Khi bổn phận của anh là phải đối diện với hiểm nguy song anh bỏ chạy thì đó là sự hèn nhát.

Menu

3. Phương pháp giải thích luật pháp

PHƯƠNG PHÁP GIẢI THÍCH LUẬT PHÁP
(312 – DLKL)

Học lý, cũng như án lệ, có nhiệm vụ giải thích luật pháp. Trong sự thi hành nhiệm vụ này, cần phải giải quyết vấn đề quan trọng. Đứng về mặt lý thuyết, luật gia cũng như thẩm phán sẽ căn cứ vào phương pháp nào để giải thích luật lệ? Và thực tế, hiện nay các thẩm phán và luật gia thường áp dụng những nguyên tắc nào?
1. Các phương pháp trên phương diện lý thuyết: Vấn đề này đã làm đề tài cho nhiều cuộc thảo luận sôi nổi; nhiếu phương pháp đã được đề nghị, song tựu chung vẫn có thể xếp làm ba loại: a) Phương pháp chú giải (methode de L’exégèse: phương pháp chú giải):
– Phương pháp chú giải là phương pháp cổ điển, được áp dụng ở châu Âu trong cuối thế kỷ thứ 19. Tôn trọng ý chí nguyên thủy của nhà làm luật, phương pháp này chủ trương thẩm phán phải tìm hết mọi biện pháp để làm sáng tỏ ý chí ấy. Đây cũng là một hệ quả tất nhiên và hợp lý của nguyên tắc phân quyền đương phát xuất mạnh mẽ trong thời kỳ này. Để phát huy ý chí của nhà làm luật, lẽ dĩ nhiên, thẩm phán hay luật gia phải căn cứ vào bản văn của đạo luật. Chỉ cần hướng hết mọi sự cố gắng vào việc chú thích bản văn ấy là sẽ làm sáng tỏ ý chí của nhà lập pháp. Nhưng không phải tất cả mọi trường hợp, vần đề sẽ được giải quyết một cách dung dị như vậy. Luật có thể không đề cập đến vấn đề tương tranh. Ngoài ra, bản văn của đạo luật có thể hoặc tối nghĩa, hoặc quy định không đầy đủ. Tuy vậy, trong những trường hợp khó khăn này, phương pháp chú giải vẫn chủ trương phải tìm rõ ý chí của nhà lập pháp. Những biện pháp nào có thể đem áp dụng để đạt được kết quả nói trên? Muốn tìm kiếm cho biết ý nhà làm luật, người ta sẽ phải hoặc mượn những biện pháp trong sữ học hoặc áp dụng những biện pháp của luận lý học. Chú thích gia, trước hết, phải tự đặt mình vào địa vị một nhà sử học, nghiên cứu cac công trình dự bị trong việc tu soạn đạo luật như các biên bản, các cuộc thảo luận tại quốc hội, tờ trình các lý do về dự án luật … Nếu những tài liệu này đủ để minh định ý chí của nhà làm luật, tất nhiên các tài liệu quí báu ấy phải được dùng tới trong việc giải thích đạo luật. Trong trường hợp các tài liệu trên không giải quyết nổi vấn đề, người ta sẽ cần phải xét đến lịch sử chính trị và xã hội lúc ban hành ra đạo luật, để suy đoán ra ý chí nhà làm luật thời ấy, thì rất có thể nhà làm luật đã chấp nhận học thuyết đương thời. Ở Pháp chẳng hạn, để hiểu rõ ý chí của nhà lập pháp Napoleon về các vấn đề dân luật, người ta thường nghiên cứu các sách luật của luật gia Pothier, một luật gia danh tiếng của Pháp ở thế kỷ 18. Ở Việt Nam, bộ dân luật Bắc ban hành năm 1931, một phần lớn là công trình của viên Chánh Nhất Tòa Thượng Thẩm hồi ấy là Morché. Vì vậy, muốn hiểu rõ những điều tối nghĩa, có thể khảo cứu những vấn đề ấy trong quyền án lệ Bắc Phần (1931-1936) sưu tập các bản án do viên Chánh Nhất này phán định. Nhưng ngoài những phương pháp mượn ở sử học, còn có thể áp dụng những phương pháp suy luận thông thường như: 1. Phương pháp suy luận loại tỷ hay tỷ luận; 2. Phương pháp suy luận đối nghịch; 3. Phương pháp suy luận qui nạp và suy diễn. Nói một cách khác, học phái chú giải chấp nhận những kết luận của môn phái triết lý thiết yếu (philosophie essentialiste: triết học bản chất) và cho rằng, với những phương pháp suy luận nói trên, tất nhiên sẽ đưa dẫn luật gia hay thẩm phán ngày nay đi đến đúng những kết luận của các nhà lập pháp thời trước.
a1) Phương pháp suy luận loại tỷ hay tỷ luận (raisonnement par analogie: suy luận bằng sự tương tự):  Theo phương pháp này, nếu trong luật pháp đã giải quyết một trường hợp tương tự, thì có thể căn cứ vào trường hợp này để nới rộng phạm vi giải pháp ấy cho bao gốm cả trường hợp hiện đương cần giải quyết. Thí dụ: Trong dân luật, nếu hai bên ký kết với nhau một khế ước mà ý chí không được hoàn toàn tự do, như bị lừa dối hay bị cưỡng bách thì khế ước ấy bị vô hiệu. Nhưng trái lại, trong luật  không có điều khoản nào nói tới tính cách vô hiệu của một sự khước từ kế sản, dù sự khước từ ấy không được hoàn toàn tự do. Tuy nhiên, hai trường hợp trên có một điểm tương tự là các chứng thư đều do ở ý chí của đương sự mà có. Vậy khi ý chí đó vô hiệu vì không được tự do, ta có thể áp dụng phương pháp suy luận loại tỷ để kết luận rằng, sự khước từ kế sản cũng vô hiệu.
a2) Phương pháp suy luận đối nghịch (Raisonnement a contrario: suy luận trái ngược): Khác với phương pháp suy luận loại tỷ, phương pháp này căn cứ vào tính cách đối nghịch của hai trường hợp mà một trong trường hợp ấy đã được quy định trong luật. Từ sự đối lập giữa các yếu chỉ, người ta đi dến điểm đối lập giữa các kết luận. Thí dụ: Trong dân luật Bắc, điều 258 quy định rằng những vụ do bảo nhi đứng kiện người giám hộ, về các việc liên quan đến giám hộ, chỉ chịu thời hiệu đoản kỳ là 5 năm, trong khi các vụ khác, thời hiệu là 20 năm. Nói một cách khác, các vụ kiện này phải khởi kiện trong một thời hạn 5 năm sau khi viên giám hộ đã khai trình kế toán. Sở dĩ luật chỉ định một thời hiệu đặc biệt như vậy là để giảm bớt trách nhiệm của giám hộ viên, khỏi phải quan tâm giữ sổ sách, bút toán trong một thời gian quá lâu dài về một việc giám hộ chỉ có ích thực sự cho bảo nhi; nếu bắt viên giám hộ chịu một trách nhiệm quá nặng, thì không ai muốn nhận làm giám hộ nữa. Nhưng cũng vì lý do ấy, đối với tất cả các việc không liên quan đến giám hộ, ta phải kết luận theo lối suy luận đối nghịch rằng, thời hiệu sẽ là thời hiệu thông thường 20 năm. Như vậy, nếu giám hộ viên có nợ của bảo nhi, thì người này vẫn có quyền khởi kiện đòi nợ, trong khi thời hiệu 20 năm chưa chấm dứt vì việc nợ này không liên quan gì đến sự giám hộ cả.
Tuy nhiên, cần chú ý là lối suy luận đối nghịch này có thể dẫn tới các kết luận rất nguy hiểm vì quá vội vàng. Không thể nói rằng, trong tất cả mọi trường hợp, khi có một sự kiện đối nghịch với sự kiện đã quy định, thì kết luận cũng phải trái nghịch với kết luận đã được chấp nhận ở trong luật. Chỉ cần nhắc lại ở đây thí dụ đã trình bày ở mục suy luận loại tỷ cũng đủ rõ. Trong luật không nói tới trường hợp khước từ kế sản mà ý chí không được tự do. Như vậy không có nghĩa là sự khước từ này phải coi là hữu hiệu, trái hẳn với những trường hợp khế ước. Sự suy luận đối nghịch chỉ có thể áp dụng được khi dẫn ta tới một quy tắc tổng quát, có giá trị; nếu không, sự suy luận này phải gạt ra ngoài chứ không thể dùng được. Trong thí dụ khước từ kế sản, sự suy luận đối nghịch sẽ đưa tới một kết luận trái nghịch với quy tắt tổng quát: Một ý chí không được hoàn toàn tự do sẽ vô giá trị; Vì vậy, không thể áp dụng phương pháp này một cách vội vàng và phải dùng một phương pháp khác.
a3) Phương pháp qui nạp và suy diễn (raisonnement par induction et déduction: suy luận bằng quy nạp và diễn dịch): Theo phương pháp này, luật gia sẽ căn cứ vào nhiều trường hợp tương tự được quy định ở torng luật để quy thành một tổng tắc. Đây là giai đoạn quy nạp. Sau khi đã nêu được tổng tắc rồi, tổng tắc ấy sẽ được đem áp dụng bằng cách suy diễn vào trường hợp mà ta cần giải quyết. Thì dụ: Về khế ước, điều 652 DLB ghi rõ là ý chí cần được tự do, không có sự cưỡng bách. Về giá thú, điều 86 cũng dự liệu rằng giá thú có thể xin tiêu hủy, nếu ý chí đương sự có lầm lẫn hay chịu cưỡng bách. Về phân sản, theo điều 392, sự phân sản có thể bị công kích nếu có gian lận, nói một cách tổng quát. Như vậy, ta có thể quy nạp lại tổng tắc sau: Khi một chứng thư nào căn cứ vào ý chí của đương sự, ý chí đó cần phải được phát xuất và biểu thị tự do, không thể có một sự đè nén hay cưỡng bách nào cả. Có thể đem phương pháp suy diễn để áp dụng tổng tắc này vào trường hợp khước từ kế sản. Tuy trong luật không quy định minh bạch song nếu sự khước từ không được hoàn toàn tự do, đương sự có thể xin tiêu hủy sự khước từ ấy như vô giá trị.
– Phê bình phương pháp chú giải: Sau khi đã phân tích các biện pháp được áp dụng trong phương pháp chú giải, ta cần phải rõ chân giá trị của phương pháp này. Ngày nay, các học giả thường chỉ trích phương pháp chú giải về hai phương diện:
+ Các biện pháp của phương pháp chú giải này chỉ có giá trị tương đối. Nếu cần dùng phương pháp sử học để tìm kiếm ý chí của nhà làm luật, trong những điều kiện dự bị hay sơ bộ, ta sẽ vấp phải một trở lực rất thông thường: Các tài liệu này phần lớn là các biên bản ghi chép các cuộc thảo luận tại nghị viện hay quốc hội. Phản chiếu các cuộc bàn cãi, các biên bản ấy tất nhiên phải ghi cả ý kiến thuận và ý kiến nghịch, vì ít khi toàn thể quốc hội đồng ý về một vấn đề. Vì vậy, trong học lý, nhiều khi các học giả tuy cùng dựa vào một tài liệu sử học mà thường đi đến các kết luận sai biệt. Đối với các biện pháp mượn trong luận lý học, kết quả cũng không khả quan hơn. Những nguyên tắc của nền triết lý thiết yếu căn cứ vào sự vô quá của lý trí (lý thuyết của Bergson) mỗi ngày càng bị thời gian lay chuyển, đã phá. Ngoài ra, dù nguyên tắc ấy có đúng chăng nữa, các thẩm phán còn cần phải là những nhà triết học, giỏi về luận lý học mới thâu hoạch được kết quả mỹ mãn. Điều kiện này không phải là điều kiện dễ dàng gì, trong thời gian hiện tại. Trước sự phát triển không ngừng của khoa học, phạm vi khoa học mỗi ngày một mở rộng thêm rộng rãi bao la, không ai có thể tự phụ là có khối óc vạn năng và mỗi người phải chuyên về một ngành nhất định.
+ Về hệ quả, phương pháp chú giải sẽ cản bước tiến hóa của luật pháp: Để giải quyết những vấn đề xảy ra ở Nam Phần vào hậu thế kỷ XX này, phương pháp chú giải chủ trương phải tìm hiểu rõ ý chí của nhà lập pháp, vào năm 1883, lúc ban hành bộ Dân luật Giản yếu. Cùng với bánh xe lịch sử, xã hội luôn luôn biến chuyển và tiến hóa. Từ non một thế kỷ nay, tình trạng kinh tế, cxa4 hội của Việt Nam đã thay đổi nhiều, không còn giống tình trạng lúc người Pháp mới đặt chân lên giải đất này, lẽ tất nhiên, quan niệm về luật pháp cũng phải thay đổi cho kịp thời. Nếu tự câu thúc mình torng ý chí của nhà lập pháp 1883, khác nào dân tộc Việt Nam cam chịu sống vĩnh viễn dưới ngọn đèn dầu le lói, trong khi thế giới đang tiến đến sự khai thác nguyên tử lực. Vẫn biết rằng nhà lập pháp có nhiệm vụ phải làm ra các luật mới, theo đà tiến triển của xã hội. Song tất cả các nước trên thế giới, theo kinh nghiệm, việc tu soạn luật thường là một việc rất chậm. Nhà lập pháp một phần phải thận trọng, một phần mắc công việc bề bộn, cho nên nến luật pháp bao giờ cũng tiến chậm sơ sự biến chuyển thực sự của xã hội. Nhiều khi sự chậm trễ và sự so lệch này rất lớn. Vì vậy, trong công việc giải thích luật pháp, không thể quá câu nệ về sự tìm kiếm ý chí nguyên thủy của nhà lập pháp khi trước.
b) Phương pháp sưu tầm tự do và khoa học:
Phương pháp này công nhận một địa vị rất quan trọng cho các thẩm phán và luật gia. Trong trường hợp luật pháp quy định minh bạch, lẽ tất nhiên, các thẩm phán hay các nhà giải thích không thể vượt khỏi khuôn khổ mà luật pháp đã vạch rõ. Đi ra ngoài con đường này là vi pháp, nghĩa là phạm vào pháp luật. Nếu một bản án vi pháp, tất nhiên sẽ bị tòa án hủy bỏ. Nhưng theo phương pháp sưu tầm tự do và khoa học, nếu torng luật không quy định minh bạch, luật gia và thẩm phán, trong sự giải thích và áp dụng luật, không bắt buộc phải đi tìm ý chí nguyên thủy của nhà làm luật, và có thể tự do giải thích luật theo khoa học. Nói khác đi, phương pháp này công nhận chủ quyền của luật pháp chứ ko6ng công nhận chủ quyền của nhà lập pháp. Đối với nhà lập pháp, dù là một vi vua hay một quốc hội, một khi đạo luật đã tu soạn xong, thì nhiệm vụ của họ cũng vừa chấm dứt. Từ đó trở đi, chủ quyền lưu tồn ở chính đạo luật. Tuy có quyền sửa đổi, nhà lập pháp không có quyền giải thích luật. Nếu luật vẫn không bị sửa đổi, quyền giải thích luật thuộc về thẩm phán và luật gia. Sự giải thích này sẽ được thực hiện theo tinh thần tự do và theo phương pháp khoa học.
Trước hết, cần phải căn cứ vào đối chiếu pháp, nghiên cứu xem tại các nước cùng chung một nền văn minh, vấn đề tương tranh được giải quyết như thế nào. Lẽ tất nhiên không thể nhắm mắt, mượn giải pháp của người làm giải pháp của mình, như Bộ Hoàng Việt Luật lệ của Triều Nguyễn đề chép đúng gần hết nguyên văn bộ luật Mãn Thanh. Cần phải châm chước cho hợp với tình trạng xã hội trong nước. Cũng cần phải tham chiếu cả lịch sử vì lịch sử chứng tỏ sự tiến hóa của xã hội và vạch rõ chiều tiến hóa. Thẩm phán cũng như luật gia, cần phải nhận chân chiều tiến hóa ấy. Yếu tố thứ ba là sự công bình của thẩm phán trong việc phê phán.
* Phê bình phương pháp sưu tầm tự do và khoa học: Phương pháp này không phải là không có nhược điểm. Giải thoát cho thẩm phán và các luật gia khỏi khung cảnh chật hẹp của ý chí nguyên thủy của nhà làm luật, phương pháp này đã gắn cho họ những quyền hạn quá lớn. Sự giải thích của thẩm phán đã biến thành một quyền lập pháp riêng biệt. Do ở sự sưu tầm tự do và khoa học, thẩm phán có thể sử dụng, cũng như luật gia có thể giải thích luật trái hẳn với ý chí của nhà lập pháp lúc ban hành luật ấy. Ngoài ra, sự sưu tầm tự do và khoa học này, bắt buộc các thẩm phán phải có nhiều điều kiện: Có một bộ óc hoàn toàn khách quan và một sự hiểu biết sâu rộng về luât đối chiếu, cũng như về sử ký, xã hội học. Hai điều kiện này đều ngặt nghèo vì cần nhớ thẩm phán cũng không thoát khỏi thường lệ vas2 cũng có những lôi cuốn về chính trị, tôn giáo…tùy theo tư tưởng của họ. Còn sự đòi hỏi những kiến thức đầy đủ vể mọi ngành đối với một thẩm phán, cũng là một đòi hỏi quá nhiều, thiết tưởng rất ít người thỏa mãn được điều kiện này. Vì vậy, nếu công nhận cho các thẩm phán quyền tự do giải thích luật pháp, lý thuyết tuy đẹp đẽ, song chủ trương ấy có lẽ sẽ dẫn tới những kết quả còn tai hại hơn là thyết chú giải.
c) Phương pháp sưu tầm ý chí của nhà lập pháp hiện tại:
Phương pháp thứ ba này cũng chỉ là một trong nhiều phương pháp chiết trung đề nghị một giải pháp trung dung giữa những lý thuyết thái cực. Theo phương pháp này, thẩm phán và các luật gia giải thích luật phải căn cứ vào bản văn luật pháp, ở trong trường hợp bản văn này minh bạch rõ ràng, cũng như trong trường hợp bản văn tối nghĩa hoặc thiếu sót. Gặp những trường hợp này, nhà giải thích luật pháp phải tìm hiểu rõ ý chí của nhà lập pháp. Nhưng ở đây không phải tìm hiểu ý chí của nhà lập pháp khi ban hành đạo luật tối nghĩa hay thiếu sót mà chính là phải tìm hiểu ý chí của nhà lập pháp hiện tại. Nói một cách khác, nhà giải thích luật pháp phải giải quyết vấn đề sau: Đứng trước vấn đề tương tranh, ý chí nhà lập pháp hiện nay thế nào?
Lẽ tất nhiên, vấn đề này không phải là một vấn đề dung dị vì thực sự, nhà lập pháp ngày nay chưa đề cập tới vấn đề ấy. Song, từ ngày ban hành đạo luật cũ cần giải thích, đến nay, đã có một sự tiến hóa trong nền luật pháp: các luật mới được ban hành, các lý thuyết xã hội, các tập tục mới đã đánh dấu một chiều hướng tiến hóa. Nhà giải thích luật pháp, cũng như thẩm phán sẽ nhận định chiều tiến ấy mà suy đoán ra thái độ, ý chí nhà làm luật hiện tại. Để trở về với thực tại, luật pháp ở Việt Nam, đã từ lâu hình như bị kết đọng, không biến chuyển. Các sự cải tổ đều có tính cách vụn vặt, không đáng kể. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, ta có thể nhận thấy trong phạm vi tư pháp, một sự biến chuyển lớn, hướng về phương diện xã hội để nâng cao đời sống dân chúng, nhất là các giới cần lao. Qua những luật về sự thuê nhà phố, những luật giảm địa tô, luật cải cách điền địa, luật lao động v.v.. nền luật pháp của ta đã thấm nhuần rõ rệt tinh thần xã hội. Nhờ ở sự định hướng này, các luật gia có thể suy đoán ý chí của nhà lập pháp hiện tại để giải quyết các điểm nghi vấn. Vì lẽ ấy, phương pháp này có khi còn mệnh danh là phương pháp lịch sử hay phương pháp tiến hóa.
* Phê bình phương pháp sưu tầm ý chí của nhà làm luạt hiện tại: Vẫn biết rằng giải pháp này cũng đòi hỏi ở thẩm phán hay ở nhà giải thích nhiều điều kiện khó khăn. Các vị ấy phải thấu hiểu lịch sử xã hội hiện tại và thoát bỏ các ý kiến riêng của mình để nhận định đường lối chung của xã hội, nhưng đứng về măt nguyên tắc, phương pháp thứ ba này có vẻ hợp lý hơn cả. Ta cần đặt luật pháp vào trong khuôn khổ của thời gian hiện tại, và chú ý đến các yếu chỉ xã hội hiện tai, để giải thích luật pháp. Chỉ có giải pháp ấy mới phù hợp với sự tiến hóa và với nhu cầu của xã hội luôn luôn biến chuyển.
2. Các nguyên tắc giải thích luật pháp hiện áp dụng trong thực tế:
– Tuy vấn đề ấn định phương pháp hợp lý trong việc giải thích luật pháp là một đề tài tranh luận sôi nổi, và mặc dù các luật gia và thẩm phán không đồng quan điểm về lý thuyết, nhưng trong thực tế, người ta nhận thấy có một số nguyên tắc suy luận và một số phương châm giải thích vẫn thường được áp dụng. Vẫn biết rằng các nguyên tắc và các phương châm này không có giá trị tuyệt đối, nhưng thiết tưởng cũng cần biết qua nội dung. Trên đây, ta đã lượt xét các lối suy luận loại tỷ, suy luận đối nghịch, suy luận bằng phép quy nạp hay suy diễn. Ta còn có thể kể thêm lối suy luận tất nhiên (raisonnement a fortiori). Theo lối suy luận này, ta có thể nới rộng phạm vi áp dụng một đạo luật cho một trường hợp không được dự liệu, khi sự nới rộng ấy là một việc tất nhiên. Trong trường hợp này, lý do để áp dụng đạo luật đều tụ hội đầy đủ và nhất là cac lý do ấy còn cứng cáp mạnh mẽ hơn ở trong những trường hợp được ghi trong luật. Như vậy, lẽ tất nhiên phạm vi của đạo luật phải được nới rộng để bao gồm trường hợp mới này. Thí dụ: Theo luật thừa  kế của ta, người lập chúc thư có quyền truất phần của một hay nhiều người thừa kế. Vậy, lẽ tất nhiên, người ấy được toàn quyền định đoạt các phần gia tài nhỏ lớn theo ý muốn, vì quyền này không quan trọng bằng truất hẳn phần gia tài.: “Ai được phép làm việc lớn tất được phép làm việc nhỏ” (Qui peut le plus peut le moins: Ai có thể làm nhiều hơn thì có thể làm ít hơn).
a. Các biệt lệ bao giờ cũng phải giải thích theo nghĩa hẹp (exceptio est strictissimae interpretationis: les exceptions sont d’interpretation stricte) (ngoại lệ là cách giải thích chặt chẽ nhất: ngoại lệ là giải thích nghiêm ngặt): Theo nguyên tắc này, luật bao giờ cũng đặt một nguyên tắc chung cho mọi người. Vậy khi có biệt lệ, biệt lệ ấy cần được giải thích trong khuôn khổ của văn từ. Nhà giải thích không có quyền nới rộng khuôn khổ ấy để cho thêm số người được hưởng một đặc quyền chẳng hạn. Các biệt lệ ở trong luật có thể xếp làm hai hạng:
_ Các biệt lệ hữu hình (exceptions formelles: ngoại lệ chính thức), nghĩa là do văn thể mà có thể biết được; thí dụ: luật sau khi đã nêu một nguyên tắc chung, lại đặt ra một biệt lệ, bắt đầu bằng chữ “Tuy nhiên, nhưng v.v…” .
_ Các biệt lệ tiềm thể (exceptions virtuelles), nhờ ở nghĩa và nhờ ở nội dung mà nhận được. Đây là trường hợp các luật đặt ra một đặc quyền, một sự trừng phạt hay một sự truất quyền chằng hạn. Tuy torng văn từ của luật, không bắt đầu bằng chữ “tuy nhiên, song, nhưng, v.v..”, nhưng do tính chất, các luật ấy cũng là những biệt lệ, vì theo nguyên tắc, luật phải nêu những nguyên tắc căn cứ trên bình đẳng, tự do, không được phân loại.
Các biệt lệ, dù hữu hình hay tiềm thể, đều phải giải thích theo nghĩa hẹp.
b) Cấm (không được) phân biệt khi luật pháp không phân biệt (Ubi lex non distinguit, nec nos distinguere debemus: est defendu de distinguer là ou la loi ne distingue pas = Nơi nào pháp luật không phân biệt, chúng ta cũng không nên phân biệt: cấm phân biệt ở những nơi pháp luật không phân biệt). Nếu trong luật, nói một cách tổng quát, thẩm phán hay luật gia không thể tự ý phân biệt để thu hẹp phạm vi của luật được. Thí dụ: Dụ ngày 2-4-1953 về việc thuê nhà ở, dự liệu rằng, khi người thuê phải rời đi nơi khác một mình để tiếp tục nghề nghiệp mà để vợ hoặc chồng và con cái tại nhà cũ thì họ vẫn có quyền lưu cư, nghĩa là còn được quyền mướn nhà ấy. Điều luật này có tính cách tổng quát về hai phương diện: Trước hết, nghề nghiệp được nói tới một cách chung, không phân biệt nghề nghiệp tư hay làm công sở. Ngoài ra, khi nói tới các con, nhà làm luật cũng không phân biệt là con chính thức, con tư sinh hay con nuôi. Thẩm phán không có quyền đặt thêm các sự phân biệt trên để hạn chế áp dụng của điều luật trên.
c) Phải đình chỉ áp dụng một đạo luật khi lý do của đạo luật ấy không còn (Cessante ratione legis, cessat lex; hoặc cessante ratione legis, cessat jus despositio: Khi lý trí của pháp luật chấm dứt thì luật pháp cũng chấm dứt; hoặc khi lý do của pháp luật chấm dứt thì sự dịch chuyển quyền cũng chấm dứt).  Tuy có những trường hợp, theo đúng nguyên tắc, phải ở trong phạm vi áp dụng của luật, nhưng ta phải đình chỉ, không thể áp dụng điều luật thông thường, vì lý do áp dụng điều luật ở đây thiếu sót. Nói một cách khác, nếu đem áp dụng luật thông thường ở trong các trường hợp ấy thì trái với tinh thần luật pháp, và trái với mục đích của nhà lập pháp. Thí dụ: Trong dân luật Pháp, theo điều 451, người giám hộ, theo nguyên tắc, bắt buộc phải bán các động sản của vị thành niên, ngay lúc mới nhận việc giám hộ, bởi vì theo quan niệm của nhà làm luật ở Pháp, vào đầu thế kỷ thứ XIX, các động sản là những tài sản không sinh lợi. Cần phải bán hết và dùng vốn ấy mua bất động sản dẽ có lợi hơn. Tuy nhiên, nguyên tắc này không áp dụng, nếu có những động sản sinh lợi. Vì vậy, nếu trẻ vị thành niên có những trâu bò chẳng hạn, người giám hộ không cần phải bán, vì trái với tinh thần luật pháp. Xét cho kỹ, phương châm thứ ba này đi ngược lại với hai phương châm nói trên. Với biện pháp này, thẩm phán chẳng hạn, có thể tự mình đặt ra biệt lệ, hay tự mình phân biệt khi pháp luật không phân biệt. Vì vậy, phương pháp thứ ba này chỉ có thể áp dụng khi nào rõ ràng là người ta đi trái với tinh thần của luật pháp.
Để kết luận, có thể nói rằng, tất cả các phương pháp, các phương châm trên đây, đều căn cứ vào một quan niệm chung: Luật pháp là một ý chí, ý chí của con người và cũng là một ý chí hợp lý, vì vậy có thể dùng những phương pháp của lý trí để tìm hiểu ý chí ấy; khác nhau là ở chỗ chuẩn định phương pháp giải thích mà thôi. Quan niệm duy lý này vốn phát sinh từ Luật La Mã và còn tồn tại đến nay./.

| Chia sẻ:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Nam Lua

Nam Lua

Bình luận

avatar