành vi pháp lý, các án văn chương hại đến quyền lợi của các chủ nợ của tụng nhân có thể bị tranh nại bởi một tố cầu đặc biệt, gọi là đệ tam kháng tố, tương đương với tố quyền phế bãi. Tố cầu này giúp các chủ nợ ngăn chặn các hành vi gian lận của con nợ: Một con nợ bất lương xúi biểu một kẻ đồng lõa kiện trước tòa án để đòi hỏi những tài sản mà y muốn tẩu thoát khỏi sự sai áp lâm thời của chủ nợ, và để bị tòa kết án mà không chống cãi gì cả.
Mọi hành vi pháp lý đều thuộc sự chi phối của điều 717 DLVN. Các hành vi đơn phương cũng như hiệp ước, các hành vi khước từ cũng như các hành vi tạo lập hoặc di chuyển một quyền lợi, các hành vi hữu thường cũng như vô thường. Điều 741 DLT nói rằng, “Người chủ nợ cũng có thể tố cáo xin tiêu những khế ước người mắc nợ làm gian lận để thiệt quyền lợi của mình, khi những việc ấy cốt làm cho người mắc nợ nghèo đi, còn khi người mắc nợ không làm những việc để cho mình được lợi thêm thì không kể”. Chữ khế ước ở đây phải được hiểu theo một nghĩa rộng, đó là “các hành vi pháp lý”. Có tác giả cho rằng, các hành vi của con nợ tạo lập ra nghĩa vụ mới không thuộc phạm vi của tố quyền phế bãi, vì con nợ vẫn giữ quyền quản trị sản nghiệp của họ, nhưng nếu chấp nhận lý lẽ đó, thì sẽ đi đến kết quả là bãi bỏ tố quyền phế bãi. Tuy nhiên, một số hành vi không thuộc tố quyền phế bãi:
– Các hành vi liên quan đến các quyền lợi hoàn toàn thuộc về nhân thân. Các hành vi liên quan đến ngoại sản nghiệp, như thừa nhận con tư sinh v.v… không thuộc phạm vi của tố quyền phế bãi; giải pháp này cần được nới rộng và áp dụng cho mọi hành vi liên quan đến các quyền lợi hoàn toàn thuộc về nhân thân. Tuy nhiên cần cần xác định rõ: Khi con nợ từ chối không nhận một khoản bồi thường thiêt hại về tinh thần hay một khoản tiền cấp dưỡng, chủ nợ không thể đả phá sự khước từ này bằng tố quyền phế bãi, bởi vì dù sự khước từ ấy có bị hủy bỏ thì các chủ nợ sau đó cũng không thể hành xử tố quyền tà diện, các quyền lợi nói trên của con nợ. Trái lại, chủ nợ của người gây tổn hại hay người phải cấp dưỡng có quyền đánh đổ hành vi gian trá do đó người con nợ cam kết thi hành một cung khoản quá đáng cho nạn nhân hay người được cấp dưỡng. Quyền lợi mà người con nợ cam kết thi hành không phải là một quyền lợi thuộc về nhân thân (PA. Pháp 26-5-1941 DC 1942-I-133).
– Nếu người ta chấp nhận rằng, các quyền lợi bất khả sai áp không thể do các chủ nợ hành xử bằng tố quyền tà diện, thì cũng phải chấp nhận rằng các quyền lợi đó không thuộc phạm vi của tố quyền phế bãi.
– Sự chi phó cũng không thuộc phạm vi của tố quyền phế bãi. Khi trả nợ, con nợ thi hành nghĩa vụ, trong khi đó, thái độ của người nhận lãnh không có gì đáng trách cả. Nếu người này có được trả nợ trước các chủ nợ khác, thì điều đó cũng không có gì là trái phép. Trong luật thương mại, sự chi phó trong trường hợp phá sản hay thanh toán tài phán bị chi phối bởi các nguyên tắc riêng biệt. Một mặt, con nợ bị phá sản hay thanh toán tài phán bị tước quyền đối với sản nghiệp của họ, và mặt khác tích sản của con nợ sẽ được phân chia cho các trái chủ theo một thủ tục và các quy tắc riêng biệt. Do đó, mọi sự chi phó do con nợ làm từ khi ngưng trả nợ đều không đối kháng được với các chủ nợ (Điều 873 BLTMVN). Sự chi phó các trái khoán đáo hạn bằng tiền mặt hay thương phiếu từ khi con nợ ngưng trả nợ, đều không đối kháng được với các chủ nợ, nếu người nhận lãnh đã biết tình trạng này (Điều 478 BLTMVN).
– Sự gán nợ vì là một sự chi phó, nên trên nguyên tắc không thuộc phạm vi của tố quyền phế bãi. Tuy nhiên, hành vi đó có thể bị tiêu hủy, nếu đó là kết quả của âm mưu gian trá (PA. Pháp 16-4-1889 D 1890-I-260).
II.2: Điều kiện hành xử tố quyền phế bãi: Khi một hành vi, do bản chất, có thể bị tiêu hủy bằng tố quyền phế bãi, việc hành xử tố quyền cũng bằng giới hạn bởi một số điều kiện chặt chẽ, nhưng cần thiết để các chủ nợ không thể can thiệp vào công việc của con nợ nếu không có lý do chính đáng:
– Điều kiện 1: Chủ nợ trước hết phải có một lợi ích – không có lợi ích thì không có tố quyền. Một chủ nợ vô đặc quyền không có lợi ích gì để xin phế bãi việc đoạn mại một bất động sản của con nợ, nếu bất động sản ấy đã bị để đương để bảo đảm một số nợ mà ngạch số lớn hơn giá trị của nó. Thực vậy, các chủ nợ để đương trong trường hợp này sẽ lấy trọn số tiền thu được do sự sai áp và phát mại bất động sản ấy. Chủ nợ cũng không có lợi ích gì để hành động nếu như con nợ có đủ tư lực. Tư lực của con nợ sẽ được thẩm định căn cứ vào các tài sản tọa lạc ở trong nước hoặc nước ngoài, có thể phát mại một cách dễ dàng. Nhưng chủ nợ có lợi ích để hành động nếu con nợ mặc dù đủ tư lực nhưng lại ký kết các hành vi làm giảm giá trị tài sản của mình. Ví dụ: Con nợ ký kết một hợp đồng cho thuê dài hạn trên một bất động sản để đương. Hành vi này làm hại đến quyền để đương của chủ nợ vì việc phát mại bất động sản trở nên khó khăn hơn. Do đó, chủ nợ có lợi ích để duy trì tài sản để đương trong tình trạng cũ (PA. Pháp 12-12-1941 GP 1942 – I-77).
– Điều kiện 2: Hành vi của con nợ phải làm thiệt hại cho chủ nợ: Hành vi bị chỉ trích phải đã gây cho chủ nợ một sự thiệt hại, tức là đã gây nên hoặc làm trầm trọng thêm sự vô tư lực của con nợ (PA. Pháp 14-5-1952 D 1953-J-625). Điều 742 DLT nói rằng: tố quyền phế bãi chỉ có thể hành xử được khina2o hành vi của con nợ làm cho họ trở thành vô tư lực hay làm cho sự vô tư lực trầm trọng thêm. Không nên lầm lẫn điều kiện này với điều kiện thứ nhất: Nguyên tắc “không có lợi ích thì không có tố quyền“, buộc rằng con nợ phải đã vô tư lực khi chủ nợ hành xử tố quyền phế bãi, còn điều kiện về sự thiệt hại đưa tới hậu quả là con nợ khi làm hành vi bị chỉ, hoặc đã vô tư lực và làm gia tăng sự vô tư lực đó, hoặc do hành vi ấy mà trở thành vô tư lực. Mặt khác, điều kiện về sự thiệt hại đưa tới kết quả là chỉ riêng chủ nợ mà trái khoản đã hiện hữu trước hành vi bị chỉ trích mới được hưởng tố quyền phế bãi, bởi vì chỉ riêng người này mới bị thiệt hại (PA. Pháp 14-5-1952 nói trên). Các chủ nợ đến sau tất nhiên không có lý do gì để trông cậy vào các tài sản mà con nợ đã làm tiêu tán mất trước khi có trái khoản của họ, ngoại trừ hành vi gian trá nhằm chính những chủ nợ tương lai để làm hại quyền lợi của những người này (TT. Saigon 12-7-1962 PL. 1963-3-4-78). Điều 742 khoản 3 DLT nói rằng, tố quyền phế bãi chỉ có thể hành sử được khi nào hành vi của con nợ được làm sau khi có nợ hay làm ra để tránh khỏi trả nợ. Chủ nợ phải mang lại bằng chứng rằng trái khoản của mình đã có trước hành vi bị chỉ trích, do đó chủ nợ phải xuất trình một bằng khoán có nhật kỳ chắc chắn.
– Điều kiện thứ 3: Con nợ phải đã bị suy bần: Hành vi có thể gây nên một sự thiệt hại cũng chưa đủ: Sự thiệt hại này phải là kết quả của sự suy bần của con nợ. Những hành vi từ chối làm giàu thêm đều không thể bị chỉ trích; Điều 741 DLT định rằng chủ nợ chỉ có thể xin xử tiêu hành vi của con nợ bằng tố quyền phế bãi khi hành vi ấy làm cho con nợ nghèo đi, còn khi con nợ từ chối làm giàu thêm thì không kể. Thực vậy, chủ nợ chỉ có thể trông cậy vào các tài sản hiện có trong sản nghiệp của con nợ. Vả lại, giả thử mà sự từ chối này có bị tiêu hủy thì các chủ nợ cũng chẳng hưởng lợi gì cả, vì họ không thể hành xử nhân danh con nợ một quyền năng thuộc về riêng của người này. Tuy vậy, nguyên tắc này có hai ngoại lệ (mặc dù ngoại lệ này chỉ là biểu kiến), theo đó, chủ nợ có thể đả kích hành vi của con nợ từ chối làm giàu thêm:
+ Theo điều 511 DLVN, chủ nợ của người thừa kế đã khước từ di sản được phép đã phá sự khước từ đó. Ngoại lệ ở đây hoàn toàn biểu kiến. Thực vậy, người thừa kế đương nhiên trở thành sở hữu chủ các di sản ngay từ khi người quá cố chết mà không cần phải chấp nhận, vậy là khi khước từ, người thừa kế mất đi các tài sản đã rơi vào sản nghiệp của họ rồi, từ chối này làm cho họ bị suy bần.
+ Theo Điều 1440 DLVN, các chủ nợ có quyền đã kích hành vi theo đó con nợ từ khước viện dẫn thời hiệu có lợi cho họ: thời hiệu thủ đắc đã khiến cho con nợ trở thành sở hữu chủ một quyền đối vật, hoặc thời hiệu tiêu diệt đã giải trừ một nghĩa vụ mà đáng lẽ con nợ phải thi hành. Trên phương diện lý thuyết, một sự từ khước như vậy có hiệu lực hồi tố và con nợ bị coi như chưa hề bao giờ thủ đắc tài sản hoặc không hề bao giờ bao giờ giải trừ nghĩa vụ. Như vậy, khi từ khước, con nợ chỉ chối từ làm giàu thêm, người đó không suy bần: Làm sao có thể coi là con nợ đã mất đi một quyền lợi mà họ chưa hề làm sở hữu chủ? Do đó, trên phương diện lý thuyết, điều 1440 DLT quả là một ngoại lệ đối với nguyên tắc. Ngoại lệ này cũng dễ hiểu: Trên thực tế, đối với chủ nợ thì trường hợp con nợ từ khước một quyền lợi, tính cách từ khước ở đây chỉ là một ảo tưởng. Sự suy bần của con nợ có thể xảy ra bằng hai cách: Một tài sản trong sản nghiệp của con nợ được chuyển sang một người đệ tam, hoặc các tài sản dễ sai áp được đổi lấy các tài sản dễ tẩu thoát khỏi tay chủ nợ. Trong trường hợp thứ nhất sự suy bần có tính hiện thực, một giá trị tài sản đã ra khỏi sản nghiệp của họ. Trong trường hợp thứ hai, thật ra không có sự suy bần; tài sản chuyển dịch đã được thay thế bằng tài sản khác, nhưng tài sản mới này do con nợ giấu đi, như vậy, đối với chủ nợ đã có sự suy bần biểu kiến. Trong cả hai trường hợp, chủ nợ đều có quyền hành xử tố quyền phế bãi.
– Điều kiện 4: Hành vi của con nợ phải có tính cách gian trá: Hành vi của con nợ, mặc dù có gây thiệt hại cho chủ nợ, chỉ có thể bị người này đả kích nếu như nó đã được thực hiện để gian lận quyền lợi của họ (PA.VN. 31.10.1962 PL 1963-11-24). Điều kiện này cần thiết vì tố quyền phế bãi là một can thiệp quan trọng vào công việc riêng của con nợ; ngoài ra tố quyền ấy còn làm thiệt hại các người đệ tam đã giao kết với con nợ. Quyền tự do hành động của con nợ và quyền lợi của người đệ tam chỉ có thể bị hy sinh cho chủ nợ nếu họ có một sự gian trá; một lỗi vô ý, một sự bất cẩn thôi không đủ. Sự gian trá trước hết phải được nhận thấy nơi con nợ, người này phải cố ý hành động. Nhưng sự gian trá đó phải như thế nào? Phải chăng chỉ cần con nợ đã ý thức rõ ràng sự vô tư lực của mình, hay là còn cần con nợ phải đã cố ý gây một sự tồn hại cho chủ nợ? Điều 742 DLT nói rằng: tố quyền phế bãi chỉ có thể hành xử được khi nào người mắc nợ đã biết rằng khế ước mình làm ra sẽ có thiệt hại cho chủ nợ. Để làm sáng tỏ vấn đề cần phân biệt hai trường hợp, hai biện pháp mà con nợ xử dụng để gian lận:
+ Con nợ có thể thay thế một tài sản dễ sai áp bằng một tài sản khác cùng giá trị mà người đó dễ giấu đi. Trong trường hợp này, dĩ nhiên là hành vi chỉ có thể bị chỉ trích nếu con nợ đã hành động với mục đích làm hại các chủ nợ, để tẩu thoát các tài sản dễ chuyển dịch khỏi tay các chủ nợ. Nếu con nợ không hành động với ý định đó thì hành vi do đó con nợ thay thế một tài sản này bằng một tài sản khác cùng một giá trị, không thể bị chỉ trích dù con nợ có ý thức rõ sự vô tư lực của y cũng mặc lòng.
+ Nhưng nếu con nợ cho hoặc bán một tài sản mà không đòi hỏi một đối khoản tương xứng, người đó cố ý làm giảm sút sản nghiệp của y. Trong trường hợp này, chỉ cần biết rõ sự vô tư lực của y, và hành vi do y làm đã khiến sự vô tư lực đó trầm trọng thêm, là đủ có sự gian trá rồi, không cần con nợ phải hành động với mục đích hại chủ nợ (PA Pháp 18-12-1893 D 1894-I-263).
+ Về phía người đệ tam ký kết với con nợ, cũng cần phân biệt hai trường hợp:
* Tố quyền phế bãi chỉ có thể được hành xử chống lại một hành vi hữu thường nếu người đệ tam đã đồng lõa với con nợ để gian trá. Điều 743 DLT định rằng nếu người đệ tam đã nhận tài sản của con nợ mà phải trả tiền thì chủ nợ phải chứng minh là người ấy tòng phạm với con nợ trong việc gian trá (TT. Saigon 15-12-1966 PL 1968-1-96). Có hai lý do: Một đằng vì người đệ tam đã mang vào sản nghiệp của con nợ một tài sản để đổi lấy một tài sản khác; Mặt khác, nếu tố quyền phế bãi có kết quả thì người đệ tam bị thiệt hại vì phải hoàn trả cho chủ nợ đồ vật mà mình đã thủ đắc, trong khi tố cầu của họ đối với con nợ là đầy bất trắc. Do đó, nếu người đệ tam ngay tình thì các chủ nợ phải bị hy sinh vì họ đã đặt lòng tin không đúng chỗ. Điều 744 DLT định rằng: Nếu người đệ tam ngay tình thì tài sản thuộc quyền nghiệp chủ của họ, chủ nợ chỉ được bồi thường tổn hại mà thôi. Lẽ dĩ nhiên, người phải bồi thường là con nợ đã gian lận. Để xác định gian trá của người đệ tam, cần phân biệt như trường hợp đối với con nợ. Nếu hành vi có cung khoản tương xứng và nhằm mục đích làm hại các chủ nợ, người đệ tam phải có ý muốn giúp đỡ con nợ thực hiện sự gian trá và làm hại chủ nợ. Trái lại, nếu đối khoản không tương xứng và con nợ chịu thiệt, thì chỉ cần rằng người đệ tam biết rõ sự vô tư lực của con nợ và biết rằng hành vi làm cho sự vô tư lực ấy trầm trọng thêm.
* Sự đồng lõa gian trá của người đệ tam không cần thiết khi hành vi bị chỉ trích có tính cách vô thường (Đ 745 DLT). Người đệ tam nhận một tài sản mà không phải mang vào sản nghiệp của con nợ một cung khoản nào cả; mặt khác nếu tố quyền phế bãi có kết quả thì họ chỉ mất đi một sự tặng dữ. Ở đây quyền lợi của chủ nợ cần được bảo vệ hơn, do đó, các người này có thể hành xử tố quyền phế bãi, mặc dù người đệ tam không biết đến sự vô tư lực của người chủ tặng.
Khó khăn đặt ra trong trường hợp người đệ tam sau khi thủ đắc tài sản của con nợ do hành vi bị chỉ trích, đã chuyển nhượng tài sản đó, hoặc một quyền đối vật trên tài sản đó cho người khác. Dĩ nhiên, chủ nợ vẫn có thể kiện người đệ tam thứ nhất mặc dầu tài sản không còn trong tay họ nữa, nhưng vấn đề được đặt ra là chủ nợ có thể kiện thẳng người đệ tam thứ hai không? Trong trường hợp người chủ nợ không thể kiện người đệ tam thứ nhất (trong trường hợp người này đã đắc hữu thường và không đồng lõa với con nợ trong việc gian trá), thì tất nhiên chủ nợ không thể kiện người đệ tam thứ hai. Nếu chủ nợ có thể kiện người đệ tam thứ nhất thì (như trường hợp người này đã thủ đắc vô thường hoặc là tòng phạm về sự gian trá) thì để xét xem chủ nợ có thể kiện thẳng người đệ tam thứ hai hay không, ta cũng phải xem là người thứ hai có thủ đắc vô thường hoặc có hành vi đồng lõa với con nợ trong sự gian trá hay không (Điều 743, 745 DLT).
– Điều kiện 5: Trái khoản của chủ nợ phải có tính cách chắc chắn, thanh xác và khả sách: Trên đây chúng ta đã nói rằng để có thể hành sử tố quyền tà diện, trái khoản của chủ nợ phải có tính cách chắc chắn thanh xác và khả sách. Điều kiện này cũng cần thiết đối với tố quyền phế bãi. Thực vậy, tố quyền phế bãi cũng như tố quyền tà diện là một hành vi chuẩn bị cho việc sai áp, do đó trái khoản làm căn bản cho tố quyền ấy phải có tính cách chắc chắn thanh xác và khả sách. Nhưng trái khoản chỉ cần hội đủ các tính chất vào lúc tòa án tuyên phán về tố quyền phế bãi. Do đó, cũng giống như trường hợp tố quyền tà diện, sự vô tư lực của con nợ khiến chủ nợ có quyền xin hủy bỏ hạn kỳ và như thế món nợ sẽ có tính cách khả sách. Mặt khác, tòa án thự lý tố quyền phế bãi có thể, khi con nợ được gọi ra dự sự, ấn định giá ngạch của trái khoản, và do đó trái khoản sẽ có tính cách thanh xác. Ngoài ra, cũng như tố quyền tà diện, tố quyền phế bãi không đòi hỏi chủ nợ phải có bằng khoán chấp hành.
II.3. Bản chất của tố quyền phế bãi:
Tố quyền phế bãi bắt nguồn từ Luật La Mã; đó là sự sáng tạo của án lệ. Trong bộ dân luật Pháp, tố quyền ấy (Action Paulienne: hành động Paulian) mang tên một vị thẩm phán tên Paul đã khai sinh ra nó. Trong cổ luật La Mã, tố quyền phế bãi có tính cách hình sự, vì hành vi của con nợ cố ý làm tẩu tán tài sản khỏi tay các chủ nợ, bị coi là vi phạm. Sự chế tài của tố quyền phê bãi là một ngân hình tương đương với giá trị của tài sản, nhưng hình phạt này chỉ được tuyên khi nào tài sản không được hoàn trả lại như cũ, vì trị giá của vật chuyển nhượng được ấn định bởi vị thẩm phán theo ước lượng của các chủ nợ, cho nên, người đệ tam thường trả lại tài sản để khỏi phải chịu một ngân hình quá cao. Do đó, tố quyền phế bãi là một cách gián tiếp đưa tới kết quả là tài vật đươc hoàn trả lại, hành vi gian trá bị phế bãi; nhưng hậu quả trực tiếp của tố quyền phế bãi trong cổ luật La Mã, vẫn là một chế tài về hình đối với con nợ, cho nên nó là một tố quyền đối nhân.
Tố quyền phế bãi trong luật hiện hành vần có tính cách đối nhân, mục đích của tố quyền ấy là phế bãi các nghĩa vụ phát sinh bởi hành vi pháp lý. Tuy nhiên, hành vi đó là một sự chuyển nhượng tài sản và tố quyền đưa tới kết quả là tài sản được hoàn trả lại vào sản nghiệp của con nợ, do vậy, người ta phải nhìn nhận bản chất hỗn hợp của nó: đối nhân và đối vật. Luật La Mã coi tố quyền phế bãi đem lại kết quả hành vi bị xóa bỏ đối với tất cả mọi người, nhưng xét kỹ, tố quyền phế bãi không phải là tố quyền triệt tiêu vì vô hiệu. Khi nghiên cứu về hiệu lực của tố quyền phế bãi, chúng ta sẽ rõ hành vi vẫn có giá trị trong tương quan giữa người đệ tam và con nợ, như vậy tức là hành vi không bị tiêu hủy hoặc phế bãi, hành vi vẫn tồn tại. Theo án lệ Pháp, vì tố quyền phế bãi không phải là tố quyền xin xử tiêu vì vô hiệu, nên không thể áp dụng thời hiệu đoản kỳ của các tố quyền xử tiêu vì vô hiệu, tương đối. Thời hiệu của tố quyền phế bãi là thời hiệu thông thường 30 năm. Theo điều 747 DLT tố quyền phế bãi chịu thời hiệu đoản kỳ là 5 năm.
Tố quyền phế bãi cũng không phải là tố quyền tuyên định trách nhiệm dân sự. Khi tố quyền ấy chống lại một người thủ đắc vô thường, nó sẽ đem lại một kết quả, mặc dù chủ nợ không cần phải dẫn chứng một lỗi của người đệ tam, điều đó sẽ không giải thích được, nếu áp dụng các quy tắc về trách nhiệm dân sự. Nhiều khi chủ nợ hành xử cùng một lúc tố quyền phê bãi và tố quyền tuyển định trách nhiệm dân sự, hai tố quyền này có bản chất khác nhau, cần phải phân biệt. Điều 744 DLT quy định rằng “Nếu người đệ tam ngay tình thì họ không phải hoàn trả lại tài sản đã thủ đắc. Trong trường hợp này chủ nợ chỉ được bồi thường tổn hại thôi“. Theo điều luật này, người ta có thể nghĩ rằng, tố quyền phế bãi vừa là một tố quyền phế bãi hành vi của con nợ, vừa là một tố quyền tuyên định trách nhiệm đối với con nợ gian trá, vì trong trường hợp người đệ tam ngay tình thì hành vi không bị phế bãi, con nợ gian trá vẫn phải bồi thường cho chủ nợ. Thực ra do điều khoản trên, nhà làm luật tại Trung Việt chỉ muốn nói rằng, trong trường hợp này, tòa án sẽ cho chủ nợ được được hưởng một số tiền bồi tổn để thay thế vào tài sản đã bị mất đi, sự bồi thường ở đây là sự thế cải, chứ không đặt trên căn bản trách nhiệm dân sự phạm. Tố quyền phế bãi là tố quyền tuyên phán bất khả đối kháng. Chúng ta đã biết rằng, mọi hành vi pháp lý đều đối kháng được với chủ nợ của các người kết ước. Tố quyền phế bãi là một biện pháp giúp các chủ nợ gạt bỏ hiệu lực của sự đối kháng ấy. Do đó tố quyền phế bãi chỉ thủ lợi riêng cho người chủ nợ đã hành xử, hành vi bị chỉ trích vần đối kháng được với người khác.
II.4: Hiệu lực của tố quyền phế bãi: Khi bàn vể bản chất của tố quyền phê bãi, chúng ta đã đề cập tới hiệu lực của nó. Tố quyền này nhằm tái lập lại nguyên trạng, nhưng vì đó là một tố quyền tuyên phán bất khả đối kháng nên nó chỉ thủ lợi cho người chủ nợ đã hành sử tố quyền mà thôi. Chủ nợ đòi tái lập lại nguyên trạng nếu như điều đó còn có thể được, ngược lại, họ sẽ đòi một bồi khoản mà tính cách cần được xác định.
– Sự tái lập lại nguyên trạng: Tố quyền phế bãi không phát sinh hiệu lực gì đối với con nợ. Người này vẫn bị thúc buộc bởi nghĩa vụ mà họ đã cam kết với người đệ tam do hành vi bị chỉ trích (đ 746 DLT). Do đó, người đệ tam có một tố cầu đòi bảo đảm chống lại con nợ, nếu họ phải hoàn trả lại tài vật hoặc đã trả tiền cho người chủ nợ để khỏi phải giao hoàn tài vật. Tố quyền phế bãi cũng không có hiệu lực gì đối với các chủ nợ khác, hành vi bị chỉ trích vẫn đối kháng với họ. Tố quyền phế bãi dĩ nhiên có hiệu lực trong tương quan giữa chủ nợ hành xử tố quyền và người đệ tam: Người đệ tam không thể đối kháng với người chủ nợ về hành vi bị chỉ trích. Sự bất khả đối kháng này có thể là không hoàn toàn, bởi hành vi chỉ không đối kháng được với chủ nợ trong giới hạn của trái khoản. Về phần thặng dư, hành vi vẫn đối kháng với mọi người, ngay cả với chủ nợ đã hành xử tố quyền.Điều 746 khoản 2 DLT định rằng: “Chỉ những người chủ nợ được kiện được lĩnh giá tài sản bị kiện đó, tùy theo món nợ và số nợ bao nhiêu mà lãnh phần. Nếu chia cho các chủ nợ mà giá tài sản còn lại bao nhiêu thì giao cho người đệ tam đã mua lại”. Còn tình trạng của các chủ nợ của người đệ tam đã ký kết hành vi bị chỉ trích thì sao? Người đệ tam thay mặt cho các chủ nợ vô đặc quyền của họ trong vụ kiện, đối với các chủ nợ này bản án phát sinh hiệu lực như đối với người đệ tam, vì vậy đối với họ, hành vi của họ coi như bị phế bãi. Đó là giải pháp của án lệ khi tố quyền phế bãi đưa tới sự hoàn trả một vật xác thực. Nhưng nếu tố quyền chỉ tái lập một trái quyền, như một số tiền nợ chẳng hạn, thì Tòa án định rằng chủ nợ hành sử tố quyền chỉ được dự chia với chủ nợ của người đệ tam mà thôi. Giải pháp này không đúng vì đối với các chủ nợ của người đệ tam, trái khoản đã trở về sản nghiệp của con nợ rồi, chứ không còn trong sản nghiệp của người đệ tam nữa.
– Sự bồi tổn: Hiệu lực chính của tố quyền phế bãi là tái lập lại nguyên trạng, chủ nợ đó không phát sinh cho chủ nợ quyền bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, có hai ngoại lệ: Khi không thể tái lập nguyên trạng, thẩm phán phải ban cho chủ nợ một quyền lợi tương đương, mặt khác, đồng thời với tố quyền phế bãi chủ nợ có thể hành xử tố quyền tuyên định trách nhiệm. Không thể tái lập lại nguyên trạng khi người đệ tam thủ đắc đã chuyển nhượng lại tài vật một cách hữu thường cho một người đệ tam ngay tình khác (Đ 744 DLT). Nếu chủ nợ kiện người đệ tam thứ nhất thì phải áp dụng các quy tắc tổng quát về chi phó bất phụ trái: nếu người đệ tam ngay tình, họ phải trả lại giá tiền đã nhận được khi bán lại tài vật cho người đệ tam thứ hai, nếu có gian ý thì họ phải trả lại giá trị hiện tại của tài vật. Đồng thời với tố quyền phế bãi, chủ nợ có thể hành sử tố quyền tuyên định trách nhiệm dân sự đối với con nợ gian trá. Tố quyền này tuân theo các quy tắc tổng quát, chủ nợ phải chứng minh một sự thiệt hại. Ngoài ra chủ nợ phải chứng minh lỗi của con nợ, như vậy tức là chủ nợ chỉ có thể đòi bồi thường đối với con nợ và các người đệ tam đã đồng lõa trong sự gian trá.
II.5: Tố quyền tuyên cáo giả trang: Sự gian trá của con nợ đối với chủ nợ chỉ có thể thực hiện bằng cách tạo ra một văn thư biểu kiến có tác dụng che giấu các tài sản khỏi sự truy tố của chủ nợ. Ví dụ rõ ràng nhất là sự chuyển nhượng tài sản cho một người đệ tam. Người đệ tam thủ đắc trong trường hợp này, ký kết một ẩn khế nhìn nhận rằng họ không hề trở thành sở hữu chủ. Con nợ còn có thể gia tăng quá đáng các món nợ của họ bằng cách tạo ra các món nợ giả tạo: Người này ký giấy xác nhận cho người đệ tam nợ, rồi làm ẩn khế xác nhận rằng các món nợ đó là giả tạo. Khác với các hành vi có thể bị đánh đổ bởi tố quyền phế bãi, các hành vi ở đây có tính cách giả tạo. Tố quyền mà chủ nợ có thể hành xử chống lại các hành vi ấy gọi là tố quyền tuyên cáo giả trang. Khác với tố quyền phế bãi, sự gian trá ở đây không phải là một điều kiện để hành xử tố quyền. Các chủ nợ chỉ xin xác nhận rằng tài sản không hề bao giờ ra khỏi sản nghiệp của con nợ, và văn thư chuyển nhượng hoàn toàn giả tạo; chủ nợ không cần phải lưu ý tới lý do vì sao văn thư lại được lập ra. Nếu sự gian trá thường được nêu ra thì đó chỉ là bằng chứng về tính cách giả tạo của văn thư chứ không phải là điều kiện để hành xử tố quyền. Sự sai biệt về bản chất đó đưa đến các hậu quả rất quan trọng liên quan đến các điều kiện hành xử tố quyền tuyên cáo giả trang:
– Mọi chủ nợ đều có quyền hành xử tố quyền, ngay cả khi mà trái khoản có sau hành vi chuyển nhượng;
– Bằng cớ về sự vô tư lực của con nợ không cần thiết, quý hồ rằng chủ nợ có lợi ích để hành động.
– Sự đồng lõa cua kẻ đệ tam thủ đắc không cần thiết, và tình trạng của kẻ đệ tam lúc nào cũng vậy, dù nguyên nhân của sự thủ đắc có như thế nào.
– Để chứng minh sự giả trang, mọi phương cách đều có thể áp dụng. Đối với nguyên đơn, sự giả trang là một sự kiện mà người ta không thể bắt buộc chủ nợ phải chứng minh bằng bút chứng. Người chủ nợ đứng trước một chứng thư giả tạo cũng giống như nạn nhân một sự khi trá, người đó xin dẫn chứng một sự kiện xảy ra ngoài sự hiện diện của họ và có hại cho họ.
– Chế tài của sự giả trang trên nguyên tắc chỉ là sự bất khả kháng của chứng thư, chứ không phải là vô hiệu. Như vậy, tố quyền tuyên cáo giả trang đưa đến kết quả là sự chuyển nhượng bị tuyên bố là bất khả đối kháng với nguyên đơn. Đối với nguyên đơn, tài sản coi như vẫn còn trong sản nghiệp của con nợ. Do sự bất khả đối kháng ấy, nếu người thủ đắc giả tạo chuyển nhượng tài sản cho người khác, thì sự chuyển nhượng này cũng không đối kháng với chủ nợ hành xử tố quyền. Tuy nhiên, có những bản án bênh vực người thụ đắc ngay tình. Tình trạng ở đây giống như tình trạng tố quyền phế bãi, do đó nghĩ nên áp dụng cùng sự phân biệt như đối với tố quyền phế bãi.
III. SỰ BẢO LƯU TÀI SẢN CỦA CON NỢ. Trên đây, chúng ta đã biết rằng, chủ nợ có những biện pháp tích cực để tái lập sản nghiệp của con nợ. Chủ nợ giờ đây còn có lợi ích duy trì sản nghiệp ấy để có thể lâm thời đem phát mại. Luật pháp thừa nhận cho chủ nợ được hành xử các phương sách bảo thủ, trong đó phải kể đến sự sai áp bảo toàn và sai áp chi phó.
III.1: Sai áp bảo toàn: Sai áp bảo toàn là một biện pháp giúp cho chủ nợ duy trì những tài sản của con nợ mà người ấy dự tính xin phát mại. Theo điều 332 và kế tiếp của bộ luật dân sự và thương sự tố tụng VN, chủ nợ nào có lý do sợ rằng tài sản của con nợ sẽ bị tiêu tán, có thể xin sai áp bảo toàn các động sản của con nợ , nếu chứng minh được món nợ có vẻ xác đáng. Chủ nợ phải làm đơn xin ông Chánh án nơi tọa lạc các động sản dự định sai áp hoặc tòa án có thẩm quyền để xét xử món nợ này, một án lệnh phê đơn cho phép sai áp. Án lệnh này sẽ ghi rõ ngạch số của món nợ cần phải được bảo đảm bởi sự sai áp. Sau khi thực hiện xong sự sai áp, chủ nợ phải khởi tố để xin tòa án xác hiệu sự sai áp bảo toàn và hoán cải sự sai áp ấy thành sai áp chấp hành. Đối với bất động sản, Điều 398 sắc lệnh điền thổ ngày 21-7-1925 dự liệu một thủ tục sai áp bảo toàn đặc biệt, gọi là sự tiên chú: Chủ nợ có thể đồng thời với đơn khởi kiện đòi nợ, xin một án lệnh phê đơn, cho phép ghi chú đơn kiện này vào sổ điền thổ và vào bằng khoán bất động sản của con nợ. Đơn khởi kiện đã tiên chú có hiệu lực làm cho bất động sản bất khả dụng và khiến mọi việc chuyển dịch quyền đối vật trở thành vô hiệu lực đối với chủ nợ.
III.2: Sai áp chi phó: Khi con nợ có một trái khoản đối với một đệ tam nhân, món nợ này trở thành vật thế chấp của các chủ nợ. Nhưng trong trường hợp ấy, con nợ có thể, bất cứ lúc nào, đòi người đệ tam phải chi phó và tẩu tán tài vật đi. Do đó, chủ nợ có lợi để ngăn chặn trái khoản trong tay đệ tam nhân bằng một thủ tục gọi là sai áp chi phó. Sự sai áp chi phó được dự liệu trong bộ luật dân sự và thương sự tố tụng Việt Nam (DSTSTT) từ điều 342 đến 356. Theo điều 342 thì việc sai áp chi phó có thể thi hành trên các số tiền, giá khoán, động sản, và bất cứ tài sản nào khác, không phải là bất động sản do bản chất; nhưng trên thực tế,thủ tục này thường được áp dụng đối với các trái khoản bằng tiền bạc, nhất là lương bỗng… (Lượt bỏ)./.
Bình luận