SỰ PHÁT SINH HAY TẠO LẬP RA CÁC QUYỀN LỢI
Các quyền lợi chủ quan là các quyền lợi hay lợi ích được luật pháp bảo vệ. Các quyền lợi ấy là những quyền lợi gì? Các quyền lợi ấy phát sinh hay được tạo lập trong những trường hợp nào?
I. CÁC LOẠI QUYỀN LỢI CHỦ QUAN: Trong luật hiện nay, có nhiều cách phân loại quyền lợi chủ quan. Một lối phân loại cổ điển phân biệt các sản nghiệp quyền (droits patrimoniaux: quyền tài sản) và các ngoại sản nghiệp quyền (droits extra-patrimoniaux: quyền ngoài tài sản).
1. Các quyền ngoại sản nghiệp:
Các quyền ngoại sản nghiệp, là những quyền lợi, trong sự giao thiệp giữa tư nhân, có chủ đích làm thỏa mãn những nhu cầu tinh thần không có tính cách kinh tế. Trong loại các quyền lợi này, phải kể các nhân quyền, nghĩa là các quyền lợi về bản thể con người. Những quyền lợi này rất lớn trong phạm vi công pháp, vì các nhân quyền là các tự do cá nhân mà hiến pháp ở các nước tân tiến đều chấp nhận nguyên tắc. Song, ngay đối với tư pháp, ở trong phạm vi dân luật, các nhân quyền ấy cũng có một địa vị rất quan trọng. Thí dụ, trong sự giao thiệp giữa tư nhân, không ai có thể xâm phạm tới an ninh, và thân thể của người khác. Ngoài các quyền lợi của con người, còn các quyền lợi của gia đình cũng thuộc về loại quyền ngoại sản nghiệp. Gia đình được tổ chức trên căn bản độc thê, hay đa thê? Giá thú, tử hệ, thân quyền v.v… được quy định như thế nào? Những vấn đề này sở dĩ được giải quyết trong luật pháp là do những nhu cầu về tinh thần và xã hội chứ không phải những nhu cầu kinh tế.
Song cũng cần nhắc lại rằng tuy không có chủ đích làm thỏa mãn các nhu cầu kinh tế, các quyền ngoại sản nghiệp, cũng không hoàn toàn thiếu hậu quả về mặt tài chính. Đối với các quyền lợi con người chẳng hạn, nếu một người khác xâm phạm tới sự an ninh của bạn thì bạn có quyền đòi hỏi bồi thường. Đối với các quyền lợi gia đình, các hậu quả tài chính cũng rất quan trọng. Do giá thú, hai vợ chồng đem tài sản của mình kết hợp thành sản nghiệp gia đình. Sự cai quản của sản nghiệp này sẽ do luật hay sự thỏa thuận của vợ chồng quy định, và sản nghiệp ấy sau này sẽ truyền lại cho các con v.v… Vậy, tuy mệnh danh là ngoại sản nghiệp, những quyền lợi này cũng có ảnh hưởng không nhỏ đối với sản nghiệp cá nhân.
2. Sản nghiệp quyền: Trái với các quyền ngoại sản nghiệp, các quyền sản nghiệp là những quyền lợi của tư nhân có tính cách kinh tế. Sống trong xã hội, người ta không thể không tiếp xúc với ngoại vật, để sống hoàn toàn cô độc, biệt lập như một trạng thái lý tưởng. Trong sự giao tiế giữa tư nhân, chính các sản nghiệp quyền có mục đích để thỏa mãn nhu cầu của con người cần thu hút các ngoại vật ấy. Các sản nghiệp quyền gồm có hai loại: Quyền đối vật và quyền đối nhân, tùy theo quyền đó được hành sử đối với một sự vật hay đối với một cá nhân khác.
2.1: Quyền đối vật hay vật quyền: Đó là quyền được hành sử một sự vật và được hưởng các lợi ích kinh tế của sự vật ấy. Nhưng các sự vật cũng chia ra làm nhiều loại, và vì lẽ ấy, các quyền đối vật cũng không phải hoàn toàn chỉ có một thứ.
2.1.1: Các sự vật:
Các sự vật (les choses) đối với luật pháp, được coi là tài sản. Hiện nay dân luật Việt Nam, theo luật Tây phương, phân chia làm hai loại: Các bất động sản và các động sản. Sự phân loại này có một sự quan trọng đặc biệt trong sự quy định của dân luật. Ở châu Âu hồi đầu thế kỷ 19, cũng như ngày nay ở Việt Nam, nền kinh tế còn ở vào thời kỳ nông nghiệp, chưa được kỹ nghệ hóa, cho nên các bất động sản (như nhà cửa, điền địa v.v…) được coi là có giá trị đặc biệt trong sản nghiệp. Trái lại, các động sản chỉ đóng vai trò phụ thuộc. Res mobilis res vilis (động sản là thứ rẻ tiền). Quan niệm này ngày nay ở các xã hội tân tiến không còn hợp thời, vì các cổ phần xí nghiệp, các sản nghiệp thương mại, các chứng khoán v.v… có giá trị hơn các bất động sản nhiều. Tuy nhiên, quan niệm ấy hồi đầu thế kỷ 19 đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với nhà lập pháp: Do quan niệm ấy, việc mua bán các bất động sản được qui định một cách rất khó khăn hơn là đối với động sản. Song cần phải nhận định rằng, ngày nay, sự phân loại giữa các bất động sản và động sản vẫn có căn cứ vào một ý tưởng xác đáng. Các bất động sản là một sản nghiệp ổn cố, vì vậy con người quyến luyến các bất động sản hơn là động sản, và do đó các bất động sản nên được bảo tồn trong gia đình.
– Các bất động sản có nhiều hạn: .
+ Các bất động sản do bản chất (immeubles par nature: tính chất bất động) như ruộng, đất, nhà …
+ Các bất động sản do dụng đích (immeubles par destination): Như dụng cụ trong ấp trại. Tuy theo bản chất, các dụng cụ vốn là các sự vật, nghĩa là các động sản, nhưng về phương diện kinh tế, nếu phân chia ra hai hạng, sẽ có sự thiệt hại co giá trị của ấp trại, cho nên luật pháp áp dụng nguyên t8a1c: Phụ tòng chính (accessorium sequitur principale; phụ kiện theo vật chính), và công nhận các dụng cụ ấy là những bất động sản do dụng đích cũng như các ấp trại, mà ấp là các bất động sản do bản chất.
+ Các bất động sản do chủ đích (immeubles par l’objet auquel ils s’appliquent), thí dụ: Nếu tôi được quyền dụng ích để hưởng dụng thu hoa lợi của một bất động sản, quyền dụng ích này cũng được coi là một bất động sản do chủ đích.
– Ngoài các bất động sản, tất cả các tài sản khác đều được coi là động sản. Động sản cũng có nhiều hạng:
+ Các động sản do bản chất (meubles par nature), nghĩa là các đồ vật có thể di dời được.
+ Các động sản do pháp luật chỉ định (meubles par détermination de la loi: động sản theo quy định của pháp luật). Các động sản này gồm có:
a) Các vật quyền đối với một động sản và tố quyền để đòi lại hay để truy hoàn một bất động sản;
b) Những cổ phần trong một hội thương sự hay dân sự;
c) Các sản nghiệp thương mại;
d) Các trái quyền;
e) Các niên kim;
f) Quyền sở hữu văn chương, mỹ thuật và kỹ nghệ.
Danh sách các động sản trên đây đưa tới sự phân biệt giữa các động sản hữu hình và động sản vô hình. Các động sản hữu hình (meubles corporels) là những tài sản có hình thể, mà ngũ quan có thể nhìn nhận được, như các đồ vật, nhà cửa. Các động sản vô hình (meubles incorporels) như các quyền lợi (quyền dụng ích, trái quyền). Sở dĩ các tài sản này được mệnh danh là vô hình, vì các quyền lợi này không thể đồng nhất hóa với những sự vật vốn là chủ đích của các quyền lợi ấy. Một thí dụ rõ rệt hơn nữa về động sản vô hìn, là những tài sản vô hình tuyệt đối mà chủ đích cũng không phải là những vật thể có thể do ngũ quan nhìn nhận được, như: quyền sở hữu về văn chương, mỹ thuật, kỹ nghệ.
2.1.2: Các quyền lợi về sự vật: Các quyền lợi về sự vật hay vật quyền (droits réels: quyền thực sự), thường chia làm hai dạng: a) các vật quyền chính yếu; b) các vật quyền phụ thuộc.
a) Các vật quyền chính yếu (droits réels principaux: vật quyền chính), đều có một đặc tính chung, chủ đích của các quyền này là sự hưởng dụng trực tiếp các sự vật. Tuy nhiên, phạm vi rộng hẹp của các vật quyền chính yếu là không đồng nhất.
– Quyền sở hữu (droit de propriété) là quyền rộng nhất và cũng là vật quyền điển hình; quyền sở hữu bao gồm tất cả các lợi ích của sự vật. Quyền sở hữu có thể phân tích thành ba quyền: Quyền ứng dụng (usus: sử dụng), nghĩa là quyền dùng tài sản theo ý mình; Quyền thu lợi (fructus: hái quả), nghĩa là quyền thu hoạch các lợi ích hoa quả, và quyền sử phân (abusus: định đoạt), nghĩa là, quyền định đoạt về số phần sự vật ấy hoàn toàn theo ý muốn như cho hay bán cho người khác. Quyền sở hữu có thể đem phân liệt thành các quyền khác như quyền dụng ích và các địa dịch. Quyền dụng ích (usufruit: quyền hưởng dụng) chỉ bao gồm có hai yếu tố của quyền sở hữu: Quyền ứng dụng và quyền thu lợi. Địa dịch (servitude) là quyền sở hữu chủ một bất động sản được vĩnh viễn thừa hưởng một lợi ích gì về một bất động sản khác: như quyền đi qua lại, hay quyền đến lấy nước trên bất động sản ấy.
b) Các vật quyền phụ thuộc (droits réels accessoires) là những vật quyền dùng để bảo đảm cho các trái quyền, hay các món nợ. Các vật quyền này chỉ là phần phụ thuộc của trái quyền. Đây là trường hợp để đương các bất động sản hay quyền cầm cố các động sản để làm bảo đảm cho số tiền mình vay. Đến hạn, nếu người vay không trả được nợ, chủ nợ có quyền xin sai áp và bán bất động sản hay động sản đã để đương hay đã cầm cố để lấy tiền trả nợ cho mình trước khi trả cho những chủ nợ thông thường không có bảo đảm. Quyền xin bán bất động sản, dù vật ấy đã được chuyển dịch qua tay người đệ tam là quyền truy tùy (droits de suite); còn quyền đòi được trả nợ trước các chủ nợ thông thường không có bảo đảm là quyền ưu tiên (droit de préférence).
2.2: Quyền đối nhân: Quyền đối nhân (droits personnels) hay trái quyền (droits de créance) là quyền của người chủ nợ (hay trái chủ) đói người mắc nợ (người phụ trái) thi hành một nghĩa vụ. Nghĩa vụ này có thể là nghĩa vụ chuyển hữu, hoặc nghĩa vụ tác động hay nghãi vụ bất tác động. Do đó, nghĩa vụ có thể định nghĩa là một sợi dây pháp luật (vinculum juris) ràng buộc người phụ trái với trái chủ, bất buộc người phụ trái phải cho, làm, hay không làm một việc gì dưới sự kiểm soát của quốc gia. Như vậy, quyền đối nhân chỉ hành sử đối với người chứ không phải đối với vật. Th1i dụ: Nghĩa vụ chuyển hữu (obligation de donner: nghĩa vụ đưa ra) là nghĩa vụ phải cho, hiểu theo nghĩa rộng như nghĩa vụ phải trả tiền mua. Nghĩa vụ tác động (obligation de faire: nghĩa vụ phải làm) là nghĩa vụ phải làm một việc gì như nghĩa vụ của người chủ cho mướn nhà phải sửa chữa nhà hư hỏng. Nghĩa vụ bất tác động hay bất hành sự (obligation de ne pas faire: nghĩa vụ không làm) là nghãi vụ không được làm một việc gì, như nghĩa vụ của người thuê nhà không được thay đổi dụng đích của nhà mướn. Ngoài những nghĩa vụ được luật pháp quy định, còn một số nhỏ các nghĩa vụ tự nhiên (obligation naturelle) chỉ được án lệ công nhận. Nghĩa vụ tự nhiên khác với nghĩa vụ pháp luật ở chỗ người trái chủ không có cách gì để yêu sách người phụ trái thi hành những nghĩa vụ ấy. Điềm này hoàn toàn tùy thuộc ý muốn của người phụ trái. Song một khi nghãi vụ tự nhiên đã được tự ý người phụ trái thi hành, người này không được xin hoàn lại. Một thí dụ về nghĩa vụ tự nhiên: Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thân thuộc ngoài những trường hợp pháp định: Trường hợp người cha cấp dưỡng cho người con ngoại hôn không được thừa nhận chẳng hạn, không phải là nghĩa vụ pháp định, mà chỉ là một nghĩa vụ tự nhiên. Sau khi đã cấp dưỡng, người cha không thể đòi người con ấy trả lại số tiền đã cấp dưỡng ấy, tuy là đối với luật pháp, sự cấp dưỡng không có tính cách bắt buộc.
3. Sản nghiệp: Toàn thể các quyền lợi và các nghĩa vụ có tính kinh tế của một cá nhân hợp thành sản nghiệp (le patrimoine: di sản) của người ấy. Nói một cách khác, các quyền lợi ngoại sản nghiệp không có trong sản nghiệp. Như vậy, sản nghiệp gồm có hai phần:
a) Phần tích sản: Gồm có các quyền lợi, các trái quyền, các nghãi vụ mà mình có quyền sử dụng hay yêu sách những người khác thi hành;
b) Phần tiêu sản: Gồm các nghĩa vụ mà các người khác có quyền yêu sách mình thi hành.
Theo học lý cổ điển, sản nghiệp được coi là một khối toàn ngạch (une universalité); ở trong khối ấy, các tài sản có thể từng lúc bớt đi, hoặc tăng thêm. Nói một cách cụ thể, sản nghiệp có thể ví như cái bao đựng tiền, lúc đầy, lúc vơi, lúc trống rỗng. Các tài sản trong sản nghiệp có thể chuyển hóa, thay thế cho nhau, như đồng tiền trong túi, lúc thu vào lúc tiêu đi, thay đổi cho đến khi người chủ mệnh một. Lý thuyết này là lý thuyết đại nhiệm đối vật (subrogation réelle: sự thay thế thực sự). Cũng theo thuyết cổ điển, giữa sản nghiệp và người có một dây liên lạc mật thiết. Nói khác đi, sản nghiệp có thể coi là phần tiếp nối của con người để đảm bảo sự thi hành các nghĩa vụ của con người. Quan niệm này có nhiều hệ quả:
1) Sản nghiệp nào cũng bắt buộc có một người đứng làm chủ thể. Không một sản nghiệp nào có thể đứng riêng biệt một mình. Tuy nhiên, học lý cổ điển cũng chấp nhận chủ thể có thể là một thể nhân (personne physique), nghĩa là một người thường, hay một pháp nhân (personne morale: tập đoàn), mà ta sẽ làm quen khi khảo cứu về các chủ thể các quyền lợi.
2) Mỗi người đều phải có một sản nghiệp. Đây là một sự kiện tất nhiên. Trong xã hội, ai cũng có các sự liên lạc, giao tiếp, trao đổi với những người sống bên cạnh mình, do đó, có các quyền lợi và các nghĩa vụ đối với họ. Toàn thể quyền lợi và nghĩa vụ ấy họp thành sản nghiệp của mỗi cá nhân.
3) Mỗi người chỉ có một sản nghiệp. Vốn là phần nối tiếp, thân trương con người, sản nghiệp cũng mượn ở bản thể của con người tính cách đơn nhất. Tất cả các tài sản của một cá nhân chỉ hợp thành một khối toàn ngạch. Do đó, nếu chỉ là chủ nợ thông thường, không ai có thể yêu sách một tài sản nào cho riêng họ. Tất cả các tài sản trong sản nghiệp dùng để trang trải cho tất cả các trái vụ; nếu sản nghiệp không đủ để trang trải nợ, các chủ nợ đều phải chịu thiệt, theo một tỷ lệ ngang nhau. Chỉ có chủ nợ nào có bảo đảm riêng biệt như trường hợp các chủ nợ có quyền để đương hay cầm đồ thế mới được ưu đãi, vì chỉ riêng họ mới được hưởng quyền ưu tiên như ta đã biết.
4) Sản nghiệp dùng để bảo đảm sự thi hành các nghãi vụ và sự trang trải các công nợ. Khi đương sự quá cố, sản nghiệp của họ sẽ lưu truyền cho các người thừa kế, như một khối toàn ngạch, nghĩa là gồm cả tích sản và tiêu sản. Như vậy, các người thừa kế phải trả các món nợ cũ của người chết. Một hệ quả thứ hai là người được hưởng gia tài cũng không thể có hai sản nghiệp. Sản nghiệp của người chết để lại và sản nghiệp của người thừa kế sẽ sáp nhập làm một. Vì lẽ đó, người thừa kế không những phải trả nợ cho người quá cố với phần tích sản của người này để lại; nếu cần, họ còn phải trả nợ với cả phần tích sản của chính họ nữa. Hệ quả này khiến các người thừa kế rất phải thận trọng khi hưởng thừa kế. Nhiều khi họ phải khước từ di sản của người quá cố vì tiêu sản quá nhiều hơn tích sản.
II. SỰ PHÁT SINH RA CÁC QUYỀN LỢI
Khi một quyền lợi được phát sinh, tức là có một nghĩa vụ tương đương đối với một người khác. Tôi có quyền địa dịch, đi lại trên thửa đất của người láng giềng, tức là người này phải chịu nghĩa vụ ấy. Vì vậy nghiên cứu nguyên nhân của quyền lợi tức là nghiên cứu nguyên nhân của nghĩa vụ. Nghĩa vụ và quyền lợi có thể coi như mặt trái và mặt phải của cùng một yếu chỉ pháp lý, như một cái áo với lần lót ở trong. Theo học thuyết cổ truyền, có 5 nguyên nhân phát sinh ra nghĩa vụ. Sự phân loại này mượn ở cổ luật La Mã, và đã được chấp nhận trong dân luật của Pháp và tất cả trong các bộ dân luật chịu ảnh hưởng La tinh. Đây cũng là trường hợp của hai hệ dân luật Bắc và Trung. Năm nguyên nhân phát sinh ra nghĩa vụ ấy là:
1) Khế ước (contrat). Hai hay nhiều cá nhân có thể ký kết với nhau một khế ước, định rõ nghĩa vụ của mỗi người. Như vậy khế ước thuê nhà định rõ nghĩa vụ của người thuê nhà và của chủ nhà.
2) Chuẩn khế ước (quasi contrat): Trong trường hợp này không có khế ước, nhưng một nghĩa vụ được phát sinh cũng gần giống như có khế ước: Trong khi người chủ nhà đi vắng, người láng giềng tự ý săn sóc trông nom hộ. Ở đây không có một khế ước ủy quyền vì không có sự thỏa thuận của hai bên về điểm này; tuy nhiên cũng có một chuẩn khế ước quản lý sự vụ. Trong trường hợp chuẩn khế ước, không có sự thỏa thuận giữa hai bên, nhưng cũng có một sự kiện tình nguyện hợp pháp (ở đây là tình nguyện trông nom hộ): Sự kiện này cũng phát sinh ra các hệ quả pháp luật như trong một khế ước.
3) Dân sự phạm (delit): Ở đây dân sự phạm là một sự kiện bất hợp pháp, cố ý, gây ra một sự thiệt hại, tổn thất cho người khác. Lẽ dĩ nhiên, người gây ra dân sự phạm có nghĩa vụ phải bồi thường cho kẻ phải chịu thiệt hại.
4) Chuẩn dân sự phạm (quasi delit) là một sự kiện bất hợp pháp, không cố ý, nhưng đã gây tổn thất cho người khác, như sự lái xe hơi vô ý cán phải người. Chuẩn dân sự phạm cũng phát sinh ra nghĩa vụ bồi thường.
5) Sau hết, luật pháp trong một số trường hợp đã quy định một số nghĩa vụ, như nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ người giám hộ … những nghĩa vụ này được gọi là nghĩa vụ pháp định.
Ngày nay, học lý, thường phân chia các nghĩa vụ ra làm hai loại:
a) Các hành vi pháp luật (hay còn gọi là hành vi pháp lý)
b) Các sự kiện pháp luật (Hay còn gọi là sự kiện pháp lý).
II.1 Các hành vi pháp luật: Hành vi pháp luật (acte juridique: hành vi pháp lý) là một sự biểu hiện ý chí có mục đích phát sinh ra một hiệu lực pháp luật để thay đổi một tình trạng pháp luật hiện tại. Hành vi pháp luật này có thể là một sự biểu hiện ý chí đơn độc, như lập một chúc thư, hay một sự thỏa thuận của hai hay nhiều ý chí, như trường hợp các khế ước do hai hay nhiều người ký kết. Dù sao, hành vi pháp luật này cũng được ghi trong một chứng thư pháp luật mà Pháp ngữ gọi chung là “acte juridique“. Vì vậy, để phân biệt giữa hành vi pháp luật với chứng thư pháp luật, tiếng Pháp có khi gọi hành vi pháp luật là “acte negotium” và chứng thư pháp luật là “acte instrumentum”.
A. Các điều kiện: Một hành vi cũng như một chứng thư pháp luật muốn có giá trị cần phải hội đủ nhiều điều kiện:
– Trước hết về nội dung, có các điều kiện sau:
1. Phải có một ý chí và ý chí ấy phải hữu hiệu. Như vậy, nếu người điên ký một khế ước, tất nhiên khế ước ấy không có giá trị vì người điên không có ý chí. Muốn có giá trị, ý chí phải không bị hà tì hay tỳ ố (vết tích). Ở trong luật, có dự liệu ba hà tì làm cho ý chí vô hiệu: lầm lẫn, cưỡng bách và khi trá (sự gian dối, đánh lừa).
2. Phải có đủ năng lực ký kết. Trong luật có chỉ định những hạng người vô năng lực, không có quyền làm các hành vi pháp luật, như trẻ vị thành niên, người đàn bà có chồng v.v… (Chế độ vô năng lực của người đàn bà có chồng đã được bãi bỏ).
3. Hành vi phải có chủ đích (objet). Nhiều khi hành vi có hai chủ đích song hợp, như trong khế ước mua bán, chủ đích là đồ bán và giá mua.
4. Nguyên nhân (la cause) – Đây là một yếu tố rất phức tạp của hành vi pháp luật mà một phần học lý muốn phân biệt với động lực (mobile) hay lý do (motif) xui đẩy người ta làm hành vi ấy;
5. Ngoài ra hành vi pháp luật không thể trái với trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục. Thí dụ: Không thể ký kết khế ước chung vốn làm nghề mãi dâm.
– Về hình thức: Theo nguyên tắc, các hành vi pháp luật không phải chịu một điều kiện hình thức nào cả. Sự biểu hiện ý chí của đương sự tự nó có giá trị, và ý chí có thể mượn bất luận hình thức nào để biểu lộ. Đây là nguyên tắc hiệp ý (principe du consensualisme: nguyên tắc đồng thuận). Tuy nhiên, cũng có vài biệt lệ, bắt buộc các chứng thư pháp luật phải làm theo thể thức do pháp luật đã ấn định; Thí dụ: phải làm trước mặt chưởng khế. Đây là trường hợp các chứng thư trọng thức (actes solennels: hành động long trọng), một di tích của hình thức chủ nghĩa. Mục đích của “hình thức chủ nghĩa” (formalisme: chủ nghĩa hình thức) trong cổ luật La Mã là làm cho hành vi pháp luật có hiệu lực ở vào một thời kỳ mà riêng ý chí chưa được nhà làm luật coi là đã có hiệu lực để ràng buộc các đương sự trước mặt pháp luật. Nhưng ngày nay, với sự công nhận nguyên tắc hiệp ý, hình thức chủ nghãi không còn giữ vai trò quan trọng cũ. Nhiệm vụ hiện tại của hình thức chủ nghĩa tóm tắt trong 4 điểm:
1. Các hình thức trọng thể được ấn định cho một số hành vi quan trọng, cốt để cho các đương sự chú trọng đặc biệt đến việc mình sắp làm như chứng thư giá thú, chứng thư nghãi dưỡng, hay chứng thư nhìn nhận con phải làm trước mặt hộ lại …
2. Các hình thức chứng cứ: _ Những hình thứ này không cần cho giá trị của hành vi hay chứng thư pháp luật, mà chỉ cần cho sự dẫn chứng trước pháp luật. Nếu xảy ra sự kiện, người nào muốn đòi thi hành quyền lợi của mình phải dẫn chứng quyền lợi ấy. Hiện nay, đối với các chứng thư, pháp luật không công nhận sự tự do dẫn chứng và chỉ chấp nhận có hai cách: sự dẫn chứng bằng văn thư và sự thú nhận của đương sự. Vì vậy, nếu không có chứng thư, tuy hành vi không vô giá trị, song khi cần dẫn chứng trước tòa, đương sự sẽ vô kế khả thi, trừ khi đối phương tự ý nhìn nhận thì không kể.
3. Các hình thức cấp tư năng: _ Đối với những người vô tư cách, luật quy định thể thức cấp cho họ tư năng để có thể làm cho các hành vi pháp luật. thí dụ người đàn bà có chồng cần phải được chồng cho phép thì khế ước ký kết mới có giá trị.
4. Các hình thức công bố: _ Trong nhiều trường hợp, hành vi pháp luật liên quan đến quyền lợi của người đệ tam. Thí dụ: Trong sự bán nhà đất, có thể là một người đem bán lén lút nhà đất của một người khác. Hoặc giả một cái nhà mà đem bán cho hai người khác nhau. Để tránh sự gian lận đáng tiếc, việc mua bán nhà đất cần phải được công bố cho mọi người biết, để các người quan thiết lâm thời có thể phản kháng. Sự bán nhà đất chỉ có hiệu lực với người đệ tam kể từ ngày đăng ký ở sở quản lý điền thổ. Nếu một người bán một ngôi nhà cho hai người khác nhau, người mua nào đăng ký trước, sẽ được coi là đã hoạch đắc hợp pháp quyền sở hữu của ngôi nhà. Người mua sau không có quyền về ngôi nhà ấy.
Trong trường hợp các hành vi và chứng thư pháp luật không có đủ điều kiện về hình thức hay nội dung nói trên thì sẽ có các sự chế tài do luật định. Có ba loại chế tài nặng nhẹ khác nhau:
1) Nếu hành vi hay chứng thư thiếu hẳn một yếu tố cần thiết như ý chí, chủ đích chẳng hạn, thì hành vi hay chứng thư có tính cách hư không hay hư vô (acte inexistant: hành động không tồn tại); vì người ta không thể quan niệm rằng thiếu các yếu tố ấy, mà những hành vi này có thể có được. Thí dụ: Khế ước do một người điên ký kết là thiếu hẳn ý chí; giá thú giữa hai người đàn ông là thiếu chủ đích. Hai trường hợp này là trường hợp chứng thư hư không. Nói cách khác, trong những trường hợp ấy, thật ra không có chứng thư; họ toan tính làm một chứng thư nhưng không thành vì thiếu yếu tố. Như vậy, chứng thư hư vô không thể đem đối dụng với ai. Không cần phải kiện tụng để tòa tuyên bố sự vô hiệu. Không có một sự kiện gì (dầu là thời gian hay sự thỏa thuận của đương sự) có thể xác nhận được chứng thư hay hành vi hư không. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, tất cả học lý không chấp nhận chế tài này, và phần lớn các luật gia chỉ coi trường hợp hư không như một trường hợp vô hiệu tuyệt đối.
2) Sự vô hiệu tuyệt đối _ Các chứng thư sẽ vô hiệu tuyệt đối khi nào can phạm vào trật tự công cộng, hoặc giả đối với một phần học lý không công nhận thuyết hư không, khi thiếu hẳn một thành tố thiết yếu. Khác với sự hư không, ở đây vì có một chứng thư nên cần phải có một bản án tuyên bố rõ ràng sự vô hiệu. Vì có tính cách tuyệt đối, loại vô hiệu này có thể do tất cả mọi người quan thiết xin tiêu hủy; Sự vô hiệu cũng không thể do ý chí của đương sự mà được xác nhận. Tuy nhiên, nếu không ai xin tiêu hủy trong thời gian 30 năm ở Nam Phần, 20 năm ở Bắc Phần và 10 năm ở Trung Phần, thì sau này không ai còn khởi kiện được nữa.
3) Sự vô hiệu tương đối: Là sự chế tài nhẹ nhất được luật pháp trù liệu, trong các trường hợp ý chí của đương sự bị hà tì, hay đương sự vô năng lực, hoặc bị thiệt thòi. Sự vô hiệu tương đối còn gọi là sự vô hiệu bảo vệ, vì có mục đích che chở đương sự hơn là duy trì trật tự công cộng. Vì vậy, chỉ riêng đương sự được luật bảo vệ (trường hợp một người bị ý chí hà tì: lầm lẫn, cưỡng bách, trái khi) mới có quyền nại sự vô hiệu tương đối. Cũng vì lẽ ấy, nếu đương sự ưng thuận, hành vi sẽ được xác nhận. Về phương diện thời hiệu, trong dân luật Pháp, mà án lệ ở Việt Nam hiện thường áp dụng, đương sự không thể khởi kiện sau 10 năm, ngắn hơn thời hiệu thông luật, vì nhà làm luật cho rằng sự yên lặng trong hạn 10 năm có thể có nghĩa như một sự xác nhận mặc nhiên.
Dù tuyệt đối hay tương đối, sự vô hiệu cũng có hiệu quả tiêu hủy hoàn toàn chứng thư, không những đối với thời kỳ hậu lai, mà còn cả đối với thời kỳ quá khứ. Nói khác đi, hành vi hay chứng thư bị tiêu hủy có thể coi như không hề bao giờ có, và coi như không hề phát sinh ra một hiệu lực nào.
B. Các hiệu lực của các hành vi hay chứng thư pháp luật: Hiện nay, ở hầu khắp các nước tân tiến trên thế giới, dân luật đều có một căn bản tự do và tôn trọng cá nhân, cho nên, các hiệu lực của hành vi hay chứng thư pháp luật do ba quy tắc sau đây chi phối, nêu cao địa vị quan trọng của nguyên tắc ý chí tự do (principe d’autonomie de la volonté: nguyên tắc tự chủ ý chí):
1) Các đương sự có thể quy định các hiệu lực của hành vi pháp luật của họ theo đúng ý họ muốn, trừ trường hợp trái với thuần phong mỹ tục và trật tự công cộng.
2) Ý chí của đương sự được coi như tối thượng. Ý chí ấy được coi như có giá trị của luật pháp giữa các đương sự, khiến thẩm phán cũng phải tôn trọng, chỉ có các đương sự mới thay đổi được các ý chí ấy.
3) Hành vi hay chứng thư pháp luật chỉ có hiệu lực đối với các đương sự đã làm ra hành vi hay chứng thư ấy, chứ không thể có hại hay có lợi cho người khác.
Sự thực, nếu đi vào chi tiết, ba quy tắc trên đây đều có nhiều biệt lệ. Song đại để, đối với các hành vi pháp luật dựa trên ý chí của đương sự, ý chí này có một địa vị rất quan trọng.
II.2. Các sự kiện pháp luật: Khác hẳn với hành vi pháp luật, sự kiện pháp luật không căn cứ vào ý chí của đương sự muốn thay đổi phối hệ pháp luật, hay muốn phát sinh ra hiệu lực pháp luật. Các sự kiện pháp luật có thể là một biến cố hoàn toàn không thuộc ý chí của đương sự, hay nếu có do ý chí của đương sự làm ra, cũng hoàn toàn ngoài mục đích muốn phát sinh ra hiệu lực pháp luật. Thí dụ:
1) Biến cố tuy không thuộc ý chí của đương sự, nhưng cũng có hiệu lực pháp luật: Một người chết đi tất nhiên thừa kế sẽ phát sinh; tai nạn xe hơi vô ý cán người, tất nhiên sẽ đặt ra vấn đề bồi thường cho nạn nhân.
2) Sự thay đổi cư sở là một sự kiện pháp luật liên quan đến ý chí đương sự, song trong sự kiện ấy, đương sự không tìm kiếm thay đổi phối hệ pháp luật. Tuy nhiên, do sự thay đổi cư sở sang một tỉnh khác, dù không chủ ý, đương sự cũng có thể thuộc thẩm quyền của một tòa án khác. Sự thay đổi cư sở này còn đem lại nhiều hiệu lực pháp luật khác mà luật pháp đã ràng buộc với cư sở.
So với hành vi pháp luật, phạm vi của các sự kiện pháp luật cũng không kém phần quan trọng. Phàm tất cả các hành động nào của ta gây tổn thất cho một người đệ tam, dù hành động ấy có do ý chí của ta mà xuất phát hay không, đều đặt ra vấn đề trách nhiệm và bồi thường, vửa rộng rãi vừa phức tạp. Đây là tất cả những trường hợp mà theo danh từ cổ điển, người ta thường gọi là dân sự phạm hay chuẩn dân sự phạm.
Để kết luận, mỗi khi do hành vi hay sự kiện pháp luật phát sinh ra một nghĩa vụ pháp luật, nghĩa vụ ấy phải đem đối chiếu với một quyền lợi tương đương. Người phải làm nghĩa vụ là người phụ trái, mà người được hưởng quyền lợi là người trái chủ, hiểu theo nghĩa rộng. Như vậy, sau khi xét các nguyên nhân phát sinh ra quyền lợi và nghĩa vụ, cần phải nghiên cứu vấn đề thực hiện các quyền lợi ấy, nghĩa là vấn đề đòi thi hành các nghĩa vụ./.
Bình luận