Ngày 24/8/2016, trước ngày xuống đao đóng nắp quan tài gần một tháng, bà Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đã đột ngột cho tạm ngừng phiên tòa để thống nhất chuẩn bị cho ngày khai đao. Ngày 22/9/2016, mở lại phiên tòa, bà Kiểm sát viên Nguyễn Thị Én đã lạnh lùng thống nhất khai đao với những lời lẽ để lại cho muôn đời con cháu mai sau: “Kháng cáo của nguyên đơn Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn là không có căn cứ nên không được chấp nhận. Kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH Thương mại Tư Vấn Kỹ thuật Sao Nam và kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam là có căn cứ nên cần chấp nhận do đó đề nghị tòa sửa án theo hướng công nhận hợp đồng 03 và phụ lục hợp đồng ngày 27/12/2014 có hiệu lực và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các đương sự”. (Trang 12 bản án phúc thẩm).
Sau phát biểu của bà Kiểm sát viên Nguyễn Thị Én, quả nhiên, bà Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh lặp lại thống nhất “để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các đương sự” tuyên xuống đao, phủ lên xác chiếc máy in C1100 này bằng bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. Bản án đã đạt được sự thống nhất cao như thế thì rất khó có cơ may được minh oan ở cấp giám đốc thẩm. Tuy nhiên, độc chiêu hơn, bọn mafia này còn cẩn trọng giằng lên xác chiếc máy in C1100 này bằng một tảng đá chặn kháng nghị giám đốc thẩm. Phải mất đúng bốn năm, không dư không thiếu một ngày, tôi mới xeo nổi tảng đá này khỏi quan tài chiếc máy in. Ngày 22/9/2016, bà Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh xuống đao đóng nắp quan tài thì ngày 22/9/2020, ông Phó Chánh án Nguyễn Hữu Trí kháng nghị mở nắp quan tài. Một năm có 365 ngày, không biết tại sao kháng nghị lại trùng với ngày 22/9 như thế này. Tôi thấy lạ lắm. Cứ như có bàn tay vô hình nào đó bảo vệ tôi và dẫn dắt vụ án này cho đến ngày khởi tố, bắt giam Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh. Sức người không làm nổi.
Ngay sau khi nhận được bản án phúc thẩm, ngày 15/10/2015, tôi có đơn đề nghị xem xét bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm. Tôi gửi đơn đến 4 người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này. Đó là, ông Nguyễn Hòa Bình-Chánh án TANDTC, ông Lê Minh Trí-Viện trưởng VKSNDTC, ông Trần Văn Châu-Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM và ông Nguyễn Văn Quảng-Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM. Tôi tập trung đơn ở TAND cấp cao tại TP.HCM vì tôi biết rằng, dù ai kháng nghị thì cũng sẽ phải chuyển hồ sơ cho TAND cấp cao tại TP.HCM để xử giám đốc thẩm theo thẩm quyền được qui định tại điều 337 BLTTDS.
Tôi không dùng tiền để chạy kháng nghị vì tôi biết rằng tiền của tôi không nhiều bằng tiền của tập đoàn Konica Minolta. Tôi cũng không dùng quan hệ vì tôi biết rằng quan hệ với cơ quan tư pháp thì tôi không bằng cựu phó Chánh án Trần Văn Sự, cựu Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Vinh và đội ngũ luật sư hùng hậu của họ. Tôi cũng dự đoán là con đường kháng nghị giám đốc thẩm đã bị chặn nhưng linh hồn ai đó cứ thôi thúc tôi dấn thân tranh đấu giải oan cho xác chiếc máy in này. Xác chiếc máy in như là xác người bị tử hình oan nằm đó cứ ám ảnh tôi. Tôi không còn sợ chết. Nhiều đêm tôi thức trắng đi bộ một mình ngoài đường nghĩ ngợi như ma nhập. Hình như oan hồn ai đó cứ thúc giục tôi phải làm sáng tỏ vụ án này để bắt Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh và bọn mafia này phải đền tội.
Tôi nhận được Giấy Xác Nhận đề ngày 17/11/2016 của TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh với thông báo “sẽ tiến hành xem xét đơn đề nghị của Công ty theo qui định của pháp luật” do ông Ngô Mạnh Cường ký. Lập tức, tôi lên tòa cấp cao, lúc đó đóng tại 124 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, để gặp ông Ngô Mạnh Cường. Tôi nhờ anh Nguyễn Đắc Minh, lúc đó là chánh văn phòng tòa cấp cao, dẫn qua gặp ông Cường. Tôi mang theo giấy xác nhận bản chính, có chữ ký của ông, kèm bản phô tô bút lục số 223-Giấy Chứng Nhận Phân Phối Ủy Quyền, một bút lục quan trọng thể hiện vi phạm tố tụng để ông Cường có thể đề xuất kháng nghị giám đốc thẩm. Anh Nguyễn Đắc Minh ghi “vi phạm tố tụng” vào tờ bút lục số 223 rồi đưa cả 2 tờ giấy này cho ông Ngô Mạnh Cường. Lúc đó, ông Cường rất vui vẻ, hứa là sẽ xem xét giải quyết. Trước khi ra về, tôi qua văn phòng nói chuyện với anh Nguyễn Đắc Minh. Tôi tâm sự rằng “Khó mà kháng nghị, anh sợ bọn nó chặn kháng nghị rồi”. Nguyễn Đắc Minh thốt lên: “Em còn ngồi đây mà bọn nào chặn được kháng nghị vụ của anh”. Tôi nghe vậy cũng có phần yên lòng. Nhưng từ đó cho đến ngày 13/9/2019, gần hết thời hạn kháng nghị 3 năm, tôi vẫn không nhận được trả lời “kháng nghị hay không kháng nghị”. Thỉnh thoảng tôi có nhờ Nguyễn Đắc Minh hỏi dùm ông Ngô Mạnh Cường nhưng anh Nguyễn Đắc Minh bảo tôi phải đợi vì đơn đề nghị giám đốc thẩm quá nhiều.
Trong suốt thời gian 3 năm sau phúc thẩm, tôi gửi đơn như người bắn phi thuyền vào không trung, một đi không trở lại. Để tăng phần nặng đô, ngày 26/4/2017, tôi yêu cầu Thừa Phát Lại Quận 5 lập vi bằng ghi nhận tình trạng máy in “không thể hoạt động vì máy hỏi mật khẩu” để gửi kèm theo đơn. Tôi hy vọng với vi bằng này, tòa án cấp cao hoặc viện kiểm sát cấp cao sẽ phải kháng nghị vì không ai để một chuyện chướng tai gai mắt như vậy diễn ra trên cõi đời này. Nhưng mọi chuyện vẫn tiếp diễn kỳ cục.
Ngày 11/5/2017, Kiểm sát viên Võ Chí Thiện, thừa lệnh Viện trưởng VKSND Cấp Cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, ký văn bản số 18/TB-VC3-V4, thông báo trả lời “không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”. Đọc thông báo này, tôi hiểu là kháng nghị đã bị chặn. Tôi đã nghĩ đến tình huống là TAND cấp cao tại TP.HCM cũng sẽ dễ dàng trả lời đơn “không có căn cứ kháng nghị” như Viện Kiểm Sát nhưng không hiểu vì sao họ cứ kéo dài thời hạn, không trả lời đơn. Trong khi đó, đơn của tôi gửi chánh án Nguyễn Hòa Bình thì toà tối cao cứ báo là đã chuyển đơn cho TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết theo thẩm quyền.
Trong thời gian chờ đợi, một mặt, tôi nghiên cứu vũ khí đặc trị mafia để chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài. Mặt khác, tôi liên tục gửi đơn thúc giục TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh trả lời đơn. Gần hết thời hạn kháng nghị 3 năm theo qui định tại điều 334 khoản 1 BLTTDS, tôi trực tiếp đến TAND cấp cao, yêu cầu gặp lãnh đạo theo Luật Tiếp Công Dân để hỏi cho ra chuyện vì sao không trả lời đơn của tôi về việc “kháng nghị hay không kháng nghị?”.
8 giờ ngày 13/9/2019, ông Phó Chánh án Phạm Hồng Phong và một số cán bộ có trách nhiệm đã tiếp tôi. Lúc này, tôi mới được cho biết là hồ sơ do Viện kiểm sát cấp cao mượn, không chuyển đến tòa nên tòa không có hồ sơ để nghiên cứu trả lời “kháng nghị hay không kháng nghị”. Lập tức, tôi thắc mắc là viện kiểm sát cấp cao đã trả lời tôi “không có căn cứ kháng nghị” từ ngày 11/5/2017 thì đến nay họ còn giữ hồ sơ để làm gì? Ngay lúc đó, ông Phạm Hồng Phong mới giao cho ông Thẩm tra viên Lê Huy Kỳ tiếp tôi để giải quyết. Thẩm tra viên Lê Huy Kỳ đề nghị tôi viết lại đơn để ông đưa vào thụ lý thời hạn kháng nghị là 5 năm, theo điều 334 khoản 2 BLTTDS, vì đơn của tôi đã bị xóa khỏi sổ thụ lý của TAND cấp cao.
Ai giấu hồ sơ vụ án này và không chuyển cho TAND cấp cao? Ai xóa đơn đề nghị giám đốc thẩm của tôi khỏi sổ thụ lý của tòa án cấp cao mà không báo cho tôi biết để tôi khiếu nại lên cấp cao hơn? Tại sao không trả lời “không có căn cứ kháng nghị” như viện kiểm sát đã trả lời mà phải xóa thụ lý đơn đã thụ lý? Tại sao xóa thụ lý đơn mà không báo cho tôi biết để tôi khiếu nại?
Nghiên cứu văn bản số 168/YCCHS ngày 29/3/2017 của TAND cấp cao yêu cầu TAND TP. Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ vụ án và văn bản số 410/TATP-VP ngày 12/4/2017 của TAND TP.HCM trả lời TAND cấp cao, rồi đối chiếu với văn bản số 18/TB-VC3-V4 ngày 11/5/2017 của Viện Kiểm Sát Cấp Cao mới nhận ra thủ đoạn thâm độc của ông Ngô Mạnh Cường và bọn Mafia này.
Tôi và anh Nguyễn Đắc Minh đã gặp ông Ngô Mạnh Cường vào tháng 11/2016. Nếu ông Cường muốn xem hồ sơ sớm như đã hứa với tôi trước mặt anh Nguyễn Đắc Minh thì ông phải có văn bản yêu cầu TAND TP.HCM chuyển hồ sơ từ năm 2016, sớm hơn yêu cầu Viện Kiểm Sát cấp cao. Nhưng ông đã không làm mà chờ cho đến ngày 29/3/2017, tức là hơn 4 tháng sau, mới có văn bản yêu cầu tòa án TP.HCM chuyển hồ sơ rồi lấy cớ hồ sơ do viện kiểm sát mượn để xóa thụ lý đơn của tôi. Đơn của tôi đã vào sổ thụ lý thì không vì bất cứ lý do gì xóa thụ lý đơn của tôi mà tôi không được biết. Đây là sơ hở của lãnh đạo TAND cấp cao tại TP.HCM để cho ông Ngô Mạnh Cường vi phạm tố tụng rất nghiêm trọng về thủ tục giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm. Viện kiểm sát cấp cao đã trả lời “không có căn cứ kháng nghị” từ ngày 11/5/2017 và đã gửi văn bản này cho tòa án cấp cao. Từ 11/5/2017 đến ngày 13/9/2019, tôi liên tục gửi đơn đến tòa án cấp cao để đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm nhưng tôi cũng không nhận được bất cứ phản hồi nào. Tất cả đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm các vụ án dân sự, kinh doanh – thương mại đều do ông Ngô Mạnh Cường thụ lý ban đầu trước khi chuyển đến các bộ phận khác. Ông Ngô Mạnh Cường đã dìm đơn của tôi, không chuyển cho lãnh đạo tòa án cấp cao để phân công người xem xét, kháng nghị.
Ông Ngô Mạnh Cường và bọn mafia này biết đây là vụ án sai đến mức không thể trả lời “không có căn cứ kháng nghị”. Trả lời như vậy thì các ông sẽ phải chịu trách nhiệm về sau, nếu có người móc ra kháng nghị. Hơn nữa, trả lời “không có căn cứ kháng nghị” sớm thì tôi sẽ còn thời gian để khiếu nại lên tối cao. Tốt nhất vẫn là “hư hư thực thực”, không trả lời để tôi phải chờ cho hết thời hạn kháng nghị thì không còn ai có quyền lôi vụ án này ra xem xét nữa. Giằng quan tài 5 năm bằng chiêu này thì Tôn Ngộ Không đã từng bị đè 500 năm dưới Ngũ Hành Sơn nên tôi đã quá rành.
(Trích từ “Cuộc Chiến Đòi 10 Triệu USD” – còn nữa).
Bình luận