Khi vừa nhận được kháng nghị giám đốc thẩm, tôi tranh thủ viết liên tù tì 22 kỳ để lôi mặt bọn lừa đảo lên truyền thông. Trước đó, tôi chưa có cơ hội làm như thế vì dù sao, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật đang còn sờ sờ ra đó, cơ sở đâu để người ta tin bọn chúng lừa? Luật sư tiến sĩ Lê Nết cũng không cần giải thích với bất kỳ ai vì bản án phúc thẩm đang có hiệu lực pháp luật được coi là chân lý. Kháng nghị mới chỉ làm dừng hiệu lực của bản án phúc thẩm chứ chưa thủ tiêu hiệu lực của bản án này. Chính vì thế, tôi dừng ở kỳ 22 chứ chưa thể đòi xử lý các thẩm phán đã cố ý ra bản án trái pháp luật. Nhưng đòi bắt các thẩm phán đã xử sai vụ án này đã là mục tiêu của tôi khi quyết định “dừng doanh nghiệp – đòi công lý”.
Bất công đã xảy ra với tôi thì bất công cũng rất có thể đã và sẽ xảy ra với người khác. Là nạn nhân trong cuộc, tôi hiểu rõ sự lưu manh của các thẩm phán này. Một chiếc máy không thể hoạt động được nằm đó, như là xác người bị tử hình oan nằm đó, chúng biết như thế mà vẫn dám tuyên án thì “lẽ nào trời đất dung tha, ai bảo thần dân chịu được”. Chúng phải có lý do để phải quyết liệt “giết người diệt khẩu” như thế. Nếu không, làm sao cứu được Konica Minolta khỏi sự ô nhục vì gian dối? Nếu không, làm sao bảo vệ thanh danh cho Luật sư tiến sĩ Lê Nết, cựu Thẩm phán tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vinh, cựu phó chánh án Trấn Văn Sự và cả Công ty Luật lừng danh của họ? Gian dối và tội ác được che chắn bởi các thẩm phán thì nhân dân không biết dựa vào đâu. Vì thế, trừng trị các thẩm phán tha hóa này phải là nghĩa vụ hàng đầu của những người chính trực, yêu nước, thương dân.
Trong một bữa tối mừng có quyết định giám đốc thẩm, tôi hỏi mấy người bạn: “Giả sử, tau được có hai lựa chọn và chỉ được chọn một trong hai, bắt thẩm phán hoặc lấy 10 triệu USD, đố tụi bay, tau chọn cái nào?”. Hầu hết, đều trả lời là tôi sẽ chọn 10 triệu USD, chỉ có một người bạn đoán đúng được là tôi sẽ chọn bắt thẩm phán.
Vì thế, khi có quyết định giám đốc thẩm thì tôi căn cứ vào quyết định giám đốc thẩm này để đòi bắt các thẩm phán Nguyễn Thu Chinh, Bùi Ngọc Anh và Nguyễn Thị Lang. Tôi vốn là người thận trọng với chữ nghĩa, lại kiềm chế để theo vụ án này đã gần 2.000 ngày thì tất nhiên không thể nóng giận hồ đồ đòi bắt thẩm phán. Cũng không phải bỗng dưng mà tôi đưa ra các giả định “bắt thẩm phán với lấy 10 triệu USD, chỉ được chọn một” để thử thách tình yêu trong trái tim mình.
Tôi đã tự kiểm, đòi công lý là đòi cái gì? Từ đầu vụ án đến giờ có bao giờ tôi đòi sai mục tiêu không? Một điều kỳ lạ xâm chiếm tâm hồn tôi là, không biết ai dẫn dắt mà tôi ngộ ra “Đỉnh cao của đòi công lý là đòi bắt cho được những thẩm phán đã phá hoại nền công lý của đất nước này”.
Một người bạn làm công an đã nói với tôi: “Anh Kim nè, tụi em chống tội phạm cực khổ, làm chết cha chết mẹ. Lên tới tòa, nó chạy án, xử án treo hoặc xử không tội, rồi bọn tội phạm quay về cười thách thức mình. Tụi em biết tòa xử bậy, tức điên luôn nhưng làm gì nó? Có khi bị kiểm điểm, bị kỷ luật, phải bồi thường oan sai. Thôi, tụi em nhắm cái gì chắc lắm mới làm. Đơn nhiều nhưng làm không được, làm không xuể. Kệ cha tụi nó”. Câu chuyện thực tế này cũng phần nào giải thích được hiện tượng vì sao dân than “công an ơi, nó làm vậy sao công an không bắt nó đi!”. Một vài người còn nghi ngờ công an ăn tiền nên bắt giữ rồi thả tội phạm. Bởi thế, chỉ cần thẩm phán yếu kém hoặc tha hóa, xử tùy tiện là làm nản lòng những người công an đang ngày đêm vất vả chống tội phạm. Để thẩm phán tha hóa, xử bậy bạ như thế này là rất nguy hiểm cho xã hội.
Đơn yêu cầu bắt thẩm phán đã gửi đến những nơi có thẩm quyền và một số lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước. Tôi có đủ chuyên môn và quyết tâm để gửi đến những người có trách nhiệm và buộc họ phải giải quyết. Nếu không giải quyết thì tôi đặt đơn này lên bàn mỗi ủy viên bộ chính trị và ủy viên thường vụ quốc hội. Tôi dự định hiến tặng chiếc máy in không mở được mật khẩu này cho Bộ Chính trị là có ý bắt đền Bộ Chính trị. Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện ngành tòa án mà để tòa án xử bê bối và kéo dài như thế này là không thể chấp nhận được. Công lý là của toàn dân chứ không phải của riêng một nhóm người lộng quyền nhân danh công lý. Bọn chạy án, bọn thẩm phán tha hóa, kiếm ăn trong bóng tối, dù cho chúng hình thành tổ chức mafia hung hãn mức nào thì cũng không là gì so với sức mạnh của nhân dân này. Đỉnh cao của công lý phải là “công lý cho những người cầm cân công lý”. Vì thế, phải bắt bà Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh và bọn mafia trong ngành tư pháp để giữ gìn công lý cho mọi người, mọi nhà.
Trích từ “Cuộc Chiến Đòi 10 Triệu USD” – còn nữa).
Bình luận