VỊ TRÍ CỦA HÌNH LUẬT
Hình luật là một ngành của khoa học luật học, do đó mà hình luật khác biệt với các khoa học nhân bản khác. Nhưng chúng ta cũng cần phải xác nhận rằng Hình luật vẫn có những sự liên hệ với những khoa học ấy.
I. KHOA TRIẾT HỌC VỚI HÌNH LUẬT
Khoa này có ảnh hưởng một cách sâu xa tới HÌnh luật vì trong những sự khảo cứu về hiện tượng phạm pháp, triết lý học đã giữ một vai trò rất quan trọng và từ thời cổ đã có nhiều triết gia khảo cứu về hình luật.
A) SIÊU HÌNH HỌC VÀ HÌNH LUẬT: Siêu hình học soi sáng căn nguyên của quyền trừng phạt, quan niệm về nguồn gốc, chức vụ, sự tự do của con người, quan niệm về sự trách nhiệm, quyền lợi và nhiệm vụ của họ đối với quốc gia.
B) TÂM LÝ HỌC VÀ HÌNH LUẬT: Tâm lý học từ xưa tới nay vẫn thiết dụng cho luật gia và càng trở nên cần thiết hơn từ khi môn hình luật chú trọng đặc biệt tới cá nhân của can phạm và đã lấy đó làm yếu tố của sự trừng phạt tội phạm. Chúng ta nhận thấy sự tiến bộ của khoa tâm lý học và xã hội học từ đầu thế kỷ này đã đem lại sự trợ giúp quý giá cho việc cấu tạo luật hình và việc áp dụng luật này.
C) LUÂN LÝ VÀ HÌNH LUẬT: Khi coi vị trí của môn hình luật dối với luân lý thì dĩ nhiên điều mà chúng ta cần biết và cần xem ngay là hình luật và luân lý khác và giống nhau ở điểm nào, vì người ta vẫn thường quan niệm những hình khoản sơ nguyên bắt nguồn từ luân lý và trong hình luật ngày nay vẫn còn giữ nhiều nguyên tắc luân lý. Thật ra giữa hình luật và luân lý có nhiều sự khác biệt về mục tiêu: Luân lý nhằm mục đích cải thiện con người, thúc đẩy con người cố gắng trở nên toàn thiện bằng cách buộc họ phải trau dồi nhân phẩ, đạo đức theo những tiêu chuẩn luân lý. Trái lại, mục đích của hình luật khiêm tốn, và thiết thực hơn vì hình luật đặt trọng tâm vào sự duy trì trật tự bên ngoài của xã hội và tổ chức giao thiệp hòa dịu giữa con người. Vì vậy hình luật không chú trọng đến bổn phận của mỗi người đối với bản thân mình, đối với thượng đế, đối với thần linh. Chế tài của luân lý là lương tâm con người, vì vậy cho nên nếu chúng ta hành động trái với luân lý thì chúng ta bị lương tâm cắn rứt, khiển trách. Trái lại, hình luật không thể đặt sự tôn trọng luật pháp vào sự chế tài của lương tâm, mặc dù chế tài này vẫn có đối với con người phạm pháp. Hình luật phải tổ chức một chế tài mạnh hơn và hữu hiệu hơn bên cạnh chế tài của lương tâm, đó là công lực. Kẻ nào hành động trái với công lực sẽ bị công quyền trừng trị. Người ta thường cho rằng luân lý gắt gao hơn hình luật và người ta cũng đã thường vì tầm hoạt động của hai môn này như hai vòng tròn cùng một trung tâm điểm nhưng vòng tròn của tầm hoạt động luân lý lớn hơn vòng tròn của tầm hoạt động hình luật. Chúng ta thấy có nhiều hành động trái với luân lý nhưng không bị hình luật trừng phạt như sự nói dối, tự tử, ý định hành động bất lương, vỡ nợ. Nhưng không phải vì thế mà người ta có thể nói rằng tầm hoạt động của luân lý rộng hơn tầm hoạt động của hình luật. Thực ra, thì những quy tắc của hình luật nhiều hơn và có một lãnh vực rộng hơn các nguyên tắc luân lý. Nhiều khi người ta thấy luân lý không quy trách những hành động mà hình luật trừng phạt vì lý do cần bảo vệ trật tự và quyền lợi xã hội. Chẳng hạn hình luật trừng phạt những động tác gây hỗn loạn hay có thể gây rối loạn trong đời sống xã hội như những vi phạm về luật lệ lưu thông trong đường phố, mang khí giới trái phép, vi phạm một nghị định biệt xứ, du đảng, hành khất v.v… Đối với luân lý thì những hành động này không có gì đáng trách nhưng đối với hình luật thì đó là những nguy cơ gieo sự xáo trộn trật tự xã hội mà hình luật cần phải trừng phạt để tạo những điều kiện cho một đời sống an ninh và bảo đảm cho dân chúng: Ở Pháp, người bộ hành khi qua đường ngoài những chỗ được chỉ định sẽ bị phạt, hay khi xe lưu thông ban đêm mà không có đèn thì có thể gây tai nạn nên cần phải trừng phạt. Hình luật lại còn làm như không quan tâm đến những lý do đã thúc đẩy người phạm pháp, mặc dù những lý do ấy rất đáng khen như tình mẫu tử thúc đẩy người mẹ trộm miếng bánh mì để nuôi con đau yếu vì thiếu ăn. Xã hội có thể trừng phạt một hành động tuy nó không trái với luân lý hay đi xa hơn nữa, hình luật có thể trừng phạt một hành động mà luân lý tán thưởng. Vì vậy mà trong xã hội người ta thấy không có sự nảy nở đồng đều những quy tắc luân lý và những quy tắc hình luật. Trong những biện pháp mà hình luật thực tại ban bố, những lý do về luân lý thuần túy cá nhân đã choán một chỗ ngày càng hẹp lại.
II. HÌNH LUẬT VÀ QUYỀN TRỪNG PHẠT KỶ LUẬT
Như chúng ta đã biết, quyền trừng phạt không phải là độc quyền của quốc gia. Các tư nhân, nghiệp đoàn hiệp hội cũng có quyền ấy và chúng ta gọi đó là quyền trừng phạt về kỷ luật. Và cũng như ở trên, chúng ta cần nêu lên những điểm dị đồng giữa quyền này và quyền trừng phạt về hình sự
A) ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG:
Quyền trừng phạt về kỷ luật có mục đích duy trì trật tự trong một nhóm, một đoàn thể như gia đình, xí nghiệp, cơ quan hành chính, hiệp hội v.v.. cũng như quyền trừng phạt hình sự nhằm duy trì trật tự xã hội. Chúng ta thấy có những lỗi về kỷ luật lại đồng thời là những lỗi về hình luật như hành động vô kỷ luật của viên chức gây thương tích cho một đồng nghiệp. Hành động này vừa là lỗi về hình luật do tòa án xét xử, vừa là lỗi về kỷ luật do hội đồng kỷ luật xét xử. Ngoài ra vì muốn bảo vệ tự do cá nhân cho nên thủ tục tố tụng về kỷ luật cũng cố gắng rập theo thủ tục tố tụng về hình luật. Đó là vài điểm tương đồng giữa hai quyền trừng phạt kỷ luật và hình luật.
B) ĐIỂM DỊ BIỆT:
Nhưng thật ra những điểm dị biệt còn sâu rộng hơn về đối tượng căn nguyên của hai quyền đó, về bản chất của các hành vi phạm tội cũng như về kỷ thuật áp dụng trong hai phạm vi của quyền trừng phạt:
_ Nếu quyền trừng phạt về kỷ luật được luật phát minh thị nhìn nhận hay mặc nhiên cho phép thì căn của nó thường là một sự thỏa thuận có tính cách khế ước. Nhưng mục đích của quyền này thì không bao hàm một cách tổng quát và toàn diện như mục đích của hình luật;
_ Những hành vi bị trách cứu thì cũng khác nhau về bản chất của nó. Lỗi về kỷ luật có thể phương hại cho những tài sản quý giá, có thể là sự vi phạm những bổn phận theo luân lý kể cả bổn phận đối với bản thân mình. Vì vậy tầm quan trọng của một động tác rộng hay hẹp tùy theo sự cân nhắc tội lỗi đứng về phương diện kỷ luật hay hình luật.
_ Sau cùng những sự dị biệt giữa các kỹ thuật áp dụng cho hai quyền trừng phạt là những dị biêt chính yếu. Những nguyên tắc căn bản của hình luật như pháp căn của tội phạm và hình phạt đều có uy lực quyết tụng; còn về thời hiệu của tố quyền công tố ở Việt Nam ta không được áp dụng. Sự đại xá không thể áp dụng cho sự trừng phạt kỷ luật được. Đôi khi người ta cũng thấy có vài sự tương đồng giữa hai quyền trừng phạt về chế tài và về cơ quan tài phán làm cho sự phân biệt hai quyền ấy có phần khó hăn. Khi gặp trường hợp ấy để dễ phân biệt thì người ta cần pah3i chú ý xem những chức quyền nào đã ban bố quy tắc bị vi phạm, hình phạt được tuyên phán nhân danh chức quyền nào và cơ quan nào đã quyết định hình phạt đó. Vì nhiều hình phạt như tiền giống tiển phạt vạ dân sự được dự liệu trong sự điều chỉnh hộ tịch như giá thú, khai sinh, khai tử … thật ra chỉ có tính chất hình phạt về kỷ luật. Trái lại thì hình luật hàm súc quyền của quốc gia trừng phạt những hành động có thể gây thiệt hại cho xã hội. Tóm lại, sự can thiệp của hình luật chỉ được biện minh khi có sự rối loạn trật tự xã hội, có sự thiệt hại cho xã hội. Hình luật chỉ can thiệp một cách hợp pháp khi nào có hành động gây rối loạn cho xã hội. Do đó người ta có thể phân biệt sự trừng phạt về hình luật với sự trừng phạt về thuế vụ cũng như sự trừng phạt về chính trị.
* Sự trừng phạt về thuế vụ có mục đích bồi tổn sự thiệt hại đã gây ra cho công quỹ. Sự trừng phạt về thuế vụ gồm những chế tài riêng biệt; tiền thuế gia tăng, sự hiệu, thất quyền các hình phạt lei6n quan đến đặc quyền của quốc gia, đến thuế trực thu, gián thu, thuế trước bạ và thuế quan … Phạm vi của hình luật rộng mở nên căn bản của nó có một vài biến đổi. Những vi phạm thuế vụ thuộc một chế độ đặc biệt khác luật thông thường. Phạm nhân có thể điều đình với cơ quan truy tố ngay cả sau khi án văn kết thúc y sự sự điều đình với chủ nợ trong mọi vụ tranh tụng giữa hai quyền lợi tư. Đặc điểm này trái với nguyên tắc của hình luật: Tội phạm không được điều đình với công tố viện, các công viên này chỉ có quyền công tố mà thôi.
* Trừng phạt về chính trị có mục đích bồi tổn thiệt hại đã gây ra cho chế độ chính thể một quốc gia. Sự trừng phạt về chính trị được thực hiện trong khung cảnh hình luật với sự biến đổi. Những tội nhân chính trị được hưởng một chế độ khoan dung hơn chế độ thông thường trong việc áp dụng sự thi hành hình phạt, áp dụng dẫn độ, sự huyền án (án treo) và sự câu thúc thân thể. Những vi phạm áp dụng chế độ khoan hồng đó dần dần bị thu hẹp lại. Người ta nhận thấy nhiều tội phạm xưa kia được hình luật thực tại cảu nhiều nước coi là tội phạm chính trị thì ngày nay được xét xử nhưng những thường tội.
III. HÌNH LUẬT VÀ CÁC NGÀNH KHÁC CỦA LUẬT HỌC
A) DÂN LUẬT VÀ HÌNH LUẬT
Luật là toàn thể các quy tắc chi phối sự giao thiệp giữa các cá nhân với nhau hay vói cách khác là chi phối những quyền lợi và những nghĩa vụ phát sinh ở các cuộc giao thiệp ấy. Sự phân loại luật pháp tùy thuộc vào quan điểm của nhà khảo cứu. Sự phân loại giản dị nhất là căn cứ vào bản chất của sự giao thiệp, tùy theo hoàn cảnh là Công hay tư của các sự giao thiệp, giữa các tư nhân với nhau hay với công quyền, chúng ta có thể phân biệt luật pháp ra công pháp hay tư pháp.
Tư pháp hay dân luật qui định sự giao thiệp giữa những người dân trong một nước, cũng như ngoại kiều sinh sống trên lãnh thổ quốc gia. Trong thời đại xưa, khi nền văn mình chưa xuất hiện, về một phương diện nào đó, người ta có thể có thể cho rằng dân luật đã thôn tính hình luật hay đúng hơn Dân luật và Hình luật hỗn hợp. Những tội phạm do người gây ra được coi là việc riêng không liên hệ gì tới những bộ lạc hay nhà cầm quyền. Chỉ có các gia đình, những người trong cuộc, các đương sự mới dự vào cuộc thanh toán lẫn nhau bằng chiến tranh, trả thù bằng khí giới và kết thúc bằng sự phạt vạ mà bên này phải trả cho bên kia sau một cuộc điều đình. Sự điều đình phải được tôn trọng và thi hành một cách ngay tình, triệt để những khế ước về quyền sở hữu. Sự bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra có tính cách một hình phạt, có tính cách một sự bồi thường. Do đó quan niệm công lý bồi tổn và công lý trừng phạt cùng có mục đích chung là bảo vệ quyền lợi tư và đồng thời bảo vệ quyền lợi công của xã hội. Nhưng lần lần hình luật tách khỏi dân luật. Người ta hiểu rằng khi có sự phạm pháp làm tổn hại đến quyền lợi cá nhân, quyền trừng phạt không thuộc về nạn nhân mà thuộc về xã hội. Đành rằng khi bị tấn công, xúc phạm, mọi người đều có quyền tự vệ để đề phòng những sự thiệt hại đang đe dọa. Đó là quyền phòng vệ chính đáng. Nhưng khi tội phạm đã thành tựu rồi thì nạn nhân không có quyền trừng phạt, nếu nạn nhân nhất quyết tự đứng ra trừng trị can phạm thì đó chỉ là môt sự trả thù chứ không phải là một hình phạt nữa, mặc dù chúng ta đã thấy dân luật thừa nhận cho những nạn nhân quyền đòi bồi thường thiệt hại trước công lý. Quyền này cùng chung một nguồn gốc với sự phạm pháp nên thuộc phạm vi của hình luật và được quốc gia che chở một cách đặc biệt. Thật vậy, sự trừng phạt và sự bồi thường thiệt hại không thể tách riêng ra được vì cả hai đều là yếu tố tương quan của phản ứng xã hội. Đã lâu người ta không nhận thấy mối tương quan này, nay là lúc phải trả lại cho nạn nhân phần ảnh hưởng riêng trong sự trừng phạt. Vì vậy cho nạn nhân mọi sự dễ dàng trước công lý với sự bảo đảm để y có thể đòi bồi thường thiệt hại do sự phạm pháp gây ra. Cũng vì lẽ đó mà bộ hình sự tố tụng đã đặt ra những mối liên hệ giữa quyền công tố và quyền tư tố.
B) HÌNH LUẬT VÀ CÔNG PHÁP: Về công pháp có hai phân lại:
_ Công pháp quốc nội:
– Công pháp quốc ngoại.
I. Công pháp quốc nội qui định sự tổ chức công quyền và sự giao thiệp giữa các cá nhân với công quyền ấy. Mỗi việc phạm pháp đều gây sự liên hệ pháp lý giữa can phạm bị truy tố, xét xử, trừng trị và uy quyền xã hội giữ việc truy tố, xét xử và trừng trị. Hình luật thuộc công pháp quốc nội về hai phương diện:
a) Sự phạm pháp đòi hỏi sự trừng phạt, không phải chỉ vì quyền lợi riêng của nạn nhân mà chính vì quyền lợi chung của xã hội. Kẻ nào vi phạm tới quyền lợi cá nhân được hình luật che chở là đương nhiên xung đột với quốc gia, với chính quyền. Chính quyền là các cơ quan trông coi việc thi hành pháp luật.
b) Quốc gia giữ nhiệm vụ điều hành tài phán hình sự. Chính nhân danh quốc gia mà can phạm bị truy tố, bị xét xử và bị hình phạt. Chính nhân danh quốc gia mà hình phạt đã tuyên xử được và phải thi hành. Công pháp quốc nội được chia làm ba phân loại: Luật hình, Luật Hành chánh và Luật HIến pháp:
b1) Luật Hình và Luât Hành chính: Luật hành chính tổ chức các cơ quan với mục đích chính là bảo vệ, duy trì trật tự, an ninh và vệ sinh chung. Vì vậy luật hành chính phải trù liệu những biện pháp phòng ngừa sự phạm pháp. Với biện pháp phòng ngừa có hiệu quả thì khỏi có sự can thiệp của hình luật. Trong các biện pháp ấy, chúng ta có thể kể các tổ chức cảnh sát hành chính và tư pháp để giữ an ninh, thực hành điều tra, sưu tầm tài liệu; các tổ chức cải huấn can phạm, cải huấn thiếu nhi, các tổ chức bài trừ tậ xấu của xã hội như mãi dâm, cờ bạc…Một đằng khác, để bảo vệ sự tổ chức, sự điều hành các cơ quan, luật hành chính lại giao cho hình luât nhiệm vụ trừng phạt những sự vi phạm. Luật hình có phận sự bảo vệ tài vật của quốc gia, trừng trị các sự xâm phạm vào công sản công dụng, vào ngân sách, công quỹ. Luật hình lại cũng có phận sự bảo vệ công vụ và nền hành chính bằng cách trừng phạt tội bội phản của người công chức đối với công vụ cũng như trừng phạt những kẻ phá hoại công vụ và nền hành chính hầu tạo những điều kiện cần thiết để người công chức có thể thực hành nhiệm vụ một cách hữu hiệu. Do đấy chúng ta nhận xét mối tương quan giữa luật hành chánh và hình luật rất mật thiết và quan trọng.
b2) Hình luật và luật hiến pháp: Luật Hiến pháp định những nguyên tắc chính yếu chi phối các cơ cấu và đời sống của quốc gia. Các quy tắc của HIến pháp thường được chế tài về hình sự, hay nói khác đi, sự cụ thể hóa trong chế độ hình sự. Những hiến pháp tân tiến chấp nhận nguyên tắc phân nhiệm giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp; bảo đảm cho công dân các quyền chính yếu về chính trị, kinh tế, xã hội quyền tự do của con người, quyền tư hữu …Để thực hiện những mục tiêu đó, nhà lập pháp cụ thể hóa những nguyên tắc của Hiến pháp trong những đạo luật hình riêng biệt hay trong bộ hình luật bằng những điều khoản trừng trị chẳng hạn các nhân viên hành chánh xen lấn vào quyền lập pháp, vào quyền tư pháp, trừng trị các tội về bầu cử, trừng trị các tội xâm phạm đến thân thể, tài sản của người khác. Lịch sự cận đại còn chứng minh ảnh hưởng quan trọng và sâu xa hơn nữa của Hiến pháp đối với hình luật. Trước đệ nhị thế chiến, các quốc gia Tây phương thay đổi chế độ chính trị. Tại Nga, chế độ cộng sản thay thế quân chủ; tại Ý, Đức, Tây Ban Nha, chế độ dân chủ tự do hay tương đối tự do phải nhường bước cho chế độ độc tài. Sự thay đổi chế độ chính trị lôi cuốn theo sự thay đổi tất nhiên của luật pháp quốc gia, chính yếu là Hình luật. Nga sô viết cho hành hai bộ Hình luật vào năm 1922, 1926, trong đó hướng chính là nguyên tắc đấu tranh giai cấp. Đạo luật Liên bang ngày 31-10-1924 chấp nhận sự đấu tranh giai cấp ấy làm căn bản do đấy đặt các nguyên tắc tất yếu của chế độ hình sự các nước của Liên bang Nga sô. Tại nước Ý, dưới chế độ phát xít của Mussolini thiên về độc tài chính trị, bộ Hình luật được ban hành ngày 1-1-1931, rất khắc nghiệt đối với các tội phạm và tội nhân chính trị. Ở Tây Ban Nha một bộ luật tương tự cũng được ban hành ngày 8-9-1928. Ở nước Đức, dưới thời Hitler mà chủ nghĩa Quốc xã đang bành trướng, một luật hình được soạn thảo, đó là dự thảo hình luật quốc xã, có tính cách độc đoán, kỳ thị chủng tộc, rất khắc nghiệt, dự liệu sự trừng phạt cả ý định phạm pháp, mặc dù chưa có sự thực hành.
II. Công pháp quốc tế: Công pháp quốc tế chi phối những sự giao thiệp giữa các quốc gia với nhau, trong thời bình cũng như trong thời chiến tranh, trước cũng như sau đệ nhị thế chiến, các mối liên hệ giữa phần đông các quốc gia ngày càng trở nên mật thiết về mọi phương diện, chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự. Sự bang giao quốc tế gia tăng một phần nữa vì có sự mở mang và dễ dàng giao thông giữa các quốc gia với các phương tiện tối tân. Cuộc giao tranh giữa các quốc gia, các dân tộc càng bành trướng bao nhiêu thì nền công pháp quốc tế chi phối các cuộc giao thiệp ấy càng tiến triển bấy nhiêu. Tuy nhiên, ngành luật này chưa đầy đủ vì còn thiếu những cơ quan tài phán, những thủ tục tố tụng và những chế tài. Vì những thiếu sót đó mà hình luật không thuộc công pháp quốc tế. Thật ra, theo lý thuyết thì giữa các quốc gia cũng như giữa các tư nhân, trong các cuộc giao thiệp, nếu có quyền lợi phải có nghĩa vụ; nếu những nghãi vụ đó bị xâm phạm thì sự xâm phạm này phải bị trừng phạt. Trong thực tế, có những trọng tội quốc tế. Và theo lẽ đương nhiên, các trọng tội cần phải bị trừng trị.
Các nghãi vụ giữa các quốc gia có thể bắt nguồn ở sự thỏa thuận tổng quát và mặc nhiên giữa các dân tộc hay ở những hòa ước, hiệp định được ký kết giữa các quốc gia. Các nghĩa vụ ấy là đối tượng của công pháp quốc tế. Mặc dù vậy, những nghãi vụ đó cũng không thể bị chế tài bằng hình phạt mà quốc gia vi phạm phải chịu vì không có bộ Hình luật quốc tế thực tại nào chi phối sự thi hành nghĩa vụ giữa các quốc gia. Chỉ có một uy quyền tột đỉnh đứng trên các quốc gia mới có thể dự liệu các hình phạt cho các vi phạm nghĩa vụ quốc tế. Hiện nay trong lĩnh vực công pháp quốc tế, chưa có uy quyền cao cấpđó, nên cũng chưa có bộ hình luật quốc tế.
_ Chế tài của các quyền lợi quốc tế chỉ là chiến tranh giữa các dân tộc. Trong sự giao thiệp giữa các cá nhân, nguyên tắc căn bản trong một xã hội văn minh là không ai có quyền tự mình xử cho mình, vì làm như vậy là trả tư thù, quán tập của những xã hội cổ sơ. Ngược lại, trong sự giao thiệp quốc tế, các quốc gia giữ vai trò xử án, mỗi khi có sự vi phạm trần trọng quyền lợi giữa họ với nhau, vì giữa nước áp bức và nước bị áp bức, không có một uy quyền tột bực nào có thể dùng uy lực để bảo vệ trật tự quốc tế. Luật pháp thực tại không có sự cưỡng bách. Thei16u sự cưỡng bách thì nghĩa vụ chỉ là lời khuyến cáo vô hiệu quả.
_ Lịch sử còn chưa phai mờ những cuộc tàn sát giữa cac quốc gia, chiếm đoạt lãnh thổ, tàn phá tài sản, sinh mạng. Gần đây, hành động tàn bạo của Hitler, hồi đệ nhị thế chiến đã làm rúng động thế giới, gây tang tóc cho biết bao dân tộc. Chính sách quốc xã là thâu đoạt các nước lân cận Tây Âu, tận diệt dân tộc Do Thái. Những hành động dã man không đáng bị trừng phạt hay sao?
_ Vì các tội trạng quan trọng này mà một số luật gia nghĩ nên có một bộ luật hình sự quốc tế, theo đó, chính phủ nào hành động phá rối trật tự quốc tế thì phải chịu những hình phạt mà cá nhân phạm pháp phải chịu. Ý tưởng này đã thành hình một phần nào trong việc thiết lập tòa án Nuremberg vào cuối năm 1946, để xử các tội phạm chiến tranh. Áp dụng hiệp ước Londres ngày 8-8-1945, Tòa án Nuremberg đã xét xử chính quyền Đức Quốc xã về bốn tội: Tội gây chiến tranh xâm lược; tội đối với hòa bịnh; tội phạm luật chiến tranh và tội diệt chủng (diệt Do Thái – Genocide) và lên tới 12 án tử hình cùng một số án giam khác.
Thật ra, sự thực hiện một bộ luật Hình sự quốc tế còn trong thời kỳ phôi thai. Tòa án Nuremberg chỉ là một cơ quan tạm thời, hay đúng hơn, là một tòa án chiến tranh của các nước đồng minh chiến thắng buộc kẻ chiến bại phải đền tội. Tòa án ấy chưa phải là cơ quan tài phán hình sự theo đúng nguyên tắc pháp lý thông thường và thủ tục áp dụng trước tòa cũng chỉ là một thủ tục tạm thời đặt ra để cho tòa án ấy có thể hoạt động cấp thời được. Theo tình thế hiện tại thì chưa có thể nói đến một bộ Hình luật quốc tế vì chưa có quốc gia nào chịu từ bỏ chủ quyền của mình để nhìn nhận quyền tối hậu của một cơ quan siêu quốc gia. Nhưng dù sao, với sự thí nghiệm của tòa án Nuremberg, ta thấy đã manh nha thành lập một nền công lý quốc tế. Trong thực tế và trong sách hình luật, người ta có khi đề cập đến hình luật quốc tế. Danh từ bị dùng một cách sai lầm. Sự thật thì danh từ hình luật quốc tế chỉ nhằm vào sự áp dụng hình luật quốc gai trên lãnh thổ quốc gia cho những sự phạm pháp đã xảy ra ở ngoại quốc một khi can nhân về lãnh thổ quốc gia, hoặc can nhân có quốc tịch ngoại quốc cư trú trên lãnh thổ quốc gia. Vậy nội dung của hình luật quốc tế này chỉ gồm có:
1. Vấn đề truy tố trên lãnh thổ quốc gia những tội đã phạm ở ngoại quốc;
2. Vấn đề truy tố trên lãnh thổ quốc gia những ngoại kiều phạm tội;
3. Vấn đề dẫn độ;
4. Vấn đề trợ giúp hình sự giữa các quốc gia như việc hỏi cung, trao dổi tin tức, tư pháp lý lịch v.v…
5. Vấn đề truy tố các tội phạm mệnh danh là quốc tế là được chuẩn bị hoặc đã được bắt đầu thi hành trên lãnh thổ quốc gia, rồi tiếp tục và hoàn tất trên lãnh thổ quốc gia khác.
Trong hiện trạng, tất cả mối liên quan giữa hình luật và công pháp quốc tế mới được thực hiện đến mức độ này./.
Bình luận