LỖI TRONG TRÁCH NHIỆM DO TÁC ĐỘNG CỦA CÁC VẬT
Điều 736 DLVN đặt một nguyên tắc tổng quát về trách nhiệm do tác động của vật: “Người ta phải chịu trách nhiệm về sự thiệt hại gây ra bởi vật vô tri mà mình canh thủ”. Ngoài ra, điều 738, 739 DLVN còn dự liệu một trách nhiệm về các sự thiệt hại do súc vật hay do các công trình kiến trúc bị sụp đổ gây ra.
1. Trách nhiệm về các thiệt hại do những công trình kiến trúc sụp đổ gây ra: Điều 739 quy định rằng: “Người sở hữu chủ một công trình kiến trúc bị sụp đổ vì thiếu tu bổ hay vì xây cất có khuyết điểm, phải chịu trách nhiệm về sự thiệt hại do sự sụp đổ gây ra”.
a. Người chịu trách nhiệm: Điều 739 DLVN quy định minh bạch là người sở hữu phải chịu trách nhiệm, bất luận là người người ấy có canh thủ ngôi nhà hay không, và cũng không cần biết rằng, người ấy có đích thân xây cất nhà ấy hay không. Ví dụ: Một căn nhà đã được cho thuê và trong khế ước thuê nhà đã định rõ là người thuê có nghĩa vụ tu bổ, nạn nhân có thể trực tiếp yêu cầu chủ nhà phải bồi thường sự tổn hại cho mình.
b. Điều kiện trách nhiệm: Điều 739 DLVN nêu lên ba điều kiện:
– Sự tổn hại phài do công trình kiến trúc gây nên.
– Sự tổn hại phải do sự sụp đổ của một công trình kiến gây ra. Sự sụp đổ này không cần phải có tính cách toàn bộ, sự sụp đổ của một bức tường hoặc một ống khói cũng đủ;
– Nạn nhân phải dẫn chứng sự thiếu tu bổ hay một khuyết điểm trong sự kiến thiết. Án lệ của Pháp định rằng, nạn nhân không thể trốn tránh gánh nặng dẫn chứng này bằng cách nại ra điều 1384 DLP, (tương ứng với điều 736 DLVN) (PA Pháp 28-11-1949 D 1950-105).
c. Căn bản của trách nhiệm: Nạn nhân phải dẫn chứng sự thiếu tu bổ hay một hà tì của kiến thiết, tức là phải dẫn chứng một lỗi. Đó có thể là một lỗi của chủ nhà, của người thuê, hay của kiến trúc sư nhu7ngmo56t khi lỗi này đã được chứng minh, chủ nhà đương nhiên chịu trách nhiệm mà không thể được giải trừ bằng cách nại rằng mình không phạm lỗi nào cả. Nếu người thuê hay kiến trúc sư phạm lỗi, chủ nhà có một tố cầu đối với những người này để đòi hoàn trả số tiền bồi thường mà chủ nhà đã phải bồi thường cho nạn nhân. Về điểm này, kiến trúc sư phải chịu trách nhiệm trong thời hạn 10 năm kể từ ngày người chủ nhận nhà (1475 DLVN). Theo một phần học lý, trách nhiệm 10 năm này chỉ áp dụng cho các hà tì kiến thiết biểu kiến. Đối với những hà tì không có tính cách biểu kiến, thời hiệu là 30 năm.
2. Trách nhiệm do tác động của súc vật và các vật vô tri: Điều 738 DLVN quy định rằng: “Người chủ một súc vật, hay người dùng con vật ấy, trong thời gian hành dụng, phải chịu trách nhiệm về sự thiệt hại do con vật gây ra, trong lúc ở dưới sự canh thủ của mình hay cả trong lúc nó đã lạc hay sổng chạy“. Ngoài ra, như đã trình bày trên đây, theo điều 736 DLVN, người canh thủ vật vô tri cũng chịu một trách nhiệm tương tự. Bởi vậy, học lý và án lệ đã xây dựng một lý thuyết tổng quát về trách nhiệm do tác động của các vật vô tri hay là súc vật: Nếu là vật vô tri thì người ta áp dụng điều 736 DLVN, nếu là súc vật thì áp dụng điều 738 DLVN.
2.1_ Người chịu trách nhiệm: Theo điều 736 DLVN thì người chịu trách nhiệm về tác động của các vật vô tri là người canh thủ các vật đó. Đối với các súc vật, điều 738 DLVN nói rằng, một trong hai người sau đây phải chịu trách nhiệm: Người sở hữu chủ của con vật hay người sử dụng con vật trong thời gian dùng nó. Trách nhiệm của những người này căn cứ trên nghĩa vụ canh thủ con vật. Vậy tựu chung người chịu trách nhiệm về tác động của loài vật hay vật vô tri là người canh thủ. Nhưng thế nào là người canh thủ?
a. Ý niệm canh thủ: Theo lý thuyết “rủi ro – lợi ích“, người canh thủ là người đã được hưởng một lợi ích của vật về phương diện kinh tế. Do sự hưởng lợi này, họ cũng phải chịu những rủi ro mà vật ấy gây hại hại người khác. Nhưng lý thuyết này không xác đáng, vì trong thực tế, nhiều khi rất khó xác định ai là người hưởng lợi ích. Ví dụ: Trong trường hợp một đồ vật cho thuê đã gây ra tai nạn, có thể nói rằng, người thuê hoặc người chủ đều là người hưởng lợi. Một tiêu chuẩn thứ hai căn cứ vào sự điều khiển vật chất. Ví dụ: Người canh thủ một đàn bò là người chăn bò, người canh thủ xe hơi là người tài xế. Nhưng lý thuyết này cũng không đúng vì hai lẽ:
– Lý thuyết này thừa nhận trách nhiệm của người thừa sai như người chăn bò, người tài xế, trái hẳn với nguyên tắc trách nhiệm của người chủ ủy là người chủ đàn bò hay chủ xe hơi.
– Lý thuyết này cũng trái với các điều khoản trong luật vì theo quy định của bộ dân luật thì người chủ súc vật phải chịu trách nhiệm mặc dù sức vật đã bị lạc hay trốn thoát, nghĩa là trong những trường hợp không có sự điều khiển vật chất.
– Một lý thuyết thứ ba đã đưa ra tiêu chuẩn quyền điều khiển pháp lý: Người canh thủ là người về phương diện pháp lý có quyền điều khiển đối với súc vật hay đồ vật. Do đó, người chủ xe mặc dù đã giao xe cho tài xế, vẫn là canh thủ vì có quyền sử dụng và điều khiển trên chiếc xe ấy. Tuy nhiên, lý thuyết này cũng đưa đến những hệ quả không thể chấp nhận được. Ví dụ: Một chiếc xe hơi bị kẻ gian lấy trộm và do kẻ gian cầm lái gây ra tai nạn. Trong trường hợp này, nếu áp dụng tiêu chuẩn quyền điều khiển pháp lý thì chủ xe vẫn là người canh thủ, vì tên gian phi không có một quyền gì trên chiếc xe cả. Do đó lý thuyết này đã bị bác bỏ bởi phúc quyết ngày 2-12-1941 của Tòa Phá án Pháp (S. 1941-1-217; DC 1942 – 5-25), Tòa tuyên bố rằng, tuy người ăn trộm xe hơi không có quyền pháp lý nào đối với cái xe, nhưng chính họ là người canh thủ chiếc xe lấy trộm. Đồng thời tòa cũng gián tiếp nêu lên một tiêu chuẩn canh thủ: Người chủ xe không còn tư cách là người canh thủ vì đã bị tước đoạt sụ sử dụng và sự điều khiển và sự kiểm soát cái xe. Từ đó, trong án lệ của Pháp, người ta đã chấp nhận rằng người canh thủ là người có quyền sử dụng, điều khiển, kiểm soát đồ vật hay súc vật. Tiêu chuẩn này có tính cách chiết trung giữa sự điều khiển vật chất và sự điều khiển pháp lý. Thực vậy, để xác định rõ ý nghĩa của chữ “điều khiển”, tòa phá án Pháp đa ghép thêm hai chữ “kiểm soát” và “quyền sử dụng”. Ý niệm kiểm soát rộng hơn ý niệm điều khiển vật chất, vì kiểm soát tức là có quyền ra mệnh lệnh. Còn quyền sử dụng cũng rộng hơn ý niệm quyền điều khiển pháp lý, vì sử dụng tức là thực sự chấp hữu đồ vật hay súc vật.
Trong phúc quyết ngày 2-3-1961 (PL 61-1-52), Tòa Thượng thẩm Saigon đã có dịp áp dụng tiêu chuẩn kể trên về sự canh thủ, trong trường hợp một người đã bán xe hơi của mình cho một người khác, nhưng chưa kịp sang tên. Trong khi sử dụng xe hơi, người chủ đã gây ra tai nạn. Tòa thượng thẩm Saigon xử một cách hợp lý rằng trong vụ này, sự canh thủ đã được chuyển từ chủ cũ sang chủ mới, sự kiện chưa sang tên cho chủ mới chỉ là một khiếm khuyết về hành chính, không ảnh hưởng chi đến vấn đề trách nhiệm dân sự. Vì vậy người chủ mới phải chịu trách nhiệm. Phúc quyêt này đánh dấu một sự chuyển hướng hợp lý trong án lệ về vấn đề này. Thực vậy, trước đây nhiều khi tòa án không nhận định rõ căn bản trách nhiệm, đã tuyên bố sai lầm rằng người chủ cũ và người chủ mới phải liên đới chịu trách nhiệm về sự tổn hại do chiếc xe gây ra nếu việc bán xe chưa được sang tên cho chủ mới (TT Saigon 4-11-1955 Luật học Kinh tế tạp chí 1956-11-8). Bộ DLVN đưa ra một tiêu chuẩn mới về người canh thủ. Điều 736 DLVN sau khi ấn định quy tắc trách nhiệm do tác động của vật vô tri, đã định nghĩa người canh thủ như sau: “Người canh thủ là người nào được hành dụng vật đó một cách tự chủ, tùy theo sự tiện lợi của mình, không phải chịu sử kiểm soát của ai trong việc hành dụng”. Định nghĩa này, tuy dưới một văn thức khác, cũng giống định nghãi của án lệ Pháp về người canh thủ. Thực vậy, sự hành dụng một đồ vật một cách tự chủ, tùy theo tiện ích của mình và không chịu sự kiểm soát của bất cứ ai; nói khác đi, có nghĩa là có quyền sử dụng, điều khiển và kiểm soát đồ vật đó.
b. Áp dụng ý niệm người canh thủ: Thường người chủ sử dụng là người sử dụng, điều khiển và kiểm soát đồ vật hay súc vật. Vì vậy người chủ là người bị suy đoán là người canh thủ. Nhưng sự suy đoán này chỉ có tính cách đơn thường, nghĩa là, người chủ có thể dẫn chứng rằng sự thực họ không phải là người canh thủ. Cần phân biệt ba trường hợp:
– Đồ vật hay súc vật không ở trong tay ai cả. Trong trường hợp này, người chủ vẫn phải chịu trách nhiệm vì điều 738 DLVN đã quy định minh bạch là người chủ phải chịu trách nhiệm đối với các súc vật bị lạc hay đã trốn thoát.
– Đồ vật hay súc vật ở trong tay người đệ tam trái với ý muốn của người chủ. Người đệ tam này có thể là người chấp hữu có tà tâm như người ăn trộm xe hơi, hay người tài xết đã dùng xe hơi của người chủ ngoài giờ làm việc để đi chơi. Trong những trường hợp này, người chủ không còn là người canh thủ nữa; sự canh thủ đã chuyển sang tay người chấp hữu có tà tâm. Nếu người chấp hữu có thành ý, như trường hợp một người mua một chiếc xe đạp bị lấy trộm và gây ra tai nạn, sự canh thủ cũng ở trong tay người chấp hữu, và chính người này phải chịu trách nhiệm về tai nạn gây ra chứ không phải là người chủ xe bị lấy trộm.
– Đồ vật ở trong tay người đệ tam do ý muốn của người chủ. Đó là trường hợp của người đi mượn, người thuê, người thụ thác, người sửa xe v.v… Nếu người trì thủ đồ vật hay súc vật là một người thừa sai, thì người chủ vẫn có tư cách là người canh thủ, vì người chủ vẫn còn có quyền ra lệnh đối với đồ vật hay súc vật. Ví dụ: Người tài xế lái xe hơi theo mệnh lệnh của người chủ, nếu xảy ra tai nạn, người chủ sẽ phải chịu trách nhiệm với tư cách là người canh thủ. Vấn đề khó khăn, tế nhị hơn là trường hợp người trì thủ đồ vật hay súc vật không phải là người thừa sai. Vậy ai là người canh thủ, người chủ hay người trì thủ? Trên nguyên tắc thì người trì thủ không phải là kẻ thừa sai của người chủ, thì người trì thủ là người canh thủ, vì chính người này có quyền sử dụng, điều khiển và kiểm soát đồ vật hay súc vật đã giao cho họ (PA. Pháp 8-5-1944 D 1945-J-29). Trên thực tế, người ta phải xét tình trạng thực tại lúc xảy ra tai nạn để xem ai thực sự là canh thủ. Người ta có thể dựa vào các điều khoản của khế ước ký kết giữa người trì thủ và người chủ, nhưng đó cũng chỉ là những yếu tố giúp người ta suy đoán thôi.
2.2 _ Các điều kiện trách nhiệm: Trách nhiệm do tác động của súc vật vô tri chỉ phát động nếu ba điều kiện được hội đủ: Phải có một vật, phải có một tác động của vật, tác động của vật phải là nguyên nhân của sự tổn hại.
a. Phải có một vật: Dĩ nhiên là không thể có vấn đề trách nhiệm do tác động của vật nếu không có sự tham dự của một vật. Vật này có thể là súc vật hay đồ vật. Trong giai đoạn đầu tiên của án lệ Pháp, người ta cho rằng điều 1384 k1 (tương ứng với điều 736 DLVN) chỉ áp dụng cho các động sản. Sự giải thích này bị chỉ trích là không xác đáng vì điều 1386 DLP, tương ứng với điều 738 DLVN, không dự liệu tất cả các sự tổn hại do bất động sản gây nên, điều này có một phạm vi áp dụng chật hẹp và chỉ liên quan đến những sự tổn hại do các kiến trúc đổ nát gây ra. Vì vậy, án lệ của Pháp đã chấp nhận một sự giải thích bao quát hơn: ngoại trừ trường hợp quy định bởi điều 1386, tất cả các sự tổn hại do các vật gây ra bất luận là động sản hay bất động sản đều do điều 1384 k 1 chi phối.
b. Phải có một tác động của vật: Người ta thường đối chọi hai ý niệm “tác động của vật” và “tác động của người”. Khi sự tổn hại xảy ra do sự tác động của người, thì người ta áp dụng những nguyên tắc thông thường về trách nhiệm do tác động của bản thân. Nếu sự tổn hại gây ra do tác động của vật thì người canh thủ phải chịu trách nhiệm trên căn bản điều 736 DLVN. Người ta dễ phân biệt tác động của súc vật với tác động của con người, vì con vật là một sinh vật có những phản ứng riêng biệt, nhưng đối với vật vô tri thì vấn đề lại trở nên khó khăn, tế nhị hơn: Một người bộ hành bị xe hơi cán thì đó là tác động của người tài xế hay của xe hơi là vật vô tri? Lẽ dĩ nhiên tai nạn có thể xảy ra do tác động của người tài xế như trong trường hợp người này phạm lỗi bấ cẩn hay vụng về. Nếu nạn nhân dẫn chứng được một lỗi như thế, thì vấn đề không có gì khó khăn, người ta chỉ áp dụng nguyên tắc thông thường về trách nhiệm do tác động của bản thân. Nhưng vấn đề đặt ra khi người tài xế không phạm một lỗi nào cả. Trong trường hợp này nạn nhân có thể nại rằng sự tồn hại gây ra do tác động của vật vô tri, và đòi bồi thường trên căn bản trách nhiệm do tác động cảu vật vô tri không?
Người ta có thể chủ trương rằng không thể quan niệm được một tác động biệt lập của vật vô tri. Vì là vật vô tri nên các vật ấy chỉ có thể tác động dưới sự điều khiển của con người: Nếu chiếc xe hơi cán người bộ hành là vì người tài xế đã cho nó chạy. Đằng sau tác động của vật vô tri bao giờ cũng có tác động của con người. Nhưng quan niệm này không thể chấp nhận được, vì nếu như thế thì quy trách nhiệm do tác động của vật vô tri trở thành vô tác dụng. Ngược lại, người ta có thể cho rằng trong hầu hết các tai nạn, bao giờ cũng có sự trung gian của một vật, như một chiếc xe hơi, một cái chậu cây, một chiếc gậy, một con dao v.v…Song quan niệm này cũng không chấp nhận được, vì nó đưa tới hậu quả là gạt bỏ hẳn phạm vi của trách nhiệm do tác động của bản thân: Khi một người cầm chiếc gậy đánh một người khác thì đó là tác động của người chứ không phải của vật. Vậy giữa hai quan niệm cực đoan ấy, cần phải tìm giải pháp chiết trung cho vấn đề. Trong án lệ của Pháp, sự định nghãi tác động của đồ vật đã trải qua nhiều giai đoạn. Những bản án đầu tiên viện dẫn điều 1384 K1 DLP, liên quan đến tai nạn gây ra bởi các vụ nổ nồi hơi. Trong các vụ nổ đó, tác động của đồ vật hình như có tính cách riêng biệt; mặc dù là vật vô tri, nhưng nồi hơi hoạt động không cần tới người, mà nhờ sức ép của hơi nước. Vì vậy người ta nói rằng đồ vật có tác động biệt lập; và do đó án lệ định rằng trách nhiệm căn cứ trên điều 1384 khoản 1 DLP chỉ phát động nếu như đồ vật có một tác động biệt lập (PA. Pháp 11-6-1896 D 1897-1-433). Nhưng từ năm 1904, tòa phá án Pháp lại tỏ ra chặt chẽ hơn và bắt buộc rằng đồ vật phải có một tì tích riêng biệt. Đến năm 1927, án lệ Pháp xác định lại quan điểm và nói rằng vật vô tri phải có tính cách nguy hiểm tức là vật đó phải là một mối nguy cơ cho những người xung quanh. Song tất cả các tiêu chuẩn này đều bị tòa phá án Pháp bác bỏ trong một bản án đặc biệt quan trọng, thường gọi là vụ án Lise Jandheur (PA Pháp 13-2-1930 D 1930-1-57). Tòa đã xử như sau: “Chiếu chi trong luật không phân biệt là đồ vật có do tay người điều khiển hay không. Chiếu chi không cần rằng đồ vật có một tì tích liên hệ đến bản chất của nó và có thể gây tồn hại, vì điều 1384 đặt căn bản của trách nhiệm trên sự giám thủ đồ vật chứ không phải chính trên đồ vật“. Như vậy, trách nhiệm do tác động của vật vô tri có thể được phát động, mặc dù đằng sau tác động của vật đó có tác động của người hay không, và không cần rằng đồ vật phải có tì tích riêng biệt hoặc có tính cách nguy hiểm. Khuynh hướng cuối cùng này của án lệ Pháp đã được chấp nhận trong điều 714 k2 DLB và 763 k2 DLT.
Vậy phải dựa trên tiêu chuẩn nào để phân biệt tác động của người và tác động của vật? Để tìm tiêu chuẩn ấy, chúng ta phải đi từ tác động của súc vật. Có sự tác động của súc vật khi nào con vật thoát khỏi sự chế ngự của người: Một con ngựa bỗng nhiên lồng lên và đá một người đang đi đường; khi đó con vật đã thoát ra khỏi sự chế ngự của con người: Một con ngựa bỗng nhiên lồng lên và đá và đá vào người đi đường; khi đó con vật đã thoát ra khỏi sự chế ngự của con người. Người ta thấy tình trạng tương tự khi một người sử dụng một vật vô tri: Một nồi hơi bị nổ, một chiếc xe hơi không dừng lại đúng lúc mà người tài xế muốn dừng lại. Trong trường hợp này đồ vật cũng thoát khỏi sự chế ngự của con người. Chính trong trường hợp này, người ta nói đã có sự tác động của đồ vật. Đành rằng, lúc khởi thủy có tác động của con người, nhưng các cường lực thiên nhiên mà người giúp cho chuyển động đã vượt khỏi sự chế ngự của con người. Tiêu chuẩn này đưa đến hậu quả là chỉ gạt bỏ trường hợp đồ vật tuân theo ý muốn của con người. Ví dụ: Chiếc gậy mà người ta dùng để đánh người khác. Như thế có nghĩa là phạm vi áp dụng của trách nhiệm do tác động của vật vô tri hết sức rộng lớn. Chính vì muốn giới hạn rõ phạm vi của trách nhiệm này cho nên án lệ đã đặt ra thêm một điều kiện: Đó là sự liên hệ nhân quả giữa vật và sự tổn hại.
c. Tác động của vật phải là nguyên nhân của sự tổn hại: Sự kiện súc vật hay đồ vật đã thoát ra khỏi sự chế ngự của người canh thủ cũng chưa đủ. Tác động của vật còn cần phải là nguyên nhân của sự tổn hại. Điều kiện liên hệ nhân quả giữa vật và sự tổn hại ấy có nghĩa là: Một mặt con vật hay đồ vật phải tham dự vào việc thực hiện sự tồn hại và mặt khác, sự tham dự ấy là nguyên nhân của sự tổn hại. Nếu con vật hay đồ vật không đóng vai trò nào trong việc gây ra sự tổn thất, thì dĩ nhiên, nạn nhân không thể kiện người canh thủ. Điều đó không có nghĩa là phải có một sự động chạm vật chất giữa vật và nạn nhân: Một chiếc xe hơi dừng lại đột ngột khiến cho xe sau phải húc lên lề đường và cán phải khách bộ hành. Trong trường hợp này chiếc xe thứ nhất đã tham dự vào việc gây ra tổn hại và người canh thủ phải chịu trách nhiệm (…). Nhưng không phải mỗi khi có một vật tham dự vào việc gây ra tổn hại là người canh thủ phải chịu trách nhiệm. Sự tham dự ấy phải là nguyên nhân của sự tổn hại. Một người trượt chân ngã có thể kiện người canh thủ cái sàn nhà để đòi bồi thường không? Một số tác giả chủ trương rằng lúc xảy ra tai nạn, vật phải chuyển động: Nếu là một vật bất động thì người canh thủ chỉ chịu trách nhiệm nếu nạn nhân chứng minh được rằng người canh thủ đã phạm một lỗi. Quan niệm này đã bị tòa phá án Pháp bác bỏ (PA. Pháp 24-2-1941 GP 1941-1-423). Án lệ của Pháp thừa nhận một sự phân biệt hợp lý hơn: Người canh thủ chỉ chịu trách nhiệm nếu như vật là nguyên nhân pháp lý của sự tổn hại. Như vậy, riêng nhận xét là nếu không có vật thì tai nạn đã không xảy ra, không đủ; con vật hay đồ vật phải đóng một vai trò nhân quả (ro6le causal), chính sự tham dự của vật đã gây ra sự tổn hại, vật ấy phải là nguyên nhân phát sinh sự tổn hại.(…).
2.3_ Căn bản của trách nhiệm do tác động của súc vật và vật vô tri: Điều 1385 DLP cũng như các điều 715 DLB, 766 DLT chỉ nói tới các người chịu trách nhiệm do tác động của loài vật mà không quy định căn bản của trách nhiệm ấy. Trước sự im lặng của nhà làm luật, án lệ của Pháp đã cho rằng, người canh thủ con vật bị suy đoán là chịu trách nhiệm; nạn nhân không cần dẫn chứng quá thất của người canh thủ và người này muốn đánh đổ sự suy đoán ấy thì phải dẫn chứng rằng sự tổn hại đã xảy ra do một nguyên nhân ngoại tại (trường hợp ngẫu nhiên hay bất khả kháng). Nếu họ chỉ chứng minh rằng họ không phạm lỗi thì không đủ. Một giải pháp tương tự đã được án lệ Pháp chấp nhận đối với trách nhiệm do tác động của vật vô tri. Trong bộ DLVN hiện hành, điều 738 quy định về trách nhiệm của người canh thủ súc vật không nói rõ căn bản của trách nhiệm ấy, nhưng điều 737 đã xác định căn bản của người canh thủ vật vô tri: “Người canh thủ đương nhiên phải chịu trách nhiệm và chỉ được miễn trách nếu chứng tỏ được rằng sự thiệt hại do một duyên cớ ngãu nhiên hay trường hợp bất khả kháng gây ra. Trường hợp bất khả kháng do tòa xét định tùy hoàn cảnh. Lỗi của người đệ tam hay nạn nhân, nếu là duyên cớ duy nhất gây ra tai nạn, được coi là trường hợp bất khả kháng”. Như vậy nhà làm luật đã chấp nhận giải pháp của án lệ Pháp: Người canh thủ vật vô tri và súc vật bị suy đoán chiu trách nhiệm chứ không phải bị suy đoán phạm lỗi. Sự kiện người canh thủ chứng minh là họ không phạm lỗi nào chỉ đánh đổ được sự suy đoán lỗi, chứ không xóa bỏ được suy đoán trách nhiệm; sự suy đoán này chỉ không còn lý do tồn tại nếu sự thiệt hại xảy ra là do một trường hợp ngẫu nhiên hay bất khả kháng chứ không phải do tác động của súc vật hay vât vô tri. Đây là một điểm khác biệt so sánh với hai bộ dân luật cũ. Thực vậy, điều 714 k2 DLB, 763 k2 DLT quy định rằng: “Người canh thủ một vật vô tri gây thiệt hại, bị suy đoán là phạm lỗi, không phận biệt là vất ấy có do người điều động hay không. Sự suy đoán này chỉ có thể bời bằng cớ trái ngược lại mà thôi”. Như thế theo hai bộ DLB, DLT, căn bản trách nhiệm của người canh thủ là một lỗi suy đoán; để đánh đổ sự suy đoán này, người canh thủ có thể mang lại bằng cớ trái ngược, tức là chứng minh rằng họ không phạm lỗi nào cả. Các tác giả chủ trương thuyết “rủi ro – lợi ích” cho rằng trách nhiệm trên căn bản của điều 1384 k.1 và 1385 DLP, tương đương với 736 và 738 DLVN, là một trách nhiệm vô lỗi. Họ cũng có phần hữu lý, vì nếu quả thật căn bản trách nhiệm là một lỗi, thì người canh thủ sẽ không chịu trách nhiệm khi chứng minh được là không phạm lỗi nào. Chính vì vậy mà luật gia H.Capitant, để bênh vực cho ý niệm lỗi, căn nguyên của một trách nhiệm, đã cực lực phản đối sự kiện án lệ cấm đoán người canh thủ không được chứng minh là họ không phạm lỗi nào. Theo giáo sư Mazeaud thì trách nhiệm do tác động của các vật đặt trên căn bản một lỗi trong việc canh thủ. Người canh thủ có một nghĩa vụ thành quả: đó là nghĩa vụ không được để con vật hay đồ vật thoát ra khỏi sự chế ngự của mình. Do đó khi con vật hay đồ vật thoát ra khỏi sự chế ngự của người canh thủ và gây tổn hại, thì người canh thủ đã không thi hành nghĩa vụ, tức là phạm một lỗi, lỗi trong việc canh thủ, vì mọi sự bất thi hành một nghĩa vụ sẵn có, dù luật định hay ước định, gây nên do tác động của con nợ, đều cấu thành một lỗi. Tình trạng của người canh thủ cũng giống như tình trạng của một con nợ trong nghĩa vụ thành quả ước định, cho nên, muốn tránh trách nhiệm, người này phải dẫn chứng được là tai nạn đã do một nguyên nhân ngoại tại gây ra, vì chỉ trong trường hợp này, người ta mới không thể trách cứ được người canh thủ là đã không thi hành nghĩa vụ./.
Bình luận