Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

30. Nước Nhật: Hiện tượng thần kỳ đầu tiên của châu Á

Ấn tượng của tôi về người Nhật đã thay đổi ít nhiều trong hơn 60 năm qua. Trước Chiến tranh Thế giới Thứ II, tôi đã biết họ như những người bán hàng và những nha sĩ nhã nhặn. Họ là một cộng đồng sạch sẽ, ngăn nắp, kỷ luật và độc lập. Vì vậy, tôi đã hoàn toàn không được chuẩn bị trước cho sự tàn bạo mà họ đã gây ra hồi tháng 2-1942 trong vai những kẻ xâm chiếm Singapore. Họ tàn bạo đến mức không thể tin được. Có những ngoại lệ nhưng sự tàn bạo có hệ thống do chính quyền quân sự của họ đã làm, biến họ thành những lũ người nhẫn tâm. Chúng tôi đã chịu ba năm rưỡi thiếu thốn và kinh hoàng. Hàng triệu người đã chết trong các lãnh thổ do người Nhật chiếm đóng tại Đông Nam Á. Các tù nhân chiến tranh, người Anh, người Hà Lan, người Ấn Độ cũng như người Úc chết dần chết mòn hoặc bị bắt làm việc cho đến chết.

Thình lình vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật hoàng ra lệnh đầu hàng. Từ địa vị là những chúa tể và chủ nhân của chúng tôi, người Nhật đã tự biến đổi họ thành các tù nhân chiến tranh mẫu mực, tận tâm và siêng năng; họ dọn dẹp vệ sinh thành phố; chuyên tâm vào vai trò đã bị thay đổi của họ một cách nghiêm chỉnh và cần cù. Sau đó, họ biến mất khỏi khu vực. Tôi đọc nhiều về các thử thách gian khổ của họ khi xây dựng lại nước Nhật.

Vào những năm 1960, các mặt hàng điện tử có chất lượng tốt của Nhật tràn vào Singapore. Đến những năm 1970 thì người Nhật phục hồi và tranh đua trở lại. Sự tinh thông trong kỹ nghệ sản xuất của các ngành dệt, hóa dầu, hàng điện tử, vô tuyến truyền hình, băng ghi âm và máy ảnh cùng với phương pháp quản lý và tiếp thị hiện đại đã tạo nên cho họ một sức mạnh công nghiệp đáng sợ. Vì họ trở nên lớn mạnh hơn nên họ không còn quá nhún nhường nữa.

Đối với tôi và những người cùng thế hệ thì ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ nhất mà người Nhật đã để lại trong chúng tôi là sự khủng khiếp của những năm họ chiếm đóng. Những ký ức này không thể nào xóa sạch được. Tôi từng biết nhiều người Nhật qua nhiều quan hệ rộng rãi ở nhiều lĩnh vực như các bộ trưởng, các nhà ngoại giao, các nhà kinh doanh, các chủ bút, các tác giả và các học giả. Một số người đã trở thành bạn tốt. Họ là những người được giáo dục tốt, có kiến thức và rất con người. Tôi hiểu rõ về họ hơn thời thanh niên. Vì nỗi sợ sệt và thù ghét tăng lên trong những năm bị chiếm đóng nên tôi đã cảm thấy “sự sung sướng trên đau khổ của kẻ khác” khi tôi đọc về sự đói khổ trong các thành phố bị bỏ bom và bị đốt cháy của họ. Cảm nghĩ này đã biến thành sự miễn cưỡng tôn trọng và nể phục khi từ đống tro tàn của sự bại trận, họ bắt đầu xây dựng lại đất nước một cách khổ hạnh và có phương pháp. Một cách khéo léo, họ đã tránh khỏi phần lớn các mục tiêu của chính sách chiếm đóng quân sự của Mac Arthur và bảo tồn được nhiều đặc tính chính yếu mà nó đã làm cho nước Nhật ngày xưa mạnh lên. Một số ít bị đưa lên đoạn đầu đài do các tội ác gây ra trong chiến tranh. Đa số được phục hồi và theo tinh thần dân chủ, một vài người đã thắng cử và trở thành các bộ trưởng. Những người khác tiếp tục như những công chức yêu nước, cần mẫn đã cống hiến cho sự tái thiết nước Nhật như một quốc gia hòa bình, phi quân sự, nhưng không phải là một quốc gia hối hận và biết tạ lỗi.

Công việc đầu tiên của tôi phải giải quyết với người Nhật sau chiến tranh là về sự tàn sát nhẫn tâm mà họ đã phạm phải khi chiếm Singapore vào năm 1942. Tình cờ, xương cốt trong một nấm mồ tập thể được phát hiện trong khi đào đắp vào tháng 2 năm 1962 tại Siglap – một vùng ngoại ô ở hướng đông cuối hòn đảo – có 40 hiện trường như vậy. Chúng đã khơi dậy lại tất cả những ký ức ở Sook Ching (một vị trí hồi Chiến tranh Thế giới Thứ II) mà 20 năm trước, quân cảnh người Nhật đã vây bắt và tàn sát 50.000 đến 100.000 thanh niên người Hoa trong suốt 15 ngày đầu tiên sau khi họ đã chiếm được Singapore. Tôi phải gặp gỡ để đưa vấn đề lên chính phủ Nhật và tôi đã tự quyết định thăm nước Nhật hồi sinh này. Tháng 5 năm 1962, tôi sang thăm nước Nhật lần đầu tiên, lúc đó chưa hoàn toàn được khôi phục do sự tàn phá của chiến tranh.

Văn phòng ngoại vụ của Nhật đề nghị chúng tôi ở tại khách sạn Hoàng Đế; khách sạn được một kiến trúc sư người Mỹ tên Frank Lloyd Wright thiết kế, sau này bị phá hủy. Đó là một cấu trúc xây dựng thấp nhưng thanh lịch và rộng lớn, trông có vẻ phương Tây song vẫn mang phong thái Nhật. Từ dãy phòng đang ở, tôi nhìn lướt qua thành phố Tokyo cổ kính mà tôi tưởng tượng rằng nó chắc hẳn phải là một thành phố quyến rũ. Thành phố Tokyo mới rộn ràng tỏ rõ dấu hiệu của một nền kinh tế đang khơi dậy, nhưng hết sức lộn xộn; được xây dựng lại một cách vội vàng từ những đống tro tàn của các cơn bão lửa khi máy bay B-29s của Mỹ bỏ bom như rải thảm để đốt cháy nó.

Người Nhật đã phải trả một giá đắt cho việc xây dựng lại một cách khẩn cấp và thiếu qui hoạch. Hệ thống đường sá thật xấu, các con đường đều hẹp, không được bố trí theo ô và rồi đã xảy ra nạn kẹt xe; điều này trở nên tồi tệ hơn khi xe hơi tăng nhanh về số lượng. Một dân tộc có óc thẩm mỹ tuyệt vời như vậy mà họ tái thiết một thành phố không thu hút và bỏ lỡ cơ hội để xây dựng lại một thủ đô gây ấn tượng và thanh lịch nằm trong khả năng của họ.

Niềm say mê chơi golf – một môn chơi thanh nhã – rất nổi bật. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Kosaka đã đưa tôi đến chơi tại “Câu lạc bộ 300” của ông ta, một trong những nơi xa hoa nhất tại Nhật, chỉ với 300 hội viên từ các thành phần tinh túy của giới chính trị và kinh doanh. Các ủy viên ban quản trị hàng đầu dùng gậy đánh golf và bóng chơi golf đắt tiền nhập của Mỹ. Các gậy chơi golf sản xuất tại Nhật là loại kém, với tay cầm không được lợi thế. Tôi đã nghĩ rằng đó là giới hạn về kỹ thuật và khả năng bắt chước của họ. Nhưng 20 năm sau, các gậy đánh golf của Nhật là một trong một vài loại tốt và đắt tiền nhất trên thế giới.

Công việc quan trọng duy nhất mà tôi đã đưa lên Thủ tướng Hayato Ikeda là vấn đề “nợ máu”, một yêu cầu cho việc bồi thường về những hành động tàn ác mà họ đã gây ra trong thời chiến. Ông ta đã biểu lộ “lòng chân thành thương tiếc” của ông ta – mà không tạ lỗi – về những điều đã xảy ra. Ông ta nói rằng dân Nhật muốn bồi thường về “việc làm thiệt hại cho vong linh của những người đã chết”; ông ta hy vọng rằng các biến cố này sẽ không ngăn cản sự phát triển của quan hệ bạn bè giữa nhân dân hai nước Nhật và Singapore. Vấn đề về việc bồi thường vẫn còn bỏ ngỏ. Họ muốn tránh việc tạo nên một tiền lệ sẽ dẫn đến việc khiếu nại dồn dập từ những nạn nhân ở những nơi khác. Ông ta và các quan chức của ông ta rất lịch thiệp và nôn nóng giải quyết vấn đề trước khi nó khơi dậy những nỗi cay đắng của quá khứ. Cuối cùng, chúng tôi đã dàn xếp được “nợ máu” này sau độc lập vào tháng 10 năm 1966 bằng 50 triệu đôla, trong đó một nửa là tiền trợ cấp và một nửa là tiền cho vay. Tôi muốn thiết lập các mối quan hệ tốt để khuyến khích các kỹ nghệ gia đầu tư vào Singapore.

Mặc dầu chuyến viếng thăm kế tiếp của tôi đến Tokyo vào tháng 04 năm 1967 là không chính thức nhưng Thủ tướng Eisaku Sato đã gặp gỡ tôi. Ông ta biết rằng tôi đã không cố thúc ép việc bồi thường và đã cảm ơn tôi về việc giải quyết “vấn đề hài cốt”. Ông ta nhận lời mời thăm Singapore và đã đến Singapore vào tháng 9 năm đó cùng với vợ ông ta. Ông ta là Thủ tướng Nhật đầu tiên đến thăm Singapore sau chiến tranh.

Sato trông đường hoàng và trang nghiêm mãi đến khi ông ta nở một nụ cười thân thiện. Khi ông ta cười lớn tiếng, đó là nụ cười bật lên một cách thật lòng. Sato trông như một chiến binh võ sĩ đạo Nhật. Ông ta có chiều cao trung bình, hơi đậm người, cường tráng, và sự mạnh khỏe hiện rõ trên cả gương mặt và dáng bộ của ông. Một lần trong bữa ăn trưa, Choo hỏi Sato có phải ông xuất thân từ dòng dõi võ sĩ đạo không. Ông ta hãnh diện trả lời “vâng” và nói thêm vợ ông ta cũng vậy. Ông ta nói bằng một giọng trầm và không thừa một từ nào. Ngoại trưởng của ông ta, ông Takeo Miki, nói khoảng ba câu thì ông bày tỏ một câu. Ông có được vinh dự là một lãnh tụ đầu tiên của nước Nhật sau thời chiến được nhận giải thưởng Nobel hòa bình.

Chúng tôi cảm thấy thoải mái với nhau. Sau cuộc gặp gỡ tại Tokyo, ông đã biết rằng tôi không phải là người chống Nhật mà tôi muốn hợp tác với Nhật để công nghiệp hóa Singapore. Vấn đề duy nhất mà ông đề cập đến trong bài diễn văn của ông liên quan đến việc chiếm đóng của Nhật là “đã có những thời kỳ trong lịch sử châu Á khi chúng ta có một số những rắc rối đáng tiếc”, một lối nói giảm “vĩ đại”.

Một năm sau, vào tháng 10 năm 1968, tôi lại chính thức thăm nước Nhật. Nghi thức ngoại giao của người Nhật hoàn toàn đặc biệt; họ cố nài nỉ tôi đội một mũ nỉ rộng vành màu đen, đeo đôi găng tay màu xám và mặc một bộ đồ lớn màu sẫm theo nghi lễ tiễn đón một người đi xa tại phi trường. Họ là những người quá khắt khe về hình thức ăn mặc theo lối phương Tây.

Các quan chức và bộ trưởng người Nhật, kể cả Thủ tướng, chờ tôi khẩn khoản xin trợ giúp khi biết tin người Anh rút lui khỏi Singapore. Họ đã hiểu được tầm quan trọng và vấn đề cấp bách của đất nước chúng tôi và rất ngạc nhiên khi tôi không yêu cầu họ trợ giúp như các nhà lãnh đạo của các quốc gia đang phát triển khác đã làm. Từ cuộc thảo luận với ông Sato và Miki, tôi kết luận rằng họ xem Singapore với những điều kiện thuận lợi của một thành phố cảng có năng suất và có cơ sở hạ tầng khác, là một điểm xuất phát hữu ích cho các hoạt động kinh tế của họ tại vùng Đông Nam Á. Với vai trò này, họ cần Singapore để làm cầu nối các quan hệ tốt đẹp với Indonesia và Malaysia.

Ông Sato cũng chính thức cảm ơn tôi về chuyến viếng thăm thành công mới đây của Hoàng thái tử Nhật Akihito và công nương Michiko đến Singapore. Tôi đã chiêu đãi họ ăn tối và đưa họ lên nóc tòa nhà Istana để xem Southern Cross, một chòm sao mà từ Nhật họ không thể nhìn thấy. Vì cả hai đều tinh thông tiếng Anh nên cuộc đàm thoại rất trôi chảy. Sau đó, Choo và tôi được họ dành cho lòng mến khách đặc biệt trong các chuyến viếng thăm đến Tokyo.

Vì đây là một chuyến thăm chính thức nên Nhật hoàng và Hoàng hậu đã mời chúng tôi ăn trưa tại cung điện Hoàng gia. Cung điện chính đã bị bỏ bom nên họ tiếp đãi chúng tôi ở một trong những dinh thự phụ bên ngoài. Họ đưa chúng tôi vào phòng khách được trải thảm đẹp và đơn giản, nhưng trang trí thanh nhã mấy chiếc bàn, ghế, có cả một vài cái bàn nhỏ đẹp để đặt quà tặng. Đối diện với vị á thần này là những giây phút không quên được trong cuộc đời của tôi. Trong thời gian ba năm rưỡi người Nhật chiếm đóng Singapore, ông là một người được tôn sùng. Khi làm việc cho họ như là một người biên tập điện tín vào những năm 1943 – 1944 tại tòa nhà Cathay của Singapore, đã nhiều lần tôi phải cúi đầu chào một cách tôn kính về phía cung điện Hoàng gia ở Tokyo. Giờ đây, đứng trước Choo và tôi là một người đàn ông nhỏ thó với thân hình gày gò hơi còng. Ông ta trông có vẻ hoàn toàn vô hại. Thật ra, ông ta thân thiện và lịch sự, nói thì thầm rất nhỏ. Hoàng hậu trông đẫy đà hơn, có vẻ nhẹ nhàng và hiền dịu với khuôn mặt tròn. Chúng tôi được các viên chức lễ tân đưa vào vị trí để chụp hình cho buổi lễ. Sau đó, chúng tôi ngồi xuống đàm đạo vụn vặt, ngoại trừ trong giây lát thích hợp ông ta biểu lộ sự hối tiếc về những khổ đau đã gây ra cho Singapore trong suốt cuộc chiến. Tôi gật đầu nhưng không nói gì cả. Tôi không chuẩn bị gì về việc đó và nghĩ rằng cách tốt nhất là giữ im lặng.

Lòng tôn kính xưa của dân Nhật đối với Nhật hoàng của họ sẽ khó có thể lặp lại vì họ đã gỡ bỏ Hoàng gia ra khỏi câu chuyện tưởng tượng về tính thần thánh của nó. Không còn điều bí ẩn cho ngai vàng. Ngồi và đàm đạo bằng một giọng nói khẽ khàng tại bàn ăn trưa với người trước kia là Thần Hoàng là một chuyện “phạm thánh”. Tôi tự hỏi ông Sato, người đã ngồi kế cận ông ta trong bữa ăn trưa, đã nghĩ gì về vị Hoàng đế của mình, vì ông ta thuộc thế hệ đã kính trọng Hoàng đế như là một vị thần.

Choo và tôi đã đến thăm Hoàng đế và Hoàng hậu vài dịp khác nữa. Một trong những hành động sau cùng của tôi với tư cách Thủ tướng là đến dự đám tang của ông ta vào tháng 2 năm 1989. Các quan chức cao cấp từ khắp nơi trên thế giới đã đến Tokyo để bày tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ đối với người đứng đầu của một cường quốc công nghiệp đã hồi sinh. Đó là một buổi lễ trang nghiêm đậm tính truyền thống. Trong khu vườn thượng uyển Shinjuku là điện thờ Shinto nguy nga làm bằng gỗ, đặc biệt dùng cho tang lễ này, với một loại gỗ thông trắng đẹp mà không dùng một cây đinh nào cả. Mọi người đều mặc những bộ đồ màu sẫm với áo khoác ngoài, khăn quàng cổ, găng tay hoặc trong y phục truyền thống. Chúng tôi ngồi dưới một tấm bạt đối diện với điện thờ này, co ro vì một cơn gió đang thổi đến từ Siberia, chịu đựng gió rét trong hai giờ rưỡi. Sự sắp xếp của người Nhật thật tỉ mỉ. Có một khu vực tiếp tân ấm cúng sát bên với các món ăn nhẹ nóng, và có các phòng nghỉ với các ghế được sưởi ấm. Mỗi người khách dự lễ được cung cấp những tấm chăn ấm và những gói riêng biệt, lớn nhỏ, chúng có tác dụng như những cái đệm có hơi nóng vì khi bao nhựa gói bên ngoài được xé ra thì khí oxy bắt đầu quá trình phản ứng hóa học. Tôi đặt những cái đệm nhỏ trong đôi giày dưới mu bàn chân và những đệm lớn trong mỗi túi áo veste, túi quần và túi áo khoác ngoài. Tội nghiệp Choo không có cái túi nào trong bộ y phục kiểu Trung Hoa của mình. Tôi thấy người bên cạnh tôi đã đặt vài đệm có hơi nóng trên chỗ ngồi của ông ta để giữ cho thân dưới được ấm. Đó là một thử thách khắc nghiệt hơn so với việc cúi đầu chào ông ta từ đỉnh mái nhà của cao ốc Cathay ở Singapore. Lúc đó, tôi không thể tưởng tượng được rằng tôi sẽ đại diện Singapore để tỏ lòng kính trọng đối với Hoàng đế Nhật tại buổi tang lễ, cùng với Tổng thống Hoa Kỳ George Bush và Hoàng tử Philip của Anh, là những đại diện cho hai cường quốc mà lực lượng của Nhật đã tấn công không báo trước ngày 7-12-1941. Tất cả các Tổng thống hoặc Thủ tướng của các quốc gia lớn và nhiều nước được viện trợ đến dự tang lễ, một vài trường hợp có mặt cả vị Quốc vương. Cả thế giới đến để bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với sự thành công vượt bậc của nước Nhật.

Hơn 35 năm qua, tôi đã đến và hiểu được nước Nhật cùng các nhà lãnh đạo của họ nhiều hơn. Chúng tôi cần họ giúp chúng tôi công nghiệp hóa. Về phần mình họ xem Singapore là một vị trí chiến lược ở Đông Nam Á để họ có thể phát triển các hoạt động kinh tế của họ trong khu vực. Chúng tôi còn nằm giữa hải trình từ các quốc gia vùng Vịnh đến Nhật, rất quan trọng cho các tàu chở dầu của họ. Các vấn đề thường xuyên được nêu lên trong các cuộc thảo luận của tôi với các Thủ tướng Nhật là việc thông qua đạo luật tự do đi lại qua eo biển Malacca, sự đầu tư của Nhật vào Singapore và Đông Nam Á, an ninh trong khu vực kể cả vai trò của Trung Quốc và sự hợp tác kinh tế trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Quyền tự do đi lại qua eo biển Malacca là quan trọng hơn hết trong suy nghĩ của hầu hết các nhà lãnh đạo Nhật Bản mà tôi đã gặp trong những năm 1960 đến 1970. Năm 1967, lần đầu tiên ông Sato đã biểu lộ sự lo ngại rằng các tàu chở dầu lớn không thể đi qua eo biển Malacca vì một vài chỗ nông của eo biển. Tôi đã nói rằng sẽ không có sự nguy hiểm nào nếu những nơi này được vạch giới hạn thích hợp bằng các phao hoặc những các ngọn hải đăng được thắp sáng. Với kỹ thuật tiên tiến, các eo biển có thể được đào sâu và có các phao thắp sáng làm tín hiệu dẫn đường cho tàu. Phương pháp khả quan của tôi đã khuyến khích ông ta. Ông ta bận tâm về những hải trình đến các vùng có nguyên liệu thô, đặc biệt là dầu mỏ, và đến các thị trường của họ. Các vấn đề này đã từng dẫn họ đến Chiến tranh Thế giới thứ hai. Khi đó họ có khả năng quân sự để giải quyết, nhưng sau chiến tranh thì không còn nữa. Vị Thủ tướng kế tiếp, ông Kakuei Tanaka, cũng nêu lên vấn đề này vào tháng 5 năm 1973 lúc tôi đến Tokyo. Khi tôi nói với ông ta rằng chúng tôi có thể cùng nhau làm việc để chống lại bất kỳ đề nghị nào của các quốc gia trong vùng là thu thuế đường biển của các tàu đi ngang qua eo biển, thì ông ta mới thấy yên lòng.

Hai năm sau, khi tôi đến thăm Thủ tướng Takeo Miki, ông ta đã biểu lộ sự cảm kích và chân thành về sự giúp đỡ của chúng tôi trong hai tai nạn ở eo biển Singapore có liên quan đến các tàu chở dầu của người Nhật – một tai nạn đã gây nên sự giận dữ của các nước láng giềng với chúng tôi. Vào tháng giêng năm đó, tàu Showa Maru đã bị mắc cạn ở Buffalo Rock, cách Singapore vài kilomet, đã gây nên một vết dầu loang kéo dài 20km (khoảng 12 dặm). Đã có những nỗi lo sợ về nạn ô nhiễm đáng kể đối với vùng biển của các nước Indonesia, Malaysia và Singapore. Chuyên gia về cảng biển của chúng tôi đã lập tức khẩn trương chở các chất tẩy chống ô nhiễm đến để phân tán các vết dầu loang. Sau đó vào tháng 4, tàu Tosa Maru va chạm với một tàu chở dầu khác ngoài khơi đảo St. John ngay gần Singapore và bị vỡ làm hai. May là nó đã dỡ hết dầu mỏ nên đã không gây ô nhiễm. Tuy nhiên, các chính quyền Indonesia và Malaysia đã công khai đòi thu thuế đường biển để bù đắp tổn thất cho các quốc gia ven biển, đồng thời cũng giới hạn về trọng tải của các tàu được phép đi ngang eo biển Malacca. Vấn đề này rất hệ trọng đối với nước Nhật đến nỗi mà trong suốt cuộc viếng thăm đó của phó Thủ tướng Takeo Fukuda và Bộ trưởng Ngoại giao Kiichi Miyazawa, cả hai đã từng người một cảm ơn tôi về sự giúp đỡ của chúng tôi.

Chính quyền Nhật, hơn các cường quốc lớn khác, đánh giá sự quan trọng của một quốc gia đang phát triển tùy theo giá trị kinh tế của nước đó đối với Nhật. Singapore không có tài nguyên thiên nhiên nên họ đánh giá chúng tôi thấp. Chẳng hạn, để người Nhật giúp đỡ chúng tôi trong việc đầu tư một nhà máy hóa dầu, chúng tôi phải làm cho họ nhớ lại rằng tàu của họ đang đi ngang qua eo biển Malacca sẽ gặp vấn đề trong việc thu thuế quá cảnh nếu Singapore gia nhập với các nước ven biển khác như Indonesia và Malaysia. Nỗi lo lắng của Nhật đối với eo biển Malacca chỉ dịu bớt sau hội nghị của Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982, ban hành quyền quá cảnh miễn phí qua các eo biển quốc tế.

Suốt trong những năm tôi còn làm Thủ tướng, tôi đã khuyến khích sự đầu tư của người Nhật vào Singapore. Khi Thủ tướng Sato đến thăm Singapore vào tháng 9-1967, tôi đã công khai nói với ông ta rằng người Singapore không có sự hạn chế nào đối với vốn liếng, kỹ thuật cùng các nhà quản lý hoặc chuyên môn của Nhật, rằng người Nhật được giao nhiệm vụ dẫn dắt các nước châu Á còn lại tiến hành công nghiệp hóa. Tôi đã nói chuyện với các nhà tư bản công nghiệp Nhật ở trong Keidanren – một hiệp hội của các nhà tư bản công nghiệp lớn của họ rằng, chúng tôi nghênh đón bất kỳ ngành kỹ nghệ nào mà Singapore có lợi thế về tiền lương hoặc chi phí vận chuyển. Một năm sau, ủy ban phát triển kinh tế (EDB) của chúng tôi đã thiết lập một văn phòng tại Tokyo, nhưng vào đầu những năm 1970, người Nhật đã không sẵn sàng chuyển các nhà máy của họ ra nước ngoài. Họ đang bít kín sản xuất công nghiệp của họ chỉ trong nước Nhật. Chỉ vào những năm 1980, khi người Mỹ gây áp lực về thặng dư mậu dịch đang gia tăng của họ, thì họ mới bắt đầu sản xuất tại Mỹ. Và khi châu Âu ngăn chặn các sản phẩm của họ thì người Nhật mới bắt đầu sản xuất ở đó, đặc biệt là tại Anh để xuất khẩu sang cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC).

Tiêu biểu cho phong cách cẩn thận và kỹ lưỡng của các công ty Nhật đã đầu tư ở nước ngoài là phương hướng mà hãng Seiko đã quyết định xây dựng nhà máy của họ ở Singapore. Chúng tôi đã mất hơn 3 năm vào đầu thập niên 70 để thuyết phục hãng Seiko xây dựng một nhà máy sản xuất đồng hồ tại Singapore. Nhân viên của Ủy ban phát triển kinh tế của chúng tôi tại Tokyo là Wong Meng Quang đã được đào tạo tại một trường đại học của Nhật hiểu rất rõ về ngôn ngữ và văn hóa của họ. Seiko đã không tin rằng có bất cứ một nơi nào ở Đông Nam Á có những kỹ nghệ hỗ trợ và có lực lượng lao động được đào tạo và huấn luyện tốt đủ để đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật chính xác của họ. Wong đã làm việc tích cực để thuyết phục họ rằng sẽ có ngày các đồng hồ thạch anh (quartz) rẻ tiền hơn sẽ không kinh tế nếu sản xuất tại Nhật, họ nên nghĩ đến Singapore. Anh ta đã tranh thủ tình cảm vị giám đốc phụ trách về kỹ thuật và sản xuất. Sau một vài chuyến khảo sát, nhiều bản báo cáo khả thi cùng vô số các đảm bảo hỗ trợ cần thiết khác mà chúng tôi cung cấp, cuối cùng họ đã quyết định đầu tư. Tôi đã khánh thành xưởng sản xuất đầu tiên của họ vào năm 1976. Nếu họ đã rất kỹ lưỡng và cẩn thận trước khi quyết định đầu tư, thì sau quyết định đó họ đã cố gắng rất lớn để đảm bảo cho sự thành công của họ. Họ sớm từ bỏ các nghi ngờ về tiêu chuẩn của công nhân chúng tôi và đã nâng cấp lên sản xuất các công cụ có độ chính xác, các kỹ nghệ về người máy và các hệ thống tự động.

Vào năm 1969, chúng tôi quan tâm đến một dự án hóa dầu. Trước hết tôi yêu cầu sự hỗ trợ của chính quyền Miki vì chúng tôi biết rằng, không như người Mỹ hay người châu Âu, chính quyền tại Nhật đóng vai trò rất quan trọng trong dạng đầu tư này và sự hỗ trợ của họ thường mang tính quyết định. Tháng 5-1975, tôi đã gặp ông Norishige Hasegawa, chủ tịch Tổng công ty hóa chất Sumitomo. Ông ta sẵn lòng đưa công ty của ông ta tham gia vào một dự án như vậy nhưng ông ta nói rằng chính quyền Nhật không hỗ trợ việc đó. Ông ta yêu cầu tôi phải đạt được một lời cam kết hỗ trợ công khai từ phía Thủ tướng Nhật. Thủ tướng Miki miễn cưỡng thực hiện việc này bởi vì Indonesia, một nước sản xuất dầu mỏ muốn một dự án hóa dầu cho chính nước họ. Tôi đã thuyết phục ông Miki không cho phép nước Nhật bị các quốc gia giàu tài nguyên gây áp lực mà bỏ mất một cuộc đầu tư có lợi. Tôi cũng đã nhắc cho ông ta nhớ lại việc Singapore đã giúp đỡ dàn xếp ổn thỏa việc hai chiếc tàu chở dầu bị rò rỉ của Nhật và hy vọng ông ta sẽ hỗ trợ cho dự án của công ty Sumitomo. Sau đó, ông ta đã tuyên bố một lời ngắn rằng: mặc dù đó là một dự án đầu tư của tư nhân nhưng chính phủ Nhật quan tâm sâu sắc đến nó và sẵn sàng ủng hộ.

Hai năm sau, vào tháng 5 năm 1977, người kế vị của ông Miki là ông Takeo Fukuda đã tán thành dự án hóa dầu giữa Singapore và Nhật Bản với công ty Sumitomo đóng vai trò là một lãnh đạo dự án về phía người Nhật. Không có ông ta thì dự án sẽ không bao giờ thành hiện thực. Một khoản đầu tư hơn một tỷ đôla Mỹ được xem là rất lớn vào năm 1977 và hóa dầu được coi là lãnh vực đòi hỏi tập trung vốn quá lớn và kỹ thuật quá cao đối với Singapore. Mặc dù thế, còn phải cần đến sự can thiệp của Thủ tướng Yasuhiro Nakasone khi ông ta viếng thăm Singapore vào năm 1983 để làm cho dự án thực sự vận hành. Sau một thời gian ngắn, dự án được tiến hành trên cơ sở vốn 50:50. Nó đã xuất phát chậm chạp để đi vào hoạt động trong một thời kỳ mà cung đã vượt cầu nhưng cũng có lãi và kéo theo một số khoản đầu tư lớn vào các sản phẩm hạ nguồn (các sản phẩm chế tạo từ dầu mỏ).

Các Thủ tướng Nhật mà tôi đã từng gặp, từ ông Ikeda năm 1962 đến ông Miyazawa năm 1990, đều là những người có năng lực đáng kể. Một người nổi bật như một viên kim cương thô là Kakuei Tanaka – người mà tôi đã gặp vào tháng 5 năm 1973 tại Tokyo. Ông ta có tiếng là một loại xe ủi đường, một con người có đầu óc như một máy tính mạnh, một nhà thầu xây dựng chiến đấu để vươn lên từ địa vị thấp. Với một chiều cao trung bình của người Nhật, hơi đậm và vạm vỡ, ông ta là người có nghị lực. Sự cộc cằn và thẳng thừng trong tính cách của ông ta làm ông khác biệt với các Thủ tướng Nhật khác. Họ phần lớn đều tốt nghiệp từ Đại học Hoàng gia Tokyo hoặc một vài học viện nổi tiếng khác để rồi trở thành những viên chức và sau đó leo lên đến đỉnh cao của ngành dân chính và tham gia vào giới lãnh đạo của đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party – LDP). Ông Tanaka thì chưa bao giờ học đại học nhưng ông ta thừa năng lực cho công việc.

Thật dễ chịu khi trò chuyện với một lãnh tụ người Nhật luôn sẵn sàng giải bày quan điểm không hạn chế, ngay cả với những vấn đề nhạy cảm như tình cảm bài Nhật ở Đông Nam Á. Nước Nhật khi đó bị rắc rối với việc các sinh viên Thái biểu tình chống đối việc khai thác kinh tế của Nhật tại Bangkok. Tôi nói việc đó không phải chỉ cần phái Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp của họ, ông Nakasone, đến để vỗ về người Thái là đủ; nếu ông Tanaka không muốn những vấn đề như vậy nhức nhối thêm thì ông ta phải biểu lộ cho người Thái, người Indonesia và người Philippine thấy rằng ngoài việc khai thác các nguyên liệu thô của họ, người Nhật còn quan tâm đến việc giúp họ công nghiệp hóa. Tôi đã nhắc lại những lập luận này với các thủ tướng khác của Nhật nhưng không có tác dụng nhiều.

Trong vòng 8 tháng, vào tháng 1 năm 1974, tôi đã tiếp đón ông Tanaka tại Singapore. Khi ông ta từ máy bay bước xuống, khuôn mặt ông ta cong oằn với đôi môi và cái má bị nhăn về một phía. Ông ta không hề ngượng ngập và giải thích rằng thật ra ông có vấn đề về thần kinh vốn cần có thời gian để giải quyết. Ông ta toát ra vẻ tự tin mạnh mẽ.

Ông ta đã từ chức vào cuối năm 1974 do vụ hối lộ khi mua máy bay của hãng Lockheed, nhưng vẫn còn là nhân vật quyền lực trong đảng Dân chủ Tự do cho đến khi ông ta qua đời năm 1993.

Ông Takeo Fukuda là một người đàn ông mảnh khảnh, chỉnh tề và dẻo dai với một nét tinh quái biểu lộ trên khuôn mặt nhỏ và thanh nhã. Tôi đã gặp ông ta vào tháng 5 năm 1977 sau khi ông ta trở thành Thủ tướng. Qua các buổi gặp gỡ trước đây khi ông ta còn là bộ trưởng, tôi biết ông ta có một đầu óc sắc bén, rộng rãi và có sự quan tâm bao quát. Có một lần, để trình bày nước Nhật đã bị thiệt hại như thế nào, ông ta đã móc từ túi áo trên ra một cuốn sổ bỏ túi và đọc lên kích thước của khu vực kinh tế được mở rộng của Nhật (Extended Economic Zone – EEZ) so với Mỹ. Ông ta đã giữ lại các số liệu và hình ảnh hữu ích gồm cả số dặm vuông mà mỗi quốc gia có được như vùng kinh tế được mở rộng theo Luật biển.

Vào tháng 8, ông Fukuda đến thăm Singapore sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Kuala Lumpur. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện một tiếng rưỡi đồng hồ. Các bộ trưởng của chúng tôi đồng ý thiết lập một trung tâm đào tạo Nhật – Singapore và những khoản đóng góp của các công ty Nhật cho trung tâm được khấu trừ thuế. Người Nhật yêu cầu chúng tôi dành một khoảng thời gian chuyển tiếp 5 năm trước khi UKC (Under Keel Clearance tức mớn nước của một con tàu) 3,5 mét – chừng 4 yard, được áp dụng đối với các tàu dầu của Nhật đi qua eo biển Malacca. Mặc dầu Indonesia, Malaysia và Singapore đã đồng ý rằng điều đó sẽ được thi hành sau ba năm rưỡi nhưng tôi hứa sẽ cố gắng gia hạn đến 5 năm. Chúng tôi đã thành công.

Lúc đó, tôi phản đối với Fukuda rằng các quan chức của ông ta đã nói về Singapore không phải như là một quốc gia đang phát triển mà như là một quốc gia được công nghiệp hóa và không được quyền vay ưu đãi từ Nhật. Nếu họ đối xử với chúng tôi như một quốc gia công nghiệp hóa trong khi chúng tôi chưa phải như vậy thì sớm muộn gì cộng đồng kinh tế châu Âu và Hoa Kỳ cũng đối xử với chúng tôi như vậy. Chúng tôi sẽ mất đi quyền được hưởng GSP (General Scheme of Preferences – Chính sách cho phép các nước đang phát triển được miễn thuế nhập khẩu) và những lợi thế khác trước khi chúng tôi có thể cạnh tranh trên điều kiện ngang bằng. Ông Fukuda ghi lại và họ đã ngưng đưa ra vấn đề này. Mấy năm sau, vào giữa những năm 1980, chính hội đồng châu Âu ở Brussels là bên đã đòi đặt lại vấn đề về địa vị quốc gia đang phát triển của Singapore.

Fukuda vẫn còn ảnh hưởng trong nền chính trị Nhật sau khi ông về hưu với tư cách là một nghị sĩ quốc hội. Con trai ông giành được chiếc ghế mà ông đã để lại (xin thôi) do lòng trung thành sâu sắc của các cử tri người Nhật. Khi ông qua đời vào năm 1995, nước Nhật đã mất đi một nhà lãnh đạo khôn ngoan, giàu kinh nghiệm và thông thái. Ông đã nắm chắc các vấn đề của thế giới ở cuối thế kỷ 20 và đã hiểu được rằng nước Nhật không thể sống cô lập.
Tôi đã chính thức viếng thăm Nhật vào tháng 10 năm 1979, sau khi ông Masayoshi Ohira kế tục ông Fukuda. Nghi thức ngoại giao của người Nhật đã thay đổi theo thời gian, không còn yêu cầu đội mũ phớt đen và mang găng tay màu xám. Chúng tôi ở tại dinh Asakasa. Chúng tôi đã ăn trưa với Nhật hoàng Hirohito và Hoàng hậu, sau đó dùng bữa tối với Thủ tướng.

Ông Ohira có một khuôn mặt lớn, tươi cười, đôi má đầy đặn và rất dễ cười thành tiếng. Vị cử nhân của đại học Hitotsubashi đã từng làm việc ở Bộ Tài chính, ông là một nhà lãnh đạo thận trọng và có năng lực. Tôi đã lôi kéo sự chú ý của ông ta về ý nghĩa của sự hợp tác Nhật Bản – Singapore qua các dự án như trung tâm đào tạo Nhật – Singapore, trung tâm đào tạo về phần mềm, phân khoa Nhật học của đại học Singapore và sự kết nghĩa của hai khoa kỹ thuật giữa Đại học Singapore và Đại học Nhật Bản – đối với các nước láng giềng của chúng tôi. Việc này đã được các nước láng giềng của chúng tôi nghiên cứu một cách cẩn thận. Vì Singapore đã thành công nên các nước nhận thức được giá trị của việc đào tạo cũng như kiến thức và muốn hợp tác nhiều hơn với Singapore và Nhật. Ông ta đã đồng ý với lời yêu cầu của tôi về việc giúp đỡ phát triển nguồn nhân lực, nói thêm là chủ đề này gần gũi với tâm tư của ông ta. Khi ông Ohira chết bất ngờ một năm sau đó, tôi đã mất một người bạn.

Ông Zenko Suzuki, người kế nhiệm ông Ohira đã sang thăm Singapore và các nước Asean khác vào tháng 1 năm 1981. Tôi cố thuyết phục ông ta lưu ý đặc biệt đến các nước Asean theo cách châu Âu đã thực hiện cho châu Phi tại hội nghị Lomé. Ông Suzuki đã dứt khoát đồng ý. Ông ta đã quyết định tiến hành chuyến viếng thăm đầu tiên là đến các Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, mặc dầu theo truyền thống thì chuyến viếng thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật ra nước ngoài là đến Washington. Chỉ sau đó ông ta mới đến Washington rồi tiếp đó đến hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ottawa. Ông ta đã tuyên bố nước Nhật là một phần của châu Á và khi đã là quốc gia duy nhất công nghiệp hóa cao thì phải có trách nhiệm đặc biệt với châu Á và có ý định làm việc với châu Á.

Sự thay đổi về thái độ của ông ta thật quan trọng. Không thể tưởng tượng được rằng một Thủ tướng Nhật có thể xoay xở điều này mà không có sự hỗ trợ nào của các quan chức đầy quyền lực khác. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ông ta đã kể lại việc Liên Xô đã tiếp cận với Nhật như thế nào để xin giúp đỡ phát triển kinh tế ở vùng Siberia. Nếu Liên Xô không thay đổi các chính sách của họ tại Afganistan và Việt Nam thì Nhật sẽ không trợ giúp kinh tế cho Siberia mặc dầu Liên Xô đã yêu cầu Nhật tách riêng vấn đề kinh tế ra khỏi chính trị. Tôi đã ủng hộ lập trường này của ông ta: Nếu Nhật, châu Âu và Hoa Kỳ giúp đỡ cho Liên Xô che đậy các thất bại của hệ thống xã hội của họ thì họ sẽ tiếp tục gây rắc rối cho thế giới. Không có sự giúp đỡ bên ngoài, trong vòng 15 đến 20 năm, họ sẽ phải đương đầu với các vấn đề nghiêm trọng hơn cả các vấn đề của Ba Lan. Ông Suzuki đã đồng ý.

Là một người tốt nghiệp ở Viện đào tạo ngư nghiệp (bây giờ là Đại học ngư nghiệp Tokyo); ông ta là một chuyên gia trong lĩnh vực đó. Tôi đã có một bữa ăn tối thú vị cùng ông ta và khám phá những điều huyền bí trong ngư nghiệp cũng như về kỹ nghệ đánh cá ở Nhật. Ông ta sử dụng nhiều ẩn dụ có liên quan tới cá. Khi tôi đề nghị rằng Nhật nên tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cho các công nhân Đông Nam Á có năng suất và tài năng như người Nhật; ông ta đã đồng ý và nói: “Nếu bạn cho một người nào đó một con cá thì anh ta chỉ có được một bữa ăn, nếu bạn dạy cho anh ta cách câu cá thì…”. Ông ta sẽ dành một trăm triệu đôla cho một trung tâm đào tạo ở mỗi quốc gia Đông Nam Á, và một tại Okinawa. Ông ta nói chìa khóa để có nền kinh tế hiện đại là thông qua việc đào tạo chứ không phải việc trợ cấp hay cho vay ưu đãi.

Bởi vì hầu hết các Thủ tướng Nhật sau ông Sato đều không tại chức quá hai năm nên thật là khó để thiết lập các mối quan hệ cá nhân sâu đậm với họ. Những sự thay đổi thủ tướng và các bộ trưởng ít tạo sự khác biệt gì nhiều và người Nhật tiếp tục đạt được tốc độ phát triển cao. Các nhà bình luận nước ngoài qui điều này cho năng lực và thẩm quyền của bộ máy hành chính. Tôi cho rằng họ đã đánh giá thấp khả năng của những người đã lần lượt trở thành Thủ tướng và Bộ trưởng trong nội các. Họ đều là những người được tiến cử từ hàng ngũ đảng viên hàng đầu của đảng Dân chủ Tự do, tất cả họ đều có khả năng, có kinh nghiệm và có cùng quan điểm.

Ông Yasuhiro Nakasone, nguời kế vị ông Suzuki, tại vị ghế Thủ tướng trong 5 năm từ năm 1982. Ông ta nói tiếng Anh giọng Nhật, với một âm thanh vang dội, nhấn mạnh và đầy sinh lực. Ông ta đã từng là một đại úy hải quân (người phát lương) trong Hải quân Hoàng gia Nhật và rất hãnh diện về điều này. Cao và vạm vỡ, trán rộng và bắt đầu hói, ông ta toát ra năng lực và ý thức kỷ luật. Ông ta thường ngồi thiền hai giờ một tuần tại một ngôi đền, trong tư thế thẳng lưng và hai chân chéo nhau như một bông sen, ông ta cũng khuyên tôi nên làm như vậy. Tôi đã thử theo lời khuyên của ông ta với sự giúp sức của một người bạn – một bác sĩ theo đạo Phật được đào tạo ở Tây phương – tôi đã học được cách thức làm như thế nhưng chỉ nửa giờ mỗi lần. Sau này, tôi ngồi thiền hàng ngày, nó có ích hơn việc dùng thuốc an thần.

Ông ta không có những cách hạ mình khiêm nhượng của hầu hết các nhà lãnh đạo Nhật. Khi tôi đến thăm vào tháng 3 năm 1983, ông ta đã tiếp tôi và nói rằng thật hạnh phúc khi niềm hi vọng được tiếp tôi tại văn phòng Thủ tướng của ông ta đã trở thành hiện thực. Ông ta quan tâm đến phản ứng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về điều mà ông ta gọi là: “Việc gia tăng không đáng kể kinh phí quốc phòng của Nhật”. Khi ông ta phụ trách về lĩnh vực quốc
phòng, ông ta đã tỏ các quan điểm hiếu chiến là Nhật phải tự phòng thủ. Bây giờ, ông ta bào chữa rằng Thượng nghị viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Nhật gia tăng chi phí quốc phòng. Ông ta muốn trấn an các nước láng giềng rằng Nhật không trở thành một quốc gia quân phiệt bởi vì họ cải tiến lực lượng phòng thủ để có thể, trong tình trạng khẩn cấp, phòng thủ ba eo biển là Soya, Tsugaru, và Tsushima ở quanh các quần đảo của Nhật. Ông ta cho rằng đó cũng là chính sách của các nội các trước đây mặc dầu nó không được công khai tuyên bố.

Khi ông ta viếng thăm Singapore vào năm 1983, tôi đã kể lại rằng: mười năm trước đây, cũng trong cùng văn phòng nội các đó, tướng Ichiji Sugita (nay đã nghỉ hưu), người mà khi còn là trung tá, đã vạch kế hoạch cho tướng Tomoyuki Yamashita xâm lược Malaya, đã xin lỗi tôi về vai trò của họ. Ông ta quay trở lại vào năm 1974 và 1975 cùng với các sĩ quan đồng ngũ còn sống sót của ông ấy để chỉ dẫn tường tận cho Lực lượng vũ trang Singapore những kinh nghiệm của họ trong suốt thời gian ở Malaya và cuộc tấn công cuối cùng của họ để giành được Singapore. Nhiều việc đã xảy ra ở Istana kể từ khi tướng Yamashita ở lại đó sau khi ông ta chiếm giữ nó. Chúng tôi không được phép tự làm ngơ trước quá khứ mà hãy làm việc để tiến đến một tương lai không có sự ngờ vực. Ông ta đã diễn tả bằng tiếng Anh “một lòng biết ơn chân thành” về thái độ của tôi.

Nỗi sợ hãi sâu xa nhất của dân chúng Nhật về việc vướng vào một cuộc chiến gây xung đột vốn không thể chiến thắng mà còn bị trừng trị đã làm chậm lại chính sách quốc phòng vững mạnh của chính phủ Nakasone. Các cuộc thăm dò ý kiến đã cho thấy dân chúng ủng hộ thái độ phòng thủ vừa phải. Vì tính cách thẳng thắn của ông ta nên chúng tôi trò chuyện rất thoải mái khi chúng tôi gặp gỡ nhau trong các bữa ăn trưa và tối tại Tokyo một thời gian lâu sau khi ông ta không còn làm Thủ tướng.

Quyền hành của đảng Dân chủ Tự do bắt đầu bị tuột dốc vào những năm cuối thập niên 1980. Hệ thống đã làm việc tốt trong 35 năm cũng không thể đương đầu lâu hơn nữa với các tình huống đã thay đổi trong nước và quốc tế. Đảng Tự do Dân chủ liên tục bị công kích bởi các phương tiện truyền thông về những xì căng đan tham nhũng nối tiếp nhau. Các phương tiện thông tin đại chúng của người Nhật đã quyết định đưa ra công chúng mối quan hệ mật thiết giữa các nhà chính trị của Đảng Tự do Dân chủ với các thương gia lớn, đặt biệt là các nhà thầu xây dựng cùng các viên chức hàng đầu.

Ông Noboru Takeshita, người kế vị ông Nakasone làm Thủ tướng vào năm 1987 là một người đàn ông nhỏ nhắn nhưng sang trọng, đã tốt nghiệp trường Đại học Waseda chứ không phải Todai. Ông ta luôn luôn nói năng nhỏ nhẹ và trang trọng trong giao tiếp xã hội. Khuôn mặt hay cười của ông ta che giấu việc ông là một người đấu tranh chính trị khôn ngoan, sắc sảo. Cách lãnh đạo của ông cẩn trọng hơn so với ông Nakasone, nhưng có thể giữ được lời hứa.

Ông Takeshita là Thủ tướng trong thời kỳ người Nhật đang dấy lên hy vọng sẽ lấy lại được các đảo ở Kurile từ phía Liên Xô. Ông Gorbachev (Tổng thống Liên Xô) cần một sự trợ giúp tài chính quốc tế. Người Nhật sẵn sàng hào phóng để miễn là được giao lại bốn hòn đảo của họ hoặc ít nhất có một sự cam đoan mạnh mẽ là sẽ giao trả lại chúng. Tại Tokyo, vào thời gian tang lễ của Hoàng đế Hirohito tháng 2 năm 1989, ông Takeshita đã bảo với tôi rằng Liên Xô đã không nhân nhượng trong vấn đề chiếm giữ bốn hòn đảo này. Sau này, ông ta đã gởi cho tôi một bức điện báo yêu cầu tôi đưa ra một sự ủng hộ việc trả lại các hòn đảo đó cho Nhật khi Thủ tướng Liên Xô là ông Ryzhkov viếng thăm Singapore vào đầu năm 1990. Một lần tôi đã hỏi Thủ tướng Takeo Miki rằng tại sao Liên Xô, một nước đã có nhiều lãnh thổ ở châu Âu và châu Á lại muốn 4 hòn đảo ngoài khơi bán đảo Kamchatka. Khuôn mặt của ông Miki tối sầm lại và nói một cách giận dữ rằng người Nga quá tham lam về lãnh thổ. Điều gì đã xảy ra cho dân cư Nhật sống tại các hòn đảo ở Kurile?. Ông ta trả lời với một sự phẫn nộ: “Mỗi công dân Nhật độc thân sẽ bị dời đi và gởi trả về nước Nhật”. Ông Takeshita chia sẻ mong muốn thiết tha lấy lại 4 hòn đảo. Khi ông Ryzhkov thăm Singapore, tôi đã đưa ra vấn đề về 4 hòn đảo. Câu trả lời của ông ta hoàn toàn có thể tiên đoán được: “Không có sự tranh chấp về 4 hòn đảo. Chúng là của Liên Xô”.

Trong nhiệm kỳ 2 năm nhiệm chức của Takeshita, một vụ xì căng đan có liên quan tới một công ty dịch vụ việc làm tên là Recruit đã nổ ra. Một người – được coi là cánh tay phải của ông ta – bị cho là đã nhận một khoản tiền vì mục đích chính trị và đã tự sát. Điều này khiến ông Takeshita rất buồn phiền và từ chức Thủ tướng.

Sau một loạt các xì căng đan xảy ra, quần chúng cần một “gương mặt trong sạch” để làm Thủ tướng. Mặc dù lãnh đạo nhóm thiểu số trong Đảng Dân chủ Tự do, Toshiki Kaifu vẫn trở thành Thủ tướng vào năm 1989. Ông ta là một người vui vẻ, thích giao tiếp, và được biết đến là một “ông thanh liêm”. Trong khi ông ta không được thông thái như ông Miyazawa, hoặc kiên quyết như ông Nakasone, hay đấu tranh quyết liệt như ông Takeshita, thì ông ta lại có được khả năng tiếp xúc với mọi người một cách chan hòa.

Trong suốt nhiệm kỳ 2 năm tròn của ông ta, ông ta phải đối diện với các vấn đề mà ông Nakasone hẳn sẽ rất thích thú giải quyết do tính cách quyết liệt của ông ấy. Người Mỹ muốn nước Nhật gởi quân đội đến vùng Vịnh để chống Irak. Ông Kaifu đã hỏi ý kiến các vị lãnh đạo của các phe phái và cuối cùng quyết định không gởi quân, thay vào đó, họ đã góp 13 tỉ đôla Mỹ như một sự đóng góp của Nhật cho cuộc hành quân này.

Phương Tây đã nhận thức được sức mạnh kinh tế của Nhật, bắt đầu từ năm 1975, họ đã mời các lãnh tụ của Nhật đến tham dự hội nghị thượng đỉnh G – 5. Nhưng nước Nhật đã phải đương đầu với các trở ngại trong việc tìm kiếm một vai trò như là một cường quốc kinh tế chính; điều nghiêm trọng nhất là thái độ của các lãnh tụ Nhật về các tội ác chiến tranh. Họ tệ hơn so với Tây Đức, những người đã công khai thú nhận và xin lỗi về tội ác của họ trong thời chiến, cũng như đã bồi thường cho các nạn nhân, đồng thời giáo dục lớp người Đức trẻ tuổi hơn về lịch sử tội ác chiến tranh của họ để họ có thể tránh gây ra những lỗi lầm tương tự. Trái lại, các lãnh tụ Nhật vẫn còn giữ thái độ mập mờ và lẩn tránh. Có lẽ họ không muốn làm nản lòng dân chúng hoặc sỉ nhục tổ tiên và Nhật hoàng của họ. Dù lý do thế nào đi chăng nữa thì các Thủ tướng kế tiếp của Đảng Dân chủ Tự do cũng không đối diện với quá khứ của họ.

Ông Kaifu lần đầu tiên đề cập đến quá khứ trong môt bài diễn văn đáng nhớ vào tháng 5 năm 1990 tại Singapore. Ông ta đã bày tỏ: “Sự hối lỗi chân thành về các hành động trong quá khứ của người Nhật đã gây ra đau khổ không thể chịu đựng được và những nỗi bất hạnh cho các dân tộc ở vùng châu Á Thái Bình Dương… Dân chúng Nhật kiên quyết không bao giờ lặp lại những hành động này, những hành động đã gây ra những hậu quả thảm thương…”. Đó là một lời xin lỗi ngắn gọn. Ông ta đã nói với thái độ chân thật và chấp nhận thực tế.

Tôi đã nêu lên cho ông Kaifu thấy sự khác biệt giữa thái độ của người Đức và người Nhật đối với các việc làm trong chiến tranh. Khi các kỹ nghệ gia và các chủ ngân hàng người Đức đưa cho tôi các bản sơ yếu lý lịch của họ, họ liệt kê trung thực các kinh nghiệm của họ trong suốt thời kỳ chiến tranh – như chiến đấu trong các chiến dịch ở Stalingrat hay ở Bỉ nơi họ đã bị người Liên Xô, người Mỹ hay người Anh bắt làm tù binh, cùng cấp bậc của họ cũng như các huy chương mà họ đạt được. Nhưng các sơ yếu lý lịch của người Nhât lại để trống không khai gì trong khoảng thời gian từ năm 1937 đến 1945; cứ như những năm tháng này không tồn tại vậy. Đó là dấu hiệu chứng tỏ rằng họ không muốn nói về chúng. Không ngạc nhiên gì nữa, một bức màn ngăn cách giữa người Nhật và những người mà họ có quan hệ làm ăn, đang tạo nên một sự ngờ vực và không tin tưởng. Tôi đề nghị người Nhật phải học hỏi phương cách người Đức giáo dục thế hệ tiếp theo về lịch sử của họ để không lặp lại các lỗi lầm tương tự. Ông Kafu nói rằng ông ta được khuyến khích bởi những ý kiến đưa ra của tôi và nhấn mạnh rằng nước Nhật đang thay đổi. Ông ta nói rằng: ông ta là Thủ tướng đầu tiên sau chiến tranh không xuất thân từ nền tảng quân đội. Vào năm 1945, ông ta vẫn còn là một sinh viên trẻ; trong những năm 1960, ông tham gia vào quá trình dân chủ hóa đất nước. Ông ta muốn xem xét đến nhiệm vụ giáo dục lớp trẻ về sự thật của Chiến tranh Thế giới Thứ II và sẽ duyệt lại các sách giáo khoa ở trường học. Ông ta không tại vị đủ lâu để theo đuổi việc này trước khi ông Kiichi Miyazawa lên kế vị.

Thấp và có vẻ hoạt bát, với một vẻ dò hỏi biểu lộ trên khuôn mặt tròn, cặp lông mày rậm của ông Miyazawa nhăn lại mỗi khi ông ta suy nghĩ về một vấn đề. Ông ta mím môi trước khi phát biểu các suy nghĩ một cách dè chừng và cẩn thận. Ông ta đập vào mắt tôi như là một học giả hơn là một chính trị gia và lẽ ra ông đã có thể dễ dàng ở lại làm một giáo sư ở Đại học Todai, nơi mà ông đã tốt nghiệp nếu ông chọn một nghề trong giới học sĩ. Thay vào đó, ông ta trở thành một quan chức trong Bộ Tài chính.

Năm 1991, các phương tiện thông tin đại chúng đã trích dẫn lời tôi rằng: Việc để người Nhật tái trang bị vũ khí cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Campuchia giống như “đưa nước sôcôla pha rượu mùi cho một gã nghiện”. Tại một buổi ăn trưa với các lãnh tụ khác của Đảng Dân chủ Tự do ở Tokyo không lâu trước khi ông ta tiếp nhận chức vụ Thủ tướng, ông Miyazawa đã hỏi tôi rằng tôi nói như vậy là có ý nghĩa gì. Tôi đã đáp lại rằng rất khó thay đổi văn hóa của người Nhật. Người Nhật đã có một tập quán ăn sâu vào tâm thức là phải hoàn thành và đi tới đỉnh cao bất cứ việc gì họ làm; dù là việc cắm hoa, làm kiếm hay chiến tranh. Tôi không tin rằng Nhật có thể lặp lại được các hành động mà họ đã làm trong khoảng từ 1931 đến 1945 bởi vì bây giờ Trung Quốc đã có bom nguyên tử. Nhưng nếu Nhật muốn đóng vai trò như một hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thì các nước láng giềng cần phải cảm thấy Nhật đáng tin cậy và xứng đáng là một lực lượng hòa bình. Ông Miyazawa đã hỏi liệu các diễn tả của ông Kaifu về sự ăn năn, hối hận tự nó là một cảm xúc chân thành không. Tôi đã nói rằng đó là một khởi đầu tốt đẹp nhưng đó không phải là một lời xin lỗi. Khi là Thủ tướng, trong lời tuyên bố đầu tiên của ông Miyazawa ở Quốc hội vào tháng 1 năm 1992 đã diễn tả sự ăn năn và thương tiếc thật lòng về các đau khổ không thể chịu được và các nỗi bất hạnh mà dân chúng ở vùng châu Á Thái Bình Dương đã phải chịu đựng. Không như ông Nakasone là một người hiếu chiến, ông Miyazawa là một người yêu hòa bình. Ông ta đã luôn luôn ủng hộ cho sự liên minh Nhật-Mỹ và chống lại việc tái trang bị vũ khí. Vốn tiếng Anh của ông ta rất lưu loát với sự phong phú về từ vựng đã giúp cho việc trao đổi quan điểm một cách bộc trực và dễ dàng. Ông ta nhanh chóng đề cập đến các quan điểm và chống lại bất cứ quan điểm nào mà ông ta không chấp nhận – nhưng rất lịch sự. Chúng tôi đã là những người bạn tốt trong nhiều năm trước khi ông ta trở thành Thủ tướng.

Ông Miyazawa quan ngại về việc Trung Quốc sẽ trở thành một nước như thế nào với tốc độ phát triển cao của họ. Cũng như ông Sato vào năm 1968, ông Miki năm 1975, và ông Fukuda vào năm 1977, ông Miyazawa đã thảo luận chi tiết về Trung Quốc. Ngay cả khi Trung Quốc bị cô lập với thế giới và đình đốn kinh tế thì các lãnh tụ Nhật cũng chú ý đến họ một cách cẩn trọng. Sau chính sách mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình, người Nhật đã tăng cường tập trung vào nước láng giềng có mức tăng trưởng từ 8% đến 10% hằng năm và có thể thách thức tính ưu việt của Nhật tại Đông Á. Điều quan ngại của ông Miyazawa là nước Trung Quốc mạnh, không có sự kiểm tra và cân bằng của một hệ thống dân chủ và một nền báo chí tự do, sẽ ảnh hưởng đến an ninh của Nhật và Đông Á. Phần lớn các lãnh tụ của Nhật tin rằng thỏa thuận của họ với Hoa Kỳ sẽ bảo đảm an ninh trong 20 năm. Miyazawa và các nhà lãnh đạo Nhật Bản lo lắng về một tương lai xa. Sự lo sợ không thể nói lên được của họ là: một ngày nào đó người Mỹ sẽ không thể duy trì sự hiện diện có ưu thế hơn về quân sự của họ và sẽ không bằng lòng phòng thủ Nhật Bản. Họ không chắc chắn rằng liệu Trung Quốc sẽ là một lực lượng giữ ổn định hay gây căng thẳng.

Tôi chỉ rõ rằng cách tốt nhất là kéo Trung Quốc tham gia và trở thành một phần của thế giới hiện đại. Nhật nên đưa các sinh viên thông minh của Trung Quốc đến học ở Nhật và phát triển mối giao hảo gần gũi với thanh niên Nhật. Cơ hội cho những phần tử tốt nhất và sáng chói nhất của Trung Quốc tiếp xúc với Hoa Kỳ, Nhật và châu Âu sẽ làm cho họ ít hướng nội hơn và sẽ làm cho họ hiểu được rằng Trung Quốc muốn phát triển và phồn vinh thì phải là một thành viên biết tôn trọng luật pháp của cộng đồng quốc tế. Nếu người Trung Quốc bị cô lập và cản trở về những nỗ lực của họ trong các cải cách và tiến bộ kinh tế thì họ sẽ trở nên thù địch với các nước tiên tiến.

Hầu hết các lãnh tụ Nhật tin tưởng rằng trong trường hợp có xung đột, các quốc gia Asean sẽ về phe Nhật nhưng không biết Singapore sẽ phản ứng như thế nào. Họ chấp nhận rằng, mặc dù là một cộng đồng người Hoa nhưng quan điểm và chính sách của tôi đối với Trung Quốc là quan điểm của một người Singapore quan tâm đến Đông Nam Á, và tôi sẽ không nhất thiết hỗ trợ Trung Quốc trong bất cứ cuộc xung đột nào. Tuy nhiên, họ không chắc rằng đa số dân chúng người Hoa ở Singapore và các nhà lãnh đạo tương lai của Singapore sẽ phản ứng dưới áp lực của người Hoa như thế nào. Tôi không nghĩ mình thành công trong việc xóa bỏ những hồ nghi này.

Trong thời kỳ ông Miyazawa làm Thủ tướng, một phe phái đầy quyền lực được dẫn đầu bởi ông Ichiro Ozawa, người được ông Tanaka bảo hộ, đã hạ bệ chính phủ trong một cuộc bầu cử bị chỉ trích. Không như các lãnh tụ phe phái khác của đảng Dân chủ Tự do, ông Miyazawa không phải là người cứng rắn, đấu tranh quyết liệt. Trong cuộc bầu cử sau đó, đảng Dân chủ Tự do đã mất quyền lực. Kết quả của sự sụp đổ này trong đảng Dân chủ Tự do là việc ông Morihiro Hosokawa trở thành Thủ tướng đầu tiên thừa nhận sự xâm lược của Nhật ở Chiến tranh Thế giới Thứ II và xin lỗi về những khổ đau đã gây ra. Ông ta không có thái độ cố hữu của đảng Dân chủ Tự do và cảm thấy khó nuốt trôi khi nói về tội ác chiến tranh của họ. Lời xin lỗi chính thức này chỉ đến sau khi lãnh tụ một Đảng thứ yếu trở thành Thủ tướng.

Năm sau, Thủ tướng Tomiichi Murayama của đảng Dân chủ Xã hội của Nhật cũng đã xin lỗi và cũng đã làm như vậy trong các chuyến viếng thăm của ông ta lần lượt đến các quốc gia thuộc Asean. Ông ta đã công khai nói tại Singapore rằng Nhật cần phải thành thật đối diện với các hành động ở quá khứ về việc xâm chiếm và chính sách xâm chiếm thuộc địa. Vào dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày chấm dứt chiến tranh (năm 1995) ông ta đã một lần nữa biểu lộ tình cảm hối hận sâu xa và xin lỗi chân tình. Ông ta đã nói: nước Nhật sẽ suy nghĩ sâu sắc về những khổ đau mà họ đã giáng cho châu Á. Ông ta là Thủ tướng Nhật đầu tiên đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các thường dân chiến tranh ở Singapore. Chúng tôi không đòi hỏi ông ta phải làm như vậy. Ông ta nói rằng làm như vậy để duy trì một tương lai hòa bình và bền vững ở khu vực. Ông ta dè chừng các tình cảm ngấm ngầm chống đối lại người Nhật trong khu vực và nhận thấy nhu cầu cần phải tăng cường thêm mối giao hảo về chính trị, kinh tế, và văn hóa. Các lời xin lỗi của hai Thủ tướng không thuộc đảng Dân chủ Tự do, ông Hosokawa và ông Murayama, đã bẻ gãy lập trường không hối lỗi của các chính phủ Nhật trước đây. Mặc dù đảng Dân chủ Tự do đã không xin lỗi như vậy nhưng một bộ phận của họ trong chính phủ liên minh đoàn kết Murayama đã làm điều đó.

Khi ông Ryutaro Hashimoto của đảng Dân chủ Tự do trở thành Thủ tướng năm 1996, ông ta đã viếng thăm thánh địa Yasukumi vào tháng 7 năm đó với tư cách cá nhân nhân lễ sinh nhật của ông ta chứ không phải chính thức. Ông ta đã tỏ lòng thành kính đối với linh hồn của những người bị chết trong chiến tranh gồm cả Tướng Hideki Tojo, Thủ tướng trong thời chiến tranh và cả một vài tội phạm chiến tranh đã bị treo cổ vì tội ác thời chiến. Sự mâu thuẫn giữa các thái độ này đã để lại một câu hỏi lớn không thể nào giải đáp được. Không như người Đức, người Nhật không có được niềm cảm xúc để họ tự thoát khỏi mầm độc trong chế độ của mình. Họ đã không giáo dục lớp trẻ của họ về những sai trái mà họ đã làm. Ông Hashimoto đã giãi bày “sự hối tiếc sâu sắc” của ông ta nhân lễ kỷ niệm lần thứ 52 ngày chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ II (1997) và sự ân hận sâu xa trong suốt thời gian viếng thăm Bắc Kinh vào tháng 9 năm 1997. Tuy nhiên, ông ta đã không xin lỗi, trong khi dân Trung Quốc và Hàn Quốc muốn lãnh đạo của Nhật phải làm điều đó.

Tôi không hiểu được tại sao người Nhật lại không muốn thú nhận quá khứ, xin lỗi và tiếp tục đi tới. Có vài lý do mà họ không muốn xin lỗi. Xin lỗi là thú nhận đã làm những điều sai trái. Diễn tả sự hối tiếc hay ăn năn chỉ là diễn đạt các tình cảm chủ quan hiện nay của họ. Họ phủ nhận cuộc tàn sát đã xảy ra tại Nam Kinh và việc các phụ nữ Hàn Quốc, Philippine, Hà Lan và các phụ nữ khác bị bắt cóc hoặc cưỡng bức, nói cách khác là “các phụ nữ để thỏa mãn” (một lời nói trại ra của nô lệ tình dục) cho lính Nhật tại mặt trận thời chiến; cũng như họ đã thực hiện các thử nghiệm sinh học một cách tàn bạo trực tiếp trên những người Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Nga và các tù nhân khác ở Mãn Châu. Trong mỗi trường hợp, chỉ sau khi đưa ra các chứng cứ không thể chối cãi từ bản báo cáo của chính họ thì họ mới miễn cưỡng thú nhận. Điều này tạo ra những nghi ngờ về các ý định tương lai của họ.

Thái độ của người Nhật hiện giờ là sự biểu lộ về cách cư xử trong tương lai của họ. Nếu họ hổ thẹn về quá khứ thì có lẽ họ sẽ ít tái diễn các hành động đó trong tương lai. Tướng Tojo, người đã bị quân đồng minh xử tử vì các tội ác chiến tranh, đã nói trong di chúc của ông ta rằng người Nhật bị đánh bại chỉ vì các lực lượng lớn mạnh áp đảo họ. Với một quốc gia có diện tích và dân số như vậy, nước Nhật có thể trở thành một quốc gia hùng mạnh trong cuộc chiến tranh kỹ thuật cao. Đó là sự thật, chúng ta sẽ phải chịu đựng nhiều bất lợi dữ dội nếu sự xung đột giữa Nhật và Trung Quốc vượt quá các vũ khí thông thường. Điều này ít có khả năng, nhưng nếu nó xảy ra thì không nên đánh giá thấp các khả năng của Nhật. Nếu người Nhật cảm thấy bị đe dọa, bị cướp đoạt các phương tiện sinh sống, bị cắt giảm dầu mỏ hay các tài nguyên then chốt khác, hoặc bị cô lập khỏi thị trường xuất khẩu, tôi tin rằng họ sẽ lại chiến đấu một cách tàn bạo như họ đã từng làm từ năm 1942 đến năm 1945.

Dù tương lai của Nhật và châu Á sẽ như thế nào đi nữa thì trong vai trò là một quốc gia hiện đại hóa về kinh tế và là người giữ gìn hòa bình cho Liên hiệp Quốc, người Nhật trước hết phải đưa ra lời xin lỗi để từ đó giải quyết các vấn đề còn lại. Châu Á và Nhật Bản phải tiếp tục vươn lên. Chúng ta cần phải có trách nhiệm và lòng tin cậy lẫn nhau.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar