LỖI TRONG TRÁCH NHIỆM DO TÁC ĐỘNG CỦA THA NHÂN
Điều 731 DLVN quy định rằng: “Người ta phải chịu trách nhiệm không những về sự thiệt hại do hành vi của chính mình, mà còn phải chịu trách nhiệm cả về hành vi của những người mà mình có bổn phận trông coi”. Điều luật này đặt nguyên tắc về trách nhiệm của tha nhân. Vấn đề là cần phải xét xem trách nhiệm ấy được đặt trên căn bản một lỗi hay đó là một trách nhiệm khách quan vô lỗi.
1. Trách nhiệm của người gia chủ và người chủ ủy:
a. Ý niệm về người chủ ủy: Điều 733 DLVN nói rằng: “Người gia chủ phải chịu trách nhiệm về hành vi của gia bộc; người chủ ủy phải chịu trách nhiệm về hành vi của kẻ thừa sai“. Người gia chủ cũng là cũng là một hạng người chủ ủy, cho nên, để hiểu rõ phạm vi của điều khoản này, chỉ cần định nghĩa thế nào là người chủ ủy. Theo học lý và án lệ hiện nay thì người chủ ủy là người có quyền ra mệnh lệnh hay chỉ thị cho kẻ thừa sai về cách làm công việc đã giao cho họ. Song Tòa phá án Việt Nam, trong phúc quyết ngày 31-1-1961 (PL 1961 -3 – 20) đã xử về vụ tai nạn xe hơi xảy ra tại cầu Rạch Hào, đã thêm vào tiêu chuẩn về người chủ ủy một yếu tố có tính cách tâm lý: Khi bước lên xe, nạn nhân phải nghĩ rằng người cầm lái là người thừa sai của chiếc xe thì mới có thể đòi bồi thường trên căn bản của điều 1384 DLP, liên hệ đến trách nhiệm của người chủ ủy. Thiết tưởng yếu tố tâm lý này là không cần thiết vì không bao giờ có cả. Khi bước lên xe, không ai nghĩ đến tai nạn sẽ xảy ra, và nạn nhân cũng không phải là luật gia để nghĩ tới tư cách thừa sai của người cầm lái hay một tư cách nào khác. Tất cả chỉ là vấn đề dẫn chứng: Muốn được bồi thường, nguyên đơn phải dẫn chứng tư cách chủ ủy của người chủ xe. Vậy tiêu chuẩn duy nhất để xem một người có tư cách chủ ủy hay không là xét tính cách lệ thuộc của người thừa sai đối với người chủ ủy, không cần đến yếu tố chủ quan nói trên (PA. VN. 25-9-1963 PL 1965-1-56). Trong vụ này, tòa phá án xử rằng, khế ước giữa phu xe và chủ xe không nhất thiết là một khế ước thuê mướn đồ vật, và có thể tùy theo sự cam kết giữa hai bên, hoặc sự kiện thực tế, là một khế ước thuê mướn dịch vụ, theo đó, chủ xe phải đảm nhiệm hộ trách nhiệm cho phu xe là người thừa sai của y về những hành động phạm pháp của người này gây thiệt hại cho đệ tam nhân trong khi hoặc nhân khi thi hành sự ủy thác. Tuy nhiên, Tòa phá án đã tiêu phá phúc quyết của Tòa Thượng thẩm Saigon ngày 16-11-1962 vì Tòa này đã căn cứ duy nhất vào sự kiện phu xe phải trả tiền mướn xe hằng ngày để quả quyết rằng phu xe là người thừa sai của chủ xe. Theo quan niệm của Tòa phá án thì sự kiện ấy không đủ chứng minh sự tùy thuộc của phu xe đối với chủ xe, như là trường hợp chủ xe dành quyền kiểm soát cách thức chuyên chở hàng hóa cùng hành động của phu xe. Sự lệ thuộc này thường do khế ước phát sinh ra như khế ước lao động giữa chủ và thợ, nhưng liên hệ chủ ủy – thừa sai có thể có thể hiện hữu mặc dù không có khế ước nào cả. Như vậy, muốn biết có liên hệ ấy hay không, người ta thường căn cứ vào tình trạng thực tại hơn là vào tình trạng pháp lý. Trong phúc quyết ngày 20-1-1960 (PL. 1960-11-11), Tòa phá án đã xử rằng, mặc dù người chủ xe nhờ người khác đứng tên hộ cho y trong bộ, nhưng nếu y đã thú nhận rõ rệt trước tòa là y đã thuê và trả tiền công cho người tài xế ấy thì người này là người thừa sai của người chủ xe thực sự. Do đó, nếu người tài xế phạm lỗi và gây tai nạn, thì người chủ ủy tức là chủ xe thực sự phải chịu trách nhiệm. Trong phúc quyết khác ngày 31-11-1961 (PL 1961-4-9), Tòa phá án lại có dịp xử rằng, trong một vụ mất trộm xe hơi, chủ xe bị mất trộm không phải đảm đương trách nhiệm dân sự cho kẻ trộm đã gây nên tai nạn bằng xe lấy trộm, vì người này không phải là người thừa sai của chủ xe.
b. Các điều kiện trách nhiệm: – Có hai điều kiện:
– Điều kiện thứ nhất: Sự tổn hại đã phải xảy ra trong khi kẻ thừa sai làm công việc mà người chủ ủy giao cho họ. Điều kiện này đã được nói rõ trong điều 733 DLVN. Như vậy, ngoài phạm vi các công việc này, nếu kẻ thừa sai phạm một lỗi gây tổn hại cho người khác, người chủ ủy sẽ không phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, án lệ của Tòa án Việt Nam đã chấp nhận một nguyên tắc rộng rãi hơn: Người chủ ủy phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại do kẻ thừa sai gây ra, trong khi hay nhân khi thi hành công vụ. Tòa phá án Việt Nam, trong hai phúc quyết liên tiếp ngày 28-6-1961 (PL 1963-111-38) đã chủ trương rằng: “Trách nhiệm dân sự của người ủy phái (chủ ủy) chiếu theo điều 1384 DLP, phải áp dụng rộng rãi cho các hành vi của người thụ ủy (thừa sai) lạm dụng quyền ủy thác của chủ, nếu những hành động phạm pháp của những người ấy đã xảy ra khi làm việc cho chủ và đã được làm dễ dãi bởi sự ủy quyền của chủ …”. Ngoài ra, một phúc quyết của Tòa Thượng Thầm Saigon ngày 18-8-1961 (PL 1962-1-58), cũng xử theo chiều hướng ấy, và buộc chủ nhân của một đồn điền cao su phải đảm nhiệm hộ trách nhiệm về một vụ ngộ sát gây ra bởi một công nhân, người này trong khi canh gát ban đêm, nhìn thấy một cặp mắt, tưởng là mắt nai rồi bắn chết người. Tòa nhận xét rằng: “Bị can đã bắn chết nạn nhân tại lô cao su mà y có nhiệm vụ gát lửa. Việc y nhìn thấy một cặp mắt tưởng là mắt nai, rồi bắn chết người, chỉ là một trường hợp lạm dụng nhiệm vụ, và trong trường hợp ấy, theo học thuyết và án lệ vững chắc, chủ nhân của bị can phải chịu trách nhiệm về hộ, chiếu theo điều 1384 k3 DLP“. Quan điểm trên đây của Tòa án Việt Nam dựa vào một án lệ cũ của Pháp. Trong một thời gian, Tòa phá án Pháp đã buộc người chủ ủy phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại do kẻ thừa sai lạm dụng nhiệm vụ gây ra. Ví dụ: Người chủ xe phải chịu trách nhiệm nếu người tài xế sau khi hết giờ làm việc, đã lấy xe hơi đi chơi và gây tai nạn (PA Pháp 3-1-1933). Tuy nhiên án lệ này cũng đặt một điều kiện là khi xảy ra tai nạn, người bị nạn phải coi kẻ thừa sai như đang làm việc cho chủ. Do đó, nếu nạn nhân biết rõ là người thừa sai đã vượt khỏi quyền hạn của mình thì người chủ ủy không chịu trách nhiệm. Ví dụ: Tuy biết rằng người tài xế không được chở người ngoài nhưng nạn nhân cũng cứ lên xe đi chơi với người tài xế. Nếu tai nạn xảy ra, nạn nhân không thể bắt người chủ phải bồi thường (PA. Pháp 11-6-1928 DH 1928-414). Phòng hình sự của Tòa án Pháp còn đi xa hơn và buộc người chủ ủy phải chịu trách nhiệm về sự tổn hại do kẻ thừa sai gây ra trong khi làm chức vụ, và chỉ cần rằng chức vụ này đã là cơ hội giúp cho người thừa sai gây tổn hại. Ví dụ: Người chủ xe phải chịu trách nhiệm khi người tài xế trên đường đi làm công tác, đã dừng xe lại bắn một con chim trĩ và gây tai nạn (PA. Pháp 23-11-1928 GP 1928-2-900). Người chủ một rạp chiếu bóng phải chịu trách nhiệm về một người làm công xếp chỗ ngồi trong rạp, đã hãm hiếp và hạ sát một trẻ em nhờ y chỉ đường đi đến nhà vệ sinh (P.A Pháp 23-11-1953 d 1953-5-698). Án lệ này ngày nay đã bị bãi bỏ. Thực vậy, trong những bản án gần đây, Tòa phá án Pháp đã tuyên bố rằng, người chủ ủy chỉ phải đảm nhiệm hộ trách cho người thừa sai về cac hành vi nào có liên quan hay có tương quan nhân quả với chức vụ mà họ được giao phó cho người thừa sai. Do đó người chủ ủy không phải chịu trách nhiệm khi người thừa sai lạm dụng chức vụ và gây tổn hại, vì sự lạm dụng này khiến cho ha2nhvi không liên quan gì đến chức vụ của người thừa sai. (PA. Pháp 14-6-1957 D 1958-53, ghi chú của Svatier). Người chủ ủy cũng không chịu trách nhiệm khi hành vi gây tổn hại có tính cách độc lập đối với liên hệ chủ ủy – thừa sai (PA. Pháp 9-3-1960 D 1960-329 ghi chú của Savatier).
Án lệ viện dẫn trên đây của Tòa án Việt Nam khó có thể được chấp nhận trong hiện trạng pháp lý: Án lê ấy đã đi quá xa khi buộc người chủ ủy phải chịu trách nhiệm một cách rộng rãi về các hành vi gây thiệt hại của kẻ thừa sai chỉ cần rằng chức vụ của người thừa sai đã là cơ hội khiến cho hành vi ấy có thể xảy ra. Điều 733 k2 DLVN đã nói rõ: “Trong trường hợp trách nhiệm nói trên, hành vi của những người công bộc, thừa sai, công nhân và học nghề phải là một hành vi thuộc vào phận sự công việc của những người ấy”. Một sự giải thích chặt chẽ điều khoản này, sẽ giúp người ta hạn định rõ ràng phạm vi trách nhiệm của người chủ ủy.
– Điều kiện thứ hai: Tuy các điều khoản trong các bộ dân luật không ghi thêm một điều kiện nào khác, án lệ đã đòi hỏi một điều kiện thứ hai là: Người thừa sai phải làm một lỗi. Như vậy, nạn nhân muốn được bồi thường, nếu được miễn không phải dẫn chứng lỗi của người chủ ủy hay gia chủ thì trái lại, phải dẫn chứng lỗi của người thừa sai như trong trường hợp kiện thẳng người thừa sai. Điều kiện này chứng minh tại sao, theo án lệ, người chủ ủy sau khi bồi thường cho nạn nhân, có một tố cầu đối với người thừa sai trên căn bản của điều 729 DLVN.
c. Căn bản trách nhiệm: Trách nhiệm của người gia chủ và người chủ ủy đặt căn bản trên một lỗi suy đoán: Lỗi trong việc trông coi người gia bộc hay kẻ thừa sai (731 DLVN). Đây chỉ là sự suy đoán thường vì người chủ ủy, người gia bộc sẽ được miễn trách nếu chứng minh được rằng họ đã làm hết cách mà không ngăn cản được hành vi đã gây ra thiệt hại (734 DLVN). Như thế nào là “đã làm hết cách”? Nếu giải thích chai56t chẽ điều 734 DLVN thì muốn được miễn trách nhiệm, gia chủ và người chủ ủy phải chứng minh rằng sự thiệt hại đã xảy ra do một trường hợp ngẫu nhiên hay bất khả kháng; vì chỉ có như thế mới đủ chứng tỏ rằng họ đã làm hết cách mà không ngăn cản được hành vi đã gây ra sự thiệt hại. Nhưng một sự giải thích như vậy sẽ khiến nghĩa vụ của người gia chủ và chủ ủy trở thành quá nặng nề. Luật chỉ buộc họ có bổn phận phải trông coi người gia bộc và kẻ thừa sai, vậy phải chấp nhận cho họ được miễn trách nếu có bằng cớ cho thấy là hành vi gây thiệt hại xảy ra không phải do một sự thiếu trông coi. Nói khác đi, gia chủ và người chủ ủy được miễn trừ trách nhiệm nếu chứng minh được rằng họ không phạm một lỗi nào cả trong việc trông coi người gia bộ hay kẻ thừa sai. Sau hết, cần nhận định rằng, nếu bên cạnh lỗi của kẻ thừa sai, nguyên đơn còn phải chứng minh được một lỗi của người chủ ủy, thì người này sẽ chịu trách nhiệm vừa với tư cách cá nhân, vừa với tư cách là người chủ ủy (TT. Saigon 24-2-1967 PL 1967-4-140).
2. Trách nhiệm của cha mẹ: Theo điều 732 DLVN, cha mẹ phải chịu trách nhiệm về các tổn hại do các con vị thành niên ở với họ gây ra cho người khác. Trách nhiệm này căn cứ vào nghĩa vụ của cha mẹ phải trông coi con cái ở với mình (731 DLVN).
a. Người chịu trách nhiệm: Điều 1384 k.2 DLP nói rõ rằng người cha, và sau khi người cha chết, thì người mẹ phải chịu trách nhiệm này. Vậy torng khi người cha còn sống, không thể kiện người mẹ để đòi bồi thường được. Trái lại, điều 732 DLVN, phỏng theo điều 714 DLB, 764 DLT, định rằng cả hai cha mẹ đều phải chịu trách nhiệm. Vậy nạn nhân có thể kiện người cha hoặc ngườn mẹ để đòi bồi thường. Về điểm này có một khó khăn có thể được nêu lên là trong trường hợp hai cha mẹ ly thân thì nạn nhân phải kiện ai? Vấn đề này có lợi ích vì do sự ly thân, con cái sẽ được phân chia giữa hai người phối ngẫu trông coi. Vả lại án ly thân theo luật lệ hiện hành có hiệu lực phân chia khối hôn sản giữa hai vợ chồng (điều 204 DLVN). Thiết tưởng trách nhiệm của cha mẹ dựa trên thân quyền, mà thân quyền được chia sẻ giữa hai vợ chồng, cho nên người nào giám thủ người con sẽ phải chịu trách nhiệm (TT. Paris 24-5-1957 D 1957-555). Quy định tại điều 732 DLVN có tính cách hạn chế. Như vậy không thể áp dụng điều khoản này cho ông bà hay người giám hộ.
b. Các điều kiện trách nhiệm: Có ba điều kiện:
– Con còn vị thành niên: Nếu người con đã trưởng thành tức là quá 21 tuổi, điều khoản nói trên không thể áp dụng được. Ngoài ra, trong trường hợp người con được thoát quyền, cha mẹ không còn nghĩa vụ trông coi, cho nên, phải được giải thoát trách nhiệm. Sự thoát quyền có thể do giá thú hay do ý chí của cha mẹ.
– Con phải ở với cha mẹ: Trách nhiệm của cha mẹ chấm dứt khi người con không còn ở với cha mẹ nữa. Tuy nhiên, nếu người con ra đi không vì một lý do chính đáng mà chỉ vì các cư xử tàn tệ của cha mẹ, trong trường hợp này cha mẹ vẫn phải trông coi con, do đó vẫn phải chịu trách nhiệm (PA. Pháp 13-7-1948 D 1949-461).
– Lỗi của người con: Cha mẹ chỉ chịu trách nhiệm hành vi của con cái khi nào hành vi ấy cấu thành một lỗi. Đối với các đứa trẻ quá nhỏ tuổi, chúng được coi là vô tri thức, nên không thể phạm lỗi thì nạn nhân phải khởi tố trên căn bản của điều 729 DLVN bằng cách dẫn chứng một lỗi của cha mẹ (PA. Pháp 10-2-1936 DH 1936-180; TT. Pari 28-4-1925 DH 1925-415). Trong vụ thứ nhất, một cậu học trò Việt Nam du học tại Pháp đã quyến rũ một cô gái bằng cách hứa hôn. Cha của cậu học trò ngự tại Việt Nam đã bị Tòa án dạy phải bồi thường vì để con sống ở Pháp mà không có một sự trông nom cần thiết. Trách nhiệm của người cha trong trường hợp này là một trách nhiệm của bản thân tiếp theo một lỗi đã được minh chứng. Trong vụ thứ hai, một trẻ vị thành niên ở với cha mẹ, nó đã quyến rũ một cô bạn gái. Tòa án dạy đứa trẻ phải bồi thường và cha nó phải đảm nhiệm hộ trách. Các sự kiện của vụ án này không giống vụ trước: Đứa trẻ đã phạm một lỗi và lồi này đã được chứng minh. Người cha chịu trách nhiệm vì bị suy đoán chiếu theo 1384 k2 DLP, tương ứng với điều 732 DLVN.
c. Căn bản trách nhiệm: Điều 732 DLVN suy đoán rằng cha mẹ phạm lỗi trong việc trôn nom con cái. Vậy trách nhiệm của cha mẹ đặt trên lỗi suy đoán. Sự suy đoán này khiến cho nạn nhân khi đòi bồi thường không cần phải dẫn chứng lỗi của cha mẹ đứa trẻ. Nhưng đây chỉ là sự suy đoán thường thôi, vì cha mẹ có thể dẫn chứng rằng họ đã làm hết cách mà không ngăn cản được hành vi đã phát sinh ra thiệt hại (734 DLVN). Cũng như đối với gia chủ và chủ ủy, cha mẹ sẽ được giải trừ trách nhiệm nếu chứng minh được rằng mình không phạm một lỗi nào trong việc trông nom con cái (PA. Pháp 12-10-1955 D 1955-301). Tuy nhiên, sự dẫn chứng này khiến nhiều khi khó khăn vì cha mẹ phải mang lại bằng cớ là họ đã trông nom con cái cẩn thận và đã giáo dục chúng chu đáo, hoặc chứng minh rằng sự thiếu trông nom hoặc thiếu giáo dục không phải là là nguyên nhân đã gây ra tổ nhại. Việc cha mẹ cho phép người con đi xe đạp hoặc đi xe gắn máy có kết thành một lỗi hay không, tùy theo tuổi của người con, khả năng của nó và những trường hợp người con được sử dụng sự cho phép này. Trong phúc quyết ngày 8-11-1943 (S 1943-1-124), Tòa Phá án Pháp đã miễn trách nhiệm cho người cha về sự tổn hại do người con gây ra trong khi đi xe đạp, vì tuổi của người con đã khá lớn (18 tuổi); Đối với tuổi ấy, nếu cha mẹ cho phép người con đi xe đạp thì cũng không phải là một lỗi trong việc trông nom. Trong trường hợp cha mẹ được giải trừ trách nhiệm, vị thành niên mà lỗi đã được chứng minh sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân chiếu theo điều 729 DLVN. Thực vậy, điều khoản này đã ấn định quy tắc chung là bất cứ hành vi nào gây thiệt hại cho người khác đều làm cho người chủ động có lỗi phải bồi thường, không phân biệt kẻ chủ động đó là người thành niên hay vị thành niên. Sự bồi thường trong trường hợp này sẽ phải được thi hành trên tài sản của vị thành niên, nếu có.
3. Trách nhiệm của người thợ cả: Điều 733 DLVN định rằng các người thợ cả chịu trách nhiệm về những hành vi của công nhân và người học nghề, trong khi làm công việc được giao phó cho họ.
a. Ý niệm thợ cả: Một người chỉ chịu trách nhiệm với tư cách là người thợ cả, nếu có hai điều kiện được hội đủ:
– Dạy dỗ một nghề nghiệp cho người thợ bạn: điều kiện này phân biệt người thợ cả với người chủ ủy.
– Giao một công việc cho người thợ bạn làm; điều kiện này phân biệt người thợ cả với người thầy giáo.
b. Điều kiện trách nhiệm: Theo điều 733 DLVN, người thợ cả chỉ chịu trách nhiệm về hành vi gây thiệt hại của công nhân và người học nghế nếu hành vi đó là hành vi thuộc vào phận sự công việc của những người ấy. Về điểm này, sự quy định của các bộ dân luật Bắc, Trung và dân luật Pháp hơi khác. Theo điều 714 k4,5 DLB; Điều 764 k2,3 DLT, người thợ cả phải chịu trách nhiệm về các sự thiệt hại gây ra bởi công nhân và người học nghề trong khi làm công việc được giao phó cho họ, hoặc trong khi họ ở dưới sự trông coi của người thợ cả.Điều 1384 k3, DLP chỉ nói tới trường hợp người học nghề ở dưới sự trông coi của người thợ cả. Như vậy, nếu người thợ hay người học nghề nhận một một công việc rồi mang về nhà làm và nhân đó gây thiệt hại cho kẻ khác, người thợ cả sẽ không chịu trách nhiệm. Trái lại, nếu công nhân hay người học nghề trong khi ở dưới sự trông nom của người thợ cả mà gây thiệt hại thì người thợ cả phải chịu trách nhiệm theo các bộ dân luật Bắc, Trung và Pháp, mặc dù hành vi gây thiệt hại đó có thể không thuộc phận sự của những người này. Trong trường hợp này, người thợ cả sẽ không chịu trách nhiệm theo bộ dân luật Việt Nam. Ngoài ra hành vi gây thiệt hại của công nhân hay người học nghề phải cấu thành một lỗi, lỗi đó phải được nạn nhân chứng minh. Sự hiện hữu của điều kiện này khiến người thợ cả, sau khi bồi thường cho nạn nhân sẽ có một tố cầu đối với công nân hay người học nghề trên căn bản của điều 729 DLVN.
c. Căn bản trách nhiệm: Cũng như người chủ ủy, người thợ cả phải chịu trách nhiệm vì đã thiếu trông coi công nhân và người học nghề, tức là đã phạm một lỗi. Lỗi này được luật pháp phỏng đoán, cho nên nạn nhân không cần phải dẫn chứng. Nhưng người thợ cả muốn khỏi bị trách nhiệm, có thể chứng minh rằng họ không phạm một lỗi nào trong việc trông coi cả (đ 734 DLVN). Trong trường hợp này, người thợ cả được miễn trách, công nhân hay người học nghề sẽ chịu trách nhiệm cá nhân chiếu theo điều 729 DLVN.
4. Trách nhiệm của thầy giáo: Điều 735 DLVN quy định rằng “Thầy học các trường phải chịu trách nhiệm về hành vi của học trò trong khoản thời gian học trò ở dưới sự kiểm soát của mình, nhưng chỉ phải chịu trách nhiệm nếu đã có lỗi được chứng minh theo thường luật. Nếu là trường công thì trách nhiệm quốc gia sẽ thay thế trách nhiệm của đương sự“. Như vậy, trách nhiệm của thầy giáo căn cứ trên một lỗi trong sự trông coi họ trò. Lỗi đó phải được nguyên đơn chứng minh. Đây là một điểm sai biệt đáng lưu ý so sánh với điều 714 k5 DLB và 764 k2 DLT, theo đó, lỗi của thầy giáo được phỏng đoán, nạn nhân không cần phải dẫn chứng. TRong bộ dân luật Pháp, điều 1384 k4 sửa đổi bởi đạo luật ngày 5-4-1937 cũng buộc nạn nhân phải chứng minh một lỗi của thầy giáo theo thường luật. Nhưng thế nào là thầy giáo? Theo án lệ Pháp, mà giải pháp có thể được chúng ta chấp nhận, thì có hai tiêu chuẩn:
– Người thầy giáo là người phải dạy một khoa học hay nghệ thuật, như vậy phải phân biệt thầy giáo với người thợ cả dạy nghề.
– Danh từ thầy giáo bao gồm các giáo viên tiểu học và các giáo sư trung học. Trái lại các giáo sư đại học không phải chịu trách nhiệm, vì theo tổ chức của nền giáo dục Pháp cũng như ở Việt Nam, các giáo sư Đại học không phải trông nom các sinh viên. Thầy giáo chịu trách nhiệm bất luận là học trò còn vị thành niên hay đã trưởng thành rồi, và mặc dù là sự tổn hại do học trò gây ra cho một người đệ tam hay cho một học trò khác./.
Bình luận