Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

3. Quyết định theo lương tâm

QUYẾT ĐỊNH THEO LƯƠNG TÂM
Về các bằng chứng trong các vụ án hình sự

Trừ những trường hợp quả tang mà thủ phạm bị bắt tại trận, không còn chối cãi được tội, những thủ tục hình sự đều bắt đầu bằng một cuộc thẩm tra. Cuộc thẩm tra có mục đích thâu thập các tài liệu về về vụ phạm pháp và các bằng chứng để lập tội can phạm. Luật pháp đã quy định các phương cách để theo để sưu tra bằng chứng vào các điều kiện về giá trị của bằng chứng. Thủ tục đại hình cũ của gần hết các nước Âu châu bó buộc Tòa án, trước khi tuyên một bản án tử hình, phải thâu thập được một bằng chứng hoàn bị do luật pháp đã xác định. Thế nào là một bằng chứng hoàn bị?
Bằng chứng do nhân chứng phải có các điều kiện sau đây mới được coi là hoàn bị:
1) Phải có hai chứng nhân thích đáng cung khai về một sự kiện;
2) Phải là hai chứng nhân đã mục kích vụ phạm pháp. Nếu chứng nhân khai đã nghe thấy hay đã được bị cáo thú nhận tội lỗi với mình thì mặc dầu số nhân chứng ấy nhiều chừng nào cũng không được coi là một bằng chứng hoàn bị;
3) Lời khai của chứng nhân phải quả quyết. Nếu chỉ khia lưỡng lự: “nếu tôi không nhầm ..”, “theo chỗ tôi nhớ ra …”, “có thể là …” v.v… thì những lời khai ấy không có giá trị;
4) Các chứng nhân phải giữ y lời khai trong suốt thời kỳ thẩm vấn;
5) Sau hết, các chứng nhân đều không bị khả khước hoặc khước tị.

Trong trường hợp xuất trình bút chứng thì bút chứng đó phải:
1) Đích xác về sự kiện tội trạng;
2) Là một công chứng thư hoặc nếu là một tư chứng thư thì tư thư đó phải được bị cáo nhìn nhận là đúng. Sự kiểm tra tự dạng bởi giám định viên không được coi là một bằng chứng hoàn bị. Theo án lệ hồi đó thì những bằng chứng không đầy đủ (lời khai của nhân chứng độc nhất mục kích, bản tự dạng đã được giám định viên kiểm tra, v,v…), được xếp vào loại hình tích, mà người ta còn gọi là bán chứng (demi preuves: một nửa bằng chứng). Tòa án không thể viện dẫn các hình tích để tuyên một án tử hình, nhưng các hình tích ấy hợp với lời tự thú hay lời thú tội cưỡng bách của bị cáo sẽ là một chứng cứ hoàn bị.
Để lấy lời thú tội của bị cáo, thủ tục sau đây được áp dụng: Trước hết, bị cáo bị thẩm vấn kín, không có người bảo vệ, và phải thề phát giác sự thật. Nếu cuộc thẩm vấn này chỉ mang lại những hình tích thì bị cáo có thể bị mang ra tra tấn. Sự tra tấn bắt nguồn từ luật La Mã, bắt buộc Tòa án phải thâu tập được lời thú tội của bị cáo hay bằng cớ mà không còn cách nào lấy được lời thú tội đó. Bắt đầu từ thế kỷ thứ XII, nhờ sự truyền bá của môn phái Bologne ở nước Ý, việc sử dụng sự tra tấn đã lan tràn ở các nước châu Âu. Những phương pháp tra tấn thường dùng là đổ một số bình nước vào cổ họng, đánh bằng roi da, ép hai chân cho thật đau, v.v… Một đạo Dụ năm 1670 của nước Pháp ấn định can phạm được hỏi cung ba lần: Trước trong và sau khi tra tấn. Lời cung thứ ba gọi là lời cung trên đệm (interrogatoire sur matelas: thẩm vấn trên nệm), vì can phạm được đặt nằm trên một cái nệm sau khi bị tra tấn. Như vậy, thuyết bằng chứng pháp định, bề ngoài có vẻ thuận tiện cho bị cáo, nhưng thực ra đã đưa đến sự tra tấn dã man, khiến bao nhiêu bị cáo không chịu nỗi, phải nhận liều những tội mà người ta đã gán cho họ.
Với hệ thống bằng chứng pháp định, Tòa án chỉ có thể lên án nếu có những bằng chứng xác định trước, và một khi đã có bằng chứng đó, thì tòa án bó buộc phải lên án. Trong tất cả các trường hợp, vị Thầm phán không thể xử theo tâm tín của mình. Đến nửa thế kỷ XVIII, những phong trào tư tưởng mới xuất hiện trước cuộc cách mạng tại Pháp, bắt đầu bài xích chế độ bằng chứng pháp định, và đòi hỏi những sự cải cách bảo đảm quyền lợi của bị cáo. Nhiều trí giả viện dẫn các lý do chứng tỏ rằng, bằng cớ chỉ là tài liệu, chứ không phải là một sự chắc chắn, và sự chắc chắn chỉ có ở trong sự lương tâm của thẩm phán. Họ ca tụng tổ chức tư pháp của nước Anh là cường quốc duy nhất ở Châu Âu vẫn giữ được thủ tục công khai cáo tố và đã có phụ thẩm đoàn. ngày 4-8-1780, vua Louis XVI phải tuyên bố bãi bỏ sự tra tấn. Sự thiết lập phụ thẩm đoàn vào năm 1791 làm sụp đổ hẳn hệ thống bằng chứng pháp định tại Pháp. Ngược lại chế độ cũ, những nhà cách mệnh lập pháp đã giải phóng các vị thẩm phán và phụ thẩm nhân dân mọi trói buộc về bằng chứng. Các vị này, từ nay được hoàn toàn thẩm định theo tâm tín, nghĩa là theo lương tâm của mình.
Trong phiên họp ngày 26-12-1790 của Quốc hội Lập hiến, nghị sĩ Dupont, nhân danh tiểu ban Hiến pháp và thủ tục đại hình, đệ trình một dự án, đề nghị phụ thẩm đoàn được quyết định theo tâm tín sau khi ngồi nghe tranh luận trước tòa, không phải căn cứ vào bút chứng. Huấn thị ngày 29-9-1791 giải thích sắc lệnh ngày 16-9-1791 về thủ tục đại hình, có đề cập nguyên tắc khẩu chứng như sau: “Các phụ thẩm nhân dân chỉ phải căn cứ vào cuộc thẩm vấn và cuộc tranh luận khẩu biện di nại ra trước mặt các vị đó để quyết định. Sự quyết định này dựa vào tâm tín riêng của các vị. Luật pháp chỉ đòi hỏi sự tâm tín đó. Xã hội và bị cáo cũng trông chờ ở sự quyết định theo lương tâm ấy”.
Bộ Hình sự tố tụng năm 1808 lại nhắc lại nguyên tắc trên trong điều 342: “Pháp luật không đòi hỏi các vị phụ thẩm nhân dân phải trình bày đã căn cứ tâm tín của mình vào những phương tiện nào. Pháp luật không đặt các quy tắc các quy tắc bó buộc phải theo để định đoạt khi nào một bằng chứng được coi là đủ để lập tội. Pháp luật không bảo các vị phụ thẩm: “Các vị phải coi là xác thực các sự kiện đã được một số nhân chứng chứng thực”. Pháp luật cũng không bảo các vị ấy: “Các vị không được coi là không đủ để lập tội những bằng chứng không căn cứ vào biên bản này hay hình tích kia”. Pháp luật chỉ yêu cầu các vị phụ thẩm tự vấn thâm tâm mình trong sự ti4nhmi5ch và trầm tĩnh, rồi cho biết bị cáo có tội hay không có tội. Nói tóm lại, luật pháp chỉ yêu cầu các vị phụ thẩm trả lời một câu hỏi duy nhất này, nó chứa đựng tất cả nhiệm vụ của các vị ấy: “Quý vị có tâm tín không?”.
Bộ luật tố tụng Hình sự hiện hành của Pháp (điều 312) buộc các phụ thẩm phải tuyên thệ như sau: “Quý vị thề và hứa rằng … chỉ quyết định theo tội trạng và lời bào chữa của bị cáo, tùy theo lương tâm và tâm tín, một cách vô tư và cương quyết xứng đáng với thái độ một người tự do…”. Nguyên tắc quyết định theo tâm tín nói trên đã được Án lệ đem áp dụng cho tất cả các thẩm phán xử án. Thật vậy, Tòa phá án đã luôn luôn tuyên xử rằng trong các vụ tiểu hình và vi cảnh thẩm phán xử theo tâm tín căn cứ vào các tài liệu của vụ kiện. Tuy các tài liệu này vẫn phải sưu tầm theo những hình thức luật định (sự tuyên thệ của chứng nhân và giám định, tư cách vô năng lực hay bất khả kiêm nhiệm để làm chứng, hình thức của vi bằng, sự tín dụng vào các vi bằng, v.v…), nhưng các thẩm phán được tự do muốn tin hay không tin vào bất cứ một bằng chứng nào. Trước tòa đại hình, phụ thẩm đoàn chỉ cần trả lời những câu hỏi do tòa đặt ra bằng một tiếng “có” hay “không”. Các thẩm phán xử các vụ tiểu hình và các vụ vi cảnh phải nêu ra lý do kết án, nhưng không bó buộc phải viện dẫn các chi tiết hay phân tách các tài liệu mà các vị ấy đã đưa vào để xử. Bởi vậy trong các án văn tiểu hình và vi cảnh, Tòa án thường chỉ dùng câu “chiểu chi theo cuộc thẩm vấn và cuộc tranh luận thì có đủ bằng có (hay không đủ bằng cớ) là bị can đã phạm tội …”.
Hiện nay các nước dân chủ tân tiến đều áp dụng hệ thống “tâm chứng”. Nước ta cũng áp dụng hệ thống đó, vì Dụ số 4 ngày 18/10/1949 tổ chức nền tư pháp Việt Nam, điều 100, cũng bắt buộc các vị phụ thẩm tuyên thệ: “Tôi xin lấy danh dụ thề và hứa rằng … tôi xin hoàn toàn căn cứ vào tội trạng của bị cáo và lời bào chữa của chúng, theo đúng lương tâm và trí sáng suốt của tôi mà xét định một cách vô tư, cương quyết và tự do”.

Hệ thống tâm chứng đã mang lại những kết quả nào?
Người ta đã chỉ trích rất nhiều sự bất tài và sự thiên vị của phụ thẩm đoàn, cho rằng miễn các phụ thẩm nhân dân khỏi phỉa trình bày lý do và lý luận , luật pháp khuyến khích họ sử dụn cảm tình hơn là công lý. Họ đã để lương tâm hướng về xúc cảm bề ngoài và không quan tâm đến việc phân tích kỹ lưỡng các sự kiện và trường hợp xảy ra vụ phạm pháp. Họ dễ xúc động, bởi thế đã có những vụ tha bổng trong các vụ án tình làm dư luận sôi nổi. Tuy nhiên dư luận chung vẫn coi phụ thẩm đoàn là một bảo đảm cần thiết cho quyền bào chữa tự do của bị cáo. Trái lại, việc xét xử theo tâm tín đã có lợi hiển nhiên tại các Tòa án xử về tiểu hình: Các vị thẩm phán cân nhắc các tài liệu, thẩm lượng lời khai của các chứng nhân, tìm hiểu động cơ hành vi của các đương sự, khám phá những ẩn tình, rồi quyết định theo tâm tín của mình, không còn bị điều gì ràng buộc. Ta đã thấy có những vụ trong đó bị can được tha bổng, mặc dù đã nhận tội trong các cuộc điều tra đầu tiên. Trái lại đã có những vụ trong đó bị can bị lên án, mặc dù không có bằng cớ cụ thể.

Vì các lẽ trên, bản án của tòa án là kết luận của những sự suy nghĩ chín chắn, theo lương tâm sáng suốt, xứng đáng với tư cách cao cả của sứ mệnh thẩm phán./.

TRỊNH ĐÌNH QUỲNH
Đổng lý Văn phòng Bộ Tư pháp
Pháp luật số 26 ngày 10-4-1957 (Trang 8-9) 

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar