Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

33. Công Lý Thượng Du

Tôi sẽ không bao giờ dám đòi bắt thẩm phán Nguyễn Thu Chinh nếu như bản án phúc thẩm không tồi tệ đến mức thua cả công lý của người thượng du năm xưa. Quê tôi vùng trung du, sát với vùng thượng du của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Trong những năm tháng chiến tranh, trước khi ra Bắc, tôi cũng có thời gian sống ở làng Hiệp, xã Ka Dăng, huyện Hiên – một huyện miền núi có nhiều đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Nhiều cuộc đổi chác đã diễn ra để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng. Hai câu chuyện sau có thể so sánh với vụ mua máy in C1100 của tôi:
Câu chuyện 1:
Một hôm ông Lê Cao Đài, một bác sĩ trưởng trạm quân y, cùng đơn vị dừng chân ở điểm phát lương thực cho bộ đội thì có một cô gái dân tộc, trẻ đẹp, đứng gần ông, tỏ ra rất giận dữ. Cô chỉ nhắc đi nhắc lại mỗi một câu “Một là một, hai cũng là một”. Sau mỗi lần nhắc lại như vậy thì sự giận dữ lại tăng lên. Ông Đài gạn hỏi mãi thì cô gái mới nói rằng anh bộ đội kia nói “cho anh sờ vú một cái thì anh sẽ tặng cho em một chiếc kẹp tóc”. Cô gái đồng ý. Anh bộ đội tiến đến, hai tay sờ hai vú nhưng chỉ đưa cho cô có một chiếc kẹp tóc. Ông Đài nhìn quanh thì phát hiện một anh lính trẻ đang nhìn ông rồi chợt quay mặt đi lãng tránh. Ông Đài bảo anh lính trẻ rằng “Đã lỡ rồi thì cũng không nên ăn gian làm gì. Đưa thêm cho người ta chiếc kẹp tóc nữa đi”. Anh lính trẻ, mép lún phún ria, bối rối thừa nhận: “Tại em chỉ có một chiếc kẹp thôi”. Câu chuyện này cho thấy, đối với đồng bào thượng thì “Một là một, hai là hai”. Nói “cho anh sờ một cái” mà “sờ hai đưa một” là người ta phẫn nộ.
Câu chuyện 2:
Tiểu đoàn pháo binh 575 đóng quân ở gần làng Hiệp đã phải xử lý câu chuyện đổi chiếc đồng hồ cho người dân tộc Cơ Tu theo “Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Chuyện là, bộ đội 575 đã đổi chiếc đồng hồ Liên Xô lấy một con heo 3 gang* của đồng bào thượng để liên hoan mừng quốc khánh. Một hôm, gần như là cả làng dân tộc Thượng, đem theo hai chiếc đồng hồ, kéo đến đòi bộ đội phải trả lại con heo:
– Anh bộ đội ơi, anh trả lại cho mình con heo nhé.
– Tại sao?
– Đồng hồ của anh không chạy nữa. Mình trả lại cho anh đây.
– Tại sao anh để cho nó vào nước?
– Mình không để. Mình đeo ở tay thôi. Mình đi bắt con cá ở suối.
– Tại anh không tháo ra khi xuống suối đó thôi.
– Không phải tại mình đâu. Tại chiếc đồng hồ của anh đấy. Làng mình cũng đổi được chiếc đồng hồ xuống suối đây nè – Anh ta vừa nói vừa chìa chiếc đồng hồ Seiko của Nhật ra.
– Tôi không biết, tại anh mang xuống suối – Anh bộ đội cãi cùn.
– Anh phải biết chớ. Anh biết mình xuống suối mà. Mình biết con heo của mình là anh ăn được thì anh cũng phải biết đồng hồ của anh là xuống suối được chứ.
Cuối cùng, Tiểu đoàn pháo binh 575 cũng phải tìm mua chiếc đồng hồ Seiko, hai cửa sổ-mười hai trụ đèn, giống với chiếc đồng hồ mà làng dân tộc đang có thì họ mới thôi khiếu nại.
Ngày đó, chưa có “Luật Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng”, người kinh hay người thượng cũng đã phải trao đổi trung thực, sòng phẳng. Người bán phải có nghĩa vụ tìm hiểu, tư vấn cho người mua. Bán sao cho họ dùng được. Giá cả phải công bằng, rõ ràng. Bán mắc cho người ta hơn người khác chừng vài chục ngàn là người ta nhảy dựng. Lừa lấy của người ta chừng tiền triệu là có thể bị chém hoặc ăn đạn.
Ở thế kỷ 21, giữa đất Sài Gòn văn minh đô hội mà bọn lừa đảo này lấy của tôi đến 3,4 tỉ đồng, để lại chiếc máy như cục sắt nằm đó mà chúng an giấc thì tôi không thể hình dung nổi bọn này là cái gì. Hội đồng xét xử, dưới sự chủ tọa của bà Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh, nhân danh Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đã tuyên chiếc máy trùm mền nằm đó là công lý. Một hệ thống, từ các luật sư danh tiếng cho đến các thẩm phán, kiểm sát viên đã mấy chục năm trong nghề, đều thống nhất sai như thế, kéo dài đến 2000 ngày mới có kháng nghị thì đất nước này sẽ đi đâu về đâu.?
Tôi viết lại hai câu chuyện đổi chác của đồng bào dân tộc để so sánh với vụ mua bán chiếc máy in C1100 này giữa đất Sài Gòn ở đầu thế kỷ 21 này. Tôi nghĩ rằng bọn lừa đảo đã quá xấu hổ nên không dám lên tiếng. Tôi cũng cho rằng Luật sư tiến sĩ Lê Nết, Luật sư Bùi Quang Nghiêm và hai công ty luật của họ cũng rất biết chuyện quá xấu hổ nên im lặng. Bây giờ đến ngành tòa án. Họ sẽ phản ứng thế nào khi một công dân đã gửi đơn và công khai đòi bắt Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh? Chẳng lẽ nền công lý đang hiện diện trên đất nước ta đầu thế kỷ 21 này thua cả công lý của người thượng du năm xưa?
Tôi gửi đơn hiến tặng chiếc máy in cho ngành tòa án, nếu toà án không nhận thì hiến tặng cho Bộ Chính Trị để dùng vào việc in tài liệu phục vụ đại hội đảng là có ý nhắc khéo các ông bà này rằng: “Để tòa án xử như vậy mà các ông bà không cảm thấy xấu hổ à?”. Sau lá đơn hiến tặng máy in này một thời gian thì có kháng nghị. Tôi không rõ nguyên nhân im lặng và cũng không rõ nguyên nhân kháng nghị. Tôi chỉ đoán mò rằng, có lẽ vì xấu hổ. Tôi chỉ đòi sòng phẳng như người thượng du chứ không đòi ai phải biết xấu hổ.
| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Lương Vĩnh Kim

Lương Vĩnh Kim

Bình luận

avatar