Một trong những lý do chủ yếu nhất để tôi theo đuổi vụ án Konica Minolta là vì tôi muốn giữ chữ tín với mọi người, kể cả với những kẻ đã lừa đảo tôi. Nếu tôi nói mà không làm thì bọn lừa đảo này sẽ nghĩ rằng tôi chỉ hù dọa chúng. Nhưng những gì đã diễn ra cho thấy, tôi nói thế nào thì làm đúng như thế ấy. Nói trước làm sau.
“Ngày 20/08/2015, bằng email, tôi gửi một tối hậu thư đến tất cả những người có liên quan, kể cả các luật sư của Konica Minolta. Tôi giao cho nhân viên Saigonbook dịch thư ra tiếng Anh và gửi vào hộp thư của Tadasu Ichino, Osafumi Kawamura và Makito Nakamura. Trong thư, tôi nói rõ là tôi sẽ đợi họ đến 17 giờ ngày 23/08/2015. “Hãy trả lời cho tôi biết là các ông bà có thu hồi máy C1100 này hay không? Nếu không, tôi sẽ bắt đầu mở mặt trận truyền thông”. Họ đã im lặng. Tôi coi sự im lặng này là một thách thức. 9 giờ 13 phút, thứ hai, ngày 24/08/2015, tôi nhấn nút khai hỏa trận đánh truyền thông như đã nhiều lần cảnh báo cho họ trước đó”. Đây là đoạn trích trong bài 10 – “Ra Tối Hậu Thư Với Konica Minolta’.
Khi vụ án đang được thụ lý ở giai đoạn sơ thẩm, trong một lần tiếp xúc, tôi cũng đã nói với Thẩm phán Phù Quốc Tuấn: “Việc của anh thì em nên cố gắng giải quyết cho đúng, cho chính xác”. Nói đến đó thì tôi dừng. Ngầm ý của tôi là “Em mà giải quyết sai thì hậu quả em ráng chịu”. Trong suốt 5 năm qua, tôi suy nghĩ rất nhiều về cá nhân Thẩm phán Phù Quốc Tuấn với bản án sơ thẩm đã tuyên. Tuy án sơ thẩm tuyên ‘hợp đồng vô hiệu’ là đúng yêu cầu của tôi nhưng lại thể hiện rất rõ sự cố ý biến “vô hiệu do lừa dối” thành “vô hiệu do nhầm lẫn”. Bây giờ thì thẩm phán Phù Quốc Tuấn đang đối diện với sự soi xét của nhiều người về sự sai trái ông bị tòa án cấp giám đốc thẩm vạch trần. Tôi cũng đã có đơn yêu cầu khởi tố ông. Con đường thăng quan tiến chức sắp tới của Thẩm phán Phù Quốc Tuấn có thể sẽ phải bị trả giá. Tôi đã giữ đúng lời hứa với Thẩm phán Phù Quốc Tuấn: “Em mà giải quyết sai thì hậu quả em ráng chịu”.
Khi vụ án lên đến giai đoạn phúc thẩm, tôi cũng đã có văn bản gửi đến Chánh án Ung Thị Xuân Hương, các phó Chánh án, Chánh tòa Phan Gia Quí và tất cả các thẩm phán tòa kinh tế, trong đó có thẩm phán Nguyễn Thu Chinh, đề nghị phải có biện pháp ngăn chặn các luật sư chạy án, bảo đảm xét xử đúng pháp luật. Sau khi biết Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh thụ lý, tôi đã đến gặp bà. Ngày 10/8/2016, tôi viết một lá thư góp ý chân thành gửi Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh. Cuối thư, tôi viết “Cuối cùng xin chúc chị sức khỏe dồi dào để phụng sự công lý, cống hiến nhiều cho đất nước”. Những việc làm đó có nghĩa là, tôi cảnh báo các ông bà là “Việc này nên thận trọng, không nên làm sai”. Bây giờ thì Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh đang đối diện với bản án phúc thẩm bị hủy vì sai hoàn toàn. Tôi cũng đã có đơn yêu cầu bắt Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh vì đã cố ý ra bản án trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Lỗi cố ý của Thẩm phán Nguyễn Thu Chinh là thể hiện rất rõ trong hồ sơ vụ án. Hơn nữa, tôi đã cảnh báo bà trước khi vụ án được đưa ra xét xử khá lâu.
‘Mất tiền là mất ít, mất danh dự là mất nhiều’. Một nhóm người, từ Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên có học hàm học vị, có địa vị danh giá mà đồng lõa, che chắn cho bọn lừa đảo này hưởng 3,4 tỉ đồng của một người bán sách tần tảo như ông Năm Lúa này thì không lẽ cái dây thần kinh xấu hổ của các ông bà này bị đứt rồi hay sao?
Tôi đã và sẽ giữ lời hứa vơi Konica Minolta và Sao Nam. Tôi làm tất cả những gì có thể để Konica Minolta và Sao Nam phải lấy máy về và trả lại số tiền đã lấy của tôi. Ai có trách nhiệm giải quyết vụ án này mà không giải quyết hoặc giải quyết bậy thì tôi cũng nêu tên và hành vi cụ thể của họ để cho cha mẹ, vợ con và người thân của họ biết. Câu chuyện cái máy in C1100 này có thể để lại cho muôn đời con cháu mai sau để làm bài học cảnh giác.
Chữ ‘Tín’ là phẩm chất quan trọng nhất của một doanh nhân. Trong lúc gặp khó khăn, tôi đã vay để thanh toán tiền mua máy. Tôi đã giữ lời hứa và sẽ tiếp tục giữ lời hứa. Tôi sẽ trở lại công việc kinh doanh trên nền kiến thức đã được cập nhật đến đầu năm 2021 với chữ ‘Tín’ đi cùng.
(Trích từ “Cuộc Chiến Đòi 10 Triệu USD” – còn nữa).
Bình luận