Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

3. Xử Kẻ Vô Ơn

XỬ KẺ VÔ ƠN

Một người làng chài lương thiện, thật thà, làm ăn trên một khúc sông kia. Về mùa lũ, nước sông đổ về cuồn cuộn. Một lần ngồi trên thuyền, anh ta nghe tiếng kêu cứu rất khẩn cấp. Anh vội chèo thuyền đến nơi thì thấy một người đang sắp chết đuối, vạn phần nguy cấp. Anh ta vội vàng thò cây sào xuống cho người bị nạn bám lấy leo lên thuyền. Song do hấp tấp, đầu bịt sắt của cây sào đâm vào mắt người bị nạn. Cái sống, cái chết gần kề nên người bị nạn chịu đau, cố trèo lên thuyền. Sau khi được sưởi ấm, thay quần áo khô và băng bó vết thương cẩn thận, người ấy hồi phục. Song hắn ta lại đổi ân thành oán, bắt đền con mắt bị thương kia. Anh làng chài lúng túng không biết xử trí ra sao. Người bị nạn liền đâm đơn đi kiện.

Gặp vụ kiện, quan huyện cũng rất đau đầu. Đứng về lý thì anh thuyền chài chọc thủng mắt anh kia. Người bị nạn lại không biết điều, không nhớ ơn người cứu mạng mình nên không thể phân giải bằng tình được. Hắn lại đòi, nếu không bồi thường được con mắt thì anh làng chài phải đi ở suốt đời cho hắn, bởi vì hắn không thể làm lụng được nếu không có con mắt.

Quan suy nghĩ mãi, đọc các sách để tra cứu cách xử tốt nhất, dạy cho kẻ vô ơn một bài học nhớ đời. Cuối cùng, quan tìm được một cách. Tại công đường, quan hỏi anh làng chài:
– Sao anh lại làm bị thương con mắt của hắn?
Người làng chài lúng túng chưa kịp trả lời thì tên kia đã nhanh nhảu cướp lời:
– Tôi đang ở dưới nước, nó lấy sào đâm xuống làm con mắt của tôi bị hỏng.
Quan hỏi tên bị hỏng mắt:
– Sao bảo lúc đó anh sắp chết đuối giữa dòng?
– Không phải! Lúc ấy tôi ở giữa dòng nước chứ không phải sắp chết đuối.
Quan bảo người làng chài:
– Vì anh làm mắt của hắn bị thương, vậy anh phải làm lại sao cho con mắt của hắn phải lành như cũ.
Quan lại hỏi người kia:
– Lúc anh chìm dưới nước, mắt đã bị thương chưa?
– Còn tốt nguyên!
Bấy giờ quan mới phán:
– Vậy thì, thầy Đội! Thầy hãy cho lính quẳng tên này xuống chỗ hắn sắp chìm để anh làng chài tìm cách chữa cho hắn. Nếu không chữa được ta sẽ bắt tội anh làng chài.

Thấy thái độ quan kiên quyết, anh chột mắt sợ quá, nếu bị ném vào dòng nước ấy thì còn gì nữa mà chữa nên xin rút đơn.
Quan sai lính đánh cho ba chục roi về tội vô ơn.

LỜI BÀN CỦA NĂM LÚA:
Theo triết gia Aristote thì “Lòng biết ơn là đức tính khởi đầu của mọi đức tính”. Nhờ có lòng biết ơn mà trong gia đình có sự hiếu đễ, thuận hòa; trong xã hội có sự tận trung báo quốc, giữa con người có lòng tín nghĩa thủy chung, rộng hơn nữa, là tình đồng bào đồng loại, đòi hỏi sự cảm thông chia sẻ. Thế nhưng, có lắm kẻ không học được bài học khởi đầu là lòng biết ơn nên mới có hiện tượng “ăn cháo đá bát”, quên nghĩa đồng bào, bè bạn đã cưu mang, cứu sống mình trong lúc hoạn nạn, hiểm nguy. Khi đã thoát hỏi hoạn nạn, lại ỷ thế cậy quyền, lại lấy ân làm oán như tên vô ơn kia. 
May thay có vị quan thông minh, biết phân xử lý lẽ rạch ròi để trừng trị kẻ vô ơn, đồng thời, cũng là bài học cảnh tỉnh cho ngày nay.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar