Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

30. Các hợp ước về trách nhiệm

CÁC HỢP ƯỚC VỀ TRÁCH NHIỆM 

Phạm vi trách nhiệm dân sự mỗi ngày một mở rộng. Đồng thời, những người gây ra sự tổn hại cũng tìm cách làm giảm bớt trách nhiệm của họ. Để đạt được mục đích ấy, họ có thể ký những khế ước bảo hiểm với một công ty bảo hiểm để công ty này thay thế họ bồi thường cho nạn nhân. Họ cũng có thể thương lượng với người đối ước để ước định rằng sự bồi thường sẽ được hạn chế tới một mức nào hoặc không được đề cập tới, nếu xảy ra sự tổn hại. Theo nghĩa rộng, cả hai loại khế ước này đều là những hợp ước về trách nhiệm (conventions de responsabilité: thỏa thuận về trách nhiệm pháp lý). Nhưng theo nghĩa hẹp, danh từ hợp ước trách nhiệm chỉ áp dụng cho loại khế ước thứ hai nhằm mục đích hạn chế hoặc hủy bỏ trách nhiệm; còn các khế ước bảo hiểm thường được chỉ định dưới danh từ riêng biệt của nó (tức là khế ước bảo hiểm). Tuy hai loại khế ước trên đều có mục đích miễn cho người gây ra sự tổn thất khòi phải bồi thường một phần hay toàn bộ sự tổn hại ấy, nhưng kỹ thuật thì khác hẳn. Trong khế ước bảo hiểm, quyền lợi của nạn nhân được tăng thêm, vì nạn nhân có thể đòi bồi thường đối với công ty bảo hiểm cũng như đối với người gây ra tai nạn. Trái lại, trong các hợp ước về trách nhiệm, quyền bồi thường của nạn nhân bị suy giảm và nhiều khi còn bị tiêu diệt nữa. Về mặt xã hội, khế ước bảo hiểm đưa tới xã hội hóa gánh nặng rủi ro, vì tiền bồi thường do công ty bảo hiểm phải trả vốn trích từ các số tiền góp của những người đóng bảo hiểm trong xã hội. Trái lại, trong các hợp ước trách nhiệm, sự tổn hại vì không được bồi thường nên do nạn nhân phải gánh lấy. Ngoài ra, nạn nhân có thể sử dụng tố quyền trực tiếp để đòi hãng bảo hiểm bồi thường cho mình. Nhờ tố quyền này, ngay sau khi xảy ra sự thiệt hại, nạn nhân sẽ trở thành sở hữu chủ của số tiền bồi thường do khế ước bảo hiểm ấn định. Công ty bảo hiểm không thể đối kháng với nạn nhân những nguyên nhân vô hiệu của khế ước, như trong trường hợp người đứng bảo hiểm không chịu nộp tiền góp cho công ty bảo hiểm. Vì các lẽ này, nhà làm luật đối với các khế ước bảo hiểm, có một thái độ rất khoan đại và đã qui định minh bạch khế ước đó. Ở Pháp, khế ước bảo hiểm được quy định trong đạo luật ngày 13-7-1930. Theo quy định của Luật Bảo hiểm, có thể bảo hiểm cả những quá thất trọng đại; chỉ riêng những quá thât cố ý mới không được bảo hiểm được mà thôi. Ở các nước tân tiến Âu – Mỹ, người ta còn nhận thấy một xu hướng mở rộng phạm vi khế ước bảo hiểm để đi đến chỗ thừa nhận tính cách bắt buộc của sự bảo hiểm trong nhiều địa hạt, thí dụ: Muốn được cấp giấy phép đi săn, giấy phép tổ chức những cuộc biểu diễn thể thao hay giấy phép cầm lái xe hơi hoặc hành nghề chuyên chở công cộng, các đương sự phải mua bảo hiểm cho những tai nạn có thể xảy ra do hành động của ho. Vì có phạm vi rất rộng rãi và một sự qui định rất phức tạp, các khế ước bảo hiểm cần được nghiên cứu riêng. Trong ngành tư pháp, các khế ước bảo hiểm đã thành đối tượng cho một môn học riêng biệt gọi là luật bảo hiểm (droit des assurances). Vì vậy, trong chương này, chỉ bàn về các hợp ước trách nhiệm đích danh mà thôi. Các hợp ước này rất thông thường trong lĩnh vực trách nhiệm khế ước. Các đương sự có thể tự do ước định với nhau nội dung nghĩa vụ của họ, cũng như ước định hạn mức trách nhiệm của họ khi không thi hành nghĩa vụ ấy. Trong lĩnh vực trách nhiệm dân sự phạm, các hợp ước về trách nhiệm hiếm hơn, vì người gây ra tai nạn không thể biết trước được nạn nhân của mình là ai thì không thể ký kết với họ được những hợp ước trách nhiệm. Tuy nhiên, những hiệp ước đó không phải không có hẳn. Trong một số trường hợp, cũng có thể biết trước được nạn nhân hay người phải chịu sự tổn hại trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm, thí dụ chủ nhân của một nhà máy có thể ký kết với các người láng giềng một hiệp ước hạn định trách nhiệm dân sự phạm của mình do khói nhà máy tỏa sang lân bang. Khế ước này cũng có thể do một người chủ trại trâu bò, ký kết với một chủ ruộng bên cạnh để ấn định mức bồi thường thiệt hại nếu như có thiệt hại do trâu bò gây ra. Các hợp ước trách nhiệm có thể có hai hình thức. Các hợp ước ấy có thể miễn toàn thể hay một phần trách nhiệm cho người gây ra tai nạn. Các hợp ước ấy cũng có thể có hình thức khác, ấn định một cách bao khoán số tiền phải bồi thường cho nạn nhân. Đây là các trường hợp ước khoán dự phạt (clauses pénales: điều khoản dự phạt).

I. Các hợp ước miễn toàn thể hay một phần trách nhiệm: Các hợp ước này, trong thực tế, thường được ký kết trong rất nhiều trường hợp. Xét cho kỹ, các hợp ước đó có nhều điều  hữu ích song cũng có nhiều sự bất lợi. Để bênh vực các hợp ước đó, có thể nói rằng, nhờ những hợp ước này, trách nhiệm dân sự không quá nặng nề đối với những nhà doanh nghiệp, nhất là trong những nghề nghiệp có nhiều sự rủi ro như nghề hàng không trước đâymấy chục năm chẳng hạn. Ngoài ra, vì trách nhiệm được thu hẹp lại, nên giá cả cũng không quá đặt cho công chúng. Song các hợp ước đó cũng có nhiều khía cạnh bất tiện. Vì thu hẹp trách nhiệm lại, khiến cho các doanh nghiệp nhiều khi cẩu thả. Mặt khác, nạn nhân phải gánh chịu một phần hoặc toàn bộ thiệt hại. Hơn nữa, trong những khế ước gia nhập, nạn nhân phải ưng thuận các hợp ước trách nhiệm này, không thể từ chối hoặc thương lượng điều nào cả. Vì những lý do trên, ở Âu Mỹ, thái độ của nhà làm luật đối với loại khế ước này thay đổi tùy trường hợp. Đồi với những doanh nghiệp, ngành nghề, cần đến sự sáng tạo và tính mạo hiểm như ngành hàng không, nhà lập pháp thường công nhận các loại khế ước này; Trái lại, đối với các loại khế ước gia nhập, nhà lập pháp thường tỏ ra nghiêm khắc hơn khi trách nhiệm bị hạn chế hay hủy bỏ. Về các hợp ước hạn chế trách nhiệm, chúng ta xét hai điểm:
I.1: Sự hữu hiệu của các hợp ước hạn chế trách nhiệm: Về vấn đề hữu hiệu của các hợp ước hạn chế trách nhiệm, án lệ đã có hai thái độ khác nhau, tùy theo vấn đề được nêu ra trong lĩnh vực trách nhiệm khế ước hay trách nhiệm dân sự phạm.
A. Đối với các hợp ước hạn chế trách nhiệm khế ước, án lệ có một thái độ rất rộng rãi và thường công nhận sự hữu hiệu của các hợp ước ấy. Giải pháp này rất dễ hiểu vì các người kết ước, trên nguyên tắc, được hoàn toàn tự do ước định những nội dung các nghĩa vụ của họ cũng như trách nhiệm của họ khi các nghĩa vụ đó không được thi hành. Tuy nhiên, nguyên tắc này có ba trừ lệ: a) Trừ lệ liên hệ đến quá thất cố ý và trọng đại; b) Trừ lệ liên hệ đến các sự tổn hại về người; c) Trừ lệ liên hệ đến sự chuyên chở hàng hóa.
a) Trừ lệ liên hệ đến quá thất cố ý hay trọng đại: Mặc dù trên nguyên tắc các người kết ước được tự do ước định mức hạn trách nhiệm của họ trong trường hợp họ không thi hành nghĩa vụ, nguyên tắc này không được áp dụng đối với các quá thất cố ý. Nói khác đi, khi m ột người kết ước cố ý không thi hành nghĩa vụ của mình, họ không có quyền nại các hợp ước hạn chế trách nhiệm và họ phải bồi thường toàn thể sự tổn hại do sự bất thi hành khế ước gây nên. Chấp nhận giải pháp khác, tức là thừa nhận những nghĩa vụ thuần nhiệm ý (obligations purement potestatives: nghĩa vụ thuần túy có hiệu lực), nghĩa là, đi ngược lại một nguyên tắc căn bản trong Dân Luật mà ta sẽ co dịp bàn tới khi nghiên cứu về các điều kiện của nghĩa vụ. Án lệ cũng đồng hóa quá thất trọng đại với quá thất cố ý. Vẫn biết rằng quá thất trọng đại không có tính cách cố ý, và do đó lập luận trên không còn giá trị nữa. Tuy nhiên, nếu không có sự đồng hóa ấy, những người cố ý không thi hành khế ước sẽ có thể viện được cớ là vì họ ngu si nên đã làm một quá thất trọng đại như vậy, chứ họ không cố ý bất thi hành khế ước. Vì vậy án lê của Pháp luôn luôn đồng hóa hai trường hợp quá thất trọng đại và quá thất cố ý (Civ. 15.3.1876. S. 1876.1.337; Req, 27.11.1934. D.H. 1935.51) Trong lĩnh vực này, án lệ còn đồng hóa quá thất cố ý hay trọng đại của người thụ phái (préposé: tiếp viên) với quá thất cố ý hay trọng đại của người ủy phái (commettant). Trong bản án 4.4.1933 (Gaz. Pal. 1933.2.83), Tòa Phá án Pháp đã xử rằng các hợp ước hạn chế trách nhiệm không thể áp dụng đươc nếu người thụ phái đã can phạm một quá thất trong đại. Tuy nhiên, giải pháp hữu lý này, một đôi khi cũng bị Tòa Phá án phủ nhận (Civ. 15.10.1940. S. 1941.1.60).
b) Trừ lệ về sự tổn hại về người: Đối với sự tổn hại về người, các hợp ước hạn chế trách nhiệm không thể thi hành được, vì con người không có tính cách thương mại và không thể xử phân được cho nên tất cả các hợp ước về những tổn hại đối với con người phải bị coi là vô hiệu. Do đó, các hợp ước hạn chế hay hủy bỏ trách nhiệm khi một có một sự tổn hại xảy đến cho con người, cũng không có hiệu lực. Các tổn hại xảy đến cho con người phải được hiểu theo một cách rộng rãi và bao gồm các sự tổn hại tinh thần cũng như những sự xâm phạm vào nhân quyền. Thí dụ: Một bác sĩ không thể ước định với con bệnh là sẽ không chịu trách nhiệm về những sự quá thất trong khi giải phẩu, hoặc một hội thể thao không thể ước định với các hội viên rằng họ không chịu trách nhiệm ề những tai nạn xảy ra trong khi tập thể dục. Trong vận chuyển quốc tế bằng đường hàng không, Hiệp ước Varsovie ký ngày 12-10-1929, điều 22, định rằng trách nhiệm của người chuyên chở đối với mội hành khách hạn chế là 250.000 Fr, mỗi quan được định nghĩa là một đơn vị tiền tệ có 65mgr,5 vàng (kim sắc 0,900). Hiệp ước Varsovie sau khi đã hạn chế trách nhiệm chuyên chở như vậy, quy định trong điều 23 rằng, tất cả các điều khoản nào nhằm mục đích định trách nhiệm của người chuyên chở dưới mức đó đều vô hiệu. Nên nhớ rằng, hiệp ước Varsovie đa được Việt Nam Công Hòa gia nhập ngày 29-9-1958 và có hiệu lực đối với Việt Nam Cộng Hòa ba tháng sau, nghĩa là, kể từ ngày 29-12-58.
c) Trừ lệ về các sự chuyên chở hàng hóa: Đối với vận chuyển hàng hóa, nhà làm luật tại Pháp, trong đạo luật ngày 7-3-1905, thường gọi là Luật Rabier (Tên người đề xướng ra dự án luật đó) đã thêm vào điều 103 của Luật Thương mại một đoạn quy định rằng, người chuyên chở hàng hóa trên lục địa không thể ước định rằng họ không chịu trách nhiệm về các sự tổn thất xảy ra cho hàng hóa trong lúc chuyên chở. Tuy nhiên, án lệ của Pháp chỉ không thừa nhận các hợp ước hoàn toàn phủ nhận trách nhiệm; Đối với hợp ước chỉ hạn chế trách nhiệm ấy tới một nào nếu mức ấy không quá tối thiểu để có thể coi là một sự tiêu hủy trách nhiệm, thì Tòa án vẫn thừa nhận sự hữu hiệu (Civ. 21-11-1950 Gaz. Pal. 1951 – 1 – 69). Ở Pháp, đối với các sự chuyên chở hàng hóa bằng đường bể, bất luận có tính cách quốc nội hay có tính cách quốc tế, trách nhiệm của người chuyên chở cũng do luật pháp hạn chế. Tất cả các điều khoản khế ước nhằm mục đích giảm bớt trách nhiệm đó đều vô hiệu.
B. Đối với các hợp ước hạn chế trách nhiệm trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm hay chuẩn dân sự phạm, án lệ thường coi là vô hiệu. Các tòa án thường viện lẽ rằng, các điều khoản trong luật quy định trách nhiệm dân sự phạm có tính cách liên hệ đến trật tự công cộng vì vậy các hợp ước trên không thể thừa nhận được (Civ. 17-2-1955 D. 1956.17, Note P.Esmein). Sự thực, lập luận này không được xác đáng. Chúng ta đã biết rằng, tính cách liên hệ đến trật tự công cộng của các điều khoản nói trên, trên nguyên tắc, không ngăn cản người gây ra thiệt hại được thương lượng với nạn nhân về vấn đề bồi thường. Thí dụ: Chủ nhân của nhà máy có thể thương lượng định khoản bồi thường với các người lân bang vì khói nhà máy tỏa sang ruộng đất củ những người này. Tuy nhiên, nếu các hợp ước hạn chế trách nhiệm dân sự phạm, về phương diện nguyên tắc, không gặp trở ngại, thì các hợp ước ấy cũng vô giá trị trong trường hợp quá thất cố ý hay trọng đại và trường hợp tổ nhại về người, như trong địa hạt trách nhiệm khế ước. Chính vì các hợp ước hạn chế trách nhiệm dều không có giá trị khi xảy ra sự tổn hại về người, cho nên, một người chủ xe, nhận cho người khác quá giang, như chúng ta đã rõ, không thể ước định với người quá giang rằng, sẽ không chịu bồi thường về các tai nạn có thể xảy đến.
I.2: Hiệu lực của các hợp ước hạn chế trách nhiệm toàn phần hay một phần: Trong án lệ của Pháp, có thể phân biệt hai giai đoạn rõ rệt. Trong giai đoạn đầu tiên, các tòa án của Pháp không công nhận cho các hợp ước này hiệu lực hủy bỏ toàn phần hay một phần trách nhiệm, mà chỉ coi rằng các hợp ước ấy có hiệu lực đảo lộn gánh nặng dẫn chứng. Nói khác đi, khi một khế ước không được thi hành, theo thông lệ thì người trái chủ không phải dẫn chứng sự quá thất của người phụ trái trong việc đòi bồi thường; nhưng khi có những hợp ước hạn chế trách nhiệm, người trái chủ nói trên phải dẫn chứng được quá thất của người phụ trái (Civ. 9.11.1915. S. 1921. 1.2, chú thích Hugueney). Quan điểm này cũng được Tòa Thượng thẩm Hà Nội chấp nhận trong bản án ngày 20-7-1951 (PL. 1951. III. 57). Trong vụ này, Tòa Thượng thẩm Hà nội xử rằng: ‘Trong một khế ước mua hàng, hai bên có thể giao ước rằng vì tình thế hiện thời, kỳ hạn giao hàng và cả đến sự thi hành khế ước đều không được bảo đảm. Tuy nhiên, hiệu lực của điều khoản này không phải là tuyệt đối xóa trách nhiệm cho người bán: người bán không phải chịu trách nhiệm vì khế ước, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm nếu đã có lầm lỗi điều gì làm cho khế ước không thi hành được. Do đó, trách nhiệm dẫn chứng bị đảo ngược lại, trong sự giải thích giữa hai bên. Án lệ nói trên căn cứ vào lập luận sau: Các hợp ước hạn chế trách nhiệm chỉ có thể hủy bỏ được trách nhiệm khế ước; nhưng đằng sau trách nhiệm này, còn trách nhiệm dân sự phạm. Trách nhiệm dân sự phạm có tính cách liên hệ đến trật tự công cộng và vì vậy, không một hợp ước nào có thể loại trừ được. Do đó, khi người trái chủ dẫn chứng được một quá thất của người phụ trái, người này vẫn phải được bồi thường, mặc dù đã có một hợp ước hạn chế trách nhiệm giữa hai bên. Song án lệ trên đã vấp phải hai nhược điểm sau:
a) Trước hết, không có sự kiêm nhiệm của hai trách nhiệm khế ước và trách nhiệm dân sự phạm. Khi có một khế ước không được thi hành, vấn đề trách nhiệm phải đặt trong khuôn khổ trách nhiệm khế ước, và không thể nào nêu lên vấn đề trách nhiệm dân sự phạm. Vì vậy, nếu hợp ước hạn chế trách nhiệm đã hủy bỏ được trách nhiệm khế ước thì không còn trách nhiệm nào khác nữa.
b) Một mặt khác, nói rằng sự quy định về trách nhiệm dân sự phạm liên hệ đến trật tự công cộng và vì lẽ đó, không thể có một hợp ước nào gạt ra ngoài được thì cũng không đúng. Ta đã rõ rằng, trong lĩnh vực trách nhiệm dân sự phạm, các đương sự cũng có thể ký các hợp ước về trách nhiệm. Vì vậy, trong một giai đoạn thứ hai, án lệ Pháp đã khước bỏ giải pháp nói trên và công nhận rằng các hợp ước hạn chế trách nhiệm có hiệu lực hủy bỏ toàn phần hay một phần trách nhiệm theo đúng các điều đã được các đương sự ấn định (Civ. 15.7.1949 S. 1950.1.19). Lẽ dĩ nhiên, khi người phụ trái can phạm vào một quá thất cố ý hay trọng đại, thì y không thể xin thi hành hợp ước hạn chế trách nhiệm này. Các hợp ước hạn chế trách nhiệm không những có hiệu lực đối với các người đã kết ước mà còn có hiệu lực đối với người thừa kế của họ nữa, nếu người thừa kế đứng đơn thưa kiện với tư cách người thừa kế. Tuy nhiên, nếu người thừa kế khởi kiện với tư cách riêng biệt của họ, thì các hậu quả của hợp ước hạn chế trách nhiệm không thể đối kháng với họ được. Thí dụ: Một nạn nhân bị chết trong một tai nạn xe hơi. Các người thừa kế kiện người chủ xe để xin bồi thường, vì họ đã chịu một sự tổn thất riêng biệt. Họ có thể hành động như vậy vì họ có tư cách là những người mà nạn nhân phải cấp dưỡng. Hành động như vậy, họ sẽ không bị người chủ xe đem đối kháng với họ những hợp ước trách nhiệm đã được ký kết giữa người này với nạn nhân. Tuy nhiên, một vài bản án Pháp thừa nhận rằng, các khế ước chuyên chở về hàng hải và hàng không có thể đối tụng với người thừa kế của nạn nhân, vì lẽ nạn nhân đã cấu ước cho những người này. Nhưng đối với các lập luận này, chúng ta đã rõ, Tòa phá án Pháp cũng đã tìm được một biện pháp để bác bỏ các hậu quả tai hại. Trong bản án ngày 19-6-1951 (D. 1951.717, chú thích Ripert), Tòa phá án Pháp đã thừa nhận cho các người thừa kế của nạn nhân, được quyền khước từ sự cấu ước cho tha nhân, nếu họ thấy sự cấu ước này không có lợi cho họ.

II. Ước khoản dự phạt: Các ước khoản dự phạt không nhằm mục đích hủy bỏ toàn phần hay một phần trách nhiệm, nhưng ấn định trước, một cách bao khoán ngạch khoản bồi thường khi nghĩa vụ không được thi hành (Điều 781 DLB, 842 DLT, 1152 DLP). Lẽ dĩ nhiên, nếu nghĩa vụ chính yếu bị vô hiệu thì ước khoản dự phạt cũng không còn. Trái lại, sự vô hiệu ước khoản dự phạt không có hiệu lực gì đối với nghĩa vụ chính yếu (Điều 782 DLB, 843 DLT). Điểm này không được quy định trong DLP, nhưng được án lệ chấp nhận. Trên nguyên tắc, người trái chủ không thể đòi bồi thường ngoài số tiền dự phạt (Điều 784 DLB, 845 DLT, 1152 DLP). Người trái chủ cũng không phải dẫn chứng là đã chịu một sự tổn thiệt. Khi khế ước không được thi hành, người trái chủ có quyền được đòi khoản dự phạt kể cả trường hợp trong khế ước đã có ước định minh bạch rằng, họ phải chịu gánh các rủi ro về trường hợp bất khả kháng (Điều 845 khoản 2 DLT, khoản này không nói ở DLB). Ngoài khoản dự phạt, người trái chủ có thể đòi người phụ trái thi hành khế ước không? Điều 784 k2 DLB, 845 k3 DLT, quy định rõ ràng rằng, thái độ này không thể chấp nhận được, trừ khi trong khế ước định rõ rằng khoản dự phạt chỉ được dự liệu để bồi thường sự chậm thi hành khế ước mà thôi. Muốn thi hành khoản dự phạt, người trái chủ bắt buộc phải hối thúc người phụ trái, bất luận khế ước có dự liệu kỳ hạn hay không (Điều 785 DLB, 846 DLT). Thẩm phán có quyền sửa đổi ngạch khoản dự phạt hay không? Trong dân luật Pháp không quy định điều này. Tuy nhiên, án lệ ở Pháp căn cứ vào điều 1231 DLP thừa nhận rằng thẩm phán chỉ có quyền sửa đổi khoản dự phạt trong trường hợp nghãi vụ đã được thi hành một phần. Giải pháp này cũng đã được chấp nhận trong hai bộ DLB và DLT (Điều 786 DLB, 847 DLT).
Ước khoản dự phạt có hình thức đặc biệt trong khế ước mua bán. Nếu trong khế ước mua bán, một bên đã đặt tiền cọc (les arrhes) mà sau này sự mua bán không thực hiện được, thì người mua phải mất tiền cọc hoặc người bán phải trả gấp đôi số tiền đó, tùy theo trường hợp người mua hay người bán từ chối không muốn làm khế ước ấy nữa (882 DLB, 1014 DLT, 1590 DLP). Tuy nhiên, có một vấn đề tế nhị là nhiều khi người mua đưa trả trước cho người bán một phần số tiền mua (acompte: tiền gửi), chứ không phải đặt cọc (les arrhes: tiền đặt cọc). Trong trường hợp này, các điều khoản quy định về tiền đặt cọc không thể áp dụng được. Nếu người mua không mua nữa thì người bán phải hoàn trả lại tiền, cón nếu người bán không muốn bán nữa thì chỉ phải hoàn lại tiền trả trước mà thôi, chứ không phải trả gấp đôi số tiền ấy. Vì vậy, các đương sự cần phải nói rõ số tiền đưa trước là tiền cọc hay không để tránh mọi khó khăn. Sau hết, đối với các ước khoản dự phạt, học lý và án lệ Pháp định rằng, nếu số tiền dự phạt ít hơn là số tổn hại thực sự thì phải coi ước khoản dự phạt như một trường hợp hiệp ước hạn chế trách nhiệm. Khi đó, ước khoản dự phạt cũng không thể áp dụng được trong trường hợp người phụ trái đã can phạm vào một quá thất cố ý hay trọng đại. Cũng vì đồng hóa này, án lệ Pháp không chấp nhận sự hữu hiệu của ước khoản dự phạt trong phạm vi trách nhiệm dân sự phạm.
Nói tóm lại, vấn đề hợp ước hạn chế trách nhiệm hiện không được quy định trong ba bộ dân luật hiện hành. Các giải pháp mà chúng ta phân tích đều là công cuộc xây dựng của án lệ. Phải công nhận rằng, án lệ đã giải quyết vấn đề này một cách sáng suốt; Một mặt án lệ đã thừa nhận các hợp ước trách nhiệm để những ngành kinh doanh cần đến óc sáng kiến và tính mạo hiểm khỏi bị tê liệt. Một mặt án lệ đã hạn chế hiệu lực của các hợp ước trách nhiệm trong những trường hợp đặc biệt, như trường hợp khế ước gia nhập, và các trường hợp quá thất cố ý hay trọng đại để những người suy yếu khỏi bị trục lợi và tránh những trường hợp nghịch với luân thường: malitiis non est indulgendam (không khoan dung đối với kẻ ác ý hoặc không được chiều theo sự ác độc)./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar